T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồng Lĩnh: Ước Mơ (2)

 Spirit free

 

Không có tài năng vĩ đại nào thiếu đi được ý chí mạnh mẽ.
Balzac

Tôi biết một gia đình người gốc Mễ Tây Cơ, có một đứa bé mắc bệnh tự kỷ, trong một dịp đến để làm một cuộc thử nghiệm cho bé lúc đó tôi còn làm trong bộ giáo dục. Tôi được cơ hội tiếp xúc và sau đó tôi nhận việc hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục và chăm sóc bé trong thời gian trước lứa tuổi đến trường.

Daisy là một bé gái rất đẹp, nhìn bé không ai có thể nghĩ cháu bị một chứng bệnh mà khả năng tiếp nhận xã hội rất thấp, cháu chậm phát triển về mặt ngôn ngữ, xã hội và thông minh. Tôi vẫn đến thăm cháu, dạy cháu học lúc ấy theo bản giám định thử nghiệm của tôi là khả năng phát triển của một cháu bé gần ba tuổi chỉ ở khoãng mười hai tháng tuổi. Tôi vẫn theo dõi cháu sau khi tôi giới thiệu cháu vào trường dành cho những trường hợp đặc biệt như thế.
Qua những lần thăm viếng ấy, gia đình của bé Daisy rất quý mến và họ coi tôi giống như thành viên của gia đình, còn tôi ngoài nhiệm vụ của một người hướng dẫn giáo dục còn là quan sát cho một tiểu luận án của tôi về trường hợp tự kỷ và sự phát triển của trẻ.

Tôi vẫn ghé thăm Daisy, đọc sách cho bé nghe, và chơi với cháu cùng những đồ chơi nhiều màu sắc và quan sát cho bé. Một đứa trẻ lặng lẽ đến độ người ta không hề biết là có một đứa bé ở trong nhà, không vui, không buồn và lủi thủi như một cái bóng và tôi chính là người bạn duy nhất của bé.

Tôi còn nhớ có một ngày Daisy đã biết đợi tôi đến, lúc ấy cô bé được năm tuổi. Sau khi đọc sách và thăm hỏi cháu xong, Daisy nói với tôi là “con có thể mơ ước không?” “Có chứ!” tôi trả lời với cô bé và khuyến khích bé bằng cách nói là “cô cũng có nhiều ước mơ lắm không phải chỉ là một đâu!”. Tôi nhìn và cười với bé.
Daisy nói với tôi là con ước gì con không bị bệnh! Tôi hỏi bé con bị bệnh gì? –bệnh ngu cô ạ. Không, cô chưa bao giờ nghe là ai có bệnh ngu cả. Chúng ta chỉ chưa biết những thứ mà chúng ta chưa được học, điều đó không thể gọi là ngu. Không ai có quyền nói về một người khác là ngu và chấp nhận người khác cho chúng ta là như thế. Cô bé buồn rầu kể – ba của con nói là con ngu nhất trong nhà cô ạ. Và trong trường học bạn bè cũng gọi con như thế.
Tôi cảm thấy cổ họng của mình nghẹn lại, sau khi nhìn giọt nước mắt rơi ra trong đôi mắt to đẹp của bé.
Tôi giang tay ra để ôm Daisy vào lòng, Daisy là một trong những đứa trẻ của tôi đã bước ra khỏi ranh giới của tự kỷ, cô bé đang bước vào cuộc sống bình thường của những đứa trẻ đón nhận tình cảm và cố gắng hoàn thiện mình trong cách tốt nhất, cháu luôn dành những bức vẽ thật đẹp để tặng tôi, những câu chuyện trong tranh vẽ của cháu đã là một trong những câu chuyện về cuộc sống mà cháu đã cảm nhận được. Những thông điệp yêu thương đó không cần nhìn vào những đánh giá của các bài thử nghiệm đã thực hiện qua cháu, tôi cũng đủ hiểu là cháu đã bước qua một bước dài của mình để trở thành một đứa bé bình thường cho dù những dấu hiệu tự kỷ luẩn khuất đâu đó có thể ngăn cháu trong vấn đề giao tiếp với xã hội khi cháu đang ở trong một giai đoạn khó khăn nào đó của cháu nhưng sự cố gắng hoàn thiện của bản thân vẫn là điều tốt đẹp nhất mà tôi nhìn thấy từ nơi Daisy.

