T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 92)

clip_image001

Tiếng Việt, dễ mà khó

Biến âm trở thành một biện pháp tạo từ. Như từ “vậy”, chỉ cần thay dấu nặng bằng dấu huyền, chúng ta có từ mới: “vầy” (như vầy này!). Ðã có từ “lui hui”, người ta tạo thêm các chữ “lúi húi” rồi “lụi hụi”. Ðã có từ “chừ bự”, người ta tạo thêm các từ mới: chư bư, chừ bư, chừ bử, chử bử, chứ bứ, chự bự. Ðã có “trật lất”, người ta tạo thêm: trết lết, trét lét, trớt lớt, trớt huớt… Ðã có từ “ngoại” vay mượn từ chữ Hán, chúng ta tạo thêm hay từ khác: “ngoài” để các quan hệ không gian cũng như thời gian và “ngoái” để chỉ quan hệ về thời gian: “năm ngoái”.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Thả thơ III

Thả thơ là một nghệ thuật chơi chữ, người thả thơ đưa ra mấy câu thơ, trong đó giấu đi một chữ và đưa ra một số chữ để thay chữ bị khiếm khuyết.

Cái khéo của người thả thơ chọn những chữ có vẻ “đúng” để cho người chơi trò chơi chữ nghĩa phân vân…

Dưới đây thêm một thí dụ với Hà Huyền Chi:

Em khi cọp khi nai

Chậm nhớ mà thù dai

Hứa tha rồi lại _ _ _

Nuôi chiến tranh dài dài

(Đắng cay hạnh phúc)

Hãy chọn 1 trong 5 chữ “đánh – chiến – giết – chém – bắn

(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Tục ngữ Tầu

Nhân vô tiếu kiểm hưu khai điếm

(Mặt không tươi, đừng mở quán)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Thả thơ với Hà Huyền Chi

Chữ được chọn: “chém”.

(Liên Hoa – Đặc san Mê Linh 2006)

Tên địa danh Gio Linh

Ông Tây đến vùng đất này hỏi tên gì?. Trong khi gió Lào thổi qua rát mặt, người bản địa hiểu không ra và trả lời là “gió Lào”. Ông Tây nghe lạng quạng đặt tên là…Gio Linh.

(…phỏng theo Thái Văn Kiểm)

Chữ nghĩa biên khảo: Địa danh Sài Gòn

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh này: (1) Trước tiên, có tên là Sài Côn, tiếng phiên âm của tiếng Prei-kor (rừng cây bông gòn) hoặc của tiếng Prei-Nokor (đô lâm, thành lâm hay hoàng lâm), nguyên là tư dinh của Phó vương Cao Mên, thuộc vùng Chợ Lớn, lối chùa Cây Mai. Nơi đây, năm 1778, người Minh hương từ Cù lao Phố (Biên Hòa) rút về, xây bờ gạch cao dọc theo kinh Tàu Hủ để ngăn nước, nên được người Tàu gọi là Thày Ngòn (tức Ðê Ngạn); do tiếng Thày Ngòn nầy, người Pháp phiên âm ra Saigon, lại gọi cách sát nhập cả phía Gia Ðịnh thành; còn chỗ có tên Sài Côn hay Thày Ngòn (Ðê Ngạn) lại gọi là Chợ Lớn.

Thuyết này cho Sài Côn hay Sài Gòn là tiếng phiên âm của chữ Tây Cung là vòng thành của Phó vương Cao Mên, đối chiếu với Ðông Phố là tư dinh của quan kinh lược Việt Nam. Sài Côn hay Sài Gòn cũng đều là tiếng phiên âm của hai chữ Tây Cống, có nghĩa là nơi nhận cống lễ của các đời vua Cao Mên dâng cho vua Việt Nam.

Như vậy, dầu do tiếng nào phiên âm ra, Sài Gòn khi xưa là Chợ Lớn ngày nay. Còn Sài Gòn (ý nói chỗ sau này là Sài Gòn) từ năm 1789 tới 1861 là Gia Ðịnh thành. Tên Sài Gòn có từ năm 1861 là năm Pháp đặt nền hành chánh tại đó để khống chế cả miền Nam. Ðến năm 1931, Pháp mới nhập thành phố Chợ Lớn về Sài Gòn và gọi chung là Ðịa phương Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1954, do dụ Bảo Ðại ngày 30 tháng 5, Ðịa phương Sài Gòn – Chợ Lớn đổi ra Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn. Từ năm 1956, do sắc lịnh ngày 22 tháng 10 của Tổng thống Ngô Ðình Diệm, Ðô thành Sài Gòn – Chợ Lớn được đổi lại là Thủ đô Sài Gòn.

