T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Mặt Trận Ở Sài Gòn – The Battle of Saigon

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

LTS: Cuốn sách Mặt Trận Ở Sài Gòn của nhà văn Ngô Thế Vinh, được nhà xuất bản Văn Nghệ xuất bản năm 1996, sẽ được xuất bản bằng song ngữ Việt – Anh trong trong tháng 8/2020: “The Battle of Saigon – Bilingual Short Story Collection” do Văn Học Press & Việt Ecology Press xuất bản, nhằm phục vụ độc giả 2 thế hệ, ưu tiên thế hệ thứ 2 không rành tiếng Việt và cả độc giả thế giới chỉ đọc tiếng Anh.

Nhân dịp này, chúng tôi xin giới thiệu với các độc giả mới, bài điểm sách của nhà văn Đoàn Nhã Văn: “Mặt Trận Ở Sài Gòn và Những Giấc Mộng Con”, sau Thông Cáo Báo Chí “Mặt Trận Ở Sài Gòn – The Battle of Saigon” của nhà xuất bản.

***

Thông Cáo Báo Chí

MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN – THE BATTLE OF SAIGON

Tập truyện song ngữ Việt Anh

NGÔ THẾ VINH

Vẫn liên tiếp xuất hiện những cuốn sách viết về Chiến Tranh Việt Nam, tuy nhiên có rất ít sách đề cập tới quan điểm từ miền Nam, từ góc cạnh của những người thất trận nhưng họ đã từng chiến đấu và tin tưởng ở một nền Cộng Hòa miền Nam mới khai sinh.

Ngô Thế Vinh qua kinh nghiệm của một y sĩ trong một đơn vị Biệt Cách thiện chiến đã đem tới cho chúng ta những lý giải và soi sáng về những tình huống lưỡng nan ngoài trận địa. Rồi ông cũng đề cập tới cuộc sống hỗn mang ban đầu của một người tỵ nạn tạo dựng lại cuộc đời trong sự xa lạ của một miền Nam California, với phấn đấu để trở lại nghiệp cũ giữa một cộng đồng di dân gồm cả nửa triệu thuyền nhân với những khuynh hướng chánh trị phân hóa đa dạng.

Một bối cảnh như vậy hầu như hoàn toàn bị lãng quên trong văn học. Người đọc sẽ thấy mình bị lôi cuốn vào tâm thức của một y sĩ tiền tuyến, của một tù nhân trong các trại tù gulag và rồi đến một người tỵ nạn bị bật ra khỏi gốc rễ được giải thoát để hội nhập vào một tầng lớp trung lưu Mỹ mới vừa hình thành.

Đọc Mặt Trận Ở Sài Gòn để cảm nhận lắng nghe nỗi bâng khuâng của một con người vẫn gắn bó với những cội rễ tinh thần của một quê hương Việt Nam không thể tách rời. TIM PAGE, Time – Life, UPI free lance reporter

Văn Học Press & Việt Ecology Press

ISBN # 9781989993194

www.amazon.com, các hiệu sách

vanhocpress@gmail.com, vietecologypress@gmail.com,

P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740

oOo

Press Release

THE BATTLE OF SAIGON – MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN

Bilingual Short Story Collection

NGÔ THẾ VINH

“There have been a succession of books on the Vietnam conflict, though there have been few that have told it from the South Vietnam point of view, from the aspect of the true losers, those who fought for a and believed in the nascent Southern Republic. Ngo The Vinh brings us essays illuminating his experience as doctor with the crack rangers, here in dealing with the dichotomies of combat. He then moves to the disconcerting life of a refugee rebuilding a life in the strangeness of Southern California and the struggle to reestablish in his profession amongst the politically riven ex-pat community of the 1/2 million boat people. A perspective totally neglected in prose so far. You will find yourself slipping in the mindset of the soldier doctor, prisoner in the gulag and liberated uprooted refugees through to nascent middle class American. The whole time you hear the plaintive tones of a man attached still to the spiritual roots of that haunting country Viet Nam.”

