T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Quân: Thầy trò một thuở

Thầy giáo- Tranh Nguyễn Đức Tuấn Đạt 

(Nhớ thầy và bạn bè lớp 10B trường Trần Quốc Tuấn)

Mãi đến năm 2003, tôi mới về lại Quảng Ngãi, mặc dầu từ năm 1995, tôi đã nhiều lần đi làm việc hoặc nghỉ phép ở Việt Nam.

Tuổi mười sáu, tôi rời Quảng Ngãi. Những nặng nề của cuộc đổi đời đã không cho phép tôi vô tư, hồn nhiên trọn vẹn trong tuổi trăng tròn. Thuở ấy, tôi chưa có bồ. Nên bây giờ, tôi chẳng có cớ tìm lại những con đường tình ta đi. Trong thâm tâm, tôi không mong đợi nhiều trong chuyến về Quảng Ngãi. Tôi chỉ muốn nhìn lại ngôi nhà yêu dấu ngày xưa của gia đình, số 55 đường Quang Trung. Tất cả thay đổi không ngờ. Tưởng như người ta san bằng toàn thị xã, rồi xây cất lại.

Mấy chị em tôi ở khách sạn Thống Nhất, đường Quang Trung, ngoài trường Trần Quốc Tuấn, về hướng núi Bút. Bạn bè của chị Cẩm Thành, của Ngọc Hiền đến rất đông. Tôi chẳng có ai. Hầu hết bạn bè tôi đã tứ tán nhiều tỉnh miền Nam (Kim Trâm, Tuyết Dung, Thanh Hiền, Đạt, Lân, Như…) hoặc ở ngoại quốc (Hồng Thư, Minh Kha, Ngọc Anh, Lành, Liên Trang…). Tôi biết, rất nhiều bạn vẫn ở Quảng Ngãi, nhưng tôi chẳng có địa chỉ. Tôi ngồi chơ vơ, lơ đãng nhìn quanh. Thấy anh Ninh, chồng chị Kim Lan, bạn chị Cẩm Thành cũng đang “ế độ”, ngồi chầu rìa chờ vợ. Hai chị chắc còn líu lo vài tiếng đồng hồ nữa.

Tôi mon men lại gần, hỏi cầu may:

-Anh Ninh biết ai tên Minh Chiểu không?    

-Anh biết tiệm tạp hóa Minh Chiểu. Anh chở Thúy đến đó, xem thử, phải là bạn không nghe.

Những đường phố dù thay đổi nhiều, nhưng vẫn chưa có vẻ nhộn nhịp của đêm đô thị. Đến một căn nhà mặt tiền khá rộng. Đứng ngoài cửa sắt, anh Ninh gọi:

-Có ai ở nhà không? Cô Ngọc Thúy tìm bạn là cô Minh Chiểu đây.

Có người ra mở cửa, rồi tiếng lao xao của người trên lầu đi xuống. Đúng là Minh Chiểu. Bất ngờ, vui ơi là vui. Tụi tôi mừng rỡ ôm chầm lấy nhau.

Minh Chiểu chở tôi đi thăm bạn bè. Đến nhà Vũ Khắc Thưởng, Thưởng đang trần trùng trục, nằm đong đưa trên võng.

-Ông Thưởng biết ai đây không?

Đèn đêm mờ mờ, Thưởng ngó ngó, rồi cười to:

-Con Thúy chớ ai đâu nề.

Minh Chiểu chở tôi qua nhà Đặng Ngọc Dũng. Dũng bây giờ làm chủ cửa tiệm bánh kẹo. Rời Quảng Ngãi, trong hành trang tôi có mấy lon mạch nha và bịch đường phèn, quà của Dũng.

Tôi hỏi thăm thầy Nguyễn Hữu Sơn, được biết, thầy vẫn còn đi dạy. Minh Chiểu thật mau mắn, liên lạc được thầy Sơn. Hôm sau, thầy Sơn và đám học trò: Minh Chiểu, Thùy Hương, Ngọc Thúy, Thưởng, Dũng, Cẩm, Bùi Viễn hẹn nhau ra tiệm ram. Thời trung học, giữa thầy và trò là khoảng cách nhất định. Bây giờ, ngồi lại với nhau, nói chuyện thân thiết như bạn bè trang lứa. Minh Chiểu còn quen gọi là thầy Sơn “Quỵnh”. Thùy Hương vuốt vuốt má tôi:

-Con này, chắc mày lúc nào cũng vô-tư-lự, nên da mặt láng o.

