T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 125)

clip_image002

Chữ và nghĩa

“Nằm cứng”, “nằm mềm”, những từ dùng trong nước, nói gọn lại, để chỉ những loại vé (đi xe lửa) khác nhau.

“Nằm mềm” là nằm trên giường có lót nệm, giá vé cao hơn. Ngược lại “nằm cứng”, là nằm trên giường “chay”, không có nệm lót, xương xẩu sẽ chịu sự ê ẩm; bù lại, giá vé sẽ “mềm” hơn.

Ấy là một sự “tréo ngoe” về ngôn ngữ: nằm “giường cứng” thì lại được “giá mềm”. (“Giá mềm”, đây cũng là một từ mới được phát sinh sau này, ý chỉ “giá rẻ” hay “giá cả thoải mái”: “Mua bộ bàn ghế này đi anh, em sẽ để cho anh một giá rất mềm”).

Trước đây, ta chỉ có “nằm sấp”, “nằm ngửa”, “nằm nghiêng” (như tên một tập thơ của một thi sĩ trong nước, hay từ dùng trong một câu thơ cũng của một thi sĩ khác trong nước, “Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến, nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo” (Phạm Tiến Duật), thậm chí “nằm ườn”, “nằm ưỡn” hay “nằm phễnh (bụng)”; bây giờ, ngoài những lối nằm trên, phải ghi nhận thêm sự xuất hiện của “nằm cứng” và “nằm mềm” nữa.

Khờn

Khờn : mẻ, mòn

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chuyện con cua và con ếch

Trong một cuộc hội thảo trong ba ngày về văn học nghệ thuật rất đông văn nghệ sĩ. Hôm ấy tôi được chứng kiến Nguyễn Đình Thi sợ Tố Hữu như thế nào.

Giới văn nghệ nói chung rất phục Nguyễn Đình Thi (trừ bọn viết văn). Anh lại có thuật nói hấp dẫn. Anh bước lên, đứng trước cái bàn có phủ khăn. Đứng im, không nói gì. Mọi người im phăng phắc chờ đợi. Tưởng như con muỗi vo ve cũng nghe thấy. Bỗng anh bước ra khỏi cái bàn, vung tay hỏi hội nghị: “Chúng ta đang làm cái gì thế này?” Mọi người ngơ ngác tự hỏi: Không biết mình làm cái gì nhỉ? Càng cảm phục và chờ đợi. Thi vung tay nói lớn: “Chúng ta đang làm một nền văn nghệ lớn. Và chúng ta cũng lớn!”

Đúng lúc ấy Tố Hữu đi vào, ăn mặc xuềnh xoàng, áo sơ mi bỏ ra ngoài quần. Người nhỏ bé. Nguyễn Đình Thi đang hùng hồn bỗng cụt hứng, xỉu hẳn lại, không nói được nữa. Tố Hữu ngồi ngay ghế đầu, vẫy tay nói với Thi: “Anh cứ nói tiếp đi!”. Nhưng Thi chỉ nói lý nhí mấy câu gì đó không nghe rõ, rồi bỏ đi xuống.

Tôi hình dung con cua đang giơ hai càng một cách hiên ngang như muốn thách thức với cả trời đất. Con ếch tới, vỗ nhẹ vào mai một cái, con cua vội co dúm người lại.

Nguyễn Đình Thi là con cua, Tố Hữu là con ếch.

(Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):

Lạ: là lắm, thí dụ : đẹp lạ

Ngô

Phùng Khắc Khoan đi sứ sang Tầu, khi về giấu giếm một thứ ngũ cốc mà họ gọi là trân châu mễ mà họ quý lắm. Ông không dám gọi đích danh mà chỉ nói là mang từ bên Ngô (tức Tàu) về và người Bắc gọi là…ngô.

Ngô vào đến trong Trung và Nam thì được gọi là…bắp.

Tại sao người Trung, người Nam gọ là bắp? Tôi không hiểu!

