T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Đi tìm hạnh phúc

clip_image002

Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc khi bạn cứ mải mê truy tìm hạnh phúc gồm có những gì. Bạn sẽ không bao giờ có được một đời sống đích thực nếu bạn cứ tiếp tục tra vấn ý nghĩa của chính đời sống ấy.

(Albert Camus)

1.

Sống ở đời, hạnh phúc là thứ ai cũng thèm khát. Vì thế, người ta mải mê đi tìm. Tìm hòai, có kẻ thấy, có người không. Kẻ không tìm được hạnh phúc, thất vọng, buồn bã, chán chường. Kẻ tìm thấy được rồi, có khi không hòan tòan thỏa mãn, hoặc có khi lại vuột tay đánh mất, cũng lại thất vọng, buồn bã, chán chường. Có lẽ, vì vậy mà người ta hay nói: đời là bể khổ. Khổ vì không tìm thấy hạnh phúc, không có hạnh phúc, không giữ được hạnh phúc.

Đau khổ và Hạnh phúc là hai mặt đối nghịch của một kiếp người. Chúng đi song song và chỉ đồng quy khi kiếp người ấy chấm dứt.

Năm cũ đã qua, năm mới đang đến. Mọi người, ai cũng được thêm một tuổi. Chính xác hơn, già thêm một tuổi. Cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc chốn trần gian bước thêm một bước về phía trước. Có hy vọng thêm gì không ở một cuộc đuổi bắt cái bóng chập chờn ấy sau những năm tháng mỏi mệt nặng nề trên vai “đôi vầng nhật nguyệt “? Đường đã ngắn lại. Bạn đồng hành lần lượt bỏ cuộc. Mỗi ngày thức dậy, nghe tin một người bạn nào đó ở xa vừa “lên đường về nơi miên viễn (chiêm bao)“. Những buồn phiền ấy chắc chẳng hứa hẹn gì hơn sự xuất hiện của bóng dáng hạnh phúc khi người ta vừa bước thêm một bước mệt mỏi trên con đường đi truy tìm.

Nhưng, có người bảo rằng, không nên tuyệt vọng như thế. Một nhà xã hội học gốc Trung hoa của trường Đại học Chicago vừa công bố một công trình nghiên cứu về hạnh phúc và tuổi gìa, đáng được chúng ta chú ý tới, nhất là vào lúc mọi người đang chóang váng cộng thêm 1 vào số tuổi chỉ lớn dần ra mà không bao giờ nhỏ lại của mình.

Dựa vào những nghiên cứu xã hội học và dữ liệu thống kê bắt đầu từ năm 1972 cho đến năm 2004, công trình ấy kết luận rằng “tuổi già có người bạn đồng hành tay trong tay là hạnh phúc”. Nhà nghiên cứu gốc Trung hoa này cũng dựa vào những dữ liệu thu thập được trong xã hội Mỹ để bác bỏ cái quan niệm lâu đời về người già rằng kèm theo với tuổi gìa là sự cô đơn, là cảm thức tự khép mình trong bốn bức tường của quá khứ, suy niệm, không hòa nhập với dòng sống xã hội đang từng ngày thay đổi. Bà cho rằng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mức sống ngày một nâng cao (1),người già (Mỹ) ngày nay đã trở nên “tích cực về mặt xã hội” hơn trước rất nhiều. Và hệ quả đương nhiên rất khích lệ. Tích cực hòa nhập vào xã hội giúp đấy lùi những cảm thức tâm lý tiêu cực như chán chường, cô đơn, buồn bã. Mặt khác, với năm tháng người ta kinh qua, nhận thức về đời sống – qua kinh nghiệm – có phần thực tế hơn, và do đó, hình ảnh về đời sống trở nên dễ chịu hơn.(2)

Thế còn những thuộc tính không thể tránh khỏi của tuổi gìa, như đau ốm, bệnh tật, đau đớn vì sự mất mát của những người thân (chồng, vợ, bạn bè qua đời) thì sao? Theo các nhà nghiên cứu, các thuộc tính ấy vẫn tồn tại, nhưng ở mức độ dễ chấp nhận hơn, vì người già ngày nay đã biết chuẩn bị tâm tư đón nhận những bất hạnh không thể tránh khỏi ấy, và sự tích cực về mặt xã hội đã giúp họ từ bỏ thái độ chỉ ngồi một chỗ gậm nhấm những nỗi buồn, tự hờn trách mình về những thất bại. Thêm nữa, ngược hẳn lại với những ngày còn trẻ họ mong đợi quá nhiều từ đời sống, nên sự thất vọng chán chường thường tỷ lệ thuận với sự mong đợi ấy, bây giờ – bằng con mắt thực tế – họ không mong đợi nhiều lắm ở những gì cuộc sống mang lại. Kết quả, đời sống dường như có vẻ dễ chịu hơn.

