T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Cây gậy tre rút đất

clip_image002

 Tranh : Trần Thanh Châu

Ở núi Xuân Đài, xã Thọ Vực, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, về phía sông Mã có động Hồ Công. Trong động có hai tượng đá, Liệt tiên truyện ghi chép rằng:

Khỏang đời Tây Hán, năm 206 trước công nguyên có ông Hồ Công, hằng ngày bán thuốc ở chợ có đeo cái bầu bên hông. Cái bầu to bằng nửa đấu rượu, vậy mà thu chứa cả trời đất, có cả mặt trời mặt trăng, tối đến Hồ Công chui vào cái bầu ấy mà ngủ.

Thằng bé Phí Trường Phòng là người hàng ngày hầu rượu cho Hồ Công, một hôm xin cho vào cái bầu thử một lần xem sao? Hồ Công bằng lòng đưa họ Phí vào, thấy trong bầu có kẻ hầu người hạ tấp nập, như cảnh thần tiên, họ Phí ngạc nhiên:

– Không ngờ nơi đây có riêng một cõi càn khôn.

Hồ Công bèn đáp:

– Ta là tiên giáng trần bị đầy, nên tạm ngụ ở đây.

Họ Phí xin Hồ Công cho học đạo tiên và được dẫn vào hang động tu luyện. Khi tạm biệt, Hồ Công trao cho Phí Trường Phòng một cây gậy tre rút đất, có phép thâu ngắn đường đi. Từ đó, Phí Trường Phòng xách gậy, rày đây mai đó, công danh phú qúy gác bỏ ngòai tai. Hàng ngày thường la cà bên quán rượu, nhân đó quen một anh lính thú, anh này thường trút túi đãi rượu họ Phí và đồ nhắm thì ê hề là thịt chó…với thịt chó.

Một hôm, họ Phí thấy anh lính thở dài thườn thượt, mới hỏi cớ sự. Anh lính thú than thở là đã mấy năm rồi, chưa được về thăm quê nhà. Phí Trường Phòng vui vẻ nói:

– Tưởng việc gì khó, để ta giúp cho, đêm nay về thăm nhà, sáng mai trở lại.

Anh lính thú ngạc nhiên:

– Từ đây về quê tôi, đường xa vạn dặm đi mất cả tháng trời, sao mai trở lại được.

Họ Phí cười, trấn an và bảo:

– Ta có phép mọn của tiên, trước đến nay, ta vốn chịu ơn hậu đãi, nay muốn trả ơn.

Đọan bảo anh lính ngồi lên cây gậy và nhắm mắt lại, chừng nghe hết gió thổi hãy mở mắt ra. Anh lính vừa trèo lên cây gậy thì gió thổi ù ù, thóang chốc gió lặng, mở mắt là về đến quê, cả nhà mừng tủi. Sáng hôm sau, anh lính lại lên gậy trở về biên thú.

Ít lâu sau, họ Phí xách cây gậy tre hóa rồng bay đi mất. Từ đó người ta không tìm thấy bóng dáng Phí Trường Phòng đâu nữa.

Trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn có câu: “Hận vô Trường Phòng xúc địa thuật”, mà Bà Đòan Thị Điểm diễn nôm là: Gậy rút đất dễ khôn học chước.

Vua Lê Thánh Tôn đời Hậu Lê (1428-1788) làm bài thơ về Phí Trường Phòng:

Cuộc thế công danh mơ tưởng hão

Bầu rượu phong nguyệt thú vô cùng

Muốn cưỡi gió lên chơi đỉnh núi

Trông mây trông nước tít từng không

Phí Trường Phòng với xúc địa thuật, hay “Cây gậy tre rút đất” là do tích trên…

***

Phí lão ông là người quên cả họ và tên, quan tước, làng mạc, hồ đồ mình không biết mình là ai nữa. Đó là về năm Mậu Thìn (1868), tháng Mạnh Xuân, niên hiệu Hồng Nhậm Tự Đức thứ 21, làm quan ba mươi tư năm, lui về đất Vân Hà mà ở ẩn.

Chốn tây viên có ao sen, dăm bụi trúc, nhà năm gian ba trái. Tuổi mới chớm già, chưa đến nỗi lẩm cẩm. Tính thích rượu, thơ phú. Ngoài sự đó, đem lòng mộ đạo Bụt theo phái Tào động vì rằng: Như Bụt đã dậy, người ta say vì…uống rượu. Nên cùng với thiền sư núi Ngộ Không làm bạn “Vô môn quan”, với Cao Bá Đạt làm bạn sơn thủy, với Nguyễn Văn Siêu làm bạn thơ, với Cao Bá Quát làm bạn rượu. Mỗi khi gặp nhau thì vui vẻ và tự về nhà.

Uống say, nghiêng ngả, tự về nhà.
Một dải sông mờ phía xa xa.
Xuống ao khẽ hỏi bông sen đỏ :
“Liệu có đỏ bằng mặt của ta?”

(Cao Bá Quát)

Mỗi khi bạn bè đến chơi, tất cả là bạn hồ tửu, thơ rượu thích chí rồi vớ lấy đàn gảy khúc Lương Châu từ của Vương Hàn, nếu vui nữa thì tấu khúc Thú nhàn của Cao Bá Quát. Nếu buồn thì sai con hát hát khúc Nguyệt hạ độc chước của Lý Bạch đến say khướt mới thôi. Khi hứng ngồi song loan chơi chốn đô ấp. Mang theo cây đàn, hai hồ rượu, vài quyển thơ của Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, tìm nơi có sông núi, ôm đàn dốc bầu, hết vui rồi trở về. Khi đó ngâm thơ ước hơn nghìn bài, ngày nấu rượu ước trăm hộc.

Vợ thấy uống nhiều quá nên ngăn can. Bèn nói: “Nếu ta hám lợi, lại một phen nhọc nhằn vào kinh, lăn lộn trong chốn đô hội, phụ tình hoa cỏ chốn non xưa. Thưở hàn vi mài gươm đọc sách, mười năm trôi giạt đồ thư nửa gánh, gươm đàn một bao chẳng nên một việc gì. Bằng một sớm lại vương vào cái hư danh để mua lấy vạ làm hại cho bản thân! Nay ta không hám sự ấy, chỉ thích chí ở trong cuộc rượu câu thơ, phóng túng thì phóng túng thực, nhưng có hại gì. Bởi thế Tô Đông Pha được vợ tiến tửu, Lưu Linh thấy vợ nói mà không nghe, Kim Thánh Thán uống rượu say mà không về là vậy.

Đoạn đem vợ vào buồng. Ngỡ…ủng oẳng với nhau hóa ra để bàn cách nấu rượu. Đang ngồi xổm, đột nhiên ngửng mặt lên hú một tiếng dài mà than rằng: Ta sinh ra ở trong trời đất, tài và hạnh kém cổ nhân xa, song thọ hơn Nhan Uyên, no hơn Bá Di, vui hơn Vịnh Khải Kỳ, may lắm thay, ta còn cầu gì nữa. Nếu bỏ cái nhân sinh quý thích chí của ta thì còn gì ra cái hồn người, lấy gì mà mua vui lúc tuổi già cám cảnh đây!.

Than xong, chẳng bận lòng, ra chum tắm. Vào nhà khăn đóng áo dài, đứng trước bàn thờ có hai “cái ấy ấy”, hai câu đối liễn, bài vị, và xì xụp lạy bức tranh truyền thần.

Bài vị ghi: Lưu Linh, người đời Tấn (210-270), quê Từ Châu, phủ Giang Tô, là một trong “Trúc Lâm thất hiền”. Khi Lưu Linh mất có một thiền sư mai danh ẩn tích khắc thơ trên mộ bia.

Rồi Phí lão nhắc vò rót rượu, uống vài chén cho say tít cù lỳ. Say rồi lại tỉnh, tỉnh rồi lại ngâm, ngâm rồi lại uống, uống rồi lại say, say với ngâm cứ lần lượt mà theo nhau. Bởi thế mà coi cuộc đời như giấc mộng, coi phú quý như đám mây bay, màn trời chiếu đất, chớp mắt trăm năm, lúc nào cũng li bì mờ mịt, không biết cái già nó đã theo đến hồi nào chẳng hay. Bấy giờ là ngày 12 tháng ấy, buổi ấy ánh sáng xuân sáng dịu, hoa cỏ đua tươi, trước vườn có vài ba cây trổ hoa. Phí lão tuổi Giáp Thân, nay sáu mươi chín, râu đã bạc, đầu hói nửa mảng, răng khuyết bốn chiếc, mà cái vui trong tửu lượng vẫn chưa suy.

