T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lưu Na: NGẬP NGỪNG LỐI CŨ (Kỳ 2)

Phố Cũ – Tranh: Mai Tâm

3.

Ngày thật nóng và thường mưa lúc 4 giờ chiều khiến mọi dự tính càng mỏi mệt.  Ngà nửa muốn đi chơi xa cho khỏi phí những ngày về thăm quê, nửa muốn ở nhà với gia đình.  Chờ mọi người trong nhà cùng rảnh để có một chuyến đi, chờ Loan xong chuyến ra Trung trở về, sự chờ đợi như bầu không khí oi bức trước cơn mưa – ngày càng to rộng như muốn vỡ toang mà không thể.  Ngà muốn được đi trên những con đường của thành phố.  Khởi đầu những chuyến tắc xi.  Đường phố bây giờ sạch sẽ và bớt ồn ào hơn cách đây 7 năm (người ta nói mỗi năm là đã mỗi khác).  Nhiều cao ốc, nhiều công trình xây dựng mới hơn, nhưng Ngà mừng nhất là những hàng cây xanh phần nhiều vẫn còn nguyên đó, đặc biệt trên những con đường nhỏ.  Góc đường nào cũng có thể có bồn hoa hoặc cây cảnh.  Xe chạy dưới những hàng cây cao mang lại cho Ngà những kỷ niệm êm đềm, những hình ảnh đã bao năm nằm trong trí nhớ cho dù nay đã khác xưa.  Ngà ước ao thành phố ngừng phát triển ngừng xây dựng, để Ngà còn có thể về lại chốn xưa mà không phải ngỡ ngàng như Từ Thức về trần, nhưng Ngà biết năm sau trở lại có thể những hàng cây này sẽ được thay bằng một cái gì khác hào nhoáng hơn, và cái cao ngất của cổ thụ trong lòng phố nhỏ rồi sẽ là một tiếc thương mới chồng lên những tiếc thương.  Nhưng thôi, hãy sống ngay bây giờ với tàn lá ấm.

Anh chị luôn gọi Grab cho Ngà, một dạng Uber bên Mỹ, vì Grab rẻ và tiện, chỉ cần bấm app.  Vài ba lần, Ngà thấy ra không tiện và cũng không rẻ hơn taxi thường.  Dùng app phải luôn có Wifi, không phải ai cũng mua, và rồi vẫn phải nói qua điện thoại để xác định vị trí, nghĩa là phải qua 2 chặng.  Giá cả của Grab mắc trong giờ cao điểm, muốn rẻ phải đi những giờ phố tạm vắng, mà công việc hẹn hò nào có chờ ai!  Anh VinaSun xác nhận: giá Grab bây giờ cũng tương đương với taxi, chỉ tại người ta nhập tâm cái chuyện Grab rẻ. 

Ngà vào xe, anh tài xế chào đón:

Chị đi thẩm mỹ viện hay đi nha sĩ?

-À, tôi đi Diamond PlazaNgười đi taxi thường là đi thẩm mỹ viện và nha sĩ hả anh?

Dạ, Việt kiều về đây nhiều nhất là đi 2 nơi ấy, kế đến là chỗ mua sắm và ăn uống.

-Nhưng ai cũng giống ai, làm sao biết là dân địa phương hay Việt kiều?  Chắc Việt kiều ăn mặc lôi thôi chứ không tươm tất như người mình phải không?

-Không phải vậy, nét mặt họ khác.

-Khác cái gì?

-Trông họ sáng láng thoải mái hơn!

Ngà cười thầm, anh này mất quan điểm lập trường quá, nhưng anh đã nói tiếp,

Cách nói chuyện cũng khác.  Họ ít khoe và hay hỏi!  Ngà tự hỏi không biết anh có nghĩ mình hỏi vớ vẩn!  Như để giải thích cái chuyện ai sáng láng hơn ai, anh nói tiếp:

Ở đây giàu thì rất giàu, khoe thì không còn chỗ.  Đi xe mô tô phân khối lớn giá hơn trăm nghìn đô mà mặc quần short tennis áo polo.  Người ta ở Mỹ đội nón bảo hiểm to, mặc quần áo da để bảo vệ thân thể còn chưa xong…  Xe to máy rất nóng, chỉ cần nó đổ đè lên người thì chết bỏng.  Cái bọn khoe ngu…

