T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 108)

 penrefiil

 

Chữ nghĩa làng văn

Thứ nhất phạm phòng

Thứ nhì lòng lợn.

Xưa, có hai điều độc địa nhất là phạm phòng và lòng lợn.

Phạm phòng là nhập phòng làm tình, thình lình bị đứng tim tắt thở. Tây y gọi là thượng mã phong. Muốn cứu chữa, phải kịp thời lấy kim chích nơi huyệt hội âm (hui-in). Huyệt hội âm ở giữa đường nối liền hậu môn và các gốc hai hòn nơi vùng bàn đít. Huyệt này thuộc hệ thống nhâm mạch.

Gặp trường hợp nguy biến đó, người đàn bà phải nhanh trí, lấy kim chích gấp hội âm. Cho nên ngày xưa, người đàn bà nào cũng có sẵn một cái trâm ghim búi tóc để phòng hờ làm cái việc giải nguy đó. Theo tục lệ xưa, các bà mẹ gói sẵn cho con gái đi lấy chồng một bao nhỏ đựng 3 cây kim, nhét vào lai áo, để dùng trong ba việc: May vá, chích lúc đau đầu và châm vào hội âm chồng lúc nguy cấp.

***

Cái nguy hại thứ hai là lòng lợn. Lòng lợn ăn ngon lắm, nhưng phải rửa và luộc thật lâu và thật chín, vì lắm vi trùng đã nằm sẵn trong ấy, nhất là trong ruột non và ruột già. Nếu ăn nhằm  lòng xấu, đã hư hôi, sẽ bị nhiễm độc, cho nên phải hết sức thận trọng trong khi ăn cháo lòng, tiết canh, lòng lợn…

(nguồn Wikipedia)

Chữ nghĩa văn học I

Trong sách giáo khoa lớp 10, sách Bồi dưỡng cho giáo viên, trang 55 có tiết mục sau.

– Theo Đại Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết “Bại nhân nghĩa nát cả đất trời – Nặng thuế khóa sạch không đầm núi…”

Chỉ đạo thực hiện:

Gợi ý các giáo viên lên án tố cáo kẻ thù hành động hủy diệt môi trường sống. Giáo viên cần lưu ý cho học sinh rằng bằng linh cảm thiên tài, Nguyễn Trãi người xưa của ta đã đề cập đến vấn đề “bảo vệ môi trường sống”.

 (Hoàng Duy – Chữ nghĩa ngày nay)

Về từ Hán Việt

Một nhật báo viết: “khai trương nghĩa trang ở nam Cali”.

Khai trương dùng cho mở cửa tiệm hay cơ sở giao dịch buôn bán.

(Hiếu Thiện Nguyễn Chu Hậu – Tiếng Việt, tiếng nước tôi)

Chữ nghĩa làng văn

Lê Quỳnh Mai – Truyện ngắn của chị có nhiều chữ lạ như ngõi, ngẫn ngẫn, to hó, nhảo, nhuôm nhuôm, chỉn chu. Như thế, có cần một chú thích cho các độc giả?

Lê Minh Hà – Không có từ nào thật lạ, thật sáng tạo của riêng tôi trong số những từ chị vừa dẫn. Những ngõi, nhảo nhuôm nhuôm, tôi học từ các bà các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài từ trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển vậy thì đâu có cần chú thích. Chúng ta phải tự làm giàu có vốn từ cho mình bằng cách đọc và học. Ngôn ngữ văn học mỗi từ lấp lánh những nét nghĩa riêng trong từng văn cảnh cụ thể, và xác định nghĩa từ thông qua văn cảnh.

(Lê Quỳnh Mai phỏng vấn Lê Minh Hà)

Chữ nghĩa thập niên 30, 40

Tàng: cũ

Chợn: sợ.
Tao đoạn này: Thời buổi này, giai đoạn này.

Đốt đống rấm: đốt cháy âm ỉ (thường là một đống trấu) cốt có khói để xua bớt tử khí.