Thầy Sơn phụ họa:

-Thiệt đó chớ. Thầy thấy em sao cũng như hồi còn học lớp 10.

Ai nấy xôn xao góp chuyện. Tính ra cũng gần 30 năm rồi. Trò nào cũng có mái ấm gia đình. Riêng Viễn vẫn độc thân. Thầy Sơn ngạc nhiên:

-Trời ơi! Viễn, em chưa chịu lập gia đình sao?

Viễn nhẩn nha:

-Bây giờ thầy ngạc nhiên thấy em còn một mình. Vài năm sau gặp lại, nếu em hết một mình, chắc thầy sẽ phải ngạc nhiên hơn nữa.

Thầy trò chuyện vãn thật vui. Thầy lúc ấy đã qua tuổi tri thiên mệnh. Đám học trò trung học đang bước vào tuổi trung niên. Người kể chuyện này, người góp chuyện kia. Thầy Sơn trích dẫn câu thơ, “Ai cũng có những phút ngoài chồng ngoài vợ. Đừng trách chi một chút xao lòng”. Tôi không nhớ chính xác từng chữ. Nhưng cái ý “đừng trách chút xao lòng” đối với tôi thật nhân bản.

Trong thành tích biểu lớp 9, tôi giỏi hầu như tất cả môn học, trừ môn nữ công. Tôi chọn vào ban B (sau 1975: Văn và Anh Văn) như là một tình cờ. Mùa tựu trường niên khóa 75-76, tôi chuẩn bị vào lớp 10, Trần Quốc Tuấn. Ở Quảng Ngãi, trường Nữ Trung Học là trường cấp II, Trần Quốc Tuấn là cấp III. Thời gian này, Ba tôi đã đi “học tập”. Nhà sách đã đóng cửa, sau khi Mạ tôi “tự nguyện” nộp sách và biếu các dụng cụ văn phòng cho cơ quan địa phương. Toàn bộ sinh hoạt để thu nhập dồn vào quán café Uyên. Tôi không có nhiều thì giờ, tâm trí để nghĩ ngợi, chọn lựa ban vào trung học đệ nhị cấp. Tôi thường lui tới Phạm Ngọc Anh. Bấy giờ, Ngọc Anh dọn về ở nhà in Phước Thạnh, đường Quang Trung. Ngày trước, Ba tôi và bác Phạm Viết Chừ bạn bè với nhau. Thỉnh thoảng, Ba chở tụi tôi lên nhà bác Chừ ở đường Võ Tánh. Ngọc Anh nói là sẽ chọn ban B. Tôi nghĩ, theo luôn Ngọc Anh, cho có bạn. Thế là tôi thành học trò lớp 10B Trần Quốc Tuấn. Bàn đầu dãy bên phải của lớp có 5 đứa đóng đô. Tôi đầu bàn, Tuyết Dung cuối bàn, ở giữa có Ngọc Anh, Minh Chiểu, Minh Kha. Ngọc Anh ra vẻ người lớn, ít “quậy”. Còn 4 đứa chúng tôi: Minh Chiểu, Minh Kha, Tuyết Dung, Ngọc Thúy, lau chau, phá làng, phá xóm. Môn học tụi tôi thích nhất là môn “giờ ra chơi”. Bốn đứa quậy họp nhau lại, tự phong là Hạ Thiên Tứ Hữu.

Nhà không còn người giúp việc, mấy chị em tôi cùng Mạ lo toan mọi việc. Tôi ít thì giờ ngủ. Bởi vậy, khi vào lớp, tôi hay “ngủ bù”. Tôi vờ gục đầu xuống bàn, ngủ ngon lành. Thầy, cô giáo hỏi, nhờ nhỏ bạn bên cạnh nói: “Nó bị nhức đầu”. Thầy Công dạy Lý, hỏi: “Sao giờ nào của thầy nó cũng nhức đầu vậy?” Thầy nhấc đầu con học trò lên, mới thấy cái mặt con nhỏ ngái ngủ. Khối lớp 10 đi đào kênh ở La Hà, bên này lớp 10B, bên kia lớp 10C1. Không biết vì lẽ gì, khi thầy Công trên đường qua 10B, bên phía 10C1 hò “thầy Kê Dông”. Thầy quay trở lại phía 10C1, bên 10B lại đồng ca “thầy Kê Dông”. Kiểu phá phách như vầy chắc học trò qua mặt cả quỷ ma luôn.

