T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cô đơn

clip_image001Mười năm biệt xứ hề trôi nổi

Chiếc lá xa cành hề biệt tăm

Bao giờ ta sẽ quay về cội

Gom bụi thời gian lót chỗ nằm

(Trần Trung Hậu)

1.

Trời tháng mười một đã không còn những ngày nóng chảy mỡ. Đêm ngủ phải đắp tấm chăn ngang bụng. Buổi sáng thức dậy ra ngắt những chiếc lá sâu trong vườn hoa trước nhà tôi đã phải khoác thêm chiếc áo mỏng bên ngoài. Mùa Thu đang lừng lững bước vào đầu ngõ. Độ này năm ngoái, lá đã bắt đầu chuyển màu. Năm nay, những bụi hồng mini của vườn nhà tôi vẫn còn tiếp tục ra nụ. Vợ chồng anh bạn Đặng có rủ gia đình tôi đi Colorado ngắm lá vàng mùa Thu ở những thắng cảnh nổi tiếng bên xứ ấy. Thích lắm, nhưng tôi buộc lòng từ chối. Các con tôi đã đi học trở lại. Tôi không muốn chúng bị mất giờ học vì những chiếc lá vàng mùa Thu trong khi tuổi của chúng mùa Xuân vẫn còn ở phía trước.

Thời tiết xứ người có đủ bốn mùa xuân hạ thu đông. Cùng với thời tiết luân chuyển, vạn vật luân chuyển, lòng người luân chuyển. Có nóng có lạnh, có nhọc nhằn âu lo, có buồn vui giận ghét. Trên dòng chảy thời gian, là những ghềnh thác của đời người liên lỉ chảy qua mọi ngõ ngách không một phút dừng, dù chỉ là để ngoảnh nhìn ngày hôm qua đã qua đi như những ngày tháng đã qua đi . Như những mùa hè đã qua đi và những mùa thu tiếp nối.

2.

Mùa Thu. Những hàng cây trút lá chờ Đông. Những con đường ngập lá vàng và những âm thanh xào xạc. Em không nghe mùa Thu. Lá Thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô.

Mùa Thu rất cổ điển của Lưu trọng Lư và màu vàng những ngọn lá khô làm gợi tưởng đến cảm thức cô đơn của con người giữa sự chuyển mình lặng lẽ và cam chịu của Đất trời. Mùa Thu – những chiếc lá vàng lơ lửng giữa thinh không, như muốn níu kéo khoảnh khắc ngắn ngủi của một đời lá để rồi vĩnh viễn nằm dưới những gót chân nai ngơ ngác, những gót chân người cô đơn.

Cô đơn – cảm thức vong thân của những người trẻ tuổi đang hăm hở trên đường đi tìm một nửa kia của đời mình để hoàn tất trọn vẹn sứ mệnh của con người.

Cô Đơn – cũng đồng thời là cảm thức vừa đau đớn vừa hạnh phúc của những người mà tuổi hoa niên đã nằm vĩnh viễn trong quá khứ. Cái cảm thức vừa tìm lại được chính mình. Cái cảm thức về một Bản Ngã không còn nguyên vẹn vì những vết xước của bao mùa Thu cuộc đời. Những vết xước, có vết đã thành sẹo nhăn nheo, có vết vừa kéo da non, có vết vẫn còn hành hạ đau đớn mỗi khi trời đất giao mùa.

Từ đó, tôi nghiệm ra một điều. Khởi từ Cô-Đơn-cảm-thức-vong-thân thời chúng ta tóc còn xanh, mắt còn sáng, môi còn tươi cho đến khi chúng ta tìm lại được chính mình là con đường đời của mỗi người, là tiến trình hành hương tìm về nơi an nghỉ cuối cùng của đứa trẻ được nuôi lớn lên thành người già – chẳng phải trong mỗi người già đều có một đứa trẻ được nuôi lớn lên đó sao? Tôi được nhắc nhở điều này nhờ đọc tập truyện của một tác giả tuổi vừa xấp xỉ 30, – Lúc này đây, lúc mùa thu cuộc đời – và cũng là mùa Thu của Đất Trời – lại vẫn là cảm thức cô đơn. Nhưng là Cô Đơn của tổng số những hợp tan tan hợp, những gặp gỡ những chia ly, những yêu thương những mất mát . . . Khép lại những hẹn hò một kiếp nhân sinh lại cũng là Cô-đơn .

