T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(60)- NHẠC PHÁP – Dans le soleil et dans le vent (Trong nắng trong gió), Roule s’enroule (Tình nồng cháy)

dans-le-soleil

Trong bài trước, chúng tôi đã giới thiệu hai ca khúc Pháp nổi tiếng quốc tế trước năm 1975 là L’amour est bleu (Tình yêu màu xanh) và Après toi (Vắng bóng người yêu), cùng được Vicky Leandros trình diễn lần đầu tiên tại các giải ca khúc truyền hình Âu Châu (Eurovision).

Vicky Leandros là người gốc Hy-lạp, hát bằng 8 ngôn ngữ khác nhau, và đã bán được trên 150 triệu đĩa.

Thế nhưng với những con số “dễ nể” ấy, Vicky Leandros cũng chỉ được đứng hạng nhì trong số nữ danh ca quốc tế gốc Hy-lạp, còn hạng nhất là đàn chị Nana Mouskouri, người hát bằng 10 ngôn ngữ, với số đĩa bán ra lên tới hơn 300 triệu, được nằm trong Top 10 của cả thế giới.

Nana Mouskouri cũng là nữ danh ca đã thu đĩa hai ca khúc Pháp Dans le soleil et dans le vent  Roule s’enroule chúng tôi giới thiệu trong bài này. Trước năm 1975, Dans le soleil et dans le vent được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Trong nắng trong gió, và sau này tại hải ngoại, Roule s’enroule được Anh Bằng Việt hóa với tựa Tình nồng cháy.

Nana Mouskouri (phát âm là “musxuri”) tên thật là Ioana Mouskouri, ra chào đời ngày 13/10/1934 tại đảo Crete thuộc Hy-lạp.

[Crete là hòn đảo lớn thứ 5 ở Địa Trung Hải (sau các đảo Sicily, Sardinia, Cyprus và Corsia), từng là một trong những trung tâm văn minh đầu tiên ở phương tây, được nhắc tới nhiều lần trong thần thoại Hy-lạp, có truyền thống văn học, âm nhạc. Một trong những danh nhân Hy-lạp ra chào đời tại đảo Crete là văn hào Nikos Kazantzakis (1883-1957), tác giả các cuốn Zorba the Greek, The Last Temptation of Christ…)]

Vì sinh kế khó khăn, năm Nana Mouskouri lên 3, gia đình tới thủ đô Athens lập nghiệp. Tại đây ông bố Constantine trở người phụ trách máy chiếu phim còn bà mẹ Alice làm công việc hướng dẫn ghế ngồi (usherette) trong một rạp chiếu bóng đối diện căn nhà gia đình thuê mướn.

Nhờ đi theo cha mẹ, cô bé Nana đã được xem đi xem lại những cuốn phim hay, và cô thích nhất cuốn phim thần tiên thời đại Wizard Of Oz, trong đó nữ diễn viên kiêm danh ca Mỹ Judy Garland (vai Dorothy Gale) hát bản (Somewhere) Over The Rainbow, ca khúc đoạt giải thưởng Oscar cho bài hát trong phim, và trở thành ca khúc “cầu chứng” của Judy Garland.

Chính ca khúc này đã khiến cô bé Nana nhút nhát và khép kín nuôi mộng trở thành ca sĩ. Ngoài giờ chiếu phim, khi không có ai trong rạp, cô thường lên sân khấu phía trước màn bạc để trình diễn bản (Somewhere) Over The Rainbow  trước “khán giả tưởng tượng”.

Tới năm 6 tuổi, Nana Mouskouri và cô chị Eugenia được cha mẹ cho học hát với hy vọng sẽ được thu nhận vào Nhạc viện Athens.

Được ít lâu, vì không kham nổi học phí cho cả hai cô con gái, hai ông bà Mouskouri bắt buộc phải chọn một trong hai. Khi được hỏi ý kiến, vị thầy dạy nhạc nói rằng mặc dù cô chị Eugenia có giọng hát hay hơn, nhưng chính Nana mới là người mê say ca hát, vì thế cô được cha mẹ cho tiếp tục theo thầy.