Bèn ngoảnh lại bảo vợ:

Thì như bà biết đấy, ta xưa nay chuyên lo mài giũa ngôn từ, chuyên công làm văn, tuổi xanh làm phú, đầu bạc tụng kinh. Ta và bà từ nay về trước sướng rồi, còn ta và bà từ nay về sau chưa biết vui như thế nào nữa! Thịt chó ta ăn đã mòn răng, mà ăn cái giống ấy ta lại hay…ủng oẳng với bà.

Nay bà làm cho ta đĩa tiết canh vịt được chăng?.

***

Thế là bà cung cúc đi bắt vịt, một lúc sau, thấy bà nhập nhoạng bên bờ ao. Phí lão ông tay chống gậy trúc khua cua, tay cầm bát chiết yêu để hãm tiết ra phụ bà cắt cổ vịt. Trong bát chiết yêu, như mọi lần Phí ông đã pha nếm ba thìa nước với hai thìa nước mắm. Tiện nội Phí ông dùng dao cau thật sắc thường để bổ cau để cắt cánh vịt. Bà hứng tiết vào bát chiết yêu, để cho tiết khỏi bị đông bằng cách dùng đũa khuấy thật nhẹ nhàng. Vừa khuấy bà vừa lâm râm như khấn vái: “Bà báo đời cho mày biết, vịt nhỡ nhỡ cỡ mày, bà phải cắt cánh mới có tiết. Gặp vịt già cốc đế cỡ ông nhà mày thì bà…cắt cổ”. Rồi vào bếp luộc vịt, nhặt lông…

Đang đứng đợi nước sôi, hốt nhiên bà sai: “Ông lấy dùm “cái ấy” đi”. Phí lão ông lên nhà lấy cái nhíp mang xuống vừa lúc bà nhổ lông vịt xong. Bà nhăn nhúm: “Giờ ạ! Cái này để nhổ lông măng, lông tơ vịt già. Còn vịt non thì dùng “cái ấy”…ấy”. Phí lão ông lại thủng thẳng lên phòng thờ tự lấy “cái ấy ấy”. Bà hơ lửa “cái ấy ấy” đủ nóng. Vừa lăn lăn “cái ấy ấy” trên thân con vịt làm sạch mớ lông còn sót lại và vừa nói chuyện với…Phí ông thì phải: “Ông trước kia còn răng cỏ, làm nhân cổ vịt còn nhai được. Còn bây giờ chọm chẹm rồi, tay làm hàm nhai thì nhân tiết canh cứ theo các cụ mình mà làm”.

Phí ông chắp tay sau đít im thin thít như cái năm động giời ấy và thở dài đánh sượt một cái hồi tưởng lại chuyện cũ:

“…Chuyện là nhằm vào cái năm thi Hương ở Trấn Kinh Bắc, nếu qua được cả ba kỳ được gọi là Cống sĩ. Phí lão ông xuống Thăng Long xin sâm. Tới Hồ Gươm, nơi ấy có một hòn đảo nhỏ gọi Ngọc Sơn Từ (nay là Đền Ngọc Sơn), ở đấy có điện Văn Xương đế quân, nơi các nho sĩ thường tới xin sâm trước khi đi thi. Phí lão ông gặp…một bà thầy bói. Bà dậy rằng: “Văn Xương đế quân linh hiển báo ứng không sai, nay mai Thầy tiến kinh nếu có thỉnh nguyện điều chi, Thầy lạy “Bà” hai lạy”. Phí ông đáp rằng:”Phàm làm người tất cầu điều đắc, há có ai cầu điều thất. Lòng ta vốn nguyện đắc thì còn gì mà cầu nữa. Nên ta không lạy”. “Bà” nghe vậy hơi mỉm cười.

Năm ấy trường thi ra đề mục thi viết bốn chữ. Bỗng không Phí ông ngồi trong lều mà cứ tơ tưởng đến Hồ Gươm với miếu Văn Xương đế quân. Nên văn bài như sau:

“Xuất kỳ Đông môn, Tây Tử bất lai. Xuất kỳ Nam môn, Tây Tử bất lai. Xuất kỳ Tây môn, Tây Tử bất lai. Xuất kỳ Bắc môn, Tây Tử bất lai. Tây Tử lai hồ?. Tây Tử lai hồ?…”.

***

Đang lõm ngõm với quá khứ, bà lại sai Phí ông lấy cái đĩa đựng nhân tiết canh. Mang ra bà dĩu môi, miệng nhấm nhẳng là cái đĩa nông choèn, ai ăn ai đừng. Loáy nhoáy một lúc trong chạn bát, mới lôi ra được cái đĩa sâu hoăm hoắm. Ngỡ xong, bà lại nhờ ông múc cho bà bát nước dùng vịt luộc óng ánh những áng mỡ vàng ngậy để lát nữa hòa với bát chiết yêu hãm tiết. Rồi sau đó chan vào đĩa nhân tiết canh là…xong.

Bây giờ Phí lão ông mới động giời, động thổ về trường thi với văn bài bốn chữ khi xưa:

“…Câu ấy nghĩa là: “Đi ra cửa Đông, Tây Thi không đến. Đi ra cửa Nam, Tây Thi không đến. Đi ra cửa Tây, Tây Thi không đến. Đi ra cửa Bắc, Tây Thi không đến. Nàng có đến không?. Nàng có đến không?”. Khảo quan chấm thi đọc thống khoái quá thể, liền hạ bút phê: “Trí chi nhất đẳng, vô thị lý dã. Trí chi nhị đẳng, vô thị lý dã. Trí chi tam đẳng, vô thị lý dã. Trí chi tứ đẳng, vô thị lý dã. Tú tài khứ hĩ. Tú tài khứ hĩ ”. Nghĩa là: “Xếp bài hạng nhất, thật là vô lý. Xếp bài hạng nhì, thật là vô lý. Xếp bài hạng ba, thật là vô lý. Xếp bài hạng tư, thật là vô lý. Tú tài trượt rồi. Tú tài trượt rồi…”.

Năm ấy Phí ông…trượt rồi, năm sau trở lại để…tế sống “bà” hai lạy. Chợt nhìn dưới hồ có rùa, vịt đang bơi, bèn hỏi bỡn bà có biết làm tiết canh vịt chăng? Bà nghe vậy lại…hơi mỉm cười và hơi…gật đầu. Nhân lúc quẩn trí, Phí ông cũng gật đầu lấy…bà.

Của đáng tội được cái bà lành như lá, chỉ tội vạ cái nước ngồi là nói đổng. Y như rằng, vừa ngồi xuống, một chân bó gối trên chõng tre, một chân thòng xuống sàn đất là: “Các cụ ta dậy muốn đĩa tiết canh đông có thể đem xỏ lạt treo lên được, nên bà phải băm…mày thật nhỏ thịt đùi, lòng, mề, gan dàn đều vào đĩa cho mịn để…ông Cống nhà mày sơi. Sụn xương, sụn lườn băm càng nhỏ thì tiết canh ăn sần sật mới ngon. Chứ ai lại dùng thịt đùi nạc thì ăn ngập răng như bánh đúc ấy. Hay nhân tiết canh chỉ lòng, mề không thôi thì dai nhanh nhách. Thì chỉ tổ ông Cống nhà mày được thể lại nhiếc cho là các mụ vợ già nhà ta giống miếng thịt vịt già luộc dối, đã hoi lại dai như chão ấy”.

Ôn cố tri tân một mẻ xong, Phí lão ông bỏ lên nhà trên uống trà. Quay lại không thấy ông, bà lề mề với cái mề vịt: “Mày không biết chứ nhân tâm nan mô áp đồn nan bác là tâm người khó rờ, mề vịt khó lột. Ấy là bà học lóm ông Cống nhà mày đấy”.

Sau đấy, bà nói đay với con vịt đã tan tác đâu vào đó: “Bà theo đạo Bụt, bà không sát sinh nhưng bà…phóng sinh mày để ông Cống nhà mày nhắm rươu. Mày không biết ấy chứ…Chứ nhân tiết canh từ miếng nạc cắt ra ở đùi ngon một kiểu, miếng thịt sắt ra ở tim gan phổi phèo lại ngon một cách khác, miếng mề dai dai thì lại là chuyện…khác nữa”. Đổi thế ngồi cho ngay ngắn đĩnh đạc, nghĩ ngợi một lát, bà nhởn nha…đổi qua ông: “Không nói ông cũng biết thừa bứa là đĩa tiết canh chả thiếu hành nướng chín, lá chanh thái nhỏ, một chút rau húng thái chỉ, đi với gan, mề để tăng độ bùi ấy mà”. Vén cái khăn vành dây lại, bà lập rập: “Tiết canh đông rồi, tiếp là giã lạc rang nhỏ có, to có để rắc đều lên trên đĩa tiết canh, thêm rau húng chó, mùi tàu, và vài lát gan thái mỏng”.

