T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phạm Duy: Tuyển tập Dân ca – Bài 31: Arirang (Dân ca Đại hàn)

Arirang (Dân Ca Đại Hàn)

Phạm Duy sưu tầm và viết lời Việt

Trình Bày: Kim Young Im

Bài dân ca Arirang, Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

(Nguồn: https://world.kbs.co.kr/)

Rạng sáng ngày 6/12 theo giờ Hàn Quốc, trong phiên họp của Ủy ban Di sản phi vật thể lần thứ 7 tại Paris, Pháp, bài dân ca Arirang của Hàn Quốc đã được Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

[Arirang, từ bài dân ca truyền thống của Hàn Quốc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại] Theo đó, bài dân ca truyền thống này đã trở thành thứ tài sản quý báu mà toàn thế giới phải cùng chung tay giữ gìn và phát triển. Giáo sư Im Don-hee, Phó Chủ tịch Ủy ban Di sản văn hóa Hàn Quốc, cho biết : “Arirang là bài hát được người Hàn Quốc yêu mến, có sức truyền cảm và gắn bó người Hàn trong và ngoài nước. Người dân nơi đây coi nó như bài quốc ca thứ hai. Đặc biệt, Arirang còn gắn liền với cuộc sống của người dân Hàn tự bao đời, cả trong những lúc thống khổ nhất. Ít có quốc gia nào sở hữu một bài hát nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng đến vậy. Do vậy, tuy Hàn Quốc có nhiều di sản văn hóa phi vật thể nhưng việc đề xuất Arirang trở thành Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại có ý nghĩa rất lớn.” Cùng với sự công nhận này, Hàn Quốc đã có tổng cộng 15 Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm Tế lễ Tông miếu, hát kể chuyện Pansori, múa vòng tròn Ganggangsullae…

Lần đầu tiên Arirang được đệ trình lên UNESCO để xét duyệt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là vào tháng 8/2009, với phiên bản Arirang vùng Jeongseon cùng với các di sản khác như thể loại nhạc phổ thơ Gagok, nghệ nhân làm mộc Daemokjang, cách đi săn bằng chim ưng Maesanyang… Thế nhưng, do hạn chế về số lượng phân bổ chỉ tiêu xét duyệt cho từng quốc gia nên UNESCO đã để lại cái tên Arirang khỏi danh sách ứng viên. Và nếu một di sản đã bị loại tên thì phải sau 2 năm nữa di sản đó mới lại được phép đệ trình. Trong khoảng thời gian đó đã xảy ra một việc khiến người dân Hàn Quốc hết sức bất ngờ. Giáo sư Im Don-hee cho biết : “Trung Quốc đã chỉ định Arirang là di sản văn hóa cấp quốc gia của họ. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc có thể sẽ đề xuất Arirang trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như một trong những mục đích nhằm đồng nhất lịch sử cổ đại của người Hàn thành của họ. Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó dân tộc Hán chiếm 90%, còn lại là các dân tộc thiểu số bao gồm cả dân tộc Hàn mà họ gọi là dân tộc Triều Tiên, những người đã từng di dời sang vùng Mãn Châu vào thời kỳ bán đảo Hàn Quốc bị thực dân Nhật chiếm đóng. Vì lẽ đó, họ cho rằng di sản của các dân tộc thiểu số cũng đều là di sản của Trung Quốc. Giờ đây, 16 di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Triều Tiên như bài dân ca Arirang, đấu vật Ssireum, nghi thức hôn lễ… đều đã trở thành di sản cấp quốc gia của Trung Quốc.”

Trước động thái này của Trung Quốc, Hàn Quốc càng thêm quyết tâm và tích cực trong mọi công tác chuẩn bị để vốn di sản của dân tộc không bị nước khác giành lấy. Theo đó, Hàn Quốc đã đưa Arirang trở thành đối tượng di sản được ưu tiên đệ trình trong đợt xét duyệt vừa qua. Và trong đơn xin xét duyệt lần này, ngoài phiên bản Arirang vùng Jeongseon, Hàn Quốc còn bổ sung thêm những bài hát có kết thúc bằng câu “Arirang, Arirang, Arariyo”, cùng với đó là rất nhiều các chiến dịch vận động đa dạng do Ủy ban xúc tiến toàn cầu hóa Arirang tổ chức nhằm quảng bá cho di sản truyền thống tuyệt vời này.

