T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Khi Vũ Trụ rùng mình

1.

Hơn một năm từ ngày xảy ra trận sóng thần (26 tháng 12 năm 2004) ở ngoài khơi vùng biển Nam Á giết chết khoảng 225 ngàn người, gây ảnh hưởng tàn khốc về mọi mặt kinh tế, xã hội, phát triển của 13 quốc gia trong khu vực. Một năm sau, tình hình ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất vẫn không có dấu hiệu gì chứng tỏ họ đang trên đường bình phục sau một trận thiên tai khủng khiếp có một không hai trong lịch sử loài người.

Đọc lại những dòng chữ còn tươi rói cơn cảm xúc cách đây một năm:

Hơn bao giờ hết, tôi thấy hết được sự bất lực nghèo nàn của ngôn ngữ con người, bất kể đó là thứ ngôn ngữ có hàng mấy ngàn năm cho đến những ngôn ngữ non trẻ ở những quốc gia giàu mạnh, được biết đến hầu như khắp thế giới. Một tuần lễ sau trận sóng thần khủng khiếp, có biết bao điều để nói, vậy mà ngôn ngữ không có khả năng diễn đạt hết. Tôi chỉ thấy những cái miệng ngậm chặt, câm nín. Cả đến tiếng khóc cũng không có nhiều như tôi tưởng. Và vì thế, tôi sợ phải nhìn vào những đôi mắt. Chúng sẽ ám ảnh tôi không biết đến bao giờ. Những đôi mắt khô khốc, không sinh khí, những đôi mắt từ nay sẽ nhìn thế giới với một nhãn quan hoàn toàn khác hẳn.

Người ta có thể đổ vào khu vực thiên tai này hàng tỉ tỉ đô la với những tấm lòng đùm bọc chia sẻ chân thành, như những ngày này cả thế giới đang hết sức bảo nhau làm một chút gì cho những con người khốn khổ kia. Khoa học kỹ thuật tối tân có thể gởi đến những y sĩ với bàn tay kỳ diệu của kiến thức, tấm lòng nhân hậu của từ mẫu, những máy móc dụng cụ y khoa tinh xảo. Những thứ ấy chỉ có thể cứu những người thương tích, làm giảm nỗi đau thể xác, xây dựng lại những ngôi nhà, đường xá, làng mạc. Nhưng chúng vẫn chưa kỳ diệu đến độ có thể đem sự sống cho những xác người cứng đơ nằm kia, chưa kỳ diệu đến độ có thể chữa được những vết thương rỉ máu từ bên trong của những người sống sót, chưa kỳ diệu đến độ có thể trấn an được những nỗi thất thần sẽ theo những trẻ em suốt đời chúng, để mỗi khi bị bắt phải đi tắm, chúng sợ hãi nhìn vòi nước phun ra có dáng dấp của những đợt sóng thần sát nhân ngày nào.

Đứng trước thực tại ấy, ngôn ngữ bỗng thấy mình ngu muội khi vừa định mở mồm, nói gì đến việc sửa chữa, tái tạo. (T.Vấn – Ngày xưa , ở một vùng biển . . .)

Một năm sau, nhìn lại, thực tại đau xót hình như còn nguyên đó, dù đã có biết bao những đồng tiền và con người thiện nguyện đổ vào chia sẻ nỗi đau, sự mất mát, niềm tuyệt vọng và trên hết, nỗi khiếp sợ cho thân phận con người trước mối đe dọa của thiên nhiên.

Ngay đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế cho những người bị nạn, cũng không hẳn đã được chia xẻ đồng đều đến những người cùng chung số phận. Bài học đau xót, sau một năm, không chỉ là nhận thức được rằng, sức người vẫn chỉ có hạn trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên, mà còn là không phải tất cả các nạn nhân trong một biến cố không may được giúp đỡ ngang bằng với nhau. Cái khoảng cách hiện hữu trước khi xảy ra trận sóng thần giữa những nạn nhân với nhau, sau cơn sóng thần – những tưởng rằng khoảng cách ấy sẽ bị xóa sạch – khoảng cách ấy, vẫn hiện hữu như thể thách thức mọi nỗ lực nhằm loại bỏ chúng. Ở một làng chài lưới của Ấn Độ, những người có tài sản – dù nhỏ bé – như thuyền , lưới đánh cá, được giúp đỡ nhiều hơn là những người suốt đời đem sức lao động đi làm thuê trên những cánh đồng cỏ cháy. Các cơ quan thiện nguyện- và cả chính quyền Ấn Độ – dường như không biết đến những người nghèo khó – những người không mất gì trong cơn tai biến – nhưng thực ra, họ lại là những người bị ảnh hưởng nặng nhất. Sau cơn bão, họ không có công việc để làm. Mà sự trợ giúp chỉ nhằm giúp họ đứng được trên đôi chân. Chân đứng được rồi, nhưng không có cơ hội để cho thuê sức lao động, thì cuộc sống cũng chẳng hứa hẹn gì đỡ tăm tối hơn. Trong khi đó, những kẻ có chút ít gia sản – chiếc thuyền đánh cá, chiếc xe chở khách – lại được đền bù cho sự mất mát của họ.

