T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Nước Non Ngàn dặm . . . trở về

Quê hương ở ngay trong trái tim mình. Và ở đâu con người và đời sống

tử tế thì đó là quê hương . . .

(Khánh Ly)

1.

Tiếng người bạn bên kia đầu dây với niềm vui vỡ òa trong một chiều cuối năm. Vậy là, anh đã có mặt ở quê nhà để ăn cái tết đầu tiên sau nhiều năm anh chỉ biết mơ ước. Qua âm thanh không được rõ lắm của chiếc điện thoại di động, tôi vẫn nghe văng vẳng tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng người xôn xao cười nói, và trên hết, cái thổn thức qua giọng nói của bạn tôi, cho thấy nỗi xúc động không thể che giấu được. Về quê ăn tết. Bốn chữ thật đơn sơ, giản dị, nhưng sao đầy ắp những nỗi niềm. Nỗi niềm của người đi xa được trở về ăn tết ở quê nhà. Đã đành. Cả nỗi niềm của người đã đi xa nhiều năm, nhưng vẫn chưa một lần được hưởng cái hạnh phúc như anh bạn tôi đang hưởng. Thế là lại vẫn câu nói cũ kỹ hàng bao năm được nhắc lại. Thêm một cái tết tha hương giữa mùa đông xứ người lạnh lẽo.

Ba mươi năm nay, câu chuyện đã cũ mèm. Cũng cái tâm tư vọng nhớ quê nhà mỗi khi năm hết tết đến. Cũng mơ ước truyền thống rằng năm mới đến sẽ mang theo nhiều niềm vui mới cho gia đình, vận hội mới cho đất nước trở mình thoát kiếp nghèo khó, thoát cảnh áp bức độc tài. Ba mươi năm nỗi vọng nhớ vẫn cứ là vọng nhớ, niềm mơ ước vẫn cứ là niềm mơ ước.

Chỉ tội nghiệp cho những người mà quỹ thời gian còn lại quá ngắn ngủi. Chưa chắc gì khi xuôi tay nằm xuống, họ nhìn thấy mơ ước của mình đã trở thành thực tại. Có chăng là chút nắm xương tàn được cháu con đem về chôn giữa mảnh đất quê nhà, như niềm an ủi cuối cùng cho những mảnh đời xa xứ.

Mỗi năm qua đi, tuổi của chúng ta lại được cộng thêm một số. Và thời gian còn lại – của một đời người – cũng bị giảm đi một số. Nói cách khác, cứ mỗi một năm qua đi, những ước mơ của chúng ta về cuộc trở về quê nhà trong những ngày cuối cùng của một năm dường như lại giảm đi thêm một chút khả năng biến thành hiện thực. . .

Biết nói sao hơn được! năm cùng tháng tận, cũng có nghĩa là sức mỏi hơi tàn.

2.

Một người bạn khác của tôi vượt biên sang Mỹ từ đầu những năm 80. Vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau, anh chưa một lần trở về thăm lại quê hương, một vùng đất vốn cầy lên chỉ thấy sỏi đá. Rồi anh mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Trước lúc qua đời, anh chỉ mơ ước được vùi nắm xương viễn xứ ở khoảnh vườn xơ xác sau căn nhà nơi anh đã được sinh ra, nơi chính tay anh đã đào đất chôn cất cha mẹ mình trước khi bỏ lại tất cả lên đường mạo hiểm đi tìm lẽ sống trong cái chết. Với sự giúp sức của bạn bè, cả ở Mỹ lẫn ở Việt nam, người em gái của anh đã thỏa mãn lời trăn trối của anh mình. Anh bạn tôi đã lên đường trở lại quê nhà, dẫu với tấm hình hài vô tri vô giác, nhưng ít nhất, cũng vẫn là xương thịt cha mẹ anh đã sinh ra từ căn nhà tổ tiên nơi anh ao ước trở về.

Và chắc chắn, anh đã trở về không phải chỉ trong những giấc mơ, như lúc sinh thời anh đã từng mơ ước.

Liệu đó có phải là sự trở về viên mãn hay không?

Từ nay, anh bạn tôi sẽ thôi không còn ray rứt mỗi khi năm cùng tháng tận, thấy chính mình sức đã mỏi, hơi sắp tàn. Ở một nghĩa nào đó, anh đã trở về và sẽ ở lại quê nhà vĩnh viễn. Dù đây là chuyến trở về đầu tiên (và cũng là cuối cùng) sau mấy chục năm sống kiếp tha hương.

