T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày 2 tháng 8 năm 2009

Bao giờ đến bao giờ/ Ta về lại quê cũ

Đường xưa và người xưa/ Rưng rưng hồn lữ thứ

(Có Bao giờ – Thơ Ngọc Phi)

Quay trở lại mảnh đất người Việt hải ngọai chúng ta thường gọi là “tạm dung” (với tôi, tuy tạm dung mà đã 18 năm trời, và không biết còn “tạm” đến bao lâu nữa, có lẽ hết đời chăng?), sau gần 1 tuần lễ, cái ngầy ngật của thể xác chưa buông tha tôi đã đành, ngay đến cái ngầy ngật tinh thần, vẫn khiến tôi như người vừa trải qua một giấc mơ chưa có đọan kết.Ngày cuối tuần, như thường lệ, tôi đưa các con đến tiệm sách Barnes and Noble gần nhà, vừa để tìm không khí quen thuộc của những con mọt sách, vừa tránh cái nóng gay gắt của mùa hè miền Trung Tây, cũng như những ngày Việt Nam, sau bữa ăn sáng trễ tràng, là cha con tôi lại chui đầu vào những nhà sách lớn nhỏ đủ lọai của Sài Gòn.

Ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế bành to tướng trong một góc tiện nghi của nhà sách, miệng nhấm nháp ly cà phê Starbucks thơm lừng giữa không khí thật yên tĩnh, bất giác tôi không khỏi liên tưởng đến những nhà sách ở Sài Gòn cha con tôi vừa “trải nghiệm“. Chật chội, nóng bức (tuy máy lạnh vẫn chạy) và ồn ào. Những dãy sách chỉ đủ một người đi qua, nhưng lại thường xuyên bị cản lối vì những cô cậu học sinh nghèo đứng “xem sách cọp” từ giờ này qua giờ nọ. Chưa kể đến những nhân viên nhà sách, trai có gái có, ăn mặc khá lịch sự: Nam, đồng phục áo trắng quần đậm với cravate tử tế; Nữ, áo dài vàng hay xanh, quần trắng yểu điệu tha thướt. Họ đứng đây đó giữa những đầu dẫy sách, cũng chỉ vừa đủ một người lách mình đi qua. Trên khuôn mặt họ, tôi chưa bao giờ thấy được một nụ cười, dù đã rất nhiều lần trong 4 tuần lễ liên tiếp, không ngày nào cha con chúng tôi không bước vào một tiệm sách nào đó.

Một lần, sau khi trả tiền xong cho vài quyển sách ở quầy,  và cả sau khi đã mở lời cám ơn trước, khi đưa tay nhận sách, tôi chờ đợi vô vọng một tiếng cám ơn từ người thâu tiền. Vẫn sự im lặng và cái nhìn vô cảm, tôi không dằn được đã lên tiếng nói khá lớn với một người đàn ông ra dáng là người quản lý tiệm sách đứng gần đó “Những nhân viên của nhà sách này thật tuyệt vời, nhưng nếu cộng thêm với những nụ cười còn thiếu vắng, tôi tin chắc rằng họ sẽ trên cả tuyệt vời “.* Ông ta cười gượng nhìn tôi, và chỉ nói vẻn vẹn được mấy tiếng “cám ơn anh!” để trả lời tôi. Tất nhiên, tôi cũng chẳng mong gì hơn thế.

Thực tình, tôi không hề muốn so sánh cơ ngơi vật chất của một nhà sách ở Việt Nam,- kể cả nhà sách Xuân Thu nằm trên đường Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi) chuyên bán sách ngọai ngữ cho khách ngọai quốc – với một nhà sách cỡ Barnes&Noble ở nước Mỹ, nhưng người Việt Nam tuy nghèo tiền nghèo bạc nhưng không hề nghèo nụ cười, không hề nghèo cách ứng xử xã hội. Tôi buồn vì sự nghèo nàn ứng xử xẩy ra ở ngay trong những nhà sách, thường được coi là những nơi chốn văn hóa của một thành phố.

Thực lòng, tôi không biết cái từ “tạm dung” dành để chỉ mảnh đất nơi gia đình tôi thành hình, trưởng thành có phải là cái từ chính xác nhất đối với gia đình tôi hay không, dù ở bên kia Thái Bình Dương, trên mảnh đất quê nhà tôi vừa rời khỏi ấy, bao nhiêu là những anh em họ hàng nội ngọai của chúng tôi vẫn còn đang sinh sống, vẫn còn đối mặt với bao những thứ mà chúng tôi gọi là “thiếu tiện nghi” hàng ngày, dù hôm chia tay ở phi trường Tân Sơn Nhất, nước mắt của các con tôi, của những người anh chị em họ của chúng đã góp phần làm dịu đi cái nóng của Sài Gòn tháng 7.

Và tôi lại nhớ đến Shakespeare với mệnh đề lừng danh: To Be or not To Be, that is the question.

Tạm Dung hay không Tạm Dung, đó có phải là điều tôi đang nghĩ tới?

T.Vấn

02-08-2009

* “Tuyệt vời” và “trên cả tuyệt vời” là những mệnh đề tán thán thời thượng hiện nay ở Sài Gòn, cũng như những chữ “sang trọng”, “hòanh tráng”, “vô tư” v..v…Nếu chúng ta hiểu ngôn ngữ là sản phẩm của đời sống, thì những chữ nói trên, theo tôi, phản ánh thật chính xác cuộc sống trên quê hương chúng ta hiện nay, nhưng lại theo nghĩa ngược lại. Âu cũng là một cách “hãy cố quên đi mà sống” cố hữu của người miền Nam.  T.Vấn

Một quầy sách in lại những tác phẩm văn học Tiền Chiến

Bìa quyển sách đầy tai tiếng của Hòang Trọng Miên viết về bà qủa phụ Ngô Đình Nhu, được “vô tư” in lại ở VN để thỏa mãn những đầu óc hiếu kỳ.

Lối vào quán cà phê Highland, một trong những quán cà phê “sang trọng” của Sài Gòn, tọa lạc ngay trên đường Lê Lợi, chỗ có nhà vệ sinh cũ từ thời Sài Gòn 1960s. Nơi đây quy tụ khách ngọai quốc, khách “Việt Kiều” và những đại gia lớn nhỏ của Sài Thành Hoa Lệ.

Bài Mới Nhất
Search