Thầy Gia dạy Hóa, thầy giảng bài không nhìn vào chúng tôi, mà nhìn vào điểm nào đó trên trần nhà. Thầy Kỳ dạy văn, có cung cách của nhà tu. Cô Vân Nghê dạy Sử Địa. Tôi thấy tên của cô hay quá, nhớ mãi. Sau này, Diệp Phước Lân nhắc lại, cô Nghê nhận xét: “Trán dồ thông minh nhưng mà… xấu”. Lân hỏi tôi: “Còn buồn, còn giận gì cô không?” Tôi hoàn toàn không hề nhớ đến kỷ niệm “sầu” này. Lúc tuổi trăng tròn, mình đang tung tăng Em ước mơ em đẹp như trăng rằm tươi tắn, mà cô giáo nói chữ “nhưng mà”, thì chắc từ tuổi mộng mơ chuyển thành tuổi biết buồn ngay. Té ra, trí nhớ tôi đôi khi cũng khôn ghê. Điều gì buồn buồn là quên phắt luôn.                                               

Thầy Nguyễn Hữu Sơn là giáo viên chủ nhiệm lớp 10B chúng tôi. Thầy rất trẻ, có lẽ thầy vừa tuổi hai lăm. Thầy sửa sửa gọng kính cận gọng màu đồi mồi ra vẻ nghiêm trang, nhưng nụ cười hiền khô, dễ thương hết sức. Thầy gầy nhom, chắc cũng do thiếu ăn như đám học trò chúng tôi. Tuy vậy, nề nếp cũ, “đói cho sạch, rách cho thơm” thuở ấy vẫn còn hiện hữu, thầy đến lớp luôn với tóc tai gọn gàng, áo quần chỉnh tề. Thầy lỏng khỏng trong đôi giày hơi quá rộng. Sau này, khi xem phim Thời Đại Tân Kỳ, thấy Charlie Chaplin đi những bước lật đật trong đôi giày quá khổ, tôi liên tưởng đến thầy Sơn. Lòng tôi ngậm ngùi. Thuở nghèo khó cùng cực, có lẽ thầy đã phải vô cùng chật vật, cắt giảm nhiều khoản chi tiêu khác, để giữ được trang phục tươm tất của nhà giáo. Có khi, thầy giả đò “giác ngộ cách mạng”, mang đôi dép râu. Coi thảm quá chừng.

Nhiều năm qua, mỗi khi nhắc chuyện ngày xưa, Tuyết Dung có thể kể vanh vách đầy đủ ngọn ngành của những giai thoại lớp 10B.

Chị Thủy là người miền Bắc duy nhất trong lớp 10B, chị từ lớp 10A3 chuyển qua. Có lần thầy Sơn gọi chị Thủy lên bảng. Mấy chục cặp mắt phóng lên những tia nhìn nghịch ngợm, mấy chục cái miệng xì xào: trò vừa cao, vừa to, vừa già hơn thầy. Thầy Sơn bối rối, nhìn xuống đám học trò, nhìn lên bảng, cầm cây bút xoay xoay trong tay, không biết xử trí thế nào cho êm.

Lần khác, cả lớp đang lắng tai nghe thầy giảng bài, bỗng cuối lớp rổn rảng câu hỏi What do you want? Bốn mươi mấy cái đầu cùng quay về hướng phát ra câu hỏi ấy, thủ phạm là Phước. Đám học trò cười ầm. Thầy Sơn nghiêm mặt, bực bội chọi viên phấn lên bảng. Viên phấn bay ngược lại trúng đầu Tuyết Dung. “Hoàng tử Sơn Quỵnh gieo cầu trúng công chúa Tuyết Dung”. Tiếng ồm ồm phát ra từ cuối lớp, phát ngôn viên là Vũ Khắc Thưởng. Cả lớp một phen cười nghiêng ngả. Tuyết Dung mắc cỡ, mặt đỏ bừng. Thầy Sơn vùng vằng, ôm sổ lên văn phòng. Cả lớp lao nhao mừng rỡ, được nghỉ học bất ngờ.

