T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đào Dân: Một năm học ở trường Tỉnh

Phố Cũ – Tranh: Thanh Châu

Năm 1951, tôi ra Tỉnh học. Lớp Năm (lớp 1 bây giờ) hay lớp Đồng Ấu tôi cũng không biết nữa. Tôi ở nhà ông Phủ, nhà nằm trên một con đường ngắn, trải nhựa, nối với đường Quang Trung mà trước mặt là trường Thánh Tâm, hồi đó chắc chỉ là một trường Tiểu học của Công Giáo. Ngay ngày đầu tiên sau khi mẹ bỏ tôi lại một mình và ra về, tôi được chị Năm là người giúp việc đem ra tiệm hớt tóc ở ngay đầu hẻm, với đường phố ban trưa ít người qua lại. Khi đã ngồi ngay ngắn lên chiếc ghế bành bằng gỗ to tướng, và nhìn tấm gương khổng lồ soi bóng mình phía trước, tôi bỗng khóc òa và vật vã đòi xin được cạo trọc đầu như mẹ đã từng cạo tóc cho tôi bằng con dạo cạo mà mỗi lần dùng tới, phải liếc qua liếc lại trên một miếng đá mài nhỏ. Cả phòng, từ các ông thợ đến khách đều cười ầm lên. Nhưng tôi chẳng biết gì đến xấu hổ, lại càng khóc rống lên to đến nỗi ông thợ hớt tóc phải hứa là sẽ cạo trọc như ý tôi. Nhưng trong khi ông thợ làm việc, gió nam thổi vào đã làm tôi thiu thiu rồi ngủ thiếp đi cho đến lúc được đánh thức để chị Năm dẫn ra về thì tôi đã quên hết mọi chuyện.

Những ngày sau đó, tôi không nhớ là mấy lần tôi đã trốn ra ngoài góc sân để một mình khóc cho thỏa lòng nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhưng nỗi cô đơn của tôi trong suốt năm học thì hiện hữu đến nỗi cho đến bây giờ tôi vẫn còn cảm được cái cảm giác cô đơn đó. Dù cho khi học hành ở trường học, khi chơi bời với thằng Bò hay con Thông chung quanh nhà, hay khi đi sinh hoạt gia đình Phật Tử ở chùa tỉnh Hội, hoặc cả nhóm bạn bè rủ nhau ra chợ chơi, thì sau đó, khi trở về,, tôi lẩn trốn vào trong ốc đảo của chính mình. Tôi lặng lẽ, một mình, đôi khi thui thủi như một cái bóng bên cạnh mọi người mà cuộc sống của họ là một khối gắn kết. Có lẽ không ai biết được cái cảm giác đó của tôi, mà họ chỉ cho rằng tôi là một thằng bé nhà quê bướng bỉnh và nhút nhát. Quả thật tôi chỉ là một cậu bé nhà quê, mỗi khi đi theo mẹ vào nơi nào không phải là không gian quen thuộc, tôi chỉ là cái bóng, đứng lấp ló sau chân mẹ và lặng lẽ nhìn ra, lặng lẽ quan sát, và lặng lẽ lắng nghe cuộc đối thoại của người lớn. Sự nhút nhát đã trở thành một căn tính mà tôi khó thể rửa sạch được, cho đến tận bây giờ, dù có cải thiện hơn nhờ vào những năm sống trong quân ngũ. Tôi, cậu bé nhà quê 6 tuổi, rụt rè, nhút nhát, vậy mà bị buộc phải ở vào một khung cảnh xa lạ, giữa những con người xa lạ, trong cái không khí đầy vẻ quý phái và sang trọng đó đến nỗi một năm sau, khi đã rời xa, đã trở về nhà với mẹ, tôi vẫn chưa hội nhập được, mặc dù tôi đã cố gắng chấp nhận sống trong đó như một số phận. Tuy vậy, trong lòng tôi vẫn luôn luôn đeo đẳng một sự biết ơn sâu xa đối với gia đình ông Phủ, người đã cưu mang tôi trọn một năm học, như một nghĩa cử đối với người bạn học là cha tôi, đã qua đời. Và vì lòng biết ơn đó nó đối nghịch với cái tâm hồn từ bản chất là xa lạ với đời sống ấy làm cho tôi sau này lớn lên, đi học ở trường Nguyễn Hoàng, mỗi khi đạp xe qua căn nhà bề thế, lại có vẻ bí ẩn, với hàng chè tàu rậm rạp xanh mướt che khuất cái sân rộng trải sỏi quen thuộc, tôi đã ngần ngại không dám quẹo xe vào để thăm gặp ông bà như một hành động biết ơn. Căn nhà vừa như một thân thiết, vừa như một xa lạ, đã nhiều lần ngăn cản bước chân tôi. Khi đã đạp xe rời xa, tôi lại hối tiếc, lại ân hận, và lại tự dằn vặt mình.

