T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: Không Thấy Núi

Núi (Ninh Hòa )Hình chụp : Huyền Chiêu

Hồi đó bọn tôi còn nhỏ tuổi lắm. Được bộ đội cho một miếng lương khô là cả một cái gì hết sức to tát. Nhà thằng Hành nằm sát lề đường, bộ đội thường ngang qua nên mới có cái may rơi rớt đó, chứ không phải đứa nào cũng được. Lương khô của Trung Quốc lốm đốm màu nâu, cứng như gỗ. Hành khoe ăn một miếng bảy ngảy không thấy đói. Nó cầm cái miếng lương khô chết tiệt đó nhơi nhơi trước mặt bọn tôi rồi le lưỡi liếm một cái, bảo là ngon hết sẩy. Nó liếm rồi dấu, dấu rồi lại liếm khiến bọn tôi muốn nổi điên. Có đứa tức quá nhào tới giựt đại, nhưng nó nhanh tay hơn dấu biến vào túi.

Thì đành phải kiếm thứ khác đổi vậy, đó là cái cách mà nó muốn bọn tôi phải hàng phục. Đổi xoài, nó nói ở đây ai mà thèm xoài. Đổi mía, nó chê mía cứng ăn gãy răng. Đổi dế than, nó bảo đồ ăn, ngu sao đổi dế. Sau cùng nó chịu đổi trứng gà luộc. Mỗi trứng được cắn một miếng. Trứng gà thì nó bóc ra tộng vào mồm như rắn nuốt nhái, không sứt mẻ một chút nào. Nhưng lương khô của nó thì dấu kín trong lòng bàn tay, như con rùa dấu kín trong mai chỉ thò ra một cái đầu bé xíu. Nó bấm chặt ngón cái để làm dấu, chưa cắn được đã bị nó giụt ra. Nó là cái thằng tham ăn số một.

Nó khôn bỏ mẹ, nhưng thằng Mạnh còn ranh ma hơn. Đến lượt mình, Mạnh cắn một phát vào tay, khiến nó hốt hoảng buông ra. Miếng lương khô quý như vàng của nó rơi đánh bộp xuống đất. Tôi nhanh tay hơn chụp được chạy tuốt vào nhà.Cả bọn bên ngoài liền tru tréo chửi rủa.Anh tôi từ trên cao, chộp xuống tay tôi như con chim cắt, lấy mất.Anh lật qua lật lại săm soi, đưa lên mũi ngửi khịt khịt, thè lưỡi liếm thử rồi nhăn mặt bảo: như cục cứt khô, có ngon lành gì đâu mà tụi bay giành. Kệ em, tôi dậm chân bành bạch, khóc đòi lại.

Thôi để tao chia cho, mỗi đứa nếm thử một chút của ngon vật lạ của mấy ông cộng sản cho biết mùi. Anh lấy dao và cả búa, kê lên ghế chặt bộp bộp như bổ củi. Mỗi đứa được anh chia một miếng chỉ bằng nửa cái móng tay, nhưng sung sướng còn hơn được cả lon đồ hộp của Mỹ. Đứa nào cũng ngửa cổ ra, trịnh trọng bỏ vào mồm như đón nhận bánh thánh của cha, rồi cứ thế mà ngậm chứ không dám nhai. Ngòn ngọt, măn mẳn, lại hơi beo béo, như bắp rang giã nhỏ trộn đậu phụng. Đúng là chẳng ra cái quái gì cả, nhưng là của bộ đôi nên đứa nào cũng gục gặt đầu khen ngon! Dĩ nhiên đến trưa đứa nào cũng tộng vào bụng bốn chén cơm đầy nhưng đều bảo có lương khô, no, chẳng cần ăn.

