T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Yên Ly :Cảm nhận bài thơ TRĂNG LÊN của Lưu trọng Lư

clip_image002

Ảnh : Lưu Na

Tình cờ đọc Phạm đức Nhì và Nguyễn Khôi tản mạn về bài thơ Trăng lên của Lưu trọng Lư, thấy có nhiều cái hay và lạ nên tôi cũng xin được đóng góp một vài ý kiến.

Lục bát  Trăng lên,  có người gọi là tuyệt bút ( ? ) gồm 2 nhân vật CHÀNGNÀNG . Nguyễn Khôi cho rằng Chàng yêu Nàng, ngược lại, Phạm đức Nhì thì bảo Nàng yêu Chàng và nhận mình đứng ở phía thiểu số.

Đọc một bài thơ, dù cảm nhận và rung động ở mỗi người mỗi khác  nhưng đi tìm ý nghĩa của bài thơ, khám phá tâm sự dấu kín của tác giả luôn là một điều thú vị. ‘Mừng thay’ tác giả đã ngỏm từ lâu không thể xác minh nên chẳng có biện luận nào đúng, sai mà chỉ là chờ đợi trống canh như Phạm đức Nhì đã nói hoặc chỉ là nói láo mà chơi nghe láo chơi.

Đây là một bài thơ tình một chiều mà nhân vật NÀNG chỉ là chiếc bóng, một tấm hình dựng đó cứng ngắc, bất ly cục kịch để CHÀNG chiêm ngưỡng.

                    Vừng trăng lên mái tóc mây

                    Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.

Ẩn dụ của chữ tạnh nói chung là không gian . Khi tạnh, sẽ không còn  tí tách của những giọt mưa thu . Khi tạnh, sẽ không còn tiếng gió rì rào  cây cỏ, tiếng xào xạc của những chiếc lá vàng khô. Nói khác đi, chàng đã gạt bỏ tất cả những tạp niệm trong hồn, chuẩn bị một không gian yên ắng tịch mịch để trang trọng hưởng thụ mùi hương nồng trên mái tóc người yêu. Từ đấy chúng ta hiểu rằng  ‘Một hồn thu tạnh…mơ say… ’ là nói về chàng chứ không thể gán cho nàng.

Câu sau :

    Mắt em là một dòng sông

Chữ DÒNG ( dòng suối, dòng thác, dòng sông) chỉ trạng thái ĐỘNG.

Trong chúng ta, ít lắm, ai cũng một lần đắm đuối chiêm ngưỡng nét kiều mị của người  mình yêu . Có ai nghĩ đến lúc ấy đôi mắt của mình như thế nào không nhỉ ? Tôi nghĩ rằng lúc đó nó thẫn thờ, ngây dại như đứng tròng vì nó ở trạng thái TĨNH.

Ví đôi mắt với dòng sông chỉ mang ý nghĩa khen tặng chứ nếu đôi mắt mà động như dòng sông thì nàng đâu có si mê gì, đâu coi chàng ra kí lô gam nào như Phạm đức Nhì đã nghĩ.

Và cuối cùng:

    Thuyền anh bơi lặng trong dòng mắt em

Ôi ! lời ve vãn thật âu yếm, ngọt ngào.

Chàng không dám khua động mái chèo sợ làm tan đi cái không gian lung linh huyền diệu của tình yêu vừa chớm ngỏ.

Câu chuyện có thế thôi.

Chỉ vỏn vẹn với hai mươi tám chữ, tác giả đã cho chúng ta vượt qua những trình tự khen tặng, hưởng thụ, đam mê và tán tỉnh. Quả thật.

Lưu trọng Lư là một trong những nhà thơ mà tôi mến mộ.

Ông có một thủa thiếu thời như thế. Tôi cũng có một thủa thiếu thời như thế nên ‘Nắng mới’ đã từng làm tôi thổn thức mỗi khi nhớ đến mẹ. Lớn dần, qua ma trận tình yêu, ‘Một mùa đông’ cũng đã từng làm tôi vật vã suốt tuổi hoa niên, tuy nhiên không phải vì thế mà tôi không thể nói rằng tôi tâm đắc với bài thơ này.

Lý do đầu tiên đơn giản là, tôi đã không tìm thấy hơi hướm của một Lưu trọng Lư bình dân, giản dị nhưng đầy ắp những chân tình, mãnh liệt cuốn hút tình cảm của người đọc như qua những bài thơ khác.

Thứ đến, không biết đúng hay sai, tôi đã nghĩ, bài thơ hay là một bài thơ mà những xúc động chạy thẳng vào tim chứ không lên óc. Ở đây, tác giả đã sử dụng từ ngữ có chút cầu kỳ nên bài thơ chỉ dừng lại trong đầu tôi.

Vẫn biết ‘ chỗ ta ngồi hôm nay người ngàn xưa đã ngồi ’ nhưng đề tài của thi nhân vẫn không hề hạn hẹp, thế mà hai câu đắc ý trong bài thơ

TRĂNG LÊN

                     Mắt em là một dòng sông

                    Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em

lại bắt gặp trong

ĐÔI MẮT        

                      Mắt em là một dòng sông

                     Thuyền ta bơi lội giữa dòng mắt em

Sự lặp lại này đã lấy đi tình cảm của tôi rất nhiều.

Nói đến Vũ ngọc Phan, vị lão thành này kinh nghiệm đầy mình nên trí tưởng tượng thật là phong phú để đưa đến giải đoán bài thơ là giáo đầu của một cuộc mây mưa. Đã thế lại được Thụy Khuê khen nức nở.

Tôi thực không hiểu.

Trong bài tiểu luận, Thụy Khuê có nhắc đến năm ĐỘNG TỪ trong bài thơ, theo tôi, nên rút đi một, đó là chữ LẶNG.

Nói riêng, nói nhỏ với Phạm đức Nhì, Nếu có giảng giải gì thì xin viết bằng tiếng VIỆT cho xem ké với, chứ giảng bằng tiếng ANH, lão già rồi, có học thêm chục lớp ESL cũng chẳng hiểu nổi.

Trống đã sang canh.

                                                  Lý thảo Yên

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search