T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không : Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 52)

 

 

clip_image001

Giai thoại làng văn 54-75

Nguyễn Thụy Long với tôi (Cung Tích Biền) có cái số viết cùng một tờ báo, rất lâu dài như Nghệ Thuật, Khởi Hành, Sống, Đời, Sóng Thần, Độc Lập, Đông Phương…

Sàigòn xưa [trước 1975 nay là …xưa rồi], có một cái vui là có những con đường nhiều nhà in, các tòa soạn báo nằm gần nhau. Có tòa soạn báo là có quán rượu, quán cà phê. Anh em tạt qua tạt về, rất gần gũi. Làm báo thuở này chủ nhiệm, thư ký tòa soạn thì cực nhọc vì nhiều mặt trực diện phải đối phó như chiến sự, lập trường chính trị. Hàng ký giả cũng phải chạy đó đây nhặt quơ tin tức, nhiều hiểm nguy khi phải lấy tin chiến trận. Nhưng làm anh sáng tác văn, phóng sự, bút ký thì nhàn nhã hơn.

Sáng ngồi cà phê viết bài. Chừng 11 giờ sáng là hết hạn giao bài [nhật báo Sài gòn thuở ấy phát hành vào lúc 4 tới 5 giờ chiều, tùy báo…] Bài vở xong là lai rai thư thả. Cánh văn nghệ không lo xa. Rảnh rỗi, nhưng không hề ngồi viết tiếp bài dự phòng cho ngày mai. Mai hẵng hay, anh em tụ trên lầu với canh xì phé.

Chỉ một quãng đường Phạm Ngũ Lão [nay là khu Tây Ba lô] trước sau có tòa soạn Văn [Nguyễn Đình Vượng – Trần Phong Giao], tuần báo Nghệ Thuật, Khởi Hành [hai tờ này do nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Viên Linh đứng đầu], nhật báo Hòa Bình [Linh mục Trần Du]. Nhà báo Đinh Từ Thức cực kỳ nổi tiếng ở báo này qua bút hiệu Sức Mấy, với mục “phim” hằng ngày, ngay trang nhất.

Trên đường Võ Tánh có nhiều nhà in, nhiều tòa soạn báo kế cận nhau. Trước kia có nhật báo Tự Do (Phạm Việt Tuyền, Nguyễn Hoạt, Hà Thượng Nhân, tòa soạn Độc Lập [Đinh văn Phát, Hoàng Châu] nhật báo Điện Tín [Hồng Sơn Đông cùng nhóm C.S nằm vùng, núp bóng Lực lượng thứ ba Lý Chánh Trung, Huỳnh Bá Thành…] Nhật Báo Đông Phương, báo này có sự giúp đỡ về tài chánh của Nguyễn Tấn Đời] nhật báo Sóng Thần [Chu Tử, Trùng Dương, Uyên Thao].

(Cung Tích Biền – Kỷ niệm cùng Nguyễn Thụy Long)

Câu đối phúng

Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tưởi chân nam chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc.

Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ,

gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.

(Nguyễn Khuyến: câu đối khóc vợ)

Truyện chớp – Chiến tranh

Lần ấy, đại đội hắn bị phục kích. Bạn bè chung quanh hắn đều bị bắn gục. Hắn kinh hoàng vùng lên chạy. Ðạn bắn gắt theo sau. Hắn vẫn chạy. Tiếng đạn rượt theo. Véo véo véo. Hắn vẫn chạy. Lâu, thật lâu sau, tiếng đạn thưa dần rồi tắt hẳn. Hắn kiệt sức nằm xoài trên một bãi cỏ, giữa một khu rừng thưa. Trời gần sáng. Chung quanh thật im ắng. Hắn chỉ nghe tiếng hắn thở. Rồi bỗng dưng hắn nghe có tiếng sột soạt trong một bụi rậm phía trước. Hắn giật mình, tay ghì chặt khẩu súng, mắt chăm chăm nhìn. Im lặng. Hắn toan gục đầu xuống nghỉ thì lại nghe tiếng sột soạt vang lên. Hắn lại căng mắt ra nhìn. Hình như có bóng người lom khom sau lùm cây.

Cái bóng ấy rõ ràng là đang rình hắn. “Tiên hạ thủ”, ý nghĩ ấy vừa loé lên trong đầu, hắn đã bóp cò. Ðoành. Tiếng nổ khô, lạnh. Cái bóng nọ gục xuống. Chờ một lúc, thấy chung quanh vẫn im tĩnh, và trời lại hừng sáng, hắn mới chồm dậy, chạy lại bụi cây dò xét. Hắn giật mình thấy hắn đang nằm chết, viên đạn xuyên từ trán ra sau ót, nhưng không có một giọt máu nào cả.