Học trò chúng tôi ưa đồn thổi nhiều chuyện tức cười. Chàng nào tình cờ bị bắt gặp ngó nàng nào lâu hơn 5 giây, là coi như có ý định “cua” nàng. Bởi vậy, có hàng giây tin đồn: Đặng Hoài Tịnh để ý Ngọc Thuý; Đảo ngắm nghé Minh Kha; Tấn Lộc rấp ranh Tuyết Dung. Thiệt ra, trong nhóm bốn đứa, chỉ Minh Chiểu đã có bồ, là Cư nhà Nguyễn Thảo. Ba đứa còn lại thì ngố như… ngỗng đực. Khi lớp đi lao động ở Mỹ Khê, chúng tôi nghịch ngợm bịa ra câu vè, ghép tên các “nghi can”: đi Tịnh Khê, có dân Cư đông Đảo, được hưởng phước Lộc thọ…

Thầy Sơn thấy tụi tôi còn nhỏ, sợ yêu đương sớm, xao nhãng việc học, thầy hay gọi họp riêng, hỏi thăm, khuyên răn chúng tôi. Thầy như người anh lớn, thương và lo lắng chu đáo cho chúng tôi. Trước khi lên đường đào kênh Thạch Nham thầy gọi Hồng Thư: “Em ghi tên hết các bạn nữ… à à à đang bị à à à…”. “Dạ, mấy bạn “chia động từ to be”. Chữ của đám nữ sinh chúng tôi, chứ không phải của thầy. Nữ sinh nào “bận” chia động từ, thầy cho phép đến trễ một chút. Thế là nhóm Hạ Thiên Tứ Hữu chúng tôi ghi danh cùng “bận”. Minh Chiểu bày mưu tính kế, bốn đứa đi bộ vô Cống kiểu, rồi đi xe Lam đến kênh Thạch Nham. Đến Cống Kiểu, Minh Kha bàn, mình chịu khó đi bộ, để dành tiền ăn chè. Bốn đứa đến nơi phờ phạc. Mọi người đã bắt tay vào việc từ lâu. Cả nhóm bị kêu lên trước lớp “kiểm điểm”. Đứa nào, đứa nấy mặt mày buồn xo.

Ngoài những kỷ niệm chung với lớp, tôi còn giữ nhiều kỷ niệm đẹp, riêng của tôi với thầy Sơn. Trong niên học, thầy đã rất thương và bảo bọc tôi. Là giáo viên chủ nhiệm, thầy phải dạy thêm môn chính trị. Vào giờ đó, tôi phản đối bằng cách lấy báo Tuổi Ngọc ra đọc lén dưới bàn. Thầy gần như năn nỉ:

-Em làm như vậy sẽ rầy rà hết sức cho em. Thầy không thể bao che cho em được hoài.

Trên đường đi đắp đập đào kênh, tôi thấy Ba đang trong đoàn cải tạo lầm lũi dọc đường ruộng. Cha một bên, con một bên, khiêng đá, khiêng đất. Tôi tấm tức khóc, mắt đỏ hoe. Thầy Sơn ái ngại, cất nhắc cho tôi ở nhà phụ bếp, khỏi ra đào kênh, khỏi phải đau lòng thấy Ba lao động.

Khi nhà của chúng tôi bị tịch thu, Mạ tôi được người quen cho bán cà phê, chè trong quán ăn ở cây xăng. Thêm một tai ương giáng xuống đời sống gia đình chúng tôi. Thầy Sơn tìm đến thăm, nâng đỡ tinh thần tôi.

Tôi rời Quảng Ngãi vào Sài Gòn. Bốn đứa chúng tôi vẫn thư từ cho nhau và tường thuật những “sự kiện lịch sử” của lớp.

Nghe Minh Kha kể, thầy rầy la mấy bạn có bồ bịch dữ lắm. Lúc đó, ở Sài Gòn, tôi cũng có bồ. Nghe thầy rầy bạn, tôi cũng “nhột” theo. Tôi viết thư thăm thầy, và biện hộ rằng: “Con tim có lý lẽ riêng của nó. Hồi nào nó biết yêu, để nó yêu, chớ đâu có biểu lý trí ngăn cản nó được”. Không biết hồi đó đọc thư tôi, thầy có tức cười, thấy học trò của thầy bày đặt triết lý vụn.