Nhưng tôi vẫn cứ mãi băn khoăn, liệu cuộc trở về như vậy sẽ là định mệnh không tránh khỏi cho rất nhiều những người bạn cùng thời với anh (trong đó có tôi) hay không? và nếu chúng tôi có thể lựa chọn được, mấy ai trong chúng tôi (chúng ta) sẽ chọn con đường buồn bã mà người bạn chúng tôi vừa lựa chọn?

Tại sao lại không trở về khi mà cả thể xác lẫn tâm hồn còn đủ khỏe mạnh, sáng suốt để hưởng cái niềm vui vỡ òa trong một chiều cuối năm trên mảnh đất quê nhà, như một người bạn già của tôi, đang cố truyền hết những xúc động còn tươi rói của mình qua đường dây điện thoại vô hình mong manh, như sợ rằng niềm vui sẽ không bao giờ được trọn vẹn nếu mình không nói hết được niềm vui ấy cho người còn ở xa cùng chia sẻ?

3.

Nhưng cuộc trở về nào mới gọi là cuộc trở về đích thực?

Sự trở về với tư cách một công dân (?) – tức chấp nhận sự thống trị, trên hình thức – của một nhà nước độc tài đảng trị, đang cố lôi kéo người Việt tha hương với những mục đích trục lợi cả về chính trị lẫn kinh tế?

Sự trở về như một người khách nhàn du, xênh xang áo gấm, thong dong cưỡi ngựa xem hoa và sung sướng khi thấy mình may mắn không ở trong số hơn 75 triệu đồng bào tội nghiệp kia?

Sự trở về với tư cách một người con của tổ quốc, dù lưu lạc bất cứ phương trời nào cũng vẫn là “Việt điểu sào nam chi” (chim Việt đậu cành nam), vẫn tấm lòng cố quốc tha hương luôn ngóng về quê nhà nơi có núm ruột để lại, nơi có mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh, tóc mẹ già mỗi ngày mỗi bạc (thơ Tế Hanh), nơi có những nơi chốn, những địa danh quen thuộc mà dù trải bao năm xa cách, vẫn nhớ rõ mồn một như mới vừa bỏ ra đi hôm qua?

Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu cái tết dân tộc, bao nhiêu cái tết tha hương, cũng đã có biết bao nhiêu người trở về với nhiều tư thế khác nhau, nhưng ở lại thì chẳng có bao nhiêu. Bởi vì cái nguyên nhân chính nhất khiến họ cất bước ra đi vẫn còn nguyên vẹn. Trước tình hình đó, sự ở lại có nghĩa là phủ nhận cái lý do khiến mình bỏ quê, bỏ xứ ra đi.

4.

Một nhà thơ khá tiếng tăm trong nước, đã nói về sự trở về của những người Việt lưu vong. Ông viết: Về không chỉ là trở lại. Về- còn là tiếng gọi bên trong . . . (Đỗ Trung Quân).

Ông nhà thơ là tác giả của nhiều bài thơ về đất nước, về con người khá trung thực. Tôi không nghĩ ông cố ý làm cái loa tuyên truyền cho chế độ. Nhưng khi người ta sống quá lâu giữa một thế giới nửa tối nửa sáng, con mắt người ta dễ bị bóng tối lừa phỉnh. Đã đành về không chỉ là trở lại. Về còn là tiếng gọi bên trong. Nhưng cái thứ tiếng gọi bên trong ấy phải là tiếng gọi đến từ tấm lòng nhớ nước đau lòng con quốc quốc, thương nhà mỏi miệng cái gia gia (thơ Bà Huyện Thanh Quan), tức từ chính cõi lòng của những người con xa xứ, chứ không phải tiếng gọi từ trong nước, từ những lời giả nhân giả nghĩa của giới cầm quyền tự đồng hóa mình với quốc gia dân tộc.