Nhưng rồi Đệ nhị Thế chiến xảy ra, Hy-lạp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, ông bố Constantine đi theo kháng chiến chống Đức, việc học hát của Nana bị gián đoạn. Mãi tới năm 12 tuổi, sau khi hòa bình được vãn hồi, Nana mới tiếp tục học hát. Vừa học thầy, cô vừa tự học các thần tượng Frank Sinatra, Ella Fitzgerald, Billie Holiday của Mỹ, Édith Piaf của Pháp qua làn sóng điện.

Sự say mê và những cố gắng của Nana Mouskouri cuối cùng đã được đền bù: năm 16 tuổi (1950), cô được Nhạc viện Athens thu nhận. Trong chương trình 8 năm về nhạc cổ điển tại Nhạc viện, môn học chính của Nana Mouskouri là ca kịch opera. Giọng hát của Nana Mouskouri thuộc thể loại mà từ ngữ âm nhạc gọi là “coloratura mezzo”.

“Coloratura mezzo” là tiếng Ý đã được quốc tế hóa; “mezzo” là rút gọn của “mezzo soprano”, tiếng Anh còn gọi là “half soprano”, là giọng nữ nằm dưới soprano và trên contralto, tức giọng “nữ trung”;  còn “coloratura” tuy có nguồn gốc tiếng La-tinh “colorare” (tiếng Anh: to color) nhưng trong âm nhạc chỉ mang nghĩa bóng là “nghệ thuật diễn tả bằng nhiều kỹ thuật (ngân, láy, v,v…) khác nhau”.

Phụ lục 1: Senerade de Schubert  (nguyên tác tiếng Đức) -Nana Mouskouri 

VIDEO:

 Nana Mouskouri – Serenade de Schubert YouTube

Nhưng Nana Mouskouri lại được trời sinh ra với hai dây thanh âm (vocal cords) khác nhau, cho nên vừa có thể hát theo giọng “coloratura mezzo” vừa có thể hát với một giọng đầy hơi thở, chói tai như giọng nói chuyện (breathy, raspy speaking voice) của các ca sĩ hát nhạc jazz hiện đại.

Chính vì thế, bạn bè của Nana Mouskouri đã rủ rê cô tham gia nhóm nhạc jazz của họ, thường tụ tập đàn hát mỗi đêm.

Hậu quả, Nana Mouskouri đã phải trả một giá khá đắt: khi vị giáo sư Viện trưởng biết được cô “tham gia những sinh hoạt nằm ngoài môn học của mình”, cô bị cấm thi tốt nghiệp năm thứ 6!

Sau này vào năm 2011, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền UK ITV của Anh quốc, Nana Mouskouri đã hồi tưởng: ngày ấy, cô có tên trong danh sách học viên sẽ trình diễn trong buổi thi tốt nghiệp tổ chức tại hí viện lộ thiên (amphitheatre) Epidaurus nổi tiếng từ thời cổ; nhưng khi tới nơi, cô mới biết mình đã bị loại tên khỏi danh sách.

Trước sự việc “phũ phàng” xảy ra sau hơn 6 năm khổ luyện ở Nhạc viện, Nana Mouskouri đã dứt khoát quay lưng, một đi không trở lại. Nền ca kịch opera của Hy-lạp có thể mất đi một giọng “coloratura mezzo” hiếm quý nhưng người yêu nhạc hiện đại có thêm một nữ danh ca hàng đầu.

Tuy nhiên, dù được liệt vào hàng ngũ “ca sĩ hiện đại”, 6 năm ở Nhạc viện Athens cũng ảnh hưởng sâu đậm tới phương cách hát của Nana Mouskouri, đem lại một giọng hát độc đáo – cũng độc đáo như cặp mắt kính gọng nhựa màu đen “cầu chứng” của cô.

Phụ lục 2: The First Time Ever I Saw Your Face, Nana Mouskouri

Sau khi rời bỏ Nhạc viện Athens, Nana Mouskouri bắt đầu sự nghiệp ca hát với việc trình diễn những ca khúc jazz tại các hội quán ca nhạc ở thủ đô, qua phong cách chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thần tượng là nữ danh ca Mỹ Ella Fitzgerald.