Kết quả, khoảng cách vẫn còn đó. Có nơi, khoảng cách ấy, rộng hơn trước khi trận thiên tai xảy ra.

2.

Điều xảy ra ở Ấn Độ, ở Nam Dương, chẳng may cũng xảy ra ở New Orleans, ở Biloxi, nước Mỹ, sau cơn bão Katrina tàn khốc. Sự trợ giúp của chính quyền, của các cơ quan thiện nguyện nước Mỹ, cũng không tránh khỏi được khuyết điểm mà những nơi khác nghèo khổ, kém văn minh hơn, phạm phải. Vẫn những người nghèo, những người không có gì để mất – không có cả chiếc xe làm phương tiện đi đứng – là những người chịu thiệt thòi hơn cả. Họ đâu có gì mất để được đền bù. Mặt khác, nhiều tháng sau cơn bão, thành phố vẫn tan hoang, lếch thếch, nhơ nhớp. Kẻ giàu cũng như người nghèo, người có tài sản lẫn kẻ đi ăn nhờ ở đậu, cũng cần một chỗ để an cư gia đình, cần một công ăn việc làm để tồn tại. Nói cách khác, ai cũng cần có một cuộc sống bình thường để sống. Nhưng thực tế, dù đó là thực tế của một nước Mỹ hùng mạnh, đã từng đem hàng tỷ tỷ đô la trợ giúp các nơi cần trợ giúp trên thế giới, vẫn không khác thực tế của những mảnh đất nghèo khổ đang vất vưởng trên mặt hành tinh này.

Định chế xã hội, phát sinh và tồn tại tự phát từ những chênh lệch gây nên bởi con người, môi trường và lịch sử, do đó, chúng phát triển theo quy luật riêng của chúng bất chấp tính ưu việt của một thể chế chính trị dân chủ (như nước Mỹ) hay những thể chế còn nặng tính gia trưởng, phong kiến hay độc tài (như ở các nước châu Á).

Những định chế ấy, sẽ còn chi phối mọi sinh hoạt xã hội. Và vì thế, New Orleans sau cơn bão Katrina hay một làng quê hẻo lánh ở Ấn Độ sau Tsunami có khác nhau chăng chỉ là về mức độ.

3.

Đọc phóng sự chuyến đi New Orleans cứu trợ các nạn nhân bão của phái đoàn báo chí Dallas –Fortworth , tôi lại thấy mình “lạc quan tếu” khi trước đây, tôi đã phóng bút rằng “Sau khi nước rút đi, sẽ trơ ra một New Orleans đầy ắp rác rưởi, xác người xác thú, một New Orleans nồng nặc sự rữa nát của quá khứ. Cũng chẳng sao, người ta sẽ dọn dẹp sạch sẽ thành phố. Người ta sẽ dựng nên những căn nhà đẹp đẽ hơn, đồ sộ hơn, ngăn nắp hơn. Những con đường sẽ thẳng tắp hơn, bằng phẳng hơn, rộng rãi hơn. Chuyện đó chẳng có gì khó với nước Mỹ. (T.Vấn – Lời tình buồn gởi New Orleans)”.

Tác giả bài phóng sự (Ca Dao số 124 -03-12-05), anh bạn họ Đặng của tôi, đã cho tôi nhìn rõ cái ảo tưởng của mình về nước Mỹ. Tất nhiên, mọi việc cần thời gian. Dù giàu có như nước Mỹ, cũng không thể một sớm một chiếu mà tái tạo lại được thành phố với rất nhiều di tích, thắng cảnh hút lòng người. Nhưng ít ra, tôi không trông đợi bạn tôi mô tả những “. . . khu phố vùng East Bank với cảnh vật gần như hoang tàn, thỉnh thoảng mới thấy một vài tụ điểm có nhiều người tới lui. Thường đó là xe phát thức ăn, nước uống của American Red Cross. Dọc theo xa lộ 10 và những đường phố lân cận khu East Bank, hầu như phố xá vẫn còn nguyên những đổ nát, rác rưởi khắp nơi, xe cộ hư hại còn vương vãi đây đó . . . ” hay ” Bước xuống xe nhìn khu nhà mới sang trọng mà vài tháng trước đây tôi có dịp ghé đến, giờ này là một vùng tan hoang không thể tưởng. Những căn nhà lớn hai tầng không căn nào còn nguyên vẹn, có cái đã đổ sập xuống như một đống gạch vụn, có cái đã bị nước lũ cuốn trôi đi mất . . . “

