T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: PHẠM THẾ MỸ VÀ TÂM TÌNH HIẾN DÂNG


                           

Cứ  tưởng tôi đã quên Phạm Thế Mỹ
Với tôi,  nhạc của ông không có gì  để nhớ, không đa dạng như Phạm Duy, không sang trọng như Cung Tiến, không vừa thơ mộng vừa triết lý như Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Thế Mỹ chỉ vui vui như “Nắng Lên Xóm Nghèo”.
Nhưng trong một buổi hoàng hôn,  ngậm ngùi trông ngày tháng dần qua, đọc lại tiểu sử Phạm Thế Mỹ, tôi bỗng thấy  tội, thấy “ thương” ….cho một nghệ sĩ yêu  quê hương, yêu đất nước nhưng yêu nhầm lý tưởng.
Phạm Thế Mỹ sinh 1930 ở An  Nhơn, Bình Định. Vậy ông đã sống 9 năm kháng chiến (1945-1954) ở liên khu 5 (Nam Ngãi Bình Phú). Ông đã trải qua tuổi thơ trong một nền giáo dục thấm đẫm màu hồng cách mạng.
Năm 20 tuổi (1950) ông là cán bộ tuyên huấn, là phóng viên báo Quân Đội Nhân Dân và có sáng tác đầu tiên Nắng Lên Xóm Nghèo:   

“Bên luống cày đời vui đang nở hoa
ôi áo màu nâu tươi sao đẹp quá
Chân bước về tìm vui đan mái lá và
Nghe tiếng hò hát đưa duyên mặn mà”

Lời bài hát thật dễ thương, không chút sắt máu, không mang màu đấu tranh giai cấp.
Năm 1954, hai ông anh của Phạm Thế Mỹ được tập kết ra bắc nhưng Phạm Thế Mỹ được “cài cắm” ở lại miền Nam để hoạt động nội thành.
Năm 1959 ông vào Sài gòn học ở Quốc Gia âm nhạc và sau đó dạy Việt Văn, âm nhạc ở Sài Gòn.
Ông tiếp tục sáng tác và những ca khúc Trăng Tàn Trên Hè Phố,  Những Ngày Xưa Thân Ái, Thương quá Việt Nam…của ông rất  được yêu thích.
Vào khoảng năm 1965-1966 ông bị đi tù vì có tham gia đấu tranh trong phong trào Phật Giáo.
Ra tù  trái tim ông vẫn ngưỡng vọng về miền bắc thân yêu có các thầy giáo, các  anh trai, các bạn thân của ông, những người con ưu tú của quê hương Bình Định  ông mà ông hết lòng thương mến, kính trọng.
Trong bài  Thương Quá Việt Nam. ông có  năm  lần nhắc đến chữ “Hồng” với tất cả tin yêu.
“Hót cho  mặt trời hồng quê ta”

“Hoa nắng  hồng trên quê anh ”

“Nắng lên hồng ruộng mạ lên xanh”

“Nắng lên hồng nụ cười quê em”

“Nắng thêm hồng ruộng mạ xanh thêm”

Ông mơ một ngày  “Rạng Đông Trên Quê Hương Việt Nam”.
Và trong ca khúc Dựng Lại Quê Hương  Phạm Thế Mỹ cũng  không quên chữ “Hồng”:

“hát cho tổ quốc trăm năm tôn thờ
Hát cho mặt trời hồng lên giấc mơ”