Năm 1957 Nana Mouskouri thu đĩa hát đầu tay “Fascination” bằng hai ngôn ngữ Hy-lạp và Anh do hãng đĩa Odeon/EMI phát hành, nhưng không gây được sự chú ý. Sau đó, Nana Mouskouri may mắn được nhà soạn nhạc & viết ca khúc Manos Hadjidakis khám phá khi ông tới nghe nhạc tại một hội quán nơi cô trình diễn.

[Manos Hatzidakis (1925-1994) là một nhà soạn nhạc nổi tiếng bậc nhất của Hy-lạp; người có công đầu trong việc “tây phương hóa” nền nhạc dân gian vốn mang nặng âm hưởng đông phương của Hy-lạp. Một trong những sáng tác  nổi tiếng của ông là ca khúc Never on Sunday viết cho cuốn phim có cùng tựa, đoạt giải Oscar năm 1960 cho ca khúc trong phim]

Năm 1959, tại Liên hoan Ca khúc Hy-lạp (Greek Song Festival) được tổ chức lần đầu tiên, Nana Mouskouri đã đoạt giải nhất với một ca khúc của Manos Hadjidakis.

Qua năm sau, cũng tại Liên hoan Ca khúc này, Nana Mouskouri tham dự với hai ca khúc đều của Manos Hadjidakis và cả hai bản đã đoạt giải nhất đồng hạng. Cùng năm, Nana Mouskouri đoạt giải nhất tại Liên hoan Ca khúc Địa Trung Hải.

Năm 1961, Nana Mouskouri được trao tặng đĩa vàng đầu tiên trong sự nghiệp của mình nhưng không phải với một ca khúc bằng tiếng Hy-lạp mà bằng tiếng Đức.

Nguyên vào năm đó, người Đức thực hiện một cuốn phim tài liệu về Hy-lạp, và Nana Mouskouri được mời hát một ca khúc bằng tiếng Đức trong phần nhạc phim (soundtrack). Ca khúc có tựa đề Weiße Rosen aus Athen (White Roses from Athens), vốn là một ca khúc dân gian Hy-lạp được Manos Hadjidakis cải biên.

Ca khúc này đã đạt thành công ngoài dự liệu, bán được trên 1 triệu đĩa ở Đức; sau đó được Nana Mouskouri thu đĩa bằng nhiều ngôn ngữ khác, và cho tới nay vẫn được xem là một trong những ca khúc “cầu chứng” của “Bông hồng Nhã-điển” (Rose from Athens) – biệt danh của Nana Mouskouri sau thành công của ca khúc này.

Năm 1963, Nana Mouskouri, lúc này đã sang sống ở Paris, được Lục-xâm-bảo (Luxembourg) mời đại diện tham dự cuộc thi ca khúc truyền hình Âu Châu (Eurovision) với ca khúc À force de prier (dịch sang tiếng Anh: By Persistently Praying).

À force de prier là một tình khúc do Raymond Bernard soạn nhạc, Pierre Delanoe đặt lời, tuy chỉ đứng hạng 8 trong tổng số 16 ca khúc dự thi, sau đó đã đạt thành công thương mại đáng kể, ngoài nguyên tác tiếng Pháp còn được đặt lời bằng tiếng Đức (Die Worte dieser Nacht), tiếng Anh (The One That Got Away), tiếng Ý (La notte non lo sa) để Nana Mouskouri thu đĩa.

Thành công của ca khúc này đã giúp Nana Mouskouri đoạt giải thưởng cao quý Grand Prix du Disque của Pháp và lọt vào mắt xanh của nhạc trưởng kiêm nhà soạn thời danh Michel Legrand, người sau đó đã soạn hai ca khúc nổi tiếng quốc tế cho Nana Mouskouri: Les Parapluies de Cherbourg (1964) và L’ Enfant au Tambour (1965).

Cùng thời gian “Bông hồng Nhã-điển” cũng đạt thành công tại Hoa Kỳ và Anh quốc.

Khởi đầu vào năm 1962, nhạc sư Quincy Jones nổi tiếng của Mỹ đã thuyết phục được Nana Mouskouri sang thành phố Nữu Ước để thu một album nhạc jazz Mỹ (American jazz) với tựa The Girl from Greece Sings.