Đầy đủ mùi tàu, húng chó rồi, bà với tay quơ chai nước mắm. Biết ông Cống của bà không còn ở bếp nữa, bà rù rì tiếp với…bát nước mắm: “Chứ lại món nước mắm tỏi cũng nhiêu khê lắm đấy nhá. Mà trăm hay không bằng tay quen, vì tỏi phải giã nhừ, thêm tí chanh, đường, ớt. Bà chỉ quơ dăm vòng đũa là bát mắm tỏi nổi bùng lên ngay, dậy thơm ngào ngạt...Ấy là ông Cống mày nói thế đấy, chứ bà có nói năng gì đâu”.

Cũng vừa lúc đánh xong một giấc ngủ ngày, Phí lão ông mò vào bếp. Quay lại thấy Phí ông, bà đứng lên và tặc lưỡi: “Giời ạ, ăn thịt vịt luộc mà uống rượu cất ở nhà thì phí của giời, nhạt thèo lèo như nước ốc ao bèo ấy”. Khi không bà hóng hớt: “Giời đất ạ, quên bu nó mất bánh đa nướng! Hay là ông chịu khó đi mua bánh đa, nhân tiện mua luôn rượu nhá”. Và chép miệng: “Thảng như nhà có khách, thửa con vịt cỏ làng Vân ăn cỏ mới thơm thịt. Chứ như cái giống vịt ruộng, vịt nhà hôi lắm. À mà là thế này nhá, có một mình, ông mua rượu gạo tẻ cũng ngon ra phết. Mai kia nhà có khách hãy mua rượu nếp cái hoa vàng”. Vừa quay lưng, bà dặn với: “Đang bận tay, nhờ ông tí nhá. Nhá…”.

Rồi bà…phủi tay đi lên nhà trên thắp hoa quả để tụng kinh sám hối vì…sát sinh.

***

Từ chuyện tiện nội lo toan tươm tất về khoản rượu, chăn dắt Phí ông như…chăn vịt. Bất giác Phí lão ông nháo nhác đến câu phu thê là nghĩa tao khang. “Tao” là…tao, là chồng, là…“bã rượu”. ”Khang” là…vợ, là…”cám gạo”. Thế thì tiện nội lấy Phí ông thì… thì đúng là…phí của giời, thì chỉ có nước ăn cám. Để rồi bỗng nhiên Phí lão ông thống khoái chi đâu với một trong 33 thống khoái của Kim Thánh Thán người đất Giang Tô:

Một ông bạn cách biệt mười năm, chiều tối bỗng tới nhà. Mở cửa, vái nhau xong, chưa kịp hỏi han bạn đi bằng thuyền hay đường bộ, cũng chưa kịp mời bạn ngồi ở giường hay ở ghế, vội vào trong bếp, hỏi nhỏ vợ: “Bà có sẵn vò rượu như bà Tô Đông Pha không?”. Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đổi rượu. Tính ra đãi bạn được ba ngày. Chẳng cũng khoái ư?

Nghĩ thêm vừa rồi trước bàn thờ Túy thánh Lưu Linh, Phí lão vừa thầm cúng tiên thánh, tiên hiền mong có hảo tửu bằng hữu để phùng trường tác hí náo nhiệt một phen. Trộm nghĩ cỏ hoa lạc lối là “Bằng hữu mãn thiên hạ tri kỷ năng kỳ nhân”, tạm cho là bạn bè khắp thiên hạ thì tri kỷ dễ có mấy tay. Nhân lúc nghĩ thêm, bất giác mừng rỡ, mặt mày hớn hở. Thế là Phí lão ông xách cây gậy chống trời ra cửa, thọc cây gậy trúc khua cua giữa hai háng rồi bay lên tận giời, và bay qua sang…Tàu đi tìm…Kim Thánh Thán.

 

***

Chỉ mấy khắc sau đến giờ Tỵ là đáp xuống thổ ngơi bản địa của Kim Thánh Thán là thị trấn Trường Châu, thuộc phủ Giang Tô,. Phí lão ông nhủ thầm hóa ra Kim Thánh Thán cùng đất Giang Tô với Lưu Linh hay sao đây? Từ lộ phủ vào thị trấn bên đàng, nhòm thấy một lữ quán sơn đỏ, treo đèn bão đỏ ngỡ xóm yên hoa nên Phí lão ông ngần ngừ. Nhưng thấy điếm quán tên Diêm la vương khai tửu, nghe lạ nên bước tới. Nhòm yết bảng treo cạnh cửa viết lằng ngoằng tên những danh tửu như Thiên hạ đệ nhất Ô Trình tửu, Cam Tuyền giai nhưỡng tửu, Thiệu Hưng hắc tửu, v…v…bèn bước vào.

Phí lão ông đảo mắt như lạc rang tìm kiếm, chợt thấy một đại nhân ngồi bên bàn rượu, trước mặt là một thùng gỗ đen, một cái bánh bao. Vừa lúc đại nhân ngâm nga đầy hào sảng: “Đang uống rượu, trời chuyển lạnh dữ, đẩy cửa sổ nhìn ra thấy những nấm tuyết lớn phủ mặt đất tới ba bốn tấc. Chẳng cũng khoái ư?”. Gặp lúc mây chiều gió sớm, Phí lão ông biết ngay câu nói ấy là một trong “33 thống khoái của Kim Thánh Thán” đây.

Nhòm kỹ đại nhân tóc dài ngang lưng, râu ngô khô quéo. Phí lão ông như thị ngã văn rằng: “Người ngó chừng hình mạo nham cổ, ắt có cái hiểu biết hơn người, chỉ tiếc khi gặp thì hơi muộn, làm sao học hết được cái văn kiến súc tích của người ta”.

Với thuyết chính danh của đạo Khổng, Phí lão ông bước tới thủ lễ, nhưng không dám vấn danh vì ngại chẳng đồng canh, đồng tuế. Phí lão ông bèn xá một xá:

– Tại hạ họ Phí, tên…

Đại nhân nhăn mặt, khoát tay:

– Danh bất chính ngôn bất thuận! Xá gì cái tên.

Nghe lạ quá thể, nên Phí lão ông rất…danh chính ngôn thuận:

- Tại hạ người xứ An Nam, có những bất khả tư nghị bấy lâu, nay bạo gan lộng thiên hí địa muốn kiến ngã nhẽ ấy…

Đại nhân nhíu mày:

- Bất sĩ hạ vấn.

Nghe vậy, Phí lão ông…bất giác mừng vui vì chẳng sĩ hão gì mà không hỏi. Bèn hỏi:

- Nay có biện chứng rằng phải chăng xưa kia vào đời nhà Thanh, khi thọ hình, đại nhân thở dài: “Chém đầu thì đau đớn lắm, tịch biên thì thê thảm lắm, thế mà ngờ đâu Thánh Thán này lại gặp cảnh này, kỳ lạ lắm thay!”. Rồi cười mà chịu chết”.

Phí lão ông chợt nhớ đại nhân đây là ngự sử văn đàn qua Lục tài tử thư, phê bình từ Sử ký của Tư Mã Thiên, đến Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân... Nên Phí lão ông nồng nã:

- Phải chăng trước khi thọ hình, đại nhân nhờ ngục tốt đưa thư dặn dò vợ con?

Tay phe phẩy quạt, gật đầu tắp lự:

- Thư gì vậy, Phí quân thuật cho bản chức hay được chăng?

Phí lão ông nghĩ thấy lạ, nhưng cũng giựt giọc với…thư rằng:

- Hỡi con: “Dưa muối mà ăn với đậu vàng thì có vị như hồ đào, nếu phép này mà được lưu truyền thì ta còn hận chi nữa!”.

Gấp cái quạt lại và làm như nghĩ ngợi lung lắm, đại nhân đáp:

- Ừ thì cứ cho thư ấy của bản chức đi. Còn gì hỏi nữa chăng? Tứ hải giai huynh đệ, Phí quân cứ bình tâm thông tỏ mọi chuyện.

