T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình : Nụ cười bao dung

– Ba rất vui mừng và xúc động khi được gặp con!

Tôi nhìn người đàn ông trước mặt bằng ánh mắt hoài nghi, rồi liếc sang cậu Tính thật nhanh như thầm hỏi “có thật vậy không?”. Cậu Tính mím môi với nụ cười gượng gạo. Bàn tay cậu không ngừng xoay chiếc muỗng trong ly cà phê đá. Biết cậu sẽ tìm cớ để rút lui nên tôi vội vàng lên tiếng:

-Con có một cái hẹn quan trọng lúc mười một giờ trưa. Con xin phép đi trước.

Cậu Tính vừa định nhỗm dậy thì người đàn ông đã níu lấy cánh tay cậu van nài:

-Cậu ở lại một chút… anh có nhiều chuyện muốn hỏi.

Tôi với tay lấy chiếc áo khoác, lẹ làng:

-Dạ con xin chào…!!!

Ra đến bãi đậu xe tôi thở phào nhẹ nhõm. Vừa ngồi xuống sau tay lái tôi vừa lẩm nhẩm “ba! ba!!”, nhưng sao nghe giọng nói của mình… hình như lạ hoắc. Có thật ông ấy là ba của tôi? Tôi nhớ, từ ngày bắt đầu khôn lớn, không bao giờ tôi nghe mẹ nhắc đến “ba”. Còn tôi, chỉ một lần duy nhất trong đời -khi ấy tôi vừa lên mười tuổi. Sau câu hỏi, mẹ ơi! con có ba không, sao con chưa được gặp ba lần nào? thì mắt mẹ đã sa sầm, giọng nói như nghèn nghẹn, đứt quãng. Hãy nhớ! con có thể hỏi mẹ bất cứ điều gì, nhưng đừng bao giờ hỏi mẹ câu hỏi đó… nghe không? Rồi như chưa an tâm, mẹ kéo tay tôi nói rõ từng chữ. Nhớ không con? Giọng nói thật nhẹ nhàng, nhưng ánh mắt long lanh của mẹ làm tôi sợ hãi. Dạ con nhớ. Con nhớ.

Tối hôm đó mẹ lên giường nằm cạnh tôi, vuốt tóc và hôn nhẹ lên mắt tôi, ngọt ngào nói:

-Mẹ xin lỗi… Có những điều mẹ chưa thể nói với con bây giờ… nhưng sau này… lớn lên con sẽ hiểu. Con có giận mẹ không?

Tôi im lặng. Cũng không biết vì sợ hay vì giận. Nhưng từ đó, trong tâm trí tôi không bao giờ có hình ảnh của một người cha!!!

***

Cậu Tính đưa cho tôi cái hộp đựng bánh cookies được dán kỹ bằng vòng băng keo vải. Ngập ngừng một lúc cậu nói khẽ:

-Đây là kỷ vật duy nhất của mẹ mà cậu giữ được. Có lẽ mẹ con không bao giờ muốn con biết sự thật về cuộc tình oan nghiệt của mẹ. Cậu cũng vậy, cậu không muốn những vết đen trong cuộc đời mẹ con ảnh hưởng đến tương lai của con. Nhưng bây giờ thì sự thể đã khác. Con cần biết rõ những gì con phải biết để xử sự cho đúng đối với người mà con phải gọi bằng ba.

Phải gọi bằng ba! Hình như có chút gì cay đắng trong câu nói của cậu? Chắc hẳn cậu ghét và hận người đàn ông này! Tôi đặt chiếc hộp trên bàn, bâng khuâng nhìn ra cửa sổ. Trời đã bắt đầu vào thu với từng cơn gió nhẹ cuốn theo những chiếc lá vàng đang lắt lây trên cành cây khô gãy. Cái cảm giác nao nao buồn làm tôi ngại ngùng khi nghĩ đến việc mở chiếc hộp ra, nhìn vào đó như nhìn vào cái quá khứ đau buồn mà mẹ đã muốn đóng kín từ lúc tôi còn bé thơ. Tôi vốn là người không có tính tò mò và rất sợ đối diện với sự thật. Cái sự thật đầy nước mắt khốn khổ của mẹ tôi, người phụ nữ nhan sắc vẫn còn mặn mà nhưng đã lià trần khi tuổi đời vừa tròn con số bốn mươi.

