T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Tác Giả Tác Phẩm – Dương Như Nguyện

clip_image002

Tiểu sử :
Bút hiệu: Uyển Nicole Dương, Nhung-Uyên.

Sinh tại Hội An, Quảng Nam, lớn lên ở Huế. Hiện định cư tại Hoa Kỳ.

Tác phẩm :

Mùi hương quế, Chiếc phong cầm của bố tôi, Chín chữ của nàng.

Daughters of The River Huong (Con gái của sông Hương)

 

Đoàn Nhã Văn

Dương Như Nguyện Và Tâm Thức Trở Về Phương Đông

Dương Như Nguyện viết không nhiều, thi thoảng mới có truyện đăng trên các tạp chí văn chương.  Thời gian sau này bà dường như viết rất ít. Tuy nhiên, mỗi truyện ngắn hoặc tùy bút sau khi xuất hiện, đều để lại nhiều ấn tượng mạnh, làm ray rứt người đọc. Ở tập truyện Mùi Hương Quế, người đọc bắt gặp một trăn trở lớn, một tâm thức trở về phương Đông của một người phụ nữ thành đạt, đang sống và làm việc trong xã hội Aâu Mỹ. Mùi Hương Quế  bao gồm truyện, tùy bút và một vở kịch.  Tuy nhiên, bài viết này chỉ giới hạn ở truyện và tùy bút, phần mà chúng tôi cho là tiêu biểu khi nói đến văn chương của Dương Như Nguyện. 

Hai bài tùy bút, Những Cỗ Quan Tài Của Tĩnh TâmMùi Hương Quế, in đậm một nỗi trăn trở về thân phận của người phụ nữ Việt Nam, trong suốt chiều dài của chiến tranh và ngay cả sau cuộc chiến.

Tùy bút của Dương Như Nguyện đẹp.  Nét đẹp thoát ra từ tâm hồn của tác giả, người đã nhìn những nhân chứng sống của thời đại, nhưng rất gần gũi với chính mình, bà ngoại và Mẹ, để ôn lại quá khứ mà cảm thông cho phận đàn bà, mà chia xẻ với nỗi niềm riêng tư của từng cảnh ngộ. Lối viết của Dương Như Nguyện quyến rũ nhờ sử dụng những hình ảnh gần gũi với đời thường nhưng mở ra những rung động lớn. Những hình ảnh thoạt nhìn, chỉ là những phần riêng tư của một tâm hồn nhạy cảm, nhưng qua ngòi bút của Dương Như Nguyện, nó không còn là của riêng, mà nó đã thành của chung, ít nhất là của một thế hệ.

Thử nhìn lại một trong những hình ảnh xuất hiện trong tùy bút của Dương Như Nguyện:

“Tôi nhớ mãi có lần tôi bắt gặp bà ngoại tôi nhỏ lệ, không phải vì tuồng cải lương hay vì giận ông ngoại. Nước mắt bà thấm ướt mái tóc dài.  Tay bà run lẫy bẫy.  Bà kể cho tôi nghe một hình ảnh mà lâu nay bà vẫn thấy trong một giấc mộng đã ám ảnh bà cả đời.  Bà dặn dò tôi dừng kể cho ai nghe, kể cả mẹ tôi.

Trong giấc mộng ấy, bà ngoại tôi, người đàn bà đẹp xứ Huế mang tên Tĩnh Tâm, ngồi một mình bên một bờ sông tĩnh lặng. Có thể là dòng Hương Giang, có thể là con sông Bến Ngự, hoặc có thể là khúc sông chảy qua làng Cồn. Trên dòng sông có những cỗ quan tài trôi từ từ, lặng lẽ.

Người đàn bà ngồi đợi để vớt những cỗ quan tài.”  (Trang 23)

Quan tài? Vâng, chỉ có quan tài mới chuyên chở trọn vẹn ý nghĩa tử biệt – sinh ly.  Chỉ có quan tài mới gói trọn những mất mát, cách ngăn, đau đớn, thống khổ, và vĩnh viễn không bao giờ gặp lại cái gì mình đã mất. Người đàn bà trong tùy bút của Dương Như Nguyện không còn là hình ảnh riêng, mà nó là hình ảnh chung cho bao nhiêu thế hệ phụ nữ sống trên đất Việt.  Bà phải ĐỢI để vớt những cỗ quan tài. ĐỢI là một sự chấp nhận; một chịu đựng không một tiếng thở than, không một lời oán trách.  Khi chấp nhận và chịu đựng, thì mọi thứ xem ra nhẹ tênh, tựa như lông hồng.  Có xem mọi thứ đều nhẹ, ngay cả những cỗ quan tài, thì mới ngồi đợi để VỚT.

Thử đọc lại một lần nữa.

“Người đàn bà ngồi đợi để vớt những cỗ quan tài.”

Đơn giản. Dễ hiểu. Trong cái đơn giản cùng cực ấy và trong cái hình ảnh trần trụi ấy đã nảy sinh một rung động lớn, mở ra cả bề diện lẫn bề sâu của liên tưởng. Đó là lối hành văn của Dương Như Nguyện, một lối hành văn ít có người sử dụng, ở thể loại tùy bút.

Không chỉ trong chiến tranh, sau khi đất nước thống nhất, ám ảnh của những cổ quan tài vẫn dẫy đầy. Những cỗ quan tài có thể ập đến họ bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu.  Đó là nỗi chết chóc trong rừng sâu, trên đường vượt thoát. Bởi thế, không ngạc nhiên khi Dương Như Nguyện cho rằng: “Tôi tự hỏi có người phụ nữ Việt nam nào nhạy cảm, là nạn nhân của xã hội chiến tranh đó, mà không mang trong lòng những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm.” (Trang 29)  Một câu hỏi không cần câu trả lời. Tự nó đã nói thay cho biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam thời cận đại.

Những cỗ quan tài không chỉ riêng của Tĩnh Tâm, mà nó đã thành của chung, cái mất mát chung, cái thương đau chung, cái nghiệt ngã chung của cả một thời đại. Biến được cái riêng thành cái chung, đòi hỏi một bút lực mạnh mẽ, đầy sức sống. Và ở Dương Như Nguyện, nhất là trong thể loại tùy bút, ta thấy được điều đó.

Ở Những Cỗ Quan Tài Của Tĩnh Tâm Dương Như Nguyện lấy hình ảnh quá khứ quá khứ để cảm thông, thì tùy bút Mùi Hương Quế viết về hiện tại để phấn đấu, viết về một Wendy trước những chồng hồ sơ khổng lồ, trước những tập đoàn, những tổ hợp trong thương trường Bắc Mỹ, nơi dành cho những gã đàn ông da trắng, những kẻ tốt nghiệp từ Harward, Yale, Standford, thi thố tài năng trước luật pháp của Mỹ quốc.  Nhưng dù gì đi nữa, trước sau người đọc vẫn thấy một trăn trở, một nhung nhớ, một tìm về, dù là tìm về một mùi hương, như mùi hương quế.

*****

Nếu ở tùy bút, Dương Như Nguyện dựng lên những hình ảnh liên tưởng mạnh mẻ, sâu thẳm, thì ở truyện ngắn, Dương Như Nguyện tạo nên những nhân vật nữ đầy cá tính.  Ở họ không còn là hình ảnh một đời chịu đựng và chấp nhận như những thế hệ trước, mà là một vươn lên, bứt phá, làm chủ lấy cuộc đời mình. Ở họ, phảng phất hình ảnh của những người phụ nữ thành công trên xứ người. Họ hội nhập mau chóng. Đó là ngững người phụ nữ trong những truyện ngắn “Tình yêu giữa hai dòng”, “Chủ Nhật của Eve, Singapore”, và “Người đàn bà đi tìm dấu chân”.  Họ vượt ra khỏi những rào chắn cũ như truyện Trời Mùa Mưa Singapore.  Họ bứt qua khỏi những cảnh chịu đựng ngàn đời của người đi trước.  Họ làm việc cật lực, và đổ công sức gấp ba lần để đạt được những gì mà người da trắng đạt được. Ở họ không có sự đầu hàng. Trong tự điển của họ không có chữ “lép vế”.  Họ đốp chát nơi tòa án, họ đại diện những tổ hợp, những công ty khổng lồ ở New York, ở Singapore. Họ leo Hy Mã Lạp Sơn, họ dấn thân vào những nơi chốn mà lớp người phụ nữ trước kia chưa bao giờ dám nghĩ tới. Và cũng trong sự hội nhập đó, họ đã sống và hít thở như một người Mỹ bản xứ, họ ung dung thoải mái làm những việc mà người đàn bà Việt Nam hiếm khi làm, dù là ở ngay tại nhà hay ở những nơi chốn riêng tư của mình.  Họ tự do trong cung cách ngủ (Trang 119), họ thoải mái “ để ngực trần đi trong nhà” (Trang 133).  Và ngay cả cách nhìn về người đàn ông của họ cũng thế. “Tôi định nghĩa đàn ông bằng sự ham muốn của họ.  Sự ham muốn thể hiện trên bờ môi tham lam ngay trong khi ngái ngủ.” (Trang 133). Họ nói về tình dục rất thản nhiên, xa hơn nữa, họ nói về cái ham muốn của họ cũng hết sức bình thường.

Tại sao Dương Như Nguyện cố tạo nên cá tính mạnh mẽ cho nhân vật của mình?

Trước hết, theo tôi, đó là do những tác động từ cuộc sống. Bị bứng ra khỏi gốc rễ ở lớp tuổi 15, 17, một sớm một chiều họ không còn được sống trong không khí hồn nhiên của những mùa trăng mới lớn.  Bước vào cuộc sống mới đầy cam go và thử thách, từ ngôn ngữ sống đến phong tục tập quán, họ không còn con đường thứ hai để chọn lựa. Trong những ngày tháng đầu làm một lưu dân, hít thở những luồng gió mới, đối đầu với những bất trắc mới, nhiều khi họ bị khinh khi, phỉ báng. Vì thế, bản năng sống còn trỗi dậy. “Tôi xổ Ăng Lê trong giận dữ vì cảm thấy mình bị khinh bỉ. Tôi đòi đến gặp ông chủ tiệm. Tôi đòi đi kiện. Không ai sợ con bé con 17 tuổi. Nhưng tôi mang tâm hồn con beo cái từ đó. Rồi tôi bỏ cây bút với máy ảnh mà đi ôm sách luật. Tôi đi tìm công lý trong xã hội như một kẻ mù lòa còn đi tìm ánh sáng. Như con beo cái gầy ốm muốn bảo vệ đồng loại.” (Trang 178)

Cuộc đời đã biến họ thành những con beo cái để bảo vệ đồng loại từ đó. Một Yến Vi, một Uyên Nguyên, một Nguyễn Hoàng Cổ Ngư, một Mỵ Nương nổi bật hẳn, xông xáo vào từng ngõ ngách của cuộc đời, từ báo chí đến luật học, từ kịch nghệ đến văn chương.  Họ xông vào thị trường chứng khoáng Nữu Ước. Họ đi đi về về những Washington, New York, Nepan, Ấn Độ, Singapore. Họ dường như bứt hẳn, tách biệt khỏi cộng đồng da vàng.

Thứ đến, những nhân vật của Dương Như Nguyện có cá tính mạnh bởi họ mang dáng dấp của một nguyên mẫu.  Nguyên mẫu nào? Điều này sẽ được phân tích kỹ hơn ở phần sau.

Cuộc sống và hoạt động bên ngoài của những nhân vật nữ chính như vậy, nhưng bên trong tâm thức, tình cảm thì sao?

Sau những ngày dài bương chải, sau những giờ giấc căng thẳng ở nơi làm việc, họ luôn cố tìm một nơi chốn thân yêu trong tâm hồn để quay về. Như một người đứng giữa hai dòng nước: bước về bên kia hay bơi ngược lại phía bên này? Một tâm thức trở về với cội nguồn trong dòng tư tưởng, trong lý trí; trở về với phương Đông trong tình người, trong tình yêu.  Không chỉ là một thấp thoáng, mà là bàng bạt trên những trang sách, ở đó ánh lên một sự dứt khoát, một tâm thức trở về phương Đông ở những nhân vật nữ của Dương Như Nguyện. 

Trở về?  Dương Như Nguyện muốn trở về với kỷ niệm êm đềm; trở về với “kiếp trước” yên ắng của những ngày ở Sài Gòn trước cơn lốc lịch sử 1975; trở về với những gì mộc mạc nhất, đơn giản nhất, nhưng ở đó, có thể làm thay đổi một người phụ nữ thành đạt trong một xã hội tiên tiến nhất trên quả đất này; trở về với rặng Hy mã lạp sơn, đi tìm dấu chân của Phật. 

“Tôi đến Mỹ khi còn là đứa bé gái hăm hở trước cuộc đời.  Cuộc di cư đã cho tôi lối thoát và cơ hội để áp dụng sự phân tích của Simon de Beauvoir vào đời sống của chính mình.  Nhưng tôi vẫn nhỏ nước mắt, hướng về Tây Phương và quay lại Đông Phương, thường tự hỏi mỗi nơi sẽ đem lại những gì cho tính nhạy cảm và cái tiềm thức văn hóa trong tôi. Nước mắt tôi vẫn nhỏ, cho dù bề ngoài tôi cứng rắn, vì tôi đã nghe, đã chứng, đã xót xa trong lòng về những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm.” (Trang 30)

“Tôi, con cá vàng bơi lội về phương Tây lại quay trở về Á Đông để tìm lại bóng Từ Đàm. (…) Tôi muốn đi tìm hình ảnh đứa bé tóc quăn bước vào Đời-Là-Bể-Khổ.  Cả một nửa châu Á thờ phượng Bụt, trong hình tượng một đứa bé tóc quăn, đứng uy nghi trên đài sen tinh khiết. (…). Bốn cửa thành Bắc Aán là bốn bước gian lao, bốn ngã thức tỉnh dẫn đến sự cứu độ.  Và đứa bé đã chọn sự cứu độ.  (…).  Tôi muốn đi tìm dấu chân hai ngàn năm trước của người đã chọn sự cứu độ.”  (Trang 211-213)

Mỗi một câu là một lần xác định. Không còn thắc mắc, vấn vương.  Một sự xác định dứt khoát trong suy nghĩ, trong tiềm thức cho sự trở về.

Trở về phương Đông không chỉ bằng hình ảnh một tôn giáo lớn quyện chặc trong lòng. Trở về phương Đông không phải chỉ để sống lại một thuở quá khứ, một thời xa vắng. Dương Như Nguyện còn trở về trong tâm thức bằng một tình yêu đúng nghĩa, không có những lỉnh kỉnh điều này, không có những chi li, chằn chịt khoản nọ như một thứ hợp đồng hôn nhân để chuẩn bị cho một sự rạn nứt sau này. 

“Uyên mở ví lấy bản hợp đồng hôn nhân mà sáng nay nàng đã cặm cụi nghiên cứu.  Uyên thong thả xé nhỏ bản hợp dồng ra thành từng mảnh vụn.  Nàng thả những mảnh giấy vụn ấy xuống dòng nước đục của Georgetown Canal. Những mảnh giấy vụn bay phất phơ như những cánh bướm Uyên thấy lòng nhẹ hẳn đi. Uyên hình dung đến ánh mắt ngạc nhiên của hắn. Hắn sẽ hỏi tại sao. Uyên sẽ đổ tại bóng gươm Từ Hải. Chắc hắn sẽ không bao giờ hiểu được tâm trạng của người đàn bà gốc Việt trót mơ mộng và đã lỡ thần tượng hóa hình ảnh một người yêu hào hùng, bảo bọc như Từ Hải.” (Trang 91-92)

Có thể nói rằng cái Đẹp  của Mùi Hương Quế không chỉ là lối viết thông minh và thu hút về cái hòa nhập rất nhanh chóng, sự thành công của người phụ nữ vào dòng chính (main stream), cái bứt phá của họ trước những hàng rào định kiến cũ, mà còn là ở tâm thức trở về phương Đông. Dương Như Nguyện đưa người đọc đối diện với cái boăn khoăn, trăn trở trước hai dòng nước; nói rõ hơn là trước hai dòng văn hóa. Mỗi dòng có một nét đẹp riêng để thu hút người đời. Ở Mùi Hương Quế, nhân vật của Dương Như Nguyện như đã hòa vào cuộc sống, như trôi theo dòng chảy của phương Tây, nhưng cuối tận đáy lòng luôn ẩn chứa một sự trở về.

***

Văn chương là nghệ thuật.  Nghệ thuật bắt nguồn từ đời sống, đem những mảnh đời, những góc cạnh tiêu biểu vào những trang sách, trên những dòng nhạc, ở những giá vẽ nhưng nghệ thuật không hề sao chép nguyên mẫu của đời sống.  Nhà văn là người nắm bắt những gì xảy ra chung quanh cuộc sống và sáng tạo những hình tượng hay nhân vật để phản ánh một phần cuộc sống hay gởi vào đời sống những suy nghĩ riêng tư của mình.  Đây là con đường hư cấu. Trong hư cấu để tạo ra nhân vật chính, nhà văn có thể dựa vào năm, bảy nhân vật khác nhau ngoài đời để tạo dựng nhân vật của mình. Tuy nhiên, nhà văn cũng có thể dựa vào một nguyên mẫu nào đó, rồi rút ra những cá tính tiêu biểu, chọn lựa những hành động mang tính khái quát, để từ đó sáng tạo ra mẫu nhân vật mới theo đường hướng nghệ thuật của mình.

Vậy Dương Như  Nguyện đã hư cấu theo hình thức nào?

Ở Mùi Hương Quế, Dương Như  Nguyện đã dàn dựng những truyện ngắn của mình theo hướng chọn lọc – tái tạo. Theo chân những nhân vật chính trong Mùi Hương Quế, dù nhân vật có mang tên là Gwen Young, Nguyễn Hoàng Cổ Ngư, Mỵ Nương, Yến Vi, Trâm Kha hay xưng tôi trong các truyện ngắn, nhân vật chính vẫn phảng phất hình ảnh của một-người-phụ-nữ-Á-Đông.  Hay nói một cách khác, lối suy nghĩ  cũng như sở thích của những nhân vật chính khá giống nhau; học thức và quan niệm sống cũng tương tự  nhau. Ngay cả cái nhìn về nét đẹp của người phụ nữ cũng giống nhau: đó là mái tóc dài, rất dài và óng mượt. (Trang 15, 21, 38)

Ngoài niềm say mê mái tóc dài quyến rũ, nghề nghiệp của những nhân vật nữ chính trong các truyện ngắn của Dương Như Nguyện cũng gần như nhau: lúc là luật sư tố tụng tại New York, khi là luật sư cho một tổ hợp lớn tại Washington D.C, khi thì đại diện thân chủ và làm việc tại Singapore.  Nhưng xa hơn, rõ nét hơn, những người phụ nữ này đều trẻ, đến Mỹ lúc họ vừa 17, 18, với cái hừng hực và vô tư của tuổi trẻ đầy hăm hở bước vào đời.  Không những thế, nhân vật của Dương Như Nguyện còn học từ Nam Illinois, và học ngành truyền thông báo chí.  Tất cả cứ lần lượt xuất hiện và nhiều chỗ giống như được viết lại từ tiểu sử, hay trích ngang từ những sở thích của nhà văn. Vì thế, dù không muốn nói rằng: họ, những nhân vật nữ chính, mang đậm hình ảnh của Dương Như Nguyện, nhưng không còn cách nào hơn.

Mùi Hương Quế là một chắc lọc từ những phần đời của người viết. Viết về mình, viết về những người chung quanh, viết với một nỗi đam mê, viết như để có dịp nhìn lại kiếp trước, để sống trọn vẹn cho kiếp sau, đã tạo nên những rung cảm nơi người đọc.  Qua đó, nó cũng xác định một ngòi bút đầy năng lực dưới cái tên Dương Như Nguyện.  Tuy nhiên, thử thách lớn nhất của nhà văn vẫn là vượt qua nguyên-mẫu-của-mình để đi về phía trước, để vẫy vùng trong không gian bao la, vô tận trước mắt. Và vì thế, chúng tôi đang chờ đợi những tác phẩm kế tiếp của Dương Như Nguyện trong chiều hướng này.

Có một điều cũng nên nói ở đây: cái ngheà của Dương Như Nguyện có lẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cái nghiệp.  Trên những truyện ngắn, lắm khi người đọc thấy nhiều sự kiện  được dàn dựng hết sức logic, rất là cặn kẻù.  Điều này làm người đọc có thể liên tưởng đến những chi tiết được sắp xếp một cách mạch lạc trên những biện minh trạng nơi tòa án.  Quá logic và tường tận, không phải lúc nào cũng là một điều hay, nhất là ở thể loại truyện ngắn. 

Tập truyện Mùi Hương Quế đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Trên từng trang sách, chữ nghĩa nhẹ nhàng, nhưng lôi kéo; hình ảnh đơn sơ nhưng thôi miên. Tất cả được dựng nên để dẫn dắt độc giả vào những nỗi niềm riêng tư, những nơi chốn xa mù, những khát khao thầm kín của nhà văn. Dương Như Nguyện đã để lại cho độc giả những cỗ quan tài của Tĩnh Tâm, đánh dấu những đau thương của một thời đại mà người phụ nữ phải gánh chịu; đưa được mùi hương quế ngày cũ vào lòng người; góp lại những trang nhật ký rời rạc của Mỵ Nương tạo nên những ray rứt dài lâu nơi người thưởng ngoạn.

Cái khác biệt giữa Dương Như Nguyện và những nhà văn nữ khác: cá tính mạnh mẽ ở những nhân vật chính, những nhân vật có thừa kiến thức để bước vào đời một cách tự tin.  Họ làm chủ lấy cuộc đời mình.  Và quan trọng hơn hết, ở họ, nổi bật những đam mê, nhất là đam mê ngút ngàn trong nghệ thuật.

***

Biến cố 1975 đã đẩy hai triệu người Việt ra khỏi đất nước.  Trong số này, có nhiều người không bao giờ bứt ra khỏi cuộc sống cũ, suy nghĩ cũ, mà họ mang theo từ trong nước, dù sống rất lâu ở nước ngoài.  Tuy nhiên, có nhiều người dễ dàng hòa vào dòng chính, và một khi hội nhập là quên lối trở về.  Cũng có nhiều người sau khi hội nhập, thành công, và yên ổn trong cuộc sống nhưng vẫn thấy thiếu thốn một thứ gì đó trong tâm cảm.  Lúc nào cũng thấy trống vắng một phần nào đó trong tinh thần. Và họ trở về.

Như những cánh chim, rời xa khỏi cánh rừng của mình, tìm nguồn sống ở bình nguyên khác, rồi cũng ngóng cổ nhìn lại rừng xưa để nhớ tiếng gió xạt xào buổi trưa, nhớ ánh nắng hồng xuyên qua từng lớp lá buổi sáng, nhớ tiếng đồng loại gọi nhau lúc hoàng hôn.  Như những con cá vàng bơi ra khỏi vùng sống ngày trước, vẫn đau đáu quẫy đuôi hướng về chốn cũ, nhớ một nhánh rong, thương một hòn sỏi nhỏ. Cánh chim đó, con cá vàng đó, chính là hình ảnh Dương Như Nguyện trong suốt chiều dài của Mùi Hương Quế. 

