T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Bàn về một tác phẩm chiến tranh qua góc nhìn của một bạn văn

clip_image001

Cách đây mười năm, nhà văn T. Vấn cũng là cây bút chính luận sắc nét có gởi tặng tôi một cuốn sách được viết bởi người lính cùng xuất thân quân trường (Đại học CTCT) với anh.

Tác phẩm Qua Đồi Trinh Nữ của Thảo Nguyên được ra mắt trong bối cảnh sau 30 năm đất nước đã ngừng tiếng súng.

Nợ nần đã trả dù bằng máu và nước mắt. Quá khứ như chiêm bao dù lúc thực lúc hư. Nhưng nỗi buồn vẫn còn đó, mà theo Phan Khôi thì ‘nỗi buồn như tóc bạc, cứ cắt lại dài ra’. Thế còn niềm đau, sau 40 năm nhìn lại tháng tư ngày ấy, thực tình ai chẳng muốn chôn. Nhưng theo T. Vấn,

Chúng ta có thể chôn cất hận thù, chúng ta có thể chôn cất quá khứ, như chúng ta đã chôn người chết, nhưng chúng ta không thể chôn cất những nỗi đau…

Một khi chưa quên thì phải nhớ, đã nhớ thì phải nhắc, cách tốt nhất là phải viết dưới ngòi bút của những nhân chứng cuối cùng còn đang sống.

Chính vậy mà khi đọc lại “Vài cảm nghĩ (của T. Vấn) nhân đọc một người lính viết về chiến tranh”, một trích đoạn của bài nói chuyện của anh nhân ra mắt truyện dài Qua Đồi Trinh Nữ (lần đầu tại Dallas, lần sau tại San Jose), sau mười năm tưởng chừng như cũ, nhưng quả thực bao tâm tư còn vẫn y nguyên. Tôi như được sống lại với hình ảnh sinh động hào hùng của một tác phẩm được viết sau chiến tranh – của một cây bút không chuyên khi tác giả đơn thuần chỉ là người lính – mà qua trải nghiệm của một người từng phụ trách mục điểm báo và điểm sách cho quân đội trong một ngành công tác tư tưởng tại trung ương, tôi dám đánh giá Qua Đồi Trinh Nữ như một tác phẩm viết về chiến tranh đặc sắc nhất trong bốn thập niên qua.

Sau khi nhìn nhận chủ quan, tôi không dám ôm đồm công việc của người điểm sách, mà lại đồng cảm theo góc nhìn của người bạn văn đã đọc nó nhiều lần rồi ân cần giới thiệu ấn bản mới cho đọc giả bốn phương khi sách được phát hành những năm đầu của thiên niên kỷ.

Phải nói Thảo Nguyên đã chọn được người đại diện cho mình để làm một MC ra mắt sách với bài nói chuyện khá sâu sắc. Dù không được PR một cách ‘đình đám’ (như các buổi ra mắt sách thường thấy tại quận Cam), dù Thảo Nguyên không phải là Thảo Trường, dù không có lối viết bốc lửa và tên tuổi như Phan Nhật Nam, nhưng Qua Đồi Trinh Nữ đã được tái bản sau lần ra mắt lần đầu của một cây viết mới và dù không hẳn mặn mà theo đuổi nghiệp văn, Thảo Nguyên vẫn được cộng đồng ưu ái và bạn văn đón nhận như một Nhà văn đã sản sinh ‘một tác phẩm văn học viết về chiến tranh mang tính sử thi’ mà tầm vóc hào hùng bi tráng của nó được trả bằng máu và nước mắt qua nhiều nhân vật, số phận, còn sống hay đã nằm xuống, kể cả người trong cuộc là những đồng đội và tác giả của nó.

Trở lại cảm nghĩ của T. Vấn, tôi thấy cách nhìn của anh khá độc đáo khi đưa ra một câu hỏi hay, oái oăm thay là chính tôi cũng có phần ‘dị ứng’ khi phải xem lại những hình ảnh chiến tranh nhất là cuộc chiến tương tàn trên quê hương ta, lại càng ngại khi phải đọc ‘những gì liên quan đến chiến tranh’, dù tác giả của nó có là những cây viết lẫy lừng đi nữa, có thể xuất phát từ một thái độ… chạy trốn, ngờ vực, chán nản, tự dối mình, biểu hiện của sự suy nhược thần kinh do hệ lụy của hàng chục năm trong nhà tù lao cải.

