T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

N g u y ễ n H à n C h u n g: CHƠI TRĂNG MỘT KHÚC THU BỒN

Trăng sông quê – Tranh: Mai Tâm

Chúng tôi tụ dưới chân cầu Vĩnh Điện đợi lúc trăng vừa nhô lên khỏi ngọn tre phía hạ lưu là lên đường. Chiếc động cơ mấy mưoi sức ngựa gặp lúc được nghỉ ngơi mừng rỡ nhường chỗ cho hơn mười mấy tay chèo bập bềnh quẫy nước.
Thuyền chậm chạp rời bến, những cánh tay lâu nay chỉ quen cầm phấn, cầm viết, nay cầm thử tay chèo thấy nó vương vướng thế nào. Lúc đầu những tay chèo nghiêp dư ấy còn hăm hở chèo chống, hô, hò dô ta loạn xạ nhưng chỉ một lúc sau cường độ nhịp chèo lơi dần chỉ nghe những tiếng thở hổn hển, tiếng trống đánh tinh tang nơi lồng ngực. Nước đang lên, chảy khá xiết, hơn mươi cánh tay lẻo khoẻo ấy thì có nhằm nhò gì. Thuyền ngãng ra chợt quay đầu. Cô lái đò khởi động máy, con thuyền chững lại rồi chồm lên, các tay chèo nghệ sĩ hầu hết đều nằm vật ra khoang nghỉ cho lại sức. Thuyền đến bến sông gần chân tháp Bằng An thì dừng lại, ở bờ sông trèo lên ngọn tre vạch lá nhìn lên tháp Bằng An giống như một dấu chấm than mà ai đó vô tình viết ngược. Chợt nhớ câu thơ của người bạn văn từ thuở ấu thời “Tháp rất cũ mà muôn đời vẫn lạ -Dấu chấm than lồng lộng bên trời… (Nguyễn Đức Thắng).

Ở một huyện phía bắc của tỉnh Quảng Nam như Điện Bàn không có một quần thể di tích Chăm nào điêu tàn một cách tráng lệ như Mỹ Sơn của Duy Xuyên chỉ có độc một cây tháp Bằng An cô đơn trơ trọi với những viên gạch rêu gầy mòn nhưng đấy chính là một chút nỗi niềm cố quận “Qua quê mẹ không ghé về thăm mẹ – Con đứng bên nầy sóng vỗ rát thời gian” (Thu Bồn) của những người con vì bất cứ một lý do gì đó đã phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để ra đi.

Thuyền rời bến sông ngược dòng chảy về với thượng nguồn. Hai bên bờ sông rải một thảm dưa cơ man là trái, trái già, trái trẻ lủ khủ chồng chất. Có người biết bảo qua khỏi cánh đồng dưa là gặp mộ cụ Tổng Đốc Hoàng. Người danh sĩ của đất Gò nổi ấy đã từ biệt mẹ già vợ yếu ngàn dặm quan san trấn nhậm thành Hà Nội, giặc dữ chiếm thành sức cô, binh bại đã lấy cái chết đáp đền quê xứ. Tấm gương mất thành thành mất mất theo thành *** đã ghi vào thanh sử một mảnh hồn trung liệt. Xế lên hơn chút nữa là quê cụ Trần Cao Vân người từng thấu cảm lẽ huyền vi trong Trung thiên dịch. Người đã cùng với cụ Thái Phiên mưu đồ phục quốc mà mưu sự bất thành. Chợt nhớ hai câu thơ của người nghĩa sĩ Nhượng Tống “Người dẫu chết đi lòng vẫn sống- Việc dù hỏng nữa tội là công”.

Thuyền đi vào một khúc sông hẹp nơi có một cây cầu tre bắc ngang sông. Không biết cây cầu mảnh mai thế ấy làm sao có thể trụ lại qua một mùa bão lũ chứ đừng nói lâu la gì. Mới thấy cụm từ “cầu tre lắt lẻo”rất hiện thực chứ không phải là một hình ảnh sáo mòn môt chút nào. Cây cầu tre ấy làm sao có thể so với cầu Câu Lâu, cầu Vĩnh Điện chứ chưa dám so sánh với cây cầu hiện đại nào khác, song chính cây cầu tre ấy đã níu giữ những người con Điện Bàn trên mỗi bước đường luân lạc tha hương không bao giờ quên mảnh đất như chiếc nôi giữa bốn bề sóng nước.

Thuyền qua một khúc ngoặt nữa rồi trườn ra cửa lớn. Bây giờ trăng đã lên cao chiếu ánh sánh rờ rỡ xuống trường giang, chúng tôi neo thuyền lại bày loại rượu quê nấu củi ra giữa khoang thuyền. Nước từ sông lớn nghi ngút bốc hương. Hương bèo, hương rong, hương cỏ, phả vào mặt đến mát lạnh. Một anh bạn nào đó không rõ quả quyết anh đã đi nhiều xứ xang quê người nhưng không có một cái phòng lạnh của bất cứ khách sạn năm sao nào mát bằng khói sóng trên sông Thu Bồn những đêm trăng hạ như đêm nay.

Đã có trăng, sông, rượu, khuya về bát ngát tất nhiên phải có thơ thôi. Thôi thì thơ ca kim cổ, thơ người, thơ mình đều được cái giọng Quảng nam quê mùa khí phách tuôn ra lai láng. Ngâm rồi lại bình, bình rồi lại cãi, thách đố, chòng ghẹo ỏm tỏi vang lên náo động cả một vùng sông nước. Cả những câu hát Quảng đời nảo đời nao thất truyền bí hiểm kiểu “Chuồn chuồn đậu ngọn roi cày –Anh ở xóm dưới vác chày đi lên hoặc Tiếng đồn Vĩnh điện, La qua – Không chồng mà chết hết ba mươi người- Cụ bà nghe nói thất cười – Nên lấy ông cụ chín mười năm ni“ v..v đều được tận dụng thuật, trích, bình (tất nhiên là có thêm bớt) gầy được những trận cười hào sảng.

Đêm càng về khuya trăng càng sáng hay là cảm thấy thế cũng không biết nữa. Lanh run mà chưa ai muốn thả thuyền trôi về. Mới ngộ ra một điều mà chẳng mấy khi nhận ra dù đã là người lưu lạc: “Bé tí ở quê chẳng được tích sự gì ngoài chuyện thả diều, bắt dế –Trai trẻ dập dờn con sóng xa cứ tưởng biếc xanh là bể-Già cỗi về quê còn nước nôi chi, nhắc chuyện cũ vắn, dài sông lệ-Thường khi tát cạn đời người, mới ngấm điều giản đơn như thế (Nguyễn Đức Mù Sương)”. Nhưng khi đã ngấm rồi thì hà cớ gì lại chẳng quay về “với mẹ ta xưa –miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”để được đi ngược dòng Thu mà hưởng thú thanh tao sông nước quê mình.

Nguyễn Hàn Chung

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search