T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Bùi Bích Hà: Đọc “Bâng Khuâng” của nhà văn Ngọc Cường

(Dưới đây là bài nói chuyện của nhà văn Bùi Bích Hà trong buổi RMS tác phẩm “Bâng Khuâng’ của Ngọc Cường tại trụ sở hội Việt Nam Tương Tế, Nam California, ngày 9 tháng 12 năm 2018)

 Như hầu hết quý vị có thể đã biết, tôi đọc tác giả Bâng Khuâng từ ngày ông còn là một cậu bé chưa tới 10 tuổi, viết những đoản văn thật ngắn về những điều tỉ mẩn xảy ra trong cuộc sống đời thường hàng ngày.

Kể từ kỷ niệm xa xôi ấy, đến nay đã hơn nửa thế kỷ, tôi thực sự không còn nhớ chi tiết của bài viết ký tên Tường Cường, chỉ chiếm chừng nửa trang giấy khổ nhỏ của tờ Văn Hóa Ngày Nay, bộ mới, dưới sự chăm sóc của cố văn hào Nhất Linh. Tuy nhiên, ấn tượng sâu đậm về một Con Muỗi bị kẹt trong cái màn buông trên giường ngủ của cậu bé tác giả, ở lại rất lâu, rõ nét, trong trí nhớ tôi.

Mãi tới năm 2014, khi tác giả từ Ohio về quận Cam ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Bèo Giạt, ông có nhã ý mời tôi nói ít lời về cuốn sách trong lần gặp mặt đầu tiên ấy, nghe tôi vui mừng nhắc chuyện cũ mà ông không hề hay biết, cũng không nhớ chính ông là tác giả đoản văn tôi đang nói đến, nên ông ngạc nhiên và bối rối ra mặt. Phần tôi, cũng bối rối không kém dù không chút ngờ vực về trí nhớ của mình. May mà ông là nhân vật có thật, đang ngồi trước mặt tôi, có tác phẩm trình làng, từng ký bút hiệu Tường Cường nay thay đổi chữ lót, trở thành Ngọc Cường để ghi nhớ tên cô con gái đầu lòng đã mất thời ông chinh chiến xa nhà. May hơn nữa là ông nhận có viết lách ngày còn bé vì không biết làm gì thời thơ ấu lang thang nhàn rỗi ấy, chỉ không nhớ chuyện Con Muỗi.

Sở dĩ tôi mạn phép lan man như thế chỉ để đi tới kết luận là sau ngần ấy năm tháng tích lũy những gì ông  tha thiết cưu mang, cần viết ra, tác giả Ngọc Cường của đầu thế kỷ 21 trong bối cảnh một nước Mỹ to lớn, quyền lực, hung hãn, phức tạp, vẫn y nguyên là Tường Cường của một thời trẻ dại, sớm mồ côi mẹ, trôi nổi giữa thành phố Saigon không có nơi an trú yên ấm cho thể tánh mỏng manh và đa cảm của cậu. Do bản năng sinh tồn hay do thiên khiếu sớm sủa báo trước văn tài, cậu bé Cường đi tìm nơi ẩn náu trong đám đông sinh vật hiện hữu xung quanh bằng cách chú tâm quan sát cuộc sống của những sinh vật nào cậu có cơ hội tiếp cận, bắt đầu bằng Con Muỗi. Cùng với tuổi đời, khung trời tuổi nhỏ của cậu ngày càng mở rộng. Hết quan sát và vui chơi thân thiện với loài vật, cậu hướng đến con người, vô hình chung, tạo ra một trường phái sáng tác riêng biệt.

Tôi gặp lại Tường Cường của thập niên 50 thế kỷ 20, sau rất nhiều phong ba, bão tố xảy đến cho Việt Nam ở một thời khoảng lịch sử nhiều biến động, thế nhưng tưởng chừng tác giả Con Muỗi vẫn y nguyên là ông với đôi mắt điềm tĩnh nhìn đời như một thiền sư an nhiên trước sự an bài không tránh khỏi của duyên nghiệp tiền định.