TIM PAGE, Time – Life, UPI free lance reporter

Văn Học Press & Viet Ecology Press

ISBN # 9781989993194

www.amazon.com, bookstores

vanhocpress@gmail.com, vietecologypress@gmail.com
P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740

oOo

Communiqué de Presse

LA BATAILLE DE SAIGON – MẶT TRẬN Ở SÀI GÒN

Collection Bilingue de Nouvelles Anglais – Vietnamien

NGÔ THẾ VINH

Il y a eu une succession de livres sur le conflit du Vietnam, bien qu’il y en ait eu peu qui l’ont raconté du point de vue du Sud Vietnam, du point de vue des vrais perdants, de ceux qui se battaient pour et croyaient en la naissante République du Sud Vietnam. Ngo The Vinh nous apporte des essais éclairant son expérience de médecin avec les superbes rangers, faisant face là aux dichotomies du combat. Il passe ensuite à la vie déconcertante d’un réfugié reconstruisant sa vie dans l’étrangeté de la Californie du Sud et à la lutte pour rétablir sa profession parmi la communauté expatriée, politiquement déchirée d’un demi-million deboat people”. Une perspective en prose totalement négligée jusqu’à present. Vous vous retrouverez à glisser dans l’etat d’esprit du soldat-médecin, prisonnier dans les goulag et des réfugiés libérés, déracinés jusqu’à la naissante classe moyenne américaine. Pendant tout ce temps, vous entendez les tons plaintifs d’un homme toujours attaché aux racines spirituelles de ce pays obsédant, le Viet Nam.

TIM PAGE, Time – Life, UPI free lance reporter

Văn Học Press & Viet Ecology Press

ISBN # 9781989993194
www.amazon.com, bookstores

vanhocpress@gmail.com, vietecologypress@gmail.com,

P.O. Box 3893, Seal Beach, CA 90740

***

Đoàn Nhã Văn: Mặt Trận Ở Sài Gòn và Những Giấc Mộng Con

Đoàn Nhã Văn

Đoàn Nhã Văn, tên thật Lê Tạo, sinh tại Nha Trang. Bắt đầu cầm bút làm thơ, viết văn và phê bình văn học từ đầu thập niên 1990 trên các tạp chí văn chương hải ngoại như Văn Uyển, Văn Học, Văn, Hợp Lưu, Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng… Hiện sinh sống và làm việc tại Nam California. Tác phẩm: Bình Minh Đến [thơ, Nxb Ngàn Lau, Hoa Kỳ]; Phác Thảo 15 Chân Dung Văn Học [tiểu luận phê bình, Nxb Văn Mới, Hoa kỳ] 

***

Những năm đầu thập niên 1970, miền Nam nhuộm đầy khói lửa chiến tranh. Tiếng đạn bom vang rền từ khắp nơi vọng về các thành phố lớn. Người ta đọc báo, nghe radio, truyền tai nhau những tin tức nóng bỏng gởi về từ những địa danh lạ hoắc ở chiến trường. Giữa một xã hội đầy biến động như vậy, những câu chuyện văn chương, những đề tài văn hóa dường như bị lấn áp bởi chuyện thời sự nóng bỏng, chuyện thực tế sôi động trong đời sống hằng ngày.

Vậy mà có một người thuộc giới văn nghệ, hầu như được cả Sài Gòn, hay nói rộng hơn là cả miền Nam, đều nghe nhắc đến, bởi tên ông được đăng trên các nhật báo, tuần báo ở Sài Gòn lúc bấy giờ. Mọi người biết đến ông không phải vì tác phẩm Vòng Đai Xanh của ông vừa đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc 1971, mà biết nhiều đến ông qua vụ hầu tòa sau khi đăng một truyện ngắn. Và hai mươi lăm năm sau, năm 1996, truyện ngắn đã mang ông ra trước vành móng ngựa ngày nào, nay được dùng làm nhan đề cho tuyển tập truyện ngắn của ông. Đó là tuyển tập Mặt Trận Ở Sài Gòn. Và nhà văn đó chính là Ngô Thế Vinh.

