T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ba mươi năm . . .Hãy để cho những nỗi lòng

Nón Sắt – Tranh của Trần thanh Châu

• Chinh chiến cũng qua rồi em hỡi

Thiên thu còn giọt lệ cho đời

(Ngọc Phi)

Chỉ cho đến khi thế hệ những người trực tiếp dính líu đến cuộc chiến tranh (ở cả hai phía) hoàn toàn biến mất khỏi mặt đất này thì mọi hệ lụy của cuộc chiến 30 năm mới thực sự không còn làm bận lòng nhiều người, kể cả các thế hệ không dính líu gì đến cuộc chiến khốc liệt ấy.

1.

Chúng ta đang bước vào năm thứ 31 sau ngày hết chiến tranh. 31 năm hiển nhiên chưa đủ dài để xóa đi hết mọi chuyện, nhưng cũng không phải là ngắn để mỗi năm, cứ đến ngày định mệnh 30 tháng tư, là các câu chuyện cũ lại được khơi lại, bằng hình thức này hay hình thức khác, – và ở cả hai phía của cuộc đối đầu.

Đã nhiều lần tôi tự hỏi mình: có phải chúng ta quá cố chấp hay không?, như lời một người trước đây có chút địa vị trong chế độ cộng hòa cũ mới đây đã lên tiếng phê phán? Có lẽ cần nhìn lại lịch sử cận đại và hiện đại để thấy rằng cuộc chiến này chưa hề có một tiền lệ khả dĩ có thể so sánh được cả về tầm vóc lẫn hậu quả. Sự khác biệt, về bản chất, không phải ở trong cuộc chiến, vì cuộc chiến tranh nào mà không có chết chóc, hủy hoại, tàn bạo, phi nhân? đó là bản chất của chiến tranh, dù nhân danh bất cứ mỹ từ nào chiến tranh giải phóng, chiến tranh chống thực dân, chiến tranh vệ quốc v..v ..

Ở đây, sự khác biệt khiến cuộc chiến tranh vừa qua không có tiền lệ trong lịch sử là ở những gì xảy ra sau cuộc chiến. Tiếng súng không còn nổ nữa sau ngày 30 tháng tư năm 1975 không có nghĩa là đã có hòa bình. Dù cho đã có một bên tự gọi là thắng trận và bên kia buông súng, trở về ao ước được làm một người dân trong một đất nước không còn chiến tranh. Mùi thuốc súng vẫn còn vương vất trên những thành phố làng mạc thì bao nhà tù khổng lồ vội vã mọc lên. Hàng trăm ngàn người của bên thất trận lũ lượt rủ nhau vào nhà tù vì không còn sự lựa chọn nào khác. Họ bị gọi là những phạm nhân. Những người tù lương thiện trong lòng một chế độ bất hảo. Kế tiếp đó là biết bao nhiêu những bi kịch cá nhân, gia đình, xã hội. Những làn sóng người bỏ nước ra đi bằng đủ mọi phương tiện, bất chấp mọi hiểm nguy chờ đợi dọc đường. Cùng với những người may mắn thoát ra khỏi nước trước ngày 30 tháng tư, lớp người này và nhóm tù cải tạo ra đi chính thức theo diện tị nạn, hình thành một cộng đồng người Việt hải ngoại đông đảo khắp nơi trên thế giới (và tất nhiên, phải kể đến cả những người Việt Nam từ miền Bắc đi lao động xuất khẩu ở các quốc gia Đông Âu, khi bức tường Bá Linh sụp đổ ngày 9 tháng 11 năm 1989, kéo theo sự tan rã của tòan khối Cộng sản Đông Âu, họ đã tìm mọi cách ở lại hoặc chạy sang Tây Đức để khỏi phải trở về lại Việt Nam). Mặt khác, ở trong nước, các vấn đề về nhân quyền, tôn giáo, dân chủ và phát triển kinh tế vẫn không được cải thiện. Do đó, cái thế đối đầu, giữa một bên là cộng đồng người Việt hải ngọai, bên kia là Đảng Cộng sản cai trị nước Việt Nam, là điều không thể tránh khỏi, dù cho, nguồn gốc thực sự của sự đối đầu nằm sâu xa trong cuộc chiến tranh chấm dứt đã 31 năm nay.