Giữa cái không khí cô độc và lạnh lùng đó, việc một hai tháng mẹ tôi ra thăm trở thành một cứu cánh. Không phải chỉ vì sự thỏa mãn nỗi nhớ mong của một đứa con xa mẹ, mà việc đến thăm của mẹ còn cho tôi một sức mạnh tiềm ẩn trong cuộc đối kháng âm thầm giúp tôi chịu đựng cuộc sống đơn độc giữa một gia đình đầm ấm gồm năm bảy người kia mà không phải trở thành quá đau đớn, với cái ý nghĩ rằng mình cũng có một bà mẹ, cũng có một gia đình trong kia, chứ không phải là một đứa con hoang, bị bỏ rơi, bị cô độc. Dĩ nhiên lần nào mẹ cũng cho tôi một ít quà, thường là kẹo bánh, còn gì khác thì tôi không nhớ. Nhưng vui nhất là những lần chị Anh một mình ghé thăm, mà tôi nhớ rõ là chị đã cho tôi một mớ kẹo que màu xanh có giấy bao mà tôi hay dùng để đổi chác với thằng Bò một chuyện gì đó. Đôi khi còn dùng nó để “dem thèm”, để chọc tức, và để trả thù. Dù cả năm chị chỉ vô thăm tôi hai hay ba lần, nhưng mỗi lần như vậy, chị em chúng tôi như hai con chim non, ríu rít, ríu rít, và tôi lại líu lo tâm sự cùng chị, như để bù lại cả mấy tháng trường sống âm thầm lặng lẽ, vô cảm. Tôi không còn nhớ là chị em chúng tôi đã nói với nhau chuyện gì mà cho đến giờ tôi vẫn không biết thời gian đó chị làm gì, ở đâu, làm sao có thể đi chợ để ghé thăm mà lại có tiền mua kẹo cho tôi. Nên nhớ là chị chỉ hơn tôi 4 tuổi! Có một điều chắc chắn là tôi mong chị ra chơi nhiều hơn, không phải chỉ vì mấy cái kẹo, mà việc thăm viếng của chị là một cái phao cho tôi bám víu, như một tấm chắn cho tôi cảm thấy an toàn vì tôi lúc nào cũng cảm thấy trống trải dễ bị tổn thương. Mẹ và chị là hai người thân làm chỗ dựa cho tôi những khi tôi cảm thấy buồn rầu khủng hoảng vì một chuyện nào đó bất như ý.

