T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 141)

clip_image002

 

Thiền ngôn

clip_image004

Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc

Nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay

(Bùi Giáng)

Chữ nghĩa làng văn xóm chữ

Ngô Văn Phú mở đầu sự nghiệp thơ là bài thơ Mây và bóng:

Trên trời mây trắng như bông,

Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây.

Những cô má đỏ hây hây,

Đội bông như thể đội mây về làng.
(1961)

Bài thơ này được giải thưởng báo Văn Nghệ năm 1962, năm 1963 được đưa vào sách giáo khoa lớp 1 (VNDCCH- Hà Nội). Nhà thơ Bàng Bá Lân trong thời gian 1952-1953 đi tản cư về dạy học ở Thị xã Phúc Yên , ông có sáng tác bài thơ Năm xưa:

(,,,)

Dừng chân mơ cảnh dịu hiền,

Một thời Nghiêu Thuấn riêng miền quê đây,

Mấy cô má đỏ hây hây,

Nghiêng mình kéo nước giếng xây đầu làng.

(,,,)

Câu 3 trong bài thơ của Ngô Văn Phú chỉ khác câu 3 của Bàng Bá Lân là chữ ” những” với “mấy”. Giá như hồi ấy do Bắc – Nam bị chia cắt, cách trở, thầy Bàng Bá Lân còn ở mãi trong Sài Gòn, mà Ngô Văn Phú có thêm chú thích “câu thơ này mượn của thầy Bàng Bá Lân thì “đẹp” biết chừng nào?

(Góc thành nam Hà Nội – Nguyễn Khôi)

Bàm

Bàm: nói khoé

(lời bàm bố)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Địa danh miền Nam
Lâm Đồng là tên ghép nối Lâm Viên và Đồng Nai (thượng).

Lâm Viên là phiên âm chữ của người Việt (người Kinh) về một địa danh Liang Biang. Liang Biang thực chất là một từ thổ ngữ của hệ Nam Á, có nghĩa là “Chàng” và “Nàng”.

Thơ Bút Tre và Hồ Xuân Hương

Anh đi công tác Pờ Lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào vê

Việc sử dụng dấu chấm câu trong báo chí

Báo An ninh thế giới có đoạn viết: “Ai đã từng tiếp xúc hoặc làm việc với Pugô đều có nhận định rằng, ông là con người trí tuệ sắc sảo, nghiêm túc, chấp hành nguyên tắc, kỷ luật cao”.

Sau nhóm từ “nhận định rằng” phải dùng dấu hai chấm (:) chứ dùng dấu phẩy (,) là sai, vì những ý sau đó giải thích cho ý đầu.

Cũng trong số báo trên, còn thấy hiện tượng dùng dấu phẩy thay cho dấu hai chấm ở một số chỗ khác, như: “Ông tuyên bố rằng, ông ủng hộ lời kêu gọi của…”.

(Trần Dĩ Hạ – Tạp chí Tài hoa trẻ)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Việc dễ mà không làm cho khó,

Thì làm chó gì có… thịt chó mà ăn?

Chữ nghĩa trong câu đối

Câu đối chữ Nho gọi là doanh thiếp hoặc doanh liên

Doanh là cột, thiếp là mảnh giấy có viết chữ và liên là đối nhau. Tức những câu văn đi đôi với nhau thế nào cho ý, chữ và luật bằng trắc cân xứng với nhau.

Có lần, một nhà sư nọ ra vế đối đầy ngạo mạn: Đọc ba trăm sáu mươi quyển kinh, chẳng thần thánh phật tiên nhưng khác tục.

Để đối lại, Nguyễn Công Trứ không tiếc lời mai mỉa: Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người.

(Nguyễn Kiến Thiết – báo Thời Báo)