Mặt Trận Ở Sài Gòn gồm mười hai truyện ngắn, trong đó có năm truyện ngắn viết trước năm 1975, một truyện viết năm 1971 và hoàn tất 1981 ở Sài Gòn, sáu truyện còn lại được viết tại hải ngoại. Sau mấy mươi năm thai nghén, tác phẩm hoàn thành. Một tác phẩm mang nhiều ước mơ khác nhau, mà tác giả gọi là những giấc mộng con, qua nhiều thời kỳ biến động của một đất nước mang hình chữ S, và của một đời người – một y sĩ quân nhân, một nhà văn khi còn ở trong nước và một bác sĩ, một lưu dân ở xứ người.

Lớn lên trong thời chiến, Ngô Thế Vinh đã thấy rõ được những chết chóc không thể tránh khỏi của chiến tranh.  Bước chân vào trường Y, mang trong mình một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông muốn làm tất cả những gì có thể được để thay đổi cục diện của chiến tranh, để thay đổi bộ mặt của đất nước. Vì thế, ông mang trong mình những ước vọng, không phải của riêng ông mà của rất nhiều người trẻ trong giai đoạn này: sớm chấm dứt chiến tranh.

Khi bước chân vào lính, đối diện với cái chết từng phút từng giây, ước mơ này càng trỗi lên mãnh liệt. Cho nên, ông và bạn bè không ngần ngại đổ máu ở chiến trường để tạo một hậu phương yên vui. Ngay cả cái ngày phát giải thưởng văn chương toàn quốc, đáng lẽ ông phải đứng trên bục cao để nhận giải thưởng cho tác phẩm Vòng Đai Xanh, thì ông “vẫn còn lận đận hành quân ở cao nguyên”.

Đứng trước những gian nguy ở chiến trường, ông đặt niềm tin ở hậu phương. Hay nói cách khác, ông mong đợi một hậu phương “sạch sẽ” từ  guồng máy lãnh đạo đến những người dân bình thường.  Một hậu phương vững chắc để tạo một thế đứng, một niềm lạc quan cho những người đối diện với thần chết ở chiến trường. Tuy nhiên, sau những phút giây kinh hoàng nơi chiến tuyến, nhìn lại hậu phương, ông thất vọng. Với một số người, hậu phương là nơi chốn để trở về, để giải khuây sau những ám ảnh của đạn bom và nỗi chết. Nhưng đối với ông và bạn bè có tâm huyết, khi nhìn lại hậu phương, nơi ăn chơi đú đởn, nơi buôn lậu giàn trời khiến ông không khỏi đau lòng. “Âm thanh của những tiếng cười nói ồn ào. Không khí dày đặc khói thuốc và hơi rượu mạnh. Nhạc sống và khiêu vũ. Những người đàn bà dễ dãi.” (Trang 20) đã làm ông nhờm tởm.

Một hậu phương như vậy, liệu có xứng đáng cho những người bạn thân đã nằm xuống vĩnh viễn hay để lại những phần thịt xương trên chiến trận? Còn nữa, hậu phương cũng là nơi đầy rẫy cảnh mua quan bán tước, tranh giành quyền lợi trên xương máu của những người lính. Những điều này đã cắt vào tâm khảm ông những vết cắt lút cán, để đời. Vì thế, với thân phận của một người lính, “ngoài chiến trường súng đạn quen thuộc, họ còn phải đương đầu với một trận tuyến khác mỏi mệt hơn – đó là cảnh thối nát bất công của xã hội mà dân tộc đang phải hứng chịu trong tối tăm tủi nhục.” (Trang 25). Nhiều lúc, họ bị điều động về từ những chiến trường xa xôi để bảo vệ những chiếc ghế danh lợi hẹp hòi, những vị kỷ nhỏ nhen.