Tâm hồn bơ vơ lạc lõng đó vẫn luôn mong muốn có một cái gì, dù là mong manh, xa xôi để mà bám víu. Tôi nhớ mỗi lần đi học đến trường ở gần cuối đường Trần Hưng Đạo sau này, nơi mà chiều chiều có năm ba thằng Tây tụ tập lại đánh Bun trên một cái sân đất rộng, thế nào tôi và thằng Bò, cũng phải đi qua căn nhà mà mẹ tôi từng có lần chỉ là nhà cậu Trình, em họ mẹ. Dù tôi chưa vô căn nhà đó bao giờ, nhưng khi biết là cậu Trình có hai người con gái cũng đi học như tôi thì bỗng nhiên tôi thấy vui, rồi mỗi khi đi ngang qua, tôi cũng cố ý dõi mắt dòm vào xem hai chị em Tâm Nghĩa có đi học chưa. Và mỗi lần nhìn thấy họ ở phía trước hay ngay cả đi xa xa phía sau là tôi lại cảm thấy như có cái gì an ủi và hãnh diện. Tôi nhìn thằng Bò và chỉ cho nó biết tôi có hai “người bà con” rồi lặng lẽ tự xóa bỏ cái mặc cảm của kẻ yếu thế, rồi tự nhủ rằng ừ thì mình cũng có người bà con ở tỉnh, cũng đi học ở tỉnh! Nỗi chua xót của một kẻ thua thiệt được xoa dịu phần nào giúp tôi đứng vững trong một năm dài của niềm cô độc. Đặc biệt có một lần cả lớp chúng tôi được cô giáo dẫn đi xem xiếc ở một cái hội trường lớn lắm, tôi không nhớ ở đâu trong cái thị trấn nhỏ xíu của tỉnh Quảng Trị. Lần đầu được đi xem xiếc, chúng tôi áo bỏ vô quần trông lịch sự còn hơn là đi học. Tôi may mắn được sắp xếp ngồi ngoài cùng có lối đi ở giữa và trong khi chờ đợi, tôi cứ đứng lên xoay người qua lại để dòm thiên hạ đi ra đi vào. Bỗng dưng thấy anh Tú người cùng làng đang học ở trường tỉnh nào đó đi vào cùng với những người bạn của anh. Khi anh đi ngang, tôi mừng quá, vội vàng kêu “Anh Tú” thì anh dừng lại nhìn tôi rồi đưa ra cho tôi một cái kẹo. Một cái kẹo cùng với cái xoa đầu mà anh dành cho tôi làm tôi sướng cả buổi chiều. Đây là lần đầu tiên mà tôi cảm thấy oai hơn thằng Bò, nhất là khi nó nhìn tôi mút kẹo với vẻ thèm thuồng lẫn tức tối. Mà nó càng tức thì tôi càng sướng. Dù lúc đó qua cái nhìn ngạc nhiên của anh Tú, tôi chắc chắn là anh chẳng biết tôi là thằng nhóc ở xứ nào, nhưng anh đã giúp tôi trả được mối thù tôi vẫn ấp ủ bấy lâu nay, nhờ vậy mà cả buổi chiều, hồn tôi cứ lâng lâng như đi trên mây, vui vẻ, cười đùa, vỗ tay, hò hét theo các màn biểu diễn. Không thèm nhìn đến thằng Bò một lần!

Trong căn nhà rộng thênh thang của ông Phủ, với 7 người sống lặng lẽ. Không kể những người lớn khác trong gia đình, như ông bà Phủ, anh Sỏ là con trai cả, Dì Hai là em họ của bà Phủ, hay chị Năm giúp việc, thì kẻ thứ tám là tôi chỉ tiếp xúc, chuyện trò, chơi bời với hai đứa nhỏ, thằng Bò nhỏ hơn tôi một tuổi, đi học hàng ngày cùng tôi, ngồi cùng bàn, cùng nhau vui đùa, khi thì hô-lô-manh, khi đi đá kiện, hay cùng nhau đổ xâm hường. Hay như con Thông tuy nhỏ hơn tôi ba tuổi, nhưng cũng có lúc chơi đùa cùng nhau. Vậy mà giữa tôi và chúng luôn có một khoảng cách, không, một sự xa cách không cách gì lấp đầy được. Sau này, khi đã khôn lớn hơn, đã là một học sinh đệ nhị cấp, đã là một cậu Tú, với một niềm tự tin cùng kiêu hãnh của một học sinh Nguyễn Hoàng, khi biết đến hai đứa cũng đang học chung một trường với mình, chúng lại ở lớp dưới, đáng lẽ tôi phải coi chúng như những đàn em. Nhưng không, tôi chỉ đứng xa xa, nhìn chúng vui đùa với bè bạn mà thèm khát được có cơ hội lại gần làm quen, được lôi những chuyện xưa cũ của những ngày còn thơ dại mà tâm sự với nhau, được làm thân thêm nữa, để có lúc được dễ dàng trở về thăm lại căn nhà xưa với không ít kỷ niệm. Vậy mà không, không có cách nào. Tôi đã bất lực. Tôi và chúng chỉ là hai đường tàu chạy song song, như những người chưa từng có một quá khứ, chưa từng ở dưới một căn nhà, chưa từng ăn cùng một mâm cơm, chưa từng ngồi bên nhau trong lớp học và cũng chưa từng nô đùa chạy nhảy reo hò.

