T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Cơn bão đầu mùa và một miền quê hương nghèo khó

clip_image002

Viết thêm của tác gỉa:

Mùa bão 2009 lại trở về với cơn bão Ketsana mang theo những tai họa khủng khiếp không kém cơn bão Chanchu và Xangsane của 2006. Tính đến ngày 5 tháng 10 năm 2009, con số người chết được ghi nhận là 163, số mất tích 17 người và 616 người bị thương. Con số người chết vẫn tiếp tục tăng lên vì những tai nạn xẩy ra trong lúc mọi người lo dọn dẹp nhà cửa, đường phố .

Sự thiệt hại về của cũng rất lớn, ước tính thiệt hại lên đến 587 triệu đô la Mỹ. Một người dân ở Quảng Ngãi, vốn đã sống sót qua nhiều cơn thịnh nộ của trời đất, phải thốt lên: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự tàn phá nào kinh hoàng đến như vậy. Chỉ trong phút chốc, nhà cửa, cây cối ngã đổ tứ tung, súc vật và nhiều người bị cuốn trôi theo dòng nước lũ đỏ ngầu, hung tợn”.

Tấm lòng máu chảy ruột mềm đang hướng về miền Trung đau khổ. Lại nhớ đến khi cơn bão Chanchu và Xangsane (2006) vừa qua đi, giữa ngổn ngang đổ nát của làng xóm và lòng người, người ta lại biết đến những vụ nhẫn tâm ăn chận tiền cứu trợ của cán bộ chính quyền ấp, xã, huyện ở những tỉnh có mức độ thiệt hại nặng nhất, được quan tâm đến nhiều nhất: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam. Cái độc ác của những sự việc ăn chận không chỉ dừng lại ở sự thiệt hại cho các nạn nhân bão lụt, mà còn làm xói mòn tinh thần hy sinh nhường cơm xẻ áo của người hảo tâm khắp nơi, nhất là người Việt Nam sống ở hải ngọai. Họ còn biết tin ai để gởi gắm đồng tiền cứu trợ, và trong một số trường hợp, họ nghĩ rằng tốt nhất là không gởi nữa để khỏi lọt vào tay cán bộ chính quyền tham nhũng. Và bây giờ, đối diện với những thiệt hại khủng khiếp của cơn bão Ketsana, liệu người ta có sẵn lòng quên đi những sự việc ăn chận ăn bớt ấy để lại mở vòng tay chìa ra với 210 ngàn nạn nhân đang khẩn thiết cần sự giúp đỡ?

T.Vấn

05-09-2009

Quê hương em nghèo lắm ai ơi,

Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn.

Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm . . .

Khiến đau thương thấm tràn, lấp Thuận An, để lan biển khơi . . .

(Tiếng Sông Hương – Phạm Đình Chương).

Bài hát cũ hàng gần nửa thế kỷ. Tác giả bài hát cũng đã hóa ra người thiên cổ từ nhiều năm về trước, nhưng, miền Trung nước Việt vẫn cứ nghèo, mùa đông vẫn cứ thiếu áo và hè thì vẫn cứ thiếu ăn. Và, những cơn bão lụt, hàng năm cũng vẫn cứ theo với thời gian mà quay về.

Những ngày giữa tháng 5 vừa qua, cơn bão số 1 – còn có tên là Chan Chu, đã tràn vào vùng biển miền Trung, phủ một màu tang trắng xóa lên nhiều tỉnh miền Duyên Hải, nặng nhất là ở Đà Nẵng, rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiền –Huế, Bình Định, Bình Thuận –Phan Thiết . . .

1.

Khởi đi từ biển Thái Bình Dương ngày 8/5/2006, Chan Chu băng qua quần đảo Phi Luật Tân, rồi đổ vào biển Đông. Bất ngờ, ngày 15/5/2006 cơn bão quay chiều, ngược thẳng lên hướng Bắc. Vừa bị bất ngờ, vừa thiếu phương tiện thông tin liên lạc, những đòan tàu ngư dân Việt Nam thuộc Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã trở thành những nạn nhân trực tiếp của cơn bão Chan Chu, cơn bão đầu mùa vùng biển Thái Bình Dương, cơn bão đầu mùa một vùng quê hương nghèo khó.