Mẹ tôi quen với “ba” khi đang là học sinh lớp 12 trường Đoàn thị Điểm. Lúc ấy đang thời chiến tranh, “ba” là một quân nhân, ông bị thương trong cuộc hành quân tại Chương Thiện và được đưa về điều trị tại quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Mẹ có mặt trong nhóm học sinh ủy lạo chiến sĩ và cuộc viếng thăm định mệnh ấy đã bắt đầu cho một chuyện tình thời chinh chiến. Khi ánh mắt đầu tiên chạm vào nhau là mẹ đã bị mũi tên tình ái bắn trúng ngay tim. Cô nữ sinh mười tám tuổi lao vào tình yêu cuồng nhiệt bất kể sự ngăn cấm của gia đình.

Mỗi ngày, sau giờ tan học mẹ thường lấy cớ ở lại tập văn nghệ Tết cho trường để vào thăm “ba”. “Tình yêu sét đánh” đã phát triển bằng đôi hia bảy dặm khiến cho bạn bè phải ái ngại, nên họ thường nhắc nhở mẹ, coi chừng mấy ‘anh lính đa tình’, anh nào cũng vậy, mỗi nơi dừng chân đều có một mối tình và người thua thiệt vẫn là những cô thiếu nữ đầy mộng mơ, lãng mạng.

Ông ngoại tôi lúc bấy giờ là một vị đại tá có tiếng tăm. Dĩ nhiên ông không chấp nhận mẹ tôi dan díu tình cảm với một anh trung sĩ. Chưa kể ông và người bạn bác sĩ nào đó đã có ý định kết suôi gia. Khi “ba” xuất viện trở về đơn vị thì mẹ cũng bắt đầu xao lãng việc học. Tất cả thời gian còn lại khi từ trường trở về nhà mẹ dành để miệt mài viết thư tình và trang trải nỗi nhớ, niềm thương trên những trang nhật ký dày đặc. Năm đó mẹ thi rớt tú tài hai. Ông ngoại nổi giận, bắt bà ngoại lấy tất cả hình ảnh, thư từ mà mẹ đang cất giữ đem ra thiêu hủy. Tình yêu đầu đời đầy cuồng nhiệt đã khiến mẹ trở nên bướng bỉnh. Mẹ chống đối quyết liệt để giữ lại những kỷ niệm tình yêu mà đối với mẹ là quý báu nhất trên đời và ngày hôm sau mẹ đã trốn nhà, lặn lội trên quãng đường đầy nguy hiểm để tìm đến nơi “ba” đóng quân.

Kết quả của sự liều lĩnh bất chấp hậu quả đó là một sinh linh bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ. Khi biết mình có thai mẹ đã tức tốc báo tin cho “ba”. Rồi mẹ chờ đợi… chờ đợi mãi vẫn không có một hồi âm nào từ người tình đầu tiên mà mẹ hết dạ yêu thương. Cuối cùng mẹ không dấu được ông bà ngoại cái bụng ngày càng lớn. Một quyết định cấp bách đã được thực hiện theo lệnh của ông ngoại -mẹ phải lên Đà Lạt ở với Dì Mơ để dấu nhẹm chuyện xấu xa này. Nơi xứ lạnh đìu hiu đó mẹ vẫn viết thư cho “ba”, nhưng người vẫn bóng chim tăm cá. Tội nghiệp mẹ, hai mươi tuổi đầu với dung nhan diễm lệ, lại là con nhà danh giá mà phải mang lấy số phận lao đao trong mối duyên đầu. Đến ngày sinh nở, mẹ không kịp nhìn mặt con, đứa bé đã được đưa đi mất dạng. Mẹ khóc lóc thảm thiết, van xin ông bà ngoại hãy trả con lại cho mẹ. Nhưng ông ngoại đã lạnh lùng phán quyết. Hãy quên những chuyện không tốt đẹp đã qua, trở về nhà tiếp tục đi học, xem như chưa từng có đứa bé nào hiện diện trong cuộc đời của mẹ. Mẹ gào thét khóc la, nhưng ông ngoại đã dằn khẩu súng lên bàn với mệnh lệnh sắt thép, cả nhà sẽ chết nếu con tiếp tục bôi tro, trát trấu vào mặt ba mẹ. Nhìn thấy bà ngoại đang run rẩy với khuôn mặt đầm đìa nước mắt, mẹ đành gật đầu chấp nhận làm theo lời ông ngoại như chấp chận khóa chặt cánh cửa quá khứ, chấp nhận cắt lìa tình mẫu tử với đứa con mà mẹ chưa được nhìn thấy nó một lần.