Cảm giác lập tức của độc giả khi đọc Bèo Giạt, như tôi đã chia sẻ trong lần ra mắt tập truyện cách nay bốn năm, là sự tẻ nhạt. Tựa như khi chúng ta xem một cuộn phim không có nhiều tình tiết hư cấu gay cấn, không có cả sự phóng tay làm ra số phận của các nhân vật theo ý riêng mà chỉ là một chuỗi nối kết những gì xảy ra cho các nhân vật của ông trong đời thường, được ghi lại bằng ống kính của một nhiếp ảnh gia nhìn thấu suốt sự bất lực của kiếp người. Cho tới nay, có lẽ không có nhiều tác giả có được sự khép mình để chấp nhận, để có cách nhìn khiêm nhượng nếu không nói là hàng phục của Ngọc Cường. Bên trong, bên dưới cảm giác nhạt nhẽo, nhàm chán, còn một cảm giác bi thương ít ai chịu nhìn nhận, mà, cho dù nhìn nhận hay không, nỗi bi thương vẫn đè nặng lên mỗi phận người. Tuyệt đối trung thành, một cách tỉ mỉ trong mỗi ghi nhận, ông cũng dùng đúng thứ ngôn ngữ tuyệt đối giản dị trao đổi hàng ngày giữa các nhân vật ông chọn đưa vào sổ thiên tào. Để tuyệt đối là một người kể chuyện đứng ngoài, ông giấu nhẹm mình, không chịu trách nhiệm về những vui /buồn hay may/rủi mà các nhân vật ấy phải nhận lãnh, trong đó có bản thân ông cũng cố lờ đi buồn/vui, may/rủi của chính mình.

Có một lý thuyết được công nhận rộng rãi, kể cả với nhà văn Ngọc Cường, rằng chính khán giả, độc giả của mọi công trình trước tác hay sáng tác được hình thành bởi các tác giả có tác phẩm, mới là những người thực sự kết thúc các tác phẩm ấy, cho chúng một linh hồn, một dung mạo và một ý nghĩa. Đọc Bèo Giạt, đọc Hệ Lụy hay đọc Bâng Khuâng của Ngọc Cường là trường hợp điển hình cho lý thuyết này.

Câu chuyện nào của ông cũng lơ lửng tầng mây, là những bức ảnh khoanh lại một mảng thời gian không đầu, không đuôi, như thể ai rồi cũng chỉ có một quãng đời để sống, với gặp gỡ rồi biệt ly ở nơi đến và nơi đi, bằng tiếng cười thoảng qua, bằng tiếng khóc ở lại, không bao giờ biết rõ xuất xứ cũng như chung cuộc của sự xuất hiện những khoảng khắc vô nghĩa ấy.

Hơn nửa thế kỷ viết trong cưu mang lặng lẽ hay viết xuống những mặt giấy lạnh lẽo, Ngọc Cường tạo ra một trường phái của riêng ông qua ngót nghét gần ngàn trang sách phản chiếu một nhân sinh quan nhất quán xuyên suốt ba tác phẩm tuần tự góp mặt trên văn đàn hải ngoại mỗi hai năm một cuốn, 2014, 2016 và 2018. Bày tỏ trong lời mở ở phần đầu cuốn Bâng Khuâng quý vị đang có trong tay, tác giả chia sẻ: “Do ngôn ngữ và chữ viết có giới hạn khi diễn tả hay tiếp nhận tư tưởng cùng cảm xúc nên không ai có thể tường tận hết được người viết muốn nói gì. Phật đã cảnh cáo các môn sinh trong câu “Như Lai xưa nay chưa nói lên điều gì cả.”

