T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cao Xuân Huy tháng Ba gẫy súng


Đêm không ngủ được. Đọc lại những hàng chữ cũ. Chuyện của nhiều năm trước như hiển hiện trước mặt. Tươi rói như mới vừa xẩy ra hôm qua. Rồi bỗng nhiên biến mất và tối đen như màn hình chiếc Ti Vi  bị mất điện. Ông già trong hình ảnh cặp vợ chồng già ngồi lặng lẽ giữa buổi chiều thu vàng (của Ân tình tháng mười một), – thở dài thườn thượt khi nhìn thấy con gà trống nhảy lên lưng con gà mái miệng kêu cục cục,-  vừa mới lên chuyến xe cuối cùng về hư vô hôm tuần trước. 86 tuổi mới chết thì cũng chẳng có gì tiếc nuối. Buổi tiễn đưa ông, tôi đứng trước quan tài, nhìn khuôn mặt người bạn già (vong niên) bình thản, bỗng thấy lòng mình cũng bình thản lạ lùng. Không gian tràn đầy tiếng hát của ông (thu âm từ những ngày ông còn là một ca nhạc sĩ tài tử), nghe ấm áp và an ủi. Một buổi lễ đưa tang không đượm chút u buồn. Một cảm giác nghỉ ngơi, nhẹ nhõm khiến mọi người trở nên thư giãn. Đây là hình ảnh lý tưởng của cái chết, của sự chia ly. Có ích gì đâu mà phải khóc lóc nỉ non níu chân người đi. Ai rồi cũng được một lần lên đường. Hãy tìm lại cái háo hức thời tuổi trẻ làm hành trang, đừng ôm đồm mang theo làm gì những kỷ niệm, chúng chỉ khiến người đi nặng xác nặng lòng.

Cũng cuối tuần trước, một chiều thu rất điển hình của thu – không gian im ắng, lá rơi xào xạc, cơn gió vừa đủ cho cảm tưởng cần một chiếc áo khóac nhẹ – những người bạn của chiều thu năm nào lại hẹn hò gặp nhau ở Oklahoma. Tuy không đủ mặt, nhưng có còn hơn không. Thay vì những tiếng đàn, tiếng hát của năm nào thì nay chỉ còn những câu chuyện, kể về . . . chiều thu năm ấy. Rồi ngậm ngùi nhìn nhau. Rồi chép miệng than van: thời gian như chim bay, như gió thổi. Thóang chốc đã 5 năm. Thóang chốc đã kẻ ra đi, người ở lại.

Và sáng nay, trong lúc nhấm nháp ngụm cà phê thơm phức đầu ngày, ngụm cà phê quen thuộc cho cảm giác mình vẫn còn sống, còn thở, chiếc màn hình cái laptop trước mặt chập chờn hàng chữ:

Nhà văn Cao Xuân Huy tác giả của tác phẩm Tháng 3 Gãy Súng, là một cây viết được nhiều người yêu mến và cũng là một ký giả từng cộng tác với nhiều tờ báo Việt ngữ tại miền Nam California, ông cũng là một cựu sĩ quan thuộc Tiểu đoàn 4 Kình Ngư Thủy Quân Lục Chiến, sau một thời gian vật lộn với căn bệnh Ung thu Gan, hiện nay ông đang mấp mé những ngày cuối đời, thời gian chỉ tính bằng ngày hoặc ráng lắm thì bằng tuần mà thôi. . . ( Calitoday -11/02/2010 ).


Ngụm cà phê trong miệng bỗng nhạt thếch. Thêm một con nhạn là đà . . . sắp rụng. Cao Xuân Huy hơn tôi độ 1 hay 2 tuổi. Tôi chẳng quen ông, và ông cũng chẳng quen tôi. Ngày mới qua Mỹ, quyển sách đầu tiên tôi đọc là quyển Tháng Ba gẫy súng, tình cờ tìm thấy nơi thư viện thành phố. Sau đó, tôi đã nhiều lần đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần muốn chửi thề như tác giả đã chửi thề trong sách.

Ông nhà văn Hòang Khởi Phong, tác gỉa “Ngày N, Giờ G “, người mà trước khi vui vẻ nhận tôi vào vai em, đã cùng tôi “chỏang nhau” ra trò nhân một bài viết của tôi ông lấy từ trang Talawas về đăng trên tờ Người Việt ở Nam Cali (hồi đó HKP còn là chủ bút của tờ báo). Ông bảo, Cao Xuân Huy là em kết nghĩa của ông, ông cũng sẽ coi tôi như Cao Xuân Huy, vì chúng tôi cùng độ tuổi, cùng tính tình ngang bướng (sic). Dầu vậy, tôi vẫn không quen Cao Xuân Huy.

Một thời gian sau, bỗng một hôm tôi nhận được bức e-mail chuyển lại từ Talawas của Phạm thị Hòai. Tác giả là ông Cao Xuân Huy. Ông muốn tôi đồng ý cho ông đăng trên tạp Chí Văn Học (CXH là chủ bút), một bài viết của tôi vừa lên mạng Talawas, đề tài về thành phố New Orleans trong cơn bão Katrina. Tất nhiên là tôi hoan hỉ bằng lòng. Sau đó, CXH gởi cho tôi một gói to tướng những số báo Văn Học, mới cũng như cũ (thay cho nhuận bút, có lẽ! Nhưng có bao giờ tôi đòi hỏi nhuận bút đâu, nhất là với ông CXH, người dạy tôi chửi thề). Dầu vậy, tôi vẫn không quen Cao Xuân Huy.