Vậy đúng là Kim Thánh Thán rồi. Được cởi như mở tấm lòng, Phí lão ông dóng dả:

– Chuyện là tại hạ có món thổ địa ngon hơn bánh bao nhân thịt trâu đang ở trên bàn kia. Hoặc giả như dưa muối ăn với đậu vàng lúc trước của tiên sinh nhiều. Nói cho cùng còn ngon hơn cả óc khỉ, chuột sữa nhúng mật ong của Từ Hy Thái Hậu nữa. Ấy là chưa kể danh tửu của bản quốc ở tửu địa…

Lấy quạt đập con ruồi một cái chát, Kim Thánh Thán mà rằng:

Ha! Hảo bằng hữu! Hảo bằng hữu đây rồi! Còn hỏi gì nữa cho nhọc sức. Mà di chân đường của Phí quân ở phương nao?

Nói rồi, Thánh Thán quơ cái thùng gỗ lớn. Cái thùng đó cũ kỹ đen xì, trên có viết loằng ngoằng hàng chữ Tây Vực, trên nắp lại có gắn xi, trên vết xi còn đóng dấu, quả thực thật là trịnh trọng. Thánh Thán cầm nắp thùng nhẹ nhàng mở ra, lập tức cả quán thơm ngát mùi rượu. Sau đấy đổ đầy một bát, há mồm như rồng hút sóng, nuốt một hơi hết sạch. Xong, nhổ một bãi nước bọt dưới chỗ ngồi khen: “Hảo tửu a! Hảo tửu a!”.

Đoạn đứng lên chắp tay vái chào tửu đồ trong quán “Hảo a! Hảo a!” mà tạm biệt.

***

Đọan Phí lão ông bảo Thánh Thán ngồi lên cây gậy và nhắm mắt lại. Trên đường bay, Phí lão ông hỏi tên quán “Diêm la vương khai tửu” là lý sự gì? Kim Thánh Thán đáp với tửu đồ, với ngoa nghĩa là uống rượu thì…chết. Do tích Đỗ Phủ, nửa đêm uống rượu say ở sông Tương mà thác. Vừa trả lời xong, mở mắt ra đã về đến đất An Nam.

Về đến Việt Yên, Bắc Giang, Phí lão ông ghé làng Vân với nghề nấu rượu, dọc đường làng trải gạch vồ đều tăm tắp, hai bên là những chum, vại rượu lớn, nhỏ xếp thành hàng lối. Hai bên cổng làng có hai câu đối: “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc – Vạn Vân như nguyệt rạng trời Nam”. Trên cổng làng cổ kính là bốn chữ đại tự “Vân hương mỹ tửu”. Phí lão ông thiên tải kỳ bút cho Kim Thánh Thán hay ấy là do vua Lê Hy Tông năm Chính Hòa thứ 24 (1703) phong cho danh tửu ở xứ Kinh Bắc này. Ấy là rượu làng Vân tiến vua, là rượu nếp cái hoa vàng hạ thổ. Mà gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon này chỉ trên cánh đồng làng Vân Xá mới có. Một nhẽ nữa ở nguồn nước tinh khiết được từ các giếng khơi trong làng. Thêm men rượu được chắt từ 35 vị thuốc Nam

Về đến nhà, tiện nội Phí ông từ gian thờ tự bước ra chào khách, mắt ngó chừng gặp khách vãng lai ở đâu đó thì phải? Làm như không hay biết, Kim Thánh Thán cung nhi vô lễ tất lao, bằng vào chắp tay vái chào sát đất, cười thong thả, nói từ tốn:

– Một hàn sĩ lại mượn tiền, nhưng còn ngại ngùng và nói bâng quơ những chuyện đâu đâu, đoán được khổ tâm của bạn, kéo lại chỗ vắng, hỏi cần bao nhiêu, rồi đi vào nhà trong, lấy đủ số ra đưa. Và hỏi bạn có cần về gấp để thu xếp công việc không, nếu không thì…ở lại uống vài chén rượu. Chẳng cũng khoái ư?

Tào khang Phí lão ông vội vàng vào bếp hì hục khiêng vại Vân Hương mỹ tửu ra. Kim Thánh Thán bê cả vại rượu lên hít hà và khụm miệng:

– Hảo tửu! Hảo tửu! Quả thật tửu quốc đây của quý quốc nào có khác gì Bồ Đào tửu của Thổ Lỗ Phồn Tây Vực. Nào có khác gì Thiên hạ đệ nhất Ô Trình tửu cất đã lâu năm. Hừm! Mà tửu quốc này cũng 70 năm chứ không ít. Hảo a! Hảo a!

Phí lão ông vừa mừng vừa lo, nên lụm cụm:
– Rượu bản quốc hạ thổ trong vại gắn kín như thế, sao tiên sinh ngửi thấy được?
Kim Thánh Thán mỉm cười đáp:
– Rượu ngon của qúy quốc, dù có cất trong hầm sâu vài sải, trong hang động dăm trượng, thời mùi rượu cũng vẫn bay ra ngào ngạt, thưa Phí quân.

Phí lão ông u mặc với nghi bất ngộ:

Tại hạ nằm trong cái túi càn khôn, hay tung hê hồ thỉ bốn phương trời uống rượu rách mép thiên hạ mà không hay Vân Hương mỹ tửu đã hạ thổ 70 năm. Nay xin thưa.

Tay vẫn bê vại rượu ngang mặt, Kim Thánh Thán nhếch mép:

– Có gì đâu, bản chức nhìn ấn triện đáy vại có niên kỷ ấy thôi.

Phí lão ông vẫn…ngộ bất nghi:
– Tiên sinh chưa nếm thử rượu, sao biết được rượu ngon?
Làm như “Một tửu tam phân túy”, là chưa uống rượu đã say, Thánh Thán bảo:

– Rõ ra bản chức với Phí quân mới “Nhất kiến như cựu thức”, hóa ra mới gặp đã cố tri. Thế nên được Phí quân cho ngửi mùi rượu cũng đã là quá, đâu có thể nào lại còn lân la uống rượu thì thật không thể được! Không thể được! Tuy có rượu ngon, nhưng lại không có chén tốt, thật là đáng tiếc! Đáng tiếc lắm thay!

Nghe óc ách gì đâu…Vì rằng ở cái thế lao dật đã rõ của Phí lão ông là “Biện tửu bất nan, thỉnh khách nan, thỉnh khách bất ban, khoản khách nan”, lỗ mỗ lơ ngơ là bày rượu không khó, mời khách khó – mời khách không khó, đãi khách khó…khó thế đấy.

Chưa kịp hiểu tâm viên ý mã của “khách”, thì “khách” đã “khoản khách nan” rằng:

– Uống rượu cần phải biết tửu cụ, uống loại rượu nào, phải dùng loại chén nào. Uống Phần tửu phải dùng chén ngọc oản. Uống Thiệu Hưng Trạng Nguyên Hồng phải dùng chén phỉ thúy. Còn uống Ngọc Lộ tửu, dĩ nhiên là dùng chén lưu ly. Nói đến uống Bồ đào mỹ tửu, đương nhiên là phải dùng chén dạ quang.

Nghe luận cổ suy kim chén cổ, chén cũ lõng bõng như đĩa tiết canh thiếu nước mắm hay bị long chân nhão nhẹt như vôi vữa ấy. Phí lão ông đành lùng nhùng:

Xin tiên sinh châm chước cho, tệ xá chỉ có chén sành Bát đàn làng chén Bát Tràng, chén gốm Ông Thiếu làng Chu Đậu. Hoặc chén cổ Nội phủ men rạn đời Trần, dưới trôn chén có hàng chữ “Thiên Trường phủ chế”. Quanh chén có vẽ thủy mặc và hai câu thơ “Vị thủy đầu can nhật – Kỳ sơn nhập mộng thần”.

Làm như không nghe, làm như vô tri thời bất mộ với ý người ta không mến mộ cái người ta không biết đến. Kim Thánh Thán thản nhiên chỉ vại rượu mà rằng:

– Tửu vị ngon, chỉ tiếc muốn giữ mùi thơm nồng, tốt nhất là dùng chén bằng đồng xanh, có thế mới cổ kính, vị tuy có ngon, nhưng mất cái vị ngọt, hóa ra hơi nhạt. Mà loại mễ tữu, lại là rượu trắng thâm niên cổ đại này phải dùng đấu lớn mà uống tăng mùi hương, có thế mới thực đậm đà, mới lộ ra được cái khí khái, cổ nhân đã nói như thế, thưa Phí quân.

Nghe láo quáo…cổ nhân nói như thế, chẳng cần biết cổ nhân là ai, nói thế nào. Phí lão ông vào bếp moi ra được hai cái đấu gỗ thường ngày tiện nội dùng để đong gạo hạt rời sau khi xay trấu. Nhìn thấy hai tửu cụ rồi, Thánh Thán chậm rãi sửa lại vạt áo…

Rất thong thả, Thánh Thán ngồi trên chiếu kiểu thiền tọa, tức ngồi để hai bàn chân ngữa gác lên vế. Phí lão ông thấy hay hay bèn hỏi. Kim Thánh Thán giải luận ấy là kiểu ngồi “phu tọa” của tửu đạo. Vì Kinh tửu có câu “Phu tọa nhàn song tửu nhãn khai”, là ngồi thiền song vẫn mở mắt…nghe hơi rượu.