Con người – kết tinh của Trời và Đất. Buổi mai là nắng. Buổi chiều là sương. Thế nên, tuổi già giọt lệ lóng lánh như sương.

3.

Hôm rồi, một người bạn nhạc sĩ tuổi không còn trẻ nữa gởi đến tôi tập nhạc, do anh tự tay làm lấy mọi việc từ kẻ nhạc, trình bày đến in ấn, ngoại trừ hai bức vẽ bìa trước và bìa sau là của một người bạn cảm tác từ những bài nhạc anh viết. Dù đã biết trước công việc của bạn mình, nhưng khi cầm tập nhạc trên tay, tôi vẫn cứ bùi ngùi. Hơn 20 năm thai nghén, ấp ủ, để cuối cùng anh tự mình đỡ đẻ lấy, cho ra đời được đứa con tinh thần, cũng chỉ để – như trong bài hát kết thúc tập nhạc – nhìn thấy chính mình, ngồi ôm đàn hát lẻ loi – ta cất tiếng ca, giọng ca già như cổ thụ (Cô Đơn – Trần Lê Việt) – giữa lặng lẽ của chiều thu ơn ớn lạnh và cơn rùng mình của quạnh hiu.

Bóng ta, dài theo bóng nắng

Và chỉ,

Một bóng ta thôi

(Cô Đơn – Trần Lê Việt)

Đất trời bao la, mà người nhạc sĩ già, với cây đàn – ôi những người khóc (hát) lẻ loi một mình (Thanh Tâm Tuyền) – chỉ nhìn thấy bóng mình, và hồi ức về những vết xước cuộc đời .

Tưởng tượng một bóng người cô đơn, giữa chiều vàng ngập lá khô, mắt đăm đắm nhìn về phía chân trời xa, như cố tìm trong đó bóng những ngày tháng cũ đã qua đi, trong đó, có tuổi trẻ (của một thời ảo vọng), có người tình (của một thời say đắm), có bạn bè (của một thời hào sảng), có những ly rượu rộn rã. . . thủy tinh reo . . . . , để thấy mình, cầm đàn tay hờ hững rơi, để thấy ly, ly cũng thấy buồn, thèm nghe tiếng thủy tinh reo, để thấy ngoài sân, con chó già chợt thức, buông tiếng ngáp dài trả lời ta (Cô đơn – Trần Lê Việt).

Bi kịch của con người là đây. Luôn luôn ngoái nhìn lại sau lưng để mà nuối tiếc.

Those are good old days. Câu nói của người bạn già bản xứ hôm buổi tiệc chia tay anh về hưu dưỡng già. Anh ám chỉ những ngày anh còn trẻ, còn khỏe mạnh, còn ngày ngày đến sở làm chăm chỉ, còn biết bao những bận bịu lo toan. Bây giờ thì đã xong cái khoảng đời ấy. Nhìn lại, cảm khái mà thốt lên, those are good old days, với đôi mắt đỏ hoe và cái nắm tay run run. Tôi chưa đủ già lắm để có thể cảm được như anh bạn bản xứ này, nhưng, vẫn thấy được viễn tượng một ngày tôi ngậm ngùi: Thế là đã hết rồi những ngày tươi đẹp ấy!

Nhưng , có phải vì chúng ta – những người không còn trẻ – cứ ngoái nhìn lại ngày hôm qua, nên không tận hưởng hết được ngày hôm nay? Hệt như những năm tháng tuổi trẻ, chúng ta cứ kiễng chân nhìn về phía trước . . .

Cuối cùng, hình như chúng ta chưa bao giờ sống trọn vẹn cho chính cuộc đời mình. Người bản xứ có câu: Easier said than done. Nói thì dễ lắm, nhưng có làm được như vậy không? tôi đang tự hỏi chính tôi câu hỏi ấy!

