Có một loài chim chỉ cất tiếng hót một lần trong đời rồi chết, nhưng tiếng hót ấy hay nhất thế gian, vượt lên trên mọi nỗi đau khổ của thân xác. Với nữ văn sĩ người Úc Colleen Mc Cullough thì những gì tốt đẹp nhất trên thế gian chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại nhất.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng thì cho rằng, loài người cũng chỉ một thời để sống và để chết, thì cũng nên hát lên những bản nhạc tình để ngợi ca một thời đã sống trước khi bước vào những nỗi khốn cùng buồn thảm của cái chết.
Do đó, tình ca là con đường ông đã chọn và đã cưu mang trong suốt cuộc đời nghệ thuật. Tình ca đối với ông như một kẻ đồng lõa cho sự tồn tại của nhân loại.

Tình ca là con đường tôi đã chọn và cưu mang’
Sau lần đầu tiên gặp ông trong đêm nhạc ở phòng trà Văn Nghệ, Sài Gòn năm 2008, bảy năm sau, vào ngày mùng 5 Tết Ất Mùi, tôi mới có dịp gặp lại nhạc sĩ họ Từ tại chính tư gia của ông ở Portland, Oregon – thành phố của hoa hồng.
Oregon những ngày cuối tháng Hai đẹp như một bức tranh. Cái lạnh se se của mùa xuân làm cho tâm hồn người ta dịu lại. Những con dốc lúc lên cao lúc xuống thấp, những cây thông cao vút gợi nhớ đến một Đà Lạt xưa cũ.
Cho dù xe dừng trước nhà ông vừa đúng với thời gian đã hẹn, thì người đầu ấp tay gối của ông, bà Từ Công Phụng đã đứng chờ trước cửa.
Người phụ nữ có gương mặt khả ái và một nụ cười rất hiền nói “Ông nhà tôi sẽ ra ngay.”
Không phải chờ lâu, người nhạc sĩ của “Mưa trên ngày tháng đó” bước ra cùng câu nói: “Rất đúng giờ.” Giọng nói của ông vẫn thế, trầm, đủ để người đối diện cảm thấy như ông chỉ nói cho riêng người đó; ấm, đủ để xóa bỏ bức tường ngần ngại giữa hai người xa lạ lần đầu tiên gặp nhau.
Trong đêm nhạc bảy năm trước ở Sài Gòn, bài hát “Xứ thâm trầm” được ông cất lên chưa kịp hết câu thứ nhất, thì ông ngập ngừng… “Xin lỗi quý vị, bài hát này tôi chưa được phép.”
Không giống như nhà văn Nguyễn Tuân lúc sinh thời có lần thốt lên rằng, “đôi khi, người ta đi không hẳn để tìm một nơi đến, mà ít nhất có một nơi để rời bỏ,” Từ Công Phụng ý thức rất rõ vì sao ông phải đành đoạn dứt áo rời bỏ quê nhà, đến một bến bờ xa lạ. Ông muốn tìm đến một nơi mà ông gọi là “Xứ thâm trầm” để âm thầm sống.
“Về xứ thâm trầm xa cuộc đời này. Sẽ không còn ngàn kiếp truân chuyên và hết nhân duyên, tôi trở về kết đọng linh hồn làm mặt đá xây hồ lãng quên.” (ca khúc Xứ thâm trầm)
“Khi một người nhạc sĩ viết ra một ca khúc, họ muốn âm nhạc của mình được phổ biến rộng rãi trong nhân gian để nhận diện được những tâm tư thầm kín mà họ không được thổ lộ. Người nhạc sĩ nào cũng muốn âm nhạc của mình được ‘bay’ trong nhân gian.”
Ông mỉm cười, chậm rãi nói khi được hỏi về suy nghĩ của mình trong lần không thể trình diễn trọn vẹn bài hát khán giả của mình mong muốn trong lần đầu tiên về hát trên quê hương.

