T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Kẻ tị nạn năm xưa nay đã trở về – 08-11-2009



Hải quân Trung Tá Lê Bá Hùng và chiếc khu trục hạm Lassen

Đứa trẻ 5 tuổi, theo cha mẹ rời bỏ quê hương những ngày cuối cuộc chiến tranh gần 35 năm trước, nay đã trở về lại nhà mình.

Anh trở về, không phải trên chiếc thuyền đánh cá mong manh tanh tưởi mùi xác cá mà anh và gia đình đã bước xuống những ngày xa xưa định mệnh ấy. Ngày ấy, bước chân ra đi đâu có nghĩ đến một ngày trở về, vì cuộc ra đi này là tìm sự sống trong cái chết, trong những hiểm nguy của biển cả đang chờ đợi trước mặt. Sức sống của một gia đình đã tìm được nơi ẩn náu, và làm lại cuộc đời. Đứa bé năm xưa, nối bước cha vốn là một con người của biển cả (sĩ quan Hải quân của QL/VNCH), anh cũng trở thành một sĩ quan hải quân, nhưng lại là của quân lực Hoa Kỳ, mảnh quê hương thứ hai gia đình anh lựa chọn khi bị buộc phải lìa bỏ vùng đất chôn nhau cắt rún năm xưa.

Biển cả đưa anh rời quê hương thứ nhất, cũng biển cả đưa anh trở về lại, trên chiếc thuyền mạnh mẽ tối tân, to lớn hơn gấp bội chiếc thuyền nhỏ bé năm xưa đưa anh đi.

Với cương vị Hạm trưởng, vị chỉ huy tối cao, của chiếc khu trục hạm Lassen của hải quân Hoa Kỳ, trị gía 800 triệu đô la, rộng 509 SQF, trang bị đầu đạn Tomahawk hiện đại cùng một thủy thủ đòan 300 quân nhân.

Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành và hiểu biết hơn về nguồn gốc của mình, viên Hạm trưởng Hải quân Hoa Kỳ Trung tá Lê Bá Hùng 39 tuổi này đã có lúc nghĩ đến việc trở về mảnh đất mình bỏ ra đi năm xưa. Nhưng anh không thể tưởng tượng được cái tư thế mà anh sẽ trở về vừa diễn ra tại cảng Đà Nẵng ngày 7 tháng 11 năm 2009. Với tư cách vị chỉ huy tối cao của chiến hạm, các nghi thức long trọng về phía chủ nhà – các giới chức dân sự và quân sự của một chính quyền trước đây đứng ở bên chiến tuyến đối địch với cha của mình – đã phải dành cho vị đại diện của một trong những quân lực hùng mạnh nhất thế giới . Sự hiện diện của viên sĩ quan hải Quân Hoa Kỳ gốc Việt tại vùng đất kỷ niệm của nhiều cuộc giao tranh năm xưa, không phải để nhắc đến một quá khứ hận thù, mà là để giúp kẻ cựu thù (của quân lực Hoa Kỳ mà viên sĩ quan là đại diện) ổn định khu vực lãnh hải rồi đây có thể là bãi chiến trường đối đấu với kẻ xâm lược phương Bắc (Trung quốc). Với cá nhân viên sĩ quan chỉ huy, đây cũng là sự chào đón của quê hương ruột thịt, nơi cội rễ của gia đình ông, nơi ông sinh ra chỉ cách mảnh đất ông vừa đặt chân lên 65 dặm về phía Bắc.

Lịch sử đôi khi có những tình cờ ngọt ngào. Và thú vị. Kẻ tị nạn, chạy trốn xứ sở năm xưa, nay trở về như một vị khách quý của đất nước. Để đối phó với kẻ xâm lược truyền thống phương Bắc, xem ra đất nước (thứ nhất) của ông, chỉ còn có thể trông cậy vào kẻ thù cũ 35 năm trước, mà ông là vị đại diện, đang tươi cười bắt tay từng vị chỉ huy của nước chủ nhà.

Có một điều chắc chắn, vị sĩ quan trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt đang gậm nhấm cái ngọt ngào ấy của số phận. Người cha của ông, hẳn cũng đang cảm thấy vị ngọt ấy, dù ở cách xa cảng Đà Nẵng một nửa vòng quay quả đất, một khỏang cách cả đại dương. Ông nghĩ đến chiếc thuyền mong manh năm xưa dắt con vượt biên. Ông tưởng tượng đến chiếc chiến hạm tối tân con ông bây giờ đang giữ nhiệm vụ chỉ huy. 34 năm quả đã đủ dài để cho nhiều điều tưởng như không thể xẩy ra được đã xẩy ra.

Chỉ còn thiếu cuộc giải hòa cần thiết giữa những người lính năm xưa, vì những tình cờ không ngọt ngào của số phận, vì những oan khiên đau xót của đất nước,  đã đẩy họ đứng ở hai bên bờ một chiến tuyến. 34 năm sau chiến tranh, vẫn chưa có bàn tay nào chìa ra, kể cả từ phía bên tạm được coi là thắng trận.

Cuộc Salute long trọng dành cho vị chỉ huy đại diện của quân lực Hoa Kỳ, hay cuộc chào đón “đứa con xưa đã tìm về nhà”?

Trong số những vị sĩ quan nước chủ nhà đứng chào mừng vị chỉ huy tối cao của khu trục hạm Hoa Kỳ Lassen, có ai là người đã từng tham dự cuộc chiến tương tàn 34 năm trước hay không? nếu có, liệu người ấy có cảm tưởng như thế nào? qua người con, liệu người cha có được chào đón trên mảnh đất quê nhà với tất cả sự trung thực nhất mà con người có thể cho nhau?

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search