T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Ngày xưa, ở một vùng biển Nam Á, có cơn sóng thần . . .

Viết thêm của tác giả :

Những ngày này, cả thế giới lại một lần nữa kinh hòang trước những đổ vỡ mất mát cả về người lẫn của sau trận động đất ở Haiti, một quốc gia nhỏ bé nằm trong khu vực Tây bán Cầu với dân số chỉ độ trên 9 triệu người. Chợt nhớ vài năm trước, nhân cơn hồng thủy Tsunami ở vùng biển Đông Á giết chết hơn 250 ngàn người, tôi có viết lên những suy nghĩ của mình. Đọc lại, thấy thảm kịch nào cũng giống nhau.

Ngày hôm nay, thảm họa thiên nhiên xảy ra nơi này, ngày mai, lại xẩy ra nơi khác. Cảm được cái mong manh bất trắc của phận làm người. Và tuy biết thế, vẫn phải sống, vẫn phải ra sức tái tạo sau đổ vỡ. Như ông già ngồi nướng cá bên cạnh những xác chết ở đọan cuối bài. Vì ngày mai, ông còn rất nhiều việc phải làm. Sau trận động đất kinh hòang ở Haiti, ngày mai, rất nhiều con người vẫn phải cố gắng gạt lệ mà sống, vì bao nhiêu việc phải làm đang chờ sẵn.

Tôi giới thiệu bài viết cũ, như một nhắc nhở, bất kể bao thương đau khổ nạn, chúng ta vẫn cần phải sống để tái tạo tương lai, tái tạo thế giới, cho những thế hệ mai sau.

T.Vấn

14-01-2010

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan.
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ.
Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người.

(Trầm Tử Thiêng)

1.

Những con số thản nhiên và lạnh lùng .

7 giờ sáng một ngày chủ nhật bình thường như những ngày chủ nhật khác. Mọi người nghỉ ngơi sau một tuần làm việc. Những gia đình đưa nhau đến chùa, đến nhà thờ hay rất bình thường, tìm những giây phút đoàn tụ bên nhau. 7 giờ sáng – hay chính xác hơn, 6 giờ 58 phút giờ GMT, ngày chủ nhật sau Lễ Giáng Sinh, một trận động đất mạnh 9 .0 độ Richter diễn ra ngoài khơi Ấn Độ Dương, ngay khúc eo vây quanh bởi 5 nước Châu Á: Nam Dương, Mã Lai, Ấn Độ, Tích Lan và Thái Lan. Không ai trong khu vực ảnh hưởng hay biết. 2 tiếng rưỡi đồng hồ sau, những đợt sóng thần cao từ 6 đến 12 thước gây ra bởi sức chấn động của lòng đại dương, ầm ầm tràn vào các khu vực duyên hải, các hải đảo, các làng mạc, các khu nghỉ mát với tốc độ 500 dặm một giờ. Đường đi của nó chạy dài từ quần đảo Sumatra của Nam Dương, vòng quanh các nước trong khu vực, và truyền âm hưởng đến tận khu vực Sừng Châu Phi (Horn of Africa).

Tsunami, hay sóng thần. Nguyên gốc từ Nhật Bản. TSU: có nghĩa là bất thường. NAMI: Sóng.

2.

Nạn nhân của cơn cuồng nộ kinh khủng nhất của đất trời kể từ khi có lịch sử tới nay không chỉ là những người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, mà còn bao gồm cả những du khách đến từ Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc. Nói cách khác, trong những xác người chất đống cao như những đống rác thải ra sau những ngày nghỉ lễ, là đủ các sắc dân loài người, nói đủ các thứ ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Ấn, Thái, Mã Lai, Nam Dương, đủ các màu da đen, trắng, vàng, nâu, có đủ thứ đức tin tôn giáo khác nhau Phật, Chúa, Hồi, Ấn, Vô Thần, đủ các lọai chính kiến từ Bảo Thủ đến Cấp Tiến, đủ các loại nghề nghiệp từ hạ tiện cho đến địa vị cao trong xã hội, đủ các thành phần từ bất hảo đến lương thiện, kẻ nổi tiếng và người vô danh, kẻ nghèo khổ chạy ăn từng bữa và các nhà triệu phú.

