T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Thị Huệ : Võ Phiến, Văn Chương Mất Trí Nhớ

(Nguồn: gio-o.com)

Thời kỳ sau chiến tranh Quốc Cộng ở thủ phủ tỵ nạn Nam Cali  Tờ Văn Học Nghệ Thuật  do Võ Phiến thủ lĩnh như ngọn cờ dương cao chính nghĩa Văn Chương Hải Ngoại.

Văn Chương Hải Ngoại.  Viết Tiếng Việt. Tiếng Việt Hải Ngoại Muôn Năm. Tôi à la xô tiến lên đoàn hùng binh. Viết cái chuyện Cánh Hoa Trước Gió bối cảnh một phòng trọ ở đường số 4th DT San Jose. Cô bán bar Mỹ nhí nhảnh học ESL trên đường số 5th Chùa Nhật khu Japanese Town làm nguyên mẫu. Tôi gửi cho tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến năm 1979.

Võ Phiến đăng ngay.  Nhắn tin gấp.  Còn quảng cáo ngon lành trên tờ Văn Học Nghệ Thuật.

Nền Văn Chương Việt Nam Hải Ngoại ra đời trong tôi.

Rồi tôi nhân được cú hẹn hò gặp gỡ ông.

Tôi gặp ông Võ Phiến và bà Viễn Phố ở nhà ông Trí Đăng, nhà xuất bản có bìa sách đẹp ở Sài Gòn  khỏang thời gian trước 1975. Lúc đó ông Trí Đăng vừa tị nạn đến San Jose, cùng chung thành phố điện tử vàng ẹ nơi tôi sinh sống.

Lần khác. Nguyễn Hữu Nghĩa đình đám tờ Làng Văn ở Toronto Canada làm một số đặc biệt về Võ Phiến vào khỏang thập niên 1980, khi nghe nhà văn Võ Phiến mổ tim. Lúc đó tờ Làng Văn thuộc loại nổ long trời hải ngoại vì tài làm báo giỏi giang của cặp Nguyễn Hữu Nghĩa và Nguyên Hương. Tác giả bản nhạc Du Ca bất hủ Anh Sẽ Về viết thư kêu tôi viết giúp một bài về nhà văn Võ Phiến, vì theo thư Nguyễn Hữu Nghĩa gửi tôi, khi ông hỏi nhà văn Võ Phiến muốn mời những tác giả nào viết về ông, thì nhà văn Võ Phiến kể tên 5 người, Lê Tất Điều, Võ Đình, Hồ Trường An, Lê Thị Huệ, một người nữa mà tôi quên mất tên. Tôi không biết Nguyễn Hữu Nghĩa có nói thật hay không. Tôi đã không viết gì trong số báo Làng Văn ấy

Vào tháng Hai năm 2001, nhà văn Võ Phiến chủ động tìm cách liên lạc với tôi sau chuyến tôi đi Việt Nam cho Sabbatical Leave ở Hà Nội. Ông nhờ nhà văn Nguyễn Mộng Giác tìm địa chỉ nhà tôi, để gửi cho tôi một lá thư hỏi thăm về kinh nghiệm ở Việt Nam thời điểm ấy.

Tôi ngạc nhiên và hơi áy náy.Vì giữa khỏang thời gian này nọ, tôi không liên lạc.  Tính tôi vốn ít liên lạc với mọi người. Tôi trả lời thư ông một cách rất thành thật và kính trọng đặc biệt.

Rồi tôi đã chẳng đi thăm ông trong quãng thời gian dài hơn ba mươi năm ông sống ở ngôi nhà 5621 Baltimore Street, Los Angeles.

Cuối tuần 19/10/2012, tôi ghé xuống Nam Cali thăm bạn.Tôi gọi điện thoại gặp được bà Viễn Phố, vợ ông. Bà làm tôi cảm động khi nhắc lại cuộc gặp gỡ ở nhà ông Trí Đăng ở San Jose lần đầu tiên ấy. Bà vẫn nhớ cuộc gặp gỡ.  Bà  Viễn Phố nói những điều ngắn, linh hoạt, và sắc sảo, và chứng nhận điều nhiều người nhận xét về bà. Bà đứng sau lưng điều động sự nghiệp của nhà văn Võ Phiến.