30/4 đúng vào dịp hè nên bọn tôi chẳng phải đi học. Chúng tôi suốt ngày đá banh, đuổi bắt nhau, hay đợi tối đến rủ rỉ kể chuyện ma trong vườn xoài. Phải nói là rừng xoài vì vườn nọ nối tiếp vườn kia, cả chục cây số, chỉ có xoài với xoài. Những cây xoài xanh đen như những cây dù khổng lồ, suốt ngày phủ kín mặt đất, không để rơi một giọt nắng nào.Nằm giữa hai hai ngọn núi lớn, hòn Bà ở phía đông quanh năm mây phủ, hòn Ông ở phía tây sừng sững đụng trời, ai ở mấy cái xã này, sáng mở mắt ra là đã nhìn thấy núi. Cái hẻm núi sâu dài kẹp giữa hai đường quốc lộ và xe lửa như một con mãng xà đen và một con rồng lửa cùng thi nhau chạy tới vịnh Cam Ranh.

Dường như đất ở đây chỉ dành để trồng xoài.Tuy mỗi năm chỉ có một mùa, nhưng nhà nào cũng có cả ngàn cây, nên thu nhập nhiều gấp mấy lần làm ruộng. Đến mùa xoài trổ bông, hàng triệu con ong kêu vù vù bay đi bay lại suốt ngày, rì rầm như tiếng tụng kinh. Ấy vậy mà có lúc người ta định phá hết để trồng lúa. Trên bảo xoài không phải là lương thực.Với lại thành lập hợp tác xã nông nghiệp chứ ai lại đi thành lập HTX xoài!

Đó là nói chuyện sau này, chứ hồi đó người ta chỉ lo trừ gian diệt ngụy, lùng sục những phần tử chống phá cách mạng, chứ hơi sức đâu mà nghĩ tới cây xoài. Mà những kẻ đáng bị đem ra bắn bỏ ấy thì chỉ có ngu mới đi trốn trên cây xoài. Cho nên cái âm u bí mật của rừng xoài, cái giang sơn không hổ báo này, chỉ có bọn tôi làm chủ mà thôi. Nhưng bà tôi nói, tụi bay phá vừa vừa thôi, đất này là của quỷ ma đó. Ý bà tôi muốn nói tụi tôi là học trò chỉ đứng hàng thứ ba. Thì thứ ba cũng oai ra phếch chớ bộ. Vừa rồi, người chết đầy đường đầy sá, bà nói tiếp,có ai cúng kiếng gì đâu, bọn họ biến thành những con ma đói. Ma gặp được những cây xoài có bóng mát là mừng lắm. Giữa nắng trưa họ lơ lửng trên cây. Những con ma có con nhỏ lại còn cột võng tòn teng đưa con, hát ru văng vẳng.

Trời ạ, nghe bà nói cứ như thật. Và dù cha tôi nói bà lẫn rồi, đừng có mà tin nhảm, nhưng bọn tôi vẫn cứ tin. Chẳng những thế lại còn thêu dệt thêm đủ thứ chuyện. Thằng Mạnh bảo tối nào ma cũng tới giếng nhà nó xách nước rửa chân, có khi còn cởi đồ ra tắm. Núp trong nhà nhìn ra, nó nói, tao thấy cái gàu tự dưng nhảy xuống giếng, múc đầy nước rồi nhảy lên. Sau đó nước đổ lênh láng, không rửa chân hay tắm là gì! Thằng Hành lại bảo thấy ma đứng dựa gốc cây, những con ma tóc dài chấm đất, tối nào cũng đứng đợi người yêu là những người lính biệt động mũ đỏ.

Tôi thì bảo có lần tao nghe ma thở, đôi lúc lại nghe ho khúc khắc. Ma ho và thở giữa ban ngày đó. Cả bọn bảo láo làm gì có ma giữa ban ngày. Tôi úp úp mở mở, bảo không tin thì thôi. Chỉ có mỗi mình tao biết là có một con ma sống lại. Chúng nó hỏi dồn ở đâu. Tôi nói, muốn biết ở đâu thì phải đổi cái gì chớ.Thế là cả bọn nhao nhao, đổi gì, đổi gì tao cũng đổi. Một con chó con nghe? Không thèm. Một trái lựu đạn nghe, cha tao còn dấu một trái để ném cá. Có mà đi tù. Cái xe hơi của tao, được không? Xe tí tẹo hồi mày một tuổi làm sao tao ngồi. Vậy biết đổi gì bây giờ, sao mày khó thế. Cả bọn mắng tôi dóc tổ, không thèm chơi.