Chúng tôi – những người bạn của nhau từ mấy chục năm – trong một chiều chớm thu của thành phố nhiều đồi núi và sương mù Oklahoma, đã được dịp quây quần nhau lại, bên ly rượu ngập “tiếng thủy tinh reo“, bên người bạn nhạc sĩ “cầm đàn tay hờ hững rơi “, nghe anh cất “tiếng ca già như cổ thụ” mà réo gọi “bạn bè ơi, sao sớm bỏ ta đi ” . . .

Trong cái chập choạng của hoàng hôn, cái gây gây của ngọn gió thu vừa chớm, âm thanh khàn đục của cây đàn cũ và giọng ca già nua của người nghệ sĩ, dường như, chúng tôi không ai còn đủ sức đứng dậy, dù chỉ là để bước vào cõi cô đơn của riêng mình.

Đêm nay, sẽ lại là một đêm thức trắng, để sáng mai nhìn vuông nắng trước sân mà sợ hãi không dám soi tóc mình trong gương.

Ta tìm một mái am tịnh ẩn

Gối đầu cho ấm chút tro than

(Ngọc Phi )

4.

Cũng dạo này, năm ngoái khi chia tay ở Oklahoma, tôi và mấy người bạn hào hứng hẹn nhau sẽ có nhiều những buổi họp mặt có thơ có nhạc (và rượu, tất nhiên!), để thi vị hóa cuộc sống, hay nói đúng hơn, để tạm gác bỏ những gai góc của cuộc sống qua một bên, dù chỉ trong một buổi chiều, một buổi tối. Thực tế đã cho thấy không dễ dàng gì. Và chúng tôi cứ hẹn lần hẹn lữa.

Ôi cuộc sống hàng ngày. Có những điều tưởng chừng như ở trong tầm với. Chỉ cần đưa tay ra, rướn người lên một chút. Nhưng để thực hiện động tác cuối cùng ấy, đưa tay ra, rướn người lên một chút, sao mà khó khăn quá. Có khi phải chờ đến gần hết một cuộc đời. Có khi cuộc đời đã đặt dấu chấm hết rồi, mà động tác cuối cùng ấy đành phải gởi đến thế hệ tương lai làm cánh tay nối dài. Bởi lẽ, thời gian vốn vô tình. Vô tình như những chiếc lá mùa Thu lặng lẽ ngoài kia. Để, một buổi sáng, soi bóng mình trong gương, không thấy ai ngoài một khuôn mặt xa lạ, già nua, nhầu nát, khật khùng.

5.

Nhờ vậy, tôi mới hiểu tại sao những đêm dài thức trắng đã thành tật, như sợ giấc ngủ lấy đi của mình những khoảnh khắc ngắn ngủi quý báu của đêm khuya tịch mịch. Để rồi, sáng hôm sau, phờ phạc vì thiếu ngủ, ườn người trên giường, trễ tràng xộc xệch. Đầu óc mụ mị quên trước quên sau những việc phải làm trong ngày.

. . . ngày mai, mùa Thu vẫn chưa đủ muộn màng để làm rụng đầy lá vàng trước sân nhà, nên tôi vẫn chưa phải dậy sớm, khoác áo ấm vào người mà đi gom hết những chiếc lá vàng thành đống, bỏ vào bao, cuối tuần, sở rác cho xe đến lấy đem đi một nơi nào đó cho khuất mắt. Thế nên, đêm nay, tôi vẫn còn được thức đêm dài đã thành tật của tôi mà gom lại những mảnh vụn của tâm tư mình, chắp chắp vá vá. Chỉ không thể bỏ chúng vào bao, chờ sáng đem ra ngoài để cạnh thùng rác, cho sở rác cuối tuần đến đem đi. Thế nên, những mảnh vụn tâm tư của tôi vẫn còn đó, để đêm đêm tôi gom lại, chắp chắp vá vá, bẹo dạng bẹo hình.

Để mai đây, khi tôi nằm xuống, các bạn tôi sẽ có được chút gì để lại trần gian của tôi mà đem ra cái quan định luận, trong những lần có được cái khoảng nghỉ hiếm hoi của dòng chảy cuộc đời.

Thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi!▄

© T. Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search