Một năm sau, vào tháng 8 năm 1975, một người đàn bà từ Lâm Đồng tìm đến nhà, trả lại cho bà ngoại đứa con gái mười ba tháng. Mẹ nhìn trân trối đứa con gái xinh đẹp như thiên thần trên tay bà ngoại. Không cần hỏi câu nào mẹ đã nhào đến ôm chầm lấy đứa con thơ. Nước mắt đoàn tụ ràn rụa trên khuôn mặt mẹ rơi xuống đôi mắt ngây thơ của bé gái đang ngơ ngác nhìn mọi người. Lúc ấy, ông ngoại bị đưa đi cải tạo tận miền Bắc xa xôi, gia đình lâm vào cảnh túng quẩn, mẹ phải cùng bà ngoại lăn ra ngoài xã hội để buôn bán kiếm sống. Trong cái thế giới chợ trời hỗn tạp mẹ gặp một người cùng nằm trong quân y viện với ba ngày trước. Qua người ấy mẹ được biết “ba” là hạ sĩ quan nên không bị đi cải tạo. Mẹ vui mừng cầm tờ giấy ghi địa chỉ của “ba” lòng khấp khởi hân hoan trước viễn ảnh đoàn tụ hạnh phúc. Nhưng khi mẹ đến nơi thì mới biết ba đã có người đàn bà khác… Đó là tất cả những gì tôi biết được qua cậu Tính.

-Rồi sau đó thì sao hả cậu!!!

Cậu chỉ chiếc hộp rồi xoa đầu tôi:

-Câu trả lời nằm trong chiếc hộp đó.

***

Khoảng thời gian sau đó tôi cố tình né tránh dù ông ấy tìm đủ mọi cách để gặp tôi. Dĩ nhiên tôi không bao giờ bắt điện thoại, dù ông gọi nhiều lượt mỗi ngày. Và cũng vì chuyện này mà tôi giận cậu Tính mấy tuần. Tôi gay gắt hỏi cậu, sao chưa hỏi con mà cậu đã cho số điện thoại, cậu biết con không muốn liên lạc với ông ấy mà! Cậu Tính trách tôi sau quá cứng lòng, chuyện xảy ra đã mấy mươi năm, nếu tha thứ được thì hãy tha thứ để hai bên đều được nhẹ lòng.

Tôi không biết nói sao để cậu Tính hiểu, vì chính tôi cũng không biết rõ tâm trạng của mình. Hận ông? Cũng không hẳn. Vì dù không có cha, nhưng mẹ, bà ngoại, các dì, các cậu yêu chìêu tôi như trứng mỏng, nên tôi không hề có cảm giác thiếu thốn và khao khát tình thương. Ghét ông? Hình như … không đúng. Vì những éo le, cay đắng của mối tình ngắn ngủi giữa mẹ và ông ấy thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Còn trước mắt tôi, mẹ không hề vật vã khổ đau mà bà sống rất bình thản với nụ cười hiền từ và bao dung luôn nở trên môi. Có lẽ chính cái điều mập mờ không rõ rệt trong lòng tôi đã tạo nên một khoảng cách. Cái khoảng cách vô hình đó làm tôi ngại ngần khi đứng trước mặt ông ấy. Tôi sợ phải nghe những lời giải thích mà tôi không hoàn toàn tin tưởng. Tôi sợ phải trả lời. Những câu trả lời đôi khi không thật với lòng mình vì lý do tế nhị hoặc những câu trả lời gây đau đớn cho ông vì sự ngổ ngáo của tôi. Nhưng lý do chính xác nhất khi tôi quyết định không mở chiếc hộp -kỷ vật của mẹ- là tôi không muốn đối diện với sự thật. Có thể tôi là một đứa con ích kỷ, không muốn chia sẻ với mẹ những buồn đau mất mát mà người đã gánh chịu. Nhưng quả thật, tôi là một đứa con gái yếu đuối, thiếu ý chí và sự can đảm để đối diện và ứng phó với những biến cố xảy ra cho mình. Tôi bằng lòng với những gì tôi đang có. Tôi không muốn khơi dậy cái quá khứ không toàn màu hồng của tôi bằng sự chấp nhận ông bước vào cuộc đời tôi.

