T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày 27 tháng 9 năm 2009

Đứa con xưa, Annie Lê, đã trở về nhà. Cùng với bài thơ của người mẹ, đọc trong ngày tang lễ 26 tháng 9 năm 2009. Những ước mơ một đời yểu mệnh đã trở về nơi từ đó chúng chắp cánh bay cao. Con thiên nga đã được chôn cất:

sinh ra trong vòng tay thương yêu của mẹ.

Là món quà quý giá nhất mà Chúa đã ban cho.

Con qua đời khi tuổi còn quá trẻ.

Buổi bắt đầu của những thành tựu lớn lao.

Nhưng những ước mơ và hy vọng

hôm nay đã theo con về nơi yên nghỉ

Những câu thơ như những giọt lệ. Chảy trên khuôn mặt nhăn nheo.

Khi cái chết của Annie Lê được phát giác, qua một ghi chép nhỏ trên trang Web của tôi, tôi nhận được từ một độc gỉa, cũng là một người bạn trẻ tôi quen biết, những ghi nhận thật “buồn thảm” như sau:

” Cái chết của Annie Lê đã làm tôi ray rứt mãi. Chuyện đã xong. Một tương lai đầy hứa hẹn đã vụt tắt. Một bản tính nóng nẩy khác thường, đang chờ ngày phán xử (mặc dù mức phán xử của lương tâm nhân lọai đã rõ ràng dành cho nạn nhân chết uổng những đóa hoa tuyệt vời và ý nghĩa nhất). Một nỗi đau không rời về cái chết tức tưởi của người con yêu dấu. Một tiếc nuối, thương cảm, từ những người cùng một mầu da, một quá khứ – trong đó có Tôi, có Anh, có những người dân đã từng sống trong một quốc gia nhược tiểu – đối với một kiếp sống quá đỗi phù du: Annie Lê.

Phải, tôi đã nghĩ, ở cái góc độ một người Việt Nam lưu vong lứa tuổi 50, 60 nhìn về hình ảnh Annie Lê như một giấc mơ mà bất cứ ai thuộc thế hệ chúng tôi cũng một lần ấp ủ, một lần mơ ước, cho con em mình, cho thế hệ thứ hai lớn lên từ thuở ấu thơ trên đất Mỹ. Mong đợi, hãnh diện, kỳ vọng cho một giấc mơ mà chính cả cuộc đời đầy máu, mồ hôi, nước mắt của chúng tôi đã không thể có được.

Bởi chiến tranh, hận thù và các khoảng cách chính trị nghiệt ngã của quê hương tôi triền miên đau khổ.

Và rồi thình lình, giấc mơ tương lai tuyệt vời đó đã bị xiết . . ., xiết đến khi không còn hơi thở nữa.

Một cuộc đời đầy hứa hẹn đã chấm dứt. Một dấu chấm hết. Tại sao thế?

Người ta đang đi đến một kết luận rất mới và khá hấp dẫn cho các nhà xã hội học tiếp tục ưu tư thêm: bạo hành tại nơi làm việc. Một vấn nạn của xã hội, đang phát sinh, đang hiện hữu và rất đáng quan tâm. Nhưng câu hỏi vẫn cứ ở mãi trong trí tôi: Có thật đây chỉ là một sự bạo hành xẩy ra với một ý nghĩa đơn thuần của xô xát và chết chóc?

Với tôi, có lẽ vẫn còn thêm một nguyên nhân nào đó, nằm phía sau sự kiện và bên kia bóng tối của tội ác. Bởi nạn nhân là một người da màu, phát xuất từ một nước châu Á nghèo nàn, lạc hậu, và rách nát vì các cuộc chiến tương tàn trong quá khứ .

Tôi muốn nghĩ đến cụm từ “Kỳ thị, Ghét bỏ, Khinh rẻ . . . ” về Annie Lê và cái chết oan khiên. Thú thật, tôi không biết mình đã đúng hay sai ?

Nhưng bản thân tôi đã kinh nghiệm gần như thế.

Những cặp mắt khó chịu của những láng-giềng-khác-văn-hóa, những lạnh lùng vô cớ của các người cùng sở mà khác ngôn ngữ mẹ đẻ với tôi, những hằn học, gắt gỏng không báo trước và vô lý đã thường xẩy ra từ những kẻ cao ngạo trước một “Tôi”-người lính cũ bại trận, sống kiếp tầm gửi sau chiến tranh, chỉ ước mơ được cơ hội xây dựng lại cuộc đời mình sau bao thăng trầm, ruồng bỏ, lọai trừ, đố kỵ, bấp bênh và vô định ở chính ngay trên quê hương mình.

Nhưng tôi đã may mắn nhanh chóng thoát khỏi được các nghịch cảnh buồn tủi, đầy nước mắt đó.

Phải chăng, đó là bởi chúng tôi, một thế hệ đã đi qua biết bao giông bão của cuộc đời, nhưng nhờ đuợc trui rèn trong “Huấn nhục” của một quân trường, “Chịu đựng” trong bao nhiêu năm tháng tù đầy và đức “Khiêm nhu” trong văn hóa của đất tổ.

Annie Lê thì khác. Tuổi trẻ, học thức, tự do, thẳng thắn và độc lập là những đức tính quý báu mà thế hệ Việt Nam thứ hai đã hấp thụ.

Nhưng dưới một góc nhìn cực đoan nào đó, cô gái ấy vẫn là một người thuộc một dân tộc nhược tiểu, hèn mọn như hình dáng nhỏ bé của cô. Và đáng bị tiễu trừ. (Hùynh Sang) “.

© T.Vấn 2009

Bài Mới Nhất
Search