Chưa bao giờ trong lịch sử có giai cấp của nhân loại, người ta thấy một sự hợp nhất như vậy, dù là sự hợp nhất trong một số phận bi thảm.

3.

Con số người chết, sau hơn 3 tuần lễ được thống kê là khoảng 170 ngàn người. Nếu kể thêm cả những người còn mất tích thì sẽ là 210 ngàn. Cộng thêm với 500 ngàn người bị thương từ nặng đến nhẹ cần được sự chăm sóc thuốc men. Một triệu người trở thành những kẻ không nhà, không làng mạc để nương thân, vì những làng mạc của họ sau một ngày chủ nhật đã không còn trên mặt đất loài người nữa. Từ 3 đến 5 triệu người khác trong khu vực thiếu thốn nước sạch, thực phẩm, chỗ trú ẩn và các phương tiện chăm sóc y tế tối thiểu khác.

Người chết đã yên phận người chết. Điều làm cả thế giới lo ngại là những người còn sống, con số khoảng 5 triệu nói ở trên, nếu họ không được quan tâm đến kịp thời, con số tử vong do hậu quả là bệnh tật, tuyệt vọng sẽ còn tiếp tục gia tăng mỗi ngày.

4.

Những ngày này, trong bối cảnh một cuộc chiến tranh khủng bố, và kể từ thảm nạn tháng 11 năm 2001 tại thành phố Nữu Ước, người ta đã coi nhẹ hoặc ít nhất, quên đi tầm tác hại khủng khiếp do những biến cố do thiên nhiên gây ra như động đất, lụt lội, mưa bão. Phải đợi đến trận sóng thần có một không hai trong lịch sử loài người vừa xảy ra, chúng ta mới thấy hết được cái mong manh của mạng sống con người so với sức mạnh của thiên nhiên, dù cho đã có biết bao thành tựu khoa học nhằm mục đích ngăn chặn, tiên đoán, kiềm chế những bất thường của thiên nhiên. Bài học lớn nhất, mà chúng ta có thể rút ra được, hiện nay, là làm sao sống còn sau thiên tai và tái dựng lại cuộc sống.

5.

Hiển nhiên là từ những dữ kiện và thông tin thu thập được, quả là một thử thách, không những cho những nạn nhân trực tiếp của trận sóng thần, mà còn cho cả thế giới – nhờ những phương tiện kỹ thuật tối tân, đã khóc chung được với nhau những giọt nước mắt dù ở cách nhau một đại dương, dù ở cách nhau hàng mấy lục địa – trong việc giúp cho 5 triệu nạn nhân đứng trở lại được trên đôi chân của mình, tái dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh viện, làng mạc từ những đống gạch gỗ ngổn ngang. Nhưng thử thách ấy rồi sẽ vượt qua được. 5 hoặc 10 năm nữa, những đổ nát của hôm nay sẽ chỉ còn là ký ức, ít nhất là trên bề mặt. Những xác người, dù là hàng trăm ngàn, đang được hỏa thiêu và chôn cất. Những đứa trẻ ngơ ngác thất thần kia, rồi đây sẽ khôn lớn, trưởng thành. Dù may mắn còn mẹ hay còn cha, hay được nhận đi làm con nuôi ở một xứ sở xa xôi nào đó, hay, chỉ èo uột lớn lên từ những trại mồ côi hẩm hiu, nghèo khổ.

Rồi đây, những hình ảnh thảm thiết hôm nay, sẽ chỉ còn được lưu trữ trong các thư viện ở khắp nơi trên thế giới. Và người đời sau, có nói đến thì cũng như kể về một câu chuyện cổ tích nào đó. Ngày xưa, ở một vùng biển Châu Á, có một cơn Sóng Thần . . .

6.

Nhưng . . .

