T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Câu chuyện nhân mùa Vu Lan

clip_image002

1.

Rằm tháng 7 hàng năm là ngày lễ “Xá tội vong nhân “, cũng còn là dịp lễ Vu Lan cho con cái báo hiếu cha mẹ, vốn xuất phát từ truyền thuyết Mục Liên Thanh Đề. Mục Liên, hay Mục Kiền Liên, là một vị Bồ Tát người Ấn Độ và là một trong 10 vị đệ tử cao đức nhất của Đức Phật. Mẹ Mục Liên là Thanh Đề, khi sống còn hay làm điều ác, nên khi chết bị đày vào ngục A-Tì.

Theo Giáo sư Hòang Xuân Hãn thì “Mục-liên thương mẹ, bèn xin Phật giúp đi cứu. Phật bảo nhân ngày rằm tháng bảy là ngày chư-tăng “ra hạ” mà làm lễ trai-đàn xin chư-tăng cầu xá tội cho mẹ. Phật lại cho một cái gậy bít thiếc có phép mở cửa khi gậy gõ vào, và Phật trỏ cho Mục-liên biết mẹ bị giam ở ngục nào? Nhờ vậy, Mục-liên tìm được nơi mẹ bị đày; rồi nhờ ngục-tốt gọi mẹ ra nhận mặt. Thanh-đề nói không có con nào tên Mục-liên. Mục-liên phải giải-thích rằng đó là hiệu sau khi tu chứng-quả. Mẹ mừng và ra ngục với con. Mục-liên mời mẹ ăn chuối. Bà bóc vỏ, vứt xuống đất, những tù-nhân khác muốn lượm ăn. Bà bèn lấy chân dày cho nát. Con biết mẹ còn nghiệp-chướng; lòng buồn, nhưng cũng làm phép dâng mẹ bát cơm trắng. Mẹ mừng, và ăn cơm; nhưng khi cơm sắp vào miệng thì lại hoá ra than. Phật cũng không độ được kẻ ác-tâm; Thanh-đề lại phải luân-hồi làm kiếp chó để tự-tu thêm. Nhờ con tu-hành, chư-tăng giúp cứu, ba năm sau, bà mới trở lại kiếp người. ” (Mục Liên bản hạnh – Hòang xuân Hãn phiên âm từ bản Nôm, hiệu đính và chú thích).

Câu chuyện về vị bồ tát Mục Liên đi cứu mẹ dưới địa ngục được coi như tấm gương sáng cho những tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, và nhất là sự hiệp lực cầu nguyện, chia sẻ của mọi người sẽ giúp được sự siêu thóat cho những oan hồn uổng tử, nên dịp trai đàn cúng kiếng rằm tháng 7 hàng năm cũng là dịp lễ Vu lan cho con cái tưởng nhớ đến cha mẹ mình.(1)

clip_image004

2.

Những ngày về Việt Nam thăm nhà vừa qua, tôi thường theo dõi báo chí phát hành hàng ngày, được biết đến nhiều câu chuyện thương tâm, phần lớn vì nghèo đói mà xẩy ra. Một trong những câu chuyện đó là câu chuyện một người cha tình nguyện cho bác sĩ lóc da mình để ghép vào phần da bị mất do phỏng của đứa con gái mới vừa 18 tuổi.

Cuối tháng 6 năm 2009, cô gái 18 tuổi ấy từ quê nhà lên thành phố Tuy Hòa ở trọ để chuẩn cho kỳ thi tuyển vào đại học sẽ được tổ chức trên tòan quốc (Việt Nam) vào đầu tháng 7. Chẳng may, bình gas cô dùng để tự nấu ăn lấy phát nổ. Cô và một người bạn cùng phòng bị phỏng. Riêng cô gái 18 tuổi bị phỏng rất nặng, các bác sĩ dự đóan cô khó lòng thóat khỏi tử thần. Sau 10 ngày nằm viện, cô còn được chẩn đóan là máu bị nhiễm trùng. Để cứu sống cô gái, các bác sĩ cần đến lớp da mới để thay cho lớp da bị mất do phỏng. Cha cô gái đã yêu cầu bệnh viện hãy lấy da của mình đắp vào cho con, dù ông biết với chứng bệnh cao huyết áp của mình, việc lóc da khỏi thân thể có thể gây biến chứng nguy hiểm. Trước sự hy sinh của người cha, các bác sĩ đã bằng lòng lấy da từ hai bên đùi ông đắp vào cho phần thân thể cháy bỏng của cô con gái. Việc đắp da có kết quả tốt đẹp, nhưng mới chỉ được 30 phần trăm . Cha cô gái sẵn sàng hiến cả da bụng, ngực . . . cho con. Bà mẹ thì cũng rất sẵn sàng trong trường hợp cần đến sự hy sinh của bà.

clip_image006

Cô gái bị phỏng và người cha lóc da cứu con

Câu chuyện được báo chí, giấy cũng như điện tử lan truyền khắp nơi. Và vì chi phí bệnh viện trong việc cứu cô gái bị phỏng rất cao, quá cao so với khả năng của một gia đình nghèo sinh sống ở một vùng quê tỉnh Phú Yên như cha mẹ cô gái, nên rất nhiều những tấm lòng hảo tâm rộng mở, từ những em bé học sinh nghèo trong nước cho đến những người Việt sinh sống ở hải ngọai, họ muốn tiếp sức với người cha tội nghiệp trong cuộc chiến đấu giành lại đứa con từ bàn tay của tử thần.

Tính đến tuần lễ đầu tiên của tháng 8 năm 2009, cô gái đã được ghép da hai lần, và đã tỉnh lại sau nhiều ngày nằm mê man. Đến lúc này, các bác sĩ đã không thể lấy da của người cha được nữa, vì sức khỏe của ông không cho phép. Và họ đã bắt đầu lấy da từ hai bắp đùi người mẹ để đắp vào hai chân của cô gái.

Làm cha mẹ, cho con được điều gì chúng tôi cũng làm bằng mọi gía, chỉ mong sao con khỏe mạnh để mà sống tiếp. Còn con là còn tất cả”. Đó là tâm sự của người cha.

Có lẽ người cha người mẹ nào cũng sẽ làm như người cha người mẹ cô gái 18 tuổi trong câu chuyện lóc da cứu con này. Cái đau bị lóc da, hẳn chẳng thấm vào đâu so với cái đau trong lòng khi nhìn con oằn ọai trên giường bệnh vì đau đớn mỗi khi thay băng. Chỉ vì cha mẹ nghèo mà con mình phải chịu đựng thảm cảnh. Câu chuyện này chẳng phải là câu chuyện hiếm hoi về những gì tai nghe mắt thấy của tôi trong những ngày ở quê nhà, nhưng nó là câu chuyện nổi bật nhất đánh động được tấm lòng chia sẻ của mọi người, cả về vật chất lẫn tinh thần.

3.

Mùa Vu Lan báo hiếu vẫn là truyền thuyết về vị bồ tát Mục Kiều Liên cứu mẹ được kể đi kể lại. Trong đời thường, hẳn cũng có nhiều câu chuyện con cái hiếu thảo với cha mẹ và những sự hy sinh vì cha, vì mẹ đáng khâm phục mà chúng ta có thể chưa được nghe nói tới. Và những câu chuyện tương tự như câu chuyện cha mẹ lóc da cứu con như câu chuyện nói đến ở trên cũng không hẳn đã hiếm hoi. Mối quan hệ máu thịt cha mẹ con cái bao giờ cũng là những mẫu mực cho tình yêu thương, cho sự hy sinh và luôn luôn khiến người ta mũi lòng. Vì mỗi người, đều đã từng là con cái với cha mẹ mình, trước khi trở thành những người làm cha, làm mẹ.

Nhưng câu chuyện mùa Vu lan nhân dịp rằm tháng 7 xá tội vong nhân sẽ không chỉ dừng lại ở lòng thương yêu giữa cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Người ta cần suy nghĩ sâu hơn nữa về những ẩn dụ. Bát cơm bà Thanh Đề vừa đưa lên miệng đã biến thành than. Nguyên nhân nằm ở lòng tham của bà đã lấy tay che bát cơm lại sợ những oan hồn khác đến giành mất (2). Hay tính ích kỷ cố hữu của con người biểu lộ khi bà Thanh Đề lấy chân dẫm nát cái vỏ chuối mình vừa vất xuống để kẻ khác không thể lấy ăn được. Ngòai ra, xá tội vong nhân còn có ý nghĩa cầu nguyện cho những oan hồn không có thân nhân nhang khói, tức sự chia sẻ (3).

Gia đình cô gái bị phỏng đã được bao người chia sẻ trước cơn họan nạn. Rất nhiều người đã đến thăm, ủy lạo, biếu hiện kim, hiện vật. Số tiền tính đến đầu tháng 8 được mọi người quyên góp phụ giúp với gia đình cô trong việc trang trải chi phí bệnh viện, thuốc men khỏang hơn 35 ngàn đô la Mỹ. Đó là một sự trợ giúp thật đáng kể so với hòan cảnh người sinh sống ở Vịêt Nam. Và chúng ta có thể tin tưởng rằng, tình thương, không bao giờ biết đến mỏi mệt.

Nhưng, cũng từ những trang báo tôi thu nhặt được, ở cùng phòng bệnh phỏng với cô gái 18 tuổi, cũng có những bệnh nhân phỏng khác, cũng đau đớn không kém, và cũng nghèo không kém gia đình cô, lại dường như . . . bị lãng quên (4).

Thí dụ như một phụ nữ 31 tuổi, đi làm mướn mương rẫy ở Bình Thuận. Rừng cháy, chạy không kịp, bị lửa đốt, chị nhẩy xuống sông, giờ bị nhiễm trùng máu. Người chồng bán hết nhà cửa đất đai để chữa chạy cho vợ , nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Hơn một tháng đã trôi qua, cơn đau đớn của thể xác vẫn âm ỉ dưới lớp băng bọc kín tòan thân. Hai đứa con nhỏ xíu của chị phải gởi nhờ ông bà ngọai để người cha rảnh tay chăm sóc người mẹ.

clip_image008

Người phụ nữ 31 tuổi bị phỏng vì cháy rừng

Khách đến thăm và ủy lạo cô gái đã bỏ quên người phụ nữ tội nghiệp này, khiến chị tủi thân khóc nức nở.

Có lẽ, giọt nước mắt tủi thân, cũng đau đớn không kém nỗi đau nhìn con oằn ọai trên giường mỗi khi y tá đến thay băng của người cha người mẹ cô con gái 18 tuổi tội nghiệp!

T.Vấn

Mùa Vu Lan 2009

(1) Nhà văn Thẩm Thệ hà, đã viết lại lời Đức Phật dậy bồ tát Mục kiền Liên: “Mục Kiền Liên, ông hãy nghe cho kỹ hiếu đạo của ông tuy sâu, thần thông của ông tuy cao, nhưng thần lực cá nhân không giải trừ được ác nghiệp. Vậy ông phải nhờ oai lực của tập thể cao tăng mới giúp mẹ ông thoát khỏi khổ nạn. Đến ngày Rằm tháng Bảy là ngày giải hạ Tự tứ, ông phải thành tâm cúng dường chư cao Tăng, thánh chúng, nhờ sức thần tập thể mà giải thoát cho tội nhân. Nên nhớ cứ đến ngày này, ai có lòng thành thiết lập trai tăng cúng dường thánh chúng, nhất định cha mẹ đã chết sẽ được giãi thoát khỏi 3 đường khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), cha mẹ còn sống sẽ được an khang trường thọ phước lạc. Chẳng những cầu siêu cho cha mẹ, mà còn có thể cầu siêu cho tổ tiên bảy đời và lục thân quyến thuộc. Diệu pháp này gọi là Vu Lan Bồn. “.

(2) Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

(3) Dân gian còn gọi lễ Rằm tháng 7 xá tội vong nhân là lễ cúng cô hồn. Nhưng lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.

(4) Hồi còn nhỏ, dịp Rằm tháng 7 là tôi và chúng bạn lại được đi vòng vòng lối xóm “giựt cô hồn”. Rất nhiều gia đình theo đạo Phật, nhất là người Tầu, thường cúng kiếng rất lớn, với đầy đủ rượu thịt, hoa quả, bánh trái và cả tiền cắc. Sau khi cúng xong, họ ném những thứ vừa cúng ra đường để cho “cô hồn” hưởng. Đám “cô hồn chết ” đã hưởng cái hương hoa của những thứ được cúng, còn đám “cô hồn sống” chúng tôi thì hưởng cái xác còn lại. Không biết những “cô hồn chết” có giành giựt không, nhưng đám “cô hồn sống” thì giành giựt ra trò. Kẻ nhanh tay thì được nhiều, kẻ chậm tay thì được ít. Nhưng khi nhà chủ cúng ném tiền cắc và thực phẩm ra, họ luôn luôn chia để làm sao đám “cô hồn sống” nhao nhao trước mặt ai cũng có phần.

©T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search