T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Văn Trạch: BĂNG ĐỒNG, CHỈ SÁ ….

20110319fullertonca_14

Nghe tin Anh đau đầu chưa khá

Em băng đồng chỉ sá bẻ nạm lá qua xôn

Ước mần răng cho nên đạo vợ chồng

Đổ mồ hôi ra em chặm, lại ngọn gió lồng em che!

Câu này thường thể hiện dưới dạng hò ru, được phổ biến rộng rãi trong mỗi miền quê mặc nhiên tồn tại và chan hoà trong đời sống, chẳng cần phân tích về tính thực tế và hợp lý của nó như đối với hầu hết ca dao tục ngữ. Có khi từ những nghịch lý, ta nhận ra được cái sâu sắc ý nhị trong biểu lộ tình cảm nhất là ở vị trí người phụ nữ:

Nghe tin anh đau đầu chưa khá

Với người nông dân cày sâu cuốc bẫm, một nắng hai sương thì việc nhức đầu sổ mũi chỉ là chuyện nhỏ, lẻ lẻ, chuyện thường ngày, chẳng phải bận tâm, phải quan trọng hoá để tạo nên một lời đồn đại! Có thể đây là cơ hội, dịp may hiếm có mà Nàng mong đợi từ lâu:

Em băng đồng chỉ sá bẻ nạm lá qua xông!

Trong mỗi khu vườn ở vùng nông thôn Quảng Trị đã chứa sẵn một kho lá xông từ chanh, bưởi, mãng cầu, lá tre đến tía tô, sả … chỉ cần thêm vài giọt dầu Khuynh diệp là có một nồi hoàn chỉnh, chứ chẳng cần đi đâu xa, mà dù có băng đồng chỉ sá tận đâu đâu cũng không tìm thấy những thứ ấy.

Xã hội phong kiến đã tạo nên những vòng kẽm gai để phong toả mọi sinh hoạt tình cảm của người phụ nữ, gần những ngôn từ:  Gia phong, lễ giáo, tiết hạnh…. nhằm kìm hãm mọi biểu lộ …. đặc biệt là sau  lũy tre làng.

Nhưng tình yêu vốn có sức sống mãnh liệt của nó. Trong điều kiện bị bao vây tứ phía, cô thôn nữ chấp nhận mọi tai tiếng, dị nghị, lên án … lấy cớ băng đồng chỉ sá, đi là xong, để có dịp tiếp xúc … Đây là hình ảnh hiếm có trong xã hội ngày xưa, thời điểm mà chuyện lứa đôi phải thông qua mai mối hoặc chỉ có người con trai chủ động kiếm tìm … Nàng đã làm một bước đột phá, không theo khuôn phép “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” mà tự mình “đội đàng than dạ” đi gặp người mình yêu với bao điều mong muốn:

Ước mần răng cho nên đạo vợ chồng

Một ước muốn trong sáng, bình dị, ở đó nó thể hiện sự thông cảm, tôn trọng giữa người bạn trăm năm trên nền tảng tình yêu, và từ căn bản ấy nàng phát tiết tất cả lòng yêu thương săn sóc:

Đổ mồ hôi ra em chặm, lại ngọn gió lồng em che!

Không biết người đàn bà Nhật cung phụng chồng như thế nào để được thiên hạ xếp hàng đầu ở vị trí làm vợ. Chứ xem cái cung cách của người phụ nữ Quảng Trị chăm sóc chồng như thế thật là tuyệt vời, chưa kể ngày ba bữa nấu cho chồng những món ăn thanh tao bổ dưỡng: Cháo le le, canh bông lý, chè hạt sen…

Có lẽ do tiềm ẩn những đức tính đặc trưng ấy mà đã có những chàng trai ngoài tính đến đây để tìm người kết tóc se tơ, ngay từ thuở xa xưa một Nguyễn Phúc Luân đã gặp nàng Nguyễn thị Hoan bên giòng Bến Hải để sản sinh ra vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn có công thống nhất Sơn Hà và từ đó đến nay trong bối cảnh như thế những phụ nữ Quảng Trị lấy chồng bên ngoài đã cống hiến cho đất nước biết bao nhân tài … những duyên nợ ấy hình thành trong nhiều trường hợp khởi đầu xuất phát từ trái tim của người phụ nữ.

Lê Văn Trạch

(Trích: Dặm Trường Lưu Dấu)

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search