Năm 1965, Nana Mouskouri trở lại Hoa Kỳ để thu album (lời Anh) thứ hai, tựa đề Nana Sings. Một trong những ca khúc được yêu chuộng nhất trong album này là bản If you love me (Really love me).

Như chúng tôi đã nhắc tới trong bài viết về ca khúc La vie en rose của Édith Piaf, If you love me (Really love me) là một trong những phiên bản lời Anh của ca khúc Hymne de l’amour (Bài ca tình yêu), một ca khúc để đời của người nữ danh ca huyền thoại, do bà viết lời và Marguerite Monnot phổ nhạc.

If you love me (Really love me) của tác giả Geoffrey Parsons (Anh quốc) là phiên bản lời Anh phổ biến nhất, đã đem lại đĩa vàng cho ca nữ danh ca Anh Shirley Bassey vào năm 1959, và sau đó được hầu hết các nữ danh ca thu đĩa, trong số này có Nana Mouskouri.

VIDEO:

 Edith Piaf – If You Love Me , Really Love Me ( By Nana Mouskouri ) English Lyrics.mp4

Nhờ album Nana Sings, Nana Mouskouri được nam danh ca Harry Belafonte biết tiếng và mời đi lưu diễn chung, hát chung trong album An Evening With Belafonte/Mouskouri, và giới thiệu với khán giả truyền hình Mỹ quốc.

[Harry Belafonte sinh năm 1927, là danh ca, nhà soạn nhạc kiêm diễn viên thành công bậc nhất trong số nghệ sĩ Mỹ gốc Phi châu, được tặng biệt hiệu “Ông vua Calypso” (King of Calypso) vì đã có công phổ biến thể loại nhạc này của vùng biển Carribbean tới người yêu nhạc trên khắp thế giới vào thập niên 1950. Hai cuốn phim ca nhạc nổi tiếng của ông là Carmen Jones (1954) và Island in the Sun (1957) do đạo diễn Otto Preminger thực hiện]

Một chi tiết thú vị liên quan tới những ngày đầu hợp tác giữa Nana Mouskouri và Harry Belafonte là chàng ca sĩ Mỹ đã yêu cầu “Bông hồng Nhã-điển” bỏ cặp mắt kính cận thị ra khi trình diễn trước khán giả, nhưng Nana Mouskouri cho biết cô có thể rời bỏ show này chứ nhất quyết không gỡ cặp mắt kính “cầu chứng”.  Cuối cùng Harry Belafonte phải chịu thua.

* * *

Tại Anh quốc, từ năm 1968, Nana Mouskouri đã trở thành một khuôn mặt quen thuộc trên đài truyền hình BBC với show Presenting… Nana Mouskouri.

Show này là một sáng kiến đầy tính cách phiêu lưu của nhà sản xuất truyền hình Yvonne Littlewood. Nguyên từ ngày được gặp gỡ và xem  Nana Mouskouri trình diễn tại cuộc thi ca khúc truyền hình Âu Châu (Eurovision) năm 1963, Yvonne Littlewood đã bị thu hút ngay.

Tới năm 1967, sau khi thực hiện một cuốn phim tài liệu về ca nhạc với Nana Mouskouri, Yvonne Littlewood đã mời Nana cộng tác qua việc làm người giới thiệu (host) show Presenting… Nana Mouskouri trên đài BBC-4.

Đây là một show ca nhạc với thành phần nghệ sĩ chủ lực là Nana Mouskouri và ban Athenians (đệm đàn và hát phụ). Ngoài việc trình diễn những ca khúc dân gian Hy-lạp, những ca khúc cổ điển và bán cổ điển, những ca khúc lời Pháp được ưa chuộng, mỗi tuần Nana Mouskouri còn mời một hoặc nhiều nghệ sĩ khách (guest star) quốc tế xuất hiện trong show để trình diễn và giới thiệu nền ca nhạc của quốc gia mình.