Trước khi về, tôi xin một buổi hẹn ở lần sau có cả cha và mẹ của Daisy và ngày ấy tôi đã cùng với Daisy thực hiện một bài thử nghiệm. Tôi đã làm cho cha và mẹ của Daisy ngạc nhiên về khả năng của bé. Khi Daisy rời khỏi bàn để chúng tôi có thể nói chuyện riêng với nhau, gia đình của Daisy là thế hệ thứ hai sau khi đến Hoa Kỳ cho nên họ có thể nói tiếng Anh trôi chảy vì đã hoàn tất xong bậc trung học.
Tôi nói về sự tự tin của một đứa trẻ, chúng rất cần chúng ta giúp chúng khẳng định về khả năng của trẻ, sự khuyến khích thường rất cần cho một đứa trẻ và từ niềm tin đó trẻ đã cố gắng để đạt được và thoát ra khỏi ranh giới của sự hạn chế.

Mỗi một đứa trẻ là một khám phá và là một bài học mới cho tôi, cũng giống như người lớn trẻ cũng là một con người không ai giống ai cả…và khi làm việc với chúng tôi thường dành khỏang không gian và thời gian riêng cho chúng như: chúng tôi cùng lựa và đọc một cuốn sách với nhau, thường thì tôi để cho trẻ chọn, và sau khi tôi đọc xong cuốn sách ấy tôi luôn khuyến khích trẻ đọc lại cho tôi nghe, cho dù cháu không biết đọc. Sự thông minh của trẻ con rất đáng ngạc nhiên. Có những đứa trẻ có trí nhớ thật tốt, chúng có thể đọc lại câu chuyện và không thiếu một chi tiết. Có trẻ thì tự kể lại một câu chuyện cho tôi nghe theo ý của chúng. Tuyệt vời cho khả năng khám phá và sáng tạo của trẻ con.
Tôi thường nằm trên sàn nhà với chúng cùng với các bà mẹ để lắng nghe chúng nói về những ước mơ lạ lùng và dễ thương trong bộ óc tưởng tượng của trẻ. Thật cảm động khi có bé kể là đã muốn có đôi cánh để bay qua cửa sổ và gặp tôi ở trường học. Nơi đó tôi có một căn phòng lớn đầy đồ chơi dành cho các bé ở mỗi tuần phụ huynh mang các cháu đến để họp mặt. Cô bé không tưởng tượng mình bay qua cửa cái, vì cửa sổ thường có kính có thể nhìn thấy ngoài đường và bay qua cửa sổ là điều dĩ nhiên cho dù cửa sổ không thể đủ cho đôi cánh to và dài như một chiếc xe vận tải của bố.
Uớc mơ đó của bé, tôi đã ghi chú trong hồ sơ của bé và đề nghị những cuộc đi chơi của gia đình cho trẻ có nhiều cơ hội ra ngoài hơn.

Hơn hai mươi năm trôi qua những đứa bé của tôi đã lớn, có thể chúng đã quên tôi như những người thầy đầu tiên trong đời nhưng cũng có những đứa trẻ vẫn tìm gặp tôi để nói về những điều mà chúng tin là tôi có thể giúp chúng giải quyết được (Ôi, quả thật là một gánh nặng vì ngoài lời khuyên tôi không thể làm điều gì hơn vì mọi thứ hạn chế trong xã hội đầy luật lệ này!). Có những đứa bé tôi nghĩ là chúng phải thành công lắm vì chúng thực sự là những đứa bé thông minh. Nhưng chúng chỉ dừng lại ở trung học và sau đó vì có con sớm cho nên đã mai một cả tương lai, tôi xót xa nhìn chúng cằn cỗi và héo úa vì miếng cơm manh áo của cuộc sống, nhưng cũng có những đứa bé đã ra trường và có một việc làm khá tốt. Riêng cô bé Daisy thì đã ra cử nhân và lại tiếp tục học thêm nữa. Thật cảm động khi nhận lời cám ơn của gia đình Daisy, bản tiểu luận của tôi đã xếp lại và nhờ với những bằng khen và lời thẩm định của cô giáo về Daisy tôi đã chứng minh là trẻ tự kỷ vẫn có khả năng phát triển và nhận thức tốt như những đứa trẻ bình thường khác nếu chúng ta cho trẻ cơ hội học hỏi. Tôi không còn làm việc nữa và đã không còn có lý do gì để ghé thăm nhưng Daisy vẫn giữ liên lạc với tôi để kể về những điều cô bé đã làm một cách hãnh diện và tự hào. Điều này không có trong danh sách của người bị tự kỷ, Daisy đã xóa được ranh giới của bất thường và trở thành bình thường trong sự cố gắng của em. Chính từ nơi ấy tôi đã hiểu sâu sắc hơn về sức mạnh của bản thân, của mình và của những người chung quanh.

Cuộc sống là những điều chắp nhặt, gom góp và gìn giữ trong trí nhớ để gọi tên là ký ức. Tôi là một người bình thường với những ký ức tầm thường trong cuộc sống giản dị của một người đã bước ra khỏi đám đông và đang nhìn lại chính mình. Chính những điều đã qua cũng đã làm tôi an tâm sống và nở một nụ cười bình an.

Hồng Lĩnh

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

Bài Mới Nhất
Search