Mới đây, ông Cao Xuân Huy có in một quyển sách, nhan đề “Vài mẩu chuyện”, ra mắt độc giả ở hội trường báo Việt Herald. Đến phần tác gỉa phát biểu, ông nói: “Đây không phải là ra mắt sách. Thực ra, đây chỉ là giới thiệu cuốn sách vừa mới ra của tôi với anh em.” Ông chỉ nói thế  thôi rồi đi xuống. Buổi ra mắt sách, theo lời tường thuật của Việt Herald (nhờ vậy mà tôi được biết chuyện này), có sự tham dự của nhiều giới, trong đó có 2 vị cựu lính Thủy Quân Lục Chiến (cấp chỉ huy trong binh chủng của ông Cao Xuân Huy) là cụ Trường Can Đòan Trọng Cảo và cụ Phila Tô Văn Cấp. Hai vị này vốn là “bạn học” nhiều năm của tôi từ hồi chúng tôi còn dùi mài cầy cuốc ở Đại-Hộc-Máu (chữ của cụ Phila). Hai cụ, trong buổi ra mắt sách ấy, khen rằng ông Cao Xuân Huy dám nói những điều mà ít người dám nói. Liều mạng cỡ như cụ Phila mà còn phải khen cái “liều” của ông Cao Xuân Huy thì quả ông Cao Xuân Huy “ngon” thật. Không “ngon” sao được khi mà ngay lần đầu tiên cầm bút viết quyển “Tháng ba gẫy súng” ông đã lừng lững đi vào văn học sử . . . hải ngọai. Trong suốt 25 năm nay, nhiều người đọc thuộc nhiều giới từ trong nước đến ngòai nước, vẫn còn nhắc tới “Tháng Ba gẫy súng“. Có người bảo cái tên CXH bây giờ đã trở thành “Cao Xuân Huy Tháng Ba gẫy súng“. Cũng phải thôi, vì ông không viết nhiều, vì “Tháng Ba gẫy súng” có một số phận gắn liền với số phận cá nhân ông, số phận những người cùng lứa tuổi với ông (trong đó có tôi).

Giờ đây, ông Cao Xuân Huy đang nằm thoi thóp chờ chết. Có “quậy” cỡ nào thì cũng đến lúc này. Tháng 3 năm nào ông chờ tàu hải quân vào rước ở cửa biển Thuận An, nhưng không có tàu. Tháng 3 năm đó, ông gẫy súng. Mấy chục năm sau, ông lại chờ tàu nữa. Lần này, không phải tháng 3 mà là tháng 11 (tháng của những chuyến tàu suốt chạy liên lỉ ngày đêm phục vụ khách lữ hành đã mãn hợp đồng trần gian), nên có lẽ cái huông lỡ tàu không đến nỗi đeo đuổi ông. Bị ung thư gan thì chắc chắn sẽ có tàu lại đón, chỉ còn vấn đề sớm muộn thôi. Một khi đã được lên tàu thì gẫy súng hay không  gẫy súng cũng chẳng còn gì để bàn cãi, phải không ông Cao Xuân Huy, người tôi chưa bao giờ quen, chỉ biết mà thôi!

Cái tin không vui về ông khiến tôi bần thần cả buổi. Không gian mùa thu vốn chỉ làm tâm hồn con người cảm hòai, nay trước cuộc sắp-sửa-chia-tay của ông Cao Xuân Huy với trần gian, mối cảm hòai ấy lại càng thêm đậm đặc. Tôi giở ra đọc lần nữa Tháng Ba gẫy súng. Lại chửi thề!

Cám ơn ông nhé, người đã dạy tôi chửi thề (nhờ thế mà đỡ phát điên). Chừng nào tới giờ lên tàu, ông cứ thanh thản lên tàu. Đừng lo cho chúng tôi. Thế nào cũng còn chỗ cho kẻ đến sau, chứ không phải như tháng Ba gẫy súng năm nào mà phải giành nhau đâu, ông Cao Xuân Huy ạ!

Tạm biệt ông nhé, người không quen! Nhưng có lẽ sẽ quen khi tôi gặp lại ông ở đâu đó. Nơi một cõi trên hoặc cõi dưới. Lúc này gẫy súng còn chẳng bận tâm huống hồ cõi trên hay cõi dưới! Phải không ông Tháng Ba gẫy súng?

Xin ông thứ lỗi, lúc này đây, một góc hồn cải lương của tôi bỗng bật câu hát nho nhỏ . . . Thôi về đi! đường trần đâu có gì . . .

Hốt nhiên, ngồi trong nhà, mà tôi tưởng như mình đang đi giữa cơn mưa thu ngọt ngào.

T.Vấn

3 tháng 11 năm 2010

T.Vấn©2010

Bài Mới Nhất
Search