(Việt Nam tự điển, Lê Văn – Lê Ngọc Trụ Khai Trí, Sài Gòn, 1970)

Truyện cực ngắn – Ái ân

Một trưa hè mát mẻ có một cặp trai tài gái sắc làm tình ngoài công lộ. Bộ hành tới lui. Xe cộ qua lại. Chân ai nấy đi. Xế ai nấy lái. Không ai buồn để ý tới cái cảnh ái ân vụng trộm hồn nhiên. Cuối cùng – sau ba tiếng đồng hồ? – chúng cũng rời nhau.

Cậu Vện chạy thẳng ra bờ sông. Cô Mực lủi vào trong con hẻm.

Chữ nghĩa…thư giãn

Đọc báo mỗi ngày tôi thấy, tôi thấy người Việt mình cáo phó, phân ưu nhiều quá thể.

Mà người chết trong tro trong bụi, khi sống từng hiểu hai chữ “sắc”, “không”…Thì cáo phó, phân ưu làm chi nữa chứ, hả giời.

Tôi xếp báo, buồn 5 phút rồi cười khan. Rồi đập vỡ mấy chai bia. Tự nghĩ tấm thân tàn đã muốn ném đi từ khuya. Và nghĩ thêm: Sao người ta chết nhiều quá vậy ta?.

(Nguyễn Tấn Trãi – Đọc báo Việt ở Mỹ)

Tiếng Nam tiếng Bắc

Nhà giáo, nhà văn Trà Lũ kể trong tuyển tập Đất ấm tình nồng:

“À tôi vừa chợt nhớ ra chuyện tiếng Bắc tiếng Nam, tôi xin kể cho cá cụ nghe. Xin các cụ đừng bảo là tục nha. Đây là chuyện có thật, xảy ra hồi năm 1955, 1956 ở Sài Gòn, khi bọn Bắc kỳ di cư chúng tôi mới vào Nam.

Có anh Bắc Kỳ kia bị bệnh táo bón, anh đi bác sĩ. Bác sĩ Nam kỳ cho toa mua thuốc và dặn rằng: “Anh về nhà uống thuốc theo toa và nhớ nghe tôi dặn là địt cho nhiều, càng nhiều càng tốt. Đi đứng nằm ngồi mà địt được thì cứ địt. Anh hiểu không?”.

Anh Bắc kỳ đỏ mặt rồi ấp úng: “Thưa bác sĩ, nằm em “địt” được. Đứng em “địt” được. Ngồi em cũng “địt” được. Nhưng vừa đi vừa “địt” thì em chịu thua. Em không “địt” được.

Ông Nam kỳ trố mắt nhìn anh Bắc kỳ rồi nói: “Sao kỳ vậy? Cái đó dễ quá mà!” May thay có ông Bắc Kỳ vào Nam trước năm 54 hiểu chuyện, ông giải thích: “Bác sĩ ơi, người Bắc họ hiểu “địt” là cái việc vợ chồng cơ. Còn địt của bác sĩ là…đánh tủm, đánh rắm”.

Ông bác sĩ lại ngớ ra lầu bầu: “Địt là…đánh rắm…Đánh tủm..là địt”. Là…là…tía ơi!”.

Đánh rắm, đánh tủm với cô Kiều

Nhân chuyện “địt là…đánh rắm…Đánh tủm..là địt” trên, thêm chuyện ấy trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du nhưng “có văn hóa” hơn nhiều. Ấy là:

Trông theo nào thấy đâu nào

Hương thừa nhường hãy ra vào đâu đây

Phê bình văn học hải ngoại

Từ 1975 đến nay, hải ngoại đã có những nhà phê bình vượt thoát ra khỏi những lề lối phê bình sáo mòn cũ.

Trong đó có Lưu Nguyễn Đạt dùng phân tích cơ cấu, phân tích phá cách để so sánh cấu trúc, tín hiệu, khai phá và hệ thống hóa tâm lý, triết lý trong tác phẩm.