Tuy là vậy nhưng lòng tôi không khỏi bứt rứt vì sự tha thiết của ông và sự lạnh lùng gần như vô cảm của tôi. Nhiều khi tôi ao ước mình giống như nhân vật trong vở tuồng cải lương, khi được ai đó cho biết đây là cha của con thì cô gái chạy bay về phía người cha giang rộng hai tay, miệng mếu máo kêu lên cha, rồi nói những câu đầy yêu thương nhung nhớ. Những cảnh ấy làm cho tôi buồn cười nhiều hơn là cảm động. Khi nghe tôi nói vậy cậu Tính trầm ngâm một lúc rồi nói -chẳng biết là thật hay đùa- chắc con cũng nên tập diễn như thế cho đời ba con bớt khổ.

***

Tôi còn đang loay hoay chưa biết phải xử sự với ông ấy thế nào cho đúng thì bỗng một ngày…

Vừa bước vào nhà hàng -nơi tôi thường xuyên ăn trưa- một người đàn bà tiến đến, xin phép ngồi cùng bàn với tôi. Tôi miễn cưỡng gât đầu và sau cái gật đầu là giật mình khi nghe bà gọi đúng tên tôi.

-Kim Giao khỏe không?

Nhìn ánh mắt ngỡ ngàng của tôi bà nhẹ nhàng nói:

-Cô xin phép được tự giới thiệu, cô là…. người nhà của ba con!

Bỗng dưng tôi cảm thấy khó chịu nên ngồi thẳng người lên:

-Xin lỗi, tôi không có ba!

Bà dịu dàng nhìn tôi với một nụ cười. Nụ cười hiền từ, bao dung trên môi bà sao giống mẹ tôi lạ lùng. Chính nụ cười ấy đã giữ chân tôi lại, dù tôi đã có ý định đứng lên khi nói xong câu nói ấy bằng giọng lạnh lùng.

-Những gì đã xảy ra cho mẹ con thật đáng buồn… Cô không có ý nói rằng ba con không có lỗi, nhưng thời buổi chiến tranh loạn lạc khiến người ta không thể làm được điều mình muốn… Ba con rất ân hận. Ông đã cố công tìm kiếm con mấy mươi năm.

-Con cái của ông bà đâu mà phải đi tìm một đứa con rơi như tôi.

Bà lặng thinh một lúc rồi ngước mắt nhìn tôi. Vẫn còn đó nụ cười trên môi bà nhưng cái nhìn thì như chứa đựng rất nhiều điều u uẩn.

-Chúng tôi không có con!

Tôi nghiêng đầu nhìn bà, không cố ý mà lời nói buông ra như hờn, như trách:

-Chắc là khi cô không sinh đẻ được ông ấy mới chợt nghĩ đến tôi mà ân hận. Nếu không thì tôi sẽ mãi mãi là đứa con không bao giờ biết cha mình là ai.

Nụ cười tắt ngang. Môi bà mím lại. Đôi mắt long lanh ánh nước. Tôi chợt ân hận, lúng túng đứng lên, đến quầy trả tiền tô phở vừa mang ra rồi đi thẳng ra cửa. Tôi biết chắc phía sau mình có một đôi mắt thất vọng nhìn theo.