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Hình thức

Sài Gòn: Ra đường đầu tóc chỉnh tề
Hà Nội: Đội nón tai bèo ta rề rề dạo phố

Văn hóa cà phê

Như một cánh cung, phố Hàng Hành bên hồ Hoàn Kiếm dài hơn trăm mét có đến mấy chục hàng ăn hàng café. Nghe nói ngày xưa đây là nơi bán hành tỏi, sau chuyển sang nghề tiện gỗ. Ấy chỉ là một gian nhà hẹp ở phố Cầu Gỗ. Một dạo, ông Vũ chuyển sang uống ở café Lâm phố Nguyễn Hữu Huân. Lâm nổi tiếng vì chơi với nhiều văn nhân nghệ sỹ, về già lại hay cúng tiền công đức lên cho các chùa. Lâm mất, ông Vũ chuyển về uống ở café Mai phố Lương Ngọc Quyến. Năm 2000, Mai bị bắt vì buôn ma tuý, ông Vũ chuyển về uống ở café Nhân Hàng Hành. Ngày nào cũng vậy, cứ 9 giờ sáng và 5 giờ chiều, ông Vũ đều đặn hai lượt đến ngồi ở trên ban công gác hai nhìn xuống mặt đường, uống một ly café đen đá và hút thuốc lá Camel, đôi mắt xa xăm nhìn ngắm bóng chiều cứ xuống dần dần qua tán lá bàng. Thời gian trôi đi, tất cả rồi mất hút vào trong quên lãng, qua khói thuốc, qua ly café. Chớp mắt hốt nhiên đã hết veo một đời người…

Café Nhân là nơi bọn giai phố và đám thanh niên trẻ rất thích ngồi. Một nhóm họa sĩ thời thượng ở Hà Nội để râu xồm xoàm cũng hay ngồi đây, có một bàn đặt hẳn hoi được trả tiền trước. Café Nhân không phải là đệ nhất café Hà Nội. So với café Bằng ở chợ Hàng Da thì thâm niên của café Nhân chẳng ăn thua gì. Café Bằng có từ khi Hà Nội vừa mới Tây hoá. Con thạch sùng ghép bằng sứ ở chợ Hàng Da là biển hiệu của café Bằng. Đấy mới đích thị là đệ nhất đồ cổ café Hà Nội.

Ở phố Hàng Hành, café Nhân chưa hẳn đã là chỗ ngồi đẹp nhất. Vỉa hè ở mấy dãy nhà số 39 mới là chỗ ngồi đắc địa. Ở đây người ta có thể quan sát cả đoạn phố dài, có thể tha hồ ngắm nhìn thiên hạ đi qua đi lại. Bầu không khí bảng lảng thậm chí còn hơi hiu hắt ở đây quãng tầm giờ chiều gợi nhớ vô biên đến những phố huyện ở vùng Hà Nam Phủ Lý hay ở vùng đồi trung du Phú Thọ. Ngồi trên gác hai café nhà số 20 trông xuống mặt đường, nhất là vào những đêm hè, người ta cũng có cảm giác như đang ngồi trên gác một quán cao lâu ở trong phố cổ Hội An cơ nữa…

(Nguyễn Huy Thiệp – Cafe hàng Hành)

Địa danh miền Nam

Đà Lạt: Đà, theo tiếng ngữ hệ người Thượng (L’ach) là nước, là sông nước. Lạt, nghĩa là thưa, rừng thưa. Như thế, Đà Lạt nghĩa là vùng sông nước có nhiều rừng cây thưa.

Tiếng Việt, dễ mà khó

Nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ phát hiện trong những chữ quen thuộc chúng ta thường sử dụng hàng ngày ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng. Tính chất bí ẩn ấy có thể nói là vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không hết được.

Như gặp chữ “thun lủn”, nó ám chỉ cái gì rất ngắn. Và liên tưởng đến những chữ có vần “un“: cụt ngủn, ngắn ngủn, v.v…

Gặp chữ “dập dềnh“, là nó ám chỉ một cái gì trồi lên trụt xuống do sự liên tưởng đến những chữ có khuôn vần tương tự: bấp bênh, gập ghềnh, khấp khểnh, tập tễnh, v.v…
Nói tiếng Việt vừa dễ vừa khó là vì thế.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Bạ

Bạ: đậu vào, bậu vào

(thấy ma bạ vào vách)

(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

Văn hóa Phùng Nguyên

Cách đây 4000 năm, tụ cư ở vùng lưu vực sông Hồng và các chi lưu, các bộ lạc Phùng Nguyên đã tạo nên những cơ sở vật chất và tinh thần đầu tiên cho thời kỳ Hùng Vương. Tất cả các chứng cứ khảo cổ học đều nói lên rằng sự phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Ðông Sơn, qua các giai đoạn Ðồng Ðậu, Gò Mun, trong lưu vực sông Hồng, là liên tục. Ðiều đó không những chứng minh rằng văn hóa Phùng Nguyên là cội nguồn của văn minh sông Hồng mà còn chứng minh các bộ lạc Phùng Nguyên là cái lõi đầu tiên của dân tộc Việt.