Ôi, làm sao không thương người lính, làm sao không thấy họ lẻ loi tội nghiệp khi từ giã núi rừng “để trấn đóng ngay giữa trái tim Sài Gòn, chìm khuất giữa những buildings cao dập dìu đĩ điếm, nằm kế bên Hội Kỵ mã lúc nào cũng nhởn nhơ những con ngựa giống với từng bờ mông láng nhãy.”  (Trang 24) Vì thế, ông cảm thấy thiếu vắng những “chiến sĩ xã hội”, những người làm cho xã hội tốt hơn, sạch hơn. Ước mơ của ông tuy nhỏ nhoi, bình thường nhưng quả khó thực hiện, bởi ông chỉ là một con ốc nhỏ nhoi trong một guồng máy chiến tranh khổng lồ. “Từ ba mươi năm nay, đã và đang có quá nhiều anh-hùng-của-chiến-tranh trong khi lại quá thiếu vắng những chiến sĩ xã hội. Vậy phải lựa chiến trường nào? Rằng không phải chỉ ở chốn xa xôi biên cương mà đích thực chiến-trường thách-đố của họ phải là ở Sài Gòn.” (Trang 25).  Những mơ ước về một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai, từ một trái tim nóng bỏng của người lính với những nhịp đập thiết tha vì công cuộc chung, đã bị bóp nát từ trong trứng nước. Rốt cục, ông phải đi hầu tòa vì truyện ngắn này.

Cuộc sống yên bình vốn đã đa dạng; cộng thêm với chiến tranh, đã tạo nên một môi trường cho lũ thò lò xuất hiện. Những con thò lò có mặt trên từng cây số của đất nước, dưới bất kỳ bộ áo nào. Hãy nghe Ngô Thế Vinh viết rất ngắn về một trong những con thò lò muôn mặt này, để thấy rằng, hậu phương có những chiến sĩ xã hội, nhưng là một thứ giả tạo, mang màu sắc biến đổi của những chú kỳ đà. “Lẫn trong đám sinh viên, ông bác sĩ nhân sĩ vẫn lăng xăng cầm cuốc đào bới và luôn ngửa mặt cười cho người nhà chụp hình. Mấy hôm nữa đây, khuôn mặt xã hội của ông xuất hiện tràn ngập trên mặt báo Sài Gòn, và dĩ nhiên không thiếu những chi tiết trên tờ báo riêng mang tên ông.” (Trang 76).

Cuộc chiến mà ông ghi lại có nhiều cảnh cười ra nước mắt. Một gia đình có người con trai và đứa cháu. Một đứa “nhảy núi”, đứa kia theo lính “Cộng Hòa”. Trong một cuộc đụng độ, hai anh em bắn nhau. Mỗi người gãy một chân. Nước mắt người cha lưng tròng, cũng như Mẹ Việt Nam nhỏ lệ suốt hơn 4000 năm trôi nổi. “Những cẳng chân bị đạn bắn gãy nát của lũ con cháu khiến ông nghĩ tới sự gãy đổ của cả một gia tộc, mà với ông gia tộc là trọn vẹn hình ảnh quê hương đất nước.” (Trang 80).  Dù không nói ra bằng lời, nhưng ông đã cho người đọc thấy được đây là một cuộc chiến tranh không cần thiết phải có. Một cuộc chiến mà người ta nhân danh, người ta tô son, mạ vàng, để rồi cuối cùng “dù là gốc Bắc hay Nam, cùng nhân danh giấc mơ Việt Nam, khoác thêm một nhãn hiệu và đang hăm hăm cầm súng, AK hoặc M16 như các đồng bạn khác – để có thể là đêm nay trong tầm tã của cơn mưa ngã cây lở núi, đang sợ hãi thất lạc trong hoang vu của núi rừng Tây Nguyên, bên chân dãy Trường Sơn mò mẫm rình chờ lùng kiếm hạ ngã nhau như những con thú.”  (Trang 67-68).

Viết về chiến tranh, Ngô Thế Vinh viết bằng lối văn mạch lạc, khúc chiết, gãy gọn.  Vì thế ông đã lôi cuốn người đọc ngay từ những trang đầu của tập truyện. Nước Mắt Của Đức Phật là một trong những truyện hay của tập truyện này. Truyện kể lại cuộc xâm nhập của một toán Biệt Cách, nhảy vào trận địa, tạo những nút chặn, gây rối loạn ngay từ tuyến sau của các đơn vị địch quân. Toán quân này đã đụng độ, và đã giao tranh ác liệt với số địch quân rất lớn trong một hoàn cảnh hết sức khốc liệt, nan giải. Tàn cuộc giao tranh, hai người lính trong toán dìu nhau đi trên đất bạn, xứ Chùa Tháp. Bảy ngày sau, tại một ngôi chùa Miên bỏ hoang, “có một người lính công giáo Việt Nam kiệt quệ và đau khổ, quỳ gối bên xác một đồng bạn, mắt đẫm lệ hướng lên vẻ mặt an tĩnh của Đức Phật thành tâm cầu nguyện cho linh hồn người bạn xấu số sớm được giải thoát. Và bên ngoài trời cơn mưa bão vẫn tràn trề.” (Nước mắt của Đức Phật, trang 38).

