T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Tuyển tập Dân ca – Bài 6: Chuốc Rượu (Tay Tiên Chuốc Chén Rượu Đào)

Chuốc Rượu – Dân ca do Phạm Duy sưu tập.

Trình Bày: Thúy Cải

Đọc Thêm:

(Nguồn: Suckhoedoisong.vn)

 Nghệ sĩ Nhân dân Thúy Cải: Hạnh phúc là được cất cao câu ca quan họ

Bạch Đằng

Suckhoedoisong.vn – Có những người nghệ sĩ mà chỉ cần nhắc đến tên của họ thì khán giả đã hình dung ra cả một vùng văn hóa gắn liền với loại hình nghệ thuật mà người nghệ sĩ ấy theo đuổi.

Một trong những người may mắn ấy là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thúy Cải, lứa nghệ sĩ đầu tiên của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh. Nét duyên quan họ trong bà không chỉ qua giọng hát mà còn qua điệu cười, ánh mắt, dáng đi… vì thế Nghệ sĩ Ưu tú Quý Tráng từng nhận xét rằng: “Quan họ sinh ra để dành cho Thúy Cải như một bông hoa nguyên chất không cần cấy ghép”. Mùa xuân này, NSND Thúy Cải bước vào tuổi 67, độ tuổi không còn trẻ cho những ước mơ, dự định, nhưng trong sâu thẳm người nghệ sĩ gạo cội vẫn tha thiết, mong mỏi làn điệu dân ca quan họ truyền thống của quê hương sẽ mãi được trường tồn, lan tỏa.

Kiên trì và bền bỉ

Sinh ra ở xã Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), ngay từ những năm lên 6, Thúy Cải đã được người mẹ, vốn là người làng Ném Đoài, một trong những làng quan họ cổ, dạy hát những bài quan họ giọng vặt như: Khách đến chơi nhà, Cây trúc xinh, Người ở đừng về, Ba sáu thứ chim, Lý Thiên Thai… Hơn nữa, lại được sống trong một không gian làng quê đậm đà bản sắc với những câu hát quan họ khiến cô bé Cải ngày càng yêu mến và mong muốn được gắn cuộc đời mình với quan họ.

Tuy có năng khiếu về hát quan họ nhưng để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp với cô bé 16 tuổi khi ấy là cả một thử thách không hề nhỏ. Rời xa vòng tay của gia đình, Thúy Cải là người thứ 9 được tuyển vào Đội ca hát quan họ. Nói là ca hát quan họ nhưng nhiệm vụ chính là sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và giới thiệu dân ca quan họ. Ngoài học hát những bài quan họ cổ do nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi truyền dạy, diễn viên và nhạc công được học các môn lý luận cơ bản tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Bắc. Ban đầu biết bao khó khăn, thiếu rồi với suy nghĩ tất cả vì sự phát triển của quan họ, thầy trò đã cố gắng, nỗ lực với một năm vừa học tập vừa xây dựng tổ chức đơn vị, Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc chính thức hình thành.

Với phương châm bám vùng quan họ gốc để thực hiện nhiệm vụ sưu tầm các làn điệu, văn bản lời ca và lề lối sinh hoạt văn hóa quan họ, hằng ngày diễn viên và nhạc công theo các nghệ nhân làm lụng ngoài đồng hay dọn dẹp ở nhà, tối đến mới có cơi trầu đến kính các bậc nghệ nhân xin được truyền lại cho những làn điệu, lời ca hay đôi ba câu đối đáp trước canh hát. Chuyện học hát những câu quan họ cổ dần dần quen, nhưng lúc bấy giờ ở vùng quan họ mấy ai hát quan họ cổ nữa đâu, chỉ có đôi ba làn điệu được đặt lời mới phục vụ chính trị nên thường gọi là “Quan họ đài”, còn quan họ truyền thống gần như bị lãng quên. Hơn nữa, tại thời điểm đó nước nhà chưa thống nhất, kinh tế còn rất khó khăn, ai cũng lo làm lo ăn còn nghĩ đâu đến việc ca hát.

NSND Thúy Cải với tiếng hát quan họ đi vào lòng đông đảo công chúng.

Guồng máy đang có đà thì trận lụt lớn năm 1971 ập tới, cả vùng quan họ chìm trong biển nước, công tác phục vụ bão lụt lại đặt lên hàng đầu, lại chia năm xẻ bảy về từng xóm, thôn cùng bà con khắc phục bão lụt. Cũng từ đây hai ca cảnh Khóm trúc bên sông và Đống rạ ải đã ra đời. Sau trận lụt, khó khăn vẫn chưa hết, Nhà nước phát động cán bộ, viên chức tự túc một phần lương thực. Đoàn về núi Hiểu, xã Quang Châu (nay thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xin ruộng cày cấy.