Hơn ba tháng trời sau cơn bão mà khu vực “vẫn còn đủ vết tích của sự kinh hoàng“.

Đã có những lời phàn nàn đây đó về sự chậm lụt trong tiến trình hồi sinh của thành phố, về sự bất công trong những trợ giúp cho nạn nhân, kẻ có vẫn cứ có, người không vẫn cứ không.

4.

Vừa rồi, ở Sài Gòn cũng có vài trận động đất nhỏ – mà có người ở đó đã ví von rất ngộ nghĩnh là cơn rùng mình của vũ trụ. Tuy chưa gây ra thiệt hại nào đáng kể, nhưng nó cũng đủ làm xáo trộn cái não trạng của người Sài Gòn, từ trước tới giờ chưa hề biết đến những thiên tai. Thế là, trong một sớm một chiều, những thông tin về động đất, nguồn gốc gây ra động đất, lịch sử những trận động đất của loài người được dân Sài Gòn để mắt đến thật kỹ lưỡng. Hàng đêm đi ngủ, đã có những lời chúc nhau bình an, nếu chẳng may sáng hôm sau thức dậy thấy mình bị đè dưới hàng bao lớp gạch ngói xi măng sườn sắt (giả sử như vẫn còn tỉnh táo để nhận ra mình bị đè bởi những đổ nát của tòa nhà cao tầng vì địa chấn 6, 7 độ Richter). Giả sử như Sài Gòn trải qua một trận động đất làm hư hại nặng nề cấu trúc xã hội hiện tại, liệu sau đó, cái khoảng cách giữa giới lớp buôn thúng bán bưng, nhặt túi ny lông sống lây lất qua ngày với từng lớp tư sản đỏ, đi những chiếc xe giá năm bẩy chục ngàn đô la, ở những căn biệt thự đến Việt Kiều nằm mơ cũng không thấy – cái khoảng cách xã hội rộng hơn cả trước 1975 ấy có bị san bằng đi hay không?

Tôi không tin điều ấy xảy ra. Cũng như tôi đã từng vỡ mộng, sau biến cố 30 tháng tư – 1975. Khi ấy tôi tưởng rằng, dù chủ nghĩa Cộng sản có lừa bịp đến đâu, ít nhất nó cũng không cho phép cái hố cách biệt giàu nghèo lớn ra, nếu không muốn nói là nó sẽ làm hết sức để kéo người giàu xuống cho bằng kẻ nghèo. Nhưng, ngay đến cái điều chí ít ấy, cũng không tồn tại lâu. Định chế xã hội , bất chấp cái độc tài bao biện của chủ nghĩa Cộng sản, vẫn tìm được đường sống riêng của mình. Hơn thế nữa, nó còn chứng minh hùng hồn rằng – theo cái cách của nó – chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là không tưởng.

5.

Một năm đầy những thiên tai đáng sợ cho nhân loại đã qua đi. Nhưng ai dám cả quyết , sẽ không còn nữa những tai họa thiên nhiên. Và chúng ta nhận thức được một điều, trên mặt đất này không có một chỗ nào được gọi an toàn để ẩn náu. Điều đáng sợ hơn nữa, nhân loại vẫn sống và đối xử với nhau như thể không có những đe dọa ấy lơ lửng như thanh gươm Damoclès lơ lửng trên đầu.

6.

Vũ trụ càng ngày càng giống như con người. Dễ bị cảm cúm, hắt hơi, rùng mình, chảy nước mắt. Khi vũ trụ hắt hơi, con người thấy giông bão. Khi vũ trụ rùng mình, con người thấy động đất. Khi vũ trụ chảy nước mắt, con người thấy lụt lội.

Cuối cùng, khi vũ trụ bị dịch cúm gà, liệu con người có thấy Ngày Phán Xử Cuối Cùng đến hay không?

© T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search