Thế nhưng chạy trốn rồi cũng phải quay về, sự thật vẫn là sự thật, lại được đọc những con chữ của người trong cuộc, trong đó có cả những tác giả chưa một lần chấp bút, những Cao Xuân Huy, Lê Thiệp, Phan Nhật Nam, Thảo Nguyên…kể cả Bảo Ninh một người thuộc phía bên kia, tôi mới tâm đắc qua phần lý giải của T. Vấn khi anh hỏi,

Tại sao lại cần phải viết về cuộc chiến mà ai cũng muốn nó ngủ yên trong quá khứ?

Cứ theo phụ lục đính kèm hoặc độc giả để tôi tóm lược, thì có 4 lý do hoặc động cơ thúc đẩy,

Thứ nhất, nó cần thiết phải được viết vì cuộc chiến ấy liên quan đến hầu như tất cả những người Việt nam của cả hai miền Nam Bắc. Nó như một dấu ấn khủng khiếp được ghi lại cho tất cả những người can dự dù tự nguyện hay bắt buộc, trực tiếp hay gián tiếp mà tầm vóc của nó hàng trăm năm sau lịch sử vẫn còn bàn cãi, tranh luận, bình phẩm.

Thứ hai, do tầm mức vô luân của cuộc chiến, không chỉ gây ra trong chiến tranh mà còn âm ỷ nhức nhối do sự trả thù và những điều tàn bạo xảy ra sau chiến tranh. Hàng trăm ngàn người bị đầy đọa, nhục hình trong các trại cải tạo. Hàng triệu người chấp nhận băng rừng vượt biển để tìm sự sống trong cái chết. Những người ở lại chịu chung số phận của một miền Nam thua cuộc khi bị kỳ thị, bóc lột, xăm soi như những ngoại nhân ngay trên quê hương mình. Bi kịch cho đến nay, kẻ trong nước người ngoài nước vẫn còn nghi kỵ nhau, chỉ trích nhau, hận thù nhau vô phương hòa giải.

Thứ ba, cần được viết lại khi ‘phía thua trận’ mỉa mai thay lại là những người đã từng giương cao ngọn cờ đấu tranh cho các giá trị tinh thần của nhân loại: Tự do, Công bằng, Bác ái. ‘Phe thắng cuộc’ đã để lộ bộ mặt thật giả nhân giả nghĩa sau khi chiếm được thế thượng phong và chẳng còn lừa được ai khi cái chủ nghĩa họ rêu rao đã hoàn tòan tan rã để lại hệ lụy sau 40 năm đất nước vẫn triền miên trong cảnh ‘xóa đói giảm nghèo’.

Thứ tư, những bài học xương máu của cuộc chiến vừa qua phải được viết lại vì cần được nghiền ngẫm, rút tỉa hầu tránh cho dân tộc, và cả nhân loại, ở những thế hệ sau, không còn phải đau nỗi đau của cha ông.

Nên chi bên cạnh các công trình biên khảo đứng đắn nghiêm cẩn, khách quan trong bốn thập niên qua, rất cần thiết phải có tiếng nói của những nhà văn, những người cầm bút chân chính viết lên những tác phẩm văn học dài hơi, tỷ như truyện dài Qua Đồi Trinh Nữ, không nhất thiết là người của phía bên này hay phía bên kia, miễn là chuyển tải được nỗi đau của nhân vật, lính cũng như dân, cùng sự khủng khiếp của chiến tranh đến được người đọc, trong chừng mực và vị thế nào đó cũng là những chứng nhân lịch sử của một thời đã qua trên quê hương nát tan.

Với ước nguyện chân thành, một lần nữa, người viết xin độc giả xa gần trong ngoài nước tìm đọc tác phẩm của Thảo Nguyên nhân dịp 39 năm nhìn lại những ngày Tháng Tư nắng úa.