Một vài chiến dịch tiêu biểu có thể kể đến là chiếu các video clip liên quan đến Arirang tại 486 ga tàu điệm ngầm của tuyến số 5,6,7 và 8, kêu gọi người dân ký tên ủng hộ, nhảy flashmob ở trung tâm Seoul… Giám đốc Lee Eun-sook của Ủy ban xúc tiến toàn cầu hóa Arirang cung cấp : “Chúng tôi đã kết hợp với các câu lạc bộ của khoảng 50 trường đại học tại Seoul và tỉnh Gyeonggi để tiến hành các hoạt động nhảy flashmob trong tháng 11 vừa qua. Đã có khoảng 30-50 người tham gia và họ đã thể hiện tình yêu đối với Arirang thông qua những điệu nhảy tập thể trên nền bản phối Arirang của ban nhạc Yoon Do-hyun tại các địa điểm thu hút đông người như chợ Dongdaemun, khu xung quanh trường đại học Hongik, khu mua sắm Myeongdong… Kết thúc bài nhảy, một đại diện sinh viên đứng ra giải thích về ý nghĩa của hoạt động, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Đáp lại, người dân cũng đã giành cho chúng tôi những tràn vỗ tay hưởng ứng đồng loạt.”

Sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng thì Hàn Quốc cũng đã nhận được kết quả xứng đáng từ UNESCO. Giáo sư Im Don-hee vui mừng nói : “Để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì cần đạt được nhiều tiêu chí. Quan trọng nhất là nó phải là thứ đã được lưu truyền và tồn tại trong một cộng đồng suốt hàng trăm năm. Theo đó, Arirang đã đáp ứng chính xác nhất tiêu chí này vì vẫn còn được người Hàn truyền miệng sau bao đời. Không những thế, bài dân ca này còn có ưu điểm là không chỉ được lưu truyền trong một khu vực nhất định, tùy theo mỗi vùng miền, địa phương trên toàn quốc mà có các phiên bản khác nhau như Arirang vùng Jeongseon, Arirang vùng Miryang, Arirang vùng Jindo…”

[Đôi nét thú vị về Arirang] Arirang là bài dân ca thường được người nông dân ngân nga trong lúc làm đồng áng. Họ chất chứa tất cả nỗi oán hận, sầu khổ trong lòng rồi nghĩ đến trời cao mà cất tiếng hát.Tùy từng địa phương mà bài dân ca này có chút khác nhau về giai điệu và lời ca. Sau đây là giải thích của Phó Chủ tịch Ủy ban xúc tiến toàn cầu hóa ArirangLee Si-hwa : “Arirang là bài dân ca có hình thức đơn giản là sự phối hợp của hai dòng thơ. Nó được lưu truyền, biến hóa từ phạm vi nhỏ hẹp trong những thôn làng đến phạm vi rộng lớn trong những đô thị sầm uất và lớn hơn cả là toàn xã hội. Trên thế giới chưa từng có một di sản nào được lưu truyền theo cách như vậy. Theo thời gian, Arirang còn ảnh hưởng đến cả văn hóa đại chúng cũng như văn hóa nghệ thuật mang tính sáng tạo. Trong các sự kiện cần đến sự cổ vũ như World Cup hay Olympic, dù là người nhà, hàng xóm hay kiều bào, hễ gặp nhaulà người Hàn lại cùng hát Arirang.”

Trong bài dân ca Arirang của đảo Jeju, bạn sẽ bắt gặp những người phụ nữ làm nghề thợ lặn trên hòn đảo rất nhiều đá, nước, phong cảnh này. Giám đốc Lee Eun-sook cho biết : “Trong lời ca của Arirang luôn chứa đựng những miêu tả về cuộc sống của con người ở mỗi thời kỳ, mỗi bối cảnh xã hội mà họ sinh sống. Arirang đảo Jeju cũng có những nét độc đáo riêng. Nội dung của nó nói về cuộc sống của những người phụ nữ làm nghề lặn như sau: “Nàng thiếu nữ thợ lặn ở Seogwipo vớt rong biển nhịp nhàng theo điệu Arirang cùng mái chèo của anh lái thuyền ở Moseulpo”. Arirang vùng Jindo là Arirang của dân miền biển đảo, chứa đựng hy vọng về một chuyến đánh bắt bội thu, đầy ắp cá tôm của ngư dân. Người ta thường hát bài dân ca này trong những lúc nhàn rỗi, chờ đợi chuyến ra khơi tiếp theo. Ngoài ra, nó còn kể về cuộc sống giải trí văn hóa của ngư dân nơi đây.”Rồi thì Arirang của tỉnh Gangwon, Arirang vùng Miryang, Arirang tỉnh Gyeonggi… Tuy có đôi chỗ khác biệt nhưng các phiên bản đều ghi nhận lại cuộc sống mà con người thời đó đã trải qua vào trong lời ca tiếng hát.

Đến nay, chưa ai biết chính xác bài dân ca này đã ra đời ở đâu và tự bao giờ. Thế nhưng mỗi khi đau buồn hay vui vẻ, người Hàn lại cùng nhau hát vang giai điệu Arirang. Nó là nguồn động lực tinh thần to lớn, tiếp sức cho mỗi người Hàn trong giai đoạn chống thực dân Nhật. Nó cũng là người bạn tinh thần thân thiết, dẫn dắt Hàn kiều hướng trái tim về với quê hương. Arirang đã sống cùng dân tộc Hàn như thế… Ngày nay, những lúc cả nước cần chung sức chung lòng, chỉ cần hát vang Arirang, tất cả sẽ hòa làm một.

