T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn ( Kỳ 2)

 

Gia Ðịnh Báo .

Gia Định Báo là tờ báo do nhà cầm quyền Pháp chủ trương.

Số 1 ra ngày 15-4-1865, do Ernset Potteaux làm Chánh Tổng Tài. Chức vụ nầy có lẽ bao gồm Chủ nhiệm, Chủ bút và luôn cả Quản lý. Từ năm 1869-1872, Trương Vĩnh Ký được cử làm Chánh tổng tài. Rồi tới Huỳnh Tịnh Của tức Paulus Của năm 1880.

Tiếp đó đến tờ Nam Kỳ Nhật Trình (số 1 ra ngày 21/10/1897).

(Huỳnh Ái Tông – Báo chí).

Tục ngữ Tầu và Ta.

Bất kiến quan tài bất xuất nhân lệ.

(Không thấy quan tài, chưa rơi nước mắt)

Thập niên 60 ở miền Nam có câu “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Tiếp đến theo thời thế đi vào chữ nghĩa làng văn với…“từ chết đến bị thương”.

(Nguyễn Lập Sơn – Dư Phát Linh)

 

Tiếng Việt…rầy rà

Hỏi:

– Tào lao là gì? Bạn nào biết xin cho biết, xin cám ơn.

Đáp:

– Hỏi…Tào Tháo.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Tiếng Việt trong sáng

Năm 1979, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục tổ chức một số cuộc hội thảo về vấn đề chuẩn hoá tiếng Việt. Bộ Giáo dục cũng thông qua một số quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục. Ngày 01/7/1983, Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hoá chính tả và Hội đồng chuẩn hoá thuật ngữ đã được ban hành và áp dụng cho các sách giáo khoa, báo và văn bản của ngành giáo dục. Khi tiếng Việt được thống nhất và chuẩn hoá, toàn quốc sử dụng chung một thứ ngôn ngữ theo một tiêu chuẩn, mẫu mực nhất định.

Hãy thử “ra xoát” một số từ dưới đây xem sao:

Tư liệu – Trước đây ta vốn dùng chữ “tài liệu”. Người miền Bắc dùng chữ “tư liệu” trong ý: “tài liệu riêng của người viết”.

(Mặc dù nhiều khi tài liệu sử dụng lại là tài liệu lấy trong thư viện chứ chẳng phải là…tài liệu riêng của ông ta).

Cửa khẩu – Không đồng nghĩa với hải cảng vì hải là biển. Cảng là cơ sở có tiện nghi đón tiếp tầu bè (hải cảng, giang cảng), xe cộ (xa cảng), máy bay (phi cảng).

Chỉ có thể gọi là cửa khẩu khi nói xuất nhập trên bộ.

Trường hợp này không cần dùng chữ khẩu là chữ Hán. Như nói Cửa Nam Quan, Cửa Tân Châu…cũng là đủ.

(Nguồn Chu Đậu)

Hư từ

Như ta nói “lính nghĩa quân” hay “cháu đích tôn” hoặc “giấy hương chỉ ” thì những chữ “quân”, “tôn” và “chỉ” là hư từ…

(chữ dư thừa).

Vì “lính” đã là “quân”, cháu đã là “tôn”, và “chỉ” đã là “giấy” rồi.

(Nguyễn Ngọc Phách – Bút chiến ở miệt dưới)

Báo bổ

Báo: trả, đền trả.

Bổ: làm việc có ích. Hàm ý trả ơn bằng cách giúp việc có lợi.

Thơ (Nguyễn Đình Chiểu?) có câu “Những mong báo bổ thâm ân – Hết lòng vì nước, xả thân vì nhà”.

Thế nhưng trong miền Nam gọi báo chí là…”báo bổ” với một nghĩa khác.

Tiếng nói xưa và nay

Người Việt cổ sống nhờ nông nghiệp, săn bắn, hái lượm. Sau đó đưa sản phẩm đến một mảnh đất, chỗ có người ở để trao đổi.

Và gọi theo tiếng Hán là “Kỳ”.

