T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Mai Lĩnh: Gởi vào hư không lời tạ lỗi với bạn hiền

Lời Giới Thiệu: Chuyên mục Tù Khúc trên trang T.Vấn & Bạn Hữu đang chuẩn bị để tạm kết thúc phần đầu của công việc. Chúng tôi muốn nhân cơ hội này được nhắc nhớ đến hai người hát Tù Khúc từ trong tù cho đến khi đến được vùng đất tự do, và nay tuy họ đã không còn sống nữa, nhưng tiếng hát bất khuất ngày nào của họ vẫn còn được bạn hữu giữ gìn để chúng vang vọng mãi đến tận đời sau. Một trong hai người đó là anh Trần Gia Tỏan. Bài viết dưới đây của anh Lê Mai Lĩnh, một người bạn tù của Trần Gia Tỏan, kể lại đọan đời sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ, đọan đời cũng gian truân không kém. Lê Mai Lĩnh kể lại, để được khóc giọt nước mắt muộn màng tiễn bạn về bên kia con sông chia cách. (TV&BH)

 

Khi người bạn tôi, anh Nguyễn Tiến Việt, báo cho tôi biết Trần Gia Tỏan đã qua đời, mắt tôi rưng rưng ngấn lệ. Nhưng đến khi nghe theo T.Vấn, tôi vào trang Web của anh, mục Tù Khúc, nghe giọng hát của Tỏan với ca khúc Ngày Xa Đà Nẵng , thì tôi đã khóc thật sự. Khóc như mưa đổ, như thác gào. Cô con gái lớn của tôi, tay phải nắm lấy vai tôi, tay trái xoa vào lưng tôi. Cháu gái thứ hai thì lấy napkin đưa cho tôi lau nước mắt, trước computer, trong tiếng hát của Tỏan, Trần Gia Tỏan.

Thế là, giấc mơ tôi từ khi ra hải ngọai, được ngủ với Tỏan một đêm, được cụng ly với Tỏan trong một cuộc rượu và nói lời xin lỗi với Tỏan và vợ con anh đã không thể thực hiện.

Đành rằng cuộc đời là phù vân. Đành rằng sống chết là lẽ thường. Đành rằng cuộc đời là vô thường, sắc sắc không không.

Nhưng với tôi, cái chết của Trần Gia Tỏan nằm ngòai điều tôi dự liệu. Có một cái gì đó sớm sủa quá, oan nghiệt quá. Tại sao?

Một.

Trên chuyến tàu từ Bắc vào Nam cuối năm 1980 chở đầy xiềng xích, hai người chung nhau một còng số 8, có tôi và Trần Gia Tỏan.

Sau đó, tôi và Tỏan được trại biên chế chung vào đội nông nghiệp, ngủ chung một phòng.

Ngày lại ngày, mọi sinh họat giữa chúng tôi đều như nhau.

Không khí sinh họat khi đã vào Nam được tự do, thỏai mái hơn khi còn ở ngòai Bắc. Thêm vào đó là có gia đình thăm nuôi đều đặn, lúc người này, lúc người khác, nên cà phê và trà không còn là thứ hiếm hoi. Có trà, có cà phê, tức là có nhạc vàng, có họp mặt, có nụ cười và tiếng hát mỗi đêm. Bên trái chỗ tôi nằm là Phong Đầu Bạc, phân biệt với Phong Râu (tức Trần Ngọc Phong, tác giả “Chúa nhật của người tù”). Bên trái tôi là anh Phạm Văn Bình, thi sĩ, tác giả bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc rất nổi tiếng “Chuyện Tình Buồn”. Bên phải của Phạm Văn Bình là Trần Gia Tỏan.

Tỏan là người năng nổ nhất và hát nhiều bài nhất của mỗi đêm văn nghệ. Chỗ nằm của tôi và Phong Đầu Bạc biến thành “Sân khấu về đêm”.