Hình ảnh kết thúc câu chuyện là một hình ảnh bi hùng. Đức Phật chỉ là một sự gián tiếp để nói lên cái cao đẹp, cái bình an mà con người đang nhắm tới. Không còn một sự cách biệt nào trong tôn giáo ở những cảnh ngộ đầy nước mắt như vầy. Các đấng tối cao của các tôn giáo là người luôn hướng dẫn mọi người sống một đời an lành, hạnh phúc, không cấu xé lẫn nhau. Đó cũng là ước mơ của nhà văn Ngô Thế Vinh, và cũng là ước mơ của bao người. Nhưng chiến tranh được điều khiển bởi những tập đoàn quyền lực. Cho nên giấc mộng của những người lính bình thường, hay những người dân thấp cổ, bé miệng khó thành hiện thực.

Kết thúc câu chuyện ông viết “Gió lung lay cả đêm dài vô minh đang bao trùm khắp Á châu lục địa.” (Trang 38).  Chữ “lung lay”, bản chất không mới, nhưng ông dùng rất hay, trong trường hợp này, tạo cho người đọc thấy cái sầm sập, dữ dội của gió, thấy cái trùng trùng, phẫn nộ của bão.  Khi nói lung lay, người ta thường sử dụng trong những hình ảnh có gốc, có rễ, như cây dừa đang lung lay trong cơn gió mạnh, căn nhà đang lung lay trước cơn bão táp, v.v…  Hình ảnh cho thấy một phần gốc còn dính lại, và cả thân hình đang lắc lư, đong đưa, nghiêng ngả. Nhưng ở đây là màn đêm. Màn đêm biểu tượng cho cái gì trong thời điểm bấy giờ? Có phải là chiến tranh? Nếu vậy thì cái gốc của chiến tranh ở đâu? Và gió tiêu biểu cho sức mạnh nào để lung lay cái gốc rễ chiến tranh? Mỗi người đọc, ở một vị thế khác nhau trong cuộc chiến, có một câu trả lời khác nhau. Truyện ngắn đã đến con chữ cuối cùng, nhưng chưa thật sự chấm dứt, bởi ông đã để lại những câu hỏi chưa có câu trả lời khiến cho vấn đề không ngừng lại ở đó.

Vì hiểu được bản chất của chiến tranh không bắt đầu từ những người lính, ở cả hai phía, cho nên người lính Ngô Thế Vinh vẫn luôn mang thông điệp nhân bản trên vai ông, ngay cả ở những phút giây hiểm nghèo nơi chiến trường. Và dù có tạo nên thêm vài tổn thất cho bên kia thì hòa bình vẫn không đến sớm hơn được. Người lính không là gốc rễ chiến tranh thì cũng khó là bắt đầu của một hòa bình. Nhiều truyện ngắn của ông chuyên chở ý nghĩa này. Xin được nêu ra một ví dụ nhỏ nhoi trong suốt bản văn của ông.

“Khi đoàn trực thăng đã thực sự rời xa bãi, tên trung sĩ cận vệ thân tín lên tiếng nhắc tôi và cố nói to: “Em thấy là Hổ Xám quên.” “Không, lần này không phải tao quên.”  Nó nhắc tôi việc gài một trái lựu đạn rút kíp dưới xác người tù binh mới chết phải bỏ lại dưới bãi. Hơn một lần địch đã hành động như vậy và gây cho chúng tôi tổn thất. Nhưng ở lần này thì tôi nghĩ lại rằng cho dù có làm thêm một cạm bẫy xác nữa, gây thêm được một vài chết chóc, không vì thế mà ngày mai Hòa bình sẽ trở lại sớm hơn.”  (Hòa bình không sớm hơn, trang 63)