Ông chưa từng quên giây phút đó.
Rất nhiều người, trong đó có cả những thế hệ được sinh ra sau cuộc chiến, được nuôi dưỡng và lớn lên bằng những lời nhạc tinh tế đến từng nốt, đẹp đến từng câu chữ. Qua những tác phẩm ấy, họ nhìn tình yêu và cuộc đời, cuộc sống và con người bằng cái nhìn hiền hòa hơn. Cho dù đó là những bản nhạc tình buồn thì cái buồn ấy cũng chất chứa một tâm hồn yêu thương dạt dào.
Nhạc sĩ họ Từ cho rằng sở dĩ nhạc tình của ông chất chứa một triết lý tình yêu sâu lắng, buồn nhưng không bi lụy, đó là do quan điểm sống của mỗi con người. Theo ông thì “mỗi người có một hào quang khác nhau.”
Cái “hào quang” mà ông nhắc đến không phải là ánh sáng chói lọi từ thiên đường nào đó. Và càng không phải là ánh sáng phân biệt giữa sang hèn. Mà đó là cái “hào quang” trong sự chiêm nghiệm cuộc đời của riêng mỗi một người.
Có người nói rằng nhạc Từ Công Phụng buồn đến con dế nghe nó cũng buồn và “tự tử giữa đêm sương”; con chim sẻ cũ nó cũng “qua đời trong lặng lẽ” (ca khúc ‘Trên ngọn tình sầu’, Từ Công Phụng phổ nhạc theo bài thơ ‘Khúc thêm cho Huyền Châu’ của Du Tử Lê.)
Với Từ Công Phụng, ông nghĩ rằng cho dù có thế nào chăng nữa thì cuộc gặp gỡ nào cũng là hữu duyên và cũng để lại một điều đẹp đẽ.
“Dù một khoảnh khắc sớm phai tàn/Và lệ em rớt trên môi nhạt/Đôi mắt em rất buồn, đôi chúng ta rất buồn/Vạn câu tình cũ, xin gửi cho đời.” (Mắt lệ cho người)
“Cho dù chỉ là một khoảnh khắc trong cuộc đời, nhưng cuộc gặp gỡ ấy vẫn là đẹp. Dù có xa nhau, nhưng trong tâm tưởng của mình vẫn còn đó những kỷ niệm đẹp,” ông nhẹ nhàng nói.
Nhạc tình của ông mang cái buồn nhẹ tênh. Người nghe như thoảng thấy cái buồn quấn quanh sự hờn dỗi mà ông giữ cho riêng mình. Rồi đến một lúc nào đó, ông nhẹ nhàng xin gửi vạn câu tình cũ lại cho đời. Khi một khoảnh khắc đã qua, ông chỉ nhẹ nhàng xin tạ tình khi một ai đó một lần nữa đi thoáng qua cuộc đời ông.

Chính cái buồn nhẹ tênh không hờn trách ấy mà giai điệu và thanh âm những bản tình ca của ông phảng phất cái đẹp sang trọng, hiền hòa như dòng suối chảy hoài từ ngàn kiếp? Từ Công Phụng cho rằng “có lẽ do cách mình cảm nhận và hiểu về cuộc sống.”
“Đối với người phụ nữ, tôi luôn dành cho họ những gì nhẹ nhàng nhất. Nếu đó là những người đi ngang qua cuộc đời mình, cho dù chỉ là trong khoảnh khắc, thì nó vẫn đem lại cho mình hạnh phúc. Trong khoảnh khắc đó, có những điều luôn được giữ lại vĩnh cửu trong lòng.”
Nhưng ông xác nhận tình ca của ông truyền tải một tình yêu nhân từ. “Tôi không trách ai, hờn ai, cho dù cuộc tình với họ để lại cho mình những niềm đau. Cuộc đời có lúc đến rồi cũng phải có lúc đi.”
Cho dù ông có là chứng nhân của những cuộc tình ngắn ngủi, không thực, nhưng sự hụt hẫng nơi ông chưa bao giờ là đau đớn đến tuyệt vọng. Bởi ông luôn quan niệm “nếu có điều gì là vĩnh cửu, thì em ơi đó là tình yêu của chúng ta” và vẫn muốn sống trọn vẹn với chính mất mát của mình.
“Trong cuộc đời, tôi đã có những hình bóng trong tâm tưởng để gọi là tình yêu dù chỉ một khoảnh khắc gặp gỡ thoáng qua. Nhưng khi đã là tình yêu với một người, hoặc lớn hơn là khi lập gia đình, thì tôi tự nhận mình là người chung thủy,” ông nói.