Đoàn Nhã Văn

8/2000

 

Diệu Tần Nguyễn Tinh Vệ

DƯƠNG NHƯ NGUYỆN VỚI CON LỪA KÉO GỖ

 

clip_image003

Truyện ngắn “Chiếc phong cầm của bố tôi” viết xong từ tháng 9-1996, đã cho in thành sách, đến nay mới cho chạy trên liên mạng. Tôi định sẽ có ý kiến về cuốn truyện dài “Con gái của sông Hương”, tình cờ đọc được bài ‘nghiên cứu về bố tôi” của nhân vật xưng tôi Dương Thị Hòai An, bèn tạm ngưng để viết ngay về truyện ngắn này, đúng hơn là một hồi ức ngắn của gia đình họ Dương. Tôi không ngần ngại đánh giá đây là một trong những truyện ngắn hay nhất từ sau 1975 tại hải ngoại. Tôi hơi làm biếng bàn về “Con gái Sông Hương” bởi trong đó có rất nhiều hư cấu, dường như có chủ ý dành cho người Âu Mỹ đọc. Tôi cũng không ưa lắm lời giới thiệu của nhà xuất bản Ravens Yard rằng tác phẩm dài hơi này, viết bằng tiếng Anh được dịch ra tiếng Việt, có một ít tầm vóc của Gone With The Wind, của The Thorn Birds và của Joy Luck Club.
Người ta biết Dương Như Nguyện là một nhà khoa bảng, một giáo sư dạy Luật, từng là chánh án một thành phố lớn, đã học về báo chí truyền thông, được đào luyện về diễn xuất kịch nghệ, hát nhạc cổ điển và ưa thích hội họa, chỉ còn thiếu môn điêu khắc nữa là tác giả đã có đủ bảy bộ môn nghệ thuật. Những kiến thức đó, những quá trình học hành đó, người ta hỏi có đủ bảo đảm cho tài năng và kinh nghiệm của một người nữ tay trái viết văn làm thơ, ve,ờ diễn xuất, tay phải lại bận rộn cầm sách giảng luật pháp? Qua xuất hiện trước thính khán giả vài nơi, nhất là lần ra mắt sách tại San Jose vừa qua, người ta thấy tác giả đã có tài ăn nói (miệng luật sư đấy), hát và ngâm thơ hay. Buổi ra mắt sách chuyển thành buổi nói chuyện giữa tác giả và thính giảợ, bởi có trở ngại kỹ thuật là sách không mang tới được hội trường. Vừa đóng vai một nghệ sĩ vừa khóac áo luật sư, Dương Như Nguyện đã trả lời tất cả các câu hỏi về mọi lĩnh vực, dĩ nhiên cách giải đáp những câu hỏi liên quan đến chính trị, thời sự đã được lọc qua lăng kính luật pháp. Và Dương Như Nguyện đã thuyết phục được thính giả.
Tôi biết nhân vật Ann Dương rất độc lập, tân tiến.. nhưng đọc “Chiếc phong cầm của bố tôi” mới thấy cô còn lưu luyến “luân lý giáo khoa thư” lắm. Tuy cô muốn hướng dẫn mọi người đi vào “dòng chính”, cô hăng hái đề cao tinh thần Hồ Xuân Hương. Tôi ở tuổi chú như chú Hiếu Ðệ, chú M. của tác giả, nếu có xưng chú cũng không sao, tôi có con gái lớn của tôi bằng tuổi với tác giả và cũng được sinh ra từ Huế. Nhưng để cho công bằng cứ gọi nhau bằng anh chị em như nhà văn Bình Nguyên Lộc đã nói. Hồi này tôi ít viết, một phần vì mắt kém, một phần thấy trên liên mạng người ta gây gổ nhau, mạ lỵ nhau ghê quá. Tôi viết gửi tác giả có lẽ tôi yêu mến thành phố cổ Hội An, nơi tôi sống và làm việc 2 năm đầu đời quân ngũ, tiếp 2 năm sau đó ở thành phố có cầu Trường Tiền với những nữ sinh áo trắng guốc đỏ đội nón bài thơ đi trong bụi mưa dai dẳng. Ðó là những nơi chốn tác giả họ Dương được sinh ra và lớn lên.
Cô thanh minh là “Chiếc phong cầm của bố tôi “không phải là những lời kể về cuộc đời ông bố. Tôi đồng ý, ông Nhự giáo sư Ðại học, du học bên Tây, dạy con nít bên Mỹ là một điển hình cho lớp già nua đã sinh ra wrong nation, wrong century (thơ Vũ Hòang Chưong) trí thức, muốn làm một chút gì cho quê hương nhưng.. đành khoanh tay bất lực. Tất cả chỉ là con người yếu ớt ở một nước chậm tiến, chiến tranh triền miên. Không phải chỉ một thế hệ, có lẽ đến bốn thế hệ đã sinh nhầm thế kỷ. Kiếp người Việt trong khỏang 80 năm trở lại đây cũng chỉ là những “con lừa kéo gỗ”. Ông giáo Nhự “lành như bụt” có nhiều mâu thuẫn, ông hiền, nhưng có lúc lại Tây quá. Ông hà tiện cắt tóc lấy nhưng lại bỏ khá tiền mua tranh thưởng thức. Ông may mắn đã được tiếp nhận những tư tưởng tự do, dân chủ tại Phap, nhưng lại khư khư giữ chiếc đàn, chiếc cặp da cũ xì, mặc áo quần cổ lỗ sĩ, không bao giờ thay đổi món ăn trưa
Mới và cũ, tự do, dân chủ công bằng bác ái, nông dân và trí thức, ưu tư thời cuộc, nhưng chưa dấn thân, không quyết định dứt khóat, thủ cựu, lỗi thời, cúi đầu cam chiụ sự o ép kỷ luật của chính quyền đó là đặc tính của giai cấp tiểu tư sản. Người ta cho rằng cộng sản biết lợi dụng sự lưng chừng yếu kém của giai cấp tiểu tư sản và cái ngây thơ của trí thức sa-lông và trí thức dấn thân kiểu Dương Quỳnh Hoa. Cụ giáo Như và chú M. rốt cuộc lại tái ngộ trên đất ‘đế quốc”, sau một thời đã muốn đi vắng xa và nhà chú M. bị đốt cháy. Dương Thị Như Hòai An kể sơ vài dòng đến biến cố miền Trung năm đó. Phải, “cái gì đổ, chứ làm sao Phật đổ được, phật đây không chỉ là tượng Phật nhưng là cái tâm phật, là lòng lành của con người. Nhắc đến chuyện cũ để hiểu chuyện ngày nay, không ép được Thiên chúa giáo, họ quay ra ép Phật giáo vì đạo giáo này yếu về tổ chức, không có thế quyền mạnh.
Tác gỉa nhắc đến chi tiết ông bố nói chuyện một mình trong phòng với bà vợ. Những nhà trí thức bằng cấp đầy mình, cuồng chữ không biết tung mớ hiểu biết ra cho ai, và dường như không được đãi ngộ xứng đáng với tài học, chỉ còn cách “đọc kinh” kỳ quặc một mình. Lối độc thọai này bị bà vú chê là điên, nhưng ông giáo sư có điên đâu, ông rất tài giỏi. Trong những những cuộc đối thọai tay đôi, tay ba, tay mấy đi nữa, phía bên kia cứ bổn cũ sọan lại, cứ độc thọai, ai nghe thì nghe, không cần biết. Họ không tài giỏi, trên bảo sao nói y như vậy, nói như cuốn băng thu sẵn, đó là kinh nghiệm ở Việt Nam, ở Bắc Hàn, ở Iran bây giờ. Hòai An có nhắc đến đôi mắt Sơn Tây Quang Dũng, dẫn lời nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy. Sao cô không nhắc đến thơ Quang Dũng? Nhiều người mê thơ lãng mạn và dũng liệt của Quang Dũng, người ta khó ưa nổi nhạc sĩ họ Phạm qua kim tiền chủ nghĩa, nhục thể chủ nghĩa và cỏ đuôi chó chủ nghĩa.
Làm sao oai hùng bằng Tây Tiến, khi tác giả chưa biết mình bị lợi dụng:
Tây Tiến đòan quân không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùng
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Ðêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Hay đầy ắp tình đồng bào, trong “Ðôi Bơ”:
Xa quá rồi em, người mỗi ngả
Ðôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?
Họ tệ bạc bất công với Quang Dũng, bát nước hắt đi không bao giờ đầy lại dù sau này họ đã “cởi trói”, đã đúc tượng nhà thơ họ Bùi này.
Nhân vật Hòai An thừa hưởng nét thông minh vốn sẵn tính trời, tài giỏi, có tâm hồn nghệ sĩ của ông bố. Nhưng cô ta chỉ được coi như thế hệ 1 rưỡi thôi, chưa phải là nhị thế. Bởi cô còn biết mua cho được Quốc văn Giáo Khoa Thư để đọc, để yêu linh hồn, tinh thần luân lý giáo khoa thư. Thứ luân lý ấy vẫn ‘vất vưởng theo chân người việt tị nạn. Cô chưa thể nào dứt bỏ được quá khứ oai hùng và đau thương của những con lừa kéo gỗ. Vì cô đã cảm nhận được nỗi buồn khi nghe người ta độc thọai, cô đã chứng kiến Huế yên bình giả tạo năm đó. Cô đã bị ám ảnh, ghê sợ khủng khiếp một sự lật đổ. Cô sợ những khi đang ngủ vì một biến cố nào ó, bị dánh thức dậy. Cô đã lờ mờ hiểu thế nào là sự sụp đổ cả một chế độ. Nghĩa là cô còn bị quá khứ ràng buộc, chưa dứt bỏ được những kỷ niệm đau buồn thời lọan lạc, chiến tranh. Rất may cô đã đường hòang đi vào dòng chính và thành công trong nghề nghiệp.
Luân lý giáo khoa thư tưởng dễ mà khó đấy. Năm tôi 10 tuổi học lớp Ba trường huyện, học đến bài anh em nhà họ Ðiền, thày giáo giảng mãi mới hiểu. Cầm búa chặt cái cây cổ thụ chia nhau gia tài, có gì phải khóc?. Ðến bài Cái Lưỡi của anh chàng mổ heo thì mù tịt, cái lưỡi lợn có gì là ngon, thịt ba chỉ hoặc thịt heo nạc mới ngon chứ! Cái lưỡi của Esope thực ra phải dành cho bậc trung học, ngay cả đại học nữa. Cũng chỉ vì lo truyền đạt căm thù, nên sau này thiếu vắng những bài học Việt văn giáo khoa thư, như giúp đỡ người già cả, anh em như thể chân tay, ông tây làm lớn còn nhớ thày giáo làng thuở nhỏ, tìm về thăm. Hậu quả là cho đến bây giờ, từ 3 tuổi cho đến lớp tuổi lớn lên từ chiến tranh là cỡ 40, 45 vẫn thích nói “đồng minh” hơn là là thưa trình, cúi đầu :” Thưa thày con đi ạ” như học trò Quảng Nam trước 75.
Trở lại với ông giáo Nhự, thật tôi nghiệp ông và tội nghiệp cho những người già cả có quê hương nhưng chưa trở lại được với quê hương. Ông như chiếc đàn phong cầm cũ kỹ gầy gò, mảnh khảnh. Trước những phong ba đất nước những biến đổi khủng khiếp, chạy từ Bắc vào Nam, rồi từ Sài Gòn tuốt sang Mỹ. “Lúc nào mặt ông cũng chảy dài có vẻ đau khổ, đôi mày ông cau lại bởi phấn trắng bảng đen theo ông đến tận cuối đời. Thời gian trước khi về hưu là thời gian ông chiụ trận nặng nhất với lũ học trò con nít xứ người, đủ màu da, đùa nghịch theo bản năng. Ông bị mất giá phải dạy những lớp tiểu học. Ôi, thời oanh liệt nay còn đâu! Ông không oanh liệt tại chiến trường, ông oanh liệt trí tuệ. Ông mất đám học trò lễ phép xứ Quảng, ông mất đám sinh viên thông minh chăm chỉ. Tội nghiệp cho ông, tôi nghiệp cho những ông tổng thống, thủ tướng, tổng trưởng, tướng tá Phong trần đến cả sơn khê, tang thương đến cả hoa kia cỏ này
Cô D.T. Hòai An hay Uyển Nicole Dương cũng thế, tuy có 18 năm lớn lên ở quêạ nhà, có 30 năm hòa hợp với dòng chính, sử dụng tiếng nói và chữ viết quê mẹ lẫn quê người, rất thành thạo. Tuy nhiên, có lẽ phải tiếp xúc với Mỹ chính dòng nhiều hơn nên đôi khi “tần số Việt” cũng hơi sơ hở. Cô quên chưa tìm được chữ Việt thay cho chữ avocate, cứ nhắc mãi avocate, avocate, avocate. Curriculum là giáo trình, là chương trình giảng dạy; cắt tóc lấy bị so le, bị lệch chứ không nói bị méo; urban là nội thành, thành thị, không phải thị tứ đối lại suburban là ngoại thành, vùng quê. Câu: không ai để ý tôi hát cái tiếng nước non gì, nên sửa lại: không ai để ý tôi hát thứ tiếng xứ sở/ quốc gia nào. Nhiều dòng trong bài nhắc đi nhắc lại, không phải để nhấn mạnh, đã thừa ra. Nhưng đó là những lặt vặt, không quan trọng. Quan trọng là ở nội dung, ở triết lý cô đã nêu lên được, và cô đã thành công.
Dương Như Nguyện đã hiên ngang sánh vai với dòng chính, đã vượt trội đã nổi danh trong lĩnh vực giáo dục, luật pháp, cô sẽ tiếp tục thành công trong lĩnh vực văn chương chữ nghĩa Việt. Ðiểm thành công của cô về phần thơ văn dường như nhờ cô còn yêu, còn nương náu linh hồn Việt Nam, cô mệnh danh đó là luân lý giáo khoa thư. Qua truyện ngắn ““Chiếc phong cầm của bố tôi” cô đã nêu lên được cái Chân Thực, cái ‘ Ðẹp đẽ và cái Tốt Lành của văn chương. Chúc cô “đội hai mũ”, mũ luật học và mũ văn học được lâu bền, cô không bị khập khiễng đứng một chân đâu. Dương Như Nguyện sẽ không cô đơn, sẽ không phải độc thọai, bởi có nhiều người đã nghe, đã hiểu cô muốn nói, muốn viết gì. Tôi cũng chúc cụ Dr. Nhự bay sang Cali chuyện trò bằng tiếng Việt thỏai mái với đám cựu sinh viên đông đảo và ngoan ngõan của cụ.

DIỆU TẦN NGUYỄN TINH VỆ

 

Tôi muốn nắm bắt nét đẹp

của nền văn hoá quê hương tôi

Nguyễn Xuân Hoàng

Có lẽ người đọc Việt hải ngoại không xa lạ gì với Dương Như Nguyện qua những truyện ngắn trên tạp chí Thế Kỷ 21 [Nam California] những năm 90. Năm 1999 nhà xuất bản Văn Nghệ [Nam California] ấn hành cuốn Mùi hương quế của cô, và năm nay, 2005, Dương Như Nguyện cũng vừa cho phát hành cuốn Chín chữ của nàng [nxb Văn Mới, Nam California], đồng thời với cuốn Daughters of the River Huong – a Vietnamese royal concubine and her descendants (RavensYard Publishing, Ltd., Fairfax Va. ISBN 1-928928-16-1; trade paperback, 271 pages, SRP $17.95)…
Bài này được viết từ cuộc nói chuyện qua internet với nhà văn, luật sư, giáo sư Dương Như Nguyện.

Viet Mercury (VM): Ở bià lưng cuốn sách, dưới dòng tít “Love & War /Tình yêu & Chiến tranh”, người ta đọc được câu “Bức tranh ấn tượng này sẽ nhắc nhở độc giả tới những truyện có tầm vóc bao quát của Gone with the WindThe Thorn Birds, đượm thêm tính nhân bản và tình yêu sâu xa giữa mẹ và con của The Joy Luck Club.” Cô có thể cho biết sự so sánh này có nghĩa gì?
Dương Như Nguyện (DNN): Việc so sánh tác phẩm của tôi với Gone with the Wind, Thorn Birds, hay Joy Luck Club là ý nghĩ của nhà xuất bản, để giải thích lý do tại sao họ muốn đầu tư vào tiểu thuyết của tôi sau khi đã đọc bản thảo. Câu này không phải là quan điểm của tôi. Ngược lại, tôi có thói quen là trong tiến trình sáng tạo, không bao giờ viết để cho giống hay theo một khuôn mẫu của bất kỳ tác phẩm nổi tiếng nào. Viết là viết theo sự thôi thúc sáng tạo (artistic vision) của chính mình mà thôi. Bằng chứng là trước khi RavensYard đến với tôi, bà Sandra Kjistra, đại diện cho Amy Tan và Stephen King, đã hối thúc tôi viết lại tác phẩm này cho giống cuốn Memoir of a Geisha của Arthur Golden, thì bà ta mới nghĩ đến việc đem tác phẩm của tôi đến với các nhà xuất bản danh tiếng của Hoa Kỳ. Tôi đã bác bỏ đề nghị đó, cũng chỉ vì không muốn đi theo một khuôn mẫu khi viết về nguồn cội của mình.
VM: Còn về cái tựa của tác phẩm, tại sao cô chọn River Huong mà không phải là Perfume River như một cách đẩy sách đến người đọc tiếng Anh?
DNN: Perfume River là danh xưng do người ngoại quốc dịch tên của dòng Hương giang xứ Huế. Người Huế không ai gọi dòng sông lịch sử của quê hương mình là “dòng Nước Hoa” cả. “Perfume” hay “parfum” là một kỹ nghệ buôn bán, một hình thức mỹ phẩm phù du bên ngoài, làm đẹp cho phụ nữ theo kiểu quyến rũ người khác phái, hoàn toàn có tính cách vật chất hời hợt, không phải là phẩm lượng bên trong. “Nước hoa” sẽ phai đi. “Mùi hương” trái lại có thể toả từ tiền kiếp, liên đới kiếp này sang kiếp khác, không gian này qua không gian khác, đi từ quá khứ, hiện tại, và có thể chuyên chở vào tương lai, từ vô thức, tiềm thức, tới ý thức. Với mùi hương thật sự (authentic) như trong câu: “Hữu xạ tự nhiên hương” thì “hương” có thể trở thành bất diệt trong trí tưởng và tâm thức của người thưởng ngoạn. Hương còn là tiếng thơm, có thể toả ra từ đáy hồn là một luyến nhớ vào rừng kỷ niệm. Tiếng tăm (cái gì lưu lại) là sợi dây liên đới giữa sự phán đoán của lịch sử (external) với đạo đức cá nhân (intrinsic). Ðạo đức ở đây có nghĩa là “universal truths” công cuộc đi tìm sự thực của người cầm bút, chứ không phải là kỷ cương của tôn giáo hay xã hội.
Chữ “hương” do đó mang ý nghĩa tâm linh nhiều hơn vật chất, phải dịch là “fragrance” trong trí tưởng, hoặc “good name” như trong “tiếng thơm muôn thuở”. “Hương” là một “motif” liên tục trong sáng tạo của tôi….
VM: Hiện nay cô đang đọc tác giả nào?
DNN: Tôi mới vừa đọc lại một số những tác phẩm bất hủ của văn học Nga, the classics, từ Tolstoy cho đến Dostoevsky, ngay cả Solzhenitsyn của thời cận đại. Dĩ nhiên là khi quay về classique, tôi đọc lại luôn Boris Pasternak và Franz Kafka. Nhân tiện tôi đọc Henrik Ibsen của Na Uy (The Master Builder), George Bernard Shaw (để nhận thức thêm một lần nữa rằng Shaw đã đi trước quá xa thời đại của ông sống) và cả Theodore Dreiser (để nhắc lại cho mình nhớ thế nào là một cuốn tiểu thuyết Hoa Kỳ, the cliche – the American novel, thật sự đúng nghĩa là tiểu thuyết với tất cả tâm lý nhân vật, cường độ, và cao độ của nghệ thuật tiểu thuyết!).
Tôi đọc các nhà văn Nga và Ðông Âu vì tôi mường tượng thấy hình như các tác giả này được truyền tụng trong giới trí thức thuộc thế hệ của ông. Tôi muốn tìm hiểu về cách nhìn và nếp sống tâm linh của thế hệ này. Lý do: Tôi muốn tạo dựng một nhân vật chính (protagonist) là một người đàn ông Việt Nam cùng thế hệ với ông, sống trong lòng nước Mỹ, cho bản thảo sắp tới, bản thảo mà tôi chưa bắt đầu.
Như ông đã thấy, tôi rất trọng classiques, vì classiques đã được minh chứng bởi thời gian. Tuy nhiên, khi đọc lại classiques, tôi thấy rõ những gì đã lỗi thời về bút pháp bên cạnh tính chất vĩ đại trường cửu của classiques. Tôi cố tình không chú ý đến những tác phẩm hiện đại đang bán chạy hay đang nổi tiếng, được giải này giải nọ, vân vân, để tránh khỏi bị ảnh hưởng hay chi phối bởi thị trường hay chính trị.
VM: Lý do nào đã thúc đẩy cô viết cuốn Những người con gái của sông Hương?
DNN: Nhà xuất bản RavenYard đã hỏi tôi một câu tương tự, và tôi cho rằng khó có thể nói được động cơ nào là nguồn năng lực sáng tạo của một nhà văn, tuy nhiên đối với cuốn sách này, một số chủ đề đã theo đuổi tôi, đó là thành phố Huế, sông Hương, và người dân của vương quốc Chàm đã bị xóa tên.
Mẹ tôi, một phụ nữ Huế, là người đã góp phần quan trọng trong cuộc đời văn chương của tôi ngay từ thuở còn thơ. Tôi tin rằng tất cả những cựu chiến binh Việt Nam đều nhớ đến Huế và trận chiến Mậu Thân năm 1968. Huế là cố đô, là thành phố tiêu biểu cho một thời độc lập vinh quang trước khi bị người Pháp đô hộ. Thế nên kiểm soát Huế là một điều quan trọng và đó là lý do tại sao trận chiến năm 1968 đã khốc liệt như vậy. Tôi biết những người cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam đều nhớ đến tên của thành phố này. Một lần, trong một cuộc gặp gỡ xã giao tại nhà một người làm phim ở California, tôi được giới thiệu với một người cựu chiến binh Mỹ và khi biết rằng mẹ tôi là người Huế, ông ta nói ngay đến tất cả những gì mà ông ta biết về thành phố này, tựu trung chỉ là trận chiến xảy ra ở đó. Ðiều này phần nào làm cho tôi cảm thấy buồn vì quê hương của mẹ tôi đã gắn liền với một cuộc chiến đẫm máu trong tâm hồn người Mỹ. Ðó cũng là lý do tôi muốn mang Huế và chủ đề liên quan đến nó vào tác phẩm này.
VM: Cô có chịu ảnh hưởng bút pháp của tác giả nào không?
DNN: Bút pháp của tác giả Hoa Kỳ hay bút pháp của tác giả Việt Nam? Thưa không. Hoàn toàn không. Về bút pháp của các tác giả Hoa Kỳ: Tôi còn chủ trương sẽ đem metaphor, simile (bút pháp ẩn dụ) của tiếng Việt vào văn chương Mỹ. Tôi đã từng bị một, hai readers phê bình (đây là những readers tốt nghiệp khóa văn chương) cho là văn của tôi “unAmerican” vì các metaphor lạ hoắc! Một vài người khác (thường là trong ngành báo chí) thì hết lòng bênh vực tôi, nói rằng tiếng Anh của tôi nổi bật lên một giọng nói (the voice) rất đặc biệt và authentic. Mainstream nghĩ thế nào? Khi chọn con đường đặt tác phẩm vào tay Ravensyard (vì họ yêu cầu) và không đi qua các trung gian văn chương ở Nữu Ước, tôi chẳng nghĩ đến việc sẽ có tên tác phẩm mình trên mục Book Review của tờ New York Times. Ðiều đó thật tình không quan trọng đối với tôi. Tôi càng lớn tuổi càng lý tưởng và lãng mạn: nếu Hương quả thật là Hương, thì không cần New York Times cũng tạo ra Hương; Hương tỏa trong bóng tối thì mới là hương đặc biệt. Hương đem bán thành perfume ở Gallerie LaFayette là hương mại bản.
Bút pháp của tác giả Việt Nam trong các sáng tác tiếng Việt của tôi? Cũng hoàn toàn không. (Tôi viết song ngữ; viết thẳng bằng tiếng Việt; tuy nhiên bây giờ thì ngưng hẳn và chú trọng hoàn toàn vào tiếng Anh.)
Không bị ảnh hưởng không có nghĩa là tôi không yêu thích một số tác giả nào đó. Tôi thích Nabokov, vì ông là người độc nhất trong văn chương phương Tây viết nhiều thứ tiếng cùng một lúc cũng như tiếng mẹ đẻ: Anh, Pháp, Nga. Ông thật sự là một nhà văn song ngữ, một nhà văn lưu vong với rất nhiều khuôn mặt.
Tôi xin thú nhận, khi viết tiếng Anh, tôi không thể theo nổi ngòi bút trác tuyệt của Nabokov. Không dám có tham vọng đó. Viết chỉ để mà viết. Tôi rất ghét những người viết với tham vọng – some sort of a “hidden agenda” như cái thang để trèo. Tôi chỉ có thể là tôi. Never any hidden agenda in what I write. The heart is the heart, pen is pen, and art is art.
Trong thế giới văn chương tiếng Việt, không ai viết tiếng Việt theo kiểu lanh chao xứ Huế hay hơn bà Túy Hồng. Cho đến hôm nay, chưa ai viết một truyện ngắn nào làm tôi nhớ mãi cho bằng một truyện ngắn của Trùng Dương. Và tôi chưa thấy có nhà văn nữ nào ở hải ngoại đã vượt lên trên đàn chị. Ðó là theo tiêu chuẩn chủ quan của tôi, dựa trên những gì tôi đọc từ tủ sách của bố mẹ tôi, thời thơ ấu.
VM: Văn chương trong nước, văn chương ngoài nước? Có người nói đã đến lúc ngọn đuốc phải chuyển sang cho thế hệ mới, cô nghĩ sao?
DNN: Tôi không dám nói về văn chương trong nước vì không đủ dữ kiện. Tuy nhiên, những gì tôi đã đọc, ngoài vài truyện ngắn của Nguyễân Huy Thiệp, chỉ đem đến cho tôi sự thất vọng. Câu hỏi được đặt ra, trong một môi trường thiếu tự do ngôn luận, làm thế nào cho văn chương khởi sắc? Văn chương chống đối, dissident, được đánh giá theo một số tiêu chuẩn dành riêng cho văn chương chống đối. Tiêu chuẩn ấy chưa hẳn là tiêu chuẩn văn chương.
Về văn chương hải ngoại, Vietnamese exile literature, tôi công nhận và đồng ý với ông, rằng ngọn đuốc phải chuyền đến tay người của thế hệ mới. Nhìn vào thế hệ mới, theo tôi, thì ngay cả những tác phẩm bestsellers, và ngay cả cá nhân tôi với sông Hương (với tất cả những hạn định vì tình huống riêng biệt của nó (limitations by circumstances), hầu như chưa có một chỗ đứng gì đáng kể trong phạm vi rộng lớn. Everything still remains to be seen. Con đường đi, dưới mắt tôi, là con đường thiên lý. Ðường đi chưa đến.
VM: Cô nghĩ gì về tính “lão hoá” trong văn chương hải ngoại được nói đến hiện nay?
DNN: “Lão hóa” là chu trình chung của tất cả mọi sự việc. Trong lãnh vực văn chương, chưa chắc “lão hóa” là điều đáng tiếc. (Nếu “lão hóa” có nghĩa là “tuyệt tự”, không có ai để thắp tiếp ngọn đuốc, thì vâng, nên có tiếng chuông kêu cứu. Nhưng nếu thật sự đã “tuyệt tự” thì có kêu cứu cũng không làm gì được. Nguy hiểm là ở sự “tuyệt tự” chứ không phải ở sự thật hiển nhiên: lão hóa.
Văn chương cần tuổi tác và kinh nghiệm, giống như rượu ngon, giống như mỹ nhân tự cổ như danh tướng, càng nhiều tuổi càng sắc sảo (trong tiêu chuẩn gourmet, nếu thật sự là mỹ nhân, thì phải già đi mới đẹp. Nếu không tại sao người ta lại ví mỹ nhân với danh tướng? Có tướng nào trẻ măng mà có kinh nghiệm chiến trường đủ để trở thành danh tướng hay không, kể cả Napoleon và Alexandre? Thúy Kiều 16 làm sao thu hút cho bằng Thúy Kiều 35, khi mặt hồ thu đã long lanh ngấn lệ vì đường đời, và trái tim đã trưởng thành đủ để mang tình cầm sắc đổi ra cầm kỳ?
Ðiều mà tôi lo ngại hơn vấn đề “lão hóa” là vấn đề “thoái hóa trong tiêu chuẩn” (sub-standardization, chữ dùng của riêng tôi). Trong cộng đồng Việt Nam, hiện tượng này xảy ra, là trách nhiệm của những người cầm bút đi sau, và là trách nhiệm của độc giả. Của cộng đồng người đọc. Ðiều này quá nan giải, vượt ra ngoài cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay, vì có liên quan đến vấn đề xã hội học của tình huống di dân.
VM: Có bao nhiêu phần đời thực của cô trong tác phẩm này?
DNN: Nhà xuất bản RavenYard cũng đã hỏi tôi một câu như thế. Tôi có thể nói rằng đây là một tác phẩm văn chương hư cấu, không phải là một cuốn tự truyện. Tuy nhiên tiếng nói của mỗi nhân vật chính trong bộ trường thiên tiểu thuyết này đều phảng phất tính chân thực. Những điều tôi viết ra là những gì mà những vị giáo sư bộ môn diễn xuất của tôi gọi là những hồi-ức-bén-nhạy, một phương pháp diễn xuất sân khấu mà nữ diễn viên Uta Hagen là người tiên khởi. Tôi học đưọc kỹ thuật này từ trường đào tạo diễn viên sân khấu. Tôi đã học cách làm thế nào thể nhập vào dòng cảm xúc cá nhân của mình để có thể làm rung động lên những tình cảm trung thực và mang nó vào sáng tạo. Bây giờ thì là chuyện hết sức tự nhiên và tôi đã mang được cái phương pháp hồi-ức-bén-nhạy này của kỹ thuật sân khấu vào việc sáng tạo những tác phẩm hư cấu. Một số những nhà phê bình văn học hay những người dạy viết văn thường cho rằng tác phẩm sơ khởi của nhà văn đều mang dấu ấn tự truyện. Tuy nhiên một điều xin nhớ rằng những nhà văn cũng đã học được nguyên tắc căn bản của nghệ thuật viết văn: Viết về những gì mà bạn biết rõ. Sông Hương là những gì mà tôi biết.
VM: Hiện nay cô làm gì?
DNN: Hiện tôi là giáo sư dạy bộ môn luật tại Ðại học Luật khoa thành phố Denver. Tôi sống và giữ vững cương vị chuyên nghiệp trong ngành luật suốt 20 năm qua, luôn luôn gắn bó với những giá trị tuyệt vời của ngành này.
VM: Làm sao cô có thể vừa theo đuổi luật vừa theo đuổi văn chương?
DNN: Tôi thấy là mình đã có thể kết hợp cả hai một cách hài hòa. Vấn đề chỉ là mức độ quyết tâm và sự hy sinh của nhà văn. Trong nhiều công việc liên quan đến ngành luật, tôi đã phải đấu tranh với một thành kiến luôn cho rằng nếu là một con người nghệ sĩ tôi đã không bao giờ có thể hoạt động trong ngành luật pháp một cách nghiêm túc. Thành kiến này càng được tăng thêm bởi vì người ta cho rằng tôi là một phụ nữ Ðông Nam Á, sống đóng khung trong những mẫu mực văn hoá nhất định.
Hơn thế nữa, luật pháp là khuôn khổ nguyên tắc còn nghệ thuật là tự do phóng túng, tiến trình sáng tạo hoàn toàn khác biệt. Sự xung đột này – giữa văn chương và luật pháp – đã được tôi trình bày trong những công trình nghiên cứu hàn lâm.
Một cách tóm tắt, trên rất nhiều phương diện, tôi nhận thấy rằng thế giới của văn chương và luật pháp đã bổ túc lẫn nhau.
VM: Cô nghĩ gì về các sáng tác có chất tình dục ở vài tác giả hiện nay?
DNN: Cách đây mấy tháng, tôi được biết rằng tôi đã được xếp loại vào chung với một số phụ nữ viết văn tiếng Việt – viết về tình dục. Tôi xin khẳng định – tôi chưa bao giờ viết về tình dục cả. Tôi chỉ viết về kinh nghiệm làm người. Người nữ nồng nàn và người nữ nhọc nhằn. Và tôi cũng không lấy gì làm hãnh diện được chỗ đứng “tiền phong” cho phong trào “viết về tình dục” này.
Trong việc phê bình văn học (một địa hạt quá thiếu vắng trong tình huống eo hẹp của kiếp di dân), dùng tiêu chuẩn gì đây để đánh giá hiện tượng này – cái gọi là “nhà văn Việt Nam viết về tình dục, nữ cũng như nam”? Nếu nói rằng nhà văn nữ Việt Nam đi vào một thế giới mà trước kia là chỗ đứng của đàn ông, thì Anais Nin đã làm điều này từ thập niên 1930. Tại sao đàn bà Việt Nam bây giờ đi làm chuyện đó, chỉ để công nhận mình đã thụt lùi sau Anais Nin gần cả một thế kỷ?
Artists write art. Artists write humanity. Thinkers write thoughts. Thinkers write social justice. Artists and thinkers do not write sexuality for the sake of sexuality. Nếu tình dục là một phần của kinh nghiệm nhân sinh, thì người nghệ sĩ sẽ tả dục tình để đi tìm cái đẹp của nhân sinh và nhà tư tưởng sẽ mô tả dục tình để tranh đấu cho nhân sinh. Dục tình viết khơi khơi, gratuitously, là khởi điểm của mại bản, dùng ngay thân xác con người để làm shock effect, mà trong đó phụ nữ thường thường là bị bóc lột. Người luật gia nói rằng đây là mại bản appealing to the prurient interest. Không thể dùng realism để bào chữa cho chiều hướng mại bản này.
Tình dục, realism, trong phạm vi tiểu thuyết, cần phải được authenticated trở thành một kinh nghiệm nhân sinh (tôi không biết phải dịch chữ “authenticated” làm sao), chu kỳ “authentication” đó phải đặt trên kiến thức, trí tuệ, và sự ngậm ngùi suy gẫm về kiếp ngườI – knowledge, experience, and then the necessary elaboration. Ði vào lãnh vực mô tả tình dục con người bằng trí tưởng tượng, va chạm cả vào phạm vi chuyên môn của tâm lý học và y học– có thể sẽ trở thành faux pas lớn nhất cho người tập cầm viết. Write only what you know! Ðây là nguyên lý rõ rệt nhất cho trường dạy văn chương sáng tạo ở xứ này. Nếu không, viết về tình dục sẽ trở thành một sự trịch thượng, kệch cỡm và gượng ép. Có nhiều khi đi luôn vào cái mà độc giả có tầm vóc sẽ cho là “bad taste”.
VM: Tên cô là Như Nguyện, nghĩa là?
DNN: Vâng, tên tôi là Như-Nguyện. May All Your Wishes Come True. Và tôi thường tự bảo mình: cứ viết đi, đừng suy nghĩ đến thành công thì tốt hơn. Con đường thiên lý đẹp vì hoa nở trên đường đi, chứ không phải vì nó dẫn đến đích: một ngôi nhà vàng nào đó để nhốt con chim hót!