(Lê hữu Mục – Văn hóa Việt Nam…)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo tự điển tiếng Viêt ở Hà Nội (Văn Tân Nguyễn văn Đạm):

Lai lịch: là nguyên do của một người

Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền

Tiền cheo

Tiền “cheo” là khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nạp cheo song có giảm bớt. Xuất xứ của lệ “Nạp cheo” là tục “Lan nhai” tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng. Đầu tiên thì người ta tổ chức đón mừng hôn lễ, người ta chúc tụng, có nơi còn đốt pháo mừng. Để đáp lễ, đoàn đưa dâu cũng đưa trầu cau ra mời, đưa quà, đưa tiền biếu tặng. Dần đần có những người làm ăn bất chính, lợi dụng cơ hội cũng chăng dây, vòi tiền, sách nhiễu, trở thành tục lệ xấu. Vì thói xấu lan dần, gây nhiều cản trở, triều đình phải ra lệnh bãi bỏ. Thay thế vào đó, cho phép làng xã được thu tiền cheo.

Khi đã nạp cheo cho làng, tức là đám cưới được làng công nhận có giấy biên nhận hẳn hoi.

Ngày xưa, chưa có thủ tục đăng ký kết hôn, thì tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Nạp cheo so với chăng dây là tiến bộ. Khoản tiền cheo này nhiều địa phương dùng vào việc công ích như đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng…Nhưng nhiều nơi chỉ cung đốn cho lý hương chè chén. Đã hơn nửa thế kỷ, lệ này bị bãi bỏ rồi. Ngày nay chỉ còn thấy bóng dáng của tiền cheo qua ca dao- tục ngữ.

Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng.

Cưới vợ không cheo như tiền gieo xuống suối.

Ông xã đánh trống thình thình
Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo.

Lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em…
Giúp em quan tám tiền cheo

Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.

Khong khen

Khong khen: khen ngợi

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Chữ Nôm, chữ Quốc ngữ

Trong khi nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân phủ nhận nguồn gốc của chữ Nôm thì một số ý kiến về chữ quốc ngữ lại cho rằng chữ Nôm mới chính là tiếng Việt thực sự.

Theo ông Lại Nguyên Ân, chữ Nôm không thuần Việt, vì đó là vay mượn của người Hán nên chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Ông khẳng định: “Chữ quốc ngữ mới là của người Việt”.

Mai Thành Chung hình tượng hóa chữ quốc ngữ một cách khéo léo: “Chữ quốc ngữ là chữ ghi thanh (nói như thế nào, viết như thế đấy), được Việt hóa hoàn toàn, nó xuất xứ từ tiếng La tinh nhưng do người Việt hoàn thiện. Việc tạo ra ngôn ngữ cũng giống như quá trình làm bánh, chúng ta chỉ dựa trên những nguyên liệu có sẵn để chế tạo ra sản phẩm cuối cùng, đó là chữ quốc ngữ”.

Nói về nguồn gốc và ảnh hưởng của chữ Nôm, Mai Thành Chung cho đó không phải do người Việt sáng tạo. Thêm vào đó, chữ Nôm khó sử dụng để giao tiếp nên đã bị loại bỏ, và lùi xa so với chữ quốc ngữ trong tiến trình phát triển của xã hội.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng, chữ Nôm mới chính là sản phẩm thuần Việt, mang tính dân tộc và chứa đựng bản sắc dân tộc. Quốc ngữ có từ khi người Việt còn dùng chữ Nôm để sáng tác thơ văn, ghi lại sử ký. Nguyễn Xuân Diện, Viện nghiên cứu Hán Nôm dẫn chứng: “Từ thời Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có Bạch Vân am Quốc ngữ thi tập, hay như Quốc Âm thi tập của Nguyễn Trãi với hàng trăm bài thơ Nôm”.

