T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Trọng & Quang Khải: Dừng Bước Giang Hồ

. . . Thuở niên thiếu, hằng đêm chúng tôi vẫn ngồi quanh các anh lớn tuổi hơn, nghe họ “song tấu” bằng 2 cây đàn guitar: một cây chạy ngón (lead), một cây đệm hợp âm (accord). Bản nhạc mà các anh thường chơi nhất (và chơi hay nhất) là Dừng bước giang hồ. Dạo ấy chúng tôi cứ nghĩ đây là một bản nhạc nước ngoài, sau này mới biết là do nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác. Một niềm tự hào tràn ngập. . .”

 Hoàng Trọng & Quang Khải: Dừng Bước Giang Hồ

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Giung buoc giang ho -1 Giung buoc giang ho -2

Giung buoc giang ho -3 Giung buoc giang ho -4

Dừng Bước Giang Hồ- Sáng tác: Hoàng Trọng & Quang Khải

Trình Bày: Khánh Ly

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Xem Thêm: Hoàng Trọng – Đường Về

Đọc Thêm:

Nhớ “vua tango” Hoàng Trọng

(Nguồn: Thanh Niên VN)

Nhạc sĩ Hoàng Trọng là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975. Ông đã ra đi cách đây 15 năm, nhưng cái danh hiệu “vua tango” và những ca khúc để đời của ông vẫn còn mãi với thời gian.

Thuở niên thiếu, hằng đêm chúng tôi vẫn ngồi quanh các anh lớn tuổi hơn, nghe họ “song tấu” bằng 2 cây đàn guitar: một cây chạy ngón (lead), một cây đệm hợp âm (accord). Bản nhạc mà các anh thường chơi nhất (và chơi hay nhất) là Dừng bước giang hồ. Dạo ấy chúng tôi cứ nghĩ đây là một bản nhạc nước ngoài, sau này mới biết là do nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác. Một niềm tự hào tràn ngập.

Nhạc sĩ Hoàng Trọng (1922 – 1998) tên thật là Hoàng Trung Trọng, là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc cùng thời với các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát… Ông viết nhạc phẩm đầu tay Đêm trăng năm 1938. Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại rằng thời ông đi hát lưu diễn trong Đoàn xiếc Đức Huy – Charler Miều, ngoài bản nhạc Buồn tàn thu của Văn Cao, ông còn rất thích hát bản Tiếng đàn ai của Hoàng Trọng – đó là một trong những bản được viết theo điệu tango đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, chính ca khúc này đã gợi cảm hứng cho nhạc sĩ Phạm Duy viết bản Tiếng đàn tôi sau này. Những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước, điệu tango còn khá xa lạ với giới thưởng ngoạn, chính Hoàng Trọng đã nâng điệu nhạc này lên đỉnh cao nghệ thuật với hàng loạt ca khúc: Phút chia ly, Gió mùa xuân tới, Nhạc sầu tương tư, Mộng đẹp ngày xanh, Một thuở yêu đàn, Lạnh lùng, Mộng lành, Tiễn bước sang ngang…

Một vinh dự mà không phải nhạc sĩ đương thời nào cũng có được là ông được anh em trong giới đồng lòng tôn vinh là “vua tango”. Người viết đã từng gặp gỡ nữ danh ca một thời vang bóng Mộc Lan, bà cho biết tất cả những bản tango của Hoàng Trọng đều do bà hát đầu tiên… Tìm hiểu cuộc sống của nhạc sĩ Hoàng Trọng, chúng tôi biết rằng vì một lý do nào đó mà ông dắt 3 người con (Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La) cùng một người em gái ruột từ miền Bắc vào Nam. Từ đó ông sống cảnh “gà trống nuôi con” cho đến lúc các con đã trưởng thành.

Được xưng tụng “vua tango” là một vinh dự lớn. Nhưng đừng tưởng Hoàng Trọng chỉ thành công với thể điệu này. Nếu thế lại là một bất công khác đối với tài năng, và những cống hiến giá trị khác của nhạc sĩ Hoàng Trọng, bởi bên cạnh những ca khúc được coi là tuyệt vời với điệu tango, nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng có những ca khúc bất hủ lưu truyền tới hôm nay được viết bằng những thể điệu khác như Ngàn thu áo tím (điệu valse – nhạc Hoàng Trọng, lời Vĩnh Phúc), hoặc như bài Dừng bước giang hồ (điệu pasoble – nhạc Hoàng Trọng, lời Quang Khải).

Sẽ là thiếu sót, nếu nhắc đến Hoàng Trọng mà không nói đến ban Tiếng Tơ Đồng – một ban hợp xướng do nhạc sĩ Hoàng Trọng thành lập năm 1967 và đích thân chỉ huy. Ban nhạc quy tụ khoảng 40 ca nhạc sĩ rất “cứng cựa” chuyên biểu diễn trên đài phát thanh và băng tần 9 đài truyền hình miền Nam. Tiếng Tơ Đồng cũng đã góp phần tạo dựng nhiều giọng ca tên tuổi, đồng thời đưa nhiều sáng tác của các nhạc sĩ đương thời lên đỉnh cao nghệ thuật. Chính nhạc sĩ Thanh Sơn (tác giả Nỗi buồn hoa phượng), trước khi thành nhạc sĩ cũng đã đầu quân về hát trong ban Tiếng Tơ Đồng.

Hà Đình Nguyên

Bài Mới Nhất
Search