Chữ và nghĩa thổ ngơi (II)

 Do hiện tượng dị hóa: Hai âm tố giống nhau nhưng đứng gần nhau, âm tố này làm cho âm tố kia khác với nó. Có ba địa danh thuộc kiểu này:

Bà Bèo là kinh nối sông Tiền và sông Vàm Cỏ, chảy qua Cai Lậy, Tân Phước (Tiền Giang) và Châu Thành (Long An). Vương Hồng Sển cho biết âm gốc của địa danh này là Bàu Bèo. Người Khmer gọi kinh Bà Bèo là Cumnik Prêk Cak tức “kinh rạch bèo”.

Bà Hói là rạch ở Nhà Bè, Sài Gòn. Trên bản đồ thời Pháp thuộc ghi rạch này là Bàu Hói: “rạch ở giữa có chỗ phình rộng”.

Bà Môn là rạch ở Bình Chánh, Sài Gòn. Nguyễn Văn Trấn, người địa phương, cho biết âm gốc của địa danh này là Bàu Môn, tức “cái bàu có trồng môn nước”.

Dạng gốc của ba địa danh này (Bàu Bèo, Bàu Hói, Bàu Môn) đều là hai âm tiết có vần tròn môi cho nên khó phát âm. Vì vậy, chúng cần dị hóa cho dễ phát âm. Từ đó, dạng gốc của các địa danh Bà Hom, Bà Quẹo có thể là Bàu Hom (bàu ngâm hom tre), Bàu Quẹo (bàu nằm ở chỗ quẹo của một con đường. Ở Bình Chánh có cống Quẹo; ở Cần Giờ có vùng Lộ Quẹo.

(Lê Trung Hòa – Những địa danh bị đổi sai lệch)

Tiếng Việt dễ và…dễ thương

 Tiếng Việt miền Bắc nè:

Có lần tui ra Hànội. Cả nhóm đi ăn trước, tôi bận việc tới sau. Tui ngồi vô bàn và kêu cô bồi: Cho anh thêm chén đũa đi bé.

Chút sau cô bồi hay cô bé trở lại đưa cho tôi 1 đôi đũa và 1 cái ly nhỏ dùng uống rượu.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 Miến và mì

Chữ Nôm (Huỳnh Tịnh Của, Bảng tra chữ nôm của Viện ngôn ngữ học) được viết bằng chữ Miến (chữ Hán). của ta và Miến của Trung quốc đều có nghĩa là sợi đồ ăn làm từ bột. Miến và mì chữ Hán, chữ Nôm viết giống nhau. Miến và mì có nghĩa giống nhau. Rốt cuộc, miến và mì là anh em ruột.

Miến đã được Việt hoá thành . Củ sắn dùng làm miến (tiếng Bắc) hay mì (tiếng Nam) nên được người miền Nam gọi là củ mì, khoai mì.

Tự vị của Huỳnh Tịnh Của không có miến, chỉ có mì. Tự điển của Thiều Chửu không có mì, chỉ có miến. Người Bắc quen dùng tên miến. Người Nam quen gọi tên mì.

Vậy thôi! Thế đấy!

(Nguyễn Dư – Chimviêt.free.fr)

Chữ nghĩa dân gian!

”Có trời mà cũng có ta”…nghĩa là gì?

Cụ nào hanh thông mách dùm…

Ngoa ngữ

 Ngoa ngữ là câu nói bỡn cợt. Người dân quê không nói chữ sáo mòn, nhưng biết dùng ngoa chữ rất đúng chỗ:

Của chua ai thấy chẳng thèm

Em cho chị mượn chồng em vài ngày

Chồng em đâu phải trâu cày

Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm

Của chua chỉ cho đàn ông. Ví von chồng với trâu cày. Đúng là ngoa chữ táo bạo gợi thanh và gợi hình. Cái ấy của đàn ông không nói thẳng ra nên không thô.

(Diệu Tần – báo Xây Dựng)

Chùa và đình

Ðình làng xuất hiện muộn. Chùa vốn có trước đình.
Phải chăng tiền thân của đình làng chỉ là ngôi miếu.