Tính cho đến sáng ngày 20/5/2006, con số người chết ghi nhận được từ 30 cho đến 50 ngư dân. Con số mất tích thì khác biệt khá lớn, từ 143 cho đến 300. Đó là chưa kể những đòan tàu đánh cá mà đất liền vẫn chưa có cách nào liên lạc được, nên không được nằm trong danh sách mất tích. (*)

Theo một phóng viên ở trong nước, thì “không khí tang tóc bao trùm cả dọc bãi biển Thanh Bình (Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng). Khi hi vọng sống sót của những người bị nạn càng trở nên mỏng manh thì trên bờ biển từng chiếc lán được thân nhân, gia đình những người bị nạn dựng lên. “Dù gì thì cũng mong còn tìm được xác mà đưa về chôn cất”. Đó là lời một người vợ tức tưởi khi nói về người chồng mất tích của mình, hòa với tiếng tức tưởi của chị là tiếng khóc thút thít của đứa con gái nhỏ 4 tuổi, và đứa em 17 tháng tuổi thẫn thờ bên người mẹ mắt đã hóm sâu sau mấy đêm thức trắng nhưng chứa đầy nỗi tuyệt vọng.

Ở một chỗ khác, là những bàn thờ được dựng lên ngay trên bãi cát, hướng về bờ biển. Những bát nhang nghi ngút, những tấm ảnh đàn ông trụ cột trong gia đình, và những lời khấn vái, khóc lóc, kể lể và cả nguyền rủa sự độc ác của thiên nhiên.

Cả những hình ảnh người mẹ gìa ngất đi khi không có tin con (có bà mẹ không phải chỉ mất một đứa con). Những đôi mắt khô khốc của người cha nhắm lại cũng hình dung ra được cái phút giây cơn bão cuốn con mình vào dưới đáy biển khơi, vì đời ông, cũng đã bao phen sống sót qua những cơn thịnh nộ của đất trời.

Trong một căn chòi xơ xác cuối làng, 5 đứa bé nằm co quắp ôm nhau. Đứa lớn nhất mới 14 tuổi và đứa nhỏ nhất 14 tháng. Người cha đi biển đã mấy hôm không tin tức. Người mẹ, nghe tin bão, đã hóa điên, cứ lang thang suốt ngày suốt đêm trên bãi biển vừa gọi tên chồng vừa cười sằng sặc.

Đã bảo rằng “Trời hành cơn lụt mỗi năm . . .”

20 năm trước, một người mẹ đã trở thành góa bụa vì một cơn bão cuốn đi mất người chồng, người cha trong gia đình. Bà ở vậy nuôi 2 đứa con gái, lo cho chúng có được tấm chồng chăm chỉ làm ăn. Nay, cùng với hai con gái phút chốc trở thành góa bụa như bà, đau lại nỗi đau từ 20 năm trước, bà kinh nghiệm rằng, nỗi đau 20 năm trước và nỗi đau 20 năm sau đều quá mức chịu đựng như nhau. Với bà, cuộc đời này quả thật bất công. Ông Trời này, quả thật không có mắt.

Người sống sót trở về thì như những cái xác không hồn. Anh thanh niên ngồi bệt xuống giữa bãi cát, mắt vẫn đăm đắm nhìn ra biển khơi, nơi anh vừa được cứu thoát sau nhiều ngày tưởng chết, ôm mặt khóc như một đứa trẻ. Nhiều bạn bè, thân nhân của anh không có được may mắn như anh nên đã không sống sót trở về. Anh đau lắm, vì bây giờ làng đánh cá chỉ còn lại được vài người đàn ông hiếm hoi, trong đó có anh.