Lòng tôi bất ổn suốt buổi chiều hôm đó. Không phải vì ông ấy. Không phải vì tôi. Mà vì người đàn bà. Tại sao bà ấy không hờn ghen, ganh tỵ với đứa con riêng của chồng mà lại cố gắng thuyết phục tôi và hết lời biện minh cho ông ấy.

Hai ngày sau bà lại tìm gặp tôi. Vẫn với nụ cười hiền từ, bao dung bà không nói gì chỉ đặt vào tay tôi một bức thư rồi lặng lẽ bước đi. Lá thư với những lời lẽ van nài thật thiết tha, cảm động. Bà xin tôi hãy mở lòng đến gặp ông ấy một lần, vì có thể ông ấy sẽ ra đi bất cứ lúc nào vì căn bệnh nan y đang thời kỳ cuối.

Đọc thư xong tôi cười ha hả:

-Cậu Tính ơi! sao chuyện đời con giống vở tuồng cải lương gì… gì đó. Chắc ngày đi nhận cha, con phải xuống một câu vọng cổ, còn cậu thì nhớ phựt đèn màu nha. Công nhận bà này đóng vai người vợ cao thượng hay thiệt.

Cậu Tính nhìn tôi nghiêm nghị:

-Cậu ngạc nhiên về con, mỗi lần xem phim tình cảm con đều rơi lệ, sao bây giờ lại có thể thản nhiên như vậy?

Tôi nhìn cậu Tính bằng cái nhìn khó hiểu.

-Ủa! chứ không phải vì hai người ấy mà mẹ con phải khổ sao? Cậu mới là người làm cho con ngạc nhiên đó!

Tôi tiu nghỉu đi vào phòng tự hỏi có thật là mình là kẻ vô tâm. Ngồi xuống giường tôi mở lá thư ra đọc lại. Những dòng chữ trong lá thư như rõ nét hơn, cũng lời thư tôi đã đọc qua nhưng bây giờ như tha thiết hơn với những lời tâm sự .

“Cô gặp ba con vào những ngày cuối tháng 4 trên đường di tản vào Saigon. Gia đình cô gồm có ba má cô và hai đứa em nhưng theo dòng người xô đẩy chen lấn và những lần phải tìm chỗ ẩn nấp vì đạn pháo kích đã lạc mất nhau. Một mình cô, người con gái mười bảy tuổi trôi dạt trên quãng đường đầy gian nan với bao cảnh chết chóc, cướp bóc. Và cô đã không thoát khỏi thảm cảnh đó. Nhưng ngay lúc cô bị kẻ xấu lôi vào bụi rậm trên khoảng đường vắng vẻ thì ba con, người lính quốc gia đang tìm đường tháo chạy đã xuất hiện kịp lúc để giải cứu cho cô. Từ đó, cô bám lấy ba con như bám vào một vị thần độ mạng. Để rồi, người con gái côi cút là cô vô tình trở thành một duyên cớ khiến mẹ con bỏ đi khi vừa gặp mặt ba con…”

Nỗi thắc mắc lớn dần theo câu chuyện bỏ lững nơi đó buộc tôi phải tìm đọc những trang nhật ký nhòe nhẹt nước mắt của mẹ.

“Em trở về nhà bằng những bước chân không hồn. Bao nhiêu ước mơ. Bao nhiêu hy vọng. Bao nhiêu náo nức chờ đợi đã vỡ toang. Còn lại đây là nỗi đau xé lòng. Cũng không biết bằng cách nào em có thể trở về nhà sau khi nhìn thấy người đàn bà từ buồng trong bước ra bấu vai anh hỏi nhỏ, ai vậy anh? Anh bối rối nhìn em, rồi nhìn đứa con bé bỏng trên tay em. Em tự hỏi, sao lúc đó em không nhìn thẳng vào mắt người đàn bà đó và nói thật nhẹ nhàng, tôi là ai không quan trọng, quan trọng là đứa bé này, con gái đầu lòng của anh Thắng. Nhưng em đã không làm như thế mà hối hả quay lưng bước đi để dấu những giọt nước mắt bẽ bàng đang lăn dài trên má.