Anh nói tiếp năm ba câu chuyện về cung cách của khách hàng gọi taxi.  Ngà ngẫm thấy giới tài xế cực quá.  Họ lái xe một ngày 10-12 tiếng, 6 hay 7 ngày một tuần mới mong đủ sống.  Với giá xăng leo thang như bây giờ mà mỗi người khách gọi taxi rồi bỏ đều khiến cho tài xế thiệt thòi: hoặc họ phải từ chối mối khác trên đường đến đón mình, và cả tốn xăng nếu như đến nơi hẹn mà người gọi taxi đã nhảy lên xe khác cho nhanh hơn được 5, 3 phút! 

Anh taxi dừng xe, chỉ lối vào cho Ngà và dặn cách gọi taxi lúc ra về.  Yên tâm! 

Ngà dạo quanh nửa giờ và nhận ra, hàng hiệu, dù là quần áo, mỹ phẩm, hay đồ tiêu dùng đều tựa như xe hơi, giá mắc hơn bên Mỹ.  Riêng cái khoảng xe hơi thì phải nói là chóng mặt: xe cũ giá gấp đôi, xe mới gấp 3 gấp 4, và xe sang gấp 6 gấp 7 thêm các khoản phụ phí đổ mồ hôi.  Mới hay dân mình bây giờ giàu hết biết.  Không tìm được món hàng mình cần, Ngà ra đúng cửa khi nãy anh taxi dặn và lên xe về.

-Anh có đủ tiền thối tờ 500 không?

-Dạ em vừa hết vì thối cho khách trước.

-Chết rồi, tôi chỉ có bốn mấy ngàn.

-Không sao, chắc đủ rồi, mà thiếu chút đỉnh nhằm nhò gì.

Cái giọng miền Nam chân chất khiến Ngà tin anh nói thật, nhưng Ngà vẫn gọi anh rể.

-Em trên taxi, khoảng 10 phút nữa tới ngõ, anh mang tiền ra chuộc em nha!

-Rồi rồi, anh rể cúp.

Anh taxi lắc đầu,

-Em đã nói là không sao, mà như nếu có muốn trả đủ thì nói ảnh đem ra cho mượn một hai trăm ngàn, chớ chi đến nỗi phải chuộc!  Ngà cười òa,

-Là nói cho vui đó thôi, chứ biết em có lòng tử tế, chỉ là không muốn em thiệt thòi.

Xe tới đầu ngõ, anh rể vừa ra tới, tài xế hô: ba mươi lăm ngàn, em đã nói là đủ mà!  Ngà trao hết số tiền bốn mấy ngàn cho anh, lòng thật mát!

Anh rể cười cười, ba lăm ngàn cuốc xe đó thì rẻ, hắn đã không nhấn ga bấm số với dì.  Ngà thấy thương họ, quả những lời đồn trên mạng rằng dân Sài gòn sởi lởi không sai.

Vẫn còn sớm, Ngà gói mấy tấm áo dài vào bao rồi gọi Lan lấy địa chỉ và lại trở ra đầu ngõ đón taxi.

Đường đến nhà Lan cũng khá xa và địa chỉ có vẻ không rõ ràng.  Ngà dùng google để dò đường phụ tài xế.  Em nói chuyện rất dễ chịu và lịch sự, cái chuyện tên đường và số nhà chợt dẫn đến các loại xe! 

Xe VinFast lấy mẫu của Bi Mờ đó chị, em nói.  Hm, Bi Mờ, Ngà tự hỏi em từng ở Mỹ?

Như vậy là mình mua quyền sản xuất hả em?

Dạ đúng.

Giá thành chắc là mắc, đâu ai mua để làm taxi phải không?

-Dạ xe nhỏ thì cũng không mắc, nhưng mua xe loại nào là tùy nhu cầu.  Xe dùng cho taxi không cần sang mà cần bền và dễ sửa, ít tốn xăng.

Cái cách trả lời và kiến thức của em khiến Ngà chợt thấy lạ.

-Em có học đại học không vậy?

-Dạ em có bằng kỹ sư điện tử.

-???

-Những việc em tìm được chỉ toàn là “sale” chứ không đúng ngành học.  Làm một thời gian em chán nên cho phép mình nghỉ 3 năm.  Em lái taxi để bù đắp, không dè kẹt thêm hai năm Covid.  Để qua rồi thì em sẽ trở lại tìm việc!

