T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 175)

 

clip_image002

Trích…Tập làm văn

Đề: Tả công viên.

Gần nhà em có một cái công viên. Buổi sáng hay có các cụ già đi bộ tập thể dục. Buổi trưa hay có các bác xe ôm đỗ xe ngủ. Buổi tối hay có các cô chú ngồi ôm nhau.

Phố cổ Hội An

Sau đó tại Nhật, Mạc phủ Tokugawa thực hiện việc “cấm đạo”. Ngoài ra do sợ bị các nước phương Tây xâm lược nên Nhật “bế quan toả cảng”. Năm 1636,  Mạc phủ ban hành sắc lệnh cấm người Nhật không được ra nước ngoài buôn bán.

Hầu hết các gia đình người Nhật, kể cả vợ chồng Sataro (con rể của chúa Nguyễn Phước Nguyên) đã phải về Nhật. Số người Nhật giảm dần do tại Hội An trong thời gian năm 1664 – 1665. Đến năm 1695, chỉ còn 4, 5 gia đình người Nhật xin chúa Nguyễn cho phép cư trú vĩnh viễn ở Hội An.

Ngoài Chùa Cầu, các di tích khác còn nguyên vẹn tượng trưng cho sự có mặt và mối quan hệ Việt – Nhật. Di tích còn lại là những ngôi mộ cổ đã xác định là của người Nhật vẫn còn nguyên vẹn ở Hội An. Vào năm 1928, một người Nhật tên là Hắc Thắng Mỹ đến xác nhận bốn ngôi mộ của người Nhật và lập bia lưu niệm. (Trong khi, ở Campuchea, Philippine, người Nhật bị xua đuổi, mồ mả người Nhật tại các đô thị cổ ấy bị xâm pham thì ở Hội An vẫn còn nguyên, thậm chí còn được chăm sóc, cúng viếng đầy đủ).

Có thể nói rằng Hội An là vùng đất có lịch sử rất dày,

(Đặng Thị Hường – Mối quan hệ Việt-Nhật ở phố cổ Hội An)

Ðặt tên con!

(trích lục lại)

Tục xưa, tên xấu thì dễ nuôi.
Nhà nọ có 3 người con trai được đặt tên là Cút, Cu và Ðớp.

Một hôm, ông bố đi vắng thì có ông bạn đến chơi. Người vợ thay mặt chồng tiếp đón ân cân, người bạn cũng vui lắm.
Ðến bữa än, người vợ bảo thằng út :
– Dọn cơm cho bác, Ðớp!
Người bạn hơi phật lòng, ăn qua loa vài chén rồi đứng dậy.

Người vợ bảo đứa thứ hai :
– Múc nước cho bác rửa, Cu!
Lần này ông bạn giận tím mặt, liền chào ra về.

Người vợ ngỡ ra, không hiểu làm sao cả, bảo thằng con lớn:
– Dắt xe cho bác, Cút!

Những cái cũ & xưa nhất của Saigon

Đường sắt đầu tiên

clip_image004

Tuyến đường sắt đầu tiên ở nước ta là đoạn đừơng sắt Sài Gòn–Mỹ Tho dài 71km, xây dựng năm 1881. Ga chính trước chợ Bến Thành, văn phòng đường sắt là tòa nhà 2 tầng chiếm cả khu đất bao bọc bởi 3 đường Hàm Nghi–Huỳnh Thúc Kháng–Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nay là Xí nghiệp Liên hợp đường sắt khu vực 3. Xe lửa chạy bằng máy hơi nước phải dùng than củi đốt nồi súp-de nên xe chạy khá chậm. Vì không cạnh tranh nổi với xe đò trong việc chuyên chở hàng hóa và hành khách, đường xe lửa Sài Gòn–Mỹ Tho ngưng hoạt động từ lâu. Sau năm 1975, Ga xe lửa Sài Gòn được dời về Ga Hoà Hưng. Trên nền Ga Sài Gòn cũ ngày 8/8/1998, khởi công xây dựng Trung Tâm Văn Hoá Thương Mại Sài Gòn.

Phong Hóa và Ngày Nay đình bản

Trở lại tòa báo Phong Hóa, mọi việc không được xuôi chèo mát mái như mong muốn. Ngày 31/05/1935 báo Phong Hóa đã bị Thống sứ Bắc Kỳ đình bản ba tháng. Và hơn một năm sau, sau số 190, ngày 5/6/1936, Phong Hóa bị rút giấy phép, đóng cửa hẳn.
Đoán biết sẽ có ngày Phong Hóa bị chết, Nhất Linh đã xin phép ra một tờ báo dự trữ thứ hai, do Nguyễn Tường Cẩm, anh của ông, một công chức, đứng tên. Đó là tờ báo Ngày Nay hiền lành, chỉ chuyên về mỹ thuật, văn chương. Báo NN số 1 phát hành ngày 31/01/1935 (lúc đầu mỗi tháng ra 3 số, và báo cũng không xuất bản thường xuyên). Khi Phong Hóa bị đóng cửa, toàn thể ban biên tập quay ra làm việc cho Ngày Nay, dần dần xây dựng cho tờ báo mới phong độ của Phong Hóa cũ. Thật ra Tự Lực Văn Đoàn đã xây dựng cả hai báo, đã hiện đại hóa về cơ bản cách diễn đạt và đặc biệt văn phong Việt Nam.