Chuyện bão ở những làng ven biển chuyên sống bằng nghề chài lưới vốn không có gì lạ. Nhiều gia đình cha truyền con nối với nhiều thế hệ ngày đêm lênh đênh trên sông, trên biển, cho nên, cái lời nguyền rủa “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” cũng chẳng làm họ nao núng, nghĩ đến việc bỏ nghề, dù biết “sinh nghề, tử nghiệp“. 50 năm trước, 30 năm trước, 20 năm trước, 10 năm trước, bão đã từng gieo tang thương cho nhiều gia đình ngư dân trên miền Duyên Hải Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà người ta (các giới chức chính quyền) cứ để mặc cho những mất mát đau thương ấy tiếp tục tái diễn hàng năm, khi mà khoa học kỹ thuật ngày nay đã có thể tiên đóan một cách chính xác mọi thay đổi của thiên nhiên, khiến những “cơn thịnh nộ” khủng khiếp trong quá khứ như gió xóay (tornado), sóng thần (tsunami) và bão cấp 8 (hurricane) nay đã không còn gây nên những thiệt hại về nhân mạng như xưa nữa.

Sống giữa thời đại bùng nổ về thông tin, về khả năng thần sầu của kỹ thuật, mà sao vẫn còn những thảm cảnh lẽ ra có thể tránh được.

clip_image004

2.

Thực ra, đường đi của cơn bão Chan Chu không có gì bất ngờ. Ngày 13/5, tin bão vào đến Phi Luật Tân. Ngày 15/5, trên màn hình các máy dò tâm bão ở Phi Luật tân, ở Hawaii, ở Hồng Kông, ở bộ chỉ huy viễn dương Hải quân Mỹ xác định rõ ràng hướng đi của Chan Chu đang trở lên phía Bắc, khu vực Đảo Hải Nam và Đài Loan. Các tỉnh Duyên hải miền Trung Việt Nam thở phào nhẹ nhõm, vì bão đã “tha” trận này. Tất cả các tàu bè của ngư dân Trung quốc được lệnh thu hết vào bờ, tránh bão. Không có thiệt hại nhân mạng nào được ghi nhận về phía Trung quốc

Nhưng các tàu bè đánh cá của Việt nam thì không biết được hướng đi mới của bão mà đất liền đã biết từ rất sớm. Trên các tàu, không có những phương tiện liên lạc hữu hiệu, ngọai trừ một số máy móc cũ kỹ chỉ họat động khi trời trong gió nhẹ. Vì thế, các ngày 17 và 18 tháng 5, họ bị lọt vào đường đi của tử thần mà các các máy dò thông dụng đã vẽ ra từ ngày 15 tháng 5.

Trước tình trạng đó, báo chí trong nước đã đặt được những vấn đề một cách khá sắc sảo. Họ nêu vấn đề trách nhiệm. Theo họ,”không thể đổ trách nhiệm cho cơn bão Chan Chu vô tri vô gíac, không thể đổ trách nhiệm cho những tàu đánh cá, cho những người đi biển, bởi họ không còn lựa chọn nào khác trong cuộc mưu sinh này. . . Lâu nay chúng ta cứ hồ hởi hô: tiến ra biển khơi, đánh cá xa bờ, nhưng gần như “quên” trang bị cho ngư dân đánh cá xa bờ những phương tiện thông tin liên lạc tốt, những kiến thức cần thiết nhất khi gặp bão gặp nạn, và phổ biến cả những kinh nghiệm tránh bão chứ không chỉ là kinh nghiệm đánh bắt cá. Hình như chúng ta chưa bao giờ nghĩ phải huấn luyện, tập huấn cho ngư dân đánh cá xa bờ thành những người đi biển chuyên nghiệp, những thủy thủ đánh bắt hải sản theo đúng nghĩa. Chúng ta chỉ cho họ vay vốn đóng thuyền, và thế là hết, coi như xong nhiệm vụ. Và không chỉ đến khi tai họa xảy ra, mới lo giải quyết hậu quả. . . (Thanh Thảo – Thanh Niên On-line 21/5/06)”.

Về phía những người có trách nhiệm, trong khi những ngư dân Việt Nam đang ở trong vùng tâm bão chiến đấu tuyệt vọng với sóng to gió cả, thì họ, hoặc là “không biết có tàu đánh cá của dân mình trong vùng bão (Phó ban chỉ huy phòng chống bão lụt thành phố Đà Nẵng), hoặc “không nghĩ mật độ tàu thuyền cao như vậy. Với phạm vi quá xa, hơn 1,400 km, là vượt khả năng thông tin của chúng ta . . .( Trưởng ban phòng chống bão lụt trung ương).

