T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Địa ngục có thật

clip_image001

Lời tác giả: Bài viết dưới đây được viết vào mùa tựu trường 2004, nhân sự kiện một trường học ở Nga bị một nhóm người vũ trang  Chechen giữ làm con tin ngay trong ngày đầu khai giảng niên học mới. Trường tọa lạc ở Beslan, một thành phố thuộc North Ossetia-Alania, nước cộng hòa tự trị khu vực North Caucasus của Liên bang Nga. Để buộc Nga phải chấm dứt cuộc chiến dai dẳng với người Chechen, nhóm khủng bố đã sử dụng 1,100 người (gồm 777 học sinh và phụ huynh đến tham dự buổi lễ khai trường long trọng theo truyền thống) trong ngôi trường này làm con tin. Đến ngày thứ ba của cuộc khủng hoảng, quân đội Nga tấn công phe khủng bố bằng xe tăng và các loại vũ khí lớn. Kết quả, khoảng 385 người thiệt mạng (trong đó có 186 học sinh) và hàng trăm người bị thương từ nặng đến nhẹ. Người chỉ huy quân sự bên Chechen nhận trách nhiệm về việc chọn trường học này làm con tin nhưng buộc tội viên tổng thống Nga (lúc ấy là Putin) đã gây nên hậu quả thảm khốc do việc ông ta ra lệnh cho quân đội Nga tấn công.

Nhân mùa học mới vừa bắt đầu, và cùng với cuộc chiến tranh tương tự lại nổ ra giữa nước Nga và nước cộng hòa tự trị Georgia liên quan đến một vùng ly khai South Ossetia (năm 2004 , thảm kịch trường học nói trên xẩy ra ở North Ossetia ), tôi cho phổ biến lại bài viết này. Như một nhắc nhở đến lương tâm con người, lương tâm nhân loại.

Những bài học lịch sử có giá trị gì không khi mà những đau thương của quá khứ vẫn cứ được lập lại, những tội ác của quá khứ vẫn cứ được tái diễn ?

T.Vấn

Mùa khai trường 2008

________________________________________________

       °Gởi một nhân loại đang hấp hối.

       °Chúng ta có thể chôn cất người chết, chôn cất quá khứ, chôn cất hận thù, nhưng rất nhiều khi, chúng ta không thể chôn cất được những nỗi đau.

. . .Giữa tiếng súng nổ vang rền, từ trong đám khói mù mịt, những đứa trẻ hầu như trần truồng, vừa chạy ra vừa kêu khóc, khuôn mặt thất thần và kinh hãi. Một người đàn ông, bế trên  tay một bé gái không mảnh vải che thân, tóc bết lại vì máu, thân thể đầy những vết cắt nhầy nhụa, đầu lắc lư theo bước chân vội vã của người bế mình. Đến một khoảnh đất trống, ông ngừng lại, đặt đứa bé nằm xuống và cố tìm cách nhận ra được chút sự sống còn sót lại ở cái thân xác nhỏ bé nhầy nhụa máu kia. Khi không nhận được sự đáp ứng nào của đứa bé đã chết từ bao giờ, ông ngồi xuống, ôm mặt khóc nức nở.