Những hình ảnh của hai ông bà còn lưu lại trong tôi thì lại khá nghèo nàn. Chỉ là những ý niệm mơ hồ, mà trong đó sự tương đồng giữa họ là nét chính. Cùng có khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng trẻo, cùng có thân hình mập mạp và không được cao cho lắm nên thoạt nhìn đã thấy vẻ bệ vệ và sang cả từ họ. Mái tóc của hai người đều thưa và được chải ngược ra sau làm cho vầng trán cao hơn, trông sáng sủa và thông minh hơn. Hai ông bà thường ăn riêng ở nhà trên, chỉ trừ khi ông đi vắng thì bà mới xuống ăn chung với cả nhà ở nhà dưới. Cả năm học ở đó mà tôi không nhớ là có sự cãi vã nào giữa hai ông bà hay là sự to tiếng mắng chưởi của họ đối với con cái hay người làm. Với mặc cảm của kẻ ăn nhờ ở đậu cộng với bản tính nhút nhát làm cho tôi thấy khoảng cách giữa tôi với hai ông bà càng xa vời vợi, nhất là đối với ông. Chỉ có một lần mà tôi có thể đứng ngắm nhìn ông trong một giấc ngủ trưa khi cả nhà đã chìm vào vắng lặng, tôi được bà Phủ gọi dậy để quạt cho ông ngủ. Nhưng quan sát ông hoài cũng làm tôi chán nên đã ngủ gục đến nỗi rớt cái quạt xuống sàn nhà. Tiếng động hay cái nóng làm ông giật mình thức giấc, và bỗng nhiên ông đứng dậy đánh tôi một tát tai xính vính. Tôi nhìn ông hoảng sợ nhưng không khóc mà lặng lẽ tiếp tục làm nhiệm vụ của mình trong khi nước mắt đã chảy đầy khuôn mặt.

Ngoài một lần đó ra, cuộc sống của tôi cả năm còn lại cũng được coi như dễ chịu, vì các sinh hoạt hàng ngày tôi vẫn được săn sóc y như thằng Bò. Áo quần, sách vở giấy bút…hay khi đi sinh hoạt gia đình Phật tử, cùng diện một bộ đồ lam và một cái mũ scout còn mới như hắn. Nhớ có lần sinh hoạt ở chùa Tỉnh hội, nhân một lúc nghỉ ngơi, mấy thằng ra đứng bên hàng rào nhìn mấy anh lính cảnh vệ với áo sơ mi quần short và mũ ca- lô trên đầu, tất cả đều màu vàng nhạt, tay cầm cây súng gỗ tập đi oong -đơ trên cái sân rộng ở bên kia hàng rào. Chúng tôi cười đùa với nhau, rồi bàn luận, rồi chỉ trỏ cứ y như họ đang làm trò cười cho mấy thằng nhóc. Chẵng bằng chú Bình là người quen hay ghé nhà nói chuyện với ông Phủ. Anh mặc đồ trellis, mang đôi giày săng đá đi cộp cộp trên nền xi măng, đầu đội cái mũ bê rê màu xám, trông oai lắm. Một lần anh ra nhà với một tay băng bó bằng vải trắng và khoe với ông Phủ là anh vừa đi đánh lộn với mấy thằng Tây say rượu. Tuy anh bị thương nhưng chính đó đã cho tôi cảm giác anh là người hùng, dám đánh cả Tây. Thường những ngày lễ lớn của Pháp, nhà nhà ở Tỉnh phải đóng hết cửa ngỏ, vì tụi Tây say rượu đi nghênh ngang đầy đường, gặp ai cũng gây sự.