Ngay cả khi biết tin hàng trăm ngư dân của các tỉnh duyên hải cùng với hơn 30 chiếc thuyền đánh cá hiện đang lâm nạn ngòai xa khơi, mãi đến ngày 20/5/06 một cuộc họp liên ngành các cơ quan trách nhiệm mới được triệu tập tại thành phố Đà Nẵng, nơi có sự thiệt hại nhân mạng cao nhất, để bàn các biện pháp nhằm cứu nạn và khắc phục hậu quả thảm họa.

Về khả năng đối phó với việc cứu hộ cứu nạn tầm xa, “Việt nam hiện có 7 chiếc tàu cứu nạn hàng hải (có tên gọi là SAR, tại miền Trung có 3 chiếc neo ở Đà Nẵng) được xem là hiện đại nhất hiện nay, cũng chỉ họat động trong tầm 250 hải lý, nếu đi xa hơn sẽ có thể mắc nạn do không đủ nhiên liệu (Minh Tư- Tuổi trẻ on-line- 23/5/06)”.

Một quốc gia đã từng có một đạo quân hùng mạnh được liệt vào hàng nhất nhì thế giới, với 80 triệu dân đã phải bó tay để mặc cho hàng trăm đồng bào mình thiệt mạng vì sóng, vì bão, đơn giản chỉ do thảm cảnh xảy ra “quá xa . . . vượt khả năng thông tin”, “không biết có dân mình ở đó”, ” không có phương tiện cứu nạn hữu hiệu”, trong khi đó, ở vài nơi khác trên thế giới, ngay đến một con chó, một con mèo mắc nạn người ta vẫn huy động các phương tiện máy móc tối tân để cứu sống cho bằng được.

3.

Người chết đã chết, mặc cho những óan than trách móc, họ sẽ không sống lại được. Những gia đình tan nát vì mất đi người trụ cột trong nhà – người chồng, người cha – cũng sẽ không bao giờ tìm lại được cuộc sống an vui ngày cũ. Và dù những tấm lòng “máu chảy ruột mềm” trong nước đã không quản ngại bớt đi một phần trong bữa ăn khiêm tốn hàng ngày đã mau chóng có những cử chỉ nhường cơm xẻ áo, nhanh hơn cả phản ứng của những người có trách nhiệm, để gởi chút lòng đến những người đồng bào bất hạnh, những cử chỉ ấy bao giờ cũng làm cho cả người cho lẫn người nhận ấm lòng, vì nhờ đó, người ta thêm yêu thương trần gian khốn khổ này. Nhưng, quan trọng hơn hết, vẫn phải làm sao để những thảm cảnh như thế không bao giờ tái diễn. Bởi vì, trong khả năng con người thế kỷ 21, những thảm cảnh như thế có thể tránh được một cách dễ dàng, nhờ vào hệ thống vệ tinh tòan cầu, công nghệ tin học hiện đại và mạng lưới thông tin nhanh chóng đến từng giây. Chỉ cần sự đầu tư và quan tâm của những cơ quan thẩm quyền và trách nhiệm.

4.

Cộng đồng người Việt tại Hải Ngọai đã bao lần chứng tỏ tấm lòng con người đau với nỗi đau của con người từ thảm họa Tsunami ở vùng biển Nam Á cuối năm 2004 cho đến cơn bão Katrina mới đây ở nước Mỹ, nay, trước thảm nạn bão Chan Chu ở miền Trung Việt Nam hẳn cũng sẽ không ngỏanh mặt làm ngơ. Tôi có đọc được đâu đó có người nói rằng tình thương rồi cũng sẽ một ngày mệt mỏi. Tôi không nghĩ vậy. Chỉ có những nỗi đau mới biết đến sự mệt mỏi, vì không ai có thể sống mãi với những nỗi đau, dù đó là nỗi đau riêng của mình hay nỗi đau chung của đất nước, dù nỗi đau ấy có khó quên đến như thế nào. Nhưng, tình thương, đặc tính nổi bật nhất của những con người đúng nghĩa con người, thì luôn luôn tươi rói dù có phải trải qua thật nhiều những trạng huống xé lòng của đồng lọai.

Xét cho cùng, con người chỉ thực sự tồn tại khi còn biết đến yêu thương và chia sẻ.

T. Vấn

(Mùa bão 2006)

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search