Truyện ngắn “Người Y Tá Cũ” kể về người y tá, tên Tụng, trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau tháng Tư 1975, anh là một trong số rất hiếm hoi những hạ sĩ quan của chế độ cũ được lưu dung để làm việc tại một bệnh viện. Cũng chính nơi đây anh được săn sóc những người chiến hữu của anh, những người đang mang thương tật, sống vất va vất vưởng, không bao giờ được ngó ngàng tới, mà cuộc sống chỉ còn là thoi thóp. Dĩ nhiên anh làm sao ngoảnh mặt, bởi ngoảnh mặt trước niềm đau thì nỗi đau ấy tăng gấp hai. Nó là niềm hạnh phúc của anh, hạnh phúc của một người y tá bình thường sau cuộc chiến. “Có lẽ suốt cuộc đời còn lại, chẳng bao giờ Tụng có thể quên được những đôi mắt trống vắng lạnh tanh của những người thương binh cũ, còn xa hơn cả sự tuyệt vọng buồn thảm, họ chưa chết hết phần xác nhưng đã chết cả phần hồn. Cuộc sống chỉ là đếm thêm cho mỗi từng ngày.”  (Trang 117).

Nhưng niềm hạnh phúc mong manh của Tụng cũng bị tắt ngúm. Anh bị sa thải, trở lại quê nhà và tiếp tục cuộc đời ruộng nương thuở trước. Không giúp được bao nhiêu cho chiến hữu thương tích đầy người, nhưng được sống bên Mẹ già cũng là niềm hạnh phúc mới, dù rất nhỏ nhoi, của anh.  Niềm hạnh phúc nhỏ nhoi đó không kéo dài được bao lâu thì tai vạ ập tới. Giữa đời sống dân thường, giữa ruộng nương chất phác, “đang miên man giữa cái hạnh phúc của đất và người, bất chợt bàn chân Tụng đạp lên một vật như thép lạnh cứng – chưa kịp rút chân lại thì “ụp” tiếp theo là tiếng kêu “má ơi!” Cảm giác đau như xé khiến Tụng ngã quỵ, nhìn xuống thì một bàn chân đã đứt rời. Kinh nghiệm chiến trận khiến Tụng nhận ra ngay không phải lựu đạn mà là thứ mìn muỗi chống cá nhân, chẳng biết ai đã ném vô và nằm im trong đám ruộng nhà mình tự bao giờ…. Hòa bình rồi hạnh phúc tính là dài lâu nhưng rồi ra cũng chỉ là tính riêng cho mỗi từng ngày.” (Trang 122).  Ước mơ khi còn chiến tranh là được sống trong cảnh thanh bình.  Nhưng sau tháng Tư 1975, đất nước tưởng có độc lập, nhưng niềm hạnh phúc cũng chỉ là ngàn cân treo sợi tóc!  Niềm vui chỉ được tính từng ngày.

Những ước mơ bình thường của người dân trong thời kỳ chiến tranh bị bóp chết từ trong trứng nước. Niềm hạnh phúc sau khi đất nước thống nhất cũng chỉ là niềm hạnh phúc được tính từng ngày. Tuy nhiên, Ngô Thế Vinh không hề bỏ cuộc. Con đường ông đã vạch ra từ mấy chục năm trước, ông vẫn cứ đi, dù chông gai vẫn đầy rẫy và hố ngăn cách vẫn trùng trùng. Bởi, không có gì ngăn cản một trái tim rộng mở tình thương. Không có gì làm chùn bước một tấm lòng tha thiết với đời.