Bản tin báo Chính Luận 1-5-65

Nổi cơn ghen, chém chồng suýt bay “của quí”

TÂY NINH.- Một vụ ghen tương chém chồng suýt vong mạng vừa xảy ra tại tỉnh lỵ Tây Ninh, hôm 27-4- vừa qua. Theo người hiểu chuyện cho biết: Ông Huỳnh Văn Ngh. (33t) ở đường Huỳnh Văn Lợi, Tây Ninh, có người vợ kế tên là Lưu Bích Th (30t). Nhưng gần đây, ông Ngh. lại lén lút tư tình với một người đàn bà khác. Nội vụ thấu tai bà Th. và chiều ngày nói trên, bà Th. nổi cơn ghen vác củi đập chồng túi bụi. Ông Nguyễn Văn N. (người lối xóm) và bà Lưu Thị M. (bà con với bà Th.) chạy sang can thiệp, thì kẻ bị bà Th. đánh, người thì bị bà vu cáo là cướp chồng nên đều rút lui. Chưa đã cơn ghen, bà Th. còn xách dao đâm chồng nhiều nhát gần đứt “của quý”. Lúc đó bà con lối xóm đổ xô ra can thiệp và chở ông Ngh. vào nhà thương.

Thơ thiền

Chúng ta bắt gặp tính chất vô thường của thơ Thiền đời Lý – Trần trong bài “Chợt tỉnh” của Tuệ Trung:

Đoán biết rằng “không” và “có” không cách nhau lắm
Sống và chết vốn từ một đợt sóng
Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay
Hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ
Ba sinh thấm thoắt thực như ngọn đuốc trong gió
Chín cõi tuần hoàn giống như con kiến bò trên miệng cối xay bột
Có người hỏi thế nào là cứu cánh
Ma-ha-bát-nhã tát-bà-ha

Trong các bài thơ Thiền đời Lý – Trần, các nhà thơ cũng phản ánh thân phận con người ngắn ngủi và chóng vánh. Đời người chỉ “như một ánh chớp, mới có đã thành không” (“Thị đệ tứ” – Vạn Hạnh). Tính chất vô thường này được biểu hiện sinh động qua hình ảnh “ba sinh thấm thoắt như ngọn đuốc trước gió” (“Đốn tỉnh” – Tuệ Trung).

Tất cả, cuộc sống, công danh phú quý, hạnh phúc tuổi xuân, đều chỉ là một giấc mộng ngắn ngủi, một áng mây nổi tụ tán không định trước, một mũi tên bay mất hút không trở lại. Các nhà thơ Thiền luôn kêu gọi mọi người nhận thức rõ điều này ”mặt trời lên rồi sẽ lặn, đời người nổi rồi sẽ chìm” (“Thư thời vô thường kệ” – “Khóa hư lục”, Trần Thái Tông); “tháng ngày không ở lâu; cái già, cái bệnh rất dễ xâm nhập” (“Hoàng hôn khuyến chứng kệ” – “Khóa hư lục”, Trần Thái Tông), kêu gọi con người nhìn thẳng vào thực tế.

Tính chất ngắn ngủi vô thường của thời gian trần thế cần được ý thức không phải để bi quan yếm thế mà để vượt lên khỏi nỗi sầu cố hữu này, đạt đến tâm thái “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận – Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết – Đêm qua sân trước nở một nhành mai”) (“Cáo Tật Thị Chúng”, Mãn Giác thiền sư).

(Đoàn Thị Thu Vân – Thơ Thiền Việt Nam thế kỷ X – thế kỷ XIV)

Ma ha

“Ma ha” là tên một con sông ở Ấn Độ. Tương truyền các sư sãi tắm ở sông này thì tẩy hết bụi trần, trở nên thanh thản.

Trong bài Sãi vãi của Nguyễn Cư Trinh có câu “rửa bụi trần, sãi vui nước ma ha”.

Tiếng Việt, dễ mà khó

Tình cờ tôi chú ý đến chữ “đút” trong một câu văn không có gì đặc biệt: “Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần…” Từ chữ “đút” ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ “rút”: Cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra).
Ðiều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: “-út”. Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm “đ-” (đút) và một chữ bằng phụ âm “r-” (rút). Hơn nữa, cả từ “đút” lẫn từ “rút”, tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: Cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác. “Ðút” cái gì vào túi hay “rút” cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại.
Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần “-út”. khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. “Sút” là động tác đưa bóng vào lưới. “Hút” là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng. “Mút” cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác “hút” ở chỗ vật thể được “mút” thường là cái gì đặc. “Trút” là đổ cái gì xuống. “Vút” là bay từ dưới lên trên. “Cút” là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi.
Nếu những động từ có vần “-út” thường ám chỉ việc di chuyển giữa hai không gian thì những động từ có vần “-un” lại ám chỉ việc dồn ứ lại thành cục trong một không gian nhất định nào đó, thường là có giới hạn. “ùn“, “chùn”, “dùn”, hay “đùn” đều có nghĩa như thế. “Thun” hay “chun” cũng như thế, đều chỉ cái gì bị rút, bị co. “Cùn” là bẹt ra. “Hùn” là góp lại. “Vun” là gom vào. “Lún” hay “lụn” là bẹp xuống. Cả những chữ như “lùn” hay (cụt) “lủn”, (ngắn) “ngủn”, “lũn cũn”… cũng đều ám chỉ cái gì bị dồn nhỏ hay thu ngắn lại.