2.

Thế nhưng, hạnh phúc là gì? Làm sao để sống có hạnh phúc, cả khi người ta còn trẻ, chứ không phải đợi về già rồi mới được sống hạnh phúc?

Trên con đường đi truy tìm hạnh phúc cho chính bản thân mình, tôi đã “đau khổ” bị lọt vào mê cung của của vô vàn định nghĩa khác hẳn nhau, của vô vàn phương cách sống hạnh phúc theo những quan niệm khác hẳn nhau, từ tôn giáo cho đến triết học, khoa học, từ phương Tây cho đến phương Đông, từ phức tạp cho đến giản dị, từ bậc cao nhân trí thức cho đến người giản dị đơn sơ.

Đi tìm hạnh phúc, có nghĩa là “tưởng” rằng hạnh phúc phải ở một chỗ nào đó, thí dụ như: chùa chiền, nhà thờ, chợ búa, chỗ đông người, chỗ vắng người hay thậm chí trong sách vở, kinh kệ, xưa cũng như nay. Thế là tôi bị lạc đường. Lại thêm một nỗi đau khổ vì lạc đường. Có người bảo tôi hạnh phúc nằm ngay trong lòng mình. Hãy mở lòng ra thì sẽ thấy. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Tôi nghe lời, mở thử lòng mình. Hạnh phúc vẫn biệt vô âm tín giữa mớ bòng bong trăm sự rối bời. Hay là lại tôi “suốt đời đau khổ” nên lòng tôi không có chỗ chứa cho hạnh phúc. Hay là tôi đã không nhận ra nó, khi nó thực sự hiện hữu trong lòng mình.

Nói đi thì phải nói lại. Trong suốt cuộc đời 60 năm của tôi, cũng có nhiều lúc, nhiều khỏanh khắc, tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc, nhất là những khi gia đình quây quần xum họp, khi những tiếng cười con trẻ cứ vang vang khắp nhà. Nhưng hạnh phúc ấy (nếu quả thật đó là hạnh phúc) không kéo dài. Xum họp rồi lại chia ly. Tôi không giữ được hạnh phúc (nếu quả thật tôi đã tìm thấy nó cho đời mình).

Hạnh phúc không có một hình dáng. Điều ấy tôi có thể khẳng định. Nên, có lẽ, tìm sẽ không thấy. Vậy, hạnh phúc có thể là một cảm giác tâm linh, người ta chỉ cảm được cho riêng mình mà thôi. Và, có lẽ, chính vì thế mà cảm giác “cảm thấy hạnh phúc” chỉ tồn tại trong một khỏang thời gian, đến rồi lại đi. Tuy nhiên, để “cảm thấy hạnh phúc”, và giữ được nó trong lòng mình dài lâu, tôi đọc được đâu đó có nhà tu hành bảo rằng phải giữ cho lòng thanh tịnh, phải diệt khổ, phải khoan dung, từ bi, phải có trí tuệ để không lầm đường lạc lối. Nhưng tôi là một người sống giữa đời sống, không thể tránh khỏi vương mang hệ lụy của đời, sở học không đủ cao để khỏi rơi vào tăm tối u mê, làm sao tôi đạt được tới mức “thân tâm thường an lạc” ấy để hưởng hạnh phúc. Chẳng lẽ số phận con người (như tôi) phải chịu đau khổ suốt đời vì không bao giờ thỏa mãn được những đòi hỏi quá cao xa ấy chăng?

Thế là, cuộc truy tìm hạnh phúc của tôi trở về khởi điểm với hai bàn tay trắng. Vừa đúng lúc để nghe những nhà khoa học danh giá bảo rằng từ nay trở đi (tức lúc bước vào năm mới với số tuổi nặng thêm một tuổi) , tôi sẽ được “tay trong tay với nàng tiên hạnh phú ” sánh vai nhau bước trên con đường dẫn đến hòang hôn đời mình, với những lý lẽ, nghe ra “khá thuyết phục”.

3.

clip_image003

Thế rồi, như một sự ngẫu nhiên huyền hoặc, tôi xem được trong thế giới ảo (mạng Inrnet), bức thư họa khá độc đáo. Trên cái nền thiên nhiên của cây cối, sông núi, trăng nước là hàng thư pháp viết thật đẹp hàng chữ: Hạnh Phúc là có việc gì đó để Làm, người nào đó để Yêu, và có điều gì đó để Hy Vọng. (3)

Nội dung hàng chữ không có gì sâu sắc lắm. Có thể nói là giản dị, dễ hiểu.

