T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Châu Thạch: TRĂNG TRONG THƠ NGÃ DU TỬ VÀ THÍCH TÍN THUẬN

    Ảnh (HKL)

Lội Dưới Đường Trăng

                    Ngã Du Tử

Chiều xuống vội phía hoàng hôn úp mặt
Ai treo mảnh trăng trên đầu non
Màu ánh sáng dịu kỳ vằng vặc
Bức tranh quê toát lên rực mảnh hồn
Tay nắm chặt nghe đêm nghìn lau lách
Lời trần tình loài dế giục trong đêm
Một tấc dạ cùng lòng son hiển hách
Biết nhân gian có thân ái nỗi niềm
Giữa quạnh vắng nghe muôn trùng im ỉm
Con đường quê hun hút đến vô cùng
Chân vẫn bước trong ân cần bóng ngả
Quan san ơi! Lòng đau đáu riêng chung
Vẫn quê mẹ, vẫn con đường mùi lúa
Thời gian trôi hương vị cứ ngọt ngào
Ai xa xứ nghe hương đồng mời gọi
Như tình ca, như tiếng mẹ ca dao
Chân vẫn bước dưới dòng trăng lênh láng
Nghe cơ hồ róc rách chảy hàng cây
Những ai đi đâu? – Ta về đây
Uống nỗi nhớ nghe ngọt ngào tim óc
Tiếng đạp xe của người chở rau lóc cóc
Nghe nhỏ dần lối ngược phía đường xa
Mím môi chặt cùng con đường thổn thức
Ai giàu sang, ai cùng khó một thời
Đêm yên ắng trăng rất gần với núi
Góc non sông ôm chẳng hết nửa đời
Trăng bình yên rọi ánh sáng nơi nơi
Và tiếng dế mơ màng trong nhạc điệu.

Ngã Du Tử

 

Xa Vắng

      Thích Tín Thuận


 Xa nhau rồi lối cũ chỉ vầng trăng
Lẻ loi chiếu giữa đẳng đằng diệu vợi
Không gian tĩnh mặc côn trùng nhạc trổi
Mây lững lờ kệ gió thổi về đâu
Xa nhau rồi mới thấu nỗi niềm đau
Hồn quánh lại ruổi tim nhàu băng giá
Câu tình nghĩa nhạt nhòa không bút tả
Ngấm giọt buồn dòng lệ đá trào lăn
Xa nhau rồi đêm vòi vọi bóng trăng
Giày lối dạ gót trầm thăng nỗi nhớ
Bao hờn tủi đắng lòng câu cách trở
Gió mây lồng bụi than thở đường xa
Xa nhau rồi nỗi nhớ chỉ mình ta
Men cay đắng cạn chén ngà say khướt
Thân khách lữ khoác sương làn ngũ trược
Gẫm nghĩa tình câu mất được vờn bay
Xa nhau rồi ai giận xót lòng ai
Trăng bóng lẻ vẫn đêm cài song khuyết……

Thích Tín Thuận

 

Lời bình:

Thích Tín Thuận là một nhà sư, ông tu hành ở một ngôi chùa tại Quảng Trị, Ngã Du Tử là một nhà thơ ở Sài Gòn, đã từng xuất bản tập thơ “Chơi Giữa Thường Hằng”. Đọc hai bài thơ nói về trăng của hai tác giả, cảm nhận đầu tiên của tôi là rất hay, cảm nhận thứ hai của tôi là nếu hai bài thơ nầy đặt gần nhau thì nó tá khách vào nhau, cho ta hưởng cảm xúc trọn vẹn về trăng trong đôi mắt thưởng ngoạn và trăng trong tâm tư nhân vật.

