T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 210)

clip_image002

Câu đố, câu đối

Nền văn học dân gian Việt Nam có một hình thái văn chương, văn vẻ thật độc đáo, đó là: Câu đố. Nó xuất phát từ sự quan sát của con người, động vật, sự vật… hàng ngày. Những nghệ nhân vô danh thu lượm, sáng tạo rồi viết thành lời, truyền tụng trong dân gian. Người nghe thích thú, suy nghĩ sau đó.. đoán. Thí dụ:

 Hai tay nắm lấy khư khư

Bụng thì bảo dạ, rằng, Ư  – đút vào

Ðút vào nó sướng làm sao

Dập lên dập xuống nó trào nước ra.

(Ăn mía)

Hoặc

 Mặt tròn vành vạnh, đít phổng phao.

Mân mân, mó mó – đút ngay vào

Thủy hỏa tương giao, sôi sùng sục

Âm dương hòa khí, sướng làm sao !

(Cái điếu bát)

Hay :

 Vừa bằng bắp tay

Thay lay giữa háng

Ðến ngày đến tháng

Lông lá mọc dầy.

(Bắp ngô)

(Lê Xuân Quang – Câu đố xưa…câu đối nay)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Lá húng di dân (1)

Từ xưa dân đất Bắc chuộng nhất là húng Láng trong số rau thơm.  Có người suy ra đấy chính là rau húng quế vì lá nó láng.  Rau húng có viền răng cưa với mầu xanh nhạt hơn, được trồng vô số từ làng Láng lân cận thành phố Hà-Nội.

Thật ra “húng” vốn là đầu ngữ chỉ chung các loại rau gia vị như húng nhũi (lũi, hay bạc hà), húng chanh (tần dầy lá), húng quế, v.v… nhưng về sau húng Láng vẫn thường được người ta gọi gọn lỏn là “húng” cho đỡ mỏi mồm.

Húng quế đi qua miền Trung, bị đọc đi là “huế” (trại từ âm guế).

Vào đến miền Nam thì “húng” thành danh “húng cây”, chuyên đi kèm rau mùi (ngò rí, nhí) trong đĩa gỏi thu đủ bò khô, gan cháy.

(Bá ngọ nhà mày: B-G)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Từ ngữ: “vênh váo như bố vợ phải đấm“.

Nếu là phải đấm thì vô nghĩa,…có gì mà vênh váo?

Thật ra, phát âm câu ấy là: vênh váo như bố vợ phải đám” có nghĩa là “kiếm đuợc, gặp đuợc một đám, một mối lương duyên cho con gái mình !

(Những câu chuyện Việt ngữ – Nguyễn Hy Vọng)

 

Chữ và nghĩa (6)

Tục ngữ là sản phẩm của quá khứ. Vì vậy, khi dạy tục ngữ, tất phải đối mặt với những từ ngữ cổ hết sức xa lạ với học sinh. Giới biên soạn sách giáo khoa e dè như thế kể cũng phải, vì khó lòng có thể né tránh được những những trở ngại về ngữ pháp  đến độ từng gây lúng túng cho không ít các nhà học giả danh tiếng. Ðể dễ hình dung những gì vừa nêu đó, chúng tôi xin đưa ra một vài dẫn chứng chưa đúng lắm về cấu trúc cú pháp của tục ngữ.

Tiện thể cũng nên dẫn thêm ra vài dẫn chứng nữa để bạn đọc có thể dễ hình dung việc vận dụng mô hình cho tục ngữ thường gặt hái được những “thành quả tai hại” như thế nào.
Ăn cơm có canh, tu hành có vãi thường được diễn giải như là “Sự ham muốn nhục dục của kẻ trong giới tu hành là chuyện thường tình, ví như ăn cơm thì phải có canh, ở nhà chùa thì ắt có vãi”.

Trong khi nghĩa đích thực của câu này là: “Ăn cơm thì cần có canh cho dễ nuốt; tu hành thì cần có vãi để đỡ bị phân tâm vào chuyện cơm nước khi đang phải dồn hết tâm trí cho việc tu hành”.
(Tạp chí Ngôn ngữ  – Nguyễn Đức Dương)

 

Chùa Kim Liên

Từ Hoa là con gái vua Lý Thần Tông (1128 – 1138). Vua dựng cung Từ Hoa cho công chúa và các cung nữ ở đó để thấu hiểu thêm công việc đồng áng vất vả mà thấy rõ hơn giá trị ngôi tôn quí của mình. Đến đời Trần, trại Tằm Tang đổi thành phường Tích Liên. Dân làng dựng chùa Đống Long trên nền cung Từ Hoa cũ. Đến năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa lớn và đổi tên là chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa được xây dựng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay.

Chùa Kim Liên nằm ở phía đông bắc hồ Tây, Hà Nội.

 

Dân ca tình tự dân gian

Dưới đây là nguyên bản bài Cô gái hái chè ở vùng Thái Nguyên miền Bắc quê hương của bà Đặng Thị Huệ thời chúa Trịnh Sâm:

 Hôm qua em đi hái chè

Gặp thằng phải gió nó đè em ra

Em lạy mà nó chẳng tha

Nó đem đút cái mả cha nó vào

Bấy giờ em biết làm sao?

