T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Chung Tử Bửu: Chiều Yên Bái (Tù Khúc)

Chung Tử Bửu: CHIỀU YÊN BÁI

Tranh: Thanh Châu

GIỚI THIỆU:

Tháng 6/2012, Chuyên mục Tù Khúc đã giới thiệu bản tù khúc này* với tên tác giả là KHUYẾT DANH do không có được những chi tiết nào khả tín liên quan đến tác giả bài tù khúc. Nay, chúng tôi đã có cơ hội liên lạc với chính tác giả là Chung Tử Bửu, – một cựu sĩ quan không quân đã từng bị bắt làm tù binh từ trận Hạ Lào 1971 – nay anh là một mục sư của Hội Thánh Khởi Đầu Mới ở thành phố Houston, Texas. Từ mục sư Chung Tử Bửu, chúng tôi cũng nhận được một số bài tù khúc khác mà CTB đã viết và phổ biến trong thời gian ở trong tù. Chuyên mục Tù Khúc sẽ lại tiếp tục công việc giới thiệu và lưu trữ những tác phẩm tù khúc, chứng nhân của một thời rất nhiễu nhương và cũng là một trong những di sản quý nhất của các cựu quân nhân, viên chức Việt Nam Cộng Hòa.

(Chuyên mục Tù Khúc – Nhóm Thực Hiện)

CHIỀU YÊN BÁI

Thời kỳ các sĩ quan tù binh trận Hạ Lào, Lam Sơn 719, bị giam giữ ở trại tù binh T5, đoàn 371, thuộc huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, tôi bị giam riêng với sáu (6) sĩ quan bạn tù khác. Những ngày tù rất buồn và căng thẳng vì chúng tôi không phục tùng các lệnh làm việc khổ sai.

Rất gần khu nhà giam là một dòng nước nhỏ khá trong, cũng là nguồn nước sinh hoạt của nhóm tù binh chúng tôi. – Vì nó nhỏ và chảy lặng lẽ, nên tôi đặt tên là “dòng suối cô đơn.”

Cánh đồng ruộng nước trước mặt dãy nhà giam không rộng lắm. Bên kia cánh đồng, trải dài theo chân trái núi chấn ngang trước mặt,có khoảng vài chục căn nhà của dân chúng. Họ vốn là dân trung nông ở đồng bằng Bắc Việt bị đày lên miền nầy sau năm 1954. Ven xóm nhà ấy có mấy hàng cau đứng rủ bóng bơ vơ giữa cảnh chiều tà.

Cứ mỗi 60 năm, tất cả tre nứa từng khu vực bị “khuy,” tức là trổ hoa, ra trái và chết rụi. Mười năm sau chúng lại phục hồi như cũ. Lúc chúng tôi ở đó được chừng một năm thì các vạt rừng nứa, chổm, giang, và tre bị khuy dần, các triền núi đổi màu xám trơ trụi xác xơ.

Ban đêm chỉ có đèn dầu hỏa nhỏ xíu tỏa ánh sáng tù mù. Xóm nhà dân bên chân núi cũng leo lét như vậy. Đời tù đã buồn mà ban đêm lại càng buồn hơn. Mỗi buổi chiều gần tối, tôi thường ngồi nhìn hàng cau, nhìn dòng suối cô đơn phản chiếu một chút ánh hoàng hôn mà mơ về quê xa. Nhất là những buổi chiều mây giăng ngang sườn núi,và mưa bay dưới khung trời xám.

Tôi nhớ chiều mơ bên dòng Hương Giang mình gặp cô gái Huế, yêu nhau và cưới nàng. Nhớ da diết đứa con đầu lòng bé bỏng nhìn mây Hải Vân trên vịnh Đà Nẵng lớn lên không biết mặt cha.

Tôi nhớ những rừng sim hoa tím đầy kỷ niệm ở quê hương Di Linh; nhớ về Dalat với rừng thông reo vi vu và đỉnh Lâm Viên mờ xa. Tôi nhớ về Saigon với những đường phố đông vui mà thầm nghĩ tới bạn bè, người thân; có còn ai nhớ đến mình chăng?

Tôi nhớ biển vui ngợp gió đêm ở quân trường Nha Trang; nhớ bến sông đèn giăng giăng quê nội Cần Thơ. Và tôi nhớ quay quắt khung trời biên giới với vô số lần tung hoành một cõi.

Những nỗi nhớ đầy ngập trong hồn không thể viết ra giấy đã thành nguồn thơ và nhạc nung nấu trong hồn, mà tôi chưa biết phải ghi lại như thế nào.

Khi ở trại tù Nam Hà, tôi gặp nhạc sĩ Vân Tùng (Trung Tá Ngô Văn Phải) và mượn quyển sách “Để Sáng Tác Một Ca Khúc Phổ Thông” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, mà ông đem theo khi đi tù. Nhờ đó tôi bắt đầu tập sáng tác các bản tù ca. Khi hồi tưởng nỗi niềm buồn thương trong thời kỳ vô cùng cô đơn với nỗi nhớ quê hương quặn thắt ở xó núi tối tăm miền núi rừng Yên Bái, ca khúc Chiều Yên Bái đã ra đời vào năm 1980 trong hoàn cảnh như vậy.

Chung Tử Bửu

CHIỀU YÊN BÁI – Nhạc và Lời: Chung Tử Bửu – Trình bày: Chung Tử Bửu

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search