[Arirang trong dòng chảy hội nhập và phát triển] Dựa trên nguyên bản có tự bao đời, nếu muốn, bất cứ ai cũng có thể đặt lời mới hay thay đổi giai điệu cho Arirang mà vẫn không làm mất đi sự đặc sắc, đặc trưng của nó. Ban nhạc Yoon Do-hyun thậm chí đã phối Arirang theo phong cách nhạc Rock mạnh mẽ, rất phù hợp với bầu không khí lễ hội dành cho giới trẻ. Năm ngoái, phiên bản Arirang của tỉnh Gangwon do ca sĩ Nah Youn-sun phối theo phong cách nhạc Jazz đã chiếm giữ vị trí số 1 liên tiếp 4 tuần trên một bảng xếp hạng nhạc Jazz của Pháp. Như vậy, bằng sự sáng tạo của các nghệ sĩ hiện đại, Arirang đã được khoác lên mình những chiếc áo đa sắc màu và âm thầm chinh phục người yêu nhạc bốn phương.

Với việc trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bài dân ca này chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội đi sâu hơn nữa vào lòng người dân toàn cầu. Giáo sư Im Don-hee tâm sự : “Trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là bước đầu tiên để toàn cầu hóa Arirang. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này thì Hàn Quốc cần phải nỗ lực hơn nữa, phải xây dựng một kế hoạch khoa học hơn, có hệ thống và lâu dài. Cùng với đó, phải đảm bảo mục đích bảo tồn di sản văn hóa truyền thống theo chủ trương của UNESCO bằng cách thường xuyên đào tạo nguồn nhân lực và phát triển Arirang. Hàn Quốc cần phải bảo tồn và phát huy tốt không chỉ với Arirang mà còn với các di sản khác.”

Một bộ phim công nghệ 3D lấy chủ đề về Arirang hiện đang được Ủy ban xúc tiến toàn cầu hóa Arirang thực hiện và dự kiến sẽ ra mắt khán giả trong năm tới. Giám đốc Lee Eun-sook cung cấp : “Bộ phim dài khoảng 40 phút và được thực hiện bằng công nghệ 3D hoàn chỉnh, có thể xem trên TV 3D. Chúng tôi định gửi bộ phim này đến các cửa hàng của Samsung hay LG ở trong và ngoài nước để phát sóng như một thước phim quảng bá về Arirang. Bằng việc kết hợp hình ảnh đẹp mắt, âm thanh sống động cùng đồ họa vi tính, chắc chắn bộ phim sẽ tạo được hiệu quả tốt cho những ai quan tâm đến Arirang.”Vào năm 1926, đạo diễn Na Woon-gyu cũng đã từng thực hiện một bộ phim lấy cảm hứng về bài dân ca này mang tên “Arirang” để diễn tả nỗi đau khổ và thất vọng của người dân trong tình cảnh mất nước. Bộ phim về sau đã được nhiều đạo diễn thực hiện lại. Còn bộ phim 3D sắp tới sẽ phác họa lại những chặng đường phát triển của Arirang cũng như niềm tự hào của người Hàn về nó.

Để quảng bá Arirang ra toàn thế giới, một nhóm người ủng hộ gồm những thanh niên nhiệt huyết đã được thành lập và nhiệm vụ của họ là truyền bá các câu chuyện nói về Arirang cũng như phổ biến rộng khắp bài dân ca này hơn nữa trong thế kỷ 21. Anh Chae Hee-do, một thành viên của nhóm cho biết : “Trước khi có những hoạt động như thế này, tôi gần như không biết gì về Arirang. Nhưng sau khi tham gia, tôi đã biết được nó có nhiều phiên bản và cảm nhận được sức sống mãnh liệt của nó trong cuộc sống hiện đại. Lúc trước tôi cứ nghĩ nó chỉ là một bài dân ca truyền thống, một bài hát đơn thuần, giờ thì tôi đã biết rằng nó là một bài hát tuyệt vời với lời ca đặc sắc cùng quá trình biến đổi, lưu truyền ròng rã qua thời gian. Giai điệu của nó thú vị hơn tôi từng nghĩ vì chứa đựng cả tình yêu, nỗi oán giận hay tình cảm vợ chồng…” Arirang qua lời ca của những thanh nhiên trẻ tuổi nghe mới thật nhiệt huyết làm sao. Chứa chan trong mỗi câu hát là quyết tâm giữ gìn và tinh thần đồng lòng truyền bá Arirang ra thế giới.

Có rất nhiều giả thuyết liên quan đến nguồn gốc cũng như ý nghĩa của bài dân ca này. Chữ “Ari” được cho là mang ý nghĩa tươi sáng, hy vọng. Với việc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, những ý nghĩa đẹp đẽ ấy của Arirang như được tỏa sáng hơn bao giờ hết. Qua đó, cánh cửa thế giới đã rộng mở để chào đón một Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu mới, làn sóng Arirang!

Bài Mới Nhất
Search