Tôi soi bóng mình đằng sau hàng thư pháp. Hình như tôi cũng có một việc (thú vị) để làm. Công việc ấy đôi khi hành hạ tôi như hành hạ kẻ thù nhưng tôi không cảm thấy đau đớn (thú đau thương chăng?).Tôi cũng có hơn một người để yêu, cho đến hết đời. Điều này tôi có thể quả quyết mà không sợ mang tiếng “đại ngôn”. Tôi cũng có một điều để hy vọng. Cái hy vọng ấy là thế hệ tương lai sẽ sáng sủa hơn thế hệ của tôi.

Nhìn kỹ lại, cái bóng ở đằng sau bức thư pháp, không phải chỉ là tôi, mà là của nhiều người lố nhố, khuôn mặt cùng mang những nét như nhau, cái nét của con người, cái nét của một kiếp nhân sinh trăm năm ngắn ngủi.

Phải chăng đó là định nghĩa dễ hiểu, dễ đạt được nhất của hạnh phúc, mà ai cũng có thể thấy được, thực hiện được, kể cả những người trẻ tuổi, những người già, những người nghèo khó, những kẻ đau khổ?

T.Vấn

(1) Gỉa thuyết này có thể được củng cố với sự ra đời của Internet (thế giới nối mạng) và các lọai máy computer mà gía cả phải chăng nên được nhiều người (gìa ) ưa chuộng. Ngày nay, không cần phải bước chân ra khỏi cửa nhà, người ta vẫn có những “họat động giao lưu xã hội” một cách tích cực. Hình thức nhóm thư điện tử (Mailgroups) là một hình thức phổ biến nhất trong nhóm người (già) gốc Việt sống ở Mỹ (và các nước khác). Một người có thể cùng một lúc sinh họat trong nhóm những người bạn học cũ (trường cũ thầy xưa ), nhóm cựu quân nhân xuất thân cùng trường đào tạo, hoặc cùng đơn vị phục vụ, hoặc cùng một trại cải tạo những người thuộc chế độ cũ, nhóm những người đồng hương, nhóm những người cùng hội (cao niên) v..v…. Ngần ấy mối quan hệ xã hội đủ khiến một người (già), tuy không phải đi làm kiếm tiền, không bận rộn chăm sóc gia đình, vẫn không còn thì giờ ngồi không nghĩ ngợi vẩn vơ nữa. Thậm chí, có người còn cho rằng đây là những năm tháng tuyệt vời của đời mình. Không lo lắng hiểm nguy của lằn tên mũi đạn, không lo lắng bữa ăn cho gia đình, không sợ con cái lêu lổng hư hỏng v..v..

(2) Công trình khảo cứu của giáo sư Yang Yang thuộc viện đại học Chicago dựa vào những cuộc khảo sát từ năm 1972 đến năm 2004 ở khắp nơi trên nước Mỹ. Khỏang 1,500 cho đến gần 3,000 người đã được phỏng vấn trực tiếp, gồm những nhóm người khác nhau dựa trên phái tính, chủng tộc và tuổi tác. Qua lăng kính của quan niệm xem “sự hiểu biết về hạnh phúc của con người là cốt lõi để đo lường phẩm chất của đời sống. Qua đó, người ta có thể lượng giá được sự thành tựu của một xã hội trong việc thỏa mãn những nhu cầu của thành viên trong xã hội đó. “, công trình đã đi đến kết luận khả quan, rằng “người Mỹ càng già càng trở nên hạnh phúc hơn”. Về chi tiết, cuộc nghiên cứu cho thấy người Mỹ gốc Phi châu ít hạnh phúc hơn người Mỹ trắng, đàn ông ít hạnh phúc hơn đàn bà, nhóm người thuộc thế hệ Babyboomers (sinh từ năm 1946 cho đến 1964) ít hạnh phúc hơn những thế hệ khác. (Nguồn: University of Chicago).

Một nghiên cứu khác từ trung tâm nghiên cứu của Mayo Clinic cũng cho thấy kết quả tương tự. Theo đó, số người ở độ tuổi 60 và 70 cảm thấy thỏa mãn với đời sống giống như những người ở độ tuổi trẻ hơn. Nguyên nhân là do người lớn tuổi trở nên độ lượng hơn, dễ chấp nhận hơn những bất như ý, biết tỏ lòng biết ơn những gì do đời sống mang lại. Mặt khác, cũng theo nghiên cứu này, người có hạnh phúc thường sống lâu hơn, nên đã ảnh hưởng đến số liệu thu thập được trong khi tiến hành nghiên cứu. (Nguồn: Mayo Clinic).

(3) Đây là bản dịch tiếng Việt một câu danh ngôn định nghĩa về hạnh phúc của nhà văn người Tô Cách lan Allan K. Chalmers (1759-1834): The three grand essentials of happiness are: something to do, someone to love, and something to hope for. Tôi đã cố gắng tìm danh tính vị tác giả bức thư pháp, nhưng vẫn chưa thành công. (T.Vấn)

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search