Sau gọi là Kẻ, có nghĩa là làng. Như kẻ Mọc (làng Mọc), kẻ Noi (làng Cổ Nhuế), kẻ Mơ (làng Hoàng Mai, Thanh Mai, Bạch Mai).

Từ “kẻ” thường chỉ dùng trong ngôn ngữ dân gian, khi đặt tên theo đơn vị hành chánh, các làng này thường được phiên âm bằng từ Hán: Cổ, Khả (Kẻ Lủ = Cổ Loa, Kẻ Lao = Khả Lao, Kẻ Bôn = Cổ Bôn). Sau này có tiền tệ, “kẻ” trở thành nơi mua bán, và dần dà được gọi là “Chợ”. Theo thời gian tồn tại phát triển được gọi là “Phường” rồi đến “Phố”.

Từ kẻ được mở rộng phạm vi, dùng để chỉ một địa bàn rộng hơn. Ví dụ: Kẻ Quảng (chỉ Quảng Nam, Quảng Ngãi), Kẻ Vĩnh (chỉ thành phố Vinh).

Do vậy ở miền Bắc có tên xưa cũ Kẻ Chợ (chỉ thủ đô Thăng Long) để phân biệt với Kẻ Sặt, Kẻ Lủ ở vùng quê…

 

Giai thoại làng văn 1920

Chúng tôi tin là tiểu thuyết đầu tiên đã được viết ra ở miền Nam, nên rất mong được gặp Bình Nguyên Lộc, một người miền Nam, một cây bút viết truyện ngắn và tiểu thuyết nổi tiếng, đồng thời cũng là một học giả chuyên về ngôn ngữ học lịch sử. Chúng tôi đã trò chuyện với Bình Nguyên Lộc về văn học Việt Nam suốt mấy tiếng đồng hồ liền.…

Hỏi ông về những cuốn tiểu thuyết mà ông đã đọc được lúc còn bé. Ông nói: “Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt truyện của Lê Hoằng Mưu. Cuốn này được xuất bản vào năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam. Đó là một câu chuyện tình xảy ra ở miền Nam, chẳng có gì là dâm ô cả.

Cuốn tiểu thuyết kế tiếp tôi đọc được là cuốn Chăng Cà Mum của Nguyễn Chánh Sắt. Đây là câu chuyện về một cô gái Việt Nam sống gần biên giới Miên, bị bắt cóc đưa sang Miên một thời gian khá lâu trước khi được quay trở về Việt Nam. Cuốn này chưa được xuất bản nhưng đã được quảng bá rộng rãi trên tờ quảng cáo của một tiệm thuốc Bắc. Tiểu thuyết gia kế tiếp mà tôi đọc là Hồ Biểu Chánh. Có thể tôi cũng đã đọc một số tác giả khác ngoài Lê Hoằng Mưu và Nguyễn Chánh Sắt nhưng họ không nổi tiếng mấy và tôi cũng không nhớ được”.

Sau đó, khi đến thăm thư viện đại học Cornell, chúng tôi đã tìm ra Hà Hương phong nguyệt truyện – không phải in thành sách mà nằm rải rác trong các số báo Nông cổ min đàm, một tờ báo ở miền Nam. Những gì Bình Nguyên Lộc kể với chúng tôi đều được kiểm chứng từ những nguồn tài liệu khác. Trí nhớ của ông về con người, tên sách và sự kiện đều rõ ràng và chính xác.

Những giáo khoa và lịch sử văn học của Dương Quảng Hàm và của Vũ Ngọc Phan đều do những người ở miền Bắc viết. Những cuốn sách này cho rằng những tiểu thuyết đầu tiên ra đời ở miền Bắc, đó là cuốn Tố tâm của Hoàng Ngọc Phách (1925) và Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (1925).

Mặc dù còn tuỳ thuộc vào cách hiểu thế nào là ‘tiểu thuyết’, công việc nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh là những cuốn tiểu thuyết đầu tiên đã được viết ở miền Nam, và có lẽ Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt hay Trần Chánh Chiếu xứng đáng hơn Hoàng Ngọc Phách hay Nguyễn Trọng Thuật trong danh hiệu cây bút viết tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam. Tôi e rằng thành kiến địa phương dự phần vào việc thẩm định nên tôi muốn Bình Nguyên Lộc xác nhận sự nghi ngờ của chúng tôi.