Không ngờ sáng kiến “phiêu lưu” ấy của Yvonne Littlewood lại mang tới thành công ngoài dự liệu. Show Presenting… Nana Mouskouri không chỉ thu hút khán giả truyền hình Anh quốc trong suốt 8 năm liên tục mà còn được phát hình lại ở nhiều nơi trên thế giới, từ Gia-nã-đại xuống Chí-lợi, từ Tây-ban-nha sang Do-thái, từ Úc-đại-lợi, Tân-tây-lan tới các nước Á châu Thái-lan, Tân-gia-ba, Mã-lai, Nhật Bản, Nam Hàn…

Sau này, Yvonne Littlewood giải thích về trường hợp thành công của Nana Mouskouri như sau:

“Theo tôi, một ca sĩ mà mang mắt kính khi hát là việc không bình thường. Trông Nana Mouskouri không giống một nữ ca sĩ điển hình. Cô không có mái tóc vàng… Và quý vị nên nhớ lại ngày ấy người ta chưa đi du lịch nhiều, cho nên âm nhạc và những gì liên quan tới Hy-lạp chưa được đông đảo quần chúng biết tới như ngày nay. Nhưng sự duyên dáng của Nana Mouskouri và những lời dẫn nhập (bằng Anh ngữ) của cô về một ca khúc trước khi trình bày là những gì hết sức độc đáo và đáng yêu.”

VIDEO:

Nana Mouskouri – Τα παιδιά του Πειραιά (1968)

Trong năm 1969, Over and over, album đầu tiên gồm các ca khúc lời Anh của Nana Mouskouri đã lọt vào Top 10 Anh quốc, và đứng trên bảng xếp hạng này suốt 2 năm liền (chúng tôi sẽ viết về bản Over and over ở phần cuối bài).

Nhưng với người ái mộ ở Pháp, ngay từ năm 1967, Nana Mouskouri đã trở thành một siêu sao với album Le jour où la colombe  và buổi trình diễn đầu tiên tại đại hí viện Olympia, Paris.

Riêng với người yêu nhạc Pháp tại miền Nam VN, phải đợi tới năm 1969, khi đĩa 45 vòng Je n’ai rien appris  (Tôi đã chẳng học được bài học nào) được phổ biến tại Sài Gòn, tên tuổi của Nana Mouskouri mới được biết tới.

[Je n’ai rien appris là phiên bản lời Pháp của ca khúc Both Sides Now của Joni Mitchell, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Hai khía cạnh cuộc đời]

Phụ lục 3: Je n’ai rien appris, Nana Mouskouri

Je n’ai rien appris được trích từ album có tựa đề Dans le soleil et dans le vent  của Nana Mouskouri phát hành năm 1969. Dans le soleil et dans le vent cũng là tựa ca khúc chủ đề trong album mà chúng tôi giới thiệu trong bài viết này.

dorde-novkovic

Dorde Novkovic (1943-2007)

Qua tìm hiểu trên Intenret, chúng tôi được biết Dans le soleil et dans le vent nguyên là ca khúc Stari Pjer của tác giả Dorde Novkovic (1943-2007) người Croatia, được Ivica Percl Perica thu đĩa năm 1968; qua năm 1969 được Michel Jourdan đặt lời Pháp.

“Michel Jourdan” ở đây không phải nam diễn viên điện ảnh Michel Jourdan nổi tiếng của màn bạc Pháp (sinh năm 1926), cũng không phải nam ca sĩ Michel Jourdan (sinh năm 1947), mà là nhà thơ trữ tình kiêm nhà viết ca khúc, đặt lời hát Michel Jourdan (sinh năm 1934).

Ngoài những ca khúc viết riêng cho các ca sĩ Pháp, như Dalida, Richard Anthony, Claude François, Johnny Halliday, Dorothy, Mike Brant…, Michel Jourdan còn soạn hoặc đặt lời cho hàng chục ca khúc nổi tiếng quốc tế, được Frank Sinatra, Barbra Streisnad, Julio Iglesias… thu đĩa.

Riêng Nana Mouskouri đã được Michel Jourdan ưu ái dành cho 4 bản, gồm Dans le soleil et dans le vent,  Soleil soleil, Tous les arbres sont en fleurs, và Roule s’enroule.

Trở lại với bản Stari Pjer của tác giả Dorde Novkovic, mặc dù các tài liệu trên Internet không cho biết nội dung ca khúc nguyên thủy mà chỉ viết rằng Michel Jourdan đã “phóng tác” từ nguyên bản, qua phiên bản lời Pháp, người ta cũng cảm nhận được đây là một ca khúc đẹp và buồn.