Báo Ngày Nay ra tất cả được 224 số, không còn báo Ngày Nay, Tự Lực Văn Đoàn chỉ còn nhà in, nhà xuất bản Đời Nay, hoạt động cầm chừng, tiếp tục in sách, thơ, tiểu thuyết… Một vài cố gắng của Thạch Lam và Khái Hưng ra báo Chủ Nhật, rồi cũng sớm bị rút giấy phép. Nhất Linh thoát ra hải ngoại… Năm 1942, Thạch Lam mất vì bệnh lao. Năm trước đó, tại Hà Nội, Hoàng Đạo, Khái Hưng và Nguyễn Gia Trí, bị Pháp bắt, mấy tháng sau bị đưa lên Vụ Bản Hòa Bình, 1941-1943. Hoàng Đạo và Nguyễn Gia Trí bị tra tấn tàn nhẫn. Sau đó, Pháp đưa Nguyễn Gia Trí đi an trí ở Thủ Đầu Một. Hoàng Đạo an trí ở Hà Nội.

Năm 1945, một số thành viên cũ như Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ. Thanh Tịnh, Nguyễn Tường Bách… tụ tập lại, cho ra tờ Ngày Nay Kỷ Nguyên Mới, được 16 số thì đình bản, ngày 18/ 8/ 1945, hiện nay không tìm thấy, chúng ta tạm coi như Ngày Nay số 224, là số cuối của Tự Lực Văn Đoàn.

1946 văn đoàn Tự Lực sau 12 năm, tự giải tán.
Nhìn kho tàng văn học vô cùng đồ sộ của các vị tiền nhân nằm yên trong tủ sách bao nhiêu năm nay, nhiều người trong chúng tôi đã có ước mơ: “Làm một điều gì đó”

(Phạm Thảo Nguyên – Giới thiệu Phong Hóa-Ngày Nay)

Chơi chữ

Chơi chữ là các hiện tượng đồng âm, đa nghĩa,… trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng bóng gió, châm biếm trong lời nói, trong đó ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cách,.. nhằm đem lại những liên tưởng bất ngờ, ly thú.
Tương truyền, Trần Tế Xương có câu đối “tập cổ”:
Vấn chinh phu dĩ tiền lộ;
Vọng mĩ nhân hề nhất phương.
Vế đầu là một câu trong bài “Quy khứ lai từ” của Đào Tiềm (có nghĩa: hỏi thăm đường người đi đánh giặc); vế sau là một câu trong bài “Tiền Xích Bích phú” của Tô Đông Pha (có nghĩa: nay người đẹp ở phương nao). Ghép lại, chúng tạo nên một ngữ cảnh riêng (nhân vật, không gian, thời gian,… đều khác với tác phẩm chứa chúng trước đó), có người nói là nhà thơ đã thể hiện nỗi ước mong có người anh hùng xuất hiện để cứu nước đang bị họa thực dân (5).

(Chơi chữ là gì? – Triều Nguyễn)

Văn học cổ (1)

Các nhà nghiên cứu văn học xếp văn học cổ Việt Nam thành ba loại: văn chương bác học, văn chương vừa bác học vừa bình dân và văn chương bình dân.

Văn chương bác học là loại văn chương viết bằng chữ Hán, dành cho những người có học. Văn chương vừa bác học vừa bình dân là loại văn chương viết bằng chữ nôm, một thứ chữ dùng chữ Hán ghép lại nhưng phát âm tiếng Việt nên khi đọc lên người bình dân cũng có thể hiểu được sơ sơ. Văn chương bình dân là loại văn chương phát xuất từ giới bình dân ít học, đó là những câu ca dao, tục ngữ và truyện cổ.

Văn chương bác học do những nhà khoa bảng sáng tác dành cho những người giỏi Hán văn, ít ra cũng phải qua “thập niên đăng hỏa” hoặc những người đã đỗ đạt. Chẳng hạn như Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn…và những bài thơ chữ Hán của các nhà Nho. Ngay cả những bài văn nổi tiếng như Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, Văn Tế Trận Vong Tướng Sĩ của Nguyễn Văn Thành là những bài văn cần được phổ biến trong dân gian cũng viết bằng chữ Hán.