Mùa hè tôi về Quảng Ngãi thăm gia đình, được tin thầy đang nằm ở bệnh viện. Đám bạn dẫn tôi đi thăm thầy. Đi loanh quanh trong bệnh viện khá lâu mới tìm ra phòng thầy. Vừa thấy thầy, chúng tôi chạy lại, kêu to: “Thầy, thầy.” Lúc ấy, quá xúc động, tôi quên hẳn khoảng cách ước lệ thường tình, “thầy trò thọ thọ bất thân”. Tôi nắm bàn tay thầy trong đôi tay mình. “Thầy, thầy bớt bệnh chưa thầy?” Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, nhìn thầy. Thầy nằm như dán sát xuống giường. Thầy vốn đã ốm yếu. Giờ mặt mày nhợt nhạt, da dẻ xanh xao, còm cõi, chỉ còn da bọc xương. Chúng tôi rươm rướm nước mắt, buồn thiu. Thầy Sơn cảm động lắm. “Không sao đâu các em! Thầy khoẻ hơn nhiều, thầy sẽ bình phục nhanh mà… Thầy cảm ơn các em…”. “Thưa thầy em về.” Chúng tôi líu ríu rời phòng thầy. Ra khỏi cổng bệnh viện, chúng tôi đúng là con trẻ, ăn chưa no, lo chưa tới, giòn cười, tươi khóc. Chúng tôi chạy u đến trường Hùng Vương, chén mỗi đứa một ly chè chuối.

Cách đây mấy năm, các bạn 10B1 ở Sài Gòn báo tin nhau, thầy Sơn bị bệnh, phải giải phẫu bỏ một con mắt. Chi phí bệnh viện rất cao. Bạn bè chúng tôi kêu gọi nhau đóng góp. Tôi gọi điện thoại về thăm thầy. Thầy vui mừng, báo tin đã bình phục. Vẫn là giọng nói chân chất, dễ thương: “Con Thúy đó nê. Nhớ chớ sao không. Tụi bây hồi đó nghịch lắm. Nhưng được cái đứa nào cũng giỏi. Em à, nghe mấy em thành đạt thầy mừng lắm. Cám ơn em, thầy khỏe nhiều rồi…”

Năm 2015, tập truyện Bông Hoa Trên Phím của tôi xuất bản ở Việt Nam. Tôi gởi Tuyết Dung một số sách, bàn với Tuyết Dung, kêu gọi các bạn “mua” ủng hộ, chúng tôi “lén” gọi là quỹ hỗ trợ thầy Sơn. Tôi được biết, không chỉ các bạn của lớp 10B ủng hộ, còn có những bạn khác lớp, khác trường cũng đóng góp. Thỉnh thoảng, các bạn cùng lớp báo tin, thầy Sơn lúc này sức khỏe tạm ổn.

Đôi lần lang thang trong internet, tôi thấy thầy có sân nhà trong Facebook. Tôi mừng. Không chừng, thầy sinh hoạt trong FB còn đều đặn hơn tôi. Tôi năm bữa nửa tháng mới đáo qua, nên tin tức đôi khi lỗi thời.

Tối nay, thật bất ngờ, tôi nhận tin thầy Nguyễn Hữu Sơn qua đời. Thầy ra đi trong niềm tiếc thương của gia đình, họ hàng và của nhiều học trò.

Bao kỷ niệm thời lớp 10 trường Trần Quốc Tuấn, của hơn 40 năm trước, bỗng sống động. Một năm ở trường Trần Quốc Tuấn là khoảng đời nhiều biến động trong cuộc sống gia đình tôi. Khoảng đời này để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong ký ức của tôi. Thầy Nguyễn Hữu Sơn, giáo viên dạy Anh Văn, thầy không chỉ dạy chữ, mà thầy còn che chở, quan tâm dìu dắt cho chúng tôi, với tâm niệm mong chúng tôi nên người.

Thầy Sơn kính yêu, nơi đây, cách xa Quảng Ngãi vạn dặm, em xin đốt nén nhang, nguyện cầu hương linh thầy sớm tiêu diêu miền vĩnh phúc.

Hoàng Quân

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search