Ngà nhớ tới hai bận làm nghề taxi bất đắc dĩ của mình.  Lần đầu là công việc trong chương trình vừa học vừa làm dành để trợ giúp cho học trò đại học cộng đồng, lúc Ngà vừa qua Mỹ.  Trong ba tháng hè ấy Ngà đã đưa đón một ông họa sĩ Việt Nam đi bác sĩ nhà thương gì đó.  Tên của ông Ngà đã có nghe qua, nhưng lúc ấy cuộc  sống nhiều nỗi lo toan nên Ngà chẳng nhớ được tên ông sau đó.  Lần thứ hai làm công việc tài xế chỉ là chuyện tình cờ nhưng đã lưu lại lòng Ngà nhiều điều suy nghĩ. 

Lúc ấy Ngà mỗi chiều vào nhà dưỡng lão với Má, tiện thể thỉnh thoảng mua giúp cho người này món đồ chở giúp người kia một đoạn đường.  Ngà gặp ông bà ngay tại nhà dưỡng lão ấy, vào thăm một người bạn già vừa xuất viện cần được chăm dưỡng.  Khi Ngà ra về, thấy hai ông bà đang lúng túng vì không liên lạc được với người đón, Ngà đã mau mắn nhận lời chở giúp ông bà về nhà.  Ngà không hiểu điều gì nơi ông bà khiến Ngà sinh lòng lân mẫn, là cái giọng Bắc nhẹ nhàng của Hà Nội xưa hay là sự từ tốn dè dặt của những người muôn năm cũ, là gì cho đến bây giờ Ngà vẫn không phán định được, nhưng chẳng bao lâu sau Ngà hưu non và đã trở nên một người tín nhiệm thân tình để đưa ông bà đi đó đây.  Ông nhất quyết trả tiền công, Ngà chỉ muốn giúp đỡ.  Hai bên thỏa thuận giá cả mỗi buổi đưa đón là một bữa ăn trưa.  Bà cười vang sung sướng.  Những buổi đón đưa ngày một kéo dài và thường xuyên hơn.  Không chỉ đi ăn, đi chợ, Ngà kiêm luôn thông dịch viên trong những buổi hẹn với văn phòng chính phủ, thành người chăm sóc sức khỏe những khi bác sĩ dặn dò, người liên lạc những khi bạn già không ới được nhau và muốn gặp nhau, luôn cả công việc lặt vặt tìm mua những gì cần thiết…  Cái job lương ăn trưa ấy chiếm một phần đời của Ngà.  Nhờ chăm sóc Má mà Ngà có thể giúp ông bà đắc lực, nhưng cũng nhờ ông bà mà Ngà hiểu nhu cầu của Má hơn.  Trong việc giúp người đã đến cuối đường, Ngà thấy được những con đường chưa kịp bước qua: những khi ngồi vào tay lái là những khi Ngà tìm đến được kho tàng văn hóa cũ.  Vào xe bà thường dành ngồi ghế sau cho rộng rãi, ông thường ra trước ngồi bên tài xế vì không muốn cách biệt!  Bà thường cười khanh khách thú vị những khi ông ung dung nhẹ nhàng thản nhiên kể những câu chuyện động trời của Sài gòn xưa.  Ông là một cái kho của rất nhiều chuyện hậu trường văn nghệ văn gừng, chuyện thật chuyện giả, cũng là một tay chơi dông dài của ngày tháng cũ.  Nơi ông, cái kiến thức và kinh nghiệm hòa trộn nên một suy nghĩ vững vàng, một suy tư khác biệt và mới, so với cái văn hóa khá cũ đã hình thành nên chính ông.  Rất lạ, Ngà thấy ông cũng là một dạng năm bảy lá gan, nhưng cũng lại chính ông là người chăm chút cho bà từng li từng tí một cách kín đáo bằng tất cả sức lực và cố gắng của một thân thể héo tàn run rẩy mệt mỏi.  Có những buổi đi xa, Ngà kiêm luôn việc thu xếp sao cho thích hợp và dễ dàng với ông bà.  Dặm đường lái xe chỉ còn bị giới hạn bởi sức người, cho đến một ngày.  Ngà trở lại sau chuyến nghỉ hè 3 tuần, ông gọi Ngà đến đón, chỉ mình ông.