Nguyễn Hưng Quốc đã sáng tạo một lý thuyết riêng về phê bình văn học về phương diện kiến trúc ngôn ngữ theo quy luật ngôn ngữ học, ngữ pháp học.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Xanh om

Hồ Xuân Hương có câu thơ:
“Xanh om cổ thụ tròn xoe tán”.

Xanh om là xanh thế nào? Xanh om có phải là xanh um không? Xanh om có liên hệ gì với tối om chăng? Từ, muốn biết nghĩa chính xác, thì tra từ điển.

Tra xong Ðại từ điển tiếng Việt: không thấy xanh om.(1) Lật tìm xem các loại màu xanh được định nghĩa trong sách ấy. Lạ, sách dày gần 2000 trang khổ to, chứa hơn 120000 mục từ, mà xanh bệch, xanh bợt, xanh chành, xanh lướt, xanh mái, xanh mịt, xanh nghít, xanh mởn, xanh muốt, xanh mướt, xanh mượt v.v. ở đâu?

Bỏ xanh, tìm đỏ. Thêm lạ: đỏ bầm, đỏ choét, đỏ dòi dọi, đỏ hau, đỏ hắt, đỏ hây, đỏ hực, đỏ ké, đỏ mọng, đỏ ngòm, đỏ ngòn, đỏ phừng, đỏ rợ, đỏ sọng, đỏ tấy, đỏ thén, đỏ xuộm v.v., nào thấy. Ô hay, đỏ xanh quen thuộc hóa “vết chim bay”(2) bao giờ vậy?

Tiếng nói là một biểu hiện cơ bản của văn hóa. Tiếng nói nào có từ vựng phong phú, người nói thứ tiếng ấy hẳn lấy làm hãnh diện. Chỗ trưng bày, bảo tàng hữu hiệu nhất niềm hãnh diện ấy là trong một đại từ điển. Anh ngữ có bộ Oxford English Dictionary, gồm hai mươi quyển chứa hơn nửa triệu định nghĩa, với vô số trích dẫn từ đủ mọi nguồn. Việt ngữ, gần một thế kỷ từ ngày Hội Khai Trí Tiến Ðức sơ thảo Việt Nam tự điển, vẫn chưa thấy có một công trình đích đáng ngôn ngữ dân tộc…

(1) Ðại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Ðào tạo?) bảo trợ, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 1999.

clip_image003

(2) Thơ Phạm Thiên Thư.

(Thu Tứ – Tìm tòi và suy nghĩ)

Đề: Tả công viên.

Gần nhà em có một cái công viên. Buổi sáng hay có các cụ già đi bộ tập thể dục. Buổi trưa hay có các bác xe ôm đỗ xe ngủ. Buổi tối hay có các cô chú ngồi ôm nhau.

Chữ nghĩa làng văn I

Ở Việt Nam truyện ngắn viết bằng quốc ngữ tuy chỉ mới xuất hiện hồi đầu thế kỷ nhưng dã đi hia bảy đặm trên con đường của mình. Các truyện ngắn khoảng bốn mươi năm trở lại đây có giá trị nghệ thuật và tư tưởng không thua gì các truyện lừng danh ở những xứ đã có truyền thống truyện ngắn lâu đời. Một trong những truyện nổi tiếng còn sót lại là truyện ngắn rất gợi cảm ‘Câu Chuyện Một Tối Tân Hôn’ của Phạm Duy Tốn, rõ ràng trong điều cần được trình bày; kỹ thuật dựng truyện và cách sắp xếp điều cần thiết của một truyện ngắn theo cách thế của các truyện ngắn Pháp chớ không bắt nguồn từ truyện ngắn Việt Nam (viết bằng chữ Nôm hay chữ Hán trước đó) như ‘Truyền Kỳ Mạn Lục Giải Âm’, chữ Nôm thế kỷ XVII, hay ‘Lĩnh Nam Chích Quái’ của Trần Thế Pháp hoặc ‘Việt Ðiện U Linh’ của Lý Tế Xuyên, chữ Hán, thế kỷ XIV.

(Nguyễn Văn Sâm – Vài suy nghĩ về truyện ngắn)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Vợ chồng cầy cấy, chập sau…mệt đừ

 

 

 

Ngộ Không

(Sưu Tầm)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search