Sau khi ấn chứng về cách ngồi của đạo rượu. Thánh Thán bê vại rượu dùng răng lôi cái nút lõi ngô, nghiêng vại ngang vai và chậm rãi chuyên rượu xuống cái đấu. Rượu tong tong rơi xuống không một giọt nào ra ngoài. Phí lão ông râm ran là bưng vại rượu nặng cả mấy cân, rót vào hai đấu rượu, vừa đến miệng thì thôi, quả thực không phải dễ làm, ngoại trừ Túy thánh Lưu Linh.

Lúc này Phí lão ông cùm nụm với “Học châm tửu ý”, ý là học cách hầu rượu. Nên cùm nựu đạo rượu qua chén thù chén tạc với bên chủ “tạc” là mời rượu. Với bên khách “thù”, chẳng hẳn…thù hằn gì nhau mà là uống đáp lễ. Chưa kịp bày tỏ cái lễ của đạo rượu qua “Khách tùy chủ tiện”, ý đồ là chủ làm sao khách làm vậy. Thì khách, làm như có điều sở đắc, ngẩng đầu lên nhòm chủ ra ý “Nhất nhân bất ngật tửu” nghĩa là một người không…uống rượu được. Rồi gục gặc đầu như “Sự pha thuyết xuất. Tửu phạ châm xuất”, ra cái điều việc, ngại nói ra. Rượu, ngại mời rót

Ngỡ mời rót rượu, định mở nút rượu thì Thánh Thán bảo:

– Mở rương ra, vô tình tìm được một bài thơ của cố nhân. Chẳng cũng khoái ư?

Tạm hiểu là đến lúc Kim Thánh Thán muốn nói chuyện văn chương thiên cổ sự, vì gia dĩ Thánh Thán là phán quan trong chốn trường văn trận bút, phê phán từ Đỗ Phủ đến Lý Bạch. Chợt nhớ đến câu thơ của bạn đồng hao Cao Bá Quát nên Phí lão ngâm thơ bạn: “Gõ nhịp lấy, đọc câu Tương tiến tửu – Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi” để có cớ hỏi bài thơ Mời rượu của Lý Bạch hay dở khổ nào? Vội tháng vội năm ai vội ngày, trong khi đợi Kim Thánh Thán trả lời…Phí lão ông trở về với khoản khách nan tức đãi khách khó.

Phí lão ông không quên…mời rượu:

Cổ kim hiền hữu năng tầm, chẳng dám phụ cuộc vong niên này. Tại hạ xin được hầu chén rượu nhạt với tiên sinh là mãn sở nguyện lắm rồi, thưa tiên sinh. Vậy xin mời.

Nghe xong, Kim Thánh Thán từ từ cúi gập lưng xuống, đầu gần sát chiếu…Mười ngón tay từ tốn đưa đấu rượu lên, ngửa cổ lên trời như Lý Bạch ngắm trăng và ực một cái nhẵn thín cả đấu rượu. Xong, nhổ một bãi nước bọt xuống đất thô dưới chỗ ngồi, lấy vạt áo quẹt miệng, khà một cái: “Hảo tửu a! Hảo tửu a!”.

Đoạn làm như Cao Chu Thần với nhất sinh đê thủ bái hoa mai chắp tay vái…vại rươu và ngâm nga rằng: “Rượu kia ai chế ra mày, uống xong một cuộc tan ngay nghìn sầu”.

Đặt đấu rượu xuống, Kim Thánh Thán dẫn giải hai câu thơ trên trong bài Lạc nhật của Đỗ Phủ. Phí lão ông bất bình tắc minh là tiện nội Phí ông gọi con vịt bằng…mày. Nay Kim Thánh Thán gọi vại rượu cũng bằng…mày! Rồi lại tan ngay nghìn sầu nữa là nghĩa lý gì? Bèn hỏi? Kim Thánh Thán cho hay khi không bị khép vào tội phụ hội với giặc, để bị chém đầu. Vì vậy trước khi thọ hình mới than thở: “Chém đầu thì đau đớn lắm…”. Phí lão ông viện dẫn bằng hữu Cao Bá Quát của Phí ông cũng làm giặc, cũng bị chém đầu như Thánh Thán vậy. Ấy vậy mà sau khi bị kết tội, có bài Thơ viết sau khi bị kết tội rất ư an nhiên tự tại: “Dẫu biết sống tạm bợ – Chết mới là nghỉ ngơi” thì có sao đâu!

Nghe vậy, Kim Thánh Thán than mà rằng:

– Há lại có cái lý ấy sao?

Trộm cho rằng Thánh Thán là kỳ nhân dị tướng thật đấy, lại thượng thông thiên văn, hạ thức địa lý, trung trí nhân sự quá đỗi. Nên Phí lão mang thêm bốn câu thơ trong bài Nghe tin Lưu Nguyệt Trì ra Bắc của Cao Bá Quát, để xin vấn một khúc mắc:

Tôi buồn vì vắng bác

Buồn cả vì xa nhà

Xin nói giùm bè bạn:

“L‎ý Bạch vờ điên mà”

Ý đồ Phí lão là để bất khả tư nghị xem Lý Bạch có giả điên thật không? Kim Thánh Thán nhếch mép cười rằng…giả đò say rượu thì có. Một đêm trăng sáng đi thuyền qua ghềnh Thái Thạch, nhìn vầng trằng in hình dưới nước rồi nhẩy xuống bắt lấy rồi…đi luôn.

Ngộ thấy Kim Thánh Thán thông tỏ mọi sự, lại có thủ thuật Hiên Kỳ, có thi tài Lý Đỗ, với nhã đạm cao dật. Phí lão ông muốn thông hanh tiếp ở trên là bài Tương tiến tửu có hay như thiên hạ sự đồn đãi chăng? Bèn cầm đấu rượu lên…Phí lão ông…thù tạc:

– Trộm nghe tiên sinh tinh thông về cái thi tứ phong lưu của Lý Đỗ, xin đừng giấu lời vàng ngọc để tại hạ được cung tường về thi tứ Lý Bạch, thưa tiên sinh.

Đặt đấu rượu xuống, Thánh Thán thong dong ngâm bốn câu thơ trong bài Tương tiến tửu:

Hội tu nhất ẩm tam bách bôi
Sầm phu tử
Đan Khâu sanh

Tương tiến tửu

Và Kim Thánh Thán luận về…”cái sự hay” như thế này đây:

– Rằng nhân bất học bất tri lý, hiểu là người không học chẳng hiểu lẽ hay,…là hay. Nên hay…hay không tùy người thưởng ngoạn. Nếu như ngâm Tương tiến tửu bằng tiếng Quảng Đông, tiếng Tiều, tiếng Hẹ để Phí quân nghe thì không…hay cho mấy!

Phí lão cho rằng thơ Đường hay ở chỗ có vần, có điệu thì ngâm bằng tiếng nào Phí ông cũng nghe…hay vậy! Nên rọ rạy hỏi? Kim Thánh Thán đáp: Nay nếu ngâm hai câu của một bài cổ phong Đường thi bằng giọng Quảng Đông thì Phí lão có hay là bài thơ nào chăng? Phí lão ông bèn gật. Kím Thánh Thán ngâm rằng:

Cu Xu xình ngồi Hàn Xán xừ
Dề pun chúng xéng tui hạc xuỳn

Nghe xong, mà nghe óc ách làm sao ấy nên mặt Phí ông lẫn đẫn trông thấy. Thấy vậy. Kim Thánh Thán cười và bảo ấy là hai câu thơ của Trương Kế trong bài Phong kiều dạ bạc: Thuyền ai đậu bến Cô Tô – Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Ngừng lại một chút như đắn đo, Kim Thánh Thán luận tiếp:

– Thế nhưng cái…không hay trong bài mời rượu ở chỗ bất khả thi là bỗng dưng Lý Bạch “mời” hai ông vô danh thị tên “Sầm phu tử”, “Đan Khâu sanh” vào bài thơ nên…mất hay. Khi không tên hai ông này đi vào văn học sử Đường thi. Vậy mà khi Lý Bạch lên thăm Hạ Trí Chương ở Trường An. Họ Hạ uống rượu, xem thơ ông và nói: “Ông đúng là bị giời đày xuống trần, nên tôi gọi ông là Trích Tiên”. Nếu như Lý Bạch mời rượu Hạ Trí Chương trong bài Tương tiến tửu thì…hay hơn, thưa Phí quân.