Hơn bao giờ hết, tôi thấy hết được sự bất lực nghèo nàn của ngôn ngữ con người, bất kể đó là thứ ngôn ngữ có hàng mấy ngàn năm cho đến những ngôn ngữ non trẻ ở những quốc gia giàu mạnh, được biết đến hầu như khắp thế giới. Một tuần lễ sau trận sóng thần khủng khiếp, có biết bao điều để nói, vậy mà ngôn ngữ không có khả năng diễn đạt hết. Tôi chỉ thấy những cái miệng ngậm chặt, câm nín. Cả đến tiếng khóc cũng không có nhiều như tôi tưởng. Và vì thế, tôi sợ phải nhìn vào những đôi mắt. Chúng sẽ ám ảnh tôi không biết đến bao giờ. Những đôi mắt khô khốc, không sinh khí, những đôi mắt từ nay sẽ nhìn thế giới với một nhãn quan hoàn toàn khác hẳn.

Người ta có thể đổ vào khu vực thiên tai này hàng tỉ tỉ đô la với những tấm lòng đùm bọc chia sẻ chân thành, như những ngày này cả thế giới đang hết sức bảo nhau làm một chút gì cho những con người khốn khổ kia. Khoa học kỹ thuật tối tân có thể gởi đến những y sĩ với bàn tay kỳ diệu của kiến thức, tấm lòng nhân hậu của từ mẫu, những máy móc dụng cụ y khoa tinh xảo. Những thứ ấy chỉ có thể cứu những người thương tích, làm giảm nỗi đau thể xác, xây dựng lại những ngôi nhà, đường xá, làng mạc. Nhưng chúng vẫn chưa kỳ diệu đến độ có thể đem sự sống cho những xác người cứng đơ nằm kia, chưa kỳ diệu đến độ có thể chữa được những vết thương rỉ máu từ bên trong của những người sống sót, chưa kỳ diệu đến độ có thể trấn an được những nỗi thất thần sẽ theo những trẻ em suốt đời chúng, để mỗi khi bị bắt phải đi tắm, chúng sợ hãi nhìn vòi nước phun ra có dáng dấp của những đợt sóng thần sát nhân ngày nào.

Đứng trước thực tại ấy, ngôn ngữ bỗng thấy mình ngu muội khi vừa định mở mồm, nói gì đến việc sửa chữa, tái tạo.

7.


Một người già, nước da xạm nắng, khuôn mặt có những nếp nhăn khắc khổ. Ông ngồi như chết ngồi bên những cái hố khổng lồ đầy xác người. Phía sau lưng ông là một làng mạc hoàn toàn bị phá hủy. Trước mặt ông, một bé gái mặt sưng vù và đầy những vết xước, đưa bàn tay lấm đất cát chùi vội giọt nước mắt chảy dài trên má. Nhìn hai người – ông già và em bé – tôi có cảm tưởng như chính tôi và đứa con gái nhỏ của tôi đang đứng chờ sự phán xét của Thượng Đế trong ngày phán xử cuối cùng mà tôi được nghe nói đến từ những ngày nhỏ trong các buổi học thánh kinh ở nhà thờ. Ranh giới giữa sống và chết, tồn tại và hủy diệt, hư vô và hiện hữu đã bị những con sóng dữ cuốn đi mất sạch. Tôi muốn thọc tay vào túi quần xem coi mình còn viên kẹo nào đủ ngọt để làm dịu đi nỗi đau của em bé gái nhỏ tội nghiệp kia. Nhưng tôi lại sực nhớ ra là đâu có còn ranh giới giữa đau đớn và chai sạn, giữa em bé gái kia – ở một nơi nào đó trên đường đi của Thần Sóng – và tôi – đang ngồi bình yên ở một góc nhỏ của quả đất, cách xa em hàng vạn dặm. Tôi và em, và ông già – ngồi ngạc nhiên thấy mình sao không nằm chung dưới hố với con, cháu, làng xóm, bạn bè kia, – chúng ta, đều mang chung một thân phận mong manh của con người. Thôi thì chúng ta chia nhau mỗi người một chút nỗi đau, cho lòng tôi được bình yên, nghe em! nghe cụ!

8.