Nguyễn Xuân Hòang

“Lịch sử trở thành kẻ hiếp dâm,

mà văn hoá là nạn nhân bị hãm hiếp”

clip_image004

Lý Đợi thực hiện


“Tôi là một cá nhân rất cương quyết nhưng lại nhạy cảm, một con người sáng tạo, lãng mạn và thích mạo hiểm, nhiều cá tính, nhưng vẫn trung thành với thông lệ và truyền thống. Đồng thời, tôi cũng đã từng gạt bỏ tất cả những thông lệ mà tôi cho là cổ hủ, gò bó tự do và sáng tạo của con người. Tôi là một phụ nữ rất tham vọng nhưng lại thờ ơ trước các tiêu chuẩn xã hội và các vấn đề danh vọng, tiền tài. Tôi chỉ chủ trương cầu tiến và luôn luôn đi tìm tuyệt đối. Tôi mang nhiều bộ mặt khác nhau, trái ngược, nhưng từ trong căn bản rất chân chất và thuần khiết.”
Nhà văn Dương Như Nguyện (Uyen Nicole Duong), tác giả của tiểu thuyết Daughters of The River Huong (Con gái của sông Hương) – cũng từng là một luật sư, một thẩm phán, một giáo sư – đã trả lời như thế trong bài phỏng vấn này. Trong khi cuộc phỏng vấn được đăng tải (3-2008) thì Dương Như Nguyện đã sửa soạn cho ra đời tác phẩm mới của bà.