-Cô đâu rồi hả chú, bịnh hay sao?

-Bà ấy mất rồi! 

Ngà thẫn thờ.  Vẫn biết phải có ngày này bởi bà đã ngày một yếu đi với căn bịnh bất trị, nhưng khi nó đến người ta vẫn phải bàng hoàng.

Ngà chở ông thăm thẳm một con đường, chờ lời yêu cầu cho điểm đến, cho một điều gì đó cần làm.  Nhưng không có gì cả.  Ông chỉ lặng im suốt một giờ ngồi trên xe, nét mặt hững hờ xa vắng.  Sau cùng ông nói:

-Tôi không được thấy mặt bà ấy phút sau cùng.  Bà ấy chết khi vừa đến bịnh viện.

Lại thêm nửa giờ im lặng qua đi.  Ngà ngỏ ý muốn được thăm mộ, ông gật đầu.

Chặng đường mới bắt đầu, với mỗi 10 giờ sáng ông gọi đưa đi mua ly cà phê rồi ra mộ ngồi.  Cái bóng gầy héo hắt, ánh mắt xa xôi.  Ông chỉ ngồi được 10 phút, đủ cho Ngà thắp ba nén nhang, sắp xếp chậu hoa mới mang đến, dẹp bỏ vài cành lá khô… Rồi ông quay bước ra xe, chân thấp chân cao như kẻ vô hồn.

Một ngày khi bó nhang để trong cốp xe đã hết, ông đòi đi ăn.  Ngà khấp khởi mừng thầm ông đã trở lại được nhịp sinh hoạt cũ.  Ông ăn từ từ chậm rãi, ăn cho có, ăn để mà ăn.  Và ông nói, nói những lúc ông chợt giật mình thấy mình ngồi trước màn ảnh computer không khóc mà nước mắt ràn rụa, thấy nụ cười và ánh mắt nơi khuôn hình của bà dõi theo ông mỗi khi ông bước quanh trong căn phòng khách nhỏ.  Cho dù bao nỗi hắt hiu tràn đầy trên mặt trong mắt, giọng ông vẫn đều đều thản nhiên.  Ngà chở ông về căn gác nhỏ.  Lên đến cửa ông từ từ chậm rãi mở khóa và quay lại nhẹ nhàng bảo Ngà:

Từ đây về sau cô không cần đón tôi nữa, cô nhớ bảo trọng

Ông vỗ nhẹ lên cánh tay Ngà thay cho lời giã biệt.  Cánh cửa xanh thẫm khép lại.  Ngà lái xe về, tự hỏi trong những năm vừa qua mình đã ăn với ông bà bao nhiêu bữa trưa, mình đã đi với ông bà bao nhiêu dặm đường, mình đã cười bao nhiêu trận lo bao nhiêu điều, đã biết hết chưa Sài gòn ngày tháng cũ?  Hỏi để mà hỏi, Ngà không trả lời mình.  Tài xế e có khi phải chở quá nặng cuộc đời.

Đến rồi chị, em taxi nhẹ nhàng nói.  Ngà trả tiền, chào em, đôi bên chúc nhau những lời vui vẻ và Ngà tưởng như mình đã nói chuyện với một người quen bên Mỹ! 

Ngà vào nhà Lan, cái chuyện trước tiên là vào phòng ngủ nằm ngả xuống giường chờ máy lạnh làm dịu mồ hôi.  Vẫn lấn quấn câu hỏi “làm sao sống được,” như thể mình có dự định về lại quê nhà để dưỡng già.  Hai đứa nằm bên nhau nói chuyện tào lao rồi dẫn nhau ra vườn chụp hình.  Mồ hôi vắn dài, được khoảng một tiếng thì chấm dứt chương trình “tạo dáng!”  Lan cho Ngà ăn bánh hỏi heo quay và lẫu rau các loại với mì.  Ăn bát canh rau thật mát ruột, Ngà bỏ qua các món khác và tận tình xơi món lẩu.  No kềnh, lại chuyện tào lao.  Ngà nghĩ, người ta có thể nói chuyện xã giao qua quýt, nhưng tào lao đòi hỏi một quan hệ có cả chiều dài và chiều rộng để có thể thò chân xuống mà khuấy động mặt hồ.  Tình bạn thường hình thành một cách bất ngờ không tùy thuộc vào sự lựa chọn, và tuổi thọ của nó cũng lại định bởi những cơ duyên của cuộc đời.  Với một người đã muôn dặm xa quê như Ngà, điều gì còn lưu giữ được đều trở nên quí giá.