Vườn xoài nhà bác Ba giáp vườn nhà tôi. Vườn rộng ngút ngàn chạy tận núi.Hơn 20 năm trước, bác từ Phù cát vào mua rẫy lập vườn cùng với cha tôi. Hồi đó chỉ toàn cát sỏi, rẻ rề. Chỉ vài cây vàng là có cả một vùng đất rộng bằng cả xóm. Nhưng hai người đã phải bỏ nhiều công sức, chịu đói chịu rét suốt mười năm mới có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Khi tôi sinh ra, vườn xoài đã trĩu trái. Ngoài dầu khuynh diệp, mẹ tôi nói, tao và mầy đều dược ướp mùi xoài chín thơm ngạt mũi.

Cha tôi là người Diên Khánh, chẳng họ hàng gì với bác Ba, nhưng ở gần nhau, cùng trồng một thứ cây, và cùng nhờ nó mà sống được, nên coi nhau như anh em. Bác từ vùng chín năm kháng chiến vào nên nhiều người gọi đùa là ông Ba Việt cộng. Lâu dần thành tên. Bác cũng có khó chịu chút đỉnh, thực ra là sợ chính quyền cũ hiểu lầm, nhưng chính các ông ấp trưởng và đại diện xã, cứ một điều bác Ba VC, hai điều bác Ba VC một cách vui vẻ, nên Bác cũng đành chịu chết danh với cái tên bất đắc dĩ đó. Bác là người lặng lẽ, ít nói, nên giá như có vì thế mà bắt bác bỏ bót thì chắc bác cũng cắn răng mà chịu thôi. Bác thường ngửa mặt trông lên núi, u uất nói với cha tôi, cái vận hạn của đất nước còn tối tăm lắm, chưa thấy có chút gì sáng sủa. Cha tôi nói, núi hai bên che chắn hết mặt trời, sáng sủa cái nỗi nào. Thì đó, cái vận hạn của đất nước mình cũng bị kẹp giữa Nga và Mỹ như hai cái núi này mà thôi.

Nghe Ban Mê Thuột bị mất, bác có vẻ lo, suốt ngày cứ ôm đài. Cha tôi nói, đánh chiếm lại mấy hồi.Dưới đất có thiết giáp, trên có máy bay, ngoài khơi có hạm đội Mỹ, đánh một trận là xong ngay. Không dễ đâu! Không dễ đâu anh Năm à. Sao không dễ, cha tôi ực một phát, mặt đỏ gay. Không dễ thiệt mà, họ đánh đủ nơi đủ chỗ. Biết đâu họ đã đưa quân tới phục chỗ của mình rồi. Từ hai bên núi họ đánh ụp lại như kẹp cổ một con rắn, chạy đi đâu cho thoát! Bác cứ ngồi trầm tư trước mặt cha tôi, mồi không chịu gắp, rượu không buồn đưa lên miệng. Cha tôi giục, uống đi chớ anh Ba, cộng sản cũng là người như mình, họ vào đây thì mời họ uống rượu chớ việc gì mà lo. Bác nói, anh chưa biết đấy thôi, kinh hoàng lắm, sống không nổi đâu. Thì chết, cha tôi đã bắt đầu lè nhè. Đâu dễ mấy ai được chết dưới bàn tay cộng sản. Anh say rồi, bác nói, thôi vào nhà ngủ đi, tôi về.

Từ đó cho đến ngày chạy đi, bác không qua chơi với cha tôi nữa. Chỉ đến khi sắp lên xe, bác mới qua chào. Bác nói thôi ở lại mạnh giỏi. Cha tôi không biết nói gì, chỉ rơm rớm nước mắt.