Ông ở trong và cũng ở ngoài tác phẩm. Ông viết để chữ nghĩa cất lên tiếng nói của chúng. Y như chúng ta ai cũng có một cuộc đời mà mình không thực sự làm chủ, tưởng là có hóa ra không, muốn thế này, nó ra thế nọ. Ngẫm cho cùng, nỗi bi ai đeo đẳng con người, kim cương hay châu ngọc long lanh có khác gì hàng mã? Biết vậy nhưng con người hết đời này qua đời khác, vẫn phải gánh vác thánh giá và chặng đường khổ ải trong nhọc nhằn vinh quang này, sau cùng, được giải thích bằng nước mắt yêu thương của Mẹ hiền Maria hay của Phật Bà Quán Thế Âm luôn đổ xuống thân phận con cái các bà như một cứu rỗi. Ngọc Cường ca ngợi tình yêu/tình thương, thấy trong đó sự an ủi: “Dường như ở làng Jaux hẻo lánh hay bất cứ nơi xa xôi nào khắp thế giới, một khi có tình yêu gia đình và tình thân của bạn bè, nơi đó có niềm vui và hy vọng.”  (Lưu Vong, tr. 94) “Phải chăng tình yêu chỉ có ý nghĩa khi làm cho con người trở nên tốt đẹp hơn?” (Yêu và Hận, tr. 46) Độc giả sẽ gặp những câu trích dẫn tương tự rải rác ở nhiều nơi khác trong cả 3 tập truyện của NC.

Để minh họa những lời liều lĩnh vượt cả khuyên răn của Như Lai trong phần bày tỏ hôm nay, tôi xin mượn ba truyện kể của tác giả NC trong tập Bâng Khuâng, được chọn ra do chính tác giả, một văn hữu cùng họ tộc Nguyễn Tường và một người đọc phái nữ, là các truyện Long và Thủy (tr. 13) Lưu Vong  (tr. 79) và Mối Chân Tình (tr. 95) để giới thiệu cùng quý vị.

I.- Truyện Long và Thủy, ngay đầu sách, mô tả một đôi tình nhân thời loạn ly, đang trong tình cảnh sắp phải chia tay bên ngoài cổng phi trường. Long sẽ trở lại đơn vị với cuộc sống đầy bất trắc của người lính xưa nay chinh chiến mấy ai về? Thủy từ đây sẽ không còn là cô sinh viên vô tư đi bên lề vận mệnh đất nước như bao lâu trước mà bắt đầu biết lo âu thế sự. Thế nhưng trong giây phút chập chùng biệt ly ấy, cả hai “vẫn đứng yên một chỗ, không biết nói gì với nhau.” Nàng thì liên tưởng tới một cảnh trong phim Một Thời Để Yêu & Một Thời Để Chết, khi người lính Đức còn trẻ bị bắn gục, trên tay còn nắm lá thư của người tình hậu phương báo tin nàng có thai, tỉnh bơ như chuyện của ai khác, liên tưởng nhưng không nghĩ chuyện liên quan tới chính mình cũng đang trong cảnh ngộ kẻ hậu phương, người tiền tuyến y hệt các nhân vật trong phim. Ngồi trong quán nước, họ tính nhẩm cả chuyện ai sẽ trả tiền món giải khát và khi Thủy “đưa cho Long ly rau má, chàng lắc đầu, nàng bèn uống một lèo hết ly.” (Tr. 22.)