Xin hỏi phải gọi chị như thế nào đây: Nhà văn, Luật sư, Thẩm phán, hay Giáo sư?
Anh không cần phải gọi tôi bằng nhiều danh xưng như thế. Như Nguyện là đủ rồi.
(You don’t have to address me with all those professional titles. My Vietnamese name, Nhu-Nguyen, is fine.)
Sau khi bài phỏng vấn Dương Như Nguyện do nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được link tới website talawas vào ngày 20-9-2005, thì tại Việt Nam, thông tin về một nhà văn nữ tài hoa, thông minh và sắc sảo – Dương Như Nguyện – được cập nhật nhiều hơn trong giới văn nghệ. Vì thế, trong bài phỏng vấn này, sẽ tiếp tục nhiều hơn vào tiểu sử, tâm tư tình cảm và chuyện của một luật sư, một giáo sư đại học.
Cảm ơn anh, nhưng tôi không dám nhận lời khen tặng. Việt Nam có biết bao nhiêu phụ nữ đẹp và tài năng. Đẹp đối với tôi là cái đẹp từ bên trong và cái đẹp của nhân cách. Đó mới là cái đẹp trường tồn. Vấn đề là cái đẹp và tài năng ấy được sử dụng ra sao cho tiến triển xã hội.
(Thank you so much for all those compliments, but I don’t deserve them. Vietnam is full of beautiful and talented women. When I say beauty, I mean inner beauty and beauty of character. That’s the only kind of beauty that lasts. It’s just a question of what can be done with all that talent and beauty for the good of society.)
Thưa chị, chị có vui lòng thổ lộ cùng bạn đọc về cái kỷ niệm năm 13 tuổi của mình không? Trước đó nữa, khi còn rất bé, chị có còn nhớ gì nhiều không?
Tại sao anh lại hỏi về năm tôi 13 tuổi? Anh có biết gì về tôi, mà chính tôi cũng không biết? Có thể lắm. Theo tôi nhớ thì năm 13 tuổi, tôi là một cô bé dậy thì, rất gầy, sống ở Sài Gòn. Tôi học rất giỏi và cuối năm học tôi bị ốm phải nghỉ học một thời gian. Nhưng vẫn đứng đầu lớp. Đừng hỏi tại sao. Chính lúc đó tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Tôi giỏi Việt văn và Anh ngữ, căn cứ vào điểm trong lớp.
Trước đó thì cha mẹ tôi di chuyển từ Huế vào Sài Gòn, và tôi đổi trường học luôn luôn.
(Why mentioning the age of 13? Do you know something about me that I don’t? Maybe. To the best of my recollection, I was a very skinny teenager, living in Saigon. I was an excellent student, but toward the end of the school year, I was sick and had to miss school for a while. Yet I still topped my class, don’t ask me why. I myself did not know. Be that as it may, I excelled in Vietnamese literature and English, judging from my grades.
Before that, my parents moved us from Hue to Saigon, and I changed school too often.)
Nhiều cô gái ở Huế, Quảng Nam lấy chồng vào tuổi 15, 16 [thời trước]. Chị ra đi có bị vướng bận gì chuyện “con tim” hay không?
Anh nói đúng. Nhiều thiếu nữ thời tôi, lớn lên ở Việt Nam, lấy chồng rất sớm. Năm tôi ra đi, tôi khoảng 16 tuổi. Mơ mộng và thích thơ văn. Tuy nhiên tôi khác biệt với những bạn bè cùng lứa. Ngay thuở đó, tôi đã tham vọng và không nghĩ đến chuyện con tim. Thế mà khoảng 2 tháng trước khi Sài Gòn mất, tôi gặp một chàng trai rất dịu dàng ở một… hộp đêm. Chỉ thế rồi thôi. (Mẹ tôi cho tôi đi học nhảy ballroom dancing để sau này đi về ngành ngoại giao, biết cách giao tế Tây phương.)
Năm lên tám, gia đình tôi từ giã Huế vào Sài Gòn. Lúc đó tự nhiên tôi có nghĩ đến hình ảnh một cậu con trai Việt Nam rất dịu dàng, hiền lành, mà bất hạnh. Cậu trai cũng gấy ốm như tôi. Chỉ có vậy thôi.
(You are correct. Vietnamese women in my generation got married quite early. When I left the country, I was 16 going on 17. I was very romantic and loved literature. Nonetheless, I was very different from my peers. Even then, I was ambitious and did not think of “romantic love.” Yet, about two months before Saigon fell, I met a very gentle young man at a… dance club! But that was it. (My mother had me learn ballroom dancing in preparation for a diplomatic career – I was supposed to be trained on the social protocols of the West.)
When I turned eight, we moved from Hue to Saigon, and I thought of the image of a Vietnamese boy, who was very kind and gentle, yet somewhat unlucky. He was skinny like me. That was it.)
Đến Mỹ, cảm giác ngay khi đặt chân xuống là gì? Điều gì vào ngày ấy còn để lại ấn tượng trong chị?
Nên nhớ tôi là một người tỵ nạn. Tôi nhớ mình buồn da diết. Cha tôi khóc, và mẹ tôi xỉu. (Tôi đem những kinh nghiệm này vào tiểu thuyết.) Tuy thế, nhưng sau khi đến Mỹ, tôi thấy bừng sinh khí. Tôi bảo với mình rằng trong nỗi đau khổ mất mát và tương lai vô định này, tôi đã bước vào đất hứa. Để được tự do. Tự do về vấn đề chính trị, và tự do bản thân. Ngoài việc thoát khỏi chế độ mới, thể chế Cộng sản mà tôi không quen, tôi sẽ không còn phải sống theo khuôn khổ chật hẹp của xã hội Việt Nam, ảnh hưởng văn hoá Khổng Mạnh Tống Nho, ảnh hưởng Trung Quốc, qua sự chà đạp phụ nữ.
(Keep in mind I was a political refugee. I remember the sadness. My father cried, and my mother fainted. (I brought this personal experience into my novels.) Even so, when I landed in America, I felt rejuvenated. I told myself that in all this loss and in the face of uncertainty, I had landed on my promised land. I would have freedom. Political freedom as well as personal freedom. I no longer had to live within the confines of neo-Confucianism imported from China — a cultural jail that oppressed women.)
Chị bắt đầu việc học lại của mình như thế nào? Những khó khăn tất yếu phải đối mặt?
Tôi học giỏi ngay từ nhỏ. Không có vấn đề gì. Không có trở ngại ngôn ngữ. Ở Mỹ, tôi tự nuôi mình đi học bằng cách làm việc và có học học bỗng vì điểm cao. (Tôi đem kinh nhgiệm sống này vào tiểu thuyết của tôi.) Vấn đề khó khăn nhất là tôi không có ai nêu gương và hướng dẫn vấn đề nghề nghiệp sau này. Tôi cảm thấy lẻ loi.
(I have always excelled academically. No problem in college. No linguistic difficulty. I supported myself with work study and scholarships based on academic excellence. (I brought this experience into my novels as well.) The only problem was the lack of mentorship and career counseling. In that regard, I have always felt alone.)
Đến khi nào thì chị biết Anh ngữ và hoà nhập văn hoá không còn là vấn đề của mình? Hay hỏi khác đi, khi nào thì chị thấy mình hoà đồng được với những sinh viên, học sinh bản xứ khác?
Tôi hoà đồng ngay lập tức.
Chắc quý vị không ngờ là những vấn đề văn hoá hội nhập thường đến khi chúng ta già đi mà thôi. Nhưng cá nhân như tôi càng sống lâu năm ở ngoại quốc thì càng thấy rõ vấn đề xung đột hoặc lẻ loi văn hoá mà mình không nhận ra trong lúc trẻ.
(Cultural integration began immediately for me. You might be surprised to find out that cultural issues often come much later in life for immigrants, as they get older and have spent much more time away from their home culture.)
Còn việc học tập và ôn luyện tiếng Việt của chị như thế nào?
Việc tự nhiên. Tôi vẫn luôn có khiếu về ngôn ngữ, kể cả tiếng mẹ đẻ. Bố mẹ tôi là giáo sư ngôn ngữ và văn chương. Dĩ nhiên là tôi có mất đi một số ngữ vựng. Tôi nói và viết tiếng Việt theo lối trước 1975 của miền Nam, và vẫn còn cảm thấy bỡ ngỡ trước ngôn ngữ của xã hội Việt Nam bây giờ.
(Natural. I have always had an aptitude and a love for languages, including my native tongue. After all my parents taught Vietnamese linguistics and literature. Of course, I lost some of the vocabularies. The Vietnamese I speak and write is pre-1975 South Vietnamese style. I feel bewildered (and somewhat shocked) by certain contemporary Vietnamese usage.)
Luật sư là một trong những ngành "hái ra tiền" tại Mỹ, chị chọn nó vì lý do này, hay là vì một lý do nào khác?
Tôi chọn ngành Luật vì đó là một thử thách cao nhất cho người di dân lúc tôi thuộc lứa tuổi đôi mươi.
(I chose to study law because of the challenge it offered a 20-year-old immigrant.)
Với chuyên ngành luật, chị nghĩ người Việt Nam [tại Mỹ] có tỏ ra ưu trội trong lĩnh vực này không? Tại sao?
Thế hệ luật sư đầu tiên không ưu trội, dù rằng có nhiều người kiếm được rất nhiều tiền vì họ độc quyền phục vụ cộng đồng [Việt] khi luật sư còn quá ít. Có nhiều vấn đề, nhất là nói và viết trước toà án. Tôi không gặp những vấn đề đó. Sự dễ dàng là do tuổi trẻ và năng khiếu. Những thế hệ sau ưu trội hơn. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy sự ưu trội mà tôi muốn thấy. Tôi đi tìm sự cầu tiến tuyệt đối ở mình và ở người.
(The first generation of Vietnamese lawyers in America, in my opinion, did not excel professionally, although many made a lot of money serving a captive audience – the community of first-generation Vietnamese. Many had writing and speaking issues especially in court. I have never encountered such difficulty, most likely due to my youth and perhaps aptitude. Younger generations of lawyers have excelled professionally, but not to the level I would like to see. I am a perfectionist and I demand more of myself and others.)
Chị viết văn trước khi hành nghề luật, hay ngược lại? Chị nghĩ, hai lĩnh vực này có điểm gì tương đồng hay không?
Ở bên Mỹ tôi viết văn trước khi trở thành luật sư. (Trước khi học luật, tôi là một ký giả, tốt nghiệp báo chí, và viết văn từ lúc đó.) Mặc dù chu trình sáng tác của luật học và văn chương không tương đồng, nhưng tôi đã làm cho chúng PHẢI tương đồng để sống theo kiểu tôi đã sống. Tôi có viết về luật học và văn chương sáng tạo trong tạp chí khảo cứu “xuyên bộ môn” (interdisciplinary) của Đại học Nam California.
(I wrote before I became a lawyer. The two fields are incompatible, but I made them compatible so that I could lead the life I’ve led. I wrote about this incompatibility and the compromise in a scholarly article on law and art, published by the Southern California Interdisciplinary Law Journal.)
Khi vào cương vị giáo sư đại học ở Denver city, lúc ấy chị bao nhiêu tuổi? Độ tuổi trung bình của sinh viên theo học ngành này?
Tôi hành nghề luật sư 18 năm trước khi đi dạy. Năm đi dạy đầu tiên tôi đã 42 tuổi. Tuổi trẻ nhất cho sinh viên luật năm thứ nhất là 22, tuy nhiên, tuổi của sinh viên có thể từ 22 đến 60.
(I practiced law for 18 years before I became a law professor, I was 42 at that time. The typical age of a first-year law student in America is 22, but the age group can range from 22 to 60.)
Mỗi năm chị có bao nhiêu học kỳ? Mỗi học kỳ chị có bao nhiêu sinh viên? Có nhiều sinh viên người Việt [hoặc gốc Việt] học lớp của chị không?
Mỗi năm có hai cá nguyệt, tức là hai học kỳ. Mỗi học kỳ tôi dạy từ 50 đến 70 sinh viên. Những lớp có viết luận đề thì tôi chỉ dạy dưới 8 sinh viên. Rất ít sinh viên người Việt. Từ trước đến giờ chỉ có hai em, một trai, một gái.
(A school year consists of two semesters. Each semester I might teach about 50 to 70 students. I have had only two Vietnamese students, a man and a woman.)
Nếu được, chị đánh giá họ như thế nào? Có một nhược điểm chung nào mà chị thường nhìn thấy ở họ?
Tôi rất ngại nói về học trò của mình trước công chúng. Làm như thế tôi thấy không phải. Tôi rất hạnh phúc khi được quen biết gia đình của học trò Việt. Đó là vì sợi dây văn hoá và tình nghĩa giữa tôi và họ.
(I don’t want to comment on my students publicly, because it is not fair to do so. I must say that getting to know the family of my students has been the special joy of my life. I attribute this to our cultural bond.)
Chị vào làm Ban quản lý điều hành Sở Học chánh Houston năm nào? Công việc cụ thể của nó là gì?
1979. Chính thức trở thành tổng giám đốc năm 1980, ở tuổi đôi mươi. Tôi trông coi tất cả các thiệt hại, bồi thường, bảo hiểm, liên lạc với luật sư biện hộ cho Quận Học Chánh (đứng hàng thứ 6 toàn quốc Hoa Kỳ), và chịu trách nhiệm một ngân quỹ 6 triệu đôla.
(1979. Officially becoming Executive Director in 1980. I was in my early 20s. I oversaw all compensation, liability, and insurance programs, and liaisoned with the School District’s counsel. The Houston Independent School District is the sixth largest school district in the U.S. I was responsible for a $ 6 million budget.)
Còn khi làm Thẩm phán tại Houston (người Việt điều tiên làm thẩm phán tại Mỹ), chị có phải đối mặt với một vụ án nào gay go, thú vị không?
Tôi là thẩm phán thành phố (chỉ một nhiệm kỳ 3 năm) và là viên chức “án sát” phải duyệt lại các trát toà đi bắt người hoặc đi khám gia cư. Tất cả các trát toà này đều có liên đới đến Hiến pháp Mỹ, và vì thế có thể phức tạp và khó khăn. Tuy nhiên, viên chức “án sát” thường thường làm việc trong bóng tối, không được khen thưởng. Chỉ có khi nào làm sai thì mới “bị” đem ra ánh sáng mà thôi, và lỗi lầm lại có thể bị kháng cáo lên đến cả tối cao pháp viện Mỹ, vì đó là vấn đề hiến pháp.
(For only one term, a 3-year term, I was a municipal judge and magistrate. As magistrate, I had to approve and sign search and arrest warrants. All warrants were interesting and difficult constitutional matters. Yet, the magistrate often worked behind the scene without much recognition. But if the magistrate made a mistake, it would be exposed to the public light, and probably the error would go to the U.S. Supreme Court because of constitutional implication.)
Hỏi liên tục một số câu đời tư như thế, để đi đến câu hỏi chính: Nhìn lại những bước chuyển trong đời mình, chị thấy bản thân mình là người như thế nào?
Tôi là một cá nhân rất cương quyết nhưng lại nhạy cảm, một con người sáng tạo, lãng mạn và thích mạo hiểm, nhiều cá tính, nhưng vẫn trung thành với thông lệ và truyền thống. Đồng thời, tôi cũng đã từng gạt bỏ tất cả những thông lệ mà tôi cho là cổ hủ, gò bó tự do và sáng tạo của con người. Tôi là một phụ nữ rất tham vọng nhưng lại thờ ơ trước các tiêu chuẩn xã hội và các vấn đề danh vọng, tiền tài. Tôi chỉ chủ trương cầu tiến và luôn luôn đi tìm tuyệt đối. Tôi mang nhiều bộ mặt khác nhau, trái ngược, nhưng từ trong căn bản rất chân chất và thuần khiết.
(How do I view myself? I am a very determined yet sensitive individual, a romantic creative risk-taker, quite eccentric yet still faithful to conventions and traditions in so many ways. At the same time, I have been known to bypass conventions and to break traditions when I find them to be stale and restrictive of human freedom and creativity. I am a very ambitious woman yet detached from societal judgment – things such as fame and fortune have not motivated me. I am full of contradictions and multi-faceted, yet the core of me is very consistent and pure. In many ways, I am a purist, some may even say a moralist.)
Vấn đề thực sự đang truy vấn tâm linh của chị là gì? Có thể nói về nó hay không?
Con đường tâm linh của tôi quá riêng tư để đem bàn luận trong cuộc nói chuyện. Tôi luôn nghĩ đến những vấn đề anh đã nêu trên đây: nguồn cội, bản sắc, sự phát triển và trau dồi khả năng, tài năng, rồi tiềm năng, cũng như hạnh phúc cá nhân. Vì tôi nghĩ nếu không có hạnh phúc cho chính mình thì không thể phục vụ được cho tha nhân. Tôi không đi theo chủ trương sống khổ nhục tự đày đoạ chính mình. Nhưng tôi cũng không phải là người chỉ muốn hưởng thụ. Điều tiên quyết: tôi tin tưởng vào công bằng và công lý. Luật nhân quả.
(My spiritual quest is too personal to be expressed in an interview. I think frequently about all the things you mentioned: roots, identity, full development of talents and potential, personal happiness. A person must be happy internally in order to serve others. I do not subscribe to a masochistic philosophy of life. Nor am I epicurean. One thing for sure: I believe in equality and justice – cause and effect. One must take the consequence of one’s action.)
Với chị làm một người Mỹ gốc Việt thành đạt như bây giờ, và làm một người Việt thành đạt, nếu được chọn lựa, chỉ sẽ chọn bên nào?
Rất may mắn tôi không bao giờ phải đẩy mình vào hoàn cảnh chọn lựa khó khăn như vậy. Sống cho nên người thôi cũng đã nam giải rồi, nói gì đến người Mỹ gốc Việt, người Việt gốc Việt. Bị phân loại như vậy mà lại phải là người thành đạt theo tiêu chuẩn xã hội nữa thì rất nan giải!
(I am glad I never have to make those difficult choices. To be worthy as a human being is difficult enough, let alone being a Vietnamese American, a Vietnamese Vietnamese (any such identity?), or then a successful one in society’s standards, as opposed to a failing one!)
Trước khi vào phần văn chương, xin hỏi chị một câu tế nhị mà bản thân độc giả tại Việt Nam có vẻ quan tâm. Thu nhập và chi tiêu của chị như thế nào?
Thu nhập cá nhân ở bên Mỹ là chuyện rất riêng tư không nói trước công chúng. Tôi có thể nói lên điều sau đây và các đồng nghiệp của tôi sẽ công nhận: Tác giả văn chương (không phải tác giả thương mại) không kiếm ra đồng nào. Mỗi cuốn tiểu thuyết bán trên amazon.com, tôi chỉ có được 1 đôla. Giáo sư luật và nữ luật sư người thiểu số không làm nhiều tiền bằng các đồng nghiệp tương đương, và đây là dữ kiện đáng buồn của nước Mỹ. Tôi tiêu bao nhiêu à? Tôi luôn luôn tiêu quá nhiều vì chẳng bao giờ tôi lo nghĩ đến tiền bạc. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ tiêu đủ cho người và cho các công tác xã hội. Cái khó vẫn bó cái khôn. Trong quá khứ, tôi đã có thể chạy theo tiền bạc và trở thành vô cùng giàu có, đến bạc triệu, bạc tỷ đôla, nhưng tôi đã không làm điều đó. Có thể đó là ngu dại. Trong tương lai nếu tôi có đi kiếm tiền để cố ý làm giàu, đó chẳng qua chỉ là thử thách trí thông minh mà thôi, hoặc để có tiền làm việc thiện. Tựu trung lại, tôi chỉ làm những cái gì tôi thích.
Một trong những công việc mà tôi đang cưu mang hiện nay trong hoạt động bất vụ lợi là tìm cách giải quyết bằng pháp luật vấn đề buôn người ở Đông Nam Á. Tôi mong có thể công bố kết quả của công trình nghiên cứu này trong năm sắp đến.
(My income? In America, it’s a personal matter and should not be discussed in public. I can reveal this much: Literary writers (not commercial writers) hardly make any money. I make about a dollar for every copy of my literary novel sold on amazon.com. Law professors and minority female lawyers like me are underpaid. This is still a sad reality in America, and the profession knows this. How much do I spend? I always spend too much because I never worry about money. Yet I don’t think I have spent enough for the good cause and the good of others. The means still restricts the end. In the past, I could have become very financially wealthy – millionaire, billionaire, but I chose not to. Some say this is stupid. I think it is stupid in a way, looking back. What makes me rich has never been my income. If I ever go after money, it is only for the intellectual challenge of making it, or for the need of helping others. In the end, I will only do what I want to do.
One of the very important topics that I am pursuing right now as part of my pro bono commitment is a proposal for legal solutions in dealing with the human trafficking problems in SouthEast Asia. I hope to publish my work in this area within a year.)
Nói như quan điểm của bà Sandra Kjistra khi nhận định Daughters of The River Huong thì Dương Như Nguyện hoàn toàn có khả năng viết như Mỹ hay các nhà văn best-seller còn lại. Đúng là chị muốn đi độc lập, và không theo khuôn mẫu. Nhưng về kỹ thuật viết, những ý tưởng cần thể hiện, những tư tưởng muốn gởi gắm… chị cũng có thể nói đôi chút về nó?
Tôi không thể phát biểu cho bà Sandra, dù rằng tôi vẫn còn giữ mấy dòng chữ nhận định của bà ấy về bản thảo của tôi. Bà ta không phân biệt giữa tôi hay bất cứ người viết nào đã tìm đến bà ta. Rõ ràng là bà ta muốn tôi chạy theo nhu cầu thương mại của thị trường Mỹ, và khuyên tôi nên viết một cuốn theo kỹ thuật của Memoir of a Geisha (Hồi ức một Geisha). Về kỹ thuật viết thì bà ta chẳng bao giờ nhân nhượng cho tôi vì tôi là người Việt Nam.
Trong việc làm của tôi, tôi luôn luôn phải làm theo tiêu chuẩn chung của người bản xứ. Đúng ra, tôi đã bị đặt vào một số tiêu chuẩn cao hơn người bản xứ, chỉ vì tôi là một phụ nữ Á Đông cần phải thi thố, vì họ bắt mình phải thi thố và chiến đấu. Tôi tin giá trị đích thực văn chương là giá trị quốc tế, không phân biệt văn hoá. Tôi không thấy là tôi viết theo lối các nhà văn Việt Nam viết cho cộng đồng mình. Tôi không cho rằng mình viết theo lề lối của cộng đồng người Việt thế hệ thứ nhất. Tôi có đọc và thưởng thức văn chương Việt Nam trước 1975.
(I can’t speak for Sandra although I still have her handwritten note somewhere, commenting on my novel… I know that she did not distinguish me from any other writer who has come to her. It is clear from her note that she wanted me to change my novel into a format that resembles Memoir of a Geisha – something that met the needs of the American marketplace.
In my career (law and art both), I have always been held to the same standard as the natives. In fact, I have been held to a higher standard, simply because that’s what it takes for me to distinguish myself and gain the respect of the mainstream.
The art and craft of writing are based on a number of universal principles and standards. I believe in them and think good writing must transcend cultures. I really don’t subscribe to the writing style of Vietnamese writers writing in exile for their own community and ethnic audience, whatever that style is. I do enjoy Vietnamese literature that predated 1975.)
Tại sao chị chọn lựa làm một nhà văn [có vẻ] khép kín trong vòng khung của mỹ học và thẩm mỹ truyền thống Việt?
Câu hỏi có ngụ ý như thế nào? Tôi không phải là một nhà văn “khép kín”. “Thẩm mỹ” không biên giới. Và “truyền thống Việt” nếu đúng nghĩa là truyền thống sẽ sống còn và tồn tại. (Tôi hy vọng truyền thống tốt đẹp Việt Nam sẽ bất tử?). Văn hoá dân tộc tồn tại là cái gì mở rộng, không phải là một sự khép kín.
(What does that mean, “a writer restricted by the Vietnamese aesthetic traditions?”Aesthetics is never restricted. And Vietnamese traditions will live on; otherwise they won’t survive as traditions; they will just disappear! I hope that will not happen. What survives and exists across cultural borders is always an expansion, never a restriction.)
Chị nghĩ tính chất, hương chất Việt sẽ biến mất trong một nhà văn gốc Việt khi nào? Chị nghĩ, nếu con chị viết văn, tính chất Việt có xuất hiện trong tác phẩm của nó không?
Cái Việt tính trong văn chương của tôi được nhà xuất bản và người đọc trong dòng chính gọi là “the voice.” (Tiếng nói, hoặc qua nhân vật, hoặc qua lối tâm tình của chính tác giả. Trong dạng tiểu thuyết, thì tiếng nói phải qua nhân vật). Tất cả các độc giả của tôi có nhã ý đến tìm tôi đều nhận ra tiếng nói ấy. Hương chất Việt sẽ biến mất khi nhà văn không còn “the voice” của mình, không giống một ai khác trong dòng chính.
Nếu con tôi viết văn và tôi un đúc cho nó thì Việt tính của nó sẽ không mất. Tiếng nói của nó sẽ là đặc thù riêng của nó, không giống ai khác.
(Perhaps what you refer to as “the Vietnameseness” in my fiction is what my publisher and readers in the mainstream describe as “the voice.”In the creative literature, the voice is very important. A writer of fiction must be recognized for “the voice” either through characters or from herself as the unseen narrator. I subscribe to the notion that in fiction, the voice must come from characters. Every reader who has sought me out after reading my work has recognized “the voice” in my work. I want that voice to remain unique. If it’s my Vietnameseness that characterizes “the voice,” then be it – that which distinguishes me as a writer in the mainstream.
If my child chooses to write and if I contribute to my child’s writing career, then the Vietnamese characteristics will not be lost. However, my child’s voice will be uniquely his or hers, not like anyone else’s voice.)
Tại sao "Hương" lại được chị chọn làm motif để liên văn bản, nghĩa là viết miệt mài từ tác phẩm này sang tác phẩm khác?
Hương trở thành một thôi thúc. Một tiếng gọi tâm linh để đi đến một nơi chốn cao quý về tinh thần. Giống như miền đất hứa. Quê hương. Nguồn cội. Cái đẹp trường cửu. Vì thế, motif này bắt buộc phải là một sự nối dài. Từ Mùi hương quế đến Sông Hương là chuyện đương nhiên. Có một số độc giả Việt Nam cho rằng sông Hương là con sông địa lý, ở xứ Huế. Có vị còn hỏi tôi về dòng sông ở Huế vì bà ta cho đó là con sông của bà ta, chỉ vì bà ta sinh trưởng ở Huế! Sông Hương ở Huế đối với tôi chỉ là biểu tượng của biểu tượng. Tôi viết về con sống ở quá khứ. Của tuổi thơ. Con sông của linh hồn.
Thêm một điểm, ngẫu nhiên, mà tôi có viết về một người tôi cho rằng đã khai phóng nữ quyền ở Việt Nam, đi trước thời đại. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cũng tên Hương.
(Fragance is the motif of “the voice.”I also think of fragrance as the calling, the pursuit of internal and eternal nobility. What the mainsream describes as a sense of “noblesse oblige’”. Fragrance is also my sense of the beauty of culture. A promised land, never reached. It’s the guiding light for the return to roots. Such a motif naturally has to be continuing from one body of work to another. For the Vietnamese audience, I started with The Cinnamon Fragrance of the East and then moved on to the River Huong. I was surprised when certain Vietnamese readers kept thinking of the physical river in Hue, whom they claimed as “theirs.” These Vietnamese readers think narrowly of the geographical, physical location. One woman even quizzed me on the River in Hue. To me, the River in Hue is just the motif of a motif. To me, I wrote about the River of Memory. The River of Childhood. The River of the Soul.
Another coincidence. I wrote about a Vietnamese feminist (for lack of a better word): the poetess Ho Xuan Huong. She was ahead of her time. Her name is also Huong.)
Chị nghĩ mình thuộc kiểu nhà văn nào?
Kiểu riêng của tôi mà thôi. Thành thật mà nói, tôi không đặt vấn đề chọn kiểu.
(I am my own stylist. Frankly I don’t make it an issue – what style.)
Lớp nhà văn trong nước và hải ngoại, chị có quan tâm đến ai không? Vấn đề tiền phong [avant-garde] trong văn học đang diễn ra trong một số ít tác giả người Việt, chị nghĩ thế nào về điều này?
Tôi không biết đủ về họ để nhận xét. Nói phải nói một cách tổng quát, tôi thấy Nguyễn Huy Thiệp có tài viết truyện ngắn thuần tuý dân tộc, rất hay, và bà Phạm Thị Hoài là một phụ nữ trí thức rất gan góc, viết tiểu thuyết theo kiểu nghị luận. Một trong những chuyên môn của tôi là phê bình văn học, nhưng tôi không đủ thì giờ viết. (Trừ năm tôi theo học Thạc sĩ ở Đại học Harvard; năm đó tôi viết rất nhiều bài phê bình văn học vì chuyên môn của tôi là phê bình văn học, sự tương quan giữa luật học và văn chương. Một trong những bài phê bình của tôi năm ấy nói về kịch bản Kiss of A Spider Woman của một nhà văn Nam Mỹ, sau này được làm thành film rất nổi tiếng ở Mỹ).
Ở Việt Nam sau này tôi thấy có Đỗ Hoàng Diệu với lối văn rất sống động, và cách sử dụng biểu tượng khá sâu sắc. Tuy nhiên, Diệu viết không đều đặn, có truyện được, có truyện cô cố gắng với biểu tượng nhiều quá. Và vấn đề tâm linh phụ nữ thì Diệu không đi đến cuối con đường. Người tôi thấy có tiềm năng quốc tế là Nguyễn Ngọc Tư. Điểm tương đồng là cả ba: Diệu, Tư, tôi, đều có viết về việc hãm hiếp một phụ nữ trẻ tuổi (tôi viết cả về việc hãm hiếp một thiếu niên) (hai cuốn tiểu thuyết đó tôi chưa xuất bản). Hãm hiếm trở thành biểu tượng của kiếp nô lệ. Những gì xảy đến cho con người khi bị mất quyền tự chủ. Lịch sử trở thành kẻ hiếp dâm, mà văn hoá là nạn nhân bị hãm hiếp.
Tôi xin nói rõ, tôi không đọc nhiều. Chỉ đọc những gì đã gây sôi nổi cho cộng đồng người Việt, do bạn bè của tôi gửi đến.
(I don’t know enough about the new breed of Vietnamese writers to make any observation. If I have to say something, well… In general, I think that Nguyen Huy Thiep is talented in the domain of Vietnamese short stories, but his is confined to the Vietnamese culture. Pham Thi Hoai is a learned woman; her concepts are intelligent and reflect outspoken courage, but she is not a lyrical creative artist. More of a logical creative thinker or essayist, in my opinion. Literary critique and interpretation are part of my graduate training and expertise, but I don’t “practice” literary critique because of lack of time. The last literary critique I wrote was on the famous Latin American play, Kiss of a Spider Woman. It was made into a famous movie in America in the 1980s.
More recently, I noted the unique style of Do Hoang Dieu and her use of symbolism. But, in my opinion, the quality of her work is inconsistent. She can be so good in one short story and then she tries too hard in another short story. Her writings about the wrinkles of the female psyche do not satisfy me. I am quite impressed with the more universal and consistent talent of Nguyen Ngoc Tu. The thing I have in common with Dieu and Tu is the fact that I, too, wrote about the rape of a young girl (and even a young man) (I have not released those novels, not yet.) Rape becomes symbolic of the oppressed – what happens when a human is stripped of control. The course of history can become the rapist, and the culture is the victim.
I need to put in a caveat that I have not read a whole lot of Vietnamese works. I read what has invoked controversies because my friends sent the controversial works to me to read.)
Chị có mong mỏi mở rộng thêm hiểu biết về các tác giả người Việt không?
Khổ một nỗi tôi không có nhu cầu hay xa xi phẩm của thời gian để đi tìm họ. Tôi làm việc trí não mỗi ngày từ 10 tới 13 tiếng là thường, về những vấn đề không liên quan gì đến Việt Nam. Tôi chỉ có thể đọc những gì người khác đưa cho tôi để tham khảo ý kiến hay để làm quen. Tuy nhiên, tôi mong mỏi một ngày nào đó sẽ có một tài năng Việt Nam gây ảnh hưởng thế giới.
(Unfortunately, for lack of time I don’t make a point to keep up with Vietnamese writers. I work cerebrally between 10 and 13 hours a day, quite often on matters that have nothing to do with Viet Nam. So I only read what I like, or what was given to me by others asking for an opinion, or to get acquainted. Yet, I do look forward to the arrival of a globally influential Vietnamese literary star!)
Với chị, như thế nào là một tác phẩm thành công? Thế nào là một nhà văn thành công?
Từ trước đến nay tôi chưa viết để được thành công hay bị chi phối bởi chữ thành công. Tất cả các nhà văn đều mong muốn được xuất bản, được đọc và được tiếp tục viết. Đối với tôi sáng tạo là con đường thiên lý. Một tiểu thuyết gia thành công làm cho độc giả xúc động thật sự, và tin tưởng tiểu thuyết là sự thật, cũng giống như một kịch sĩ khi sân khấu đã trở thành cuộc đời. Người viết thành công là người đã làm độc giả thay đổi, và suy nghĩ, mà không cần phải cổ võ, tuyên truyền hay bóp méo, xách động để ảnh hưởng người khác. Nói một cách văn hoá: đi tìm nghệ thuật tức là đi tìm sự thật của chính mình. Không thể có nghệ thuật trong sự giả tạo hay lừa dối.
(I have not defined nor tried to achieve success whenever I write. All writers want to be published and widely read. All writers want to continue writing. But the creative process is an unending journey. I think a successful novelist moves her readers and creates a sense of suspended disbelief, like any successful artist who must create an impact on her audience because to her, the stage has become life. A successful writer is one that has caused a change in her readers, making readers think more deeply about that which has moved them, without the need for propaganda or intimidation, or distorting the truth as a form of manipulating or forcing behavioral changes in others. A cliché: the pursuit of art is the pursuit of truth. There can never be art in pretense or deceit.)
Chị nghĩ văn học của người Việt hay gốc Việt ở hải ngoại đã có được những tác giả thành công như thế chưa? Nếu có, họ gồm những ai?
Tôi chỉ xin nói về cộng đồng di dân. Dù tôi không chủ tâm hay có thì giờ theo dõi đọc văn của nhà văn Việt Nam, nhưng tôi biết thị trường và không khí. Theo thiển ý của tôi thì chưa có sự tuyệt với trong sáng tạo đúng mức như tôi muốn thấy, kể cả cá nhân tôi. Chưa có một khám phá đúng mức về tài năng. Chưa có tác phẩm để đời. Mà lại có một sự thoái hoá về chất lượng. Đó là vì vấn đề thương mại, hiện tượng tự xuất bản, môi trường khép kín, xô bồ và sự thiếu phương tiện của cộng đồng di dân. Không có đủ nhà phê bình trí thức và nghiêm túc, mặc dù có một số người tự phong mình là nhà phê bình. Giới đó hay viết bài "phê bình" dưới tiêu chuẩn "substandard", vì ganh ghét cá nhân hay vì muốn nổi tiếng. Họ đi vào ranh giới lạm dụng tự do ngôn luận bừa bãi và phạm luật, những người khác làm ngơ vì sự hạn hẹp và bưng bít của cộng đồng thiểu số.
Ngay cả dòng chính cũng phải lên tiếng báo động về vấn đề phê bình văn học hiện đại. Sự thoái hoá này xảy ra ngay cả trong xã hội dòng chính.
Điều mà tôi e ngại khi đọc văn chương Việt Nam là ở điểm này: Các cây bút Việt cố gắng nhiều quá, họ đâm ra gượng ép.
Nếu tôi đã đọc được gì về nghệ thuật viết văn từ dòng chính, đó là điểm sau đây: Viết văn là một chu trình tiềm thức… Trơn tru, dễ dàng, và không cần phải cố gắng quá độ thì những gì đẹp nhất của việc sáng tác mới thoát ra được.
(I confine my answer to the exile community. Although I have not followed the career of any particular Vietnamese writer, I know the general marketplace and ambiance. In my opinion there has not been a masterpiece. There has not been proper recognition or nurturing of talents. In the past few decades, there has been an erosion of quality and standards due to consumerism, the self-publishing phenomenon, and the close-knit and non-selective nature of the exile community. There is a serious lack of qualified and competent literary critics, although there are self-claimed critics who write substandard “reviews” for personal vendetta and senstionalism. Those people walk the borderline of committing unprotected speech and tortious conduct.
Even the mainstream is complaining about the true meaning of today’s literary interpretation. There is an erosion of literary standards even in the mainstream.
The problem that I see in reading Vietnamese literary works is that many Vietnamese writers try to hard. They “will” their writing. What I have learned from creative writing is this: Creative writing or fiction is a natural process. The work streams out of you effortlessly. It’s almost subconscious. One cannot will one’s creative writing. Astute readers see and feel this right away.)
Với suy nghĩ như vậy, chị nghĩ gì về văn chương Việt trong 5, 10, hoặc 20 năm tới?
Anh nói văn chương trong nước hay ngoài nước? Tôi không dám nói. Tôi bi quan.
(Do you mean Vietnamese literature in Vietnam or in the exile community. Under either scenario, I am pessimistic.)
Trong tương lai, chị sẽ nghỉ viết văn trước, hay nghỉ nghề luật trước? Bao giờ và tại sao?
Sẽ nghỉ luật trước. Tôi đã về hưu bán thời gian năm 40 tuổi để viết. Sau đó tôi trở về với nghề luật một cách ngắn hạn và cuối cùng tôi dạy học. Đôi khi tôi nghĩ rằng đi dạy học là một sai lầm cho vấn đề viết văn. Cách độc nhất làm tôi về hưu với chuyện viết văn đó là ngày tôi ngừng thở. Nhưng nếu tôi còn đầu thai làm người ở kiếp khác thì chắc tôi lại sáng tạo tiếp tục.
(I will quit law first, definitely. I took semi-early retirement at the age of 40 in order to write. Later, I came back to the practice of law short-term and then was recruited to teach law full time. At times I thought law teaching was a mistake sofar as my literary life was concerned, because law teaching has not nourished my creative writing. The only way for me to retire from writing is probably death. And if there is life after death, in reincarnation, I probably will continue writing.)
Chị có bao giờ về Việt Nam chưa? Chị có bao giờ nghĩ về cái gọi là: Quê cha đất tổ?
Tôi có về Việt Nam. Với tư cách một luật sư đại diện cho thân chủ là các công ty Mỹ và cũng vô tình mà đi du ngoạn một chút. Bạn tôi nói: take the girl out of Vietnam, but you can’t take Vietnam out of the girl (Đem cô gái ra khỏi Việt Nam, chứ làm sao đem được Việt Nam ra khỏi cô gái!). Và như thế thì về hay không về tôi vẫn mang mảnh đất trong tim như một nỗi bùi ngùi muôn thuở.
Câu hỏi đâu là quê cha đất tổ càng làm tôi ngậm ngùi hơn. Quê cha tôi ở làng Phùng Thượng (thường gọi là làng Bún), huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây [có lúc gọi là Sơn Tây] (tôi viết truyện ngắn “Bóng Ma Hà Tây” là để tưởng niệm quê cha). Quê mẹ tôi ở làng Ngọc Anh, Huế (Thừa Thiên) (tôi viết tiểu thuyết Sông Hương để tưởng niệm quê mẹ).
Con đường tôi đi là con đường thiên lý. Tôi muốn đi vào lòng nhân loại rộng lớn, với mảnh đất trong tim, không nhất thiết phải đặc chân lên mảnh đất ấy mới tìm thấy nguồn cội và tình yêu bất tử?.
(I did return to Vietnam as a lawyer representing American businesses and as an accidental tourist. My friend says the cliché: take the girl out of Vietnam but you can’t take Vietnam out of the girl. So it matters not whether I return to Vietnam. I bear the homeland in my heart as a perpetual sense of nostalgia. So your question as to where home is for me just makes me poignant. My father’s homeland is the village Phuong Thuong, the province of Ha Tay, west of Hanoi (I wrote an award-winning short story called the Ghost of Ha Tay in dedication for the fatherland). My mother’s homeland is the village Ngoc Anh, in the outskirts of Hue (I wrote the novel River Huong in the image of the motherland). The path I travel is an unending journey. I want to travel the universal heart of humankind, carrying the homeland in my own heart. I don’t necessarily have to live on the land of Viet Nam to embrace my homeland.)
Cuối cùng, một suy nghĩ như là châm ngôn sống của chị; cũng như về việc trả lời bài phỏng vấn này?
Đừng bao giờ từ bỏ con đường thiên lý. Con đường chỉ đẹp khi nó là con đường thiên lý. Tôi nhớ câu, triết lý là một cố gắng “tụ tĩnh” của một người đi. Người cầm viết chính là kẻ lữ hành minh mẫn.
Về bài phỏng vấn của anh: tôi nói chuyện với anh dù chúng ta cách nhau một cái biển và chưa bao giờ gặp mặt; vì anh còn trẻ, anh làm thơ; và vì tôi và anh sinh ra cùng một chỗ: Quảng Nam. Chúng ta cùng quê quán. Năm anh sinh ra đời ở Quảng Nam thì tôi tốt nghiệp đại học ở Mỹ. Hơn nữa, tên anh là "Đợi", như "Đợi chờ". Cả hai chúng ta vẫn đang chờ đợi?
(My motto: never give up the unending journey. What makes the journey meaningful and beautiful is the fact that it is forever unfinished. A writer is a traveler. I remember a saying in French: Philosophier c’est etre en route. A writer is that philosopher.
What do I think about the interview? I did it because you are young, you make poems, and you and I were born in the same place: Quang Nam. We share the same birthplace. I graduated from college the year you were born. Further, your name is “Doi.” It means “Waiting.” Can I say we are both still waiting?)
Trân trọng xin lỗi chị vì sự phỏng vấn đường đột này. Chúc chị cùng gia đình sức khoẻ, bình an.
Cảm ơn anh và chúc lành cho anh.
(My thanks and best wishes to you. May All Your Wishes Come True.) Nhu Nguyen.
Bài phỏng vấn và cuộc nói chuyện này do Lý Đợi thực hiện qua email, kéo dài quá nhiều buổi, bắt đầu từ ngày 28-9-2005 đến ngày 20-2-2008. Lý Đợi sinh năm 1978 tại Quảng Nam, Việt Nam, nhà thơ, thành viên của nhóm Mở Miệng – gồm Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy và Nguyễn Quán, sống và làm việc tại Sài Gòn. Bài phỏng vấn này đã được sự chấp thuận của Nhà xuất bản Ravensyard, nơi xuất bản tác phẩm Daughters of The River Huong (Con gái của sông Hương).
Bài phỏng vấn này do Lý Đợi thực hiện trong tư cách cá nhân, không tuỳ thuộc vào cơ quan hay hệ thống truyền thông nào. Nơi in là tạp chí talawas, và Dan Duffy’s Vietnam Literature Project. Muốn trích dịch hay đang tải phải có sự đồng ý bằng văn bản của người phỏng vấn, người được phỏng vấn, và Nhà xuất bản Ravensyard. Thi sĩ Lý Đợi đã đồng ý với các điều kiện này. Cuộc phỏng vấn vô vụ lợi, và không có thù lao.