(Nguyễn Hưng Quốc – e-cadao.com)

Thông Loại Khóa Trình

Nó giống như Gia Ðịnh Báo (Số 1 ra ngày 15-4-1865), ở chỗ có hàng chữ Hán Thông Loại Khóa Trình (Juillet 1888). Kể từ số 6 mới có các bài văn vần, gọi là diễn Nôm của Trương Minh Ký làm để giải nghĩa các câu chữ Nho, có lẽ để cho người ta dễ học thuộc lòng, sau đó mới có bài của những người khác. Về nội dung gồm có :

Dạy chữ Nho (chữ Hán), dạy chữ Pháp (thời bấy giờ gọi là Phang sa hay Lang sa), giảng nghĩa về luân lý, khảo cứu về thi ca, phong tục.

Sau đây là các bài trích dẫn:
Thập phần tinh tinh sử ngũ phần, lưu thủ ngũ phần giữ nhi tôn
Thập phần tinh tinh đô sử tận, hậu đại nhi tôn bất như nhân

Trương-Minh-Ký diễn ra ca Nôm rằng:

Mười phần rỡ rỡ lấy năm xài, Ðể lại năm phần trẻ gái trai,
Rỡ rỡ mười phần đều dùng hết, Ðời sau con cháu dám bì ai.

(Huỳnh Ái Tông – Báo chí)

Tiếng Việt không đơn giản

Xin các bạn chỉ giáo dùm, tiếng Việt tui cũng dốt lắm, hôm New year, bạn bè tui có giởn về tiếng Việt, tụi tui thắc mắc mà không ai giải đáp được, ai biết xin chỉ dùm tui:

– Chồng chết thì người ta gọi vợ là “góa phụ”
– Còn vợ chết , người ta gọi chồng là gì??

Bạn tui trả lời là “quá đã” (hiii)

Xin cho câu trả lời trúng, cám ơn à nha .

(Trau giồi tiếng Việt – ĐatViet.com)

Chữ nghĩa làng văn

Về văn hóa ẩm thực có những tiếng thật hay như:

Đánh chén, cơm đèn, cơm đóm, cơm sáng trăng, có khi ăn cơm khan chỉ chan nước mưa, động thớt, hễ bên đó đụng đũa, động bát là biết ngay, muốn ăn thì lăn vào bếp, lên ăn boóng được nhiều bữa nhờn môi. Ăn giả miệng, cái đói giáp hạt, nấu cháo độn rau tập tàng, ăn tợm lắm, con tì con vị được đánh thức, cứ nhao nhao lên như chào mào ăn dom, con nào cũng lành chanh, lành chói, chỉ có hai bữa cơm đèn, bà bón cơm cho cháu, bà ăn cả thể nhá, thôi ta ăn khan một cái, gạo vừa đỏ vừa dớn…

Vạn pháp quy nhất không

Với nguyên lý tánh không “Nhất là không, không là nhất”.

Điều mà linh mục Antoine de Fontes đã phiên âm từ buổi chữ quốc ngữ sơ khai:

– “Nhit la khuan, khuan la nhit”.

(Nguyễn Hữu Nhật – Tiếng Việt hay quá)

Lại cái

Danh từ La’ki của Mã Lai biến thành Lìcáy của Chàm và Cái của Việt. Danh từ riêng của miền Nam “người lại cái”, có nghĩa là bán nam bán nữ, chắc chắn là do danh từ Chàm mà ra, đó là “Càmay lagi lìcáy” dịch ra là “đàn bà lại còn là đàn ông”.

Ta nuốt mất chữ Càmay lagi, chỉ còn “Lìcáy” biến thành “lại cái”.

Hiện nay người miền Nam vẫn thường nói sai là “đàn ông lại cái”, chỉ vì họ không rõ căn nguyên và lại hiểu sai chữ “cái”…”đàn bà”.

Kiến Văn Tiểu Lục – Lê Qúy Đôn

Giới tửu hậu ngữ

Giới thực thời sân

Nhẫn nan nhẫn sự

Thuận bất thuận nhân

Không nói sau khi uống rượu

Không giận dữ khi đang ăn

Nhịn được chuyện khó nhịn

Thuận với người không thuận mình

Ngộ Không

 

 

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search