Hầu như đêm văn nghệ nào, tôi cũng phải ngồi nghe hay di tản chiến thuật để dành chỗ cho sân khấu về đêm.

Những đêm đầu nghe là thích, nhưng những đêm sau nghe là bị “tra tấn”. Người “tra tấn” tôi nhiều nhất là Trần Gia Tỏan.

Có một lần tôi bị bệnh sốt Gia Rai, đêm đêm không làm sao ngủ được. Tôi bày tỏ sự giận dữ, giận hờn và tôi đề nghị Tỏan, nếu không ngưng thì phải tổ chứcăn nghệ về đêm thỉnh thỏang thôi, chứ không thể liên tục hàng đêm như thế được. Những người khác họ không nói ra, nhưng tôi nghĩ họ cũng không muốn bị “tra tấn” mãi như thế được.

Lời đề nghị của tôi không được Trần Gia Tỏan và mấy ông máu ca hát nghe theo. Từ đó, tôi tỏ ra không còn thân thiện với Tỏan như trước.

Và điều khốn nạn đã đến với tôi.

Đó là:

Vào một lần gia đình thăm nuôi, tôi tổ chức một bữa cơm thân mật mời bạn bè, tôi đã không mời Trần Gia Tỏan như những lần thăm nuôi trước. Tôi xem đây như một sự trả thù. Thế nhưng, khi đang ngồi ăn phía sau hàng hiên của căn nhà đối diện, tôi thấy Trần Gia Tỏan cầm chén đũa ra bể nứơc rửa, tôi hối hận quá. Tôi thấy mình hèn mọn, nhỏ nhoi, ti tiện, bủn xỉn, xấu xa, nói chung, tôi thấy mình đã mất tình người.

Nỗi đau này tôi mang theo khi ra khỏi tù. Nỗi đau này đeo đẳng tôi cho tới ngày hôm nay. Kể cả bây giờ, khi đang ngồi viết những dòng này.

Hai.

Năm 1989, tôi được một người bà con nhờ quản lý một đại lý bán bia và nước ngọt ở phường Tân Phú.

Dù là tiền của người khác, nhưng nó nằm trong tay, trong túi tôi, nên tôi được chi tiêu thỏai mái.

Tôi gặp Trần Gia Tỏan vào thời gian này tại chợ Ông Tạ, đường Thọai Ngọc hầu. Tôi đưa bạn về quán nhậu của tôi với cái tên rất văn nghệ: Quán Bên Đường

Quán Bên Đường là tên một bài thơ của Quang Dũng, chính thi sĩ Phan Lạc Giang Đông đã chọn cho tôi tên quán.

Tôi mời Trần Gia Tỏan điểm tâm một tô phở. Bấy giờ, tôi cho hai chị em một cô gái đặt xe phở trước quán. Bấy giờ tôi không có ý niệm cho thuê mặt bằng gì cả. Vả lại, hai cô này rất đẹp, tôi thì lại thích nhìn gái đẹp.

Trong lúc ăn tôi có hỏi Trần Gia Tỏan, là tiền vốn cho một chuyến buôn gạo thồ bằng xe đạp là bao nhiêu. Trần Gia Tỏan nói là 30 ngàn đồng

Sau khi Tỏan ăn xong, tôi đưa cho Tỏan 30 ngàn đồng và nói: tôi cho bạn mượn số tiền này làm thêm vốn, khi nào có bạn trả lại tôi, tôi trả lại cho bà chủ.

Trước khi Tỏan ra về, tôi có dúi vào tay Tỏan một bao thuốc Jet. Điều này thì tôi không nhớ rõ lắm. Có thể nay mai, ngày mốt hay ngày kia, khi gặp Tỏan bên kia suối vàng, bên kia thế giới hay gặp Tỏan nơi thiên đường hay địa ngục, tôi sẽ hỏi lại Tỏan điều này và tôi sẽ thưa lại cùng quý bạn hữu.

Ba.