‘Tất cả là định mệnh’
“Đừng hỏi vì sao ngày xưa chúng tôi viết được những bài nhạc như thế. Chúng tôi sẽ không trả lời được. Tự nhiên nó ở trong mẫn cảm của mình, những lãng mạn trong tâm hồn của mình nó nảy ra. Có thể gọi đó là thiên phú. Người nhạc sĩ viết ca khúc là nói lên giùm tâm tư của những người bình thường không nói lên được bằng văn, bằng thơ bằng nhạc. Những người làm văn nghệ như chúng tôi viết giùm cho họ. Mình viết đúng, họ sẽ nghe đúng và họ cứ mang theo bài hát ấy suốt cuộc đời của họ,” ông từ tốn nói.
“Rất nhiều lần tôi cũng tự hỏi vì sao tôi trở thành nhạc sĩ? Nhưng…tôi chịu. Đó là ‘định mệnh’”

“Có một câu chuyện tôi nhớ mãi. Một lần về Việt Nam hát, có một khán giả yêu cầu tôi hát bài ‘Đêm không cùng’ Khi đó, cũng với lý do giống như ‘Xứ thâm trầm’, nên tôi nói khéo là ‘Xin lỗi, tôi không nhớ lời’ Thế là vị khán giả ấy, còn rất trẻ, nói rằng ‘Chú hát đi, cháu nhắc lời cho’ Tôi vừa ngạc nhiên vừa hạnh phúc. Ngạc nhiên vì có những người thuộc thế hệ bây giờ hát nhạc của tôi. Tôi nghĩ đó là hạnh phúc chung của bất cứ người nhạc sĩ nào,” ông kể lại, ánh mắt cười hạnh phúc.
“Có những lời nhạc khi người nhạc sĩ viết ra và khán thính giả nghe, họ thấy hay, họ nhìn thấy họ trong đó, thì người nhạc sĩ đó thành công.”
Tôi chợt hỏi “Nhạc sĩ vẫn còn và sẽ còn viết nhạc chứ?”
“Tôi vẫn còn sáng tác,” ông cười và nói.
“Nhưng chắc chắn có khác với ngày xưa. Ngày xưa tôi viết nhạc lãng mạn nhiều. Bây giờ cái lãng mạn đó được quay về với tình yêu thương gia đình bạn bè nhiều hơn là tình yêu bâng quơ thời trẻ.”
Nói đến cái lãng mạn bâng quơ của tuổi trẻ, thì đó chính tình yêu của “Bây giờ tháng mấy,” bài hát đầu tiên ông sáng tác năm 1961. Thế nhưng, phải đến một thời gian sau, khi thành lập ban nhạc Ngàn Thông ở Đà Lạt, ông mới “có can đảm” hát tác phẩm của mình cho người nghe qua làn sóng phát thanh.
Đúng như lời ông nói, “Bây giờ tháng mấy” là một bản tình ca có mơ mộng, có hờn dỗi, có yêu thương, có cảm xúc bâng quơ nhưng rất ngọt ngào.