Đọc văn Dương Như Nguyện :

Chiếc phong cầm của bố tôi

Thay lời tựa:

Tôi yêu lắm cái linh hồn,
Gọi là tinh thần luân lý giáo khoa thư
Vất vưởng theo bước chân người Việt Nam tị nạn
Tôi luôn tìm chỗ nương náu
Cho cái linh hồn mờ phai ấy
Trong xã hội nhiễu nhương này
Hôm qua, hôm nay, ngày mai, và nhiều ngày sau nữa.
Tôi đã bắt đầu và tiếp tục cuộc hành trình.
Vào nước Mỹ thênh thang

***

Tôi đi,
Nương theo linh hồn luân lí giáo khoa thư của Việt Nam nhỏ bé
Đi mà nhớ mãi,
Tiếng đàn của một ông giáo,
Ôi tiếng Phong Cầm của Bố Tôi.

Tên tôi là Dương Thị Như Hoài An. Ở Mĩ tôi mang tên Ann Dương. Tôi là con gái một ông giáo dạy văn chương, sinh ngữ. Bố tôi là một người tị nạn Việt Nam. Ông dạy học suốt đời. Sang Mĩ từ năm 1975, bố tôi may mắn hơn nhiều bạn hữu của ông: ông được tiếp tục nghề dạy học. Người Mĩ gọi bố tôi là Dr. Dương.
Tôi không phải là một nhà giáo. Tôi là một chuyên viên kinh tài thị trường chứng khoán. Tôi có tiền bạc sung túc hơn bố tôi, vì tôi không chọn nghề dạy học, dù rằng thời thơ ấu ở Huế, tôi đã từng ôm mộng trở thành giáo sư dạy dương cầm. Năm tôi sáu tuổi, bố tôi để tôi lên yên sau chiếc xe đạp của ông, rồi ông gò người đạp xe đến trường Jeanne d Arc, Huế. Ông phó thác tôi cho Sơ Thanh Tâm Fred Pierre. Bà là người dạy tôi đặt ngón tay lên phím trắng dương cầm lần đầu tiên.
Chiếc xe đạp, thân người mảnh khảnh, cặp kính cận của bố tiô, những vòng bánh xe quay trên con đường im vắng của thành phố Huế, và những phím trắng dương cầm, tất cả trở thành những hình ảnh mờ nhạt khi tôi mạnh dạn xách cặp da đi vào trụ sở Goldman Sachs (*) ở Nữu Ước. Từ đó, tôi quên những con đường im vắng của Huế xưa cũ, quên những phím trắng dương cầm, và quên luôn đời sống của bố mẹ tôi, nhất là của bố tôi, một nhà giáo Việt Nam lưu vong tị nạn. Trong những đêm Nữu Ước sáng rực ánh đèn, tôi ngồi trong văn phòng, đối diện cái máy vi tính, thoáng nghĩ đến bố mẹ tôi. Rồi vội vã kết luận: chắc là bố mẹ tôi vẫn bình an, sau đó lại tiếp tục dán mắt vào cái máy vi tính.

***

Tôi không biết bố mẹ tôi sống như thế nào, nói chi đến việc hiểu được sự mất mát của bố tôi… cho đến ngày tôi từ giã Goldman Sachs để về miền Nam sống bên cạnh bố mẹ. Tôi trở về với bố mẹ vì đã mệt mỏi với nghề nghiệp của mình. Tôi muốn đi tìm phím trắng dương cầm của thời thơ ấụ.
Và trong khi đi tìm phím trắng dương cầm cho mình, tôi bắt gặp, từ quá khứ im lìm, những mảnh đời của bố mẹ tôi…

***
Suốt những năm ở Mĩ, bố tôi làm nghề viết curriculum cho một quận học chánh ở Texas. Viết xong curriculum, ông đem bài vào lớp thực nghiệm cho lũ trẻ con không nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, trong những ngôi trường thị tứ (urban) cho con nhà nghèo, rồi ông phải bênh vực bài giảng của mình soạn ra, trước những con mắt phê bình của những nhà giáo dục tiểu bang, đa số là những con người chưa từng bước chân ra khỏi vòng đai tiểu bang Texas, nói giọng eo éo theo cái lối miền Nam. Qua bao nhiêu kiểm điểm, phê bình, bài của bố tôi mới được in ra, trở thành bài học căn bản cho lũ trẻ con nói hai thứ tiếng.
Bao năm nay bố tôi sinh sống bằng nghề dạy học. Ngày lại ngày, sáng nào bố tôi cũng dậy từ năm giờ. Mẹ tôi dậy theo. Mẹ tôi để vào cái túi giấy dầu một cái bánh mì chả lụa, một trái chuối, và một lon sữa đậu nành. Đó là bữa ăn trưa của bố tôi. Sáu giờ sáng bố tôi ra khỏi nhà, cầm theo cái túi giấy dầu, và tài liệu dạy học nằm trong cái cặp da càng ngày càng cũ. (Tính bố tôi ưa sưu tầm, lưu trữ, không thích vứt bỏ cái gì cả. Ông khư khư giữ tất cả những gì ông đã sắm để rồi…tôi biết một ngày kia tất cả sẽ tan biến đi, như lần di tản 1975).
Mẹ tôi than với tôi: “Cha con chán nghề dạy học rồi. Ông chỉ mong về hưu để sang Cali với bạn bè và học trò cũ. Về hưu rồi thì tha hồ mà tán gẫu ở tòa báo Người Việt với Người Chàm, Thế Hệ Hai Mươi với Thế Kỷ Hai Mốt…”
Trong căn bếp hẹp, mẹ tôi sửa soạn túi giấy ăn trưa cho chồng. Tôi nghĩ, chắc bố tôi chán nghề dạy học thật. Khi cầm cặp với túi thức ăn đi ra cửa, mặt ông chảy dài có vẻ đau khổ, đôi mày ông cau lại. Tôi đi làm cho Goldman Sachs có nhiều lúc cũng chán ngán như thế. Quanh đi quẩn lại, hai mươi năm trôi qua, tôi bàng hoàng nhận ra là mười ngón tay mình đã phụ bạc phím dương cầm. Nên tôi đã từ bỏ tiền lương sáu con số mà "lang thang giữa đời ối a biết đâu nguồn cội.” Tôi đi làm, bước chân vào văn phòng với chiếc ví Chanel, với nước hoa và phấn son thơm ngát, còn bố tôi bước chân ra cửa, trĩu nặng trên vai cái nếp sống đơn bạc của nghề giáo. Với tôi, chiếc ví Chanel, nước hoa và son phấn trở thành niềm an ủi, còn bố tôi lấy gì làm an ủi? Nhìn bố tôi chậm chạp trong bếp, tôi mủi lòng. Đời tôi đã có nhiều ngậm ngùi, từ công danh cho đến tình duyên. Bây giờ, trong tuổi già của bố mẹ tôi, hình như tôi phải cưu mang thêm nỗi ngậm ngùi của họ. Tôi chạy vào phòng tìm cái túi Lancôme cũ đưa cho bố tôi để ông làm túi đựng đồ ăn trưa. Tôi nói: "Cho nó lịch sự, bền bỉ hơn một chút, bố ạ."
Từ hôm đó, mỗi sáng bố tôi rời nhà với chiếc cặp da cũ, thêm cái túi Lancôme đựng đồ ăn rất “ốp a” của cô con gái thay thế cái túi giấy dầu. Ông nói với mẹ tôi: “Cái túi Lancôme chắc chắn không bị rách vì lon sữa đậu nành như cái túi giấy dầu.” Mặt ông nom nghiêm trọng như thể đang nói chuyện tương lai nước Việt Nam. Mẹ tôi thì chê cái túi Lancôme nom đàn bà quá.
Bố tôi dễ thương ở chỗ ông lập dị một cách vô tư lự. Thí dụ ông soi gương cắt tóc lấỵ. Có lần, tóc méo một bên không giống ai, ông vẫn tỉnh bơ, tuyên bố, “Hà tiện đồng nào hay đồng ấỵ.” Thế nhưng bố tôi lại rất hồ hởi đi mua tranh của ông họa sĩ Đinh Cường về treo trong nhà làm cảnh.
Khi ông rời nhà, mang theo cái cặp và cái túi, tôi đứng nhìn theo ông, tự hỏi trong cuộc đời nhà giáo, ông lấy gì làm an ủi, thay thế vị trí cái ví Chanel trong cuộc đời Goldman Sachs của tôi?
Nếu bố tôi không thích dạy học nữa, tại sao ông vẫn gương mẫu hơn bất cứ một công dân gương mẫu nào của Mĩ quốc nàỵ Ông phê bình chuyện tôi bỏ việc ở Goldman Sachs: “Nó trả con nhiều tiền thế, sao lại tự dưng xin thôi ?” Ông hay nhận định viec các em tôi và dâu rể có tật làm việc đi trễ về sớm theo ngôn ngữ Bắc Kì: "Chúng mày lạ quá, tao chẳng bao giờ đi làm trễ. Mĩ nó đúng giờ giấc lắm, đi trễ về sớm như chúng mày là bậy, bậy, bậy lắm” Em trai tôi cười trừ, nheo mắt, “Yes, Sir.” Em gái tôi thì nhỏ to: "Bố không muốn bê bối vì bố…sợ tụi nó! Bố mặc cảm Việt Nam quá trời!"
Như một cái đồng hồ báo thức, trong mười tám năm, cứ sáu giờ sáng là bố tôi rời nhà với cặp da túi giấỵ. Bảy giờ sáng là bố tôi đã có mặt tại trường. Trừ khi đau ốm, ông không hề nghỉ một ngàỵ. Nếu quả tình dạy học ở Mĩ là khổ thì khả năng chịu đựng của ông thuộc hạng… siêu! Ngày nào cũng như ngày ấy, sách cặp da túi giấy trong mười tám năm!

***
Tôi vô tâm không hiểu tại sao bố tôi đi làm với nét mặt đau khổ. Tôi cho là bố tôi đã được voi, còn muốn đòi tiên.
Cho đến một hôm…
Không còn đeo gánh nặng của Goldmans Sachs trên vai, tôi có thì giờ theo bố tôi đến lớp học một ngôi trường thị tứ…Bắt đầu bằng sự tò mò của một đứa con, tôi trở thành nhân chứng một ngày trong đời của bố tôi, để bàng hoàng nhận ra sự mất mát của thế hệ lưu vong đi trước. Bố tôi đứng, cũng phấn trắng bảng đen, ông hò hét không lại lũ trẻ con ngỗ nghịch, đen, trắng, vàng, Mễ có, Việt có, Tầu có. Ông đứng cô độc, già nua, nhỏ bé trong cái lớp học tồi tàn.
Ngày hôm ấy tôi nhận thức được sự đau khổ của một nhà giáo Viêt Nam ở Mĩ ! Đây không phải là trường Trần Quý Cáp với những người học trò Quảng Nam tình nghĩa, tự biết cúi đầu khoanh tay, yêu thương thầy cô cho đến 30 năm sau không phai nhạt. Đây không phải là Đại học Vạn Hạnh của một xứ sở Phật giáo mà hình ảnh từ bi của Như Lai hòa nhập với con đường đi tìm kiến thức. Bố tôi không còn là ông giáo mảnh khảnh mang kính cận giảng dậy văn chương Anh cho sinh viên. Từ Merchant of Venice cho đến A Farewell to Arms. Ông không còn say sưa dạy dịch Việt-Anh thế nào cho hay, từ Dọc Đường của Thanh Tâm Tuyền đến Mai Thảo, Những Vì sao của Diệu. Ông đứng trước bảng đen lạc lõng, cầm những tấm bích chương ông viết tay, nắn nót, danh từ, tĩnh từ, theo mấy cái phương pháp lẻ tẻ của giáo dục song ngữ (billingual education). Tóc ông bắt đầu thưa. Mắt ông lờ đờ sau cặp kính. Hai má xệ xuống theo tuổi già. Ông đứng đó, nhưng cũng vẫn phấn trắng bảng đen. Phấn trắng, bảng đen đeo đuổi ông cho đến hết cuộc đời.
Có một đứa trẻ người Mễ, khoảng 14 tuổi, khi không nổi hứng thổi cái kẹo cao su vào bố tôi, chiếc bong bóng bay ngang không khí, “đậu” lại trên sân bay là cuốn sổ tay của bố tôi. Đứa trẻ la lên:
–“Dr. Dương!”
Nó ăn kẹo như vậy đâu có nghĩa nó là hiện tượng Bầy Thú Trước Bảng Đen của Duyên Anh! Nó chỉ là đứa trẻ nhà nghèo học trường thị tứ, nó thích gì là làm nấy. Theo bản năng tự nhiên. Trong môi trường thị tứ này, không có cái khuôn khổ nề nếp gọi là văn hóa giáo khoa thư ngày xưa của bố tôi. Của học trò Trần Quý Cáp, Đồng Khánh, Petrus Ký…Cái văn hóa của một lớp người biết chắp tay, “Thưa Thầy, con đi!!!”
Chắc vì nghĩ như thế nên bố tôi, cương vị của một nhà giáo dục lưu động, không có vẻ gì giận dữ. Ông quay lại cười với đứa nhỏ. Nói theo kiểu nôm na của bà nội tôi, nom ông “lành như Bụt.” Thằng bé chẳng thèm nói xin lỗi. Ông đưa tay vớt cái bong bóng trên cuốn sổ. Tôi lặng người. Bố tôi, người giáo sư nước Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, của khuôn viên đại học, giờ phút này bị biến thành một nhà giữ trẻ bất đắc dĩ.
Đến giờ ra chơi, bố tôi đi vào phòng giáo sư, ngồi cạnh những đồng nghiệp nói giọng eo éo miền Nam. Ông ăn miếng bánh mì chả lụa, uống lon sữa đậu nành, nhỏ nhẹ chép miệng theo kiểu Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến. Tôi xin cám ơn cộng đồng Việt Nam hải ngoại đã đem chả lụa với sữa đậu nành vào nước Mĩ rộng lớn dư thừa chất đạm từ hamburgers cho đến rib eye… Chả lụa với sữa đậu nành cho bữa ăn trưa của bố tôi. Trong mười tám năm, ngày nào cũng một menu đó.
Đêm hôm ấy, tôi, Dương Thị Như Hoài An tức Ann Dương, con gái đầu lòng của một ông giáo Việt Nam, trằn trọc không ngủ được. Tôi nhớ đến một vật sở hữu bố tôi đã có và đã mất. Tôi nhớ đến chiếc phong cầm của bố tôi. Như tôi đã nói, bố tôi có tính quen sưu tầm, lưu trữ, ít khi phế thải một vật sở hữu nào. Bằng chứng là ông vẫn giữ cái cặp da đầu tiên trong công vụ dạy học ông mua tại Sàigòn hồi cuối năm 1955 trước khi lên đường ra miền Trung dạy học, nhất là cái bộ đồ “bốn túi” kiểu “kí giả” ông mang theo từ 1975. Đó là cái “mốt” một thời của bố tôi.. Nhiều lần, lũ con phải la lối đòi tẩy chay bố để ông khỏi lôi bộ đồ cổ lỗ sĩ ra mặc.
Giữa đêm tối, tôi chợt hiểu rạ Tôi hiểu rồi, hiểu cái mất mát của bố tôi. Cái đau khổ mơ hồ của tôi hôm nay bắt đầu từ hình ảnh chiếc phong cầm thời thơ ấụ CHIẾC PHONG CẦM CỦA BỐ TÔI… Khi tôi bắt đầu có trí nhớ thì bố tôi đã có chiếc phong cầm ấỵ. Bố tôi mất nó vào năm 1964, trong những ngày Huế sôi nổi xuống đường.

***
Đầu năm 1963, tôi lên sáu, thì bố tôi từ Pháp về. Ông đi du học từ hồi tôi ba tuổị. Không có bố bên cạnh, tôi sống trong không khí quây quần bên họ ngoại. Ngày ông về nước, ông là một hình ảnh xa lạ. Ông mảnh khảnh, mặt hơi tư lự. Tôi nhìn ông mà hơi sờ sợ. Những ngày ở Pháp về, ông không vui, có lẽ vì thời cuộc. Con bé Hoài An ở tuổi thơ dại đó, bèn bắt đầu một công trình nghiên cứu qui mô. Tôi quyết định nghiên cứu bố tôi. Việc đầu tiên tôi nhận xét là những câu nói của người nhà. Tỉ dụ, bà vú bảo: "Ông Tây quá," "Tối ngày ông nghe dĩa hát." Những tiếng hát trong vắt, ngôn ngữ xa lạ. Sau này lớn lên, qua Mĩ, tôi mới biết đó là dĩa hát nhạc kịch My Fair Lady ông mua từ Luân Đôn. Thời gian sinh sống ở Nữu Ước, tôi vẫn luôn tự hỏi biết đâu sự say mê âm nhạc và sân khấu của tôi đã bắt đầu với tiếng ca trong vắt từ cái dĩa hát của bố tôi ngày đó.
I could have sung all night
I could have sung all night
All night
Và tiếng hát vút lên, ngân dài, cao ngất:
All night…
Trong dãy phố Nguyễn Trường Tộ ở xứ Huế êm đềm, chỉ nhà tôi là có cái dĩa hát quay vòng vòng. Bố tôi cầm cái cần nhẹ nhàng đặt lên dĩa hát, rồi cái dĩa quay vòng vòng, và tiếng hát xa lạ trong vắt bay ra từ cái hộp. Tôi nghĩ theo bà vú: "Sao mà nó Tây thế!"
Ngoài cái máy hát, bà vú còn nói bố tôi mặc "áo tơi" đi trong nhà. Tôi đi theo nhìn bố tôi, thấy bà vú nói đúng. Bố tôi không mặc bà ba trắng có khuy cài như ông ngoại tôi. Bố tôi mặc cái áo thùng thình cột dây ngang lưng, tương tự như cái áo đầm dài đến chân (sau này tôi mới biết đó là cái robe de chambre). Bà vú bảo: "Tây ơi là Tây! Ôn ở lỗ mặc áo tơi đi trong nhà!" Tôi cũng muốn bắt chước bố tôi "mặc áo tơi" đi vòng vòng trong nhà như thế. Bà vú bảo: "Hoài An ơi, dị lắm. Đừng bao giờ bắt chước cha mi!"
Sau đó bố tôi còn vẽ tranh, ông hay đi vẽ với họa sĩ Hiếu Đệ. Ông này hay xoa đầu tôi rất lâu. Tôi còn nhớ ông ta có cặp mắt kính rất dàỵ.Trong những tranh của bố tôi, có một tấm có cái thuyền treo ngược. Tôi không hiểu tại sao cái thuyền lại treo ngược, làm sao chèo được trong những ngày nước dâng ngập Đập Đá hoặc bão lụt ở miền Trung? Tôi hỏi mẹ tôi. Mẹ tôi cũng không hiểu bố tôi vẽ cái gì? Chỉ có bức tranh Thành Nội có rêu xanh, tường nâu là tôi thấy giống ngoài đời.
Cứ như vậy, con bé Hoài An, lên sáu, nghếch mắt nhìn người bố xa lạ, quan sát và suy tư.
Rồi bố tôi đem sách Pháp ra dạy tôi học: “C est une chaise… C est le chèvre de Mr. Seguin…” Sao mà chán quá! Thêm cái màn phải dậy sớm, tắm rửa, thay áo, uống sữa (một việc mà tôi rất ghét), rồi leo lên xe đạp cho bố tôi đèo đến trường Jeanne d Arc tập đàn. Tập đàn thì cũng được đi, nhưng tôi không muốn tập theo Méthode de Rose. Tôi muốn đánh mò bài “Những Đồi Hoa Sim, ôi những đồi hoa sim tím chiều hoang biền biệt” theo kiểu Phương Dung, con nhạn trắng Gò Công. Sơ Thanh Tâm mà biết được sẽ khẻ tay tôi đau điếng. Tôi không biết thở than với ai về những cái khó chịu mà bố tôi bắt tôi phải trải qua.
Tóm lại sự có mặt của bố tôi làm cuộc đời tôi bị xáo trộn. Tôi không còn được ngủ chung giường với mẹ tôi. Tôi phải ngủ giường ngoài, loại giường gỗ dành cho con nít. Tôi van vái Trời Phật cho ông đi du học thêm một lần nữa thì đỡ quá! Van vái xong, tôi rón rén ghé tai vào cửa phòng nghe bố mẹ tôi nói chuyện. Bố tôi hay độc thoại nói “ràm ràm” Mẹ tôi ngoan ngoãn ngồi nghe như tín đồ nghe kinh. Bà vú bảo, “Giống người điên. Ôn học giỏi quá, hóa điên!”
Sau này khi lớn lên, được yêu và mong mỏi được người yêu thông hiểu, tôi mới cảm nhận được thế nào là nỗi buồn khi phải nói một mình, và khi phải nghe người khác nói vì bổn phận.. Để thương xót cho cuộc tình và hôn nhân của bố mẹ tôi. Một người nói, một người nghe. Phải chi cứ như người từ hành tinh khác đến, truyền thông bằng tư tưởng. Nhìn bằng mắt, hiểu nhau ngay. Thì tình trường đỡ đau buồn, chật vật. Và nhân duyên đỡ cay đắng, đoạn trường vì người ta không hiểu được nhau.
Thế nhưng tuổi lên sáu bé dại, tôi thấy chuyện bố tôi “đọc kinh” cho mẹ tôi nghe một chiều là điều vừa kỳ quặc, vừa hào hứng.
Có lần tôi nghe bố tôi đọc một đoạn văn cho mẹ tôi nghe, tôi thấy rất lạ lùng, và kết luận chắc là bố tôi điên đúng như bà vú nói. Tôi kể lại với bà vú, bố tôi nói gì về con lừa, về vũ trụ có đồ đạc lổn ngổn. Bà vú lè lưỡi, khuyên tôi sau lớn lo lấy chồng đừng có học giỏi làm chị. Và nhất là chớ có đi Tây. Sẽ điên giống bố tôi.

