T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Chuyện trò cùng người bạn trẻ

clip_image002

Mơ Một Ngày Về – Ảnh: Nguyễn Xuân Thu

Gởi người bạn trẻ.

▪Tạ ơn sông núi, tạ ơn người

Tạ những truông dài, tạ biển khơi

Một thuở nuôi đời tôi lớn dậy

Tổ quốc còn trong tiếng khóc cười.

(Ngọc Phi)

1.

Tháng Sáu. Mùa hè đang chớm. Giờ này, ở quê nhà, những cây phượng đã bắt đầu ra bông. Và cả cái nóng nung người, ẩm ướt, rít chịt. Cũng tháng này, dăm năm về trước, vợ chồng tôi đưa hai đứa con gái nhỏ về chào thăm Nội Ngoại. Tuy rất bận rộn với các cuộc thăm viếng những người thân đã bao năm rồi không gặp, tôi vẫn tìm được thì giờ đưa các con tôi đến ngôi trường Tiểu Học mà tôi đã theo học mấy mươi năm về trước, chỉ cho chúng cái dãy nhà đơn sơ với những phòng học vẫn không thay đổi bao nhiêu so với thời tôi còn mài đũng quần trong đó. Và tất nhiên, không quên gốc phượng già, nơi tôi thường tha thẩn đi nhặt những chùm bông đỏ chót, ngắt ra, lấy những cái nhụy móc vào nhau giả bộ trò chơi đá gà. Tôi kể cho chúng nghe về một thời ấu thơ nghèo khổ, những ngày tôi đến trường với cái bụng lép kẹp, bộ quần áo vá nhiều mảnh và những trang vở nhòe nhoẹt mồ hôi. Về những thầy cô nghiêm khắc, cây roi lúc nào cũng lăm lăm trên tay, nhưng lòng tận tụy với học trò thì vô biên. Tôi cũng dắt các con tôi thả bộ trên những con đường bụi bậm của Sài Gòn, ngang qua những khu nhà ổ chuột – bao nhiêu năm về trước vốn đã là ổ chuột, nay vẫn tiếp tục là ổ chuột, có khác chăng là những con người sống trong đó và cách suy nghĩ của họ – ngang qua những quán xá nay đã đổi tên, đổi chủ, ngang qua những công viên cỏ vẫn cứ úa, rác rưới vẫn vương vất đây đó, như những mảnh kỷ niệm một thời tuổi trẻ của tôi vẫn cứ khi ẩn khi hiện trong thành phố tôi lớn lên, rồi đi xa, rồi lại trở về. Như hôm nay, tôi lại trở về, còn đem theo các con tôi, những mầm mống của tương lai, để chúng tập bắt đầu những chuyến ra đi và trở về trong cuộc đời còn rất dài của chúng.

Sau chuyến về thăm quê nhà lần ấy, các con tôi đã có những ý niệm rất cụ thể về Việt Nam, cái tên chúng được nghe bố mẹ nhắc đến từ lúc vừa được sinh ra. Tất nhiên, chúng còn cả một cuộc đời trước mặt để tìm hiểu mình là ai, mình từ đâu đến và tự mình lựa chọn con đường nào đúng nhất để đi, theo cách nhìn của chúng, theo cái xu thế tất yếu của thời đại chúng sống, và quan trọng hơn hết, ý thức được rằng hình dáng da vàng tóc đen mũi tẹt thừa hưởng được từ Tổ Tiên Việt Nam sẽ không bao giờ cho phép chúng hòa nhập được một cách trọn vẹn vào dòng sống xứ người, bất kể chúng giữ một địa vị cao như thế nào trong xã hội (xứ người), bất kể chúng hữu ích như thế nào trong xã hội (xứ người), bất kể chúng được xã hội (xứ người) yêu mến, tôn trọng như thế nào. Vì, dù thế giới này có tiến đến mức toàn cầu hóa toàn diện, thì đặc tính lịch sử, văn hóa, chủng tộc vẫn là những yếu tố để người ta tự phân loại, đặt tên, xây dựng lòng kiêu hãnh và củng cố cơ sở đặc thù cho sự tồn tại. Vì thế, vẫn tồn tại những cái họ như Nguyễn, Trần, Lê, Lý dù những cái tên như Mai, Thủy, Lan, Hùng, Sơn, Ngọc đã đổi thành những cái tên quen thuộc thường dùng nơi xứ người.