Kể lại nguồn gốc cuộc tình, Thủy cho biết: “Hôm đó không phải là lần đầu hai người gặp nhau nhưng lại là thời điểm bỗng dưng nàng biết chắc chắn mình đã yêu, rõ ràng như định mệnh đã an bài.” Nghĩ về tương lai cuộc tình, Thủy chia sẻ dự tính chắc mà cũng không chắc của một cô dâu ngày cưới, lấy chồng thời chiến chinh: “Em sẽ đi dạy học, tiện thời gian lo việc nhà cửa, con cái nhưng đó chỉ là giấc mơ xa vời trước hoàn cảnh bấp bênh của Long.” Rồi nàng thấy tủi thân, bất lực, như bị một guồng máy khổng lồ nghiền nát mình.” (Tr.20) Rồi nàng nhận ra “cuộc đời của họ – gồm 4 người, hai chị em Thủy và Hà, hai người bạn Long và Châu- đều mong manh, bất định, như đám mây lơ lửng trên đầu đôi tình nhân trưa nay không biết sẽ trôi về đâu? (Tr. 20) Truyện kết thúc bằng câu hỏi vẩn vơ không có lời giải đáp của Châu lúc Saigon sắp mất và Châu sắp ra đi không có Hà theo: “Cớ sao người bạn thân thiết nhất của mình (là Long) lại có thể là người lính cuối cùng gục ngã cho cuộc chiến?” Không chỉ Long không có mặt, cả Châu cũng mơ hồ như chiếc bóng bên đường của ai khác vào giây phút hạ màn bi thảm trong vở kịch của họ.

Truyện “Long và Thủy” đóng lại bằng cảnh hai người lính già vô danh lạc lõng trong một tiệc cưới tràn trề bia rượu và tiếng nói cười huyên náo ở Bắc Cali. Họ nhắc tới Long và Thủy như chút kỷ niệm đã xa mờ trên dòng thời gian phôi pha.

II.- Truyện Lưu Vong, tr. 81, xoay quanh bữa ăn tối do vợ chồng Lan và Thọ thết đãi vợ chồng Oanh và Dũng tại nhà. Thọ là bác sĩ, chẳng biết duyên nghiệp bởi đâu, đã định cư ở Jaux, một ngôi làng nhỏ, cách Paris 60 cây số hướng Bắc. Chồng hành nghề thầy thuốc, vợ cặm cụi đi làm công chức cho thành phố mấy chục năm, họ xây được một dinh cơ đồ sộ bốn tầng lầu ở ven làng và sống sung túc. Bữa ăn tối tuy đãi bạn các món quốc hồn quốc túy, rau muống luộc đánh dấm cà chua, cá nục kho song vẫn theo lối Tây, uống rượu khai vị và tráng miệng bằng bánh hạnh nhân. Dũng vốn không ưa Thọ vì sự cách biệt giai cấp xã hội nên dù Thọ cầu thân, Dũng vẫn không muốn gần gũi nhiều. Chàng muốn vợ từ chối lời mời nhưng rồi vốn quen để vợ quyết định, chàng lại theo đi. Ăn xong, thấy nụ cười đắc ý trên môi Lan, hãnh diện vì bữa cơm ngon, thấy Thọ xoa bụng trong một cử chỉ thỏa thuê, khoe đã bảo được vợ phải đi chợ Tăng Frères để mua thức ăn hiếm quý mời bạn nhưng Dũng không bận tâm nữa mà thoải mái thưởng thức cái ghế bành đặt cạnh lò sưởi, hơi ấm lửa củi nhà Thọ dễ chịu hơn hẳn cái máy sưởi cũ kỹ nhà mình, thậm chí“cảm giác êm ái như đang được sống dưới mái ấm gia đình.” Hai vợ chồng đã hẹn nhau phải ra về cho kịp chuyến xe lửa cuối rời làng lúc 11 giờ đêm nhưng rồi họ để cho nhiều sự tình cờ lôi cuốn và cuối cùng ở lại không chỉ qua đêm mà cả ngày hôm sau nữa. Quan trọng hơn, thông qua cảm nghĩ đổi thay trong bản thân, Dũng nhận ra dáng vẻ ung dung, phong lưu quý phái của vợ chồng chủ nhà thật ra cũng đáng yêu, chỉ chính mình đáng trách vì đã xét người hời hợt. Biên giới giữa đáng yêu và đáng trách có thật mỏng manh, dễ xóa nhòa như thế không hay đấy là sự thỏa hiệp để mà sống, kiểu Bài không tên số 6 của Vũ Thành An, “Hãy cố yêu người mà sống, lâu rồi đời người cũng qua? Còn gì tội nghiệp hơn thế cho một kiếp nhân sinh? Sau cùng, nhân vật Mụ Hường trong cùng truyện khiến Dũng khám phá ra ý nghĩa sâu xa hơn của hai chữ Lưu Vong, là mất quê hương và cũng mất chính mình, vong quốc hay vong thân như bóng với hình.