Nghe vậy, Phí lão ông chen chân vào là trong Tài tử đa cùng phú, Cao Bá Quát cũng có hai vế thơ về…”tích” Trích Tiên và mời rượu: “Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống – Chén tiếu đàm mời mọc Trích Tiên”.

Kim Thánh Thán cười mà rằng:

– Há lại có cái lý ấy sao?

***

Lại cũng chậm rãi, Kim Thánh Thán thong thả vuốt lại nếp áo cho ngay ngắn. Rồi nhổ nước bọt vào lòng bàn tay, hai tay xoắn xuýt vào nhau như bắt ấn và bê đấu rượu lên, cũng vẫn từng ấy động tác như dâng hương khấn sớ. Gần đến miệng, tay này chuyển đấu rượu lên lòng bàn tay kia. Tay kia đưa xuống mu bàn tay có cái đấu. Tất cả những động tác ấy nom rất lão luyện của một tay sành rượu lão đời như Lưu Linh vậy…Vậy mà Kim Thánh Thán chẳng chịu uống cho, mắt cứ đăm đắm vào đấu rượu.

Tiếp đến chẳng nói chẳng rằng, ngửa cổ, làm một cái ực rõ to, khà một tiếng rõ lớn. Và rằng:

– Phí phu nhân đã cơ công, thường kính nhường hậu kẻ sĩ này quá hậu hĩ. Nên bản chức lại nhớ đến chuyện phu nhân của danh tửu Lưu Linh.

Để đấu rượu xuống, Kim Thánh Thán kể lể:

– Lưu Linh sống vào năm cuối nhà Ngụy, đầu nhà Tấn. Lưu Linh tuy học rộng, tài cao nhưng không hề màng về chuyện đời, về danh lợi như…Phí quân đây. Lưu Linh uống rượu triền miên. Phu nhân thấy chồng uống nhiều quá nên can ngăn. Lưu Linh xin vợ được uống một lần cho say khướt, rồi chừa.

Sau đó Lưu Linh khấn trước bàn thờ:

Thiên sinh Lưu Linh

Dĩ tửu vi danh

Nhất ẩm nhất hộc

Ngũ đấu giải trình

Phụ nhân chi ngôn

Thận bất khả thính…

(Trời sinh Linh này
Lừng danh kẻ say
Mỗi lần một hộc
Năm đấu đưa cay
Lời can của vợ
Ngang trời gió bay…)

Khấn xong, uống say mèm, Lưu Linh lăn ra ngủ. Tuy say suốt ngày, nhưng đối xử với mọi người, Lưu Linh là người nhân hậu, lễ nghĩa, không bao giờ làm phật lòng ai. Lưu Linh cũng không bị bả vinh hoa, nạn thi cử để tiến thân khổ sở, suốt đời chỉ lấy bạn và rượu làm vui như…Phí quân vậy. Để ca ngợi rượu, Lưu Linh viết Tửu đức tụng được coi như một áng danh văn về rượu trong văn học Tửu thi, thưa Phí phu nhân.

Rồi quay qua Phí lão ông mà rằng:

– Đọc truyện Đường Minh Hoàng – Dương Quí Phi, chẳng cũng khoái ư?

Thêm một lần hiểu là Kim Thánh Thán muốn mượn một trong 33 thống khoái của mình để nhắc khéo hãy nhập thế tục bất khả vô văn tự này kia, thế nọ. Thế nhưng ai đây? Thi bá, thi hào đời Thịnh Đường có Lý Bạch (701-762), Đỗ Phủ (712-770), Vương Hàn (713-786), Bạch Cư Dị (772-846). Lý Bạch, Đỗ Phủ đã đảo qua rồi. Thế là Phí lão được thể thiên bất đáo địa bất chi với Vương Hàn cùng thời với Lý Bạch qua bài Lương Châu từ.

Bài này với mớ kiến văn hạn hẹp của Phí lão ông thì hào khí nào có khác gì hảo tửu bằng hữu Cao Chu Thần với thập tải luân giao cầu cổ kiếm. Thế nên với tình riêng nỗi cảnh, nỗi nhớ bâng khuâng, khôn cầm lòng chẳng đặng, bèn đọc:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

Giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Làm như không nghe danh Vương Hàn, đột nhiên Kim Thánh Thán bảo: “Nhất tâm tưởng ngật áp nhục”. Lại nghe lạ nữa! Bèn hỏi? Thì được biết là Kim Thánh Thán đây tơ tưởng đến thịt vịt từ lâu. Trả lời xong, Kim Thánh Thán đổi thế ngồi chồm hổm, hai chân trước lom khom chống đất, lưng gù gù. Phí lão ông dằn bụng không xong! Lại hỏi thêm? Kim Thánh Thán đáp: “Lạn hà mô tưởng ngật áp nhục” là…là con cóc đang mơ tưởng thịt vịt đó.

***

Hiểu ý, Phí lão ông nói tiện nội mang thịt vịt luộc ra…

Vừa thấy tiên nội Phí lão, Kim Thánh Thán gật gù ngâm nga: “Thê ngôn tế tửu chân vô ích – Ngã dục tiêu sầu thả tự do”. Mặt tiện nội Phí lão ngẫn ngẫn ra trông thấy…Rõ ra cắt tiết vịt thì quen nhưng chẳng quen thói chi, hồ, giả, dã. Vì vậy Phí lão phải diễn dịch là: Vợ nói say rượu thật vô ích, ta muốn giải sầu nên cứ uống tràn. Chờ Phí lão ông dẫn giải xong, Kim Thánh Thán mới diễn ý rằng từ câu thơ của Lưu Linh, thì tiện nội Phí lão may mắn có một đức lang quân như…Phí lão ông, chứ không như…Lưu Linh.

Thế nhưng Phí lão ông lẫn đẫn là với căn cơ gì Kim Thánh Thán cứ nhắc tới “Lưu Linh”? Hay Kim Thánh Thán là bạn của Lưu Linh chăng? Mà chẳng hẳn vậy, vì cứ theo Phí lão học đòi được thì ngoài thất hiền ở rừng trúc, Lưu Linh chỉ tri kỷ với vua cờ: “Cờ tiên rượu thánh ai đang – Lưu Linh, Đế Thích là phường tri âm”. Ấy là chưa kể Lưu Linh cứ lần mò vào rừng trúc để kết bạn, để uống rượu say bí tỉ…Thêm nhẽ nữa, Phí lão thấy Thánh Thán cứ vồn vã, săn đón tiện nội mình! Ắt hẳn để học đánh tiết canh cho vợ con chăng? Phí lão nghĩ không ra!

Đợi tiện nội Phí lão xuống bếp rồi…Rồi Kim Thánh Thán gắp cái đùi vịt để đó. Cùng lúc Phí lão ông ngó chừng Kim Thánh Thán ngồi như cóc cụ vậy đấy, nhưng là người học thuật tinh vi, giác ngoại biệt truyền bất lập văn tự. Thế nên trở lại bài Lương Châu từ, Phí lão ông đạo đạt câu thơ mình không thông tuệ cho mấy như…giục ẩm tỳ bà mã thượng thôi là sự lý gì?

Trầm ngâm một lát, Thánh Thán không trả lời ngay, mà rằng:

– Trước hết câu Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, Vương Hàn mượn hai câu thơ: “Do lai chinh chiến địa – Bất kiến hữu nhân hoàn” trong bài Quan sơn nguyệt của Lý Bạch, là xưa nay người ra trận, chẳng mấy có ai về. Bình sinh bản chức gác đầu lên gối sách tự cổ chí kim đã lâu nên ngẫm bất sở đắc là ở chỗ này.

Mắt nhìn bát bát nước mắm tỏi ớt, giọng khào khào:

– Sau này Hoàng Đình Kiên, thi hào đời Tống, phê phán Vương Hàn chí lý: “Thi nhân tối kỵ tùy nhân hậu” vì điều kỵ nhất đối với thi nhân là bắt chước người khác.

Chấm đùi vịt vào bát nước mắm, Kim Thánh Thán tiếp:

– Vương Hàn khi đó bị biếm trích ra chiến địa Lương Châu, trước đó đã chứng kiến sự ăn chơi xa hoa của Đường Minh Hoàng – Dương Quí Phi. Nay lại ngồi trong bữa tiệc tiễn đưa chính Vương Hàn và tướng sĩ ra quan ải, lại có âm nhạc theo kiểu Tây Vực do người Hồ đánh đàn tỳ bà trên lưng ngựa. Chứ không phải tướng quân Vương Hàn ngồi uống rượu ở sa trường để có chuyện cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, thưa tiên sinh.