Văn chương vừa bác học vừa bình dân là loại văn chương viết bằng chữ nôm, một thứ chữ còn khó hơn chữ Hán, vì muốn đọc được, phải thông thạo Hán văn trước đã. Vì thế, loại văn chương này cũng do các nhà Nho khoa bảng sáng tác. Người ta thấy nhiều tác phẩm nổi tiếng, như: Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Nhị Độ Mai (hiện chưa tìm ra tác giả nên vẫn tạm ghi là Khuyết danh hay Vô danh), Bích Câu Kỳ Ngộ của Vũ Quốc Trân, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu…và nhiều thơ, phú. Loại văn chương này người bình dân cũng không đọc được, nhưng nghe thì hiểu đại khái. Hiểu đại khái vì lời văn có nhiều điển cố phải có người giảng thì mới hiểu hết được.

Văn chương bình dân là loại văn chương truyền miệng của giới bình dân, ít học, như ca dao, tục ngữ, truyện cổ (mà chúng ta thường gọi là truyện cổ tích). Sau này văn chương bình dân mới được ghi chép lên giấy tờ, sách vở. Văn chương bình dân là loại văn chương không chịu ảnh hưởng của Hán học nên không có nhiều dấu vết vay mượn như hai loại văn chương bác học và vừa bác học vừa bình dân.

(Văn học cổ VN – Tạ Quang Khôi)

Ghép chữ Nôm (1)

Tiếng Việt có nhiều cách ghép chữ như:
Ghép chữ Nho: Phần lớn các chữ ghép của ta do hai chữ Nho ghép lại thường được gọi là tiếng Hán-Việt và ta dùng quen thành Tiếng Việt thông-dụng như: độc-lập, tự-do, dân-chủ, hòa-bình, trí-thức, bô-lão, thi-văn, thế-lực…

Tài tình nhất là những chữ kép hoàn-toàn ghép bằng hai tiếng Nôm (tiếng Việt thuần-túy). Lối này có nhiều cách như:
Ghép hai chữ mà đứng riêng ra thì không có nghĩa: bâng-khuâng, sỗ-sàng, sặc-sụa, sững-sờ, tầm-tã, thỉnh-thoảng, xập-xệ…

Ghép một chữ có nghĩa vào một chữ phụ để làm mạnh ý: bực tức, cực khổ, cứng rắn, ồn-ào, tan-tác, thương yêu, xấu hổ, yếu hèn…

Ghép mộ chữ vào một chữ khác để làm nhẹ bớt ý: cồm cộm, cong cong, đo đỏ, khen khét, mằn mặn, nhè nhẹ, trăng trắng…

Nhân Văn – Giai Phẩm (1)

 

clip_image006

 

Trăm hoa đua nở, Trăm nhà đua tiếng là dịch nôm câu chữ Hán: Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh, trong cổ văn.

Đây là một câu mà các học giả đời Hán đặt ra để vừa ca tụng vừa tỏ ý luyến tiếc nền văn học cổ điển của Trung Quốc, sáng ngời trong mấy thế kỷ trước, về thời Đông Chu.

Văn học Trung Hoa về thời Đông Chu quả thật xứng đáng cho các thế hệ sau ca ngợi, vì trong vòng ba thế kỷ (từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch kỷ nguyên), các học giả thời Đông Chu đã đưa nền văn học Trung Quốc từ chỗ thấp nhất đến chỗ cao nhất mà hai nghìn năm sau, không tài nào vươn tới.

Gần như cùng một lúc, Lão học, Khổng học và Mạc học đua nhau ra đời, tiếp theo là những học thuyết uyên thâm của Mạnh Tử, Tuân Tử và Dương Chu. Có thể nói được rằng hầu hết các lý thuyết hiện nay còn đương tranh giành ảnh hưởng trong nhân loại, như chủ nghĩa dân chủ, lãng mạn, vô chính phủ, duy vật, xã hội, quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến, phát xít, v.v… đều đã có đại diện từ thời bấy giờ. Tính theo thời gian thì nền văn học Trung Quốc đã bỏ xa nền văn học Âu châu vào khoảng 20 thế kỷ.

Vì vậy nên ngày nay, những học giả nghiên cứu về lịch sử văn hoá Á đông đều phải thắc mắc về một điểm: Tại sao một nền văn hoá đương phát triển một cách tốt đẹp như vậy lại bỗng nhiên đứng dừng lại, khiến trong suốt hai nghìn năm về sau, Trung Quốc chỉ có lùi mà không có tiến về phương diện tư tưởng?

Ông Tibor Mende, một nhà học giả Tây phương, chuyên nghiên cứu về các vấn đề Á đông, đã ví nền văn hoá Trung Quốc và Ấn Độ như hai con sông lớn, đã mang sinh lực tưới khắp miền Đông Nam Á, bỗng dưng bị cạn hết nước. Nguyên nhân gì đã làm tịt ngòi? Ông nêu ra câu hỏi mà không trả lời.

(Trăm hoa đua nở trên đất Bắc – Hoàng Văn Chí)

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search