Nếu em càng giẫy nó càng vào sâu

Cái gì như thể củ nâu

Cái gì như cái cần câu vật vờ

 

Chữ nghĩa làng văn

 Theo gương Lý Bạch tuổi trẻ đi chu du khắp Trung Quốc, ba năm Nguyễn Du đã đi giang hồ: “Giang Bắc, Giang Nam cái túi không”; thành nhà sư Chí Hiên, đội mũ vàng, lưng đeo trường kiếm như các nhà sư Thiếu Lâm, trong túi vải nâu một quyển Kinh Kim Cương chú giải của Lê Quý Đôn. Tụng kinh làm công quả kiếm ăn bữa rau đậu, cư ngụ từ chùa này sang chùa khác, ngày viếng danh lam thắng cảnh, đêm tụng kinh Kim Cương trong suốt ba năm (1787-1790) từ Vân Nam, lên Trường An, lại xuống Hàng Châu, lên Bắc Kinh rồi lại về Thăng Long.

 Vô tự kinh: Nguyễn Du kể chuyện khi ông đi sứ, có viếng một thạch đài trên đó thái tử Chiêu Minh con Lương Vũ Đế, khắc chữ phân chia kinh Phật. Ông làm bài thơ nói là cốt tủy của Phật giáo là không, kinh kệ Pháp Hoa hay Kim Cương chỉ là ngôn ngữ.  Bốn câu thơ chót nói ông đã đọc ngàn lần kinh Kim Cương mà chẳng thu thập gì nhiều, nay viếng cảnh chữ khắc trên thạch đài đã bị thời gian xóa mờ chẳng còn thấy chữ nào mới thấy vô tự mới đúng là chân kInh:

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh

Kỷ trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ

Chung tri vô tự thị chân kinh.

Với chữ: “Vô” đây, Lạt ma Mathieu giải nghĩa là theo Phật Giáo, những chuyện xảy ra ngòai đời chỉ là những hiện tượng theo nguyên lý nhân qủa. Những điều đó không phải là chân lý tuyệt đối vì đã bị ảnh hưởng qua nhiều điều kiện. Chúng chỉ là “tục đế”. Còn thực tại tối hậu (chân đế) thì chỉ qua cảm xúc, giác quan, thiên kiến…mà thôi.

Lạt ma Mathieu nói “không” có nghĩa là “emptiness” nhiều hơn (trống vắng, không có một hiện tượng nào xảy ra), chứ không có nghĩa là “nothingness” (hư vô).

(Nguồn: Hoàng Dung)

Giai thoại làng văn xóm chữ

 Tú Xương Trần Tế Xương (1870-1907) để lại toàn thơ nôm, khoảng non trăm rưởi bài. Đó là một điều độc đáo và có ý nghĩa như cao điểm của phong trào trí thức Việt Nam làm thơ tiếng Việt.

Phong trào nói trên bắt đầu mạnh mẽ với việc diễn nôm Chinh phụ ngâm khúc vào khoảng giữa thế kỷ 18, nhưng trong suốt hàng thế kỷ tiếp theo các nho sĩ ta vẫn vừa làm thơ tiếng Việt vừa làm thơ tiếng Tàu.

Phải đợi đến Tú Xương, ta mới lần đầu tiên thấy một người trí thức Việt Nam tránh hẳn việc sáng tác bằng tiếng Tàu.

(Tú Xương – Thu Tứ)

 

Quạnh

Quạnh: vắng vẻ, cô đơn

(đồng không mông quạnh, quạnh hơi thu lau lắt đìu hiu)

Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)

 

Chữ nghĩa làng văn

 Trong thể phú, câu đối chia thành nhiều lối: song quan, cách cú, gối hạc nên người làm thơ cần phải dụng công nhiều hơn.

Chẳng hạn trong lối gối hạc: mỗi vế có ba đoạn trở lên, đoạn ngắn xen giữa hai đoạn dài (như đầu gối giữa hai ống chân con hạc), thí dụ:

Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu;

Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.

   Hàn Nho Phong Vị Phú (Nguyễn Công Trứ)

Lối cách cú: mỗi vế chia một đoạn ngắn và một đoạn dài, thứ tự trước sau không bắt buộc:

Đất chẳng phải chồng, đem gửi thịt xương sao lợi?

Trời mà chết vợ, thử xem gan ruột mần răng?

Lối song quan: mỗi vế có từ 5 đến 9 chữ thành một đoạn liền:

Con ruồi đậu mâm xôi đậu;

Con kiến bò đĩa thịt bò.