Văn hóa Phùng Nguyên đã tồn tại trong nửa đầu thiên niên kỷ thứ 2 trước công nguyên.

Ðiểm đáng chú ý trong đời sống kinh tế của cư dân văn hóa Phùng Nguyên là sự xuất hiện của đồng và thuật luyện kim. Ðồng đã có mặt ngay ở giai đoạn sớm nhất của văn hóa này tìm thấy xỉ đồng, chứng tỏ con người đã luyện kim ở ngay đây chưa tìm thấy những đồ đồng nguyên vẹn đồ đồng còn rất hiếm.
Người Phùng Nguyên ưa thích họa tiết tạo nên bằng những đường cong. Tất cả đều uyển chuyển, thanh thoát, dứt khoát mà vẫn mềm mại, nhịp nhàng mà không đơn điệu. Sự hài hòa của bố cục hoa văn biểu hiện cả chiều ngang và chiều dọc đồ đựng và có sự phối hợp khéo léo giữa hoa văn và kiểu dáng trên đồ gốm.

(Hà Văn Tấn – Lịch sử Việt Nam)

Thiết tha

Thiết: cắt. Tha: mài. Chinh phụ ngâm khúc có câu “Cánh buồm người thiết tha lòng”. Nguyên nói về thợ làm rừng lấy dao để cắt, lấy đá để mài dũa. Sau dùng để nói bạn bè trau dồi học vấn với nhau hay tình thân giữa hai người.

Sừng sỏ

Trong bài Hàn nho phong vị phú có câu “Túng đường mang quyết chí cùng tư – Phép nước chưa nên gan sừng sỏ”.

Sừng sỏ do chữ “đầu giác” với đầu là đầu, giác là sừng. Nghĩa rộng người còn trẻ hãy tranh đấu với đời sống.. Người ta thường dùng “sừng sỏ” để chỉ kẻ ngang ngạnh.

Ta gọi là…“đầu bò đầu bướu”.

“Hư từ” với…“đi”

“Hư từ”, theo Hồ Ngọc Đức là những: “Từ không tiêu biểu cho sự vật, hành động hoặc không có đối tượng và chỉ biểu thị những mối quan hệ giữa các thực từ trong câu.”

Chẳng hạn như từ “đi”, thông thường, “đi” trong Việt ngữ là từ vựng chỉ hành động di chuyển từ A tới B, không phân biệt đi bộ, đi xe đạp, đi xe ngựa xe bò, đi xe ôm, đi xe máy, đi xe đò, đi xe hơi, đi tàu bè hay đi bằng máy bay. Bất kể sử dụng phương tiện giao thông gì, dân Việt đều nói “đi” tuốt luốt. Ca dao có câu:

“Ði đâu cho thiếp theo cùng.
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.”

“Đi đâu”, ở đây, không nêu rõ đích đến của “đi”, mà ngụ ý “dù bôn ba chân trời góc bể nào”…”đi” hoá ù lì, không nhúc nhích cục cựa gì hết, mà được dùng theo thể mệnh lệnh cách, dùng để sai khiến, đòi hỏi hoặc yêu cầu.

Cũng chưa thấy gì “quan ngại” lắm! Chuyện đáng ngại chỉ xảy ra, khi “đi” cặp kè với “thôi”. Còn gì đau lòng hơn, khi lời đề nghị (hẳn là sỗ sàng) của chàng bị nàng ngắn gọn phang cho hai chữ: “Thôi đi!” Trong tình huống này, kiểu nói, hay văn hoa bóng bẩy, phong cách diễn đạt của đối tượng nàng giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Nếu giọng nàng ngọt ngào, nũng nịu với một ngắt quãng giữa hai chữ thì chưa sao. Hy vọng còn tràn trề. Chỉ khi nào nàng đổi giọng cau có, thì hy vọng gần như tiêu tùng, liệu tìm lời năn nỉ thì hơn! Và từ “đi” bỗng hoá vô nghĩa, biến dạng thành một thứ gì rất… kỳ cục, người viết không biết phải giải thích sao cho ổn.

(Ngô Nguyên Dũng – “Ảo từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?)

Lính khố thời Tây

– Lính khố lục: Lính canh ở những tỉnh xép, phủ, huyện.

– Lính khố xanh: Lính đóng ở đồn, bót.