clip_image003

Cha già khóc con mọn

Đó là một cảnh có thật trên màn ảnh truyền hình, xảy ra trước mắt hàng triệu khán giả trên khắp hành tinh. Một ngàn học sinh đến trường cho ngày đầu tiên của niên học mới. Ngày hội khai trường đã biến thành ngày tận thế cho những trẻ thơ chưa hề biết đến định nghĩa thế nào là tội ác. Trong  52 tiếng đồng hồ liên tiếp, cùng với thầy cô và phụ huynh của mình, các em đã bị một nhóm khủng bố bắt giữ làm con tin, không cho ăn  uống, đi lại trong một khu phòng tập thể thao quá chật cho hơn  một ngàn người. Trong 52 tiếng đồng hồ là những lời dọa nạt, ngược đãi. Các em phải tiểu tiện tại chỗ. Khát nước thì uống nước đái của chính mình. Có một số thầy cô bị bắn chết ngay trước mắt học trò. Sau đó, trong lúc một số người bên ngoài được nhóm khủng bố cho phép vào thu dọn đi những xác chết, các em vụt bỏ chạy tán loạn. Bọn khủng bố xả súng bắn trực tiếp vào đám đông. Một quả bom được gài sẵn trên nóc tòa nhà phát nổ. Hàng tấn bê tông cốt sắt từ trên trời đổ sập xuống đầu các em. Nhiều thân xác nhỏ bé nằm dẹp lép như những miếng ván đậy nắp quan tài . Nhiều thân xác bầy nhầy như xác con sóc bị cán nát trên những xa lộ. Những em sống sót, chạy thoát được ra bên ngoài, đôi mắt hiển hiện thật rõ hình ảnh một địa ngục có thật. Vâng! Địa ngục có thật của một trần gian sắp phải đối diện với Ngày Phán Xét rồi sẽ đến.

. . . gần 40 năm trước, tại một ngôi trường làng ở Cai Lậy, một địa danh của một nước gọi là Việt Nam, một quả đạn pháo đã rơi ngay vào sân trường trong giờ ra chơi. Kết quả, gần 40 đứa trẻ nhỏ vừa chết vừa bị thương. Tôi không biết, những em học sinh sống sót ngày ấy của trường Tiểu Học Cai lậy, ngày nay, khi chứng kiến cảnh xảy ra ở một ngôi trường học bên nước Nga những ngày đầu tháng 9 năm 2004, sẽ có những ý nghĩ như thế nào?

clip_image004

Hỡi em bé Việt Nam hơn 30 năm qua, bây giờ em có còn đau nỗi đau ngày ấy?

Rồi đây, mỗi người trong chúng ta, với tư cách con người, sẽ phải đối diện với PHÚT PHÁN XÉT của riêng mình. Những kẻ gây ra thảm kịch 40 năm trước ở Việt Nam và những kẻ gây ra thảm kịch những ngày đầu tháng 9 năm 2004 ở Nga, dường như đều có chung một thứ đạo đức vô đạo đức: Cứu cánh biện minh cho phương tiện.

Làm sao tôi có thể yên ổn nằm xuống trên chiếc giường của mình hằng đêm tôi vẫn nằm, khi hằng trăm cái giường nhỏ nhắn, tuy ở một nơi cách xa thật xa, từ nay trở đi sẽ mãi mãi bỏ trống. Khi em bước chân ra khỏi nhà ngày khai trường hôm ấy, con gấu mầu nâu bạc phếch vẫn nằm chỏng chơ trên gối chờ em về. Làm sao tôi tìm lại niềm vui trọn vẹn hằng đêm đi làm về, bước vào phòng các con tôi, hôn nhẹ từng đứa lên trán, khi mà, ở một nơi thật xa xăm kia, hằng đêm hàng trăm người cha đi làm về bước vào căn phòng có chiếc giường bỏ trống của con mình, ngồi xuống, ôm mặt khóc như chưa bao giờ được khóc. Làm sao tôi có thể cần mẫn một cách thích thú trọn vẹn, mỗi buổi sáng xem lại sách vở của các con, vuốt lại cổ áo lơ đễnh của đứa con gái nhỏ, giả vờ nghiêm trang bắt các con uống hết ly sữa rót đầy, rồi dắt từng đứa ra xe chở con đến trường, khi mà, ở một nơi nào cũng trên hành tinh này, hàng trăm người cha thức dậy, không có gì khác để làm ngoài việc muốn đập nát tất cả những gì thấy trước mắt cho hả nỗi đau đang xé ruột ra từng mảnh .