***
Ba mươi bốn năm sau, ngồi ở Nữu Ước, nhìn ra vòm trời đầy ánh điện, tôi đọc lại một đoạn văn của bố tôi viết ở Huế nhân dịp ông xem tranh của họa sĩ Đinh Cường. Một vài năm trước biến cố 1975, ông đem bài bình luận ấy quay ronéo cho sinh viên Văn Khoa Sài Gòn dịch ra tiếng Anh. Thời thơ ấu hiện về, tôi mới nhớ ra đó là đoạn văn tôi đã nghe lóm ngày xưa qua khung cửa phòng của bố mẹ tôi:
“Trong vũ trụ, súc vật, đồ đạc, người ngợm lổn ngổn, những võ công thức cứng ngắc, rỗng tuếch, đập bửa ra toàn chất liệu chết, ù lì, đặc sệt; những cái đầu gỗ lọc cọc múa nhảy trên đường, những trường thành góc cạnh lì lì chắn lối; những xe cộ, bàn ghế, cây khô tĩnh vật đắp ụ ngõ xóm; đất rác từng đống sát mũi cửa nhà, bịt kín công lộ. Những cái cứng ngắc, lổn ngổn, trì độn ấy làm nghệ sĩ đi một bước là đụng, là đá, là vấp chạm đủ mọi chướng vật. Ấy là cái thế giới hình thể hiện thực bủa kín nghệ sĩ, muốn bò-sát-hóa thân phận nghệ sĩ. Nó bảo: mày làm con lừa kéo gỗ đi. Nó hô: cúi đầu xuống, uốn đuôi lên. Thế giới hình thể hiện thực vong thân nghệ sĩ bằng đủ kiểu phỉnh phờ. Nó chắp cánh gỗ cho nghệ sĩ bay vào thế giới lãng mạn, trăng sao mây nước. Nó gạt nghệ sĩ vào vũ trụ ấn tượng mù, lung linh bàng bạc. Rồi, rất biện chứng, nó đá đít những tâm hồn nghệ sĩ đích thực…
Tôi không tự hỏi Đinh Cường đã đi vào trừu tượng thế nào ? Cái đó chẳng quan hệ gì đến người xem tranh, dĩ nhiên. Sự hiện hữu của trừu tượng Đinh Cường, tôi sẵn nhìn nó trong hình ảnh một bứt phá…"
Đọc đoạn văn của bố tôi viết trên ba thập niên, tôi giật mình sợ hãi. Tôi không nghĩ là bố tôi viết về tranh Đinh Cường. Mà ông viết về chính mình. Về con mắt nhìn tranh. Ông đã thay tôi viết về thân phận con ngườị Cái tính trí thức và nghệ sĩ trong một môi trường tàn bạo đòi hỏi sự bứt phá. Dường như có sự tiên tri. Đoạn văn ngắn này áp dụng được vào khung cảnh của một Sài Gòn nhân mãn quay cuồng trong kinh-tế-thị-trường-xã-hội-chủ-nghĩa ngày nay, vào ngay cả cái thành phố Nữu Ước này trước thế kỉ hai mươi mốt. Cái khoảng cách khác biệt giữa Cộng Sản và Tư Bản, Mĩ, Á, trong kỉ nguyên mới (New Age) biến mất trong đoạn văn của bố tôi. Cả hai bên đều có những con lừa kéo gỗ và sự bứt phá trong của tâm hồn nghệ sĩ đối với môi trường và sức ép chung quanh. Rồi tôi rùng mình tự hỏi, năm 1965, khi viết lên những dòng trên, bố tôi có biết chăng đứa con gái nhỏ đầu lòng của mình, trên ba mươi năm sau, cảm thấy nó là con lừa trong vòng quay tới tấp của xã hội Mĩ. Goldman Sachs đã vô hiệu hóa những ngón tay của tôi, không thả cho ngón tay tôi mềm mại về với phím trắng dương cầm. Ở tuổi gần bốn mươi, tôi mong cầm bút để thay thế phím trắng dương cầm. Tôi ngậm ngùi hiểu ra rằng trong căn bản bố con tôi giống nhau. Chúng tôi, qua hai bối cảnh, hai thời điểm khác nhau, ở tuổi trung niên đều mang tâm trạng của những con lừa kéo gỗ.
Thế nhưng trong những ngày tháng ở Huế năm 1965 khi bố tôi viết những dòng trên thì bố con tôi không nói chuyện với nhau. Bố mẹ Việt Nam thời đó không đến gần con nít, tối tối phải đọc truyện cho con nghe như bố mẹ ở Mĩ thời nay. Sự tương đồng về tâm trạng con lừa, về thân phận con người và kiếp lưu đày của tâm hồn nghệ sĩ, phải ba mươi bốn năm sau tôi mới nhận thấỵ
Tuy nhiên, tôi xin tâm sự với độc giả một chi tiết rất quan trọng trong quãng đời thơ ấu của tôi. Khoảng thời gian 1964-65, ở phố Nguyễn Trường Tộ, Huế, bố con tôi có nói chuyện với nhau. Một cuộc nói chuyện thầm lặng qua chiếc phong cầm. Tiếng đàn phong cầm của bố tôi. Công cuộc nghiên cứu về người bố của bé Hoài An có khúc này là thú vị nhất.

***

Chiếc phong cầm của bố tôi. Tôi còn nhớ rõ mồn một. Nó đẹp vô cùng. Những phím trắng nho nhỏ màu ngà, đục mà lại sáng bóng. Màu ngà còn đẹp hơn những thẻ xâm hường điểm son của bà ngoại tôi. Những phím đen nằm thẳng đều đặn cũng sáng bóng như răng hạt huyền của người đẹp Bắc Ninh xưa. Ở giữa những phím trắng với những phím đen là một khoảng huyền bí. Những nếp xếp kéo đi kéo lại, co vào, giãn rạ, huyền hoặc và lôi cuốn!
Trong công cuộc nghiên cứu về bố tôi từ ngày ông ở Paris về nước, ngay buổi đầu tôi đã chú ý đến chiếc phong cầm. Buổi chiều khi đi học ở Jeanne d Arc về, tôi hay bắt gặp bố tôi đứng đánh đàn bên cửa sổ trong trời mưa phùn xứ Huế. Mặt ông chăm chú không giống ai, môi chu lại một cách rất say sưa, vì ông phải tập trung tinh thần mà “thả hồn vào âm điệu.” Những ngón tay nhịp nhàng bấm phím, hai bàn tay kéo ra kéo vô, cái đàn nằm trên ngực bố tôi lắc lư theo âm điệu. Tôi thích bố tôi đánh đàn, lý do giản dị là vì ông ham đánh đàn không bắt buộc tôi học tiếng Pháp, “C est une chaisẹ…C est le chèvre de Mr. Seguin,” một điệp khúc vô cùng nhàm chán.
Xin lưu ý độc giả, bố tôi không phải là một nhạc sĩ. Tiếng đàn của ông có lúc rè rè, có lúc êm ái mê ly, tùy theo cái hứng nghệ sĩ của bố tôi. Ông cũng không phải là ca sĩ, dù có lúc ông hát ong ỏng theo tiếng đàn. Thế nhưng tiếng đàn tiếng hát của bố tôi đã tạo dựng nên repertoire những bản nhạc Việt đầu tiên mà tôi ưa thích mãi cho đến bây giờ. (Bài Những Đồi Hoa Sim không kể, đó là kết quả của sự tuyên truyềnn và tẩy não của bà vú tôi, vốn mang tâm hồn rất bình dân học vụ)
Thuở ấy, Trịnh Công Sơn, một thanh niên ốm o, đeo kính cận là hàng xóm của chúng tôi. Trịnh Công Sơn vừa làm xong bài Lời Buồn Thánh. Cái da diết, ủ ê của Lời Buồn Thánh cần phải được diễn tả bằng tiếng sắc-xô-phôn. Không có kèn bố tôi xài đỡ chiếc phong cầm. Tôi thuộc lòng Lời Buồn Thánh từ đó.
“Chiều Chủ Nhật buồn,
nằm trong căn gác đìu hiu
Ôi tiếng hát xanh xao của một buổi chiều
Bạn bè rời xa chăn chiếu
Ô hay mình vẫn cô liêu ….”
Mãi về sau, năm ba mươi hai tuổi, tôi bắt đầu để lại tóc dài thẳng đuột. (Trước đó, tôi uốn quăn theo kiểu Donna Summers cho thiên hạ lầm tôi là người Nam Mỹ. Tôi xin thú thực tôi cũng có tinh thần "vọng ngoại" như vài người cùng xứ sở với tôi, thích ăn bơ hơn nước mắm). Có lần, với mái tóc như thế, tôi mặc áo gypsy dấu mi-crô dưới tóc, gập người lại mà rên rỉ Lời Buồn Thánh theo kiểu jazz, kiểu blue trước đám thực khách Mỹ. Họ mải ham ăn, không ai để ý xem tôi hát cái tiếng nước non gì. Dưới ánh đèn, trong khói thuốc của một quán ăn nhỏ ở Adams Morgan, Washington, DC, tôi nhớ lại những buổi chiều mưa xứ Huế, bố tôi đứng trầm ngâm bên khung cửa mà đếm tiếng mưa, cái đàn phong cầm đeo ở ngực. Tôi, vừa mới để lại tóc dài thẳng đuột theo kiểu Việt Nam, chợt vứt cái mi-crô đi, mà hát gào cho quá khứ, cho chiếc phong cầm của bố tôi:
Chiều Chủ Nhật buồn, lặng nghe gió đi về…
Chiều Chủ Nhật buồn, lặng nghe gió đi về…
Gió đưa tôi về căn phố Nguyễn Trường Tộ, Huế, nơi mà Trịnh Công Sơn viết Lời Buồn Thánh, và bố tôi đã dùng chiếc phong cầm nói lên Lời Buồn Thánh. Hết Lời Buồn Thánh, chiếc phong cầm của bố tôi lại nỉ non điệu nhạc Phạm Dụy. Và khi khôn lớn tôi mới biết rằng trong ký ức tôi, những âm điệu này đi đôi với cặp mắt Sơn Tây của bố tôi, cặp mắt Sơn Tây của chất thơ Quang Dũng.
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi vì nước
Nhớ thương con oán thù loài giặc kia
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh
Về ấm lũy tre xanh
Khi khôn lớn, tôi lẩn thẩn suy nghĩ. Làm sao chiếc phong cầm Tây phương đó, xuất thân từ nước Ý, lại có thể đem tôi đến với núi rừng Việt Bắc, với con người Quang Dũng, với tiếng hát hành quân xa, nếu không có tâm hồn rung cảm của bố tôi và sự đồng điệu trong máu huyết giữa bố con tôi. Những năm đó, tôi chẳng biết gì hết, chỉ biết yêu thích cách bố tôi lắc lư, cái đàn kéo ra kéo vào, và âm điệu da diết của tiếng đàn.
Và đó là cách hai bố con tôi nói chuyện với nhau, qua chiếc phong cầm, trước khi tôi biết thế nào là thân phận con người trở thành con lừa kéo gỗ….
Chao ơi, tôi thương xót làm sao tiếng phong cầm của bố tôi!

***
Không nói ngoa với độc giả, tôi tự hào mình là con bé {“thông minh vốn sẵn tính trời…” Vì là con nhà giáo, tôi biết đọc năm lên bốn. Và ở tuổi lên sáu, tôi đã rất khoa học trong công trình nghiên cứu về bố tôi. Tôi lục lọi trong cái rương cũ, tìm thấy thông tín bạ của ông hồi ông học trường Bưởi, Hà Nội. Trang đầu thông tín bạ có những dòng chữ sau đây:
Tên họ học sinh: Dương Quốc Ngữ
Quê quán: Sơn Tây
Tên cha/hoặc giám hộ: Dương Quốc Nho
Nghề nghiệp: Làm ruộng
Bố tôi đó, một thiếu niên, con cụ Tổng Nho, tổ tiên lập thân từ đồng ruộng làng Bún, miền Bắc, phía tây thành Thăng Long của nước Việt Nam hình chữ S. Tổ tiên tôi từ đời Trần đã quen nghề cày ruộng lấy thóc bán nuôi con cái đi học.
Điển hình là ông nội tôi, cụ Tổng Nho, nuôi đàn con trai ăn học, dâng gạo nuôi quân cho Việt Minh đánh Pháp để rồi trở thành nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất bắt nguồn từ bên Tàu với ông lãnh tụ quái gở Mao Trạch Đông.
Năm 1993, Goldman Sachs, Merril Lynch, Bank of America, cùng bao nhiêu cơ quan kinh tài quốc tế khác tổ chức một cuộc du hành các nước đang phát triển ở Á Châu để nghiên cứu vấn đề thiết lập thị trường chứng khoán theo kiểu kinh tế thị trường. Tôi cũng xách cặp đi theo. Cuộc viễn du này cho tôi có dịp về thăm Hà Nội. Tôi thuê xe đi về Hà Tây, cùng với hai đồng nghiệp người Anh vì hiếu kỳ mà tình nguyện đi với tôi. Tôi đi về làng Bún, đôi mắt tròn lên, lạ lùng, bỡ ngỡ.
Tôi đứng bên bờ đê nhìn những mẫu ruộng nho nhỏ, giữa ruộng có những ngôi mộ nằm trong nước. Tôi nhìn con bò, gầy ơi là gầỵ
Con bò Việt Nam, nó gầy cũng như bố tôi gầy trong tấm hình chụp năm 1954. Rồi tôi nhìn cái xe bò, cái xe bò Việt Nam cộc kệch cuối thế kỷ hai mươi. Và tôi nhìn hai người đàn bà đứng tát nước còn gầy ốm hơn con bò. Tôi tìm ra ngôi mộ của cô tôi, chị ruột bố tôi, chết trẻ trong cuộc chiến tranh Việt Pháp. Ngôi mộ nằm giữa ruộng. Tôi nghĩ thịt xương tổ tiên tôi đã tan vào đất, từ đó mọc lên những hạt gạo “xuất khẩu” của Việt Nam. Khi ăn hạt gạo xuất khẩu, tôi có bao giờ nghĩ là đang ăn thịt xương của tổ tiên tôi? Tôi ngửa mặt lên trời tìm vừng mây trắng. Xa xa kia là sông Đà, núi Tản của Nguyễn Khắc Hiếu. Đâu đây là nét “vời vợi buồn Tây Phương” của Quang Dũng. Tôi mỏi mắt nhìn cho ra một nét quen thuộc nào đó, lắng nghe cho thấy “tiếng hát hành quân xa” và tự hỏi: nơi chốn này có yêu tôi không, hay đang nhìn tôi xoi mói, tôi con người đi về quê cha trên đôi giầy ReBox?..
Rồi tôi đứng nhìn con đường hẹp đầy ổ gà. Ngồi xe tôi cứ va bên này, chạm bên kia giữa hai đồng nghiệp người Anh to lớn. Tôi nhìn sang bên kia đường là "Nghĩa Trang Liệt Sĩ Xã Phụng Thượng Trong Cuộc Chiến Tranh Chống Mỹ.” Bên này đường là "Quán Thịt Chó Thơm Ngon." Đây,Con Đường Cái Quan của Phạm Duy từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, con đường mà bà nội tôi đã đội nón lá đi bộ dưới nắng chang chang trốn ra Hà Nội ngày ông bà nội tôi bỏ làng vô Nam để tránh thảm trạng Đấu Tố Địa Chủ.
Tôi nhắc đi nhắc lại như người mất hồn với hai đồng nghiệp:
–“Sao mà nó nhỏ thế, con đường này, đồng ruộng này, đường chân trời này!” (How come everything is so small ?)
–“Ông nội tôi bị kết tôi. địa chủ vì có chút đồng ruộng này sao ?” (My grandfather got a death sentence because of these little paddies?)
Hai người đồng nghiệp nhún vai, không nóị. Tôi không nghe tiếng linh hồn cô tôi đón chào trong gió. Quanh tôi chỉ có hai đồng nghiệp người Anh im lặng đứng nhìn.
Tất cả không giống như trí tôi tưởng tượng. Khi tôi đã quen nhìn xa lộ thênh thang của nước Mỹ, những vườn táo mênh mông ở Illinois, những vườn cam bát ngát ở Florida. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại, ông tôi suýt nữa bị dẫn ra đình làng chịu đấu tố chỉ vì ít mẫu ruộng này ư? Trong bao nhiêu năm nghe ông bà tôi kể chuyện, không hiểu sao tôi cứ tưởng tượng ruộng đất phải bao la cò bay thẳng cánh như tiểu bang Arizona. Phải nhiều lắm, lớn lắm thì mới bị tố địa chủ chứ?
Bây giờ sau chuyến về thăm đó, tôi mới biết thế nào là sự nho nhỏ, con con, như cái nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, như cái số phận nho nhỏ, con con của con bò, của cái xe bò, của hai người đàn bà tát nước. Ngay cả đến ruộng đất phì nhiêu đã gây nên cái án địa chủ cho ông bà nội tôi cũng nho nhỏ, con con. Cái thảm khốc của nhân loại lại nằm ở trong những gì nho nhỏ, con con?

***
Trong công trình nghiên cứu về bố tôi năm lên sáu, tôi bắt gặp tấm ảnh 4 x 6 của một cậu con trai, dán trên thông tín bạ. Cậu có hai con mắt dài, xếch như một nét mực tàu sắc sảo. Khi lớn lên, tôi mới hiểu đó là cặp mắt Sơn Tây đã làm xót xa lòng Quang Dũng. Bên nội tôi, đa số đều có cặp mắt đó. Ngay cả những đứa em họ sinh sau đẻ muộn làm công dân Mỹ, lọt lòng mẹ trong nhà thương Mỹ, cũng mang vào Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ cặp mắt Sơn Tây của núi rừng Việt Bắc và hồn thơ Quang Dũng.
Mẹ tôi kể trong thời gian học trường Bưởi, bố tôi theo học phong cầm với một ông cố đạo. Rồi mua đàn của ông. Đó là tiểu sử chiếc phong cầm của bố tôi. Nó xuất thân từ nước Ý, du nhập vào Hà Nội đầu thập niên 50.
Khi di cư vào Nam, ông bà tôi đi trước, bố tôi là người cuối cùng rời Hà Nội vào Nam. Bố tôi đáp xe lửa từ Hà Nội xuống Hải Dương, rồi đạp xe đạp từ Hải Dương xuống Hải Phòng. Bố tôi để cây đàn ghi-ta, thêm cái phong cầm lên xe đạp mà đạp. Trên đường đi, ông bán mất cái ghi-ta. Bán luôn đôi giày da. Nhưng không bán chiếc phong cầm. Bố tôi lên tàu bay vào Nam, có chiếc phong cầm mà không có đôi giày che gót. Tôi mường tượng cậu con trai có cặp mắt Sơn Tây đạp xe đạp, đèo theo chiếc phong cầm, những vòng bánh xe cũng giống như những vòng bánh xe bố tôi đạp chở tôi đi học dương cầm ở Huế.
Chiếc phong cầm theo cậu trai trẻ lên máy bay từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Rồi vào trại sinh viên. Bố tôi sống nghèo ở miền Nam mà đi học trong kiếp di cư. Chiếc phong cầm luôn luôn đi theo ông như một tình nhân yêu kiều, chung thủỵ.
Rồi bố tôi ra Hội An, dạy trường Trần Quý Cáp, vẫn khư khư giữ cái phong cầm. Tôi ra đời trong tình yêu của bố mẹ và được tặng cho cái tên Duong Thị Như Hội An, để đánh dấu thành phố nơi bố mẹ tôi đã gặp nhau. Sau này mẹ tôi đổi thành Duong Thị Như Hoài An để tránh dấu nặng trong tên con gái. Ngày mẹ tôi ẵm tôi từ bệnh viện về nhà, chắc là cái phong cầm đứng nhìn đâu đó, mà tôi thì nhắm tít mắt như mọi trẻ sơ sinh khác.
Rồi bố tôi đi Pháp. Khư khư đem cái đàn theo. Mẹ tôi phàn nàn: “Ở bên ấy thiếu gì đàn, vậy mà cha con cũng đem nó theo cho được.” Mẹ con chúng tôi ở nhà, chứ cái đàn thì đi Pháp theo bố tôi.

***
Công cuộc nghiên cứu về bố tôi năm tôi lên sáu tuổi vẫn tiếp tục suốt thời gian 1964-65. Tôi kiếm thấy bức hình đen trắng bố tôi ngồi bên lan can căn phòng sinh viên ở đại học xá lầu bốn. Paris trải rộng dưới chân. Bố tôi gầy như cây tăm, ngồi ôm chiếc phong cầm, gác hai chân lên lan can màu đen, nom rất thoải mái và rất “hip.” Tôi nhìn bức hình ấy mà mơ ước sau này mình cũng đi du học Paris và cũng ngồi gác chân lên lan can nhìn xuống thành phố. (Tôi đâu ngờ rằng, sau này lớn lên tôi làm một cuộc du học trường kỳ…).
Rồi thì cái đàn theo bố tôi về nước. Và tôi gặp nó ở căn phố Nguyễn Trường Tộ, Huế. Lần này thì tôi thôi không nhắm tít mắt như một trẻ sơ sinh nữa.
Tôi nhớ mãi buổi chiều mưa phùn xứ Huế. Tôi trốn bố tôi (tôi thường hay chơi trò “trốn tìm”) sau bức màn cửa phòng khách. Bố tôi đánh đàn xong thì để nó trên ghế. Thế là tôi nhảy tỏn ra. Tôi đứng mân mê, sò mó cái đàn. Tôi bấm thử, sao đàn không ra tiếng? Tôi khệ nệ tìm cách đeo nó vào cổ. Tôi say mê, nâng niu nó. Ôi tiếng hát hành quân xa với những chiều Chủ nhật buồn không nắng trong căn nhà nóng hâm hấp lặng nghe gió đi về! Ai xui khiến cho cái đàn này làm mọc chất nghệ sĩ trong tôi! Để ba mươi bốn năm sau tôi từ bỏ Goldman Sachs? Tôi muốn ẵm nó lên để đu đưa như bố tôi. Nhưng nặng quá. Cứ thế này thì nếu tôi không té, cái đàn cũng sẽ té.
Bỗng bố tôi bước vào. Tôi sợ muốn khóc vì bị bắt quả tang, tưởng rằng sẽ bị đòn. Nhưng không, nét mặt bố tôi bình thản, đôi mắt Sơn Tây như hai vết mực tàu sắc nét. Đó là lúc ông thấy tôi bé quá không bê nổi chiếc phong cầm. Ông quyết định đem tôi đi gặp Sơ Thanh Tâm để xin học đàn dương cầm.
Từ hôm đó, sáng nào ông cũng gọi tôi dậy sớm, bắt uống sữa, thay váy đầm. Rồi chở xe đạp đưa tôi đến trường Jeanne d Arc học đàn…
Chung qui cũng bởi tại cái phong cầm của bố tôi.

***
Bạn đọc có tin rằng cái chết không kết liễu đời người, vì phần hồn còn đi về đâu đó. Bởi thế mẹ tôi cứ cúng tổ tiên ông bà, bắt tôi thắp nhang mà lạy. Người Việt Nam chúng ta thờ linh hồn những người thân đã chết.
Năm lên sáu, tôi tự hỏi vật vô tri chết đi có còn phần hồn vất vưởng hay không. Năm 1964, chiếc phong cầm gặp tôi, rồi nó mất đi. Và tôi thắc mắc mãi phần linh hồn của nó đi đâu ? Và tôi thắp nhang cúng nó được không?
Xứ Huế không phải là xứ yên bình. Cái yên bình của Huế chỉ là yên bình giả tạo. Những năm 1963-65, Huế là một ngọn lửa cách mạng hừng hực, sẵn sàng bừng cháỵ Từ chùa Từ Đàm. Đó lần đầu tiên trong đời tôi được nghe danh từ “cách mạng.”
Tôi phải lớn hơn mới hiểu được căn bản của vấn đề. Nếu có Cách Mạng, thì làm gì có Hoài An? Mà đã có Hoài An thì không có Cách Mạng. Từ năm lên sáu, ở thành phố Huế buồn ngủ ấy, tôi chưa đủ trí tuệ để hiểu thế nào là đấu tranh, nhưng tôi đã mường tượng một điều gì ghê sợ. Rằng tôi sinh ra trong một xứ sở có nhiều vấn đề. Những vấn đề ấy ở ngoài tầm tay tôi, nhưng chúng tạo nên định mệnh của tôi, như lưới giăng, như cơn lốc kéo thốc tôi vào.
Dấu hiệu bất an đầu tiên là ngày Phật Đản. Một ngày vui mừng tôi và các em tôi mong mỏi để được xem xe hoa. Thế nhưng mẹ tôi cấm không cho chúng tôi đi xem. Xe hoa đi ngang nhà tôi, mẹ tôi không cho chúng tôi ghé đầu ra xem. Bảo nguy hiểm. Chúng tôi vẫn thấy được tượng Phật đứng trên tòa sen trắng nõn, tay chỉ lên trờị. Nom Phật bụ bẫm dễ thương. Em tôi bảo: "Sao Phật giống em bé quá!"
Chỉ một lúc sau xe hoa vừa đi khuất, bà vú đã chạy vào thì thầm, “Công an giựt sụp xe hoa rồi, Phật đổ.” Tôi cho rằng đó là chuyện kinh khủng. Cái gì đổ thì đổ, chứ Phật làm sao đổ được. Điều ghê sợ khủng khiếp nhất, một sự lật đổ nào đó ngoài tầm tay những người dân bình thường, đã bắt đầu ám ảnh tôi.
Thường thường mẹ tôi hay cho chúng tôi đi chùa Từ Đàm. Nhưng năm đó, chúng tôi không được lên chùa, mặc dù tôi thích lên chùa để được múạ: “Một hôm, một hôm mồng một đến chùa, cùng me đi lễ Phật, dâng vài hoa sen.” Bà vú thì thầm, “Hoài An ơi, lên chùa thì công an bắt!” Tôi nín bặt vì sợ.
Bên cạnh những cái điều bất an đó, bố tôi vẫn kéo phong cầm để nói chuyện với tôi qua Tiếng Hát Hành Quân Xa và Lời Buồn Thánh.