Trong khi đợi Kim Thánh Thán ăn thịt vịt…Phí lão ông lễnh đễnh với Bồ Đào tửu (có người cho là của…Bồ Đào Nha), chén dạ quang bôi là của lân quốc. Vì rằng Bồ Đào mỹ tửu là loại rượu nho ở Tây Vực đem tới trung nguyên. Sách Hậu Hán thư có ghi chép: “Nước Lật Dặc (Arab) có loại trái cây, vắt nước có vị ngon, làm rượu gọi là rượu bồ đào”. Còn dạ quang bôi là thứ chén bạch ngọc do vua Tây Vực cống vua Đường, ban đêm đem soi lên trời thấy trong chén như có nước sóng sánh…

Nhai xong cái tỏi vịt, Kim Thánh Thán nhai văn nhá chữ:

– – Vì rằng lời truyền tụng quả đà sai lạc, vì rượu đi với nhạc. Vương Hàn lúy túy giữa đại tiệc ở Trường An, nên nói tránh đi bằng câu “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu” và chữa thẹn là ta có say thì cũng chớ ai có cười. Rồi Vương Hàn bào chữa xưa nay ra trận có mấy ai trở về đâu? Lại nữa, tự cổ chí kim có mấy ai dám hí lộng tướng quân bỏ xác trên sa trường! Nên bất cập là ở đấy, chẳng hay có hợp ý Phí quân chăng?

***

Có tiết canh là có chuyện…

Chuyện là có mấy con ruồi đậu trên đĩa tiết canh. Làm như đợi dịp này từ lâu lắm rồi, Kim Thánh Thán bảo:

– Mở cửa sổ cho ruồi bay ra, chẳng cũng khoái ư?

Thế là Phí lão ông đứng dậy đi mở cửa…Vừa đi vừa tiêu khiển một vài chung lếu láo rằng có phải ra chiến địa, thì qua câu thơ cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi mới hiểu nổi quan hoài, quan san của một đi không trở lại. Hay có hồi cố quận mới bâng khuâng, cảm hoài hai câu thơ trong Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương: “Nhi đồng tương kiến, bất tương xứng – Tiểu vấn: “Khách tòng hà xứ lai?”, nôm na là đám trẻ nhỏ thờ ơ không biết, cười hỏi ta: Khách đến từ đâu?. Như đi xa, về quê với Cao Bá Quát: “Bạn bè ngày trước giờ đâu nhỉ? – Ngắm cảnh, bâng khuâng thấy chạnh lòng” hoặc: “Hàng xóm nghe tin đến chật nhà – Phiêu bạt lang thang, thôi thế đủ – Từ nay xin cạch chữ “đi xa”!”

Vừa…đi xa về chỗ, đang hoài cố nhân họ Cao thì Phí lão bắt gặp Thánh Thán mặt nhăn quéo như dăm lát gan vịt thái mỏng, gầm gừ nhìn đĩa tiết canh đỏ hoét, ngòng ngoèo vài sợi mùi tàu, điểm xanh mấy lá húng chó…Chẳng hay Thánh Thán tương kiến, bất tương xứng gì, chỉ thấy Thánh Thán tài cao học rộng, uẩn súc kinh luân nên Phí lão muốn vấn nạn về…cái tên tiết canh vịt.

Số là qua nho phong, nho nhã thì “áp” là con vịt, “huyết” là tiết thì “tiết canh vịt” nho nhe gọi là…là “áp huyết” được chăng? Thế nhưng cái tên áp huyết có vẻ y bệnh, y liệu quá lắm, nên thôi.

Thêm với y bệnh, Hán tự trong chữ “Y” có chữ tửu. Mà rượu lại đi với tiết canh. Nếu như rượu chữa bệnh…sầu não, sầu bi thì tiết canh chữa bệnh…thiếu máu. Ngoài ra ăn tiết canh bổ khí, bổ huyết,. Nhiều khi song bổ, bổ cả khí lẫn huyết, nhưng không khả tín cho mấy, nên Phí lão chẳng đặng kể cho Thánh Thán nghe.

Với khả tín, Phí lão nghĩ thêm đọc sách cổ, không gì thú hơn lời bàn của Kim Thánh Thán. Vì văn Kim Thánh Thán sắc như dao cau, viết như đâm vào ruột gan người ta. Như luận về Tam Quốc Chí của Trần Thọ, trong Lục tài tử thư, Kim Thánh Thán viết: “Tôi khoái Tháo, vì Tháo gian ác…rất chân thành và hồn nhiên. Trong cái gian xảo…rất người. Vì vậy tôi bảo trong Tam Quốc, người đáng mặt làm vua chỉ một mình Tháo”.

Thế nhưng ấy là chuyện Tào Tháo với văn kiến súc tích, thế mà lẽ nào khi luận về rượu trắng phải uống chén bằng đồng xanh, có thế mới cổ kính. Hoặc với bát gỗ để đậm đà mùi hương? Nên Phí lão nghĩ quẩn dám Thánh này là Thánh Thán giả cũng nên!

Giả thật đâu chưa thấy, chỉ thấy Kim Thánh Thán húng hắng:

– Đang uống rượu với bạn hào sĩ, tôi đã nửa say, do dự không biết nên uống nữa hay ngừng. Một tửu đồng đứng bên, hiểu ý… Chẳng cũng khoái ư?

Thì “tửu đồng” Phí lão cũng hiểu ý vậy, vừa định đứng lên xuống bếp khuân thêm vại rượu. Bỗng Phí lão nhớ tới chuyện Vương Hàn với “người Hồ đánh đàn tỳ bà trên lưng ngựa…”. Ngay sách Hậu Hán thư cũng ghi chép: “Vương Chiêu Quân, cung nữ đời Hán bị gả cho vua Hung Nô. Vương Chiêu Quân học đàn tỳ bà của người bản địa để gảy khi tỏ tình thương vua nhớ nước”. Vì vậy nhờ người phiên quốc, người Trung Hoa có đàn tỳ bà. Nhờ vậy Đường thi mới có bài cổ phong Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị. Trong đó Phí lão ông rất tâm đắc câu: “Hà tất tằng tương thức, lọ sẵn quen nhau”. Vì vậy Phí lão ông muốn đạo đạt trước khi xuống bếp, trước khi…quên. Thêm nữa với “Tửu hậu thố chân ngôn”, với nghĩa rượu xong lời nói thật. Bèn ngay tình nói…thật:

– Thưa tiên sinh, nay được cửu trùng tri ngộ với tiên sinh, nào có khác gì Bạch Cư Dị gặp người kỹ nữ về già trên bờ sông Bồn với “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, tương phùng hà tất tằng tương thức”. Vì vậy tại hạ lấy đó làm cảm kích lắm thay.

Làm như cảm khái quá lắm! Thánh Thán vuốt râu mà rằng:

– Há lại có cái lý ấy sao?

Nghe mà cám cảnh quá thể, Phí lão ông bỏ xuống bếp. Từ bếp vác lên thêm vại nếp cái hoa vàng 70 năm thì…Thì Phí lão ông ngớ ra vì Kim Thánh Thánh không còn ngồi trên chiếu hoa một cõi nữa. Nhòm ra cửa. Cửa mở. Lõ mắt tìm kiếm trên cái bu cửa: Cây gậy tre rút đất không còn ở đó nữa. Nhìn cái bát, miếng tiết canh cũng không cánh mà bay. Nháo nhác nhìn kỹ hơn, thấy cái bát chặn một tờ giấy hoa tiên. Bèn mở ra đọc: ”Ngật hoàn liễu tựu tẩu”, nôm na dễ hiểu là: Hốc no rồi cút.

Khi không của gia bảo cây gậy tre rút đất…bị mất trộm.

Phí lão ông náo thị u lâm mạc luận ngay tới “33 thống khoái của Kim Thánh Thán” bằng vào câu thứ 11:

“Sáng sớm thức dậy, nghe vợ nói rằng có người mới chết đêm qua. Tôi liền lên tiếng hỏi ai chết, thì chính là tên đạo chích trong làng. Chẳng cũng khoái ư?”.

Tầm chương trích cú thì “Chích” là tên của một người nước Tống, là em của Liễu Hạ Huệ. “Chích” là chân gà. Tên Chích này lại là tên…ăn trộm gà, nên mới có đạo chích là ăn trộm. Ngẫm chuyện nhân sinh làm như cái tên nó vận vào người: Như Thánh Thán chẳng hạn, với “thán” nghĩa là thở dài, thở ra.