Đỗ Xuân Tê

 

©T.Vấn 2014

 

Phụ lục:

T.Vấn : Vài cảm nghĩ nhân đọc một người lính viết về chiến tranh

 

clip_image002

Người lính – Tranh của Trần Thanh Châu

( Trích đoạn bài nói chuyện trong buổi ra mắt truyện dài Qua Đồi Trinh Nữ của nhà văn Thảo Nguyên Nguyễn Bá Thuận ngày 20 tháng mười một năm 2004 tại thành phố Dallas – Texas và 6 tháng ba năm 2005 tại thành phố San Jose- CA.)

. . .Truyện dài QUA ĐỒI TRINH NỮ của Thảo Nguyên là tác phẩm viết về chiến tranh của một người trong cuộc, theo cái nghĩa trung thực nhất và giản dị nhất của người trong cuộc. Cuộc chiến 30 năm đã chấm dứt cách đây 30 năm. Khoảng thời gian 60 năm một đời người ngắn ngủi chưa đủ dài hay sao để ngày hôm nay, cách xa bãi chiến trường cũ hàng nửa vòng quay quả đất, những người sống sót sau một cuộc chiến  vẫn còn tiếp tục nói và viết về nó. Tôi gọi đây là thảm kịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hàng ngàn năm chiến tranh của đất nước chúng ta. Tiếng súng đã im từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhưng cái ngày quê hương thanh bình  mà những nhân vật nửa thực nửa hư trong Qua Đồi Trinh Nữ – còn sống hay đã chết – mong đợi ấy, mà tất cả chúng ta mong đợi ấy , chưa hẳn đã đến. Chính vì thế , mà chúng ta – những kẻ sống sót – phải lưu vong quê người , sau nhiều năm tháng bị lưu đầy ngay trên chính quê hương của mình. Cơn lốc chiến tranh, tàn bạo như chính tên gọi của nó, đã không chừa một ai trên đường đi hủy diệt con người, từ thể xác – những người đã nằm xuống -, đến tâm linh – tức chúng ta, những người còn sống sót. Chính vì thế,viết về cuộc chiến tranh ấy, không phải là nhắc đến những ngày vinh quang cũ – làm sao gọi là vinh quang cho được khi đồng bào máu mủ của mình ở cả hai miền đã chịu bao tang tóc điêu linh chỉ vì sự ngông cuồng của một thứ chủ nghĩa vay mượn từ bên ngoài nay đã hoàn toàn dãy chết vì chính sự ngông cuồng của no. Viêt về cuộc chiến tranh ấy, không phải chỉ nhắc đến cái hào hùng của một thời vó câu yên ngựa. Đã đành là hào hùng, nhưng cái hào hùng trọn vẹn thuộc về những người đã nằm xuống. Những người còn sống, đã từng mặc chiếc áo trận của chính mình, nhưng không phù hiệu đơn vị, không cầu vai, không cấp bực, lê bước chân trần lưu đầy trên khắp nẻo quê hương từ Nam Quan cho đến Cà Mau qua các nhà tù tiền sử dựng lên vội vàng sau ngày miền Nam thua trận, thì cái hào hùng ấy , dù chúng ta thú nhận hay không thú nhận , cũng phần nào không được gọi là trọn vẹn. Và chắc chắn đó chẳng phải là trọng tâm khi người lính cầm bút viết về những ngày tháng ấy. Càng không phải sự nuối tiếc một thứ quá khứ mà có người đã khuyên chúng ta hãy quên nó đi. Có ai lại đi nuối tiếc một quá khứ gian khổ nhọc nhằn, ranh giới giữa sống và chết chỉ cách nhau có một hàng rào kẽm gai, và bao khổ đau mất mát không một thứ bút mực ngôn ngữ nào có thể diễn đạt đầy đủ.

Vậy thì tại sao lại cần phải viết về cuộc chiến mà ai cũng muốn nó hãy ngủ yên trong quá khứ ?