(Thu Thảo – Chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ mới là thuần Việt)

Về bài thơ “Vịnh Cây Mai”

Tôn Thọ Tường vì mặc cảm theo Pháp nên nghe nói ở Đồn Cây Mai (tức khu vực chùa Cây Mai bây giờ) có cây bạch mai thuộc loại mai quý lạc loài giữa hoàng mai trong Nam. Ông làm bài Vịnh Cây Mai để bày tỏ sự lạc lõng cô lẻ về sự lầm lỡ của mình.

Sau này có một nhà vạn vật học và sử gia Phạm Văn Sơn tìm ra đấy không phải là bạch mai. Tội nghiệp ông Tôn Thọ Tường, tưởng là cây mai, ai ngờ thêm một lần nữa lầm, nên đem tâm sự gửi gấm vào đúng ngay…cây mù u.

Chữ Việt gốc Tàu

Chữ Việt gốc Tầu là những chữ, những âm mà ta dùng thẳng từ của người Tầu hiện tại và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại (có khi hơi nói trại đi một chút vì không có chữ tương đương). Và khi ta nói lên tiếng đó, người Tầu “liên hệ” có thể hiểu được.

Như câu ca dao:

Gió đưa chú tửng từng tưng

Gặp chị bán gừng na nả chị ơi

Tiếng Triều Châu “tửng” là chú bé, ta thêm vào… tửng từng tưng. Còn “na nả” không hiểu…nghĩa là gì?!

Tiếng Quan Thoại hay giọng Bắc Kinh (Bạch thoại), giọng nói chung cho cả nước Tầu. Với “khó khăn” vì phát âm khó quá hay sao ấy, thì ta lại đọc là…“khốn nạn”.

(Nguyễn Hữu Phước – đặc san Phù Sa Sông Cửu)

Nho gia (3)

Chữ “nho” do chữ “nhân” (người) ghép với chữ “nhu” (cần dùng) có nghĩa là loại người cần dùng cho xã hội.

Chữ nhu còn có nghĩa là chờ đợi (người giỏi chờ lúc ra giúp đời).

Nho gia nhập thế, đem sở học ra gánh váv việc đời là lý tưởng của nhà Nho.

(Trần Bích San – Văn Khảo)

Mùa Len Trâu là mùa gì?

Kính thưa các bậc bề trên, bề dưới, và bề ngang:
Mấy bữa trước đi ăn phở thấy trong tiệm phở có cái poster của 1 phim VN có tựa đề là ” Mùa Len Trâu”. Vienchinh ngẫm nghĩ hoài mà không hiểu được Mùa Len Trâu là mùa gì? Hỏi bạn bè thì họ cũng lắc đầu và nói chắc là thiếu dấu mà là “Mùa Lên Trâu”. Hồi nhỏ Vienchinh cũng có đi chăn trâu nhưng chưa bao giờ nghe “Len Trâu” bao giờ. Cái chữ LEN đó lúc nào cũng vẩn vơ trong đầu. Hôm nay mạn phép xin các ông bà cô chú bác giải thích dùm cho chữ ” LEN” hay là họ viết lộn thiệt. Xin cám ơn nhiều.

clip_image004

Len trâu là công việc chăn dắt trâu tránh lũ và tìm đồng cỏ vào mùa nước nổi nước lũ ở Nam bộ. Chuyện phim dựa trên tác phẩm Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của nông dân Nam bộ đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa nước về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề “len trâu”, đưa trâu đi vùng khác tìm cỏ để sống qua mùa lũ.

Từ “len” gốc tiếng Khmer có nghĩa là…thả rông, cho đi tự do.

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ (2)

Ta thường gọi nôm na là Tàu cùng những biến thể như người Ba Tàu, Ba Tàu, các chú, chú chệt, v…v…

Gia Định Báo số 5, ngày 16/21/1870:

“…Kêu Các chú bởi người Minh Hương mà ra. Mẹ An Nam, cha Khách nên nhìn người Tàu là anh em, là người đồng châu với cha mình. Nên mới kêu Các chú nghĩa là những anh em với cha mình. Sau lần lần người Nam bắt chước nên kêu bậy theo làm vậy…”

(Nguyễn Ngọc Chính – Ngôn ngữ Sài Gòn xưa)

Cát lầm

Thơ Trần Huyền Trân trong bài Trắng lá rau tần có câu:

Không là lính thú sầu lên ải

Cũng thấy lòng chia dưới cát lầm

Trong truyện Kiều cũng có câu:

Cát lầm ngọc trắng thiệt thòi xuân xanh

Vậy chứ cát lầm là gì?