Tôi nhắc bà lúc xưa, có dạo tôi bị nhà văn Túy Hồng và Lai Hồng rủ làm báo Phụ Nữ Ngày Nay ở  Seattle vào khỏang những năm 1980, tôi  soạn ra câu hỏi, tôi muốn phỏng vấn bà Viễn Phố chứ không phải phỏng vấn ông Võ Phiến.  Tôi tò mò về bà. Nhưng bà đã tìm cách nói “Không”

Bà Viễn Phố trả lời mấy câu hỏi của tôi qua điện thoại. Rằng thì việc in sách Quê Hương Tôi trong năm 2012 với tên Tràng Thiên thay vì Võ Phiến là việc bà biết và đồng ý để cho Nhã Nam làm. Khi tôi hỏi tại sao không để tên Võ Phiến, bà nói vì Việt Nam không muốn để tên Võ Phiến. Ông Võ Phiến lúc viết ở Bách Khoa có 3 tên, Tràng Thiên, Thu Thủy, Võ Phiến. Tôi nói với tôi tên nào cũng được bác ạ. Khi tôi hỏi bà Viễn Phố có những người gửi thư đến gio-o nhờ hỏi nhà văn Võ Phiến một số điều, bác trả lời thế nào ạ. Bà Viễn Phố nói, bây giờ chúng tôi đã tuổi hạc. Nhà tôi bây giờ đã lost memories, vậy nhờ cô nói lại với các bạn trẻ muốn tìm hiểu gì xin các bạn tự tìm hiểu lấy.  Bà cho biết là toàn bộ các tác phẩm của nhà văn Võ Phiến đã được đưa vào di chúc ủy nhiệm lại cho một người con.

Tôi nói tôi muốn đến thăm ông bà nhưng bà nói không thuận tiện.

Võ Phiến giờ đã lost memories.

Tôi bay trở lại Bắc Cali. Suốt buổi chiều ngồi ở phi trường Long Beach – San Francisco chờ chuyến bay của JetBlue trễ 3 tiếng đồng hồ, tôi ôm cái com của mình đi qua ghế này ghế nọ, muốn viết một cái gì về sự Mất Trí Nhớ của một nhà văn hải ngoại Người Việt đan xen, Người Việt hai phần (hyphen). A hyphen Vietnamse- American.

Hội chứng Dementia. Quên được là một thứ thủ dâm tự sướng . Về già tôi mong tôi sẽ lãng quên đời vì chứng bệnh Mất Trí Nhớ. Tôi mong tôi chết đi trong bệnh Alzheimer.

Lost Memories! Mất Trí Nhớ! Thiệt là một mối tò vò sống và là loại tàng chữ lãng mạn.  Và.  Tuyệt!

Tôi không thể thực hiện nhưng tôi tưởng tượng được gặp nhân vật tiểu thuyết Võ Phiến trong trạng thái của một kẻ mất trí nhớ.  Và tôi có thể ngồi ngắm nhìn ông, pha một tách cà phê, và viết hối hả, viết xối xả về một cõi văn chương mà tôi gặp gỡ qua một chiếc lọc của Lịch Sử Lớn.

Tôi có cảm tưởng tôi thích lại gần một Nhân Vật Văn Chương Hải Ngoại mất trí nhớ như ông hơn.

Võ Phiến. Tôi không biết khi ông gạt những tên người ra quyển Văn Học Miền Nam Tổng Quan ông đắc chí như thế nào. Còn tôi khi tôi muốn biến ông thành một nhân vật tiểu thuyết, tôi chỉ thấy trong lòng tôi nổi lên một sự nghịch ngợm.Và tôi chỉ muốn tủm tỉm cười. Tôi thích biến Võ Phiến thành một nhân vật tiểu thuyết mất trí nhớ.

