T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 127)

https://eqhsih9ofx5.exactdn.com/2018/01/clip_image002-50x50.jpg?strip=all&lossy=1&ssl=1 

Thiền ngôn

 Trăm năm trước thì chưa gặp
Trăm năm sau biết gặp hay chăng?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống cho vừa lòng nhau!

Bậm

Bậm : to

(cái thằng bậm bạm)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San,  Đinh Văn Thiện)

 Thành ngữ

“Khôn thì sống, dại thì chết.

Thực ra là “Khôn thì sống, mống thì chết”.

“Giàu đổi bạn, sang đổi vợ .

Thực ra làGiàu đổi bạn, sang đổi hầu

(Nguyễn Đôn Phục – Bằng hữu kim kỳ phú)

Giá sách cũ

Thận Nhiên đỗ xe. Chúng tôi đi tìm một nhà văn miền Nam.

Miền Nam? Một quốc gia biến mất. Văn chương miền Nam? cũng biến mất. Còn Dương Nghiễm Mậu? Dương Nghiễm Mậu tiếp tôi với Nhiên trong ngôi nhà lát đá mát lạnh. Không khác mấy khí hậu trong truyện ông, khô, lạnh lẽo. Dăm bức sơn mài Dương Nghiễm Mậu làm lấy treo trên vách. Tủ sách để tượng trưng trống rỗng.

Tủ sách của một nhà văn miền Nam sau ngày “giải phóng” trống rỗng. Tôi nhìn tủ sách kỳ lạ. Thầy tôi cũng có một tủ sách và tủ sách ấy ăn vào tuổi thơ tôi không hề biến mất. Chính trong những năm đầu trung học đệ nhất cấp, khi chiều cao cho phép với lên phần có ổ khoá, tôi khám phá Dương Nghiễm Mậu. Những cuốn sách nhà cấm, tôi nhìn tò mò, nhưng không cầm đến. Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Thế Uyên, Thế Phong, Nguyễn Thụy Long,… xếp ngay ngắn sau lớp kính có ổ khoá.

Tôi khám phá xã hội miền Nam sau này bị xích sắt T-54 nghiến nát dưới lòng đường. Tôi chưa kịp đọc Dương Nghiễm Mậu. Tôi chỉ kịp trông thấy ông bị vất lên xe ba gác chở ra lề đường. Nhưng cũng chỉ một hai tháng sau lề đường bị truy quét tàn dư Mỹ Ngụy và ông biến mất.

(Trần Vũ – Sài Gòn, ngày lạ mặt)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

 Chim rừng có cánh, nhiều lông

Chim nhà không cánh nhưng lông vẫn nhiều

Chữ nghĩa làng văn I

 Năm tôi (Nguyễn Dữ) học lớp ba trường tiểu học Quang Trung (Hà Nội, 1952), có một lần cả lớp viết sai chính tả từ giặt gỵa. Sai đủ kiểu. Nhiều đứa viết là giặt dịa. Có đứa viết giặt gịa. Hai ba đứa viết giặt giạ. Thầy bảo phải viết là giặt gỵa. Cả lớp chả hiểu tại sao lại viết như vậy. Mãi sau này mới được thấy từ giặt gyạ (Laver ses habits, giặt quần áo) trong tự điển của Génibrel (1898). Thấy cả vua Gyalong (Gia Long) trong báo L’Illustration (1857). Lật Từ điển tiếng Việt (1988) của Hoàng Phê ra xem thì thấy viết là giặt gịa.

Từ đơn gịa không có trong từ điển của Hoàng Phê. Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) định nghĩa gịa là đồ đong lúa, tức là từ giạ của Hoàng Phê.

Hôm ấy có đứa hỏi vặn thầy tại sao không viết là giặt dịa? Thầy bảo không được vì giặt gỵa là từ kép, dê dưới (g) phải đi với dê dưới. May cho thầy. Cả lớp không có đứa nào biết trường hợp dê dưới đi với dê trên (d) của giản dị để đưa ra ” ăn thua ” với thầy.

Muốn cho gyạ giống gịa thì chỉ việc thay một chữ, đặt cái dấu vào đúng vị trí. Có vậy thôi mà cũng không biết ! Không biết thì cứ giặt giũ cũng được. Dù sao thì giặt gyạ (Génibrel) hay giặt gịa (Hoàng Phê) cũng là một trường hợp… hơi phức tạp.

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Câu đối tập cú

Là những câu lấy chữ sẵn ở trong sách hoặc ở tục ngữ, ca dao.

Gái có chông như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng.

Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

(Trích từ Wikipedia)

Xứ Quảng Ngãi

 Tổ tiên của người Quảng Ngãi một phần là “tội đồ” thời Lê Thánh Tông (1460-1497) bị đày vào vùng đất ngoại biên này khi dẹp loạn Chiêm Thành để làm phên giậu cho đất mẹ ở phía bắc. Hạng “tội đồ” này phần lớn là những người chống đối triều đình. Một phần khác trong số họ là binh lính đi theo các quan cai trị trấn đóng vùng đất mới chiếm của Chiêm Thành. Chẳng hạn như binh lính dưới quyền của Trấn Bắc Quận Công Bùi Tá Hán (1496- 1568). Nhóm “tội đồ”, binh lính lúc nào cũng mang trong người dòng máu “phản kháng”, “can cường”. Dòng máu “phản kháng” đó, dòng máu “can cường” đó luôn luôn chảy trong huyết quản của người dân Quảng Ngãi.

Phải chăng dân gian có câu “Qủang Ngãi hay co” là vậy.

Theo thứ tự của thời gian

Trên đường về của người thợ săn, có kẻ gặp và hỏi: Anh đi đâu về? Theo tiếng Pháp thì đáp lại rằng: “Je reviens de la chasse”, dịch thuật đúng là “Tôi trở về từ sự đi săn”; nhưng theo tiếng ta, không nói như thế đâu, mà nói: “Tôi đi săn về”.

Tiếng ta lấy thứ tự của thời gian làm trọng. Việc đi săn ở trước việc trở về, đi săn xong rồi mới trở về, cho nên nói “Tôi đi săn về”.

(Phan Khôi – Việt ngữ nghiên cứu)

Tiếng Việt không đơn giản

Hỏi: Thường nghe các cô gái trẻ vn sang mỉ lấy chồng rùi “lộn nài bẻ ống“… là sao bớ bà con… Bà con cô bác ơi cứu bồ giùm đi.

Đáp : Tui bị câu này khoá mỏ! Hỏng dám zdô đây múa bậy khiến cho phòng vắng tanh lạnh ngắc như chùa bà đinh. Thế là thử tra tự điển xem sao…

Lộn – Đảo ngược vị trí; biến đổi; nhầm lẫn; cãi hay cự lộn…
và thấy tự điển on-lai có thêm cái này —> lộn chồng: Nói phụ nữ bỏ chồng về nhà cha mẹ (cũ).
Nài – Theo trong câu trên thì chắc không phải…nài nỉ, vậy thì còn:
1. Người quản tượng, người chăn voi: nài voi.
2. Vòng dây buộc giữa ách cày: vặn nài bẻ ách.
Bẻ – Cho đứt, gãy
Tự điển on-lai: Bẻ liễu: từ chữ “Chiết liễu”, chỉ cảnh tiễn biệt – Ngày xưa, khi tiễn biệt nhau người ta thường bẻ cành liễu tặng nhau để tỏ lòng lưu luyến.
Ống – Vật hình trụ và dài, trong rỗng
Vặn – Xoắntheo một chiều cho các sợi bện vào nhau, cho chặt…
(Nguồn ĐatViet.com)

Chữ nghĩa trên mạng

Đọc được lời rao của tuổi “teen” trên internet:

“Tìm người đi chơi cuối tuần, đang cô đơn, cần một “ông xã” dưới 17 tuổi, biết “yêu vợ”, biết uống rượu và lái xe tay ga…”

Chữ nghĩa thập niên 20

 Ca – Ca là một lối văn vần, số chữ trong một câu, số câu trong một bài không nhất định.

Trong câu thường có chữ “hề” chen vào.

Nguyên văn Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn là làm theo lối Trường đoản cú ca.

(Tôn Thất Lương – Xuân mộng)

Tiếng Huế, tiếng Chàm I

 Trong tiếng Huế hàng ngày, rất nhiều từ thông dụng, nói tới nói lui ngày này qua ngày khác. Nói mãi, nghe mãi nhưng không dè rằng, mấy tiếng nớ do gốc Chàm mà ra! Cũng chẳng có chi khó hiểu là từ mấy trăm năm giao lưu văn hóa ngôn ngữ Việt – Chàm kể từ khi hai châu Ô-Rí trở thành phần đất Việt Nam.

Thuận Châu-Hóa Châu là vùng đất còn giữ lại đến nay di sản ngôn ngữ người xưa để lại, đặc biệt những từ cổ Việt, tiếng Chàm. Có những chữ người mình nói, ngày xưa, ngày nay đồng bào gốc Chàm cũng nói như người mình. Không chỉ những tiếng thông thường ni mô tê răng rứa, rày ni mai nớ, mà còn vương víu cũng trên dưới 30-35%. Khá nhiều! Ví dụ:

1. Bồ: đồ dùng bằng tre đan như bồ lúa, bồ gạo (thúng), mà tiếng Chàm là bô-k (một đống).
2. Chạc: sợi dây. Tiếng Huế xưa, sau 1945 ít còn thông dụng. Ví dụ: buộc chạc, đánh chạc (Chàm: chac).
(Nghệ Tĩnh: ăn chạc có nghĩa là ăn chịu, ăn không trả tiền).
3. Lòi: để lộ ra ngoài có thể nhìn thấy được, xì ra, nhô ra. Ví dụ: lòi đuôi chuột, lòi ruột, lòi rún, lòi chim (Chàm: b-roi).
(Tiếng Nghệ: chạc lòi, dây xâu tiền, loại tiền ngày trước như tiền ăn ba, ăn sáu, ăn mười).
4. Bít: ngăn, lấp lại, chận lạị (Chàm: bít).
(Nguyên Hương – Bên lề 700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế)