Đọc khổ thơ mở đầu “Lội Dưới Đường Trăng” của nhà thơ Ngã Du Tử, ta có ngay một mảnh trăng tuyệt đẹp làm xao động tâm hồn:

Chiều xuống vội phía hoàng hôn úp mặt
Ai treo mảnh trăng trên đầu non
Màu ánh sáng dịu kỳ vằng vặc
Bức tranh quê toát lên rực mảnh hồn

Ngược lại nếu đọc khổ thơ mở đầu “Xa Vắng” của thầy Thích Tín Thuận ta sẽ cảm nhận trăng có một vẻ đẹp buồn và lạc lõng:

Xa nhau rồi lối cũ chỉ vầng trăng
Lẻ loi chiếu giữa đẳng đằng diệu vợi
Không gian tĩnh mặc côn trùng nhạc trổi
Mây lững lờ kệ gió thổi về đâu

Chữ “mặc” trong câu thứ ba và chữ “kệ” trong câu thứ tư cho ta thấy tâm trạng buồn thể hiện trong cái nhìn của tác giả. Tất nhiên trăng trung tính, nó vẫn đẹp như chính nó, nhưng “Người buồn cảnh có vui đâu” khiến cho trăng của Thích Tín Thuận “lẻ loi”. Không gian và côn trùng, mây và gió của Thích Tín Thuận chỉ hòa hợp vì sự buông thả chớ không vì muốn đến cùng nhau.

Qua khổ thơ thứ hai của “Lội Dưới Đường Trăng” ta thấy nhà thơ Ngã Du Tử nhìn trăng với tất cả sự lạc quan của mình:

Tay nắm chặt nghe đêm nghìn lau lách
Lời trần tình loài dế giục trong đêm
Một tấc dạ cùng lòng son hiển hách
Biết nhân gian có thân ái nỗi niềm

Đêm trong tâm hồn Ngã Du Tử là tiếng reo ca của dế, như thổ lộ cho tấm lòng son sắt của nhà thơ. Câu thơ “Biết nhân gian có thân ái nỗi niềm” là một sự băn khoăn nhưng không đánh dấu hỏi, nghĩa là nhà thơ còn tin tưởng nhiều đến sự thân ái của nhân gian.

Đọc khổ thơ thứ hai của “Xa Vắng” ta thấy nhà thơ ThíchTín Thuận có cái nhìn bi quan hơn:

Xa nhau rồi mới thấu nỗi niềm đau
Hồn quánh lại ruổi tim nhàu băng giá
Câu tình nghĩa nhạt nhòa không bút tả
Ngấm giọt buồn dòng lệ đá trào lăn

Tất nhiên với tâm trạng như thế thì nhà thơ đâu còn nhìn trăng đẹp với đôi mắt thưởng thức nữa. Trăng tất nhiên vẫn luôn đẹp nhưng cái đẹp ấy đã đánh động tâm tư nhà thơ hướng về một kỷ niệm sống không tốt đẹp như trăng.

Với cái nhìn trăng hiện tại nhưng tâm tư nhớ về quá khứ, nhà thơ Thích Tín Thuận đi dưới trăng, bước trong trăng nhưng trong ông trăng như đang ở một miền xa diệu vợi:

Xa nhau rồi đêm vòi vọi bóng trăng
Giày lối dạ gót trầm thăng nỗi nhớ
Bao hờn tủi đắng lòng câu cách trở
Gió mây lồng bụi than thở đường xa

Thế nhưng, nhà thơ Ngã Du Tử thì ngược lại. Tác giả đi dưới trăng, bước trong trăng và thấy trăng của quá khứ nằm trong hiện tại:

Giữa quạnh vắng nghe muôn trùng im ỉm
Con đường quê hun hút đến vô cùng
Chân vẫn bước trong ân cần bóng ngả
Quan san ơi! Lòng đau đáu riêng chung

Vẫn quê mẹ, vẫn con đường mùi lúa
Thời gian trôi hương vị cứ ngọt ngào
Ai xa xứ nghe hương đồng mời gọi
Như tình ca, như tiếng mẹ ca dao

Từ bóng trăng hiện tại, nhà thơ Ngã Du Tử lạc quan đến cực độ khi thấy “Thời gian trôi hương vị vẫn ngọt ngào”, nghĩa là ông hưởng trọn vẹn hạnh phúc của quá khứ trong hiện tại.