Hành động thủ tiêu tên tuổi ra khỏi bộ nhớ của quyển Văn Học Mìền Nam Tổng Quan của Võ Phiến có thể là sự trả thù lơi khơi. Trả thù là một trạng thái vô thức của trí nhớ của những người stateless. Khi mà sức mạnh kẻ cả vai vế Lịch Sử Lớn đã phủ trùm và bóp nát sự đớn đau của một Cá Nhân Nhỏ.  Sự bị tước đoạt quê hương như thế này, thì cái lỗ hổng nhớ nhớ quên quên là cái bi kịch tất yếu để trả thù Lịch Sử Lớn tàn ác vứt quẳng Cá Nhân Nhỏ ấy ra khỏi Quê Hương chào đời.  Ám ảnh trả thù trí nhớ, thứ hệ quả tất yếu của đời sống tỵ nạn chính trị trên đất thù Lịch Sử Lớn.

Bất lực trước Kẻ Thù Lịch Sử Lớn hắn lại đâm ra bựa với Cá Nhân Nhỏ một cách may rủi. Ai trúng đạn rán chịu.

Có thể vì thứ kinh nghiệm này mà Võ Phiến đã viết quên tên và viết chàm vài tác giả quan trọng trong bộ sách tham vọng Văn Học Miền Nam Tổng Quan trong thời gian ông lưu vong tỵ nạn ?

Tự Do cho người viết hải ngoại cái phởn phơ muốn viết gì thì viết. Nhớ nhớ quên quên hay thủ thuật chơi game trí nhớ là bàn cờ defensive của Văn Chương Hải Ngoại.  Mất Trí Nhớ, Nhớ Nhớ Quên Quên, hay Bôi Quệt Mực Đen vào mảng tên của những người quen trong quá khứ,  là một cá tính khốn nạn nhưng làm gia tăng nồng độ tiểu thuyết tính. Một thứ ám ảnh khó lọt nia lọt sàng đầu óc những kẻ đã viết tiểu thuyết. Một người đã sáng tác, đã đánh đĩ với bi kịch để tạo nên những bản viết, giờ quay sang viết phê bình mà lại ôm đồm đòi phê bình to lớn đến mấy nghìn trang sách trong một thời gian ngắn, Võ Phiến hơi bị quá chén chữ trong vai trò phê bình gia của bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan.

Nguyên tắc hơn. Đáng lẽ một bộ văn học lớn như tham vọng của tác giả thì nên có một bộ phận đọc và sửa chữa những thiếu sót và lỗi lầm nghiêm chỉnh ấy. Việc Võ Phiến đã bỏ sót những tên tuổi trong bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan là lỗi chính của Cơ quan The Asia Foundation – Quỹ Á Châu http://asiafoundation.org/ của Mỹ trụ sở ở New York đã cấp tiền cho ông viết bộ phê bình văn học này. Với tôi đây là lỗi lầm khách quan của cơ quan đã tài trợ cho cuộc nghiên cứu của Võ Phiến.  Đáng lẽ The Asia Foundation phải có một bộ phận chủ biên đọc kỹ và xét kỹ các chi tiết trong sách. Tôi ngạc nhiên về sự làm ẩu tả của một tổ chức lớn như cơ quan The Asia Foundation. Vì với sách do các đại học lớn như Berkeley, Princeton, Columbia ở Mỹ in ấn, bộ phận chủ biên của họ đọc kỹ vô cùng. Họ xét từng câu chữ, từng chi tiết và đòi hỏi sự chính xác đến gần tuyệt đối.

Đáng tiếc là nhà văn Võ Phiến đã không bổ túc những thiếu sót trong những lần tái bản sau. Vấn đề là sách biên khảo sách phê bình cần sự chính xác. Khác với sách sáng tác có thể có yếu tố ghét và thương ở trỏng.

Cú ngoạn mục khác của vở diễn Văn Chương Mất Trí Nhớ của nhân vật chính Võ Phiến là mới đây sách của thủ lĩnh quờn trở lại quê cũ mở chương đầu của việc tái bản sách của Văn Chương Mất Trí Nhớ ở Việt Nam.  Mà quyển sách đầu tiên không đăng đàn vai chính Võ Phiến lừng danh mà là tên vai phụ Tràng Thiên.  Có thể hành động cho in sách lai ở Việt Nam với cái tên Tràng Thiên là việc của người khác làm thay ông. Vì khi tuyển tập Quê Hương Tôi của Võ Phiến do Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam tháng 9 năm 2012, thì  ông đã Mất Trí Nhớ nên làm sao ông còn biết tên Võ Phiến, Tràng Thiên , Thu Thủy, Quê Hương hay Đất Nước tên nào lại tên nào.