Cần thiết là vì, thứ nhất, cuộc chiến ấy liên quan sinh tử đến hầu như tất cả những người Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc. Cuộc chiến ghi một dấu ấn khủng khiếp đến tất cả những người tham dự trực tiếp vào cuộc chiến, tự nguyện hay bắt buộc, ở cả hai miền Nam Bắc. Ở một tầm mức to lớn như thế, một trăm năm sau, lịch sử sẽ vẫn còn bàn cãi, tranh luận, phẩm bình.

Thứ hai, tầm vóc hủy diệt, vô luân của cuộc chiến, không chỉ trong chiến tranh, mà còn sau chiến tranh, dù đã 30 năm. Chiến tranh nào mà không có những tàn bạo phi nhân, những chết chóc hủy diệt. Nhưng cái tiền lệ chưa từng có trong lịch sử  của cuộc chiến này nằm ở những gì xảy ra sau chiến tranh. Mức độ tàn bạo vô luân đã được đẩy lên đến mức giới hạn của sức tưởng tượng con người. Hàng trăm ngàn người bị ngược đãi, nhục hình trong các trại cải tạo. Cả miền Nam bị bóc lột, đày đọa như những ngoại nhân ngay trên quê hương của mình. Hàng triệu người liều mình vượt biển, băng rừng,  bỏ nước ra đi, tìm sự sống trong cái chết, mang trong lòng niềm tin: Tự Do hay là Chết. Và cho đến ngày hôm nay, là bi kịch kẻ trong nước người ngoài nước, nghi kỵ nhau, chỉ trích nhau, thù hằn nhau.

Thứ ba, bên thua trận lại là những người cầm ngọn cờ giương cao những lý tưởng cao cả nhất của nhân loại: Tự Do, Công Bằng , Bác Ai. Kẻ thắng trận, hay kẻ tự cho mình là bên thắng trận, đã để lộ bộ mặt giả nhân giả nghĩa sau khi chiếm được thế thượng phong. Bức bình phong của họ là chủ nghĩa cộng sản đã không còn đánh lừa được ai. Và giờ đây, trên quê hương, nơi chúng ta phải bỏ ra đi vì, trên đất nước của mình, chúng ta không được quyền nặng lòng với quê hương, nơi ấy, vẫn còn tiếp tục những đày đọa, khổ ải, nghèo đói, bất công.

Thứ tư, những bài học xương máu của cuộc chiến vừa qua, cần được nghiền ngẫm, rút tỉa, hầu tránh cho dân tộc, và cả nhân loại, ở những thế hệ sau, không còn phải đau nỗi đau của cha ông.

Vì những lý do nêu trên, bên cạnh những công trình biên khảo đứng đắn, nghiêm cẩn, rất cần thiết phải có những tác phẩm văn học viết về cuộc chiến vừa qua, như truyện dài Qua Đồi Trinh Nữ của nhà văn Thảo Nguyên . Vì văn học, với khả năng  thẩm thấu lòng người trực tiếp , và tùy thuộc ở trình độ nghệ thuật, nhiều khi có ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều công trình biên khảo cộng lại. Đã đành, hiện nay có rất nhiều những Đặc San, Nội San của từng tập thể , từng binh chủng, quân trường, nơi đó,qua những hồi ký, tùy bút,  những bài viết về chiến tranh, tấm lòng người lính được dàn trải, những u ẩn được tỏ bầy, những trạng huống xác thực được kể lại, nhưng thiếu đi tầm mức khái quát cần thiết của một tác phẩm dài hơi, và quan trọng hơn hết, chỉ với tới được những đối tượng rất giới hạn  là anh em bạn bè mình trong cùng một môi trường sinh hoạt, giao lưu. Trong khi đó, công chúng rộng rãi, cả hôm nay và ngày mai, cả trong nước lẫn ngoài nước, đều xứng đáng được đáp ứng cho nỗi quan tâm của mình, xứng đáng được quyền biết đến những gì đã xảy ra trong cuộc chiến tranh 30 năm cốt nhục tương tàn, nhất là , với những người còn nặng trĩu một tấm lòng.

