T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NHÀ VĂN GAI GÓC CỦA XỨ XƯƠNG RỒNG

nguyenleuyen

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên

Nguyễn Lệ Uyên, bút danh nghe rất dễ bị nhầm. Cứ tưởng đó là một nữ sĩ, người mà các ông nhà văn cỡ nhớn tin rằng chỉ có mình mới có thể nâng đỡ dìu dắt cô em văn nghệ chập chững bước vào ngôi nhà văn học. Chỉ văn kỳ thanh thôi các ông đã vẽ ra đủ trò mơ mộng, huống chi là kiến kỳ hình. Nên trong lễ trao giải, các ông trong ban giám khảo chắc mẩm thế nào cũng sẽ được trao tận tay, nhìn tận mặt một người nếu không chân dài thì ít ra cũng không phải là người bị trời bắt xấu.

Nhưng, bé cái nhầm!

Người lù lù bước lên nhận giải không õng ẹo thướt tha, mà là một ông gồ ghề, da nâu sậm, tay chân gân guốc còn hơn một nông dân chính gốc.

Lại càng nhầm đến méo mặt khi truy ra lý lịch, hắn là một tay ngụy, một kẻ cứng đầu không chịu làm con cừu đi theo lề phải mà cứ nghênh ngang đi sang lề trái.

Mà trong cái đám lề trái cũng có nhiều kẻ tin rằng anh ta lấy tên người yêu cũ hay tên vợ làm bút danh, như Võ Phiến nói lái tên vợ là Viễn Phố!

Thật ra, Lệ Uyên chỉ là tên một ngôi làng làm muối ở Sông Cầu*.

Xương rồng cũng là tên do anh cảm khái đặt ra, để gọi Tuy Hòa, thành phố của quê hương sau khi tiêu thổ kháng chiến chỉ còn là những đống gạch vụn với cây gai bàn chải. Đó là một loại cây trong họ xương rồng, gai của nó dài và nhọn, nhỡ giẫm phải là đau bỏ mẹ.

Văn anh cũng vậy.

Khi giữ mục Người và việc trên Thư quán bản thảo, anh ký Ng. (có thêm dấu ngã), hết châm chích các quan đầu tỉnh đến các quan văn học, đến nỗi vợ anh và chị Yến, vợ Trần Hoài Thư phát hoảng phải xin anh ngừng lại (vì sợ công an mời làm việc, sau đó dùng dây thun tự tử!).

Trước sau, anh là cái gai xương rồng rất khó chịu. Anh từng bảo, trâu già sợ gì dao phay, hết châm chích anh xoay ra chửi. Trong Nhật ký thằng điên, anh chửi tuốt, nhất là cái lý thuyết Mắc Le (Marx Lénin).

Nhưng với các bạn đi cùng một lề, anh viết về họ với tất cả dịu êm và sâu sắc của một người tri kỷ. Những trang viết về thơ của Đỗ Hồng Ngọc, về tranh của Thân Trọng Minh là những trang tùy bút tuyệt hay.

Anh là một nhà văn thẳng tính, không chịu được những cái nhập nhèm, lượn lẹo, nhất là những ai muốn kiếm cái hão danh bằng cách đi chàng hảng, một chân ở văn học hải ngoại, một chân ở hội nhà văn trong nước.

Chính vì vậy mà anh không thèm chơi với người một thời là bạn văn,  khi anh ta hãnh diện khoe hình đứng thắp hương trước đền thờ một tên đồ tể. Hay tuyệt giao hẳn với người đã thay đổi một nhân vật từ một sĩ quan ngụy thành một tay anh chị để tác phẩm được xuất bản.

Anh rất khoái Dương Nghiêm Mậu khi nói tôi đâu phải là con chó lúc nào cũng chạy theo một khúc xương.

Có thể anh chưa viết được gì nhiều và trong cái nền văn học tạp pí lù này anh cũng chẳng để lại gì, nhưng cách sống của anh, ngòi bút của anh chính là cái nhân cách cứng như thép, lóng lánh như vàng ròng không bao giờ bị rỉ sét cho dù sự tác động của quyền lực, tiền tài có khi còn mạnh hơn cả nước cường toan.

Điều đáng nói ở một cây gai xương rồng, ấy là khi giẫm phải, rút gai ra rồi mà vẫn âm ỉ đau. Cây gai ấy, nói như Nguyễn Đình Chiểu, đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Mà những thằng gian ấy trong thời buổi XHCN này nhiều vô thiên khủng.

Không tà, nhưng cũng mỏi mệt lắm rồi. Ai già mà không ốm đau mỏi mệt. Trong ngôi nhà cũ giờ đã sửa lại, anh đặt trước hiên hai chiếc ghế và một cái bàn để đối ẩm. Nhưng bạn cũ kẻ ở xa, người đã mất, nên vẫn chỉ một mình anh ngậm ngùi ngồi “uống chút nắng tàn trong chiếc ly không”*!

Ngày nào anh sửng sốt kêu lên khi đọc Những tháng năm cuồng nộ, bảo rằng Khuất Đẩu là một nhà văn mới toanh. Mới nhưng không phải trẻ, anh tin chắc như vậy dù chưa gặp mặt. Và rồi khi lần đầu tại sân ga Tuy Hòa kẻ đến là tôi, người đón là anh, không cần gọi tên cũng biết người trước mặt mình là ai, như thể đã quen biết nhau từ lâu lắm. Lần đó anh đưa tôi về nhà trên con đường trời mưa trơn trợt mà sau này mới biết đêm trước nhà dột anh bắc thang xem sao, bị té gãy tay.

Xiết bao là cảm động!

Anh là vậy đó, thương ai là thương tới bến.

Nhưng rồi, đã đến lúc phải gửi lời chào từ biệt. Chào chiếc ghế dưới bóng một cây mận già, chào cái giếng sâu nước trong và ngọt, chào đêm tối nằm trước hiên nhà nghe gió đồng vi vu, chào anh chào chị, “ngày sẽ hết, tôi sẽ đi dù không biết đi đâu”*

Khuất Đẩu

7/12/2017

*thơ Lữ Quỳnh và Bùi Giáng,

*LU là tên 1 ngôi làng chuyên làm muối ở Sông Cầu. Năm Đệ Tứ, có dịp đi ngang qua giữa trưa, Nắng chang chang, đồng muối trắng đến lóa mắt. Những diêm dân cào, gánh muối… nhìn từ xa là những khối đen đúa, nhỏ bé giữa màu trắng tinh khiết… Tôi nhận ra: cái khốn khổ ẩn mình trong màu trắng đẹp đến nao lòng. Một bức tranh nhân thế hoàn hảo. Vậy bèn lấy tên này làm bút danh. (lời của NLU)

 

 

©T.Vấn 2018

Bài Mới Nhất
Search