Ngày miền nam được “giải phóng”  trong số những người vui mừng nhất chắc chắn có Phạm Thế Mỹ.
Ông được  làm việc tại phòng văn Hóa Thông Tin Quận 4, Sài Gòn, giờ là  thành phố Hồ Chí Minh.
Vẫn một lòng một dạ tin tưởng về  “mặt trời hồng trên quê ta” ông cặm cụi sáng tác hàng trăm ca khúc cách mạng trong đó có “Nhớ Ơn Bác, Nhớ Ơn Đảng”, “Thấm Đượm Quê Hương”, “Lê Na Belicova”…
Nhưng dường như  tấm lòng trung thành của ông không được ưu ái, những nhạc phẩm cách mạng lộ diện hoàn toàn của ông không được đón nhận.
Bọn trẻ Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Văn Hiên,  Tôn Thất Lập, Phạm Trọng Cầu… lập ra  nhóm  nhạc sĩ  “Những Người Bạn”  không  có tên bạn Phạm Thế Mỹ.
Trần Long Ẩn được nhận chức Ủy Viên Thường Vụ Hội Nhạc Sĩ Việt Nam,
Chủ Tịch Hội Âm Nhạc Thành Phố Hồ Chí Minh oai quyền một cõi.
Còn Phạm Thế Mỹ vẫn là nhân viên bình thường của một phòng văn hóa quận.
Sao vậy nhỉ?
Nghĩ  một hồi,   tôi tự có câu trả lời …cho tôi.
Phạm Thế Mỹ một lòng son sắt yêu “Cách mạng” nhưng ông có vẻ hiền lành, không có quan điểm sắt máu, phê phán miền Nam. Chẳng những thế tội to nhất của ông là người miền Nam cũng  không ghét  ông. Những ca khúc “Trăng Tàn Trên Hè Phố”, “Những Ngày Xưa Thân Ái” là những bài hát quen thuộc với người  dân miền Nam qua giọng ca rất mùi của Chế Linh, Duy Khánh…
Đọc lại lời hai bài hát trên bây giờ cũng chẳng biết đó  là tâm tình  của ông với người bạn cùng quê thuở nhỏ đi tập kết,  giờ là bộ đội giải phóng miền nam, hay  là tình cảm dành cho anh bạn  lính cộng hòa? mù mờ quan điểm cũng là một cái tội!!!
Riêng bài Đan Áo Mùa Xuân, một ca khúc đằm thắm thật cảm động, theo tôi, rõ ràng Phạm Thế Mỹ muốn nói đến nỗi chờ mong của một thiếu phụ luôn thương nhớ người chồng đi tập kết ra bắc,  gần 20 năm rồi chẳng thấy về.
“Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ Là thôi em mong nhớ xuân này chàng có về Hỏi hoa hoa chẳng nói hỏi mây mây lặng đứng Hỏi gió gió ngập ngừng hỏi nắng nắng ngại ngùng”…
  Nếu có chồng là lính Cộng Hòa thì năm nào anh cũng  được một số ngày phép về thăm gia đình.
“Xuân này anh có về”  là nỗi khắc khoải  chờ mong trong vô vọng người chồng không biết bao giờ gặp lại:
“Nhớ xuân xuân năm nào Bên bếp lửa vui, ngồi  đan áo  cho anh Đôi mắt anh dịu buồn nói anh sẽ về Khi máu xương ngừng rơi”
Anh sẽ về khi nào hết chiến tranh?  Ông chồng này chắc chắn  đang ở bên kia chiến tuyến mới phải chờ lâu đến thế.
Còn người chồng hy sinh cả tuổi thanh xuân, hy sinh cả hạnh phúc gia đình để đi theo cách mạng thì sao?
Chúng ta hãy nghe   Phạm Thế Mỹ gửi gấm tâm tình trong vai một chàng chinh phu hoang mang mất phương hướng trong ca khúc “Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non”:
“Em dấu yêu ơi anh đang quay về mười năm xa vắng Anh đã đưa em, đưa em đi tìm một giấc mơ đời
Mười năm lạc loài phải không em? Mười năm hận thù trĩu trong tim
Ta trót vong thân, ta trót vong ân Mang tuổi hoa niên, làm kiếp phong trần”

Sau 1975 ông trở về nương thân với bên thắng cuộc.
Trước khi mất năm 2009, nằm trên giường bệnh, trong căn chung cư nhỏ hẹp ở quận 4, Phạm Thế Mỹ cố hết sức tàn hoàn tất hai trường ca lớn “Con Đường Thế Kỷ” (Đường Hồ Chí Minh) và “Gió Củ Chi”.
Những tác phẩm đầy tâm huyết ấy không biết bao giờ mới được phổ biến,  được  trình diễn, được lắng nghe và yêu thích như   “Những Ngày Xưa Thân Ái”.

Huyền Chiêu

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search