T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

đỗ xuân tê : tôi xem tranh trần thanh châu

clip_image001

Ngồi buồn lại dở góc tranh

Vào xem nét vẽ của anh họ Trần

Xem tranh với tôi là những phút thư giãn hiếm hoi khi đươc thả tâm hồn mình vào thế giới của sắc màu mà cảm giác như tìm về những hoài niệm, ký ức chìm sâu trong tiềm thức. Rất tiếc khả năng phê bình tranh của tôi bị hạn chế dù là những năm gần đây hay đi xem tranh khi có bất cứ cuộc triển lãm nào của họa sĩ gốc Việt tổ chức tại quận Cam, nên khi viết về Trần Thanh Châu, tôi cũng có sự đắn đo cân nhắc. Trong bài viết này, tôi xem tranh của Châu như một sự thưởng lãm thích thú và trân trọng anh như một tài hoa ngẫu hứng biết trăn trở ghi lại những cảm xúc bằng nét vẽ sắc sảo của mình về những năm tháng của một thời xã hội nhiễu nhương, trong đó tôi và anh, cùng những bạn hữu vừa là nạn nhân vô can vừa làm nhân chứng bất đắc dĩ.

Tất nhiên cái gì cũng có cái duyên cớ của nó, chẳng phải vô tình mà tôi thích tranh của Thanh Châu. Cái ấn tượng sâu sắc nhất vẫn là bức họa có tên ‘Lệnh tha khỏi trại’ (số 17) khi hiểu sự rời trại có nghĩa là ‘về cõi’ của những người tù không án phạt, thân xác họ đặt trên cỗ xe trâu được vài bạn tù theo sau vừa làm kẻ tháp tùng vừa làm phu đào huyệt ngậm ngùi đưa tiễn bạn mình trong cảnh ‘quỷ tha ma bắt’ về nơi họ không hề chọn. Bức tranh được T.Vấn khéo léo dùng làm minh họa cho bài thơ Tháng tư – Nhớ về sông Măng của Ngọc Phi, từ đây như được gợi hứng tôi tò mò xem thêm tranh của TTC và giải mã những gởi gấm của một tài năng không chuyên chưa một lần có tranh hoặc dùng tranh làm phương tiện quảng bá cho tên tuổi của mình.

clip_image003

Bằng sư tưởng tượng, tôi vào góc tranh như những lần vào gallery, coi 22 bức họa nhỏ của Thanh Châu như những bức tranh phóng lớn bằng khổ cỡ thât khi triển lãm (tất nhiên phải bấm PicLens cho rõ). Tôi theo trình tự của slides trước sau từ số 1 đến 22, để khi quay lại dễ tham khảo. Có cái thích thú ở chỗ tôi không đơn độc mà hình như có T.Vấn ‘lẽo đẽo theo sau’ khi gợi nhớ cho tôi những bài thơ của Ngọc Phi mà anh hay lấy tranh của Thanh Châu làm minh họa. Thi họa như có sự đồng điệu của những người đồng cảnh giúp tôi dùng thơ giải đoán những khúc mắc của tranh, dù cho tranh của TTC cũng thật như người, chẳng có gì phải suy luận phức tạp.

Là người hay xem tranh, tôi có cảm nhận ban đầu người họa sĩ này không phải là chuyên nghiệp. Anh vẽ vì muốn lấy năng khiếu tài tử của mình để minh họa một điều gì đó, có thể là cảm xúc, có thể là hoài niệm, có thể là con người, có thể là sự kiện, có liên hệ đến mình, đến bạn bè, đồng đội, đến xã hội đương thời. Có bức họa chỉ là thể hiện lại môt vũ đình trường của một thời sinh viên xa vắng (số 9), có bức như hình ảnh nguời tráng sĩ cầm gươm của một thuở qua miền quan ải (số 4), có bức phác thảo một chiến mã cùng kẻ nam nhi sẵn sàng nhập cuộc (số 1), có bức họa con thuyền với mái chèo của cô gái đi thăm nuôi trong sương đêm (số 7), có nét lãng mạn chỉ bằng bút bi cũng minh họa được “ới em váy trắng áo vàng/mình em bước nhỏ thênh thang giữa chiều”(số 14), có bức chỉ bằng bút chì cũng toát lên được hình ảnh tráng sĩ mài gươm dưới trăng (số 13). Lại có bức thân thương như hai bố con (số 2), thanh tú như người vợ nhỏ (số 18), trong khi chiếc nón sắt bên bờ lau (số 19) và sắc màu của chiến tranh (số 5) gợi nhớ người xem một thời mất mát khôn nguôi.