Người Việt mình hay nói chung vui, nhưng chia buồn. Quả nhiên, nỗi đau được chia ra thì nó nhẹ đi, hay ít nhất, chúng ta tưởng rằng nó nhẹ đi. Dẫu sao, đôi khi con người ta cần những ảo tưởng. Nếu không thế, thế giới sẽ nổi điên dễ dàng. Một tuần lễ trôi qua trước những tin tức người chết gia tăng mỗi ngày, những hình ảnh bi thảm truyền trực tiếp trên màn ảnh truyền hình. Tôi đã được nghe tiếng thút thít trong những phòng khách yên lành của nước Mỹ khóc theo với những nạn nhân trực tiếp ở cách xa họ hàng ngàn ngàn dặm đường. Và những tấm lòng rộng mở, những đồng bạc nhân hậu dù ít dù nhiều, cũng đầy ắp những sự chia xẻ. Để cho những nỗi đau kia nhẹ bớt đi.

Cùng với những con số người chết tăng lên từng giờ, con số về những đóng góp chia sẻ của từng người, từng tổ chức, từng quốc gia trên thế giới cũng tăng lên theo từng giờ. Chưa bao giờ trong lịch sử các thảm họa thiên nhiên, sự trợ giúp những nạn nhân lại có được tầm mức vĩ đại, nhanh chóng như những ngày vừa qua.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng
Bao sinh linh nhận phép giải oan.
Xiết tay nhau cúi đầu gạt lệ.
Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người .

(Trầm Tử Thiêng)

9.

Trong khi đó, ở chiến trường quen thuộc Iraq, Trung Đông, những trận chiến vẫn xảy ra. Trong ngày chủ nhật sau lễ Giáng Sinh, những người Iraq cho đặt bom nổ ở một tòa nhà làm chết 20 người Iraq khác. Ở Trung Đông, những âm mưu vẫn được bàn tính để cho có thêm người chết. Một bên là những mất mát hủy diệt gây ra bởi thiên tai, cả thế giới đổ xô đến để giúp đỡ. Một bên là những mất mát hủy diệt gây ra bởi chính con người vì tranh giành quyền lợi, khác biệt chính kiến, tôn giáo, chủng tộc. Đó là chưa kể những kẻ điên khùng quỷ ám, lấy sự khổ đau của người khác làm lẽ sống và sự cứu chuộc cho mình. Ở một nghĩa nào đó, quả thực, Ngày Phán Xử Cuối Cùng đã xảy đến với một số người. Như một lời cảnh báo.

10.


Buổi chiều hôm Chủ Nhật sau khi cơn sóng thần làm giảm đi hơn 150 ngàn mạng sống trong tổng số dân cư của thế giới, trong khi cả thế giới khóc than cho người chết, thì trên bờ biển ở một làng đánh cá thuộc miền Đông Ấn Độ, có một người già, lẹp kẹp lê đôi dép vẹt mòn ra ngồi nhặt những con cá đã chết ươn do sóng thần đánh vào bờ từ buổi sáng. Dẫu có thế nào, người ta cũng phải sống cho hết đời mình, dù chỉ còn những ngày cuối cùng. Dù ngày mai, một cơn hồng thủy khác lại đổ xuống, một ngọn núi lửa khác lại phun lên, một trận động đất khác lại diễn ra nuốt chửng nhiều thành phố làng mạc. Dẫu cho cả gia đình ông, con cháu, hàng xóm đã nằm cứng đơ một chỗ như những con cá ươn kia, nhưng ông, kẻ sống sót – tự nguyện hay bắt buộc – vẫn cần phải ăn, để lấy sức mà chôn cất người chết, xây dựng lại xóm làng.

Giữa ngổn ngang của đổ vỡ và mênh mông của đất trời, ông già nhúm lên một ngọn lửa trên bãi biển, xiên những con cá chết vào một cành cây gẫy, chuẩn bị nướng chúng cho bữa ăn chiều.

Ngày mai, ông còn rất nhiều việc phải làm.

(c)T.Vấn 2006

Bài Mới Nhất
Search