“Có công mài sắt có ngày nên kim”, sau khi kết thúc khóa học, Thúy Cải và các học viên đã sưu tầm và hát được hơn 200 làn điệu quan họ với hơn 500 bài ca quan họ cùng những lề lối sinh hoạt truyền thống của người quan họ. Năm 1974, Đoàn có hai đợt biểu diễn báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu cùng cán bộ, nhân dân Thủ đô thành công, khẳng định và vạch ra một tầm nhìn đúng đắn về dân ca quan họ nói riêng, nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung. Cũng trong năm ấy, bộ phim Đến hẹn lại lên (Thúy Cải có một vai diễn trong đó) được lên sóng đánh dấu sự hồi sinh của dân ca quan họ.

Sự nghiệp, lịch sử theo dòng thời gian mà hình thành, chuỗi ngày tươi sáng đang bừng chiếu, thì xuất hiện nhiệm vụ mới. Thúy Cải và các nghệ sĩ lại hành quân lên biên giới phía Bắc phục vụ các chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc. Từng tốp, từng tốp hát không máy móc, mưa rét vẫn hát, vẫn xem mặc cho bom rơi, đạn nổ… tiếng hát, tiếng đàn của các nghệ sĩ vẫn nồng cháy, vút bay làm ấm lòng bao chiến sĩ. Những năm đầu của thập niên 80, nhiều chương trình thể nghiệm được dàn dựng như: Sự tích trầu cau, Đôi ngọc lưu ly; các ca cảnh như: Khúc hát đảo xa, Khúc hát làng sông; các chương trình ca múa nhạc… cùng với các chương trình quan họ truyền thống đã giới thiệu tới đông đảo khán giả trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào việc bảo tồn và lan tỏa quan họ trong đời sống đương đại.

Đắm say và tâm huyết

Không chỉ biết đến một trong những nghệ sĩ tài năng của dân ca quan họ Bắc Ninh, Thúy Cải còn được biết đến là vị lãnh đạo hết lòng vì công việc. 12 năm trên cương vị Trưởng đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, bà không chỉ nỗ lực để anh chị em trong Đoàn sống tốt bằng nghề mà còn cố gắng để quan họ đến được với nhiều vùng quê trong cả nước. Để quan họ được trường tồn và lan tỏa, bà đã không quản ngại khó khăn đến nói chuyện trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa ở các trường học để lớp trẻ hiểu và yêu quan họ cũng như văn hóa của người quan họ.

Có một công việc mà NSND Thúy Cải cũng rất miệt mài, tâm huyết, đó là giảng dạy tại các cơ sở đào tạo quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang. Đặc biệt, bà rất quan tâm đến việc truyền tình yêu quan họ đến với các em nhỏ, bởi theo bà chính các em sẽ góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống của quê hương.

Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho dân ca quan họ nói riêng, cho âm nhạc truyền thống nói chung, bà đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2015. Thế nhưng, trò chuyện với tôi hôm nay, bà lại bảo rằng: Danh hiệu ấy là rất quý nhưng quan trọng và hạnh phúc hơn là đi đến đâu người ta cũng biết đến mình và mong muốn được trực tiếp nghe mình hát. Như vậy, chứng tỏ tiếng hát của mình đã đi vào lòng công chúng và mình đã là nghệ sĩ của nhân dân.

Đến bây giờ mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng trong lòng người nghệ sĩ vẫn còn canh cánh với ước mơ quan họ ngày nào. Bà luôn nhắc nhở giới trẻ rằng: “Các bạn hãy vì nghệ thuật mà lao động, sáng tạo để xứng đáng với những giá trị văn hóa quan họ mà người xưa để lại…”. Tương lai trên con đường gìn giữ và phát triển dân ca quan họ nhờ cậy cả vào thế hệ hôm nay. Những mong các bạn hãy đem loại hình nghệ thuật hát dân ca quan họ Bắc Ninh hòa vào cuộc sống bằng tâm huyết thực sự và tài năng sáng tạo của thời đại mới”. Hy vọng rằng, ước muốn ấy của NSND Thúy Cải sẽ được lớp trẻ lắng nghe, tiếp thu một cách nghiêm túc, có trách nhiệm, như vậy thì dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ mãi mãi trường tồn và lan tỏa.

Tháng Giêng năm nay, trong các lễ hội vùng Kinh Bắc người ta sẽ không còn thấy một liền chị Thúy Cải duyên dáng trong bộ quần áo tứ thân hát vang những câu quan họ đằm thắm, mượt mà, thay vào đó là một vị trưởng ban giám khảo với những nhận xét hết sức tâm huyết, nghiêm túc và chân thành. Vì bà hiểu chỉ có vậy thì các thí sinh, là nghệ sĩ chuyên và không chuyên sẽ nhận ra đúng năng lực của bản thân để từ đó phát triển được giọng hát trong tương lai. Cứ như thế bà không cho phép mình được nghỉ ngơi mặc cho sức khỏe đã có phần giảm sút do tuổi tác và thời gian.

Bạch Đằng

Bài Mới Nhất
Search