Cuộc sống của tôi cứ vậy êm đềm trôi qua cho đến những tháng cuối cùng của năm học thì hình như sự săn sóc đó cũng lơ là, mà điển hình là vào những ngày cuối năm, khi cả lớp, dĩ nhiên có thằng Bò, đã dùng cây bút tòa với bình mực tím thì tôi chỉ dùng cây viết chì ngắn ngủn mà thằng Bò hay anh Sỏ đã xài xong rồi vất lung tung trong mấy hộc tủ. Không ai quan tâm đến sự hiện diện của tôi ở trong nhà đến nỗi cuối cùng cô giáo phải gởi giấy về yêu cầu bà Phủ phải mua bút mực cho tôi. Thêm một chuyện rắc rối mà tôi vô tình gây ra đã làm mất cảm tình còn lại của mọi người. Vào một buổi sáng đẹp trời, nhà cầu bị hỏng, phải đóng lại chờ sửa chữa. Bỗng nhiên tôi bị đau bụng một cách bất thường. Có lẽ bị trúng độc. Tôi đang cần phải xả bầu tâm sự gấp, nhưng không có chỗ nào. Tôi một mình cứ thế quýnh quáng chạy ra đường Quang Trung, rẽ trái về phía quê tôi, rồi vừa chạy vừa ôm bụng cho đến khi có lối vào làng Thạch Hãn. Tôi núp giữa đám ruộng lúa để làm việc ấy. Khi cơn đau đã tạm ổn, đứng lên tôi mới thấy là tôi đã ị ra đầy quần. Chạy về đến nhà, tôi rón rén tránh mặt mọi người và cởi quần vất vào nhà cầu rồi tỉnh bơ đi ra như không có chuyện gì. Sau đó thì chị Năm nghe mùi hôi nên đi tìm và phát giác cái quần dính đầy cứt. Khi bị hỏi thì tôi nhận đó là quần của tôi. Thế là tôi bị chị mắng cho một trận rồi đem chuyện đó mách với cả nhà. Thế là việc gì đến thì phải đến khi hết niên khóa mẹ tôi phải ra đem tôi về với lời giải thích của bà Phủ: “Dì Hai phải về quê lấy chồng nên không có người săn sóc”.

Ôi, Vậy là tôi sung sướng biết bao khi được trở về với mẹ, với các anh chị, với các bạn bè của tôi ở trong xóm như thằng Quánh, thằng Quỳnh, và với cái không gian quen thuộc của tôi ở làng An Thái có lũy tre bao bọc quanh nhà để nghe tiếng xào xạc vào buổi trưa mùa gió Nam nắng hạ, có cái giếng với một lỗ to tròn do đạn Tây bắn ngay hàng chữ 1944 mà cha tôi đã cho khắc vào cái năm xây dựng. Dù vậy , nước ở đây trong và ngọt nên gần như buổi sáng nào đàn bà con gái cả làng đều quang gánh ra múc nước đem về. Tôi cũng được nhìn lại cái Bàu Lùa to rộng mà tôi hay đi thơ thẩn lên Cầu Côi để có dịp nhìn ngắm những bông hoa súng màu trắng điểm những chấm tím nhạt, nở trồi lên mặt nước, đẹp mong manh.

Vậy là tôi rời xa căn nhà đó mà không mang theo một chút luyến tiếc nào, nhưng ký ức vẫn đeo đẵng trong tôi cho đến tận ngày nay. Và sự hiện diện của những nhân vật trong đó cứ sống cùng tôi với nỗi khát khao được gặp, được nói chuyện để mong gợi lại những chuyện vui buồn của một thời đã qua. Nhưng lực bất tòng tâm vì giữa tôi và họ đã là một khoảng cách xa khơi ngàn trùng, về mặt địa lý và cả về tâm hồn. Những người lớn bây giờ đã ra người thiên cổ, nhưng thằng Bò, con Thông, giờ này đang ở đâu, có khi nào quá khứ còn chút dư âm về hình ảnh của một thằng bé nhà quê đã từng một thời chung sống?

Đào Dân

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search