Qua năm 1990, Quán Bên Đừơng phá sản, mà, quán phá sản vì tôi, vì tôi mê gái và nhậu.

Tôi có máu văn nghệ và được khách mệnh danh là ông chủ quán văn nghệ, vui vẻ nhất thế giới.

Ai muốn ghi sổ tôi cũng cho ghi. Khách mời tôi một điếu thuốc Jet, tôi mời lại khách nguyên gói. Khách mời tôi một chai bia, tôi mời lại khách nguyên cả thùng bia.

Vì bà chủ không phải là chủ ngân hàng hay nhà máy in tiền, nên nhìn sổ nợ sau một năm tôi quản lý quán là 1,520,000 đồng, tôi biết trước số phận của mình. Tôi xin nghỉ việc và mang theo cô gái Huế là người nấu bún bò huế rất Huế của Quán Bên Đường.

Lúc này, tôi đang lo hồ sơ H.O. Hàng ngày, tôi đi vay nợ để ăn và lo dịch vụ. Tôi nghĩ đến Trần Gia Tỏan. Hay nói theo ngôn ngữ nhà binh, Trần Gia Tỏan nằm trong tầm ngắm của tôi. Và lúc này, tôi biết mang máng, mục tiêu là Gò Vấp.

Phải công nhận ông đại úy an ninh quân đội Trần Gia Tỏan khá nổi tiếng. Tôi lên Gò Vấp tìm Tỏan không mấy khó khăn.

Lần đầu tôi tìm đến nhà, Tỏan đi vắng. Những đứa con thì không biết Tỏan đi đâu.

Mục tiêu đã có. Tầm ngắm đã không sai. Hãy thư thả.

Hai tuần sau với chiếc xe đạp, tôi lên đường, Gò Vấp hướng.

Tôi gặp Tỏan ngồi bên quầy thuốc lá. Tôi ngỏ lời về khỏan nợ 30 ngàn đồng. Tỏan nói với tôi đang bị kẹt, hay bạn cho tôi qua Mỹ gởi về trả bạn. Lúc này Tỏan đã được phỏng vấn xong. Tôi biết ý Tỏan là nếu để qua Mỹ bạn sẽ trả cho tôi vài trăm đô la. Nhưng đang chạy gạo từng ngày, làm sao tôi chờ vài trăm đô xa quá.

Cuối cùng, sau nhiều lúc nhìn nhau ngao ngán và xấu hổ, tôi đề nghị với Tỏan: Hay là bạn cố gắng trả cho tôi 15 ngàn, còn 15 ngàn tôi tặng cho bạn. Sau vài phút lưỡng lự, Tỏan kéo hộc tủ thuốc lá đếm đủ 15 ngàn đưa cho tôi. Trước khi về, Tỏan có mời tôi một điếu thuốc Apsara

Bốn.

Nói theo ngôn ngữ bóng đá, cuộc đấu giữa tôi và Tỏan kết quả là 2-1. Tôi thắng Tỏan một trái: hào sảng cho bạn mượn tiền; nhưng tôi lại thua Tỏan hai trái (Một và Ba): Không mời cơm và Đòi nợ.

Hôm nay, nhân đây, tôi xin có lời tạ lỗi với anh và vợ con anh.Tôi cũng xin tạ lỗi những người bạn của Trần Gia Tỏan.

Rằng thì là, tôi đã sống không vuông tròn, không đẹp, với anh em bạn bè.

Lời cuối với bạn ta, Trần Gia Tỏan.

Tôi sẽ ngủ với bạn, tôi sẽ cụng ly trăm phần trăm với bạn. Và bây giờ thì tôi cũng sẽ hát như bạn.

Vào một ngày nào đó, bên kia sông. Đã quá cận kề.

Hãy ngủ yên, bạn ta, Trần Gia Tỏan.

Pittsburgh/Pennsylvania

5 tháng 9 , 2012

Lê Mai Lĩnh

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search