Lời hát của Michel Jourdan kể về sự hy sinh của một người trai thời chiến: vào một chớm thu, chàng từ giã người vợ trẻ để cùng đồng đội ra tuyến đầu; rồi tới một ngày, một người bạn quay về, anh ta không cần lên tiếng, chỉ cần nhìn dáng điệu, người cô phụ cũng hiểu chuyện gì đã xảy ra…

Dans le soleil et dans le vent

 C´est presque l´automne

Les enfant moissonnent

Et j´ai déjà

Rentré le bois

Toi, en uniforme

Avec d´autres hommes,

Très loin d´ici

Tu es parti

Toi qui chantais

 

Dans le soleil et dans le vent

Tournant les ailes du vieux moulin

Elles tourneront aussi longtemps

Que nous vivrons main dans la main

 

Un peu de poussière

Sur la tabatière

Me prouve bien

Que tu es loin

Mais, je crois entendre

Le refrain si tendre

Que l´an dernier

Pour me bercer

Tu me chantais

 

Ton ami hier

Est rentré de guerre,

Il n´a rien dit

Mais j´ai compris

En voyant ta chaîne

Ton blouson de laine

Que plus jamais

Tu ne viendrais

Me rechanter.

 

Tournent les ailes dans la lumière

Tourne le temps rien n´a changé

Mais dans mon cœur, depuis hier

Le vieux moulin s´est arrêté…

Phụ lục 4: Dans le soleil et dans le vent, Nana Mouskouri

dans-le-soleil-et-dans-le-vent

Vào khoảng năm 1973, 1974, Dans le soleil et dans le vent đã được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Trong nắng trong gió.

 Trong nắng trong gió

 Thu đang êm đềm trôi qua, lũ em bé đang cắt lúa
Đống gỗ kia khô, em đã mang vô…
Anh mặc binh phục oai nghiêm với bạn hữu ra chiến tuyến
Chiến tuyến xa xăm, em nhớ trong năm… anh hát bâng khuâng…

Tơ không gian, bụi không gian, bám trên điếu trên ống thuốc
Muốn nhắc em luôn anh chốn muôn phương…
Nhưng còn đây lời ca vang, những câu hát thấp thoáng,
Những tiếng ru em, câu hát hân hoan, câu hát mênh mang…

Nhẹ nhàng trong gió, hòa với nắng tơ
Từng vòng cánh to chạy tròn giấc mơ
Và còn quay mãi, vòng cánh cối xay
Ngày nào những ai còn đẹp lứa đôi…

Hôm qua anh bạn phương xa ghé qua chốn xưa bến cũ
Thấy dáng anh ta em đoán ngay ra
Anh bạn không cần đưa tin, thế nhưng đã, em đã biết
Tiếng hát trong năm ôi đã xa xăm… nay sẽ im luôn…

Tưởng rằng quay mãi, vòng cánh cối xay
Nào ngờ nắng lên, nào ngờ gió lên
Nào ngờ nắng gió còn vẫn thiết tha
Mà đành cối xay phải ngừng cánh quay…

Mặc dù Phạm Duy đã phóng tác một cách hết sức tài tình, chúng tôi tin rằng không phải người Việt nào cũng cảm nhận được nét đẹp nét buồn trong nội dung ca khúc, như những người thông thạo tiếng Pháp đã cảm nhận qua phiên bản lời Pháp. Bởi, như đã viết ở trên, Michel Jourdan là một nhà thơ nên lời hát do ông đặt cũng chính là những vần thơ, mà trong bản Dans le soleil et dans le vent, thí dụ điển hình nhất là hai điệp khúc – một thật đẹp khi còn tay trong tay, một thật buồn khi đã lẻ bóng:

Dans le soleil et dans le vent

Tournant les ailes du vieux moulin

Elles tourneront aussi longtemps

Que nous vivrons main dans la main…

 

Tournent les ailes dans la lumière

Tourne le temps rien n´a changé

Mais dans mon cœur, depuis hier

Le vieux moulin s´est arrêté…

Trước năm 1975, Dans le soleil et dans le vent / Trong nắng trong gió đã được Thanh Lan trình bày song ngữ trong băng Nhạc Trẻ 6: Tiếng hát Thanh Lan.

