T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Lại viết về họ Trịnh

clip_image002

Mười một năm kể từ ngày mất của Trịnh công Sơn (1-4), người ta nhắc nhiều, viết nhiều, nghe nhiều về huyền thoại TCS và ngày càng được nhân lên theo chiều hướng ngưỡng mộ, cảm thương cho một tài hoa âm nhạc. Nhưng vài năm về sau tên tuổi ông lại được nhắc nhớ và ‘bùng nổ’ theo chiều hướng gây tranh cãi từ khi có bài viết của Trịnh Cung, một người bạn cũng là một tài năng hội họa được coi là khá thân tình với TCS. Bài viết mang tựa đề, “Trịnh Công Sơn & Tham vọng chính trị”.

Dù chỉ là độc giả bình thường nhưng lại là ‘fan’ của TCS từ thuở ‘Diễm Xưa’ nên tôi có đọc bài viết của Trịnh Cung và mấy bài phản hồi của Lữ Phương, Đào Hiếu, Lý Đợi…, trong đó tác giả Lữ Phương cho bài viết được tung ra nhân ‘tháng tư đen’, và gán cho nó có ý đồ chính trị. Tôi không đồng thuận vi thực ra các tên tuổi lớn thường được nhắc nhớ qua ngày sinh hoặc ngày mất, mà TCS thi lại mất vào đầu tháng tư đen. Bài viết tôi nghĩ do một ẩn ức nào đó, Trịnh (họa) muốn ‘hạ’ hình tượng của Trịnh (nhạc) và đơn thuần chỉ là vậy thôi.

Vì yêu dòng nhạc của họ Trịnh, tôi ít để ý khía cạnh chính trị trong con người của ông, càng không muốn khuấy động khía cạnh này khi biết TCS vốn là khuôn mặt gây nhiều tranh cãi, đặc biệt trong cộng đồng hải ngoại. Nhưng điều tôi biết chắc là ông không thích chiến tranh (nào có ai thích) và trở thành người viết nhạc phản chiến kiên trì, đơn độc nhất trong những tháng năm nội chiến từng ngày của quê hương. Dù ông có thân và có quan hệ bạn bè ở cả hai phe, tôi vẫn tin ông không nghiêng hẳn bên nào, một khi mối thân tình còn khắng khít với Khánh Ly, mà lâp trường của người ca sĩ này tỏ lộ rõ nét khi các ‘người hùng’ của cô đều là những người bên tuyến phía nam. Chưa kể khi viết ‘Em còn nhớ hay em đã quên’ vào đầu thập niên ’80 khi thành phố đã đổi tên mà tác giả bài hát vẫn còn nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng, rồi hờ hững với sinh hoạt Hội Âm nhạc thành phố, lúc chết lại dặn gia đình từ chối lễ tang tại trụ sở này, thì phải nói họ Trịnh hình như ít mặn mà với cơ chế chính trị của chế độ mới. Bài hát sáng tác cuối đời của ông mang cái tên xa lạ, ‘Tiến thoái lưỡng nan’ nghe chẳng thấy gì là trữ tình tựa như Ướt mi, Tình xa, Rừng xưa đã khép, Phúc âm buồn…mà ca từ như là lời trần tình về số phận và thế đứng của TCS, từ lời đến nhạc nó mộc mạc đơn điệu đến độ …”Tiến/thoái/lưỡng/nan/đi/về/lận/đận/Ngày/xưa/lận/đận/không/biết/về/đâu…”.

Trở lại bài viết của Trịnh Cung có vài điểm khiến tôi tỏ lòng ngờ vực. Không muốn khơi lại đống tro tàn, tôi chỉ xin đan cử một chuyện về ‘mẩu đối thoại giữa Tôn thất Lập và TCS’ khi họ hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên đài Sài gòn, thì tôi đoan chắc là ông TC chỉ nghe rồi thuật lại. Ngẫu nhiên thế nào chính tôi lại là kẻ nghe bài hát này khi lái xe từ đơn vị vừa tan hàng ngang qua trụ sở của đài vào lúc xế trưa. Bài hát doTCS đàn guitar và hát đột xuất với sự phụ họa của vài người (mới đây có công khai phát tán trên mạng phần thu âm). Nhưng TTL giờ này chắc còn ở rừng chưa kịp về, thì làm sao có tiếng nói, tiếng hát của anh ta trên đài khi ấy như Trịnh Cung hạ bút?

Hồi tưởng lại giây phút bàng hoàng giữa ngày mất nước, bản thân tôi trong tâm trạng của kẻ vừa bàn giao doanh trại cho quân ‘giải phóng’ khi nghe lọai nhạc này, lại phát ra từ ‘thần tượng’ của mình, tôi đã phản ứng bằng câu chửi thề tự phát khá độc địa của người dân Nam Bộ. Từ ấy, ác cảm với TCS đeo đuổi tôi suốt nhiều năm đi tù cải tạo, chỉ vơi đi khi chính tôi là người lai hát lén nhạc Trịnh cùng các bạn đồng tù kể từ ngày có ca khúc ‘Em còn nhớ hay em đã quên’.

Rừng xưa nay đã khép, cũng chẳng nên nhắc lại bài viết của Trịnh Cung làm gì, chỉ trách tác giả của nó một điều cùng là những người nghệ sĩ tài hoa đã có thời sống với nhau thân tình trên bốn chục năm, mà văn phong của Trịnh (họa) lại toát ra niềm cay cú, pha lẫn nỗi dằn vặt cá nhân và phần đoán xét lẽ ra không nên áp đặt, khi người thứ hai trong cuộc không còn quyền phản hồi & xác minh vì đã thành người thiên cổ.

Vượt lên những điều tranh cãi và ngộ nhận cá nhân, là người yêu nhạc Trịnh, tôi vẫn luôn tỏ lộ niềm ngưỡng mộ một tài năng hiếm thấy mà dòng nhạc Việt còn phải trân trọng nhắc nhớ mỗi đầu tháng tư của trăm năm tới.

Đỗ Xuân Tê

©T.Vấn 20122

Bài Mới Nhất
Search