Ngôi đình sớm nhất hiện còn là đình Thụy Phiêu (Hà Tây) dựng năm 1531.

(Chu Quang TrứVăn Hóa Việt Nam)

Những hình dạng mới của chữ nghĩa

Một giáo sư ngữ học dậy khoa Văn tại Đại học tổng hợp ở Hà Nội cho biết nhiều nhà văn, nhà thơ thành danh đã phạm những lỗi ngữ pháp kếch sù đó là cái lỗi có tên là trùng ngôn (tautology) một lỗi rất nặng cả về tiếng Việt, về tư duy lôgích, như:

“Chủ yếu nhất” hoàn toàn không hiểu rằng “chủ yếu” đã có nghĩa là “quan trọng nhất” rồi. Trong trường hợp này, ta có những lỗi trùng ngôn (tautology); đều có chung ý nghĩa “cực cấp” tuyệt đối (hay “tối cao”) như nhau, ta lâm vào tình trạng mâu thuẫn nội tại.

Chữ nghĩa bệnh già

 Toàn kể chuyện ngày xưa.

Cả ngày đi tìm chìa khoá xe.

Văn học miền Nam (I)

Gần đây, chúng tôi cố gắng đưa vấn đề Văn học miền Nam trở lại văn đàn, vì có những người thực sự yêu văn chương ở trong nước muốn tìm hiểu về những tác giả và tác phẩm đã bị loại trừ sau 30/4/1975. Chúng tôi xin giới thiệu Vương Trí Nhàn, một trong những nhà phê bình miền Bắc đã không ngừng tiếp cận với văn học miền Nam từ thời kỳ phân chia Nam Bắc đến ngày nay – Thụy Khuê

***

Thụy Khuê: Xin hỏi anh trước năm 1975, ở Hà Nội thời ấy đã có ai đọc một vài tác phẩm của Văn học miền Nam hay không?

 Vương Trí Nhàn: Văn học miền Nam hồi đó về Hà Nội ít ỏi lắm, gần như của cấm, muốn đọc phải mò mẫm đi tìm; tìm thấy rồi, đọc thấy hay rồi, muốn kêu lên với mọi người cũng phải tự nén lại.

Song, một số chúng tôi biết rằng có nó, một người muốn làm văn học phải tìm tới nó, từ Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải… hay lớp trẻ bọn tôi như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt…đã nghĩ như vậy. Một cách lặng lẽ, chúng tôi đã liên tục tìm kiếm. Có thể là chẳng ai hiểu văn học miền Nam cho đến đầu đến đũa, có thể sự hiểu chỉ loanh quanh ở những mảnh vụn, nhưng làm sao khác được, vừa đọc vừa đoán thêm tưởng tượng thêm. Và đã có một sự chia sẻ thậm chí như là giữa hai bên hình như vẫn có một cuộc đối thoại ngầm nữa, ban đầu chỉ có phải vậy.

Sau 1975, nhìn trên bề mặt dễ có cảm tưởng là cả giới viết văn Hà Nội đều nem nép đi theo quan niệm chính thống chỉ đạo. Tức coi văn chương miền Nam là bỏ đi, những người viết văn ở Sàigòn trước kia toàn kẻ thù cả. Thực tế không phải thế. Nói người ta cứ nói, mà đọc người ta cứ đọc.

Càng ngày tôi càng nghe được nhiều ý kiến nói rằng phải công nhận rằng văn học miền Nam là một bộ phận của văn học Việt Nam thế kỷ XX, ở đó có rất nhiều vấn đề, nhiều đóng góp và phải có nó nữa thì văn học Việt Nam mới là chính mình.

(Thụy Khuê: Nói chuyện với nhà phê bình Vương Trí Nhàn)

Chữ nghĩa với chữ “bất”…

Hỏi : Xin phép vợ đi nhậu với bạn là gì?

Đáp : …là bất khả thi.

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search