Phụ lục 5: Dans le soleil et dans le vent / Trong nắng trong gió, Thanh Lan

VIDEO:

DANS LE SOLEIL ET DANS LE VENT (TRONG NẮNG TRONG GIÓ)

roule-senroule

Tiếp theo, chúng tôi viết về bản Roule s’enroule.

 Roule s’enroule  nguyên là một bài hát dân gian truyền thống của Pháp, được George Petsilas cải biên phần nhạc và Michel Jordan đặt lời hát mới vào năm 1968.

George (Yorgos) Petsilas chính là tay ghi-ta trong ban Athenians đồng thời cũng là đời chồng thứ nhất của Nana Mouskouri.

Sau này, Nana Mouskouri kể lại rằng George là người đàn ông đầu tiên mình hôn trong đời. Hai người kết hôn năm 1961, có với nhau một trai một gái (sinh năm 1968 và 1970), và ly dị sau 14 năm vợ chồng. Sau đó, Nana Mouskouri chung sống với André Chapelle (người Pháp), chuyên viên phụ trách âm thanh của mình.

Lúc đầu Nana Mouskouri không muốn làm đám cưới với André bởi muốn giữ luật đạo (Chính thống giáo), không kết hôn lần thứ hai khi người chồng còn sống; phải đợi gần 30 năm sau (2003), khi đã quyết định chọn Thụy-sĩ làm quê hương thứ ba, Nana Mouskouri mới kết hôn với André Chapelle.

Trở lại với Roule s’enroule, có thể nói phân nửa sức thu hút của ca khúc này là nhờ được George Petsilas cải biên theo nhịp điệu valse Ý .

nana_mouskouri__george_petsilas_922-4746

Nana Mouskouri và George Petsilas

 

Roule s’enroule

Ce matin je t’aime pour deux
Ce matin mon cœur bat pour deux
Je te retrouve et je découvre
À la seconde le bout du monde

Roule s’enroule ma vie à la tienne
Roule s’enroule ta chance à la mienne
Roule s’enroule t’en de tendresse
Que je ne cesse de croire en toi

 Ce jour-là est fait pour nous deux
Un instant je ferme les yeux
Tu me fredonnes mieux que personne
La chanson tendre que j’aime entendre

 Roule s’enroule ma vie à la tienne
Roule s’enroule ta chance à la mienne
Roule s’enroule t’en de tendresse
Que je ne cesse de croire en toi

 Le soleil s’endort et s’éteint
Et le vent se calme soudain
Le vent s’arrête pour mieux peut-être
Que tu entendes la chanson tendre

 Roule s’enroule ma vie à la tienne
Roule s’enroule ta chance à la mienne
Roule s’enroule t’en de tendresse
Que je ne cesse de croire en toi

 Roule s’enroule ma vie à la tienne
Roule s’enroule ta chance à la mienne
Roule s’enroule t’en de tendresse
Que je ne cesse de croire en toi.

Phụ lục 6: Roule s’enroule, Nana Mouskouri

Vừa được tung ra, đĩa Roule s’enroule của Nana Mouskouri đã được nồng nhiệt đón nhận, và được bốn tác giả Tom Hemby, John Mallory, Tony Melendez, Gary Winthur Chapman đặt lời Anh với tựa Over and over, cũng do Nana Mouskouri thu đĩa, và trở thành ca khúc chủ đề của album Over and over, album tiếng Anh đầu tiên của Nana Mouskouri, đứng trên Top 10 Anh quốc trong suốt 2 năm 1969 1970.