Giá trị nhân bản của một tác phẩm viết về chiến tranh như Qua Đồi Trinh Nữ nằm ở chỗ nó chuyển tải được nỗi đau của nhân vật, lính cũng như dân, sự khủng khiếp của chiến tranh,  đến người đọc. Người đọc Qua Đồi Trinh Nữ, khi gấp trang cuối cùng lại, không thể không ngậm ngùi tưởng tượng hình ảnh nhân vật chính quỳ xuống hôn từng ngôi mộ đắp sơ sài bên đồi trinh Nữ . Trong những ngôi mộ ấy là hình hài đẫm máu của người con gái rất mực yêu thương, là thi thể không toàn thây của những người lính thuộc quyền, thà chết, không chịu lùi bước trước bạo lực , không chịu bỏ rơi bạn đồng ngũ. Hình ảnh ấy, qua sự khắc họa của Thảo nguyên, đã trở thành Sử Thi và mang một giá trị vượt thời gian và không gian, vì qua đó, người ta sẽ làm hết sức để tránh cho những nỗi đau ấy, sự khủng khiếp ấy, tái diễn.

Chúng ta đã trải qua một cuộc chiến tranh, và hai cuộc lột xác đổi đời: một lần là lưu đày quê nhà và một lần là lưu vong quê người. Ngần ấy tuổi đời và thương đau, chúng ta hiểu hơn ai hết rằng, chúng ta có thể chôn cất hận thù, chúng ta có thể chôn cất quá khứ, như chúng ta đã chôn cất người chết,  nhưng chúng ta không thể chôn cất những nỗi đau. Đã bao nhiêu năm rồi, đâu phải mới hôm qua, đâu phải mới tháng trước, vậy mà, mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi nghe tiếng khóc quen thuộc, những nỗi đau từ dưới đáy mồ đã chôn cất từ lâu, lại thức dậy nhắc nhở , tra tấn, hành hạ, đay nghiến và than van. Người lính già chấp nhận nỗi đau ấy cho riêng mình. Ong sẽ mang theo nó xuống mồ một ngày không xa. Nhưng ông không muốn thế hệ con cháu ông phải đau nỗi đau của ông, và ông tin rằng, không quản ngại những nhọc nhằn cuối đời lưu lạc, một chút đóng góp nhỏ nhoi của mình, biết đâu, có thể góp phần cứu chuộc được cả một nhân loại đang bước dần đến ngày Phán  Xử Cuối  Cùng. Theo tôi, đấy là giá trị và chỗ đứng của Qua Đồi Trinh Nữ. Tác phẩm ,viết cho hương hồn những người đã nằm xuống, cảnh tỉnh người còn sống, để cho sự nằm xuống ấy, không trở thành vô nghĩa.

clip_image003

Nhà văn Thảo Nguyên ( người đứng thứ nhất, bên tay phải ) trong buổi lễ ra mắt tác phẩm QĐTN tại thành phố San Jose , CA ngày 6 tháng 3 năm 2005.

Vấn đề cuối cùng đặt ra ở đây, khi người lính cầm bút viết về một thời cầm súng của mình, thì chiến tuyến, có làm giới hạn tầm nhìn của tác giả hay không ? Vấn đề quả thật là khá tế nhị. Bởi vì, ngay trong cách đặt vấn đề, đã hàm chứa phần nào tính một chiều của câu trả lời. Đã có rất nhiều những tác phẩm chiến tranh mang giới hạn ấy.Nhất là những tác phẩm gọi là văn chương tuyên truyền được viết bởi phần lớn các nhà văn miền Bắc. Mặt khác, viết về chiến tranh trên tư cách kẻ ngoài cuộc, kẻ đứng từ trên cao ở một chỗ thật an toàn nhìn xuống, thì cũng giống như người ngồi xem một cuốn phim chiến tranh được thực hiện bởi các đạo diễn tài ba của Holywood, với đầy đủ những xảo thuật của kỹ thuật hiện đại, rồi quay qua trang giấy trắng, viết như tường thuật lại cuốn phim mình vừa được coi. Rất bao quát, rất khách quan, nhưng vô hồn.