Còn đối với những người xa tổ quốc mà phải đợi tới những lời kêu gọi thống thiết từ đồng bào của mình ở quê nhà mới sực nhớ rằng mình vẫn còn có một quê nhà để trở về, thì quả thật, sự về ấy, chỉ là trở lại. Một cuộc trở về kiểu của ông Hạ Trí Chương bên Tàu, tác giả mấy câu thơ nổi tiếng và đã được nhiều người (Việt ) nhắc đến để so sánh sự ra đi và trở về của người Việt tha hương. Bài thơ tên là Hồi Hương Ngẫu Thứ (Ngẫu Nhiên Khi Về Quê), được Hải Đà dịch như sau:

Quê nhà xa cách tháng năm,

Bạn bè thưa thớt biệt tăm phương trời

Mặt hồ gương trước ngõ soi

Gió xuân chắc chẳng đổi đời sóng xưa

(Hải Đà)

Ông Hạ Trí Chương giã nhà ra đi tìm công danh sự nghiệp từ khi còn rất trẻ. Sau gần 50 năm trải qua bao thăng trầm trong bước công danh hoạn lộ của mình, ông trở về thăm lại quê xưa, tìm kiếm bạn bè cũ, nhưng chẳng còn mấy người sống sót, duy chỉ có mặt hồ trong như gương trước ngõ vẫn còn nguyên vẹn những dợn sóng ngày xưa. Sự ra đi của ông Hạ Trí Chương là một cuộc ra đi lập thân. 50 năm xa quê của ông là 50 năm ông lao vào cuộc giành giựt những hư ảo đời người. Ông chỉ trở về lại quê hương sau khi đã chán chê mọi thăng trầm cuộc đời vốn nhẹ tênh như lá mùa thu.

Đem sự trở lại của ông Hạ Trí Chương mà so sánh với sự trở về của anh bạn tôi đang đứng giữa đường phố quê hương một ngày cuối năm thì cũng tội nghiệp cho anh quá. Hơn hai mươi năm nay từ ngày anh bỏ tất cả bước chân xuống chiếc thuyền mong manh lênh đênh giữa biển cả ra đi tìm tự do, và trên hết, mang một hoài bão làm chút gì để đổi thay vận mệnh của đất nước, cũng là hơn hai mươi năm anh canh cánh bên lòng những trăn trở cho mảnh đất nghèo quê nhà anh để lại sau lưng. Không về được, chưa về được, đâu phải chỉ là những khó khăn của đời thường, đâu phải chỉ là những mải mê với cuộc sống dễ chịu xứ người.

Và tất nhiên, anh bạn tôi chẳng cần đến tiếng gọi bên trong mới nhớ được rằng mình có một quê nhà để trở về.

5.

Lại nói về một nhà thơ khác ở trong nước. Cha của ông là một người mà tên tuổi đã nằm trọn vẹn trong ký ức của nhiều người Việt Nam cả trong nước lẫn ngoài nước. Năm 1994, ông viết một bài thơ tên là Về Thôi để gởi cho một nhạc sĩ tiếng tăm sống ở hải ngoại. Bài thơ có đoạn như sau :

Về thôi!

Làm gì có trăm năm mà đợi?

Làm gì có kiếp sau mà chờ?

Đất mẹ- Đất nàng

Con sáo sang sông tha cọng rơm vàng

Lót ổ

. . . . . . .

(Về Thôi – Lưu Trọng Văn)

Lời thúc giục cũng hết sức chân thành. Mà đúng là đời người đâu tới được trăm năm để đợi. Còn nói hãy chờ tới kiếp sau ư? tôi cũng e rằng nói chỉ để mà nói.

Bài thơ ngắn mà súc tích. Câu chữ giản dị mà làm lòng xao xuyến. Nhưng vẫn còn chút gì đó, khiến lòng tuy xao xuyến mà dạ cứ băn khoăn?

Tôi cố sức soi rọi lòng mình. Vẫn không tránh khỏi nghĩ đến người bạn vắn số với mơ ước được về nằm giữa quê nhà để yên nghỉ giấc cuối cùng.

Tôi không biết, lúc sinh thời, có bao giờ anh bạn của chúng tôi đứng giữa trời đất lạnh lẽo xứ người một ngày cuối năm mà mơ về mâm cơm đoàn tụ chiều 30 Tết với cha yếu mẹ già, với anh với chị với em, với những người thân yêu nhất đời của anh không, nhưng bây giờ, vào lúc cuối của cuộc đời – hay nói đúng hơn, khi anh nằm xuống – anh đã được trở về. Không phải trong những giấc mơ. Mà bằng xương bằng thịt, dẫu chỉ là xương thịt vô tri.