Ban

Ban : đánh đất cho bằng phẳng – lúc, khi

(đánh cuốc cho ban – ban nãy)

 (Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San,  Đinh Văn Thiện)

Chữ “khôn” trong tiếng Việt

 Ao sâu, nước cả, khôn chài cá

Vườn rộng, rào thưa, khó đuổi gà

(Nguyễn Khuyến)

Chữ “khôn” từ chữ “không” (khẳng định) mà ra nhưng mang tính chất phủ định, miễn cưỡng, âm nhẹ hơn về tâm lý trừu tượng của nhân vật chủ thể. Như “nỗi nhớ khôn nguồi”, “nỗi buồn khôn tả”.

(Đỗ Quang Vinh – Tiếng Việt tuyệt vời)

Ăn cơm mắm cáy….

Do câu ca dao:

Ăn cơm mắm cáy thì ngáy o…o…

Ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy

Hiểu nghĩa nghèo cơ cực nhưng an phận với hiện tại, nên “ăn mắm cáy” còn sướng hơn…“ăn thịt bò”.

 Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Nếu như em là phở,
Thì anh là nước lèo,
Đời có cuốn vèo vèo,
Ta bên nhau em nhỉ.

 Dê…

Bà Hồ Xuân Hương có câu “Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”.

Tầu có câu “Đê dương húc phiên” nghĩa “dê đực húc giậu”

 Tên Bách Việt

Chúng ta đã biết rằng hơn trăm năm sau Câu Tiễn, nước Việt bị nước Sở diệt. Sở chiếm đất Ngô Việt đến miền Chiết Giang. Từ đó người Việt xuống miền nam, giữ miền bờ biển ở Giang Nam mà thần phục nước Sở. Sử sách gọi chung những nhóm Việt tộc ở Giang Nam và Lĩnh Nam là Bách Việt, không rõ số các nhóm Việt tộc ấy là bao nhiêu.

Từ thời Chu về trước, người Việt tộc ở rải rác khắp trong miền lưu vực sông Dương Tử từ Tứ Xuyên đến biển, trước áp lực của người Hán tộc người Việt tộc phải tràn xuống miền Giang Nam và Lĩnh Nam. Tên Bách Việt được người Hán tộc dùng để chỉ những bộ lạc Việt tộc ấy từ thời Chiến Quốc. Sử ký chép rằng đời Chu An vương, Sở Ðiệu vương sai Ngô Khởi đánh dẹp Bách Việt ở miền nam. Ðến sau khi nước Việt bị nước Sở diệt, thì người nước Việt ly tán xuống miền nam, họ đã gặp ở đó những người Việt tộc chiếm ở miền ấy từ xưa.

Trong các thị tộc của nước Việt, có những thị tộc dùng thuyền mà xuống miền Phúc Kiến, Quảng Ðông và Bắc bộ, hoặc (đi đường bộ) qua dãy núi Nam Lĩnh mà sang Quảng Ðông, Quảng Tây. Ở miền nam, các tù trưởng gặp được những người Việt tộc cũ. Một số tù trưởng  tập hợp người mới và người cũ thành từng bộ lạc tự xưng vương. Một số bộ lạc ở lại miền Chiết Giang hẳn là phải thần phục nước Sở, song những bộ lạc ở xa tại miền Phúc Kiến, Quảng Ðông, Quảng Tây và Bắc bộ thì hẳn là không có quan hệ với nước Sở. Mặc dầu từ đầu thế kỷ thứ IV nước Sở đã sai Ngô Khởi đi bình Bách Việt, phạm vi thống trị của Sở chỉ đến phía nam các đất Hồ Nam và Giang Tây mà thôi.

Chúng ta biết rằng các nước Việt tộc ở lưu vực sông Dương Tử là Sở, Ngô, Việt đã dần dần đồng hóa theo văn hóa Hán tộc. Ở phía Tứ Xuyên thì sau khi nước Tần chinh phục được nước Thục và nước Ba, người Việt tộc ở miền ấy cũng bị hấp thu vào văn hóa Trung Nguyên. Ðến thời Chiến Quốc thì chỉ đất Bách Việt còn ở ngoài phạm vi ảnh hưởng của Hán tộc.

(Ðào Duy AnhLịch sử cổ đại Việt Nam)

 Lính khố thời Tây

 –  Lính khố lục : Lính canh ở những tỉnh xép, phủ, huyện.

–  Lính khố xanh : Lính đóng ở đồn, bót.

–  Lính khố đỏ : Lính chiến đấu, được thực dân Pháp ưu đãi hơn

lính khố lục, lính khố xanh.

(Vũ Ngọc Phan – Hồi ký những năm tháng ấy)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search