Thế rồi bước qua những khổ thơ cuối, nhà thơ Ngã Du Tử tả trăng tràn ra khắp cùng vận vật, lai láng một màu sắc lung linh và êm ái một thứ tiếng động ngập làm bình an tâm khảm:

Chân vẫn bước dưới dòng trăng lênh láng
Nghe cơ hồ róc rách chảy hàng cây
Những ai đi đâu? – Ta về đây
Uống nỗi nhớ nghe ngọt ngào tim óc

Tiếng đạp xe của người chở rau lóc cóc
Nghe nhỏ dần lối ngược phía đường xa
Mím môi chặt cùng con đường thổn thức
Ai giàu sang, ai cùng khó một thời

Đêm yên ắng trăng rất gần với núi
Góc non sông ôm chẳng hết nửa đời
Trăng bình yên rọi ánh sáng nơi nơi
Và tiếng dế mơ màng trong nhạc điệu

Trong ánh trăng tuyệt vời đó, nhà thơ đã cho “Tiếng đạp xe của người chở rau lóc cóc/ Nghe nhỏ dần lối ngược phía đường xa” làm cho người đọc trong vô thức như thấy được thời gian trôi từ quá khứ, qua hiện tại, đến tương lại dội vào tâm hồn từng tiếng nhạc mê ly.

Khác với Ngã Du Tử, nhà thơ Thích Tín Thuận thấy mình cô đơn dưới trăng. Nhìn trăng nhà thơ thêm sâu nhiệm về cái thân ngũ trược của con người:

Xa nhau rồi nỗi nhớ chỉ mình ta
Men cay đắng cạn chén ngà say khướt
Thân khách lữ khoác sương làn ngũ trược
Gẫm nghĩa tình câu mất được vờn bay

Xa nhau rồi ai giận xót lòng ai
Trăng bóng lẻ vẫn đêm cài song khuyết……

Hai câu thơ cuối “Xa nhau rồi ai giận xót lòng ai/ Trăng bóng lẽ vẫn đêm cài song khuyết…” tưởng là một một tiếng than nhưng không phải, ở đây nhà thơ khẳng định một định luật sống giữa đời. Ai đã để xót lòng nhau thì đêm đêm trăng bóng lẻ sẽ cài song khuyết cho một hoặc cho cả hai người. Câu thơ “Men cay đắng cạn chén ngà say” đừng nên nghĩ men là rượu. Đối với nhà thơ, cay đắng cùng dìm hồn người say khướt. Sự khoái lạc trong suy tư về cái mất, cái đươc trong cuộc sống khi  hiểu được cũng là lúc ngộ ra chân lý. Lúc đó mọi sự vờn bay trong cái nhìn thiền quán của đôi mắt và thiền tịnh của tâm hồn.

Có người sẽ hỏi rằng, vì sao thơ của một nhà tu lại trăn trở nhiều hơn thơ của một thi nhân bình thường? Xin trả lời: cả hai là thi sĩ. Thi sĩ thì tâm hồn rung động theo con tim mình, theo biến chuyển của tâm trạng mình, theo thời gian khác nhau và hoàn cảnh khác nhau, miễn là sự rung động đó được diễn tả thật với lòng mình và xao xuyến lòng người thì được chấp nhận. Ở đây nhà thơ Ngã Du Tử đã viết một bài thơ trăng tuyệt vời, nhưng có lẽ trong niềm xao xuyến trước vẻđẹp của trăng, nhà thơ quên đi thế sự. Ngược lại nhà thơ Thích Tín Thuận nhìn trăng một mình, ông quay lại với xúc cảm thật của một thi nhân, và đáng trân trọng thay những lời thơ không bị trói buộc bởi những câu nệ tầm thương, mà vụt bay lên, vọng tiếng buồn trong trăng nhưng vẫn thanh bai, trong sáng vô biên, quyến luyến hồn người khi đọc nó.

Cả hai bài thơ nếu để cạnh nhau mà đọc, đọc bài nầy trước, đọc bài kia sau và ngược lại, ta sẽ thấy mọi vẻ đẹp của trăng trong ngóc ngách tâm hồn con người. Ta sẽ hiểu nhà thơ không cần phải bó buộc cảm xúc mình gò bó trong bất cứ điều gì, cũng từ đó ta yêu và để sự tự do cho người sáng tác văn chương./.

Châu Thạch 

 

©T.Vấn 2018

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search