(Khuyết danh – Tiếng Việt lý thú)

 

Chơi chữ

Cách chơi chữ này thường dựa trên cơ sở cùng âm. Góp nhần nhận ra hiện tượng cùng nghĩa, có thể nhờ vào yếu tố cùng trường ở vị trí đối ứng. Ví dụ:
Trồng môn trước cửa
Bắt ốc sau nhà
Các cặp cùng nghĩa HV–TV: “môn” – “cửa”; “ốc” – ”nhà”. Trong ngữ cảnh thuận, “môn”, “ốc” là tên cây, tên con vật (TV); chúng chuyển thành từ HV để tương ứng với “cửa”, “nhà”, theo cách cùng nghĩa (để chơi chữ). Sự chuyển nghĩa này được nhận ra do hiện tượng cùng trường: “cửa” – ”nhà” .
(Câu đối chơi chữ theo cách cùng nghĩa – Triều Nguyễn)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Theo “Tự điển tiếng Việt dành cho học sinh” ở Hà Nội (Vũ Chất):

Cào cấu: vừa cào vừa cấu

 

Chữ nghĩa làng văn

 Với bài Sa mạc Hoàng Cầm được biên soạn tại Paris, thủ đô nước Pháp, tháng 6-1998, nữ phê bình gia văn học Thuỵ Khuê luận: “Lá Diêu Bông là lá gì? Bí mật. Phải chăng là lá hạnh phúc? Là tình người? Là tự do? Là lòng trinh, là nghĩa liệt? Là gì chăng nữa thì diêu bông chắc chắn chỉ là ảo ảnh. Lá ảo ảnh, lá hư vô, lá tuyệt mù trong cõi sống.”

(Phanxipăng – Diêu bông rụng xuống lòng sông Đuống)

 

Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ

Ngày xưa…ngày nay…

Ngày xưa tiệc nhậu linh đình,
Ngày nay ăn uống tận tình kiêng khem.

 

Khảo chứng về bài thơ trứ danh

Bài thơ không có tựa đề nhưng rất trứ danh được ký giả tiền bối Đoàn Bá Ninh dịch ra tiếng Việt vào năm 1947 trong trại giam Thái Nguyên, Bắc Việt từ tiếng Hán:

Hồng diện đa dâm thủy

Mi trường hạ tố mao

Triết yêu chân đại huyệt

Trường túc bất chi lao

Vì tam sao thất bản nên câu 2 và 3 có nhiều dị bản. Về phương diện khảo dị, câu 2 có những biến dạng như sau: “Đa mi tức đa mao” hay “Đa mi hấu đa mao”. Vì vậy chữ “tố” là sai. Đúng ra “đa” mới đúng vì chữ “tố” là âm Hoa ngữ Quảng Đông.

Câu 3 thì lại: “Tế yêu ư đại huyệt” hay “Tiểu yêu chân cự huyệt” hoặc giả như Phong yêu âm hộ đại”. “Tế yêu”  hay “Tiểu yêu”  thì nghĩa chỉ nhỏ thôi. Chữ “Phong yêu” tức đáy lưng ong nghe hay hơn vì ta có câu ca dao “Những người thắt đáy lưng ong – Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con”.

Với eo thắt, trở về câu “Triết yêu chân đại huyệt” thì chữ “triết yêu” chỉ cái eo thắt như cái chén chiết yêu, nghe hợi hình gợi cảm hơn.

(Lê Văn Lân – Hồng diện đa dâm thủy)

 

La De…ngoại truyện (2)

L’orge (hobbs), lúa mạch để nấu bia phải được rang (torréfier) như rang hột cà phê vậy và độ rang và thời gian rang sẽ tô màu cho La De.

La De Vàng, hay Bia Vàng Bière Blonde. Màu Blonde, vàng ánh, trong vắt và bóng láng. Bia màu vàng là màu rất thường gặp bia. Nấu (brassée) với lúa mạch vàng nhạt. Bia Vàng thường là Bia giải khát, uống trưa chiều tối. Ít độ rượu, thơm mát, với một vị chát đắng nhẫn nhẹ nhàng. Heineken, 33 export, Carlsberg, Kronenbourg là một vài ví dụ.

Món Ăn hạp: khai vị chung chung, gỏi với tôm thịt, thịt gà, phó mát nhẹ lạt loại đầu bò.

(Phan Văn Song)

 

Nhân văn giai phẩm (3)

Người gọi tác phẩm của Trần Duy là cái thứ “văn nghệ vô nhân đạo của thần chết”, là “những thứ cỏ độc, mà chúng ta phải nhổ sạch, quét sạch, để vứt vào rác, hoặc làm một thứ phân bón cho những bông hoa chân chính trong vườn văn nghệ của ta” là nhà phê bình Vũ Đức Phúc…;

 Chưa kể hàng trăm văn nghệ sĩ  không kém danh tiếng khác – từ Thế Lữ, Bửu Tiến, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Đoàn Giỏi, Tú Mỡ, Đoàn Văn Cừ, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tuân…, đến Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Đình ThiVõ Huy TâmĐào VũBùi Huy Phồn… – hăng hái góp đinh cho những chiếc búa tạ nêu trên chốt quan tài những đồng nghiệp “nổi loạn” của họ.

(Phạm Thị Hoài – Cú giãy cuối cùng của nền phê bình chỉnh huấn)

 

Ngộ  Không

(Sưu Tập)

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

 

Bài Mới Nhất
Search