Với tầm vóc bi tráng có một không hai trong lịch sử của cuộc chiến ba mươi năm vừa qua, khi người trong cuộc viết về cuộc chiến mà mình tham dự, giá trị đích thực của tác phẩm nằm ở những điều mà nếu không phải là người trong cuộc, thì không một nhà văn nào có thể diễn đạt được thực tại ấy một cách chân thực nhất. Những thực tại ấy, đôi khi vượt lên trên mọi giới hạn của chiến tuyến, của tầm nhìn. Nói cách khác, phải sống cái chết của cuộc chiến, mới hiểu được hết cái chết của sự sống những ngày ấy. Phải đọc , với tấm lòng thật rộng mở, những chương cuối cùng của Qua Đồi Trinh Nữ, mới nhận chân được rằng, phải là người trong cuộc, phải là người lính cầm súng, phải là người biết căm thù cái ác, phải là người biết khóc, biết đau, mới viết được những trang sách như thế. Không một nhà văn nào, dù tài ba đến đâu, nếu không phải là người xông pha hòn tên mũi đạn, có thể diễn đạt được như Thảo Nguyên đã diễn đạt.

Mấy lúc gần đây, giới văn học hải ngoại và một số tác giả ngoại quốc, nhắc nhiều đến tác phẩm viết về chiến tranh của một nhà văn trong nước hiện nay. Đó là tác phẩm Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Cũng như Thảo Nguyên, Bảo Ninh là một người cầm súng, chỉ khác là ông ở trong lực lượng Quân đội Cộng Sản từ Bắc vào Nam. Nói cách khác, Bảo Ninh cũng là người trong cuộc, viết về cuộc chiến mà mình tham dự. Tôi không nói dài dòng về tác phẩm của Bảo Ninh, nhưng sự chấp nhận, tuy vẫn còn chưa rộng rãi, của một số tác giả hải ngoại cũng như ngoại quốc đối với tác phẩm của Bảo Ninh, chứng tỏ rằng, chiến tuyến, tầm nhìn, chưa hẳn đã giới hạn  giá trị nhân bản của một tác phẩm viết về chiến tranh bởi người đã từng trực tiếp tham dự cuộc chiến tranh ấy.

Chiến tranh là sự nguyền rủa của định mệnh con người, là những lỗ hổng oan nghiệt của lịch sử chỉ được lấp đầy bởi những xác người, kẻ xấu cũng như người tốt. Vì thế, không một  người có lương tri nào ưa thích chiến tranh, kể cả những người hăm hở bước vào cuộc chiến, cũng chỉ là để hoàn tất số phận nghiệt ngã của mình. Vì thế, với người lính trực tiếp trên chiến địa, không hề có một cuộc chiến tranh sai hay đúng, không hề có sự căm thù giữa người và người, dù là ở hai bên của một cuộc đối đầu. Có căm thù chăng, là sự căm thù điều ác, đã đẩy đưa cho hai người không hề biết mặt nhau quyết giết nhau để sinh tồn. Cái sai hay đúng của một cuộc chiến là cái sai và đúng của những người đã gây ra cuộc chiến, trực tiếp hay gián tiếp. Vì thế, đối với người lính, chiến tranh không phải là kết quả của việc thành bại luận anh hùng. Vì thế, khi viết về chiến tranh, người lính không bận tâm tô hồng chuốt lục cho một thực tại máu, nước mắt và nỗi đau, thể xác cũng như tâm hồn. Với tác phẩm Qua Đồi Trinh Nữ, người lính Thảo Nguyên chỉ ,- qua thân phận mình và đồng đội, còn sống hay đã chết, – gởi đến các thế hệ mai sau bức thông điệp của lòng nhân ái và về sự hy sinh cao quý của những người đã nằm xuống cho lý tưởng Tự Do, đồng thời, cảnh tỉnh rằng, sự hy sinh nào cũng cao quý, nhưng tốt nhất, đừng để sự hy sinh ấy phải xảy ra.

Có lẽ đó cũng là lời cầu nguyện hằng đêm của tất cả những con người còn tin tưởng có một Đấng Tối cao khuất mặt.

©T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search