Gió chợt mát lạnh và trời dịu hẳn xuống.  Ngà nhìn đồng hồ.

Thôi tao về, trời mưa đón xe lật đật lắm.

-Ừ, vậy thôi nha.  Chữ thôi âm thầm rơi xuống, mình chưa chia tay nhưng đã từ giã nhau ở nơi này.  Ngà vào taxi, thấy mình lại “một mình làm cả cuộc phân ly.”

4.

Hết dự tính đi chơi này phải bỏ vì quá mắc đến dự tính đi chơi kia thua vì hết phòng, cả nhà đành tái bản đi “Vũng Tàu” bởi đi xa hơn phải tốn nhiều ngày và như vậy sẽ không đủ mặt mọi người. 

Vũng Tàu, bãi Trước dơ đến nỗi chỉ dám thò chân nhúng xuống nước cho có!  Ngoài các thực phẩm đồ biển là chính, Vũng Tàu còn có cỡ 18 tiệm bánh khọt bên cạnh các tiệm ăn khác.  Các món bình dân và rẻ tiền ngày xưa bây giờ trở thành món đặc biệt tựa như những con gì gì đó mình chả bao giờ muốn ăn giờ thành đặc sản!  Đi qua 10 cái bùng binh và độ hơn chục tiệm cơm niêu thì đến được tiệm cơm niêu “chuẩn!”  Vì đã gọi trước đặt bàn luôn cả món ăn nên gia đình Ngà được xếp chỗ cùng lúc với một nhóm trẻ và trẻ con hơn chục người đã đợi từ trước.  Thức ăn dọn ra, bên kia khiếu nại luôn một thể cái chuyện xếp bàn, cái chuyện bàn bên tới sau ăn trước.  Nhưng không thấy họ thắc mắc sao bàn bên có thức ăn mà không có cơm – cơm nấu không kịp!

Cái giọng oe óe cứ lanh lảnh bên tai suốt buổi ăn, gọi hết món này sang món khác, họ ăn như không biết no!  Và cái giọng oe óe ấy còn vang suốt luôn cả thời gian ở Cấp, hầu như khắp mọi nơi.  Từ cửa phòng ra đến bãi tắm, từ chỗ đậu xe đến quán ăn, nơi vui chơi công cộng…  Rất tự tin, rất thoải mái, như toàn bộ đất đai lãnh thổ đều là sân nhà mình.  Thanh niên tuổi đôi mươi còn mang theo cả bộ dọc tẩu thuốc lào kéo ro ro trước cửa tiệm trong lúc chờ bàn.  Thảng hoặc nghe được một giọng trầm, một tiếng nói nhỏ nhẹ thì mới tin là mình không đi lộn đất.  Anh chị em chỉ nhìn nhau mà cười.  Không biết ở những địa điểm du lịch khác có âm thanh gì chờ đợi mình…

Ngà về đến Sài Gòn thì hâm hấp sốt.  Bác sĩ cho miếng giấy đi thử máu.

Viện Pasteur không nhận thêm thử nghiệm vì thiếu nhân viên, đành phải vào Chợ Lớn.  Trung tâm này lớn thứ 2 sau Pasteur, xe đến xe đi người ra người vào như hội chợ.  Chưa kịp vào cửa, một thanh niên giống như bảo vệ chặn lại.  Anh ta chỉ tay ra phía bên phải, bảo:

-Chị đi tới một chút là văn phòng ghi tên thử nghiệm, cửa này hiện đang chuẩn bị cho xe cấp cứu vào.

Ok, đi tới.  Bước vào, một lô nhân viên ra nhận giấy, điền sổ sách, nộp tiền và dẫn lên lầu gặp “bác sĩ.”  Trong vòng 10 phút lấy xong mẫu máu và nước tiểu, mời xuống lầu chờ lấy kết quả.  Ngà chưa kịp khen sự mau chóng đắc lực và đổi mới của dịch vụ y tế thì được mời ra bàn kế toán.

-Em trả lại chị 425 ngàn, xin chị ký vào sổ.