Bỗng Phí lão ông…thở ra như tiếng…thở dài. Vừa lúc tiện nội đi lên, nghe thở dài hiểu ra cớ sự, bèn giắt Phí lão vào gian thờ tự. Ấy thế mà hảo tửu bằng hữu họ Cao cũng lọ mọ theo vào. Giữa bàn thờ là bức tranh truyền thần, hai bên là đôi giải liễn nét chữ thảo. Giải liễn bên này có câu: “Phi tửu đồ bất thành trượng phu”. Giải liễn bên kia đề tựa: “Bất tri tửu đạo bất hiền nhân”.

Vậy mà lại thiếu…chai rượu. Phí lão ông bèn cám cảnh:

Hứng, ngâm thơ bên tượng.
Nghe khánh đá cũng hay.
Không hề nhắc đến Phật.
Thiếu rượu chỉ chau mày.

(Cao Bá Quát)

Đợi Phí lão hòai cố nhân xong, tiện nội chỉ bức tranh truyền thần vẽ Lưu Linh đã phai màu vàng ố, đậm nhạt không rõ nét. Sau khi vọng bái mấy bái. Nhòm cho rõ. Phí lão ông chau mày vì thấy Lưu Linh đâu có khác gì Kim Thánh Thánh cho mấy…Nhòm kỹ hơn nữa thì hảo tửu bằng hữu Lưu Linh cũng có…râu.

***
Cả ngàn năm sau Sử ký tân biên của Tư Mã Thiên hiệu đính rằng nay hao tổn tâm tư bởi lẽ người nay chẳng lầm lạc lắm ru! Bởi Tửu sử tam sao thất bản nên không hay rằng Lưu Linh lặn lội trong bể hoạn, nên phải gánh chịu nguy cơ nổi chìm như sau!

“…Có một Lưu Linh tiên sinh đại nhân lấy trời đất làm một buổi, muôn năm làm chốc lát, lấy mặt trăng, mặt trời làm cửa ngõ, lấy thiên hạ làm sân, làm đường: Đi không thấy vết xe, ở không cần nhà cửa, màn trời, chiếu đất, thích thế nào thì làm thế. Lúc ở thì nâng chén, cầm bầu. Lúc đi thì vác chai, xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không thèm biết đến sự đời gì nữa.

Có một Phí lão gia, xưa thật là xưa là hậu duệ của Phí Trường Phòng, quê gốc ở làng Tìm, phủ Thái Bình. Thưở sinh thời Phí lão gia thi Hương trúng tuyển tam trường được gọi là Sinh đồ, tính thi Hội để được gọi là Hương cống. Nhưng không có cái duyên với cái nghiệp bút nghiên, nên rút cuộc vẫn là ông đồ bát nháo. Thế nên Phí lão gia sinh bất đắc chí không thiết gì thi cử nữa, tiến vi quan thối vi sư, nhưng cũng chẳng chịu an phận thủ thường cho với nghề dậy học, và cũng chẳng màng đến mài mực ra mà kiếm gạo. Phí lão gia cứ vạn sự giai không, cứ nằm co với mo cơm tấm, ấm ổ rơm là đủ.

Phí lão gia tự cho mình là bậc nho giả sinh bất phùng thời như Cao Bá Quát, tự Chu Thần, sinh năm 1809 tại phủ Bắc Ninh, An Nam quốc. Tự Đức Đại Vương từng khen Thần Siêu Thánh Quát với “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”. Nên Phí lão gia hoang tưởng mình là tráng sĩ mài gươm dưới trăng “Ta mượn nâu sòng che kiếm bạc – Mười năm gió núi lộng thư phòng” . Kịp đến tuổi tứ thập nhi bất hoặc, ngỡ không còn gì huyễn hoặc nữa, bỗng dưng theo Cao Chu Thần làm giặc cỏ. Sau khi họ Cao bị chết chém ở phủ Quốc Oai, Phí lão gia lững thững phong kiếm quy điền, đóng cửa tạ khách, với nhân sinh quan mượn hồ trường và chữ nghĩa làm thú vui ẩn dật với: “Trời đất sinh ra rượu với văn – Không văn không rượu sống như thừa”.

Thế mà nghe tiếng tiên sinh họ Lưu như thế bèn cho người vời đến. Kẻ thì khuyên can, người thì giảng giải, xôn xao như đàn ong vậy. Vì mà rằng nếu như có hai kỳ tửu gặp nhau thì họ sẽ uống nghiêng đình đổ quán, uống cho nghiêng trời lệch đất. Rượu sẽ ngập sông, tràn ngang núi. Tửu khí ngất trời, mây không có chỗ ẩn thân. Âm khí thối đất, cỏ ba niên chẳng ngóc đầu lên nổi thì thế nào cũng kẻ còn người mất.

Bấy giờ là ngày 12 tháng ấy, chốn tây viên, trong ao sen phẳng lặng, tiên sinh nghe Trúc gia trang vang danh bốn bể nên nhận lời. Vừa mới bước vào, Phí lão gia đã mà rằng: “Tại hạ kính mừng”. Lúc đó, tiên sinh cứ ngỡ sẽ liền ôm vò, ghé vào thùng rượu, tợp một chén, mồm miệng đầy những rượu, vểnh râu, dạng chân gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, ngất ngưởng mà không say như những nơi khác đã từng ghé qua. Vì bấy giờ tiên sinh xem Phí lão gia cũng như con tò vò, con sâu róm mà thôi. Bởi lẽ tiên sinh có tài uống hàng trăm hộc mà không say nên có hiệu là Túy thánh Lưu Linh.

Ấy vậy mà bắt chước Đỗ Phủ, Lý Bạch, vừa ngửa cổ ngắm trăng, vừa uống xong vại rượu “Vân hương mỹ tửu” thì Túy thánh Lưu Linh gục xuống thổ huyết mà…thác.

Đó là năm Mậu Thìn (1868), tháng Mạnh Xuân, nên hiệu Hồng Nhậm Tự Đức Đại Vương thứ 21. Khi ấy, làm như có điềm không hay, tiên sinh viết thư về nhắn gửi cho vợ con…

Hỡi con: Muốn hãm tiết canh vịt nhớ hai thìa “xi-dầu”, ba thìa nước. Nếu phép này mà được lưu truyền thì ta còn hận gì…Phí quân nữa!

Lưu Linh tiên sinh thường ngồi trên một chiếc xe hươu kéo, chở theo những vò rượu lớn và uống rượu triền miên, rồi sai người vác cuốc theo sau bảo nếu ông chết ở đâu thì chôn ở đấy. Vì vậy Phí lão gia…hạ thổ tiên sinh ngay tại vườn nhà. Trên mộ bia, Phí lão gia cho khắc Điếu cổ hoài kim về bạn hồ tửu:

Họ Lưu lãng tử chẳng nên tài
Vác cuốc “chết đâu chôn đó ngay”
Say khướt đã coi ngang vạn vật
Chết khô chi bận chút hình hài
Nghìn năm mộ cổ cỏ gai mọc
Muôn dặm đường dài cát bụi bay
Tỉnh táo mà chi xem thế sự
Cánh bèo trôi giạt đáng thương thay…

Lưu Linh sống vào đời Tấn, tên chữ Bá Luân, tên tự Nguyễn Lãng. Rày sau, vì là Túy thánh, lại cùng họ, nên được vua Nguyễn sắc phong là “Đương cảnh thần hòang, thượng đẳng thần”. Miếu Thần hoàng làng Vân Hà nay còn thờ cái cuốc của tiên sinh“.

(trích lục Sử ký tân biên của Tư Mã Thiên)

***

Đời nay, món tiết canh vịt truyền thống của người Việt được coi gần như mai một, đang từ từ đi vào quên lãng, để rồi sẽ không còn ai nhắc đến nữa. Chỉ vì có kẻ hậu sinh nhân lúc nhàn tản với ngày trời tháng Bụt. Bèn lấy chữ nghĩa làm thú vui ẩn dật với trời đất sinh ra rượu với văn, không văn không rượu sống như thừa. Nên cầm bút đem đầu đuôi câu chuyện ghi lại thiên cổ kỳ bút này cho mai hậu, ra ý răn đe con cháu mà rằng nên tùy duyên, biết tự ngừng, hãy noi gương Lưu Linh không nên …ăn tiết canh vịt nữa.

Trúc gia trang

Xuân phân, Qúy Tỵ niên 2013

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn: Kim Dung, Nguyễn Duy Chính

Phạm Lưu Vũ, và Nguyễn Văn Hưởng.

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search