Ông nói: “Các học giả miền Bắc như Dương Quảng Hàm đã không nhắc nhở đến các nhà tiểu thuyết miền Nam vì họ không đọc được tác phẩm của những người này chứ không phải vì họ không thích người miền Nam. Tác phẩm của người miền Nam không được bày bán ở Hà Nội cho nên họ không biết chút gì về những tác phẩm đầu tiên đã được sáng tác ở miền Nam.”

(Phan Việt Thủy – Nhớ lần thăm Bình Nguyên Lộc)

Truyện cực ngắn hay truyện chớp

Với lịch sử 200 năm truyện ngắn, ông X.J. Kennedy, trong quyển Literature thường dùng ở năm đầu của văn chương Anh Mỹ ở đại học Mỹ nhắc đến một truyện cực ngắn của Thomas Bailey Aldrich chỉ dài độc có ba dòng:

“Một thiếu phụ đang ngồi trong căn nhà cũ kỹ, đóng kín, biết rằng chỉ có mình mình trơ trọi trên thế giới này. Tất cả đều đã bị tiêu hủy. Chuông cửa reo”.

Ít người đồng ý với ông giáo sư nọ để coi đây là một truyện ngắn. Không có truyện trong đó mà chỉ là một mảnh đời. Cũng được đi, nhưng cả truyện nhìn chung không “nói” được điều gì mặc dầu ta có thể tưởng tượng được vài điều về hoàn cảnh và tâm trạng của thiếu phụ đó. Gần đây nhiều báo điện tử đưa ra thể loại “truyện cực ngăn” hay “truyện chớp”…như một hình thức viết mới.

 

Văn hóa

Người Trung Hoa quan niệm văn hóa thế nào? Theo Thái Văn Kiểm, khởi thủy người Tầu không có chữ “Văn hóa” viết liền nhau. Trong Kinh dịch có câu :

Quan thiên “văn” dĩ sát thời biến

Quan nhân “hóa” dĩ thành thiên hạ

Nghĩa: Nhìn hiện tượng trên trời để xét sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của người ta trong xã hội để sửa đổi thiên hạ.

Văn là nét vẻ thể hiện bề ngoài. Hóa là biến đổi cho tốt hơn. Hai chữ này không đứng chung với nhau nhưng người Tầu ghép làm một để chỉ cho văn chương và nghệ thuật.

(Mặc Giao – Văn hóa Việt Nam)

 

Tiếng Việt vừa dễ vừa không dễ

Hỏi : Mấy chú ơi, cho Lạc hỏi, trong truyện Kiều có câu: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.” Thiều Quang là gì, và câu đó có nghĩa là gì vậy? Cám ơn các chú clip_image002

Đáp : Thiều quang là quang cảnh đẹp đẽ của mùa xuân hay ánh mặt trời của mùa xuân. Còn có nghĩa mùa xuân một cách chung chung. Câu trên có nghĩa mùa xuân có 90 ngày thì hôm đó đã là sáu mươi mấy ngày rồi… Có một câu khác ngay ở phía trên câu đó : “Thanh Minh trong tiết tháng ba” đã nói rõ cái thời điểm đó.

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

 

Ca dao

Ca dao là thơ, được gạn lọc từ thời này qua thời khác do những thi sĩ khuyết danh. Cách gieo vần hạ chữ tài tình, giầu âm thanh mộc mạc đôi khi cũng…khó hiểu, như:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

….

Có rửa thi rửa chân tay

Chớ rửa lông mày chết cá ao anh

Vậy chứ tại sao chỉ rửa lông mày không thôi sao lại chết cá?

Theo một vị cao niên, uyên bác ý tại ngôn ngoại thì nên hiểu ngầm là:

– Chớ rửa “lông” của “mày” mà chết cá ao anh!

(Nguyễn Phú Long – báo Xây Dựng)

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search