Những oan nghiệt ấy, xét cho cùng, không phải chỉ ở một bên. Sự tương tàn, không ngừng lại ở những thiệt hại trong chiến tranh, mà còn di hại nặng nề trong tâm thức, trong nhìn nhận đối xử, trong phán xét các mặt khác nhau trong đời sống của cả hai bên. Chưa bao giờ lịch sử của một dân tộc lại có những cách nhìn khác biệt trầm trọng đến như vậy. 30 năm chiến tranh, rồi sau đó là 31 năm không có súng đạn bắn vào nhau nhưng vẫn là chiến tranh. Chiến tranh hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cả nóng lẫn lạnh.

2.

30 năm chiến tranh, rồi lại 31 năm sau chiến tranh. Khoảng thời gian hơn 6o năm đủ dài để đưa một dân tộc từ chỗ nghèo đói lạc hậu đến văn minh và giàu mạnh. Lịch sử thế giới cho thấy thực ra người ta cũng không cần tới 6o năm để làm công việc đó. Vậy mà thực tế Việt Nam đã chứng minh ngược lại. Trách nhiệm này thuộc về những người Việt ở cả hai bên một bờ ranh giới, cả ranh giới trong và ngoài nước lẫn ranh giới phân chia bởi cuộc chiến Quốc Cộng 31 năm qua. Những người ra đi với lý do họ không được quyền nặng lòng với quê hương ngay trên đất nước của mình. Những người ở lại tin rằng họ đã bị kềm kẹp quá lâu để dễ dàng bằng lòng với chút tự do nhỏ giọt và một bữa cơm tuy đạm bạc nhưng tạm no lòng. Và quan trọng hơn hết, không ai đủ can đảm để nói lên cái cố chấp của mình khi nhìn lại ngày hôm qua. Hệ quả là một cụm từ rất đẹp như cụm từ HÒA GIẢI DÂN TỘC đã bị những ý đồ thiếu thành thật từ trong nước và những quan niệm cứng nhắc từ ngoài nước tước đoạt mất cái ý nghĩa rất trong sáng và cao cả của nó. Mặt khác, thái độ bảo thủ của giới cầm quyền trong nước, cố tình đồng hóa thể chế phi dân chủ của họ với khái niệm quốc gia dân tộc đã góp phần làm cho tình hình càng trở nên bế tắc hơn. Đó là một sự nhập nhằng thiếu lương thiện về mặt trí thức, vô luân về mặt chính trị.

Đất nước, Dân tộc là những khái niệm trường cửu, tồn tại từ nhiều ngàn năm nay bất kể mọi biến thiên của lịch sử. Một thể chế, một chế độ cầm quyền là sản phẩm nhất thời của một giai đoạn lịch sử, nó sẽ bị thay thế một khi vai trò của nó đã hoàn thành. Do đó, hòa giải dân tộc, là sự hòa giải thực sự giữa những người cùng một tổ tiên, cùng một dòng máu, mang trong lòng cùng một khát vọng muốn xây dựng lại căn nhà tổ tiên làm chỗ nương thân tươm tất cho các thế hệ con cháu mai sau – mà, chẳng may – trước đây vì những tình cờ của số mệnh (cá nhân cũng như dân tộc) đã phải đứng ở hai bên của một cuộc đối đầu. Nay, trước sự thúc bách của hiện trạng đất nước, muốn gạt bỏ hết những oan nghiệt lưu cửu của hôm qua để cùng nhau đưa đất nước vào một vận hội mới. Rất đơn giản, đó là ý nghĩa và là mục đích của sự hòa giải. Tuyệt đối, không phải là sự hòa giải giữa những người sống lưu vong với nhân dân và đất nước của họ. Đó là một cách đặt vấn đề vừa thiếu công bằng, vừa thiếu lương thiện. Bởi vì, trong suốt 30 năm sau khi chiến tranh chấm dứt, vì nhiều nguyên nhân khác nhau khiến cho có gần 3 triệu người bỏ nước ra đi, nhưng chưa bao giờ, những người lưu vong có sự xung khắc với đất nước mình, với nhân dân mình để ngày nay nói đến chuyện hòa giải. (Tháng tư ngỏanh lại 30 năm – T.Vấn).