Over and Over

 I never dare to reach for the moon
I never thought I’d know heaven so soon
I couldn’t hope to say how I feel
The joy in my heart no words can reveal

Over and over I whisper your name
Over and over I kiss you again
I see the light of love in your eyes
Love is forever, no more good-byes

Now just a memory the tears that I cried
Now just a memory the sighs that I sighed
Dreams that I cherished all have come true
All my tomorrows I give to you

Over and over I whisper your name
Over and over I kiss you again
I see the light of love in your eyes
Love is forever, no more good-byes

Life’s summer leaves may turn into gold
The love that we share will never grow old
Here in your arms no words far away
Here in your arms forever I’ll stay

Over and over I whisper your name
Over and over I kiss you again
I see the light of love in your eyes
Love is forever, no more good-byes

Over and over I whisper your name
Over and over I kiss you again
I see the light of love in your eyes
Love is forever, no more good-byes

Laï lalalaï lalalaï lalalaï [Repeat until the end]

Phụ lục 7: Over and over, Nana Mouskouri

 

nhac-si-anh-bang-1926-2015

Nhạc sĩ Anh Bằng (1926-2015)

 Sau năm 1975 tại hải ngoại, Roule s’enroule /Over and over đã được nhạc sĩ Anh Bằng đặt lời Việt với tựa Tình nồng cháy.

Tình nồng cháy

 Em không mơ hoang kiếp sống trên cung Hằng
Em không tham lam diễm phúc trên thiên đàng
Làm sao em nói cho hết những tâm tình
Ước mơ khiêm nhường – có anh bên mình

Đk:
Anh yêu anh yêu ơi có những đêm đơn lạnh
Hôn anh hôn trong mơ thấy xót xa riêng mình
Tình trong đôi mắt xưa ấy nay đâu rồi
Mất anh đêm này, mất anh muôn đời

Anh hay chăng anh nước mắt em vơi đầy
Anh nghe chăng anh những tiếng đêm thở dài
Gọi tên anh mãi trên gối chăn kỷ niệm
Chỉ nghe trong lòng tiếc thương âm thầm

Đk:
Anh yêu anh yêu ơi có những đêm đơn lạnh
Hôn anh hôn trong mơ thấy xót xa riêng mình
Tình trong đôi mắt xưa ấy nay đâu rồi
Mất anh đêm này, mất anh muôn đời

Như bao cây xanh trước gió đông cây vàng
Xa anh hôm nay thấy giấc mơ hoang tàn
Vòng tay âu yếm em ngỡ như thiên đàng
Đến nay chỉ là – đắng cay bẽ bàng

Đk:
Anh yêu anh yêu ơi có những đêm đơn lạnh
Hôn anh hôn trong mơ thấy xót xa riêng mình
Tình trong đôi mắt xưa ấy nay đâu rồi
Mất anh đêm này, mất anh muôn đời

Như bao cây xanh trước gió đông cây vàng
Xa anh hôm nay thấy giấc mơ hoang tàn
Vòng tay âu yếm em ngỡ như thiên đàng
Đến nay chỉ là – đắng cay bẽ bàng

Đk:
Anh yêu anh yêu ơi có những đêm đơn lạnh
Hôn anh hôn trong mơ thấy xót xa riêng mình
Tình trong đôi mắt xưa ấy nay đâu rồi
Mất anh đêm này, mất anh muôn đời
Tình trong đôi mắt xưa ấy nay đâu rồi
Mất anh đêm này, mất – anh – muôn – đời…

 Như mọi người có thể thấy, nội dung phiên bản lời Anh Over and over tuy khác với nguyên tác lời Pháp Roule s’enroule nhưng ý nghĩa không trái ngược: trong Roule s’enroule, hai trái tim yêu nhau đang cùng một nhịp đập (Ce matin je t’aime pour deux, Ce matin mon cœur bat pour deux…), trong Over and over, những giọt lệ chỉ còn là quá khứ, tình sẽ bền trăm năm (Now just a memory the tears that I cried… Love is forever, no more good-byes).

Nhưng trong Tình nồng cháy của Anh Bằng tình đã tan vỡ, còn lại chỉ là đắng cay, bẽ bàng (Tình trong đôi mắt xưa ấy nay đâu rồi, Mất anh đêm này, mất anh muôn đời…).

 Rất có thể vì nội dung bi lụy ấy mà Tình nồng cháy  “ăn khách” – có lẽ  ăn khách nhất trong số những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt của Anh Bằng, người nhạc sĩ tài hoa có khả năng làm hài lòng tất cả mọi thành phần đối tượng.

 Phụ lục 8: Tình nồng cháy, Nhật Hạ

Phụ lục 9: Tình nồng cháy, Kiều Nga

 

Hoài Nam

 

©T.Vấn 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search