Ở lớp tuổi tri thiên mệnh, làm một lưu dân, giấc mộng con năm 2000 vẫn bừng bừng trong ông như thời mới lớn. Giấc mộng con là làm sao để tạo được một thế đứng cho lớp lưu dân, dựng nên một gạch nối để thắt chặt tình thân và sự gần gũi cho trăm họ đang lìa xa Tổ Quốc. “… Bước khởi đầu vận động hình thành không phải chỉ là một mái nhà cho Hội Y sĩ, mà bao quát hơn là một Convention Center, một tòa nhà Văn hóa, một viện Bảo tàng, một Công viên Việt Nam. Đó phải là công trình biểu tượng có tầm vóc, sẽ được thực hiện ưu tiên qua từng giai đoạn. Nếu nghĩ rằng ngôi đình là biểu tượng cho cái thiện của làng, thì khu Công viên Văn hóa ấy là biểu tượng cho cái gốc tốt đẹp không thể thiếu cho các thế hệ di dân Việt Nam từ những ngày đầu đặt chân tới lục địa mới của cơ hội này, nó sẽ như một mẫu số chung rộng rãi cho một cộng đồng hải ngoại đang rất phân hóa, giúp đám trẻ hãnh tiến hướng Việt tìm lại được cái căn cước đích thực của tụi nó.” (Trang 154).  Ngô Thế Vinh luôn nhìn về phía trước, bởi giá trị của quá khứ là bàn đạp để hướng về tương lai. Vì thế, niềm “ao ước không phải để có một ngôi đền thờ phụng, mà là một mái ấm của Trăm Họ Trăm Con, nơi ấy sưu tập và lưu trữ những giá trị của quá khứ, nơi hội tụ diễn ra sức sống sinh động của hiện tại, và là một điểm tựa thách đố hướng về tương lai, chốn hành hương cho mỗi người Việt Nam đang sống bất cứ ở đâu trong lòng của thế giới.” (Trang 157).

Đây là một giấc mơ đẹp.  Giấc mơ không chỉ của riêng ông mà là của rất nhiều người. Một người không nặng lòng với Tổ Quốc, với Quê Hương, không kỳ vọng vào tương lai của lớp trẻ, không bao giờ nghĩ đến những điều này. Từ những dòng chữ đầu tiên, đến những con chữ cuối cùng của tập sách, người đọc thấy lấp lánh một tấm lòng.

Tuy nhiên, chỉ ước mơ, chưa đủ.  Ước mơ mà thiếu sự chuẩn bị, thiếu một hướng đi đúng thì những ước mơ này trước sau cũng chỉ là… mơ ước. Ông hiểu như vậy. Và đây, một sự gợi ý, một hướng đi để biến giấc mơ trở thành sự thật của ông. “Mỗi Y Nha Dược sĩ đóng 2000 Mỹ kim như một phần khấu trừ thuế rất nhỏ trong phần thuế khóa rất lớn mà họ đóng góp hàng năm trên các vùng đất tạm dung đang cưu mang họ, thì với một ngàn người tham gia số tiền hành sự đã lên đến hai triệu đô la tiền mặt, với tiềm năng ấy thì không có việc gì mà hội Y Nha Dược Thế giới không làm được…” (trang 146)  hay “Bước khởi đầu chỉ đơn giản chỉ một đô la cho mỗi đầu người mỗi năm thì chúng ta đã có hơn một triệu Mỹ kim cộng thêm với hai triệu Mỹ kim nữa của Hội Y Nha Dược, Hội Chuyên gia và các giới doanh thương. Sẽ không phải là nhỏ với ba triệu đô la mỗi năm để làm nền móng khởi đầu cho Dự Án 2000 ấy.” (trang 155)

Đọc đến lối gợi ý để giải quyết những bế tắc đương thời, hay nói rõ hơn là kỳ vọng để biến giấc mộng con thành hiện thực, người đọc có hơi ngờ ngợ với những điều mà ông đưa ra, dù đó là những điều tâm huyết. Với những người dân bình thường, việc quyên góp khó, nhưng dễ.  Khó ở chỗ, họ là những người có lợi tức thấp, và dễ ở chỗ, tấm lòng họ luôn rộng mở vì lợi ích cho công cuộc chung. Điển hình qua những lần lạc quyên, đóng góp giúp đỡ đồng bào tỵ nạn, qua những công cuộc đấu tranh chung. Với vài triệu đô la mỗi năm, từ hội Y Nha Dược, thành quả này có được hay không, thực tế mấy chục năm qua trong cộng đồng người Việt hải ngoại, cho thấy cần phải xét lại. Dĩ nhiên, độc giả vẫn hiểu, Giấc mộng con năm 2000, trước sau cũng chỉ là giấc mộng của Chính, tên của một y sĩ trong truyện, hay giấc mộng của Ngô Thế Vinh.  Nói một cách khác, đây chỉ là một truyện ngắn chứ không phải một dự án để bàn luận đến sự giải quyết rốt ráo một vấn nạn lớn – hố cách ngăn, chia rẽ, hay lòng người phân tán trong cộng đồng người Việt lưu vong hôm nay.