2.

Một người bạn trẻ, đã có những thành đạt nơi xứ người, sau nhiều năm tháng nỗ lực vươn lên từ muôn vàn khó khăn của cuộc hành trình vượt biển Tự Do hay là Chết, nhân đọc một bài viết của tôi nói về những cuộc Ra Đi và Trở Về, đã điện thư hỏi tôi về ý nghĩa của Trở Về. Anh muốn biết, theo tôi, sự Trở Về ấy có phải là sự phản bội những quyết tâm mình nung nấu trong lòng khi bước chân xuống thuyền lao mình vào biển cả mong tìm sự sống trong cái chết những ngày ấy đau thương của cả một dân tộc hay không?

Anh bạn trẻ của tôi đã hoàn toàn có lý do để hỏi tôi câu hỏi đó .

Điều làm tôi mừng nhất, là tuy đã có được những thành đạt rất đáng khâm phục trong cuộc tồn sinh nơi xứ người, nhưng anh vẫn không quên ngày anh lìa bỏ cha mẹ anh em ra đi với bao viễn tưởng trong đầu. Anh đã lần lượt đem hết tất cả những người thân thuộc của anh qua sống cùng với anh, lo cho cha mẹ già những ngày cuối đời không phải bận tâm về cái ăn cái mặc, dìu dắt các đứa em để chúng tự đứng vững được trên hai chân của mình, và cuối cùng, lo cho cuộc sống riêng của mình với sự ra đời của những đứa cháu nội để cha mẹ anh có niềm vui lớn nhất của tuổi già. Hơn thế nữa, sau khi đã làm tròn bổn phận với gia đình riêng của mình, anh còn bao nhiêu trăn trở cho một gia đình khác lớn hơn, đó là nơi anh được sinh ra, cắp sách đến trường lần đầu tiên, dù đó cũng là nơi anh gạt lệ bỏ Ra Đi mấy mươi năm về trước.

3.

Vậy thì hỡi anh bạn trẻ rất đáng ngưỡng mộ của tôi, Ra Đi hay Trở Về, xét cho cùng, nó không chỉ mang những giá trị ước lệ của một cuộc ra đi hay trở về, mà còn hàm chứa một thái độ chân thành nhất với cuộc sống, với đất nước, theo cách nhìn và suy nghĩ của mỗi người.

Tôi đã phát biểu rằng, cuộc ra đi nào cũng chứa cái mầm của sự trở về, và sự trở về nào cũng là khởi đầu cho mọi ra đi, để trong suốt hành trình làm người, chúng ta có cơ hội tự do lựa chọn cho mình một cách sống, với tư cách là con người tổ quốc, con người xã hội, con người gia đình. Và tất nhiên, người ta phải trách nhiệm với sự lựa chọn của mình.

Hãy sống cho trọn vẹn những quyết tâm nung nấu trong lòng anh ngày ấy bước chân xuống thuyền ra đi tạo dựng cuộc đời mình, và tự do lựa chọn cho mình cách thế anh dấn thân vào cuộc sống, bằng trí thức của anh học hỏi được nơi xứ người, bằng tấm lòng với đất nước anh đã không quên mang theo dù đất nước ấy đã không cho anh được cơ hội vươn lên cho đúng tầm thời đại. Nhớ đừng quên rằng, không một ai có thể quyết định thay anh cái cách thế anh Trở Về hay Ra Đi, vì anh sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình.

Vì vấn đề không phải là Trở Về hay Ra Đi, mà là ở chỗ cái gì thúc đẩy anh ra đi hay trở về. Nếu nhiều năm về trước, anh bước chân xuống thuyền với viễn ảnh một cuộc sống no đủ nơi xứ người, thì xét cho cùng, đó cũng chỉ là một cuộc ra đi kiếm sống, chẳng có gì để bận tâm. Nhưng, ngày ấy, anh bạn trẻ của tôi ngạo nghễ lên đường với bao nhiêu suy tư trăn trở, không những cho riêng mình mà còn cho cả các đồng bào kém may mắn của anh. Tương tự như vậy, ngày hôm nay anh cất bước trở về lại nơi anh đã bỏ đi với những mục đích nào trong tâm hồn thổn thức của anh, đó mới là điều đáng quan tâm.