(Hoàng Hải Thủy – báo Sài Gòn Nhỏ)

Tục ngữ Tầu

Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật

(Vất dao đồ tể, thì thành Phật ngay)

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

Thơ miền Nam (1)

Nguyễn Đức Tùng: Xét về mặt lịch sử và về mặt nghệ thuật, thơ Việt Nam có nhiều nhánh rẽ, ít nhất là năm hay sáu nhánh: thơ miền Bắc chính thống, thơ miền Bắc phi chính thống, thơ miền Nam, thơ hải ngoại, thơ trẻ cách tân. Từ 1954 đến 1975, về mặt sáng tác, miền Nam đã có được một nền văn học phát triển, trong đó thơ ca mang lại nhiều thành tựu, với các tên tuổi còn lại từ thời tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, đi qua các giai đoạn kế tiếp với Nguyên Sa, Bùi Giáng, Quách Thoại, rồi sau đó là Tô Thuỳ Yên, Du Tử Lê, Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Đức Sơn, và một truyền thống dư dật về tiềm năng, sau này còn kịp gieo những hạt giống sáng tạo bay bổng của nó ở khắp nơi v.v…

Anh nghĩ sao về dòng thơ miền Nam trước đây?

Dương Tường: Do điều kiện lịch sử anh em chúng tôi ở miền Bắc rất ít được đọc miền Nam, ví dụ như anh Du Tử Lê mà tôi mới gặp hôm qua cùng với anh, tôi mới chỉ được đọc một hai bài, cho đến hôm nay mới có trên tay cuốn sách của anh Nguyễn Đức Tùng vừa tặng mà chưa kịp đọc. Đối với những người mà tôi đã được đọc tương đối đầy đủ, thì ở miền Nam ngoài Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng là những nhà thơ mà tôi hết sức yêu mến từ thời trước, những người khác như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, và một mảng nào đó Nguyên Sa, là tôi đặc biệt kính trọng.

(Phụ đính: Dương Tường là nhà thơ, dịch giả. Nguyễn Đức Tùng là nhà phê bình thơ thuộc thế hệ trẻ.)

(Nguyễn Đức Tùng – Viết không khác người ta thì đừng viết)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ (3)

Ta thường gọi nôm na là Tàu cùng những biến thể như người Ba Tàu, Ba Tàu, các chú, chú chệt, v…v…

Gia Định Báo số 5, ngày 16/21/1870:

“…Chệc là kêu “tâng” chú tiếng Triều Châu. Ngừi Tàu, người Nam ta thấy người đáng tuổi chú, bác, cậu thì kêu “tâng” chung là chú. Người An Ta kêu vịn theo là “Chệt” …”

(Nguyễn Ngọc Chính – Ngô ngữ Sài Gòn xưa)

Guốc phi mã

” Cô gái Hà Thành xưa tóc cặp lửng sau lưng, đi guốc phi mã, mặc áo kép bên ngoài áo dài Lơ-Muya” . Chúng tôi được biết áo dài Le Mur do họa sĩ Nguyễn Cát Tường, thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn vẽ kiểu.

Nghe tả lại thì gót guốc phi mã không nhọn mà tù, hơi loe ra một chút, nghĩa là rất mốt ngay cả với thời bây giờ, và được đóng quai nhung. Áo dài vạt bầu, tóc kẹp lửng hay búi lỏng rồi lộn vào trong, xòe che ơ hờ hai vai và đi guốc đó dáng đi cứ như múa vậy.

(Lê Minh Hà – Trăng góa)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search