***
Thuở ấy, tôi không biết mặt những người bạn văn nghệ của bố tôi, từ họa sĩ Đinh Cường cho đến nhà văn Doãn Quốc Sĩ. Tôi chỉ nhớ có một ngườị. Đó là chú M., một nhạc sĩ. Tôi rất yêu chú M. Chú ấy vui tính và buồn cười lắm. Cả nhà ai cũng yêu mến chú M. Trừ bà vú:
–“Ôn nớ là nhóm cách mạng chống Cần Lao đó Hoài An ơi!. Ôn nhà ni mà cứ giao du hoài là ngày cậu Cẩn tới chặt đầu.”
Bà vú nói chi ghê quá. Tôi hỏi Cần Lao là gì? Bà vú bảo Cần Lao là cậu Cẩn đó. Tôi hỏi cậu Cẩn là ai? Có giống chú M. không? Bà vú nói: “Con ni ngu quá. Nói tầm bậy coi chừng bị chặt đầu. Hay chết kiểu Quách Thị Trang.” Tôi không dám hỏi bà vú Quách Thị Trang là ai, tôi biết đó là một người đã chết. Tôi co người lại vì sợ.
Trong những ngày tháng đó, bố tôi ít nói, ít kéo phong cầm. Cái đàn nằm cô đơn. Thỉnh thoảng chú M. vẫn ghé chơi. Hai người đóng cửa phòng nói chuyện rì rào.
Rồi một hôm, chú M. lại ghé thăm. Bố tôi mặc áo đi theo. Ông dặn mẹ tôi ông sang nhà chú M. ở phía bên kia sông Bến Ngự. Dãy phố Nguyễn Trường Tộ nằm bên này sông. Bên kia cầu là nhà thờ Phủ Cam. Bên trái nhà thờ là một dãy nhà kiểu Tây rất đẹp. Một trong những căn nhà đó là nhà chú M. ở. Bố tôi dặn gia đình là ông sẽ đi khá lâu. Ông đi theo chú M. Đã ra đến cửa, ông còn quay lại lấy chiếc phong cầm. Cái đàn đi theo ông qua nhà chú M.
Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy chiếc đàn. Tôi linh cảm cái gì không hay sẽ xảy ra. Tôi chạy theo nắm áo bố tôi đòi đi theo. Tôi bíu chiếc đàn như muốn giữ nó lại.Chú M. chế giễu tôi con gái hay khóc nhè.

***

Tối đêm đó, tôi đang ngủ say thì có tiếng khóc than, tiếng bà ngoại tôi kêu la. Tiếng người xôn xao ngoài ngõ. Nghe dễ sợ lắm. Tôi chạy ra thảng thốt. (Từ đó lớn lên, tôi rất sợ những khi đang ngủ thì bị thức dậy vì biến cố)
Tôi vẫn còn nhớ tiếng người nói: “Nhà ai cháy? Công an đốt nhà ai?” Tôi nghe mẹ tôi nức nở, “Trời Phật ơi, phải nhà chú M. không? Mạ ơi, anh con ở bên nhà chú M..Thôi rồi mạ ơi…”
Tôi thấy mọi người đổ xô ra cửa. Tôi cũng chạy ù ra. Mẹ tôi nắm chặt tay tôi. Bà vẫn kêu khóc.
Ông ngoại tôi điềm tĩnh hơn. Ông nói, “Đã chắc chi ông Ngữ ở bên đó. Để ba mặc áo lên chùa. Hay qua dinh cha Thục hỏi…” Mẹ tôi vẫn điên cuồng kéo tay tôi và bà ngoại xô ra đường.
Đám đông đứng đầy dọc bờ sông Bến Ngự bên hông nhà tôi. Chỉ trỏ xôn xao. Tôi nhìn qua bên kia sông. Ngọn lửa ngùn ngụt cháy. Tôi thấy bên kia bờ sông có bóng dáng những người cầm súng. Người đứng quanh tôi nhỏ to, “Công an đốt truyền đơn.” Mẹ tôi ngất xỉu. Bà ngoại tôi vật vã. Tôi kêu khóc không thành tiếng. Phía bên kia sông lửa ngùn ngụt cháy, ở đó có chú M., bố tôi, và chiếc phong cầm. Tôi nhìn thấy lần đầu tiên cái kinh khủng của cách mạng. Nói đúng hơn của bạo lực đã đốt lửa cho cách mạng.
Đó là lần đầu tiên tôi thấm hiểu trong trí óc non nớt của mình, tôi sinh ra trong một đất nước của những người dân thích làm cách mạng. Của những người dân hay mang kiếp tù đày. Lý do? Tây, Tầu, Nga, Mỹ? Cái nghèo, cái cực, cái nô lệ, cái xâm lăng? Vân vân và vân vân. Trước Chúa bác ái, trước Phật từ bi, chúng ta cầm súng giết nhau đi rồi gọi đó là cách mạng.
Ông ngoại tôi nói đúng. Một ngày sau bố tôi về. Một cơn ác mộng vừa qua.
Tôi đứng xớ rớ tìm cách lắng nghe chuyện người lớn. (Tôi là một đứa nhỏ rất thích nghe chuyện người lớn, âu đó cũng là cái nghiệp chướng của tôi. Có khi tôi nghĩ tự mình là mất tuổi thơ vì cái đầu tôi tò mò ưa suy nghĩ.) Tôi nghe ra được chú M. chạy trốn lên chùa. Nhà thì cháy tan nát. Mẹ và bà ngoại tôi đốt nhang khấn bàn thờ tạ ơn tổ tiên trời đất đã cứu bố tôi.
Tôi đứng trước cửa nhà nhìn qua bên kia sông. Ngọn lửa đã tàn. Cảnh tượng tiêu điều thảm hại. Lần đầu tiên tôi chứng kiến sự u ám của những gì còn lại sau một cuộc tàn phá.
Chú M. không cháy. Bố tôi không cháy. Còn chiếc phong cầm? Phải chăng nó cháy giùm cho bố và chú M. yêu mến của tôi? Tôi òa khóc chạy vào nhà. Mẹ và bà ngoại tôi còn trong cơn mừng rỡ, còn lo nhang đèn. Không ai nghĩ đến chiếc phong cầm xấu số.
Tôi nức nở trong lòng bố tôi. Nhưng ông nghiêm mặt cấm không cho tôi khóc. (Những người bố Việt Nam, ai cũng ghét than khóc, cho đến ngày họ già. Bây giờ trong tuổi sáu mươi ngoài, bố tôi mau nước mắt. Thỉnh thoảng là tròng mắt đỏ hoe. Mắt ông hay đỏ hoe khi các con về thăm rồi lại đi, còn lại căn nhà yên vắng với hai vợ chồng thui thủi)

***

Bố tôi nói lên điều mà tôi đã biết:
–Cái đàn cháy trong nhà chú M.
Tôi vụt khỏi vòng tay của bố tôi. Tôi chạy ra đứng trước cửa nhà nhìn sông Bến Ngự. Tôi nghe có ngọn gió đi về. Chiều chủ nhật buồn lặng nghe gió đi về. Trên ngọn gió đi về, có chăng linh hồn chiếc phong cầm của bố tôi?
Từ đó, bạn đọc có thể đoán ra, bố tôi chẳng bao giờ kéo phong cầm nữa.

***

Bà vú nói, cách mạng thành công và Phật tử khỏi bị đàn áp. Tôi thôi không học trường Jeanne D Arc nữa. Tôi đổi về trường Phú Vĩnh. Hình Ngô Tổng thống treo trên tường bị hạ xuống. Đem ra đập lìa. Cách đó không bao lâu, lũ trẻ con chúng tôi vẫn còn hát, “Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng thống…”. Sau cách mạng, Ông ngoại tôi, một công chức dưới triều Ngô, nghỉ việc về hưu sớm.

Cách mạng thành công, nhưng tương lai công danh bố tôi chẳng sáng sủa gì hơn. Có kẻ không ưa bố tôi, làm nên sự vụ lệnh đổi bố tôi vào dạy ở Quảng Trị, chốn bom đạn chiến trường. Mặt bố tôi càng khó đăm đăm hơn. Mẹ tôi dạy Đồng Khánh. Bố tôi về Quảng Trị, tức là vợ một nơi, chồng một ngả.
Sáng sớm tinh sương, thành phố Huế như có sương mù. Bà ngoại tôi lặn lội về làng đem lên những đòn chả Huế. Bà ngoại tôi, Quế Hương, pháp danh Tịnh Tâm, là người phụ nữ làm chả Huế, chả tôm ngon nhất thế giới. Tôi vẫn nhớ hình ảnh bà xương xương, đội nón bài thơ, mặc áo dài vân nhung (phụ nữ Huế của thời đại tôi biết không bước ra khỏi nhà mà không mặc áo dài.) Trời tờ mờ sáng, bà đã hiện ra ở cửa nhà tôi, tay xách cái giỏ thật lớn, đựng không biết bao nhiêu là đòn chả. Mẹ tôi lặng lẽ gói từng đòn chả để bố tôi đem đi tặng đồng nghiệp mới ở Quảng Trị.

“Ở Quảng Trị cũng có học trò,” bố tôi nói. Bố tôi đó, con người của giáo khoa thư! Ông tỉnh táo, yên phận, “lành như Bụt” đối với người đời (chỉ khó khăn với người trong nhà mà thôi), ông vui vẻ mà đi Quảng Trị nhận công vụ, không phàn nàn than thở. Theo lời mẹ tôi kể, thì ông đi nhận việc rất đúng giờ. Ông đi cùng với những đòn chả Huế mẹ tôi gói rất cẩn thận đem cho đồng nghiệp. Ông còn đem phòng thêm nhiều đòn chả nữa để cho học trò mới, có đứa nào ngoan, học giỏi thì cho nó đòn chả lấy tình. Ôi tình nghĩa giáo khoa thư!
Lần này ông đi không có chiếc phong cầm.
(Mãi về sau khi khôn lớn, tôi mới biết người đã đem bố tôi ra khỏi Quảng Trị (để bố mẹ tôi được trùng phùng) là giáo sư Trần, thời gian ông làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Đệ Nhị Cộng Hòa. Mẹ tôi nói bà vẫn luôn nhớ ơn bác Trần. VấVietna đề nhớ ơn là “tiết mục” văn hóa giáo khoa thư! Chứ ở Mĩ, tôi không rõ trong số đồng nghiệp tôi, ai là kẻ nhớ ơn Goldmand Sachs…)

***

Từ đó, khi chiếc phong cầm đã chết, bố tôi đi Quảng Trị, thì tôi lại trở về làm đứa trẻ con quây quần bên ngoại, đứa trẻ con vắng bố.
Cuối năm 1963, con bé Hoài An lên sáu như già đi. Đầu óc non nớt đã lờ mờ hiểu thế nào là sự sụp đổ của một chế độ. Khi chế độ sụp đổ, có thể có súng ống, có lửa cháy, có tan cửa tan nhà, có người phải đi trốn chạy như chú M. đi trốn trong chùa, có ảnh, với hình, với tượng đá, với đồ treo bị đem ra đập bỏ, xé tan. Có những sự mất mát tận gốc rễ tâm hồn như cái chết của chiếc phong cầm sau ngày lửa cháy. Và tôi lờ mờ hiểu rằng, ở chế độ nào đi nữa, con người cũng có thể hại nhau…Như việc bố tôi phải từ giã gia đình đi Quảng Trị. Cái mà chúng ta phải xây dựng là một nơi chốn cho chúng ta cơ hội để đi tìm sự công bằng tương đối….

***
Mười hai năm sau, 1975, tất cả những điều mà tôi nhận thấy ngày lên sáu tôi vừa liệt kê cho độc giả trên đây đã xẩy ra, lập lại. Như cái cộng nghiệp của một nơi chốn, một đám đông. Cái định mệnh của tôi. Một cá nhân nhỏ bé bị cuốn trôi vào dòng lịch sử.
Tôi hiểu thấu đáo. Hiểu nhiều quá đến nỗi mắt tôi ướt và tôi nhói ở tim. Chúng tôi, tất cả chúng ta, cũng như cái phong cầm. Trôi nổi theo bàn tay bố tôi rồi chôn thân ở nhà chú M. theo lửa cháy. Người Mĩ nói là, “be in the wrong place, at the wrong time.” Chiếc phong cầm nằm sai chỗ, ở sai lúc. Đôi khi tôi phân vân tự hỏi, nếu tôi không là người Việt sinh trưởng ở miền Nam, và nếu tôi không là một trong mấy trăm ngàn người Việt di tản đầu tiên đến Mĩ, thì định mệnh của tôi thế nào? Như chiếc phong cầm, tôi là kẻ sinh sai chỗ, ở sai nơi, hay là người may mắn, ở đúng chỗ, nằm đúng nơi?
Tất cả, trong vòng quay của lịch sử, chỉ là tương đối.

***

Khoảng một tháng trước ngày Saigon sụp đổ, chú M. chạy ở Huế vào, có ghé thăm bố mẹ tôi nhưng ông bà không có nhà. Chú cháu tôi nấu ăn với nhau rất vui vẻ. Có ngờ đó là lúc chia tay.
Sau khi sang Mĩ, bố tôi vẫn nhắc người bạn cũ. Ông rất ân hận đã không gặp được chú M. trước khi di tản. Bao nhiêu năm ở Mĩ, thỉnh thoảng trong bữa ăn, bố tôi vẫn nhắc đến chú M. Ông không hề nhắc tới chiếc phong cầm.
Đến năm 1995 thì có tin chú M. qua Mĩ, sau khi đã đi tù cải tạo rồi lập lại cuộc đời. Chú ghé thăm bố mẹ tôi ở Texas, tôi không gặp vì tôi ở xa. Mẹ tôi bảo lúc nào chú cũng tự tin, yêu đời, ở hoàn cảnh nào cũng có thể thành công hết.
Khi viết những dòng này, tôi vẫn chưa gặp lại chú. Không biết chú có nhớ chuyện chiếc phong cầm của bố tôi?

***
Bây giờ, trong những tháng ngày về già, sắp từ giã nghề dạy học để về hưu, bố tôi có lẽ không có những người bạn như chú M. nữa.
Ông hay nhắc tới những người học trò cũ trường Trần Quý Cáp. Chắc đó là một khoảng đời đẹp trong nghề dạy học của bố tôi.

Trong những ngày đã rời Goldman Sachs, có lần tôi mang bố mẹ đi mua sắm. Gặp một thương gia chủ cửa hàng cũng là học trò cũ của bố tôi ở quận học chánh Houston. Vị thương gia tay bắt mặt mừng, bảo rằng khách thường thì lấy giá X., khách đặc biệt sẽ giảm giá tối đa, giá Z. Còn thầy học thì bớt 10 phần trăm, tức là giá Y, giá “ở giữa.” Vì bố tôi là thầy dạy, ông được hưởng giá giảm hạng vừa, hạng “ở giữa.”
Một lần khác nằm trên ghế dài, tôi thấy bố tôi ở trên lầu đi đọc cuốn sách của một nhà văn Việt Nam, ông P.X.Đ., sách viết về Hà Nội. Tôi nhắc đến tên ông. Mắt bố tôi sáng lên: “Anh ấy cũng đi tù cải tạo nhiều năm như chú M. đấỵ.” Tôi thắc mắc mãi về câu bố tôi nói, và ánh mắt sáng của ông. Tại sao mắt bố tôi không sáng lên khi gặp người thương gia Mi~ giàu sụ vì nghĩ đến thầy mà bớt giá 10 phần trăm? Tại sao ánh mắt ấy chỉ sáng lên khi nhắc tới tên một nhà văn Việt Nam? Chẳng lẽ bố tôi hẹp hòi chỉ thương học trò người Việt mà không thương học trò người Mi~? Cũng như tại sao bố tôi chán việc dạy học ở Mi~, mà vẫn làm giáo sư gương mẫu, không bỏ lớp, không trễ nải bao giờ? Ông vẫn cắm cúi soạn bài, tô kẻ chữ làm bảng hiệu cho lũ học sinh non dại. Nói theo kiểu đùa của em gái tôi, bố tôi chăm chỉ vì sợ bị Mi~ nó cười (hay so. mất việc!) Sự việc không thể giản dị như thế. Tôi thắc mắc mà không nghĩ ra được câu trả lời, bên tai vẫn nghe văng vẳng tiếng phong cầm của bố tôi. Chao ơi! Tiếng phong cầm của bố tôi!

***
Tháng ba năm 1996, ông tôi mất. Cụ Tổng Nho Sơn Tây đã nằm xuống. Trước mặt con cháu, bố tôi khóc cha mà than mình không làm được gì cho đất nước. Theo lời bố tôi, ông nội tôi đã làm đường gạch cho làng trong thời kỳ ông làm việc xã. Nhìn bố tôi đứng khóc cha, tôi rùng mình nghĩ đến một ngày nào đó, tôi cũng phải khóc cha mẹ như bố tôi đã khóc thương ông tôi. Tôi tự thôi thúc, giục giã, và biết mình phải làm gì ngay bây giờ.
Việc đầu tiên, tôi sẽ đi mua tặng bố tôi một chiếc phong cầm, cho dù ông không còn tha thiết với đàn, và bố con tôi không còn nói chuyện với nhau qua tiếng đàn như hồi tôi còn thơ ấụ.

Việc thứ nhì, tôi sẽ tìm mua cho được cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tôi sẽ chậm rãi mà đọc. Tôi đã khước từ nghề giáọ. Để giờ phút này, tôi hiểu rõ và tự quay về với bản chất của mình. Tôi với bố tôi trong căn bản như nhạu. Dù muốn hay không muốn, tôi vẫn là sản phẩm của quốc văn giáo khoa thự. Mà đã là quốc văn giáo khoa thư thì tôi không thể là Goldman Sachs.
Việc thứ ba, tôi ngồi xuống trước máy vi tính. Và tôi bắt đầu viết. Không xây được đường làng, tôi xin xây lòng nhân ái con người qua lời tôi viết. Tôi trí mọn tài hèn nhưng muốn những lời tôi viết làm cho độc giả tôi ngậm ngùi đủ mà nhỏ nước mắt cho nhau. Khi có giọt nước mắt thật sự, là có lòng thương mà có lòng thương là hết khoảng cách. Khi tôi cầm bút mà nhỏ nước mắt, giữa tôi với độc giả sẽ không cón khoảng cách.
Có lần được đồng bào tôi mời diễn thuyết, tôi đã từng lộng ngôn trước mặt đám đông (có giáo sư Đỗ Quý Toàn làm chứng), tôi tuyên bố rằng thế hệ di dân của tôi giống như những con người cá, nửa người nửa cá. Nghĩ lại, tôi thấy mình rởm ơi là rởm. Chẳng có vật thể nào gọi là người cá. Đó là sự tưởng tượng của những người thủy thủ lênh đênh trên biển cả. Khi mất đầu cá, mọc lên đầu người là có sự mất mát. Khi đôi chân người biến mất đổi dạng thành đuôi cá là có sự mất mát. Phải có sự mất mát, mới nảy mầm cái mới, cho dù cái mới đôi khi chẳng giống ai. Ông tôi nằm xuống, đó là sự mất mát phải có, và thế hệ sau của chúng tôi lớn lên.

Cho nên tôi đang viết về sự mất mát. Sự thay đổi làm tê tái phần hồn. Đó là đời sống. Sau ba mươi tư năm, tôi hiểu được sự mất mát trong đời bố tôi.
Và tôi cũng xin các diễn giả đừng đãi bôi về cái gọi là khoảng cách thế hệ. Người Việt già và người Việt trẻ cứ chưởi bới nhau. Rồi đổ vào khoảng cách thế hệ.
Cho nên tôi viết về chiếc phong cầm của bố tôi. Một vật vô tri bị lôi cuốn vào dòng lịch sử. Sau ba mươi tư năm tôi hiểu được sự mất mát trong đời bố tôi, và vì mẹ tôi theo ông như một cái bóng, cho nên khi ông mất mát thì mẹ tôi chịu đựng. Khi tôi thương yêu bố mẹ, thì chẳng có vấn đề khoảng cách thế hệ khỉ khô gì nữa.
Tôi xin thanh minh với độc giả. Những lời tôi kể đây không phải là lời viết về bố tôi. Vì bố tôi chỉ là một con người, có cái yếu, có cái mạnh, một người đàn ông đào tạo bởi văn hóa và thời đại của mình, với tất cả nghi hoặc, đam mê, sâu xé của một kiếp người, như ông đã viết về con lừa kéo gỗ, về cuộc đập phá khi nghệ sĩ và môi trường cấu xé lẫn nhau. Nếu tôi viết về bố tôi, tôi phải viết về một con người, với đủ bề mặt tốt xấu của người đó.

Tôi cũng không muốn như Maxine Hong Kingston, khi viết xong cuốn tiểu thuyết là gia đình và cộng đồng từ bỏ. Cái giá của sự thật khi cầm bút có lúc nặng hơn cái chết. Và đi tìm sự thật là một trọng trách khó khăn hơn đi làm lịch sử. (Cái đau khổ của con người trước Thượng đế là đôi khi kẻ vụ lợi, xu thời, đồ tể, buôn thịt, bán xương, đều có thể làm thành lịch sử).
Tôi không có khả năng hay tham vọng bưng vác trọng trách đi tìm sự thật bằng ngòi viết. Tôi chỉ xin viết về một vật thể vô tri, tượng trưng cho cái đẹp, nếu không có bàn tay nghệ sĩ, chỉ nằm yên như một đồ vật trang sức. Nhưng khi lửa cháy ngùn ngụt, thì vật vô tri cũng quay cuồng theo định mệnh như con người. Để giết một tổng thống, chiếc phong cầm vô tên tuổi, vô tội vạ, phi chính trị của bố tôi cũng bị giết theo chỉ vì nó nằm không đúng chỗ. Tôi chỉ xin viết về cách tôi nhìn vật thể đó.
Tôi viết cho ai, hay viết cho mình, điều đó không quan hệ. Điều ao ước của tôi là ngòi bút của mình luôn luôn đi theo vẻ đẹp và vẻ sáng trong cuộc đời ảm đạm của kiếp lưu đày. Cái trắng trợn văng tục của realism, tôi xin nhường cho những người viết văn tục tĩu và dữ tợn. Sự tàn bạo của họ làm tôi kinh ngạc và kinh sợ. Trên cuộc hành trình văn chương họ đi từ điểm A tới điểm B bằng ngôn ngữ rổn rang cay độc, bằng sự phá sản tâm linh, và. đối vói những kẻ viết khơi khơi vào tình dục chỉ để mà viết cho có tiếng vang, họ dùng cả ngay thân xác phụ nữ như một công cụ câu khách hoặc để làm dáng như thể mình đang làm cách mạng choo nữ quyền, một cuộc cách mạng mà phụ nữ Tây Phương đã làm trước, đã làm cũ, đã làm trâng tráo, và đã làm thất bại và thoái hoá!
Thật tình tôi không có tham vọng đi từ điểm A tới điểm B cái kiểu như vậy, qua trò chơi kiểu cách văn chương. Đồng thời tôi không tin tâm linh có thể phá sản, ngay cả trong ngục tù, cuồng tín, và đói rách. Vì tôi là kẻ hay mơ, tôi tin rằng cái đẹp và vẻ sáng sẽ thay Thượng đế bảo vệ con người. Và tôi cũng không muốn đi đến một nơi chốn nào bằng cái vòng xe đặt trên điển hình xác thân phụ nữ, hay đem cái nhục nhã, hèn mạt của phận người ra làm dụng cụ văn chương.

Tôi viết, vì tôi muốn đi tìm lại cho chính tôi (và cho bố mẹ tôi, những nhà giáo tị nạn dạy văn chương) hình ảnh Chim Hót Trong Lồng, Những Vì Sao Của Diệu, Mối Tình Chân, Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, Con Sáo Của Em Tôi, vân vân. Những cái đẹp đã mất của một thời đã qua sẽ chìm vào quên lãng.