Cho nó bi kịch đời lên. Bi kịch nữa lên, nhân vật tiểu thuyết tôi ơi.

Dù sao đi nữa, tính bi kịch của chuỗi biến cố nhớ nhớ quên tên mình tên người khác vây quanh nhân vật Võ Phiến làm cho tôi thấy thủ lĩnh Văn Chương Mất Trí Nhớ chói lòa một thứ ánh sáng tiểu thuyết mà chỉ có loại người sáng tác nào đó mới thâm cảm được tính chất bùi nhùi trong chương viết về lịch sử của nền Văn Chương Hải Ngoại Việt Nam này.

Tôi mời gọi các thân hữu viết về tác phẩm và tác giả Võ Phiến khi ông đã lost memories, ông không còn đọc và hiểu những điều người khác viết về ông hay nữa.  Lời cám ơn dịu dàng của vợ ông bà Viễn Phố khi nghe tôi ngỏ lời, khiến tôi ngậm ngùi.

Cám ơn sự đóng góp của các tác giả Túy Hồng, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Thị Hải Hà, Phan Thanh Tâm, Đặng Đình Túy, Hoàng Xuân Sơn, Nguyễn Tà Cúc, Chu Ngạn Thư  cho gio-o.com. Tôi gửi thư mời 14 tác giả và nhận được sự hợp tác của 9 vị. 8 người đã gửi bài.

Nhà thơ Chu Ngạn Thư  từ trong nước với công lao tìm những ấn bản cũ và scan gửi sang cho, thật là công trình. Đặc biệt trong thời đại net, khi mà kỹ nghệ in ấn sách đã đi vào lịch sử.  Nhìn những trang sách thơm thảo mùi giấy cũ do thi sĩ cung cấp,  ai đã từng đam mê sách vở đều lấy làm tiếc thương mầu và mùi hương của giấy, nghệ thuật chữ in và trang trí sách, của các họa sĩ và các nhà xuất bản, ngày nào nay đã thành cổ tích.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Tà Cúc lần đầu tiên gửi bài. Bài viết của Nguyễn Tà Cúc gio-o.com giới thiệu lần này có những luận điểm nặng nề dễ gây tranh cãi, nhưng tôi vẫn quyết định cho lên.

Lê Thị Huệ

11.2012

Lê Thị Huệ hiện là nữ chủ biên một mình, chọn lọc bài viết và điều hành luôn phần kỹ thuật cho trang www.gio-o.com

Thư của nhà văn Võ Phiến gửi Lê Thị Huệ ngày 16/02/2001

… ” Cuốn “Tổng Quan” đã in lần thứ 3, có bổ sung nhiều. Nếu có dịp sử dụng đến, thì chị nên sử dụng bản in sau cùng, để được đầy đủ hơn.

Anh chị em cầm bút thời 54-75 ở Miền Nam, nhiều người phiền trách tôi về bộ sách này lắm. Tôi chịu trận thôi . Viết mà cốt cho ai cũng …  thương (!) thì thành ra cái quái gì.

Bộ sách ấy có lọt được vào nước, được sao lại phổ biến ngầm . Nhiều ít thì tôi không biết. Riêng phần tôi chẳng “phổ biến” được gì cả, vì sách dày in tốn kém quá, mà tặng biếu làm tổn hại cho nhà xuất bản nhiều qúa! Mình ngại ngùng.

Tôi bây giờ suy yếu rồi, không còn nghĩ tới chuyện về nước nữa, chị à .  Vả lại có về cũng chẳng làm được gì ích lợi cho ai. Mà thân thuộc, bạn bè, tôi lớp tuổi mình trở lên hầu hết đã qua đời cả. Đối với lớp dưới tuổi, họ ngơ ngác lạt lẽo, không hứng thú trò chuyện với mình !

Thấy chị còn nhiều gắn bó với quê hương, còn hoạt động được nhiều cho VNam, tôi mừng, và … hơi ganh tị.

Thân chúc chị mọi sự như ý

Võ Phiến

Los, 02. 2001

© gio-o.com 2012

Bài Mới Nhất
Search