Em không biết sau lưng em anh sẽ nói gì với người đàn bà của anh? vợ của người bạn đã chết hay một người đàn bà tội nghiệp muốn tìm chỗ ẩn náu qua đêm…”

Suốt đêm đó tôi không chợp mắt được dù là một phút với những suy tư không dứt. Hai người đàn bà hai số phận. Nếu như tôi không có mặt trong cuộc đời của mẹ thì chắc hẳn mẹ tôi đã có được một tấm chồng xứng đáng để hưởng hạnh phúc đến cuối đời. Nếu người đàn bà ấy có khả năng sinh con thì có lẽ bà cũng chẳng cần phải cầu cạnh để xin tôi ban cho chồng bà một tiếng gọi “ba” cho ông an lòng trước khi nhắm mắt. Cuộc đời là những khổ ải triền miên như thế sao? Tôi nghe lòng mình chùng xuống với nỗi buồn mênh mông.

***

Cuối cùng tôi đã bằng lòng đi cùng cậu Tính vào bệnh viện để thăm người đàn ông ấy. Trên đường đi cậu Tính nói với tôi:

-Cậu không biết con đang nghĩ gì nhưng cậu muốn nói với con một điều, cho dù trong lòng con không có chút tình cảm nào thì cũng đừng nên tiếc một tiếng “ba” với ông ấy.

Tôi phì cười:

-Ừa! cứ y như mình đang đóng kịch vậy cậu Tính há!

Cậu Tính quay sang nhìn tôi không một nụ cười. Tôi bắt đầu nổi quạu:

-Trời ơi! ai dạy con phải sống thật với lòng mình mà bây giờ cậu muốn con phải dối trá.

-Không phải là dối trá mà là nhân đạo. Từng tuổi này… trải qua biết bao biến cố trong cuộc đời, cuối cùng cậu nhận ra một điều… những gì có thể tha thứ được thì mình nên tha thứ, những gì có thể buông bỏ được thì nên buông bỏ cho tâm hồn được thảnh thơi. Đó là đức bác ái đó, con biết không?

Tôi hậm hực quay đi:

-Cậu tu đắc đạo rồi chứ con thì chưa.

Ước gì ngay lúc đó xe ngừng lại chờ đèn đỏ để tôi mở cửa lao xuống đường, chạy mất hút vào một con hẻm nhỏ nào đó cho đỡ tức.

Tôi hít một hơi thật mạnh trước khi bước vào phòng 504. Người đàn bà đang ngủ gật trên ghế sofa chợt giật mình. Thấy tôi, mắt bà tròn lên đầy kinh ngạc rồi mừng rỡ bà chạy đến ôm chầm lấy tôi, hai bàn tay bối rối nắm tay tôi bằng tất cả sự xúc động và cảm kích. Nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt tiều tụy, bà kéo tôi đến bên giường nói khẽ:

-Anh ơi! Kim Giao đến thăm anh nè!

Người đàn ông he hé đôi mắt đã mất nét tinh anh. Bà gật đầu nhìn tôi bằng cái nhìn tha thiết, van lơn. Tôi bối rối nhìn lên trần nhà. Dù cũng muốn làm điều bà đang chờ đợi, nhưng trong lòng tôi không hề có chút cảm xúc khi đứng trước mặt ông ấy. Tôi cũng lạ lùng với chính mình. Tôi không giận, không ghét ông, nhưng sao một chút tình cảm cỏn con dành cho ông tôi vẫn không có được. Bà đưa tay xoa nhẹ vai tôi, nụ cười không còn tươi tắn như lần tôi đã gặp bà nhưng vẫn là nụ cười hiền từ và bao dung của mẹ tôi. Tự dưng tôi thấy lòng mình nhẹ hẫng. Tôi nhìn bà bằng đôi mắt trìu mến và tiếng kêu bật lên từ mong muốn mang niềm vui đến cho bà.

-Ba!!!

Bà bật khóc trong tiếng nói đứt nghẹn:

-Anh ơi! con nó gọi ba kìa… anh có nghe không?

Tôi quay đi để bà đừng nhận biết tôi gọi tiếng “ba” là vì bà, vì nụ cười giống mẹ tôi chứ không phải vì người đàn ông mà tôi phải gọi bằng ba []

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search