Cứ tưởng bác đi là không trở lại. Bởi vì ngày đó người ta đồn Mỹ đã chia cho CS từ Phan Thiết trở ra. Bác nói vùng quốc gia dẫu sao cũng dễ thở hơn. Nhưng sau ngày 30 tháng tư ít hôm, lại thấy cả nhà bác buồn bã lộn về. Bác bảo cùng đường rồi, thôi về đây có chết cũng được. Tôi thương mấy cây xoài quá. Rồi sau đó công tác này nọ các thứ, cha tôi và bác cũng không còn rảnh rồi để mà ngồi lai rai dưới gốc xoài nữa. Cũng có thể bác hơi mắc cỡ với cha tôi, có khi là giận và sợ cha tôi vì đã quyết định ở lại. Mẹ tôi nói, chắc bác ấy tưởng mình là CS nằm vùng. Nằm vùng gì tui, nằm mùng với bà thì có, cha tôi cười lớn. Mẹ hứ cái cốc, phủi đít, đứng lên bỏ đi.

Chuyện nghe ma thở là như thế này. Lúc ở Sài Gòn chạy về, bác Ba mua hai con ngỗng trắng. Hai con ngỗng thấy trẻ con là cứ à oạc, à oạc tới rỉa vào chim đau thấy mẹ. Sợ rỉa đau nhưng vẫn cứ thích chọc. Bọn tôi tuột quần khỏi háng chìa chim trước ngỗng, đợi đến khi cái mỏ vàng vàng như cái kẹp lửa của nó xỉa tới là quay đít bỏ chạy. Năm ba đứa cùng hè nhau chọc phá, hai con ngỗng chỉ rượt đuổi một lúc rồi thôi. Nhưng chỉ một đứa là nónrượt tới bến.Tôi bị nó rượt một lần chạy ná thở. Lần đó hai con đuổi tôi chạy tới tận cuối vườn, sát bìa rừng vẫn chưa tha. Tôi phài chạy vòng vòng sau cái nhà tắm mới xây của bác Ba và liều mạng đá vào cổ chúng mới thoát được.

Đúng là mệt ná thở. Không ngờ bọn ngỗng gan lì và hung tợn quá. Hèn nào bác Ba nuôi chúng để giữ nhà. Chúng nó à oạc suốt đêm, chẳng bọn trộm nào dám vào.Lúc hết mệt, đứng dậy định về, tôi bỗng nghe có tiếng thở. Ban đầu, tôi tưởng tiếng thở của mình. Nhưng nghe kỹ thì không phải. Áp tai vào vách, dường như có tiếng thở từ bên trong. Tiếng thở yếu, đứt quãng.Nghe như tiếng thở của người già hay của người bệnh. Tôi liền đi quanh tìm cửa nhưng không thấy.Rõ ràng là gạch xây không trát hồ chứ không phải chất thành đống.Một cái nhà dài hai thước, ngang một thước, cao cũng chừng đó giống như một cái hộp.

Biết bao câu hỏi mọc lên như nấm trong đầu óc non dại của tôi. Rõ ràng là bác Ba mới xây cái nhà này, xây vội vàng và rất vụng. Chắc chắn đó không phải là nhà tắm vì bác đã có một nhà cầu và nhà tắm cạnh nhà tôi. Vậy thì xây làm chi, xây để dấu ai? Mà sao phải dấu, sao phải trốn? Ai ở nổi trong một cái nhà mồ như thế.Thật là hoang mang, nhưng tôi không dám nói cho ai biết. Một phần, tôi thích tự mình khám phá ra bí mật. Nếu tôi tìm ra được sự thật, chắc hẳn tụi bạn tôi phục sát đất. Phần nữa, tôi sợ chính quyền mới sẽ kéo quân du kích tới đập nát nó ra, lôi cổ ai đó ra bắn bỏ hay cho đi tù. Và như thế là tôi có tội với nhà bác Ba.

Suốt ngày tôi cứ dõi mắt sang cái nhà gạch bí ẩn đó. Có lúc tôi leo núp trên những cây xoài.Tôi hồi hộp đợi chờ một con người to lớn hay một con gấu đập vỡ gạch chui ra. Đêm, tôi vừa sợ vừa mong, thấy một con ma áo trắng, y như bà tôi nói người chết có lúc đội mồ sống dậy. Tôi đã định lân la hỏi chuyện bác gái, nhưng chính bác sang nói với mẹ đừng cho tôi chọc phá ngỗng nữa. Bác trai nghe nói về quê, các anh chị đi lên rẫy. Nhà bác lúc nào cũng cửa đóng, lá rụng ngập đầy vườn. Khi chiều xuống, khí núi và sương đêm lạnh buốt, lại thêm có con chim cú ở đâu mới tới, thả vào bóng tối những tiếng kêu như quỷ gọi hồn. Có cho kẹo tôi cũng không dám tới cái nhà mồ đó. . .