III.- Trong truyện Mối Chân Tình, tr. 95, tác giả mô tả cảnh đời khó nghèo của đôi vợ chồng Lan và Thân từ khi còn ở trong nước và trước nữa, khi họ còn là hai thành viên trong một nhóm nhỏ sinh hoạt Phật sự, lấy nhau trong mơ hồ, không biết do tình yêu hay chỉ là tình bạn mà chỉ “với một nội dung đơn giản là một khi đã là bạn với nhau, họ sẽ là bạn suốt đời như dấu ấn in đậm nét lên trang giấy trắng” (tr.102) Biến cố 30/4/75 xảy ra, Thân mang cấp bậc trung úy, chỉ huy một đại đội cố thủ ở Phước Tuy, không bỏ chạy theo Tiểu đoàn trưởng đã đào ngũ mà hô hào binh sĩ thuộc quyền bắn hạ cả xe tăng T54 của địch để rồi kẹt lại và phải trình diện vào trại cải tạo. Lan một mình lăn lóc, bươn chải chợ Trời nuôi hai đứa con dại và chồng tù tội vắng nhà. Nhiều đêm trên căn gác nhỏ, nhìn con thơ say ngủ, Lan vừa ứa nước mắt thương thân vừa hãnh diện không biết bằng cách nào mà mình có thể chu toàn cả hai vai trò làm mẹ và làm vợ tù như thế? Các nhân vật của Ngọc Cường sống lam lũ, vất vả, đếm từng giọt mồ hôi, nước mắt để sinh tồn nhưng luôn với tâm thế bơ vơ, lạc lõng, như những chiếc lá bị gió cuốn đi.

Thân trả nợ cải tạo xong, thời cuộc đưa đẩy cả gia đình qua Mỹ định cư. Hai vợ chồng, hai đứa con hội nhập khó khăn vào xã hội mới. Ngoài công việc của một nhân viên gác đêm để kiếm sống, Thân tìm khuây khỏa bằng cách lên chùa làm công quả để chỉ thấy cảnh chùa và cảnh Bolsa cũng na ná như nhau song chàng không có lựa chọn nào khác. Ngoài đi chùa, khi có cơ hội, Thân mời bạn bè tới nhà nhậu nhẹt, nhắc chuyện ngày xưa. Đứa con gái lớn lên, lấy chồng, sinh con đẻ cái và sống làng nhàng qua ngày với công việc của một cô thợ móng tay. Đứa con trai ham chơi, lang bạt, không chịu học hành, không chịu đùm đề vợ con như con cái nhà khác cho cha mẹ có cháu nội bế bồng. Thân giận lắm nhưng vẫn không từ bỏ được con. Lan vừa tạm ổn định cuộc sống thì biết là mình bị ung thư, phải làm hóa trị. Nghe chồng mời bạn tới nhà, chị phàn nàn “Tôi mệt quá mà anh còn kiếm thêm việc, tôi không dọn dẹp được đâu đấy, uống vừa vừa thôi, đừng để say quá rồi nói năng bậy bạ.” Nói là nói thế nhưng chập sau, chính Lan lại đề nghị chồng mời thêm bạn và tự nguyện móc túi đưa thêm tiển để chồng chợ búa, mua thêm rượu và thức ăn. Cứ như họ là những quân cờ dưới bàn tay của một kỳ vương đầy quyền năng và có lòng tốt đáng tin cậy như tác giả nhận định (tr. 105) Câu chuyện cứ thế mà kéo lê thê qua 14 trang giấy, mô tả cuộc sống của một tập thể nhỏ người Việt di tản quần cư ở tiểu bang California có đông người Việt nhất, cách sống, cách ứng xử của họ với nhau và với cảnh ngộ bất ưng, những buồn vui họ trải qua, nhiều tâm sự giống nhau và khác nhau tùy thuộc những thành công hay thất bại trong nỗ lực riêng; chuyện cha mẹ trong hai gia đình cố cựu đành quên ước hẹn hôn nhân cho con cái trong nỗi ngại ngùng vì địa vị xã hội nay quá chênh lệch; chuyện đi hay không đi biểu tình như một cách bày tỏ lập trường chống cọng vì tuy lập trường chỉ có một nhưng động cơ và quan điểm thể hiện không nhất quán từ góc nhìn của mỗi người; chuyện một ông đại tá như đại bàng gãy cánh trong tháng tư đen, chịu hàng phục nghịch cảnh để trở thành cai tù đối với anh em cùng trại giam, sớm tối tả tơi quát tháo anh em y như một nhân vật phường tuồng để rồi qua đây, chui nhủi vì hổ thẹn và cuối cùng xuống tóc đi tu; chuyện khi qua đời, có những cựu chiến binh quân lực VNCH lưu vong trối trăn xin đừng phủ cờ trên quan tài vì họ đã không có cái vinh dự hy sinh ngoài chiến trường..vv..