-Tại sao?

-Tại vì dịch vụ của em  không thể thực hiện thử nghiệm máu phức tạp như toa của chị đòi hỏi.

-Ủa, đây không phải…

-Tụi em có người đưa chị qua nhà thương chính ở bên cạnh!!!

Ngà vẫn chưa hiểu hết mọi sự, bước chân theo người thanh niên vào nhà thương.  Anh ta giúp ghi tên, nộp toa, và đóng tiền, rồi mới nói rõ:

-Bọn nó cò mồi dẫn khách cho văn phòng thử nghiệm tư ngay sát bên nhà thương.  Họ không phải trực thuộc nhà thương.

Ngà nghĩ tới lớp lớp người vào ra nơi cái phòng thử nghiệm lập lòe ấy mà ái ngại, nhưng nỗi ái ngại chưa lên tới đâu thì phải nhường cho sự hồi hộp không biết mình đã có rước thêm vào người thứ bịnh gì qua mũi kim lấy máu của họ. 

Họ chỉ có thể làm những thử nghiệm đơn giản, không chắc tìm ra được bịnh trạng gì mà tính giá tiền gấp ba lần giá nhà thương đòi.  Những người nghèo mắc bịnh e chết trước khi tìm được đúng bịnh, vào được đúng nơi chữa trị.  Về đến nhà thì Ngà cũng nghĩ ra, rằng chính anh thanh niên đưa Ngà trở lại nhà thương cũng là trong bọn cò mồi, bởi nhà thương chẳng ai quởn mà ra giúp dân!  Anh ta sợ bị chửi thay cho đồng bọn nên đóng vai anh hùng cứu mỹ nhân ngu!  Cái ngọt ngào xởi lởi của người Sài Gòn chỉ còn như giọt sương hiếm hoi trong trời nắng hạn.  Ngọt ngào ấy cũng có thể cắt ngọt đến xương.

Nỗi ngao ngán khiến Ngà quên cả cơn sốt đang hành hạ.  Ngà bật cười khi nhớ đến sự khác biệt: cái phòng thử nghiệm dỏm ấy có số nhân viên bằng một nửa số lượng khách hàng, dẫn dắt mời chào nhanh như chớp, bước một bước qua nhà thương chính thì không ai nhìn mình và không ai chỉ dẫn mình.  Có lẽ đó là một đặc điểm để phân biệt chân giả!

Anh chị có vẻ ái ngại, nhưng lòng Ngà còn ái ngại hơn khi nhìn hai mái đầu điểm bạc.  Sáu mươi lăm tuổi, đã phải nghỉ làm từ lâu vì luật lao động nhưng lại không có lương hưu vì không phải là công chức.  Không có trợ cấp xã hội họ sống bằng gì?  Chút tiền dành dụm còm cõi sao đủ để vào bịnh viện Việt Pháp hoặc những bịnh viện tử tế tính rất nhiều tiền?    Dẫu trời sinh voi sinh cỏ, dẫu hy vọng xã hội ngày càng tốt đẹp vẫn hiện diện, lòng tin vào nhau lại sẵn sàng bị cướp bất cứ lúc nào.  Ngà nằm mãi trên phòng không buồn xuống ăn cơm.  Mai này lại bỏ lại anh chị với cuộc sống không có gì để “hồ hởi” sao thấy lòng thắt lại không yên.  Má, Má ở đâu, Má còn có thể bảo bọc cho những đứa con như ngày nào nơi dương thế?  Trời đổ cơn mưa chiều, Ngà xuống thắp cho Má và em nén nhang, đốt cho nó điếu thuốc rồi lại trở lên phòng.  Trời buồn chăng giăng giăng mưa lạnh-Đất mừng chăng hứng nặng giọt sầu.

Cơn sốt còn mang đến cho Ngà một cơn ác mộng.  Ngà thấy mình chợt dưng bị lùa ra khỏi nhà, đến ở một nơi hoàn toàn xa lạ.  Leo thoát được ra thì cũng không biết đi đâu vì đâu đâu cũng là những người lạ mặt theo lệnh của những ai ai vô hình để buộc mình tuân thủ một luật lệ cũng không rõ là gì.  Ngà cố biện giải rằng mình có công dân Mỹ, có sổ thông hành Mỹ và muốn được trở lại Mỹ, nhưng trong cơn mơ Ngà biết đó là điều bất khả.  Hóa ra nỗi ám ảnh 30 năm trước tưởng đã tan biến nay lại từ tiềm thức trỗi dậy.  Nỗi hoang mang như biển nước tràn, phủ dập mình.  Ngà vùng dậy – mồ hôi bết ướt hai thái dương.