clip_image004

Hình ảnh ghi lại chì vài chục bức tranh nhỏ nhưng rất đa dạng, đa chiều, có cái thực cái ảo, có cái xa cái gần, có cái thân thương dễ dàng nắm bắt, có cái như xa vắng vuột khỏi tầm tay, bằng những nét phác thảo khi bằng bút bi, bút chì lúc trong tù, lúc bằng nét cọ khi ra hải ngoại, tranh của Thanh Châu tôi thấy anh sáng tác hoàn tòan theo ngẫu hứng, có nét hào hoa bay bướm gần giống tranh của TCS (mà tôi có dịp thưởng lãm trong lần triển lãm chung với Đinh Cường và Trịnh Cung khi tôi còn ở Sài gòn cách nay 23 năm). Thanh Châu với người nhạc sĩ tài hoa (không hiểu TTC có dị ứng với kiểu so sánh này) có điểm chung là tranh của hai người mang đậm ‘nét thơ’ hay rất gần gũi với thơ. Chính vậy mà tranh của anh đã để lại ấn tượng tươi mát, gần gũi, và khó quên, dù xem nhiều lần tôi vẫn ‘ngồi buồn lại dở góc tranh…’ để vào xem tranh của anh, nơi mà do sáng kiến của chủ biên cùng sự góp ý đồng cảm của tôi khi trang web tạo riêng một mini-gallery quen gọi là ‘góc tranh’ kể từ ngày có sự tham gia của cây cọ phái yếu Hà Huỳnh Mỹ cũng là một nghệ sĩ hội họa tài hoa hiếm thấy.

Quay lại với mấy bức tranh khác, cách dùng màu của TTC khá lạ, thường xử dụng đa màu bằng nét cọ quét mạnh, chấm phá nhưng sâu lắng, hiện thực như siêu hình, toát lên được cái ‘thần’ và cái ‘hồn’ của những bức tranh đặc biệt là tranh chân dung. Hình ảnh T.Vấn là mô hình cụ thể (số 20) do anh em sống chung nhiều năm tôi đoán được cái thần qua tính cách của người bạn trẻ này và không ngần ngại khi trao đổi với anh là Thanh Châu vẽ chân dung ông chủ biên ‘xuất thần’ hết biết!

Tôi cũng chú ý đặc biệt đến bức số 10, khi TTC chấm phá vài nét về những bộ quân phục khi anh còn là sinh viên sĩ quan của một quân trường chuyên đào tạo những người lính có khiếu về văn thơ nhạc họa trở thành những cán bộ CTCT sau này, trong đó có bộ đại lễ mà tôi được chọn làm ‘người mẫu’ khi mặc thử cho ông tướng đầu ngành xét duyệt.

clip_image005

Chưa đươc gặp Thanh Châu ở ngoài, nhưng qua chân dung của anh trong cột ‘Bạn hữu’, tôi thấy bàng bạc nét nghệ sĩ, hơi khắc khổ do những trăn trở của những năm tháng nhọc nhằn khi mộng chưa thành lại giữa đường đứt gánh như bao bạn trẻ kém tuổi tôi đã phải gánh chịu khi lịch sử sang trang.

Chúc Trần Thanh Châu có những sáng tác mới trước là chia sẻ duyên nợ với anh em sau là giải tỏa những vướng bận của cuộc sống khi có nơi ẩn trú bằng không gian của sắc màu.

Đỗ Xuân Tê

 

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search