3.

Một cách công bằng, khi nhìn lại chính mình, có lúc tôi nghĩ rằng sự sinh tồn của mình, cho đến ngày hôm nay, là sự sinh tồn của một sinh vật nào đó theo bản năng hơn là một sự sinh tồn của một con người trong lòng xã hội, một công dân trong một nước. Cảm thức lạc lõng nơi xứ người, cảm thức mất chỗ đứng nơi quê nhà, cộng với quá khứ chưa thể quên được – cái quá khứ gắn liền với mệnh nước hưng vong – đã tạo nên cảm giác chênh vênh, từ đó, nảy ra nhu cầu tự khẳng định mình. Và hiển nhiên, như bất cứ người bình thường nào, tôi đi tìm nguồn gốc gây nên bi kịch bản thân mình. Cũng như nhiều người khác, tôi tìm thấy căn rễ mọi bi kịch nằm ở cuộc chiến đã chấm dứt cách đây 31 năm cùng với những hệ quả không thể tránh khỏi của nó. Tôi nhìn quanh, và thấy rằng, các bạn tôi cũng không thoát khỏi nỗi dằn vặt ấy. Thế hệ chúng tôi là một thế hệ bị lịch sử nguyền rủa. Sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong chiến tranh. Sau chiến tranh, nỗi đau chung với đất nước còn đang âm ỉ, thì bản thân đã phải chịu thêm những nhục nhằn dành cho người lính thua trận. Chúng tôi giam tuổi trẻ của mình trong những nhà tù lưu đầy ngay trên quê hương mà chúng tôi đã đổ máu gìn giữ. Những năm cuối đời lại là những năm tháng lưu vong xứ người. Và ở quê nhà, nghèo đói vẫn ngự trị, độc tài áp bức vẫn tìm mọi cách để tồn tại, vậy thì làm sao mà không tránh khỏi những ray rứt mỗi khi tờ lịch xé đến ngày 30 tháng tư, cái dấu mốc đau đớn của sự bị bắt buộc phải từ bỏ cuộc chiến khi những trách nhiệm lịch sử với dân, với nước chúng tôi chưa chu tòan ?

4.

Như người bị thấp khớp kinh niên trở mình đau nhức mỗi khi thời tiết chuyển mùa, hàng năm cứ đến tháng tư, tôi có cảm tưởng mình mất thăng bằng với hiện tại vì quá khứ quá nặng nề. Cái nặng nề của một sứ mệnh không bao giờ được chu toàn. Và cảm thức quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Năm tháng rồi cũng sẽ qua đi, thế hệ chúng tôi rồi sẽ lặng lẽ từng người về với cát bụi, mang theo bên mình những hệ lụy của một thời chiến tranh tù ngục lưu vong. Chỉ khi ấy, may ra lớp sương mù khổ nạn mới tạm lắng đọng, để cho các thế hệ mai sau, trong cũng như ngoài nước, được dịp nhìn rõ lịch sử mà có những nhận định công bằng. (Tháng tư ngỏanh lại 30 năm – T.Vấn).

Còn bây giờ, hãy cứ để cho những nỗi lòng được bầy tỏ, nhân ngày 30 tháng tư.

T.Vấn

(Tháng tư quê người)

Bài Mới Nhất
Search