Vòng quay thế gian tuy nặng nề thật, đôi vai già nua tuy mỏi mệt thật, nhưng có muộn quá không khi phải chờ đến giây phút cuối của một đời này, mới được về nằm giữa mảnh đất quê nhà?

Trong những ngày cuối của một năm, giữa mênh mông của đất trời, lại một lần nữa, tôi tự cật vấn mình.

Như vậy có muộn quá không?

(Cuối của một năm – T. Vấn)

Hỏi tức là trả lời. Vậy thì tại sao tôi cứ băn khoăn khi tôi và nhà thơ Lưu Trọng Văn đã chia sẻ cùng một ý nghĩ?

Có phải vì chúng tôi mỗi người đứng ở về hai phía đối nghịch nhau của một lằn ranh vô hình? hay tâm trạng của tôi là tâm trạng của con chim đã một lần bị tên, nay thấy cành cong cứ tưởng đó là cây cung nên co mình ẩn náu? hay cái não trạng thủ thế trước mọi lời đường mật gởi ra từ trong nước?

Bài thơ của Lưu Trọng Văn viết từ 1994. Đã 12 năm trôi qua kể từ khi những lời thúc giục về thôi rộn rã ra đời. Bây giờ lại còn cả một nghị quyết (36) của giới cầm quyền trong nước liên quan đến việc đối xử với người Việt hải ngoại.

12 năm, bao sự việc xảy ra đã giúp tôi an tâm rằng những băn khoăn của mình không phải là thứ tâm trạng thần hồn nát thần tính.

Còn người nhạc sĩ tiếng tăm được ông Lưu Trọng Văn tặng riêng bài thơ đã hết sức xúc động và quyết định trở về. Cuộc trở về của ông – người nhạc sĩ đã gắn liền tên tuổi của mình với mọi biến động lớn nhất trong đời sống chính trị dân tộc từ hơn 50 năm nay – đã một thời gây nhiều xôn xao, tranh cãi. Trong đó, phải kể đến những thủ thuật tinh ma lợi dụng triệt để sự kiện ông về nước của nhà cầm quyền, xuyên qua những cánh tay ngoại vi trong mạng lưới truyền thông vốn được họ quản lý rất chặt chẽ để khuấy động nên những hỏa mù, và, cũng thành thực mà nhận xét, có sự tiếp tay rất khó hiểu của người nhạc sĩ ở tuổi gần đất xa trời này.

6.

Nước non ngàn dặm . . . ra đi.

Nước non ngàn dặm . . . trở về.

Cái hình ảnh nước non cách xa ngàn dặm (thực ra thì còn xa hơn thế nữa) ấy đã theo từng bước chân người Việt đi khắp mọi nẻo đường của thế giới.

Và mỗi năm, cứ vào khoảnh khắc thiêng liêng năm cùng tháng tận, trên những chấm rất nhỏ (nhưng rất chằng chịt) của tấm bản đồ thế giới, hình ảnh nước non ngàn dặm lại hiện ra mồn một giữa bàn thờ nghi ngút khói hương mừng đón giao thừa của từng gia đình, từng cộng đồng người Việt.

Ai dám bảo những hình ảnh quen thuộc ấy không phải là hình ảnh quê hương?

7.

Những ngày cuối của năm con gà tôi còn được nghe một người ca sĩ (mà tên tuổi của chị cũng đã gắn liền với bao nhiêu thăng trầm của thế hệ chúng tôi – tất nhiên, nay chị không còn trẻ nữa) trả lời câu hỏi của một người ái mộ chị từ trong nước gởi ra.

Chị đã đi hát ở tất cả mọi nơi trên thế giới nơi có những người Việt cư ngụ. Có bao giờ chị chạnh lòng vì những nơi ấy không phải là quê hương của mình hay không?

Ý tưởng trong câu trả lời không có gì mới mẻ, nhưng được thốt ra từ cửa miệng một người ca sĩ vốn không chỉ nổi tiếng vì giọng hát khào khào liêu trai, cho một người ái mộ ở trong nước, giữa lúc bao ồn ào xôn xao của ra đi và trở về của người Việt hải ngoại, thì, với tôi, câu trả lời của chị đã cho tôi những cảm xúc thật đáng nhớ.

Quê hương ở ngay trong trái tim mình. Và ở đâu con người và đời sống tử tế thì đó là quê hương. (Khánh Ly)

T.Vấn

(c)T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search