Năm ấy ông 18 tuổi.
Ông tự nhận rằng khi nghe nhạc Từ Công Phụng ở thập niên 60 sẽ khác với nhạc của Từ Công Phụng của những năm 70s, 80s và cả sau này.
“Ở thập niên 60s, những câu thơ, trang sách tiểu thuyết mang đến cho tôi cái lãng mạn, thậm chí ray rức về cuộc tình thoáng qua nào đó. Đến những năm 70s, mình đủ lớn để có những lo âu, suy nghĩ về một tình yêu đang có. Sau đó nữa, thì mình đã sống nhiều hơn, hiểu đời nhiều hơn, và cái nhìn của mình về cuộc đời sâu hơn, trầm lắng hơn.”
Khi con người hướng đến sự “sâu hơn,” “trầm lắng” hơn thì khái niệm thời gian đối với họ không còn là sự khởi đầu nữa. Ai cũng có một thời để sống và một đời để chết. Khi mỗi ngày đi qua một ngày, họ nâng niu những gì thuộc về giá trị tình thâm hơn là những mộng mơ tuổi trẻ. Đó là lúc mà “tôi nhìn tình yêu với ánh mắy nhân từ hơn.”
Ông cho biết có những tác phẩm ra đời rất nhanh, chỉ hơn…một giờ đồng hồ, như “Giữ đời cho nhau”; “Lời cuối”. Tuy nhiên, “Mưa trên ngày tháng đó,” thì bài hát này phải đến ba tháng mới được hoàn thành.
“Đó là bài hát tôi viết lâu nhất, trong ba tháng. Tôi viết đi viết lại hoài vẫn chưa thấy hài lòng. Mà tôi nghĩ sẽ khó có một bản nhạc nào được hài lòng một cách trọn vẹn. Bởi người nhạc sĩ luôn muốn khám phá và tạo ra cái đẹp hoàn hảo,” ông chia sẻ.
Khi nói định mệnh cho ông trở thành nhạc sĩ, thì ông cũng khẳng định rằng “định mệnh mình thay đổi mình không biết được.”
“Ngày xưa, khi ở Việt Nam, tôi kết nghĩa vợ chồng với một người. Thế rồi, vì những lý do mà không ở bên cạnh nhau được. Tôi tiếp tục cuộc đời thứ hai. Và tôi có hạnh phúc. Người này hy sinh quá nhiều cho tôi. Nên tôi thấy mình ‘nợ’. Đó chính là định mệnh. Cũng như mình không biết khi nào mình được sinh ra và khi nào mình chết đi. Đó là bí mật của thượng đế. Và mình phải tin.”

“Cuộc đời thứ hai” mà ông nhắc đến chính là người phụ nữ đã đứng chờ tôi ở cổng. Từ đầu câu chuyện đến giờ, bà loay hoay châm trà, mứt, bánh, trái cây. Hôm nay vẫn còn là ngày Tết.
Nghe ông nói đến định mệnh vợ chồng, bà cất tiếng: “Tình nghĩa vợ chồng không chỉ là tình nghĩa giữa hai người, mà nó là sự liên hệ đến đời con, đời cháu. Trong lúc đau ốm, mình phải biết mình có bổn phận với người phối ngẫu của mình. Không phải vì hôm nay anh tài danh, anh đẹp mà tôi yêu thương anh. Đạo công giáo có câu nói ‘tuy hai mà một.’”
“Người kia bệnh, là thân xác của chính mình bệnh. Tại sao thân xác của mình? Người đàn bà được ví nhu một mảnh đất phì nhiêu, và người đàn ông là người cày xới. Sự gắn kết của họ chính là những đứa con, cháu.”
Trong suốt câu chuyện, ly trà của ông không bao giờ vơi. Vì cứ mỗi khi gần cạn, là bà lại châm thêm cho đầy. Bà khen và “cho ông 10 điểm” mỗi lần ông nhớ mang theo điện thoại khi ra ngoài.
Ông nghiêng người nói nhỏ, “Nhà tôi giỏi lắm. Bà là người phụ nữ chu toàn, tần tảo vun xới gia đình.”
***
“Yêu một người nổi tiếng đã khó, khi người đó là nghệ sĩ lại càng khó hơn. Mình phải biết rằng mình không thể giữ trái tim của họ. Trái tim của họ là dành cho nghệ thuật. Nhưng không phải như thế mà mình không hạnh phúc. Vì hạnh phúc đến từ sự thấu hiểu và tôn trọng nhau,” bà Từ nói và giục ông quay về vì trời bắt đầu lạnh, mà bà thì “tôi không muốn ông ấy bị cảm.”
50 năm, định mệnh đã gắn Từ Công Phụng với những bài tình ca mượt mà, trầm lắng. Những bản tình ca đó sẽ mãi mãi là những chiếc que diêm đốt cháy trái tim người nghe, mang họ về với mùa xuân đỉnh bình yên của đời người.

Kalynh Ngô/Người Việt

(Nguồn: Nhac-viet.com)