Ngà vừa hết sốt thì Loan cũng trở lại Sài Gòn.  Ngà rủ Loan qua nhà mình ăn cơm với cậu.  Loan sẽ trở lại Úc cùng ngày và có lẽ cùng chuyến bay với cậu trước khi Ngà về lại Mỹ vài ngày.  Hai đứa chỉ còn một chút thời gian bên nhau dẫu cho chuyến về Việt Nam của Loan lần này chủ đích là để cùng Ngà sống lại những ngày tháng cũ trên quê hương.  Việc người tính rất nhiều khi phải hụt bởi những lý do không đáng không ngờ!

Còn một ngày bên nhau, hai đứa đi lại những bước chân của thuở học trò tiểu học rồi trung học.  Thăm lại trường Bàn Cờ, cái trường đứng sừng sững mà Ngà không nhận ra bởi có quá nhiều nhà cửa chung quanh làm nhỏ hẹp lại cái mênh mông trong mắt học trò 10 tuổi.  Loan vẫn nắm tay Ngà như thuở xa xưa, dắt qua những lối ngõ gập ghềnh hai đứa đã từng đi thời tiểu học.  Bây giờ những gánh quà rong nơi trường học hoặc trong ngõ hẻm mới thực là của cổ tích, của huyền thoại, bởi suốt bấy ngày tháng về lại nhà Ngà không hề nghe một tiếng rao không hề thấy một tấm lưng còm cõi chào mời những món ăn rẻ tiền cho học trò nghèo.

Hết hẻm Bàn Cờ hai đứa băng ngang Phan Đình Phùng.  Loan dẫn Ngà về lại căn nhà cũ mà gia đình Ngà đã ở cho đến 1975.  Nhà đã được xây lên thành 4 tầng bê tông cốt sắt, bảng số nhà treo trên cửa kéo màu xanh lá cây mà sao Ngà lại thấy xam xám buồn buồn.  Ngà chợt nhớ một đoạn thơ của Tố Hữu.

Tôi hỏi nhà tôi: không phải đây

Rồi thôi quay cửa đóng then cài

Để ngoài sương gió chiều pha lạnh

Bên khóm tre già khách đứng ngây

Vòng ra ngõ Trần Quí Cáp rồi lộn lại chợ Vườn Chuối bên Phan đình Phùng.  Chợ trưa im vắng, cái im vắng mỏi mệt trong nắng nóng trong cái hầm hập của thời tiết khiến Ngà ngỡ mình đang sống lại một cảnh nào đó của tiền kiếp mà không thể gọi tên – người vẫn vậy, hàng hóa cũng bấy nhiêu thứ, cái khác xưa lại cũng đã là cái như xưa dù mình chưa kịp thấy qua.  Ngà bước chân như thể mình bị trói trong một giấc mơ.  Ngà đã đi một nửa đoạn đường của quá khứ, lòng như tấm bánh cũ rời rã bột đường lả tả những mảnh vụn rơi chầm chậm ơ thờ  xuống nền đất lặng im. Hai đứa ngang qua những hiệu may áo dài vắng khách.  Có còn ai may áo dài trắng tê tơ rông, quần sa teng đen?

Góc Lê văn Duyệt Phan đình Phùng trước tòa đại sứ Miên cũ vẫn còn tháp miếu thờ hòa thượng Thích Quảng Đức.  Không những sạch sẽ tươm tất hương hoa, bên kia đường bây giờ là một vườn hoa với tượng bán thân rất to cũng của bồ tát Thích quảng Đức.  Bao nhiêu tượng đài đã bị giật đổ, bao chốn thờ phượng phải đổi thay mà chỉ riêng hòa thượng được phong thánh.  Thôi thì được bức  tượng nào hay bức nấy.  Loan dắt tay Ngà đi tiếp trên những con đường nhỏ dẫn đến trường Gia Long. 