– Lính khố đỏ: Lính chiến đấu, được thực dân Pháp ưu đãi hơn

lính khố lục, lính khố xanh.

(Vũ Ngọc Phan – Hồi ký những năm tháng ấy)

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Vô tư là cái tròn tròn
Dùng đi dùng lại vẫn còn đến sáng mai
Vô tư là cái dài dài
Dùng đi dùng lại đến sáng mai vẫn còn
Vô tư là cái vô tư
Vô tư là cái từ từ nó vô…

Đường cái quan

Đường thiên lý là tên gọi cũ của Quốc Lộ 1A (QL1A) ngày nay. Thời nhà  Nguyễn còn có tên là “đường cái quan”, chạy dài từ Lạng Sơn từ cây số 0 ở Ải Nam Quan  (nay gọi là “Hữu Nghị Quan”) đến mũi Cà Mâu (thị trấn Năm Căn). Đường thiên lý được thiết lập và xây dựng qua nhiều triều đại.

Đến thời nhà Nguyễn, trên đường thiên lý triều đình cho đặt nhiều nhà trạm (dịch trạm) để chuyển công văn, sắc lệnh của nhà vua đến các tỉnh ở miền Nam hoặc miền Bắc (vua đóng đô ở Huế, được coi là trung tâm của đất nước). Những công văn thường được cuộn tròn đựng trong 1 ống tre nhỏ, có bao giấy và niêm phong, đóng dấu mộc cẩn thận. Ống tre nhỏ này sẽ bỏ trong ống tre lớn hơn, và được bao giấy, niêm phong thêm một lần nữa. Tại
mỗi dịch trạm đều có phu trạm và cai đội thi hành việc chuyển công văn. Có vài dịch trạm được cấp ngựa để di chuyển.

(Nguồn: Vương Sinh)

Sự khác nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội

Sài Gòn: Xe 5 số 67, TaK X đời đầu, áo phông quần sóc

Hỏi tiền: Chú cần nhiêu???
Hà Nội: Xe đẹp, điện thoại nhỏ, áo bỏ trong quần.

Hỏi tiền: Không có.

Chữ và nghĩa

Xúi (giục) của người miền Nam không phải là xúi (quẩy) của người miền Bắc.

Xui (xẻo) trong Nam không đồng nghĩa với xui (giục) ngoài Bắc.

Xúi (Nam) nghĩa là xui (Bắc) và xui (Nam) nghĩa là xúi (Bắc)!

(Nguyễn Dư – Chimviet.free.fr)

Chữ và nghĩa

Tôi có hai người bạn, một không thích dùng chữ Hán-Việt, một lại rất thích thú và giỏi chữ Hán-Việt. Tôi gọi người không thích là “Anti- Hán-Việt”, còn người kia là “Pro- Hán-Việt”.

Gần đây nhất, tôi dùng chữ “vô song” trong câu “sức mạnh vô song”, thế là người hùng chống (giặc) Hán diệt ngay chữ “vô song” tội nghiệp của tôi để thành “sức mạnh không hai”. Tôi đọc lại, cười muốn té ghế. Vừa phải thôi, “vô song” mà đổi thành “không hai” thì nghe có khác gì “máy bay trực thăng” thành “máy bay lên thẳng”.

Nhưng Anti- Hán-Việt cứ cãi, cho rằng “vô” là không, “song” là hai (như “song sinh” là hai đứa bé cùng sinh ra), vậy “vô song” là “không hai” chứ gì nữa.
Tôi thuộc loại chữ Việt chưa đầy lá mít, chữ Hán-Việt chưa đủ lá me nhưng nhất định không chấp nhận cái “zero two” này, bởi lẽ, “vô song” đi kèm với chữ “sức mạnh” chỉ có nghĩa bóng là “mạnh ghê lắm” chứ không theo nghĩa đen là “không ai sánh bằng”.

Ngoài ra người ta thường nói “Có một – không hai” để dịch câu “Độc nhất – vô nhị”, nếu như dùng chữ “không hai” cụt ngủn thì thế nào người đọc cũng bảo người viết dốt thành ngữ. Kể ra lỳ lợm như Anti- Hán-Việt cũng là “có một, không hai”. Thôi, một cũng đủ chết cha người ta.

(Ngũ Phuơng – Tản mạn chuyện chữ Hán-Việt)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

 

Bài Mới Nhất
Search