Xuyên suốt tác phẩm, nhà văn Ngô Thế Vinh rất ít khi nhắc đến hình ảnh của bà Mẹ, những bà Mẹ Việt Nam đúng nghĩa. Tuy vậy, ông có nhắc lại một chi tiết rất cảm động. Một bà Mẹ đã đau với cái đau triền miên của đất nước và lòng rộng mở vô biên, bất chấp “tai vách mạch rừng” của chế độ, một chế độ mà ngay cả cha và con còn chưa thể tin được nhau. “Hòa bình rồi được có con về là má vui, mặc cho họ nói chi thì nói, cái mửng bắt má dẹp khung hình thằng Ba thằng Tư trên bàn thờ là không khi nào má chịu. Lính ngụy hay không lính ngụy tụi nó vẫn là con Má. Chòm xóm có gia đình nào mà không có con vô lính rồi chết trận, vẻ vang hay không vẻ vang có cái đau nào bằng cái đau của bà mẹ mất con. Họp tổ phường khóm má nói toáng ra như vậy, chịu hay không chịu thì thôi…”  (Người y tá cũ, trang 120).

Một vài nét cọ, ông đã tạo nên một bức tranh đẹp, một hình ảnh sắc nét, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người thưởng ngoạn.  Hình ảnh bà mẹ rõ ràng, dứt khoát, sẵn sàng nói những điều muốn nói và nghĩ những điều dám nghĩ nhưng lòng thương con thì bao la, vô tận.  Đây là một thành công khác của ông.

Qua Mặt Trận Ở Sài Gòn, người đọc thấy Ngô Thế Vinh rất chú trọng tới cách hành văn.  Từ trang đầu tới trang cuối, từ những truyện ngắn được viết ở những năm đầu thập niên 70, đến những truyện ngắn mới viết gần đây, tác giả vẫn sử dụng một lối viết gãy gọn, khúc chiết. Câu văn không lê thê để tạo sự “ẩn mật”, bùa chú.  Câu văn không ngắn cũn cỡn kiểu chặt khúc, bẻ đoạn, uốn éo chữ nghĩa để làm dáng như một mốt thời thượng. Điều này đã nói lên được sự thiết tha với chữ nghĩa của ông dù ông đã từng phải đối diện với bao nhiêu thăng trầm, dâu bể của đời thường.  Xa hơn nữa, người đọc không hề thấy ông phẫn nộ, mà trước sau vẫn bình thản với ngôn từ.

Mặt Trận Ở Sài Gòn mang một niềm khát vọng hướng về tương lại. Hướng về tương lai không phải mơ ước một đất nước có nhiều anh hùng mà là có nhiều chiến sĩ xã hội để hàn gắn những vết thương do lịch sử khắc nghiệt gây ra. Khát vọng đó lấp lánh một tấm lòng của người thầy thuốc, của người nghệ sĩ.

Nhà-văn-thời-cuộc là người sống thực và nói thực lòng mình về những điều đang xảy ra chung quanh. Họ dùng ngòi bút để đẩy cuộc đời đi xa hơn, lên cao hơn. Trong một xã hội nhiễu nhương, họ dùng ngòi bút hướng dẫn quần chúng đấu tranh để tiến tới một xã hội tiến bộ. Trong một xã hội tiến bộ, họ vẫn tiếp tục đấu tranh để khuôn mặt xã hội sáng hơn, đẹp hơn. Không bao giờ họ chịu ngưng nghỉ. Ngô Thế Vinh là một trong số hiếm những nhà-văn-thời-cuộc, hôm nay. Và quan trọng hơn, đáng quý hơn, bao nhiêu năm qua, trước sau, ông vẫn oằn vai với những giấc mộng con.

Bài Mới Nhất
Search