Bước dọc Nguyễn Thông rẽ Ngô thời Nhiệm, quanh qua Bà Huyện Thanh Quan, Loan và Ngà trực chỉ chùa Xá Lợi.  Những con đường vắng vẻ êm đềm ấy phân nửa hoang sơ lồi lõm xập xệ, và nửa còn lại san sát biệt thự nhiều tầng.  Không còn những miếng sân vuông vức tĩnh lặng đầy hoa kiểng.  Không có xe đậu đỏ bánh lọt, gánh xoài tượng chùm ruột, không có xe bò bía, xe khô bò, xe bột chiên.  Lề đường cũ kỹ buồn tênh bên chùa vàng rực rỡ.  Hai đứa vào chùa Xá Lợi.  Có lẽ là ngày thường nên trong chùa vắng không một bóng người, nhưng ngoài thềm gần sát đường vẫn chốc chốc có xe ngừng lại ghé vào bàn thờ lộ thiên thắp vài nén nhang thành kính khấn vái.  Thời đại mới nên hoa sen cũng hiện đại!  Không phải loại hoa sen trắng hồng búp thuôn dài đơn sơ của ngày xưa; hoa sen bây giờ tròn và nhỏ hơn tí xíu, trắng hoặc xanh lá cây lợt, với nhiều lớp cánh hơn (nhìn tựa peony) và nhụy vàng cũng nhỏ hơn.  Ngà thấy chút buồn vương vấn, vì dẫu hoa mới sắc lạ nhìn vui mắt nhưng dường như cái thiêng liêng của việc thờ cúng đã lạt phai!

Bốn cổng trường Gia Long vắng lặng.  Bây giờ là mùa hè, không có học trò.

Hai đứa vào cổng chính xin phép anh bảo vệ cho vào sân trường chụp hình.  Anh lắc đầu.  Ngà dọ hỏi:

-Tại mùa hè trường đóng cửa?

-Không, phải mặc áo dài mới được vào!

Loan và Ngà bật cười.  Ngà tự hỏi nếu mình mặc áo đầm hoặc quần tây thì sao?  Giữ gìn truyền thống của trường rõ ràng là hay, nhưng những ngày đầu tháng 9, 1975 khi trở lại trường lớp, bên cạnh những đổi thay xao xác còn là một hiểu ngầm: không cần phải đồng phục áo dài nữa.  Cô giáo có người mặc bà ba, học sinh nhiều em mặc sơ mi trắng quần đen.  Tấm áo dài ngầm hiểu là tiểu tư sản, không công khai cấm nhưng truyền thống và tiêu biểu nghiễm nhiên không còn giá trị.  Trường nữ trung học rồi còn trở thành trường phổ thông nam nữ học chung, để sau này các cựu nam sinh còn cao tiếng mình là học trò cũ trường nữ trung học Gia Long!!!  Chưa hết một vòng đời nay còn bảo hoàng hơn vua.  “Tốt thôi!”

Không còn gì để vấn vương, hai đứa vào quán nước góc Phan thanh Giản Đoàn thị Điểm.  Đang nắng chang chang trời bỗng tối sầm rồi mưa bắt đầu lộp độp rơi trên mái.  Trong tích tắc đường phố đổi phông như trong phim trường, những cánh áo mưa vàng xanh đỏ rộ sắc như hoa nở dưới làn mưa trắng xóa.  Mặt đường trở nên đen bóng dưới làn nước, và phố phường như thắm lên trong mưa.  Loan và Ngà nhìn nhau, rồi như đã hẹn từ muôn kiếp trước hai đứa cùng bước khỏi mái hiên của quán nước đứng hẳn dưới mưa để hứng những giọt mát lạnh từ trời.  Tấm áo ngoài đã dán sát vào lớp áo thun bên trong, nhưng Ngà và Loan chẳng bận tâm như những ngày còn trong tuổi học trò, phải ôm cặp táp che lấy ngực mà tìm chỗ trú.  Những sợi mưa lạnh dường thân thuộc linh thiêng, cho Ngà thấy mình vẫn là mình và đất này vẫn là chốn quê hương, cho dù Ngà đã hiểu vì sao mình không còn có thể sống trên quê hương ấy.  Và Ngà cũng hiểu, mình rồi sẽ còn trở lại, trở lại, như Từ Thức ăn phải đào tiên sống muôn kiếp đi tìm quê hương năm cũ. 

Lưu Na

01022023

(Hết)

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search