Tôi đã nản định bỏ cuộc, thì trong một buổi chạng vạng, thấy có người đến. Người ấy là bác Ba gái. Bác nhìn trước ngó sau, thập thò như kẻ trộm. Rồi bác ngồi xuống,vẹt đống lá xoài ra, gỡ mấy viên gạch sát đất để lộ một cái cửa nhỏ đủ đưa nước và thức ăn vào. Sau đó, bác bịt kín, vun lá xoài khô che lại như cũ. Bác đứng lên mang theo một cái bô đi vào nhà cầu.

Đúng là ông Ba Việt cộng. Nhưng sao Việt cộng tới ông không reo mừng, không nhảy ra giữ chức này chức nọ mà lại tự nhốt mình như thế. Tôi nói điều đó với anh Hai, anh lấy tay bịt miệng tôi lại, không nói gì. Hôm sau anh bảo tôi đứng canh, rồi chính anh cạy những viên gạch và luồn vào trong một tờ giấy và cây bút bi. Một lúc sau, anh lấy ra, lấp lại gạch, kéo lá xoài tủ lại rồi chạy như bay vào nhà. Tôi cũng bắt chước cách anh dọa tôi, vừa đuổi theo vừa dọa, không cho em coi, em mét ba. Anh lại bịt miệng tôi, đưa tờ giấy soi dưới ánh đèn cho tôi đọc. Giấy ghi chỉ có hai câu: Phải bác Ba đó không? Và: phải, im coi như không biết, cảm ơn! Anh giật tờ giấy châm vào lửa, nghiêm sắc mặt không phải đe mà ra lệnh: không được nói cho ai biết nghe chưa? Kể cả cha và mẹ.Tôi vừa run vừa dạ.

Và chuyện con ma sống lại ấy, bọn bạn hỏi một đôi lần, tôi bảo không phải ma, chỉ có một con chồn đào hang chui vào nhưng đã bắt được rồi.

Đến tuổi không còn sợ ma và cũng chẳng thích nghe chuyện ma nữa, cả bọn tản mác theo cha mẹ phát rẩy trồng thêm mì, cũng chẳng còn dư thì giờ mà lêu lổng trong vườn xoài và cũng quên mất cái nhà tù kỳ lạ đó. Tôi cũng vậy, mấy năm sau đi lính sang xứ chùa Tháp, chết chóc thật khủng khiếp. Biết bao chuyện người sống còn lạ lùng hơn chuyện ma. Được sống sót trở về đã là may. Chuyện bác Ba tự nhốt mình trong cái hộp ấy chỉ là chuyện nhỏ, tôi cũng quên mất.

Mãi đến khi tôi lấy vợ, sang mời bác Ba thì mới biết bác đã mất rồi. Bác mất trong cái nhà tù đặc biệt đó. Con trai bác gỡ từng viên gạch đem bác ra tắm rửa. Mẹ tôi nói bác gầy và khô như que củi. Bác đã sống trong đó suốt 15 năm. Từ xưa tới nay chưa có ai tự làm tù mình như thế. Có người bảo bác là dân Bình Định, chắc trước kia là gia đình địa chủ, sợ cộng sản quá hóa ra lẩn thẩn. Nhưng anh Thức, nói nhỏ vào tai tôi, không phải sợ mà là ghét.

Giờ tôi cũng đủ khôn để hiểu bác ghét ai. Ghét đến nỗi không muốn nhìn thấy núi. Và tôi cũng hiểu ra rằng, núi chỉ đẹp và đáng nhìn khi được tắm dưới ánh sáng mặt trời./.

Khuất Đẩu

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search