Cứ thế, cứ thế, chi tiết, tỉ mẩn, kiên tâm, Ngọc Cường ôm hết cuộc sống trong vòng tay, chăm chút, thương yêu quan sát, ghi chép. Không có gì lớn lao cả nhưng đó là những mảnh đời có thật dưới ánh mặt trời, những buồng phổi người đã cố gắng thở, những trái tim người đã cố gắng đập và sẽ không bao giờ được biết đến như những trang ngoại sử mà chính sử sẽ thiếu sót nếu không có ai thấy mình ở trong và ghi chép lại. Người chiến sĩ vô danh hy sinh trên mặt trận súng đạn được tri ân với đài tưởng niệm, được ghi công và tuyên dương bằng sử sách; người thường dân vô danh chết trên mặt trận sinh tồn của nhân loại không có lúc nào ngưng nghỉ cũng cần được quan hoài vì những đóng góp của họ để xây dựng xã hội. Đọc Ngọc Cường để có những giây phút thấm ngấm phận người và phận mình, là phiên bản của nhau trên dòng sinh mệnh vô tận chung, may ra chúng ta sẽ dễ dàng đến với nhau và xót thương nhau hơn, sẽ cùng nhau hoàn chỉnh bản nháp CON NGƯỜI, tác phẩm đầu tiên của Thượng Đế, một cách có ý nghĩa hơn .

Mạo muội chia sẻ vài nhận định thô thiển với ít nhiêu chủ quan của tôi hôm nay về tác phẩm thứ 3, Bâng Khuâng, của nhà văn Ngọc Cường, kính mong quý vị và tác giả lượng thứ mọi suy diễn hạn hẹp, sai sót chắc chắn phải có của chúng tôi, xin quý vị mỗi người hãy cầm một cuốn Bâng Khuâng về nhà, đọc để tự mình đón nhận những gửi gấm tâm huyết và chân tình của tác giả, để qua đó, thấy cuộc đời như giòng sông, chỗ sâu chỗ cạn nhưng luôn chan chứa sức sống bền bỉ của nhân loại, trong đó, mỗi chúng ta được vinh hạnh thấy có mình dự phần.

Bùi Bích Hà

Nhà văn Ngọc Cường và bạn hữu trong buổi RMS

Bài Mới Nhất
Search