Tôi viết vì sau khi đã đi nửa cuộc đời, tôi mới biết mình không phải là linh hồn Goldman Sachs. Tôi cũng chẳng có hân hạnh mang linh hồn Karl Marx, Angel, hay của bất cứ một danh nhân nào Tôi chỉ hy vọng mình là một chút gì sót lại của linh hồn văn hóa giáo thư. Tôi sinh ra là Dương Thị Như Hội An, đổi thành Dương Thị Như Hoài An vì bà mẹ nhân từ nhưng mê tín của tôi không muốn con gái mang vào người sự đau khổ vì cái tên có dấu, tôi con gái đầu lòng nhà giáo Dương Quốc Ngữ, và cháu nội cụ Tổng Làng Bún Dương Quốc Nho. Tôi là một người đàn bà vì định mệnh mà nói tiếng Việt chen tiếng Tây Parisien, tiếng Mĩ vu`ng MidWest (như độc giả đã thấy ở đây), đứa con gái nhậy cảm của một nhà giáo vô danh gốc gác làm ruộng, đã từng là chủ nhân một chiếc phong cầm xấu số cũng vô danh nốt.

Tôi viết, vì tôi mãi mãi nhung nhớ, và muốn giữ mãi trong lòng, vẻ đẹp và vẻ sáng, từ chiếc phong cầm của bố tôi.

 

Chín chữ của nàng

Dương Đức Nhự chuyển ngữ

Trích từ truyện ngắn đầu trong tuyển tập truyện ngắn cùng tên, Chín Chữ của Nàng (Văn Mới: 2005). Truyện cũng là một chương trong tiểu thuyết tiếng Anh của Dương Như Nguyện đang chờ đợi được xuất bản như truyện tiếp nối (sequel) của Daughters of the River Huong (Những Người Con Gái Sông Hương.

***

Mùa thu 1976, Hội Sinh Viên Việt Nam tại Southern Illinois State University (SISU) tức Đại Học Nam Illinois có chừng hai chục hội viên. Đa số học ngành kĩ sư hoặc kế toán, và có học bổng từ hồi mới sang Mĩ trước 75. Sau khi Sài Gòn sụp đổ, phải cần cả một năm trời để họ điều chỉnh tình trạng di trú, thay đổi chương trình tài trợ sinh viên, ổn định tinh thần và tiếp tục đời sống. Lúc đầu không ai để ý, nhưng dần dần trong Hội ai cũng biết chuyện Chàng Khùng. Như một đạo sĩ kì dị, hắn thiết lập bản doanh tại hành lang tòa nhà Krost Hall, nằm giữa Trung Tâm Sinh Viên và Tòa Nhà Hành Chánh Woody. Hắn ngồi trên một tấm chăn, nhiều khi hắn đứng, khua chân múa tay và lẩm bẩm một mình. Quanh hắn là những truyền đơn và quảng cáo về tự do, dân chủ trong khối Thế Giới Thứ Ba.

Trong nhóm sinh viên Việt Nam, mọi người đồn đại về cuộc đời hắn. Trước kia, hắn từng là một sinh viên tiến sĩ tại phân khoa Khoa Học Chính Trị. Hắn xuất thân từ một gia đình cách mạng. Cha hắn là một anh hùng trong kháng chiến chống Pháp, ông chết trận tại Điện Biên Phủ. Người anh cả nuôi hắn. Ông này là Chánh Sở An Ninh phủ Tổng Thống của chánh phủ Sài Gòn. Một hôm, ông đưa người em ra máy bay, và kế đó, người thanh niên này đã có mặt tại SISU, nơi có Trung Tâm Việt Học. Ai cũng biết tham vọng của Chàng Khùng là về nước tranh cử chức vị. Hắn không dè dặt, giấu diếm giấc mơ này. Mục đích của hắn là trở thành Tổng Thống của Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng đó là khi còn chưa mất nước, còn có một nước để làm Tổng Thống. Mùa thu 1975, anh hắn ở trong trại tù cải tạo, và chàng Tổng Thống-sẽ-thành của một nước cộng hòa ở Đông nam Á thấy mình trở thành Phó Giám Đốc nhà hàng ăn Steak & Ale trên con đường từ phi trường Mirian, Illinois về Đại Học Nam Illinois.

Mùa thu 1977, hắn từ bỏ luận án tiến sĩ và việc làm ở Steak & Ale. Tòa nhà Krost Hall, nơi có phân khoa Khoa Học Chính Trị, trở thành trú sở thường xuyên của hắn. Hắn quyên tiền đóng góp để tái thiết một nước Việt Nam mới, và loan báo cho quần chúng sinh viên biết rằng cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc Việt Nam chưa chấm dứt.

Lần đầu tiên tôi gặp hắn ở Krost Hall, hắn đưa cho tôi một tờ truyền đơn. Tờ truyền đơn đặt câu hỏi: “Cuộc chiến ở Việt Nam thuộc về Mĩ hay thuộc về giai cấp trung lưu của Nam Việt Nam?”

Tôi hỏi: “Ai là giai cấp trung lưu của Nam Việt Nam?”

Hắn nhìn tôi, rõ ràng là hắn khám phá ra những đặc điểm di truyềntrên mặt tôi. Hắn trả lời giản dị, có lẽ quá giản dị: “Cô và tôi.”

Sinh viên tò mò đứng thành một vòng tròn quanh hắn. Cứ như thế kéo dài mấy tháng đầu. Rồi người ta bỏ mặc hắn. Chẳng bao lâu, đa số sinh viên ném truyền đơn của hắn vào thùng rác ngay trước mặt hắn. Cứ như thế được một năm. Và hắn trở thành một cảnh thông thường trước lối vào Krost Hall.

Cứ mỗi lần đi cạnh Krost Hall là tôi thấy hắn. Chúng tôi nhìn nhau. Một hôm, tôi vứt tờ giấy bạc một đôla vào cái hộp của hắn, hắn chăm chú nhìn tôi. Với chiều cao 5 bộ 11, hắn cao hơn hầu hết những người Việt Nam khác cùng thế hệ. Hắn cũng đen hơn và vạm vỡ hơn. Cặp mắt sáng, làn da nâu ánh, hai bàn tay to, xương xẩu, rắn chắc, với những ngón tay dài, vuông đầu. Tóc hắn cắt rất ngắn. Cằm vuông, đầy đặn, đôi môi mím chặt, cái mũi nhọn khiến tôi nhớ đến chàng tài tử Mĩ đen Sidney Poitier. Một năm trước khi Sài Gòn mất, tôi đã coi một phim tại Hội Việt Mĩ về một ông khách da đen tới dùng cơm. Từ đó, tôi không quên bộ mặt của người tài tử da đen này.

Chàng Khùng là thể hiện Việt Nam của Sidney Poitier. Thắm thiết, mạnh mẽ, và công chính. Hắn có thể trở thành một nhà cách mạng. Một nhà lãnh tụ.

. . . .

“Tôi phải gọi cô là gì?” Hắn hỏi.

“Tôi chỉ là Mi. Mi.”

“Bây giờ, hãy nói chuyện phát-âm-học. Trong tiếng Việt và tiếng quan thoại, ‘Mĩ’ nghĩa là đẹp. ‘Mĩ’ cũng có nghĩa là nước Mĩ. Nước Mĩ đẹp. Với một thanh điệu khác, Mĩ khiến tôi nhớ đến Mị nương, tên của nàng công chúa con vua Hùng.”

Tôi gật đầu. Tôi biết “Mi” nghĩa là gì.

“Hay cô có thể là Michelle. Michelle ma belle. Ce sont les mots qui vont très bien ensemble. Très bien ensemble.” Hắn nói tiếp.

Thì ra Chàng Khùng là một người mê nhạc Beattles. Giống như những người khác.

Tôi bỏ hắn quay đi, vừa đi vừa cảm thấy khổ sở. Không còn nước Việt Nam Cộng Hòa nữa. Nó đã bị thay bằng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Ở đó, không có người Việt Nam nào bỏ phiếu cho Chàng Khùng, cho dù có một cuộc tổng tuyển cử xẩy ra, nhất là chàng chỉ đứng phát truyền đơn ở Nam Illinois.

*

Những tờ giấy bạc một đôla của tôi tiếp tục rơi vào trong cái hộp của Chàng Khùng. Một hôm, hắn tuyên bố:

“Cô có muốn thành một Đệ Nhất Phu Nhân không?”

“Anh nói cái gì?” Tôi giật mình hỏi. Hắn đã nói ra giấc mơ của tôi. Sinh ra trong một xã hội Khổng Mạnh, tôi không có hi vọng gì trở thành một nữ Tổng Thống. Cho nên tôi đành chịu làm Đệ Nhất Phu Nhân vậy. Tôi không bao giờ nói điều này ra với bất cứ một ai. Giấc mơ ấy, dù quái dị, đã chết đi khi Sài Gòn sụp đổ.

“Tôi muốn lấy cô làm vợ!” Hắn nói.

“Anh thật là khùng.”

“Đó chính là điều người ta nói về tất cả những vĩ nhân không chịu làm người tầm thường. Tôi nói thực đấy, tôi muốn cưới cô.”

“Tại sao?

“Cô thực sự là một Đệ Nhất Phu Nhân. Một thứ Đệ Nhất Phu Nhân. Như tôi vậy.”

“Tôi thành hôn bây giờ thì còn quá trẻ.”

“Người ta không bao giờ quá trẻ để biết yêu và để được yêu.”

Nói đến tình yêu làm tôi càng thêm buồn, biết rằng cha mẹ tôi sẽ không bao giờ chấp nhận một thanh niên không có việc làm, một gã vô nghệ. Tôi nhức nhối bước đi, ý thức rằng hắn đang nhìn theo.

Từ bữa đó trở đi, mỗi lần tôi đi qua Krost Hall, hắn lại nháy mắt với tôi: “À, chào Đệ Nhất Phu Nhân của tôi!”

*

Thời tiết trở lạnh hơn, khóa học tiếp tục, và mùa thu đang tới gần. Lá đang đổi màu.

Chàng Khùng không đứng nữa. Hắn ngồi xuống nền đá, quấn mình trong tấm chăn bẩn. Một bữa kia, hắn lại bảo tôi:

“Tôi muốn cưới cô làm vợ. Cô là người đàn bà đẹp của tôi.”

“Tại sao anh lại làm như vậy?” Tôi sắp sửa khóc.

“Làm cái gì hả cô?”

Tôi trỏ vào những tờ truyền đơn. “Chúng chẳng có ý nghĩa gì.”

“Cô đừng bao giờ nói với tôi như thế.”

“Xin lỗi. Tôi chưa đầy hai mươi tuổi. Tôi không biết gì nhiều.”

Tôi nhìn gần hơn vào mặt hắn. Rõ ràng đó là biểu hiện Việt Nam của nét mặt Sidney Poitier. Cặp mắt nẩy lửa, mép môi mím chặt tỏ ra là một người thẳng thắn, bướng bỉnh, chịu chấp nhận số phận, và nguồn cội, với niềm kiêu hãnh tuyệt đối.

“Tại sao tôi lại phải lấy anh?” Tôi thay đổi câu chuyện.

“Vì tôi biết cô có một cái bụng đẹp và một cái rốn gợi cảm.”

Tôi đỏ mặt. Dĩ nhiên, là một thiếu nữ đoan chính, khiêm cung, tôi như bị điện giật, và cảm thấy bị xúc phạm. Từ khi Sài Gòn sụp đổ, tôi đã trở nên dè dặt và lặng lẽ hơn. Nam giới lấn tới luôn là một đe dọa đối với tôi.

“Da cô mịn láng, với một hàng lông tơ nhỏ chạy từ rốn tới bụng dưới…” Cặp mắt hắn nhắm lại. Hắn đang mơ màng trong thế giới riêng của hắn, và sẽ chẳng để ý nhiều tới phản ứng của tôi.

“Anh thật khùng.” Tôi thở dài.

“Cuộc đời còn có gì đáng sống hơn là theo đuổi một chính nghĩa và rúc đầu vào bụng người đàn bà mình yêu mà hôn cái rốn của nàng!”

“Anh không yêu tôi. Anh chỉ vì anh thôi.” Tôi bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu lớn.

“Anh thô lỗ và vô trách nhiệm. Và anh đang đùa giỡn với tôi.”

Tôi thấy giận hắn, và thấy bị đe dọa bởi những nhận xét “sensual” của hắn. Nhưng một cảm giác mơn man cứ kéo dài trên vùng bụng dưới của tôi mỗi lần tôi nhớ tới những gì hắn nói. Cảm giác ấy làm tôi bận tâm. Tôi quyết định không bao giờ cho hắn tiền ăn trưa của tôi nữa.

*

Mùa thu tới trong vẻ đẹp bi thương, với lá vàng bay trong không khí lạnh. Khi đi bộ trong khuôn viên đại học, tôi quấn mái tóc dài quanh cổ. Bạn cùng lớp gọi tôi là “cô gái đông phương gầy ốm tóc quấn quanh cổ.”

Đã nhiều tuần tôi không đi qua Krost Hall. Vì tôi bận học. Rồi một bữa kia tôi phải đi qua khu rừng giữa Krost Hall và thư viện Morris để tới Tòa Nhà Truyền Thông và Nghệ Thuật. Để tập kịch. Ở phía bên kia khu rừng.

Trên những bậc thềm của Krost Hall, không thấy Chàng Khùng nữa. Hắn đã đi rồi.

Không còn tấm chăn. Không còn những cuộc nói chuyện ngu xuẩn. Không còn truyền đơn hay quảng cáo. Không ai nhớ hắn cả. Cũng không ai để ý là hắn đã đi rồi. Đã có lần tôi nghĩ là người ta sẽ đặt hắn vĩnh viễn trên vỉa hè Krost Hall, như thế hắn sẽ thành một cơ chế. Như là cơ chế Krost Hall.

Tôi đứng ngay chỗ hắn vẫn đứng. Tôi ngơ ngác và bất ngờ cảm thấy mất mát. Tôi đi qua tấm cửa kính đúp. Vào Krost Hall. Ở bên trong, tôi lượm một tờ báo của trường đại học. Ngay trang đầu có một bài về Chàng Khùng. Hắn đã bị những nghi can vô danh đả thương. Cảnh sát đang điều tra.

Bài báo nói rằng hắn ta rất khỏe, và đã chiến đấu can đảm như một chiến sĩ, tuy nhiên thái độ anh hùng đó đã dẫn hắn tới bệnh viện, khu săn sóc khẩn cấp.

Bài báo nêu lên mọi giả thuyết. Đạo tặc ư? Không chắc, vì hắn không có gì trên người, và hộp tiền của hắn, đầy tiền cắc và những tờ giấy bạc một đôla, vẫn nguyên vẹn. Thù hằn ư? Nỗi cay đắng của những cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam? Hay là những cha mẹ Mĩ mất con ở Việt-Nam đã trả thù những người tị nạn mới tới? Hay là đoàn viên hội “da-trắng-là-nhất” vẫn hiện diện không định danh được ở miền nông thôn Nam Illinois? Hay chỉ là hận thù cá nhân?

Dù sao chăng nữa, biến cố này đã xẩy ra trong một đại học thanh bình, tự do, bên ngoài một tòa trú sở của những phân khoa Lịch Sử, Khoa Học Chính Trị, Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Một biến cố như thế chưa bao giờ xẩy ra tại Nam Illinois và SISU thường vẫn ngủ yên. Những kẻ tấn công có ý định giết chết hắn.

Bài báo tiếp tục nói về luận án dở dang của hắn. Hắn đã viết về cuộc chiến đấu chống thực dân và cộng sản tại Việt Nam và hắn xây dựng một mô hình tái thiết vùng thôn quê. Khai thác dầu hỏa dọc theo bờ biển. Xuất cảng gạo. Tiến đến hoàn toàn chấm dứt viện trợ kinh tế và quân sự của Mĩ, Nga, Tàu.

Hắn nói về việc xây dựng một giai cấp trung lưu mạnh, về tự do ngôn luận phải in sâu vào tâm trí người dân để trở nên một thói quen, một thái độ, một nếp sống. Đó là mô hình Mĩ áp dụng vào Đông Nam Á đang phát triển.

Luận án này là công trình của một con người lí tưởng, bài báo kết luận.

*

Tôi rời khỏi Krost Hall và tiến về phía Tòa Nhà Truyền Thông. Tôi phải đi qua rừng để dự buổi tập kịch.

Mùa thu hiện ra trước mặt tôi. Một tấm nệm lá vàng, đỏ, và xanh vàng. Như một bức tranh tù túng, trong gió heo may buổi sớm, khu rừng đông lại ở phía trước.

Những hàng cây đứng im lặng, và vô vàn lá đang chờ đợi trong sự im lặng tuyệt đối đó trong khi tôi giẫm bước lên chúng. Những tiếng động rất nhỏ vang ra khi làn gió thổi vào lá. Những tiếng động này trở thành ròn rã, vỡ gãy khi tôi giẫm giày lêntrên đất ẩm.

“Lá đang khóc,” tôi thầm nghĩ, vừa nghĩ vừa nín thở.

Giữa những lá vỡ, tôi bắt đầu trông thấy cặp mắt đen, nảy lửa của chàng sinh viên cao học vỡ mộng đã quyết định bỏ dở những năm dài theo đuổi sự học và đã gọi tôi là “Đệ Nhất Phu Nhân” của chàng.

Tôi muốn đứng giữa rừng, chôn chân vào xác lá vỡ. Lạc hướng và bối rối. Đầu óc tôi tràn ngập những tư tưởng. Tôi đã tìm được tự do từ một cuộc chiến tranh, thoát khỏi một chế độ. Tôi chỉ tìm được một nhà tù mới trong sức nặng của văn hóa, bóng dáng cuộc đời tôi đã bỏ lại phía sau tiếp tục ám ảnh tôi về ban đêm. Tôi mơ đang trở về nhà để khăn gói sửa soạn cho một cuộc ra đi đúng nghĩa. Có những cơ hội chào từ biệt những người tôi yêu, họ chúc tôi may mắn và hành trình tốt đẹp, thay vì một cuộc chạy trốn trong những chiếc máy bay chở hàng hay trong những ghe thuyền đánh cá.

Tôi mong muốn được tới những vùng đất rất xa, được tặng quà chào mừng, không có những người đứng sau những biểu ngữ “Duy có Tổng Thống Ford là muốn họ mà thôi.”

Tôi đã làm một cuộc hành trình qua đại dương và được gặp những chiếc lá đang đổi màu báo hiệu sự thay đổi mùa và bản chất vô thường của chính đời sống. Một ngày kia, khi đời sống và cái chết hòa làm một, chính tôi sẽ trở về với đất, hòa nhập với những chiếc lá trong vô tận ở dưới mặt đất, và lúc đó tôi sẽ đổi thành không khí mùa thu. Duy lúc đó tôi mới đạt tới bờ bến tuyệt đối an toàn. Tuyệt đối tự do. Và vô tận. Một người tị nạn đến được nơi nương náu cuối cùng để có bình an.

Cho tới giờ phút cuối cùng ấy, thì tôi phải vượt khu rừng để đến với sân khấu.

Các sinh viên kịch nghệ đang tập kịch và dự tuyển cho vở Người Lái Buôn Thành Venice. Tôi là một sinh viên tị nạn mới từ Việt Nam tới và phải đóng vai của mình.

Tôi phải đọc phần của một nữ luật sư nhờ tài hùng biện mà đã cứu được người nàng yêu. Một người bạn cùng lớp cứ hỏi: “Bạn có chắc đóng kịch Shakespeare được không?”

Tôi vẫn lắng nghe tiếng khóc của những chiếc lá đang chết. Có lúc chúng thổn thức.

Chẳng khác gì sự rung động của trái tim tôi.

Một cơn gió mạnh thổi qua, và tất cả muôn vàn lá chợt thức dậy lần cuối cùng. Trước khi chết. Tiếng khóc của chúng cùng vang lên dồn dập mỗi lúc một nhanh hơn choáng đầy không khí.

Tôi níu chặt lấy vai, rung động vì tiếng nhạc của thiên nhiên. Nhạc cầu siêu cho những chiếc lá đang chết.

Đứng giữa rừng, tôi bắt đầu khóc. Vô cớ. Không có một lý do nào hết.

Những xúc cảm bùng nổ. Không cần thiết. Không can cớ. Niềm thất vọng của tôi càng lớn khi tôi không hiểu nổi những giọt nước mắt của chính tôi.

Tôi đến sân khấu Phân Khoa Kịch Nghệ Đại Học Nam Illinois như thế đó. Để đọc những lời của một vai trò khác hẳn với tôi, trong một ngôn ngữ mà một năm trước đó ở quê nhà được coi là một phần của chương trình ngoại ngữ. Tôi phải đóng vai đó trước một cử tọa còn nghi ngờ khả năng của tôi.

*

Tôi không bao giờ gặp lại Chàng Khùng nữa. Tờ báo đại học cho biết là sau khi ra khỏi khu săn sóc đặc biệt của bệnh viện là hắn biến mất. Rõ ràng hắn đã xuất viện trước khi những vết thương hoàn toàn bình phục. Hoặc giả có người bắt cóc hắn.

Đối với những sinh viên Việt Nam tại SISU, hắn trở thành một huyền thoại.

Tôi không bao giờ biết hắn thực sự là ai. Tôi là người Việt Nam và tin tưởng vào sự may mắn của con số chín. Tất cả những việc quan trọng trong đời sống có thể được tóm tắt trong chín chữ.

Từ nhiều ngày, nhiều năm nay, để tưởng nhớ một người mà tôi đã tin tưởng, tôi vẫn ước ao đã trao được cho chàng chín chữ của tôi. Một ngày kia, tôi đã viết chín chữ đó xuống trong nhật kí của tôi:

Thân gửi Ông Tổng Thống nước Cộng Hòa mới,

I think I have fallen in love with you.

1 2 3 4 5 6 7 8 9

Em nghĩ rằng hình như em trót yêu anh

1 2 3 4 5 6 7 8 9

*

. . . .

Chính tôi cũng đã già đi. Hôm nay tôi thức dậy, nhìn vào trong gương và thấy một người đàn bà trong đó. Đã qua rồi thời sinh viên năm thứ nhất tại SISU.

Từ ngày gặp Chàng Khùng lần cuối cùng, tôi không bao giờ được gặp một người nào mà tôi muốn trao tặng chín chữ của tôi. Một người nào có những giấc mơ to lớn hơn đời sống và có can đảm theo đuổi những giấc mơ ấy, không bao giờ e thẹn, ngại ngùng nói những ước mơ ấy ra trong một thế giới không tình cảm.

Tôi cất giữ chín chữ ấy trong một cái bình ảo thuật và đậy nắp lại, cùng với thời thơ ấu mới lớn ở Việt Nam. Đồng thời, tôi tiếp tục chờ đợi, hi vọng sẽ gặp một người nào gọi tôi là Đệ Nhất Phu Nhân. Tôi không bao giờ gặp cả. Tôi học xong đại học. Rồi vào trường Luật. Trở thành luật sư. Làm việc liên tục trong một số những hãng luật. Thời gian chầm chậm trôi qua. Một hôm, nhìn vào gương tôi nhận ra là tuổi hai mươi đã qua rồi. Rồi tôi về Houston, Texas, và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại miền khí hậu lạnh để có thể thấy bốn mùa thay đổi và những lá vàng rơi.

Tôi nhìn vào cặp mắt người đàn bà ở trong gương trước mặt tôi và nói với nàng:

“Ừ, tôi biết cô. Tôi biết tất cả về cô, và tôi vẫn thích cô.”

Tôi muốn vô cùng là tôi có thể nói như thế với một người khác, với tất cả sự trìu mến ràng buộc những trái tim nhạy cảm. Những ràng buộc giữa những nghệ sĩ, những người mơ mộng, những bạn bè tốt nhất họ hiện hữu vượt ra ngoài cõi đời này. Sự thông cảm giữa những người trưởng thành, sâu sắc, mang niềm hoài cảm nhớ tiếc những giấc mơ đã chết.

Tôi muốn tôi có thể ôm hình bóng của chính tôi, vì tôi nhìn thấy trong mắt người đàn bà đứng trước mặt tôi hình dáng cái bình ảo thuật với chín chữ trĩu nặng những giấc mơ của nàng.

Tôi muốn vô cùng là tôi có thể làm cho điều đó xẩy ra với nàng. Công cuộc đi tìm tình yêu và lí tưởng. Trong một thế giới bị xâm chiếm bởi những tiêu chuẩn vật chất,và chủ nghĩa tiêu thụ, điển hình là sự đòi hỏi vô nhân của sự thi hành luật pháp, thì người đàn bà-mà-tôi-đã-trở-thành sẽ tiếp tục kiếm cách trao đi, một cách giản dị và trọn vẹn, chuỗi chín chữ bằng tiếng Anh đơn giản. Hay bằng bất cứ thứ tiếng nào trên thế giới, bao gồm cả tiếng mẹ của nàng.

Chín chữ của tôi.

Bài Mới Nhất
Search