Cuộc Ra Đi nào cũng chứa cái mầm của sự Trở Về. Nếu không thế, thì Ra Đi sẽ chẳng hề mang dáng dấp một cuộc ra đi.

Anh bạn trẻ của tôi có ý thức riêng của mình khi cất bước ra đi, thì anh cũng sẽ có những lý do của riêng anh biện minh cho sự trở về. Miễn là anh không tự dối lòng mình. Và trong tâm hồn anh, vẫn còn hình bóng cụ thể về một mảnh đất quê nhà.

4.

Tôi và những người cùng thế hệ, không còn đủ thời gian để làm một điều gì cho nên hồn nữa. Hoặc vì chúng tôi đã bị mất nhiều năm tháng phí hoài trong chiến tranh và tù ngục, hoặc là vì chúng tôi đã bất tài không đủ sức nắm bắt những cơ hội có thể đem lại được một đổi thay tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau. Dù vì bất cứ lý do nào, chúng tôi cũng không được quyền đổ vấy sự thất bại ấy cho vận nước. Hơn thế nữa, sự lương thiện tối thiểu mà một người đã không chu toàn trách nhiệm của mình với thế hệ tương lai không cho phép anh ta được quyền vạch ra một con đường, rồi nhân danh cái khôn ngoan của người già mà bảo với các bạn trẻ rằng, đây là con đường các anh nên đi để thực hiện những ước mơ dở dang của chúng tôi, có thế chúng tôi mới an lòng nhắm mắt.

Mỗi thời đại, mỗi thế hệ, đều có những sứ mạng riêng. Những sứ mạng ấy được đặt trên cái nền của những thành tựu và cả những thất bại của quá khứ. Hơn ai hết, những người trẻ đủ nhạy bén để bắt mạch những nhu cầu của thời đại mình. Vả chăng, họ có cơ hội học hỏi thu nhận những kiến thức mà thế hệ trước không có, và cái nhìn của họ, vì thế sẽ khác với cái nhìn của cha anh trong các vấn đề đương đại, nếu không muốn nói là chính xác hơn, thực tế hơn.

5.

Người già nào cũng có một thời tuổi trẻ. Và dù cái trí nhớ của người già có còm cõi cách mấy, ông ta hẳn sẽ không quên rằng khi mình còn trẻ, mình luôn luôn muốn làm mọi chuyện theo ý mình, bất chấp những lời khuyên gọi là khôn ngoan của người đi trước. Vì thế, nếu có một sự khôn ngoan ở người già – thì theo tôi – cái khôn ngoan nhất trên hết mọi sự khôn ngoan của một người già là hãy né qua một bên, nhường sân chơi cho những người trẻ.

Riêng tôi – một người không còn trẻ nữa – không có tham vọng giải thích ý nghĩa về sự Trở Về cho một người trẻ, cho những người trẻ, vì, tôi biết rằng, họ – những người trẻ – thực ra đã có cách giải thích của riêng mình cho vấn đề ấy rồi. Tôi chỉ nhấn mạnh vào động cơ cho sự lựa chọn Ra Đi hay Trở Về mà thôi.

Nhưng nếu những người trẻ không hề có chút ý niệm nào về Ra Đi hay Trở Về và những dữ kiện tai nghe mắt thấy để có sự lựa chọn, thì lỗi ấy lại thuộc về những người đi trước.

Vì thế, mùa hè năm nay tôi sẽ cố gắng hết sức đưa các con tôi về Việt Nam thăm lại Nội Ngoại – trước khi các cụ cỡi hạc quy tiên – , và để chúng có cơ hội quỳ trước bàn thờ gia tiên, thắp nén nhang quấn vụng mà nghĩ về nguồn gốc của mình.▄

T.Vấn

(Quê nhà, quê người)

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search