. . . Trời đổ mưa thật nhẹ nhàng. Lặng lẽ như những giọt nước mắt đổ xuống bên những chiếc quan tài chưa dài hơn 1 thước. Tôi thấy những người mẹ lả đi bên mộ của con. Tôi thấy những người đàn ông ôm nhau lảo đảo đi theo sau những chiếc quan tài bé bỏng trong cái ngày nước Nga để tang và chôn cất những nạn nhân khốn khổ của một tội ác không ngôn ngữ nào diễn tả được. Ở một phía bên kia của đường phố, tôi thấy những bóng người hôn mê, lật từng xác chết lên để hy vọng những xác chết ấy không phải là con em của mình. . .

clip_image006

Nỗi đau của Huế Mậu Thân 1968

Tôi thấy hiện ra mồn một trong mắt tôi những quan tài nằm xếp lớp, những hố chôn người tập thể Tết Mậu Thân năm 1968 tại thành phố Huế, một địa danh quen thuộc của một nơi quen thuộc gọi là Việt Nam. Tôi nghe nhức nhối bên tai tôi những tiếng khóc nỉ non ai oán, những tiếng gào thét xé lòng. Cái Tết thảm khốc năm đó đã là ngày giỗ của hàng mấy trăm nạn nhân của một cuộc tấn công đê tiện. Tôi không hiểu, thân nhân của những nạn nhân Mậu Thân ngày ấy, đã từng đi lật từng xác chết thối rữa để tìm kiếm người thân, đã từng gào khóc khan tiếng bên chiếc quan tài chỉ vỏn vẹn có một nửa người nhận ra được nhờ chiếc quần đùi quen thuộc, nay nhìn cảnh đi mở từng gói xác người trên màn ảnh truyền hình, sẽ có những ý nghĩ như thế nào?

Chúng ta có thể chôn cất  người chết, chôn cất quá khứ, chôn cất hận thù nhưng rất nhiều khi chúng ta không thể chôn cất những nỗi đau. Đã bao nhiêu năm rồi, đâu phải mới hôm qua, đâu phải mới tháng trước, vậy mà, mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi nghe tiếng khóc quen thuộc, những nỗi đau từ dưới đáy mồ đã chôn cất từ lâu, lại thức dậy nhắc nhở, tra tấn, hành hạ, đay nghiến và than van.

. . .Người phu đào huyệt đưa tay vuốt những giọt mưa trên mặt. Ông không tin đó là nước mắt của chính mình. Đời ông, đã bao lần đào những huyệt mộ cho những kẻ mãn phần. Lẽ thường ở đời có sinh có diệt. Buồn, nhưng không thắc mắc. Ngày hôm nay, ông đào huyệt để chôn chính con mình. Đứa con mà mới mấy hôm trước, ông dắt nó đến trường cho buổi học đầu tiên. Ông ôm con đặt vào quan tài, ông ôm quan tài đặt xuống lòng huyệt. Ông ước gì huyệt mộ này cũng là huyệt mộ của chính mình. Nếu được như thế thì hạnh phúc biết bao.

Nếu được như thế thì loài người hạnh phúc biết bao! Khi ấy, trần gian này chỉ còn những con quái vật mang hình hài con người. Chúng sẽ được bất tử để hành hạ nhau đời đời kiếp kiếp.

clip_image008

Nước mắt đang chảy hết vào trong

Người phu đào huyệt lại đưa tay vuốt mặt. Ong không tin đó là những giọt nước mắt của chính mình. Đời ông, sinh kế là chôn người chết. Ong đã từng chôn hàng vạn hàng ngàn xác chết. Nước mắt ông vốn chỉ biết chảy vào trong. . .

Như người phu đào huyệt của nước Nga đang chôn cất con mình, 8 tỉ nhân loại chúng ta cũng đang tự tay đào hố tập thể chôn chính mình và các thế hệ mai sau.

Sớm muộn gì, trần gian này rồi cũng sẽ phải đối diện với